Thứ Bảy, 09/07/2019 - 11:31 — VietTuSaiGon
Người ta cần phải nhớ rằng, dù như thế nào chăng nữa,
thì giáo dục, ngoài chức năng trao truyền tri thức, thì chức năng tạo nguồn cảm
hứng và truyền lửa yêu thương để dần đi đến một xã hội hòa ái, thế giới đại đồng
và lấy yêu thương làm nền tảng là chức năng nòng cốt, là sứ mệnh của giáo dục.
Và, giáo dục thời bình, chức năng tạo cảm hứng, nuôi lửa yêu thương lại cần phải
được đề cao nhiều hơn. Giáo dục thời bình khác với giáo dục thời chiến, đặc biệt
là giáo dục thời chiến cùa người Cộng sản, chức năng “sao đỏ” được lồng ghép
trong giáo dục như một thứ mật vụ giáo dục, nó giúp người ta phát giác và nhanh
chóng đấu tố kẻ địch trộn lẫn trong hàng ngũ… Nhưng thời bình, nó phải được loại
bỏ khỏi giáo dục!
Và, chức năng phát giác này không riêng miền Bắc, cả
miền Nam thời chiến cũng có các thầy giáo biệt phái từ quân đội. Nhưng khác với
miền Bắc, chức năng phát giác của lực lượng miền Nam được lồng ghép với giáo dục,
với tri thức và đạo đức. Một nhà giáo biệt phái từ quân đội phải đảm bảo có
năng lực dạy học vượt bậc các đồng nghiệp, có sức cuốn hút và chinh phục học
trò một cách khác thường và phải am tường về chính trị để nếu gặp những đối tượng
có “màu sắc khác thường” thì không cần dùng đến các biện pháp bắt bớ mà chỉ cảm
hóa một cách khéo léo, biện pháp bắt bớ là giải pháp cuối cùng.
Ngược lại, các đội sao đỏ miền Bắc không có chức
năng phát giác, cảm hóa hay giáo dục. Và đối tượng của họ cũng khác, đó là các
học sinh cùng trang lứa, có trình độ, tri thức ngang với họ. Hơn nữa, có một vấn
đề đặc biệt là nếu như miền Nam vẫn trong tình trạng xôi đậu, Mặt trận dân tộc
giải phóng miền Nam vẫn âm thầm hoạt động, mở rộng biên độ và cường độ trong
lòng thể chế Việt Nam Cộng Hòa, trong một ngôi trường có thể những thành phần
Việt Cộng nằm vùng chen lẫn chiếm 10%, 20%, thậm chí hơn thế… Thì miền Bắc, rặt
một loạt Cộng sản, không có chuyện xôi đậu nửa Cộng sản nửa Cộng Hòa như miền
Nam. Nhưng, các đội sao đỏ ở miền Bắc được tổ chức rất chặt chẽ, mục đích ra đời
của các đội này không phải để phát giác các gián điệp hay kẻ phản động mà để
răn đe và đấu tố. Bất kì học sinh nào có thái độ không kính trọng Bác, không biết
ơn Đảng và không sẵn sàng chết vì Đảng thông qua cử chỉ, lời nói… Thì lập tức bị
mang ra đấu tố trước trường.
Và, sao đỏ được trao những quyền hạng chẳng khác nào
một loại công an sân trường, vửa nắm trật tự trị an học đường, vừa theo dõi,
bám sát mục tiêu, vừa rình mò xem bất kì người nào rơi vào tầm ngắm và đáng sợ
hơn cả là sao đỏ có quyền răn đe (bạn đồng lứa) như một quan tòa/công an/giáo
viên/đàn anh đàn chị trước một học sinh nào không may rơi vào tầm ngắm của họ.
Việc đấu tố này không nặng nề, chết người so với cuộc
đấu tố trong cải cách ruộng đất tại miền Bắc nhưng chắc chắn cũng đủ nặng để
các học sinh phải lưng mật vì sợ. Và chính vì cái nỗi sợ này cộng với các bài
thơ, các chương trình giảng văn đầy sắt máu, những bài thơ theo kiểu “giết, giết
nữa giết không ngưng nghỉ” của Tố Hữu hay ngay cả quốc ca đầy máu me kiểu “đường
vinh quang xây xác quân thù” mà học sinh miền Bắc chỉ biết khi Đảng kêu gọi lên
đường là lên đường, cầm súng, bắn và giết. Đương nhiên, trong chiến tranh, đôi
khi sự man rợ và tàn nhẫn của giáo dục đã tiếp sức cho các chiến thắng và để được
chiến thắng, người ta đạp qua mọi phương tiện có tính người, đi trên con đường
phi nhân, để đến mục đích cuối cùng là chiến thắng. Bất chấp mọi thứ, miễn sao
chiến thắng, đó cũng là một kiểu qui luật chiến tranh của người Cộng sản.
Nhưng, đó là qui luật thời chiến.
Hiện tại, Việt Nam, dù nhìn nhận theo cách gì thì
cũng đang trong thời bình, hai miền Nam – Bắc không còn phải nổ súng vào nhau
hay ngồi vào bàn đàm phán nữa. Mục tiêu hướng tới của Việt Nam phải là một
tương lai tươi sáng, tuổi trẻ biết sáng tạo, kiến thiết quốc gia, người lớn biết
dạy cho tuổi trẻ lòng yêu thương, yêu quốc gia, dân tộc và tôn trọng quyền làm
người của đồng loại. Và, không có gì đáng sợ cho việc phát triển cá nhân hơn
chuyện mất tự do, luôn bị soi mói hoặc luôn mang tâm thế bất an khi làm bất kì
việc gì. Sự bất an trong học đường giết chết trí thông minh, làm thui chột óc
sáng tạo và xóa nhòa ranh giới giữa nhân tính và thú tính, giữa con và người.
Vì lẽ, nếu bằng thực tế suy xét và so sánh nền giáo
dục miền Nam trước và sau 1975, rõ ràng học sinh miền Nam kể từ sau 1975 đến
nay, mức độ hung dữ và tàn bạo cao hơn rất nhiều, những hành vi máu lạnh ngày
càng gia tăng. Với học sinh miền Bắc từ sau 1975 đến nay, mức độ máu lạnh cũng
gia tăng. Bởi thời chiến, mục tiêu là kẻ thù rất rõ rệt gồm Mỹ và Ngụy. Ngược lại,
trong thời bình, hai mục tiêu này không còn nhưng mọi chức năng sao đỏ vẫn giữ
nguyên thì đương nhiên, sao đỏ phải tự nặn ra mục tiêu mới, sự thù hận, soi mói
và tàn nhẫn bị mất mục tiêu, chuyển sang mục tiêu mới “phe ta đánh phe mình” để
lấy điểm, lấy số lấy má. Chính vì vậy mà các video clip bạo lực học đường, học
sinh miền Bắc hoặc nói giọng Bắc đánh nhau rất cao, thậm chí cắt tóc, lột áo quần
của bạn cũng chỉ có ở miền Bắc hay giọng Bắc. Tôi nhấn mạnh yếu tố miền Bắc
không nhằm kì thị vùng miền mà muốn nhấn mạnh đến vấn đề mục tiêu thù hận đã bị
chuyển. Và học sinh miền Nam cũng không thoát hệ lụy này khi các đội sao đỏ được
trao một số quyền và chức năng giống như một loại cảnh sát học đường.
Và, có một qui luật dễ nhận biết trong thế giới loài
người, đó là nơi nào có nhiều công an, cảnh sát và nhà tù thì nơi ấy tội phạm
gia tăng một cách khủng khiếp. Điều ấy như một thứ qui luật cung – cầu trong xã
hội. Trong môi trường học đường, cái cán cân cung – cầu lẽ ra ngành giáo dục cần
phải kích hoạt đó là triết lý về giáo dục và người trẻ chiêm nghiệm, thục đắc
triết lý này trên căn bản yêu thương, khai phóng và sáng tạo chứ không phải thứ
qui luật cung cầu trong ngành cảnh sát, trong trò chơi an ninh. Rất tiếc, giáo
dục Việt Nam đang bị lệch quĩ đạo, ngay cả ông Bộ trưởng giáo dục Phùng Xuân Nhạ
cũng đưa ra ý tưởng “nên học hỏi kinh nghiệm từ ngành công an để áp dụng vào học
đường”. Có thể nói rằng đây là một ý tưởng bệnh hoạn nhất trong lịch sử giáo dục
Việt Nam.
Và, kinh nghiệm sau gần nửa thế kỉ dạy và học cho thấy
mức độ tàn nhẫn, máu lạnh ở học sinh ngày càng tăng. Sự gia tăng bạo lực, máu lạnh
của học sinh vì ngành giáo dục đã đánh mất thiên chức dạy và học, đánh mất hình
ảnh cũng như ranh giới giữa thầy và trò. Nghành giáo dục Việt Nam tự biến mình
thành cái chợ, ở đó người ta có thể mua và bán được mọi thứ, từ con chữ, điểm số
cho đến tình dục. Miễn có nhiều tiền là mua được! Và người ta hành xử, đối đãi
như những người mua kẻ bán dưới sự giám sát của công an gồm Đoàn, Đội, Sao Đỏ,
Lớp trưởng và cả giáo viên chủ nhiệm. Mọi hoạt động không xoay quanh trục tri
thức, khai phóng và sáng tạo mà xoay quanh trục kỉ luật, thi đua và thành tích.
Và với đà này, giáo dục Việt Nam không còn lựa chọn nào khác là xuống hố mặc dù
thành tích trong nước, thành tích khu vực và cả thành tích thế giới từ các giải
toán học, vật lý, hóa học luôn ở mức cao. Trong khi đó, các loại thành tích kiểu
này không còn là mục tiêu hướng đến của các nền giáo dục tiên tiến!
Thiết nghĩ, đã đến lúc Việt Nam nên bỏ thứ tư duy
sao đỏ ra khỏi nền giáo dục. Bởi, một nền giáo dục sinh động không phải là nền
giáo dục tạo ra những cổ máy giải toán tốc độ cao mà là nền giáo dục mà từ đó,
những con người có tri thức, có năng lực, có lương tri, biết khóc cười, biết
yêu thương đồng loại và biết yêu tổ quốc tựa thân thể mình… được dạy bảo, được
trưởng thành. Chỉ như vậy, đất nước mới tồn tại và phát triển! Lại một năm học
mới bắt đầu, có rất nhiều vấn đề để bàn, để nói và để hành động!
--------------------------------------------
Diễm Thi, RFA
06/09/2019
Ám ảnh "Sao đỏ"
Năm học mới 2019-2020 vừa chính thức khai giảng vào
ngày 5/9 thì ngay ngày hôm sau 6/9, các trang mạng xã hội lan truyền bức ảnh
hai học sinh đang đứng - một trai, một gái - đeo băng “SAO ĐỎ” trên cánh tay. Học
sinh gái đang chống nạnh; học sinh trai đang chỉ vào mặt một học sinh khác đang
ngồi ngay tại sân trường bày biện rất nhiều hàng ghế (có lẽ trong ngày khai giảng).
Bức ảnh lập tức khơi lại ký ức buồn vui của rất nhiều người từng ngồi dưới mái
trường XHCN sau năm 1975 ở miền Nam Việt Nam.
Một giáo sư từng giảng dạy ở Việt Nam, Giáo sư Phạm
Minh Hoàng, cho biết ông sửng sốt khi nhìn thấy bức ảnh này, hình ảnh mà ông
liên tưởng trong các cuộc cải cách ruộng đất từ 50 năm trước ở miền Bắc Việt
Nam. Ông cho rằng những hình ảnh như thế nếu có thì chỉ xảy ra với người lớn
trong các tổ chức đoàn, đảng, chứ không thể với các em học sinh. Tuy vậy ông nhận
xét rằng lối kiểm soát tư tưởng và hành động của học sinh không chỉ xảy ra ở
các trường tiểu học hay trung học, mà nó xảy ra ở cả bậc đại học theo một hình
thức khác:
“Thời ở Việt Nam tôi làm việc trong lãnh vực giáo dục,
tôi thấy trên đại học không có hình thức sao đỏ. Tôi chưa hề thấy một em học
sinh nào đeo băng đỏ. Nhưng trên đại học họ kiểm soát một cách tinh vi hơn. Tất
cả mọi trường đại học đều có cơ sở đảng. Văn phòng Bí thư đảng ủy thường thường
nằm bên cạnh phòng Hiệu trưởng. Có những trường đại học, ông Hiệu trưởng là Bí
thư đảng ủy luôn. Ở dưới thì có phòng công tác chính trị, phòng này quyền hạn rất
lớn.”
Trước ngày khai giảng, trên trang web trường THCS Lê
Văn Tám ở Quận Bình Thạnh, TPHCM đã có chương trình “Tập huấn cho Cán bộ lớp,
Sao đỏ - Năm học 2019 – 2020” với thành phần tham dự và chương trình chi tiết với
mục đích “Nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức, kĩ năng cần thiết khi làm
nhiệm vụ lớp trưởng, lớp phó, sao đỏ”.
Cô giáo Huỳnh Thị Xuân Mai, một giáo viên trung học,
trải qua mấy mươi năm đứng lớp, bị ép nghỉ việc vì lên tiếng cho sự thật, nói về
đội Sao đỏ hiện nay:
“Hồi đầu nó là đội “Cờ đỏ”, sau này nó biến tướng
thành “Sao đỏ”. Đội sao đỏ này trực tiếp do tổng phụ trách quản lý, mà tổng phụ
trách là giáo viên đảng viên. Nó tệ là do nó chạy theo thành tích. Đội Sao đỏ lập
ra để theo dõi các bạn học cùng lớp.
Mấy em Sao đỏ chấm điểm các bạn trong tổ, trong lớp,
rồi lớp này chấm lớp khác. Nhưng các em chấm không trung thực. Có những cái
tiêu cực xảy ra, chẳng hạn như một em Sao đỏ có thể dùng quyền lực của mình để
bắt bạn mình phải hối lộ, có thể là tiền để không bị ghi tội.”
Ông Minh Đức, một phụ huynh có hai con đang học tiểu
học và trung học nhận định việc hoạt động của đội Sao đỏ trong các trường học ở
Việt Nam là mầm mống của việc kiểm soát và bị kiểm soát đối với người dân từ
bao lâu nay. Chính quyền muốn tạo cho các em học sinh thói quen chấp nhận việc
này từ trong môi trường học đường:
“Cộng sản họ luôn muốn kiểm soát quần chúng tất cả mọi
hành vi, thậm chí cả về tư tưởng. Nếu có ai hoặc có điều gì trái chiều với họ
thì tùy mức độ, họ sẽ "uốn nắn" lại. Chủ trương là tập cho người dân
quen dần đến mức mặc nhiên chấp nhận việc bị kiểm soát là tất yếu. Đây là một sự
lạm dụng quyền lực.”
Hiện nay trong các trường từ bậc tiểu học đến trung
học đều có đội Sao đỏ. Nhiệm vụ của đội này là theo dõi và chấm điểm mọi hoạt động
của học sinh, từ việc đeo khăn quàng đỏ, giờ giấc vào lớp cho đến trang phục,
cư xử…
Ngoài việc chấm điểm các bạn cùng lớp, đội Sao đỏ
còn có nhiệm vụ chấm điểm lớp khác. Những điểm số này là cơ sở để đánh giá thi
đua của từng lớp. Kết quả thi đua của lớp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lương, thưởng
của giáo viên, khiến giáo viên cũng ngán Sao đỏ và tìm cách dạy học trò lớp
mình cách đối phó với Sao đỏ lớp khác.
Ảnh hưởng đến trẻ ra sao?
Đội Sao đỏ trong các trường học được trao rất nhiều
quyền lực trong tay. Các em được giao việc như những “công an viên” trong nhà
trường như luôn đi canh, đi bắt những học sinh vi phạm.
Theo giáo sư Phạm Minh Hoàng thì điều khủng khiếp nhất
là các em nhỏ hoàn toàn không có ý thức gì về chính trị khi dùng quyền của mình
để kiểm soát người khác. Ông nói thêm:
“Một đứa bé mà đã có quyền được chỉ vào mặt các bạn
khác, rồi giao cho các có quyền đi kiểm tra, thậm chí có thể trừng phạt các em
khác và cho ý kiến của mình lên thầy cô chủ nhiệm thì nó đưa đến việc, mà tôi
xin lỗi xài chữ hơi hạ cấp, đó là “chó săn” từ hồi nhỏ. Tất cả những cái đó nó
nhiễm vào đầu óc các em, các em sẽ trở thành những con người sống để kiểm tra,
canh chừng đời sống, thậm chí tư tưởng người khác.”
Đó là giáo sư Hoàng nói về các em trong đội Sao đỏ.
Còn với các em học sinh bị theo dõi, kiểm soát thì giáo sư lo ngại các em học
sinh sẽ không còn được hưởng đời sống của học sinh khi mà lúc nào cũng lo lắng
chuyện bị những người bạn mình, những người cùng “đánh đinh đánh đáo” mỗi ngày,
có thể báo cáo những việc mình làm cho thầy cô.
Cô giáo Xuân Mai thì nói thẳng rằng sự tồn tại của đội
Sao đỏ mang tính phản giáo dục, bởi thay vì dạy cho các em học sinh phải vô tư,
phải ngây thơ, trong sáng, hòa đồng, thân thiện và thương yêu bạn bè, thì lại dạy
các em thành những đứa trẻ chuyên đi rình rập bạn bè như “mật vụ, mật thám”.
Cô cho biết cũng có nhiều phụ huynh và giáo viên phản
đối việc này nhưng mọi việc vẫn không thay đổi, bởi đảng cộng sản muốn đào tạo
ra một thế hệ như thế!
“Sao đỏ ảnh hưởng đến nhân cách của các em. Nó giáo
dục cho học sinh tính xấu là bắt nạt bạn, dùng quyền lực bắt bạn cống nạp tiền.
Những em nhút nhát thì trở thành hèn vì bị bạn bắt nạt mà không dám nói.
Đảng muốn đào tạo các em học sinh từ lúc nhỏ có những
mầm mống xấu. Những em đó được coi như lực lượng hậu bị cho những người cộng sản,
bởi chế độ cộng sản phải có những người cộng sản, mà những người cộng sản là những
người rình rập đồng đội mình, đồng nghiệp mình rồi tranh giành quyền lực, cấu
xé nhau…”
Liên quan việc tồn tại các đội Sao đỏ như hiện nay,
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già có bài viết trên facebook cá nhân, trong đó có đoạn:
“Đừng biến con trẻ hoặc hèn nhát, vụng trộm hoặc côn
đồ, bạo lực để giải quyết mọi vấn đề, để rồi từ đó làm cho cả cuộc đời những đứa
trẻ này quen thói đi rình mò, lén lút, nhỏ mọn, trịch thượng, ngạo mạn, tự huyễn
hoặc về quyền lực một cách vô lối hoặc du côn, thù vặt, dùng nắm đấm đối với bất
cứ ai đụng vào mình.
Đừng cướp tuổi thơ trong sáng của con trẻ nữa!
Đừng biến con trẻ thành "công cụ cai trị"
nữa!”
No comments:
Post a Comment