RFA
05/09/2019
"Những bản án tù nặng không bao giờ khiến cho quan chức Việt Nam
chùn bước trong tham nhũng"
Truyền thông trong nước vào ngày 4 tháng 9 dẫn nguồn
từ Cơ quan điều tra cho biết trong vụ án liên quan thương vụ Mobifon mua 95% cổ
phần của AVG (gọi tắt là vụ án AVG), cơ quan này đề nghị bị can Phạm Nhật Vũ được
áp dụng chính sách hình sự đặc biệt và cần được xem xét các tình tiết giảm nhẹ
trong quá trình truy tố và xét xử.
Ba trong số 14 bị
can bị khởi tố trong vụ án AVG (từ trái sang) : Phạm Nhật Vũ- Trương Minh Tuấn-
Nguyễn Bắc Son - RFA Edited
Đài RFA có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Công Định để
tìm hiểu về đề nghị vừa nêu của Cơ quan điều tra. Trước hết, Luật sư Lê Công Định
lên tiếng về thuật ngữ "chính sách hình sự đặc biệt" mà Cơ quan điều
tra đề nghị áp dụng cho bị can Phạm Nhật Vũ :
LS
Lê Công Định : "Chính sách hình sự đặc biệt" này, nói thật,
đây là lần đầu tôi mới nghe vì mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật theo
Hiến pháp thì trên nguyên tắc không có bất kỳ một đạo luật nào có thể đặt ra những
quy chế đặc biệt dành cho bất kỳ công dân nào, kể cả người đó là quan chức cao
cấp hay có công với đất nước chăng nữa
Trong Bộ luật Hình sự có quy định những tình tiết giảm
nhẹ, trong đó cũng đã xét đến nhân thân của những bị can, bị cáo rồi. Theo đó
có thể họ có công với đất nước, được thưởng những huân chương chiến công thì đó
là một tình tiết được xem xét giảm nhẹ hình phạt nhưng không có nghĩa là áp dụng
một "chính sách hình sự đặc biệt" nào dành cho bất kỳ công dân nào.
Cho nên, một "chính sách hình sự đặc biệt" để áp dụng cho những quan
chức là bộ trưởng trong vụ án AVG, đối với tôi đó là điều rất lạ tai.
RFA
: Thưa luật sư, còn về đề nghị của Cơ quan điều tra
cho việc xem xét tình tiết giảm nhẹ đối với bị can Phạm Nhật Vũ là do bị can chủ
động hủy bỏ hợp chuyển nhượng, góp phần tối đa làm giảm thiệt hại cho Nhà nước.
Trong khi đó, hai ông cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn xin nộp
lại tiền đã nhận hối lộ của bị can Phạm Nhật Vũ lên đến hơn 6 triệu đô la Mỹ
(USD). Dự luận cũng đang thắc mắc liệu rằng việc nộp tiền hối lộ để khắc phục hậu
quả như thế cũng sẽ được xem xét là tình tiết giảm nhẹ hay không ? Nhận định của
ông thế nào ?
LS
Lê Công Định : Điều đó có thể áp dụng đối với trường hợp của ông Phạm
Nhật Vũ thôi, bởi vì việc khắc phục hậu quả một cách gần như hoàn toàn không để
cho Nhà nước thất thoát tài sản. Do ông Phạm Nhật Vũ không phải là quan chức,
cho nên việc khắc phục hậu quả đó có thể được xem xét là một tình tiết giảm nhẹ
đối với trường hợp của ông này. Tuy nhiên đối với các quan chức Việt Nam phạm tội
hối lộ, ngay cả khi như ông Nguyễn Bắc Son đề nghị khắc phục hậu quả bằng cách
đưa 500 triệu trong tài khoản cá nhân của mình để khắc phục cho số tiền ăn hối
lộ thì tôi nghĩ đó không phải là hình thức khắc phục hậu quả bởi vì tiền hối lộ
không gây hậu quả trực tiếp trong vụ án này mà đó là một hành vi phạm pháp một
cách trắng trợn và nghiêm trọng, chứ không phải là hình thức gây thất thoát tài
sản cụ thể nào của Nhà nước trong số 3 triệu USD đó mà do ông ấy gây ra. Nếu
xét về hậu quả xảy ra từ mấy ngàn tỷ đồng thì đó mới là lớn, nhưng đã được khắc
phục bởi một cá nhân khác là ông Phạm Nhật Vũ cho nên việc ông Nguyễn Bắc Son
được xem xét tình tiết giảm nhẹ thì tôi nghĩ không thể áp dụng.
RFA
: Theo như ông vừa phân tích, trong vụ án AVG này, nổi
cộm lên thông tin là hai ông cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn hối
lộ số tiền lên đến hơn 6 triệu USD. Với số tiền tham nhũng lớn như vậy thì theo
khung hình phạt của pháp luật hiện hành, hai ông cựu bộ trưởng sẽ đối mặt với bản
án như thế nào, thưa Luật sư ?
LS
Lê Công Định : Với mức tham nhũng cao như vậy thì khung hình phạt đối
với hai ông từ 20 năm cho tới chung thân hay tử hình.
Tôi đoán chắc chắn không có chuyện tử hình ở Việt
Nam đối với những cán bộ cao cấp như vậy đâu. Cùng lắm thì hai ông nhận bản án
chung thân nặng nề thôi.
RFA
: Xin được thưa với Luật sư về một vụ án
khác mà dư luận cũng rất đặc biệt quan tâm, đó là vụ án nông dân Đặng Văn Hiến
bị tuyên án tử hình. Công luận cũng đang trông chờ tòa án xem xét giảm nhẹ hình
phạt đối với ông Hiến. Như vậy trong vụ án của nông dân Đặng Văn Hiến, nếu như
được xem xét giảm nhẹ thì có phải tòa án cũng dựa vào những yếu tố "đặc biệt",
như là yếu tố nhân đạo chẳng hạn, để có thể ít nhiều hình dung về "chính
sách hình sự đặc biệt" mà Cơ quan điều tra đề nghị áp dụng trong vụ án AVG
?
LS
Lê Công Định : Như tôi đã nói, "chính sách hình sự đặc
biệt" đó hoàn toàn là điều lạ lùng và không thể áp dụng trong bất cứ trường
hợp nào dành cho bất kỳ công dân nào.
Trong trường án nông dân Đặng Văn Hiến thì rõ ràng
những tình tiết trong vụ án cho thấy ông Hiến không bị đáng tuyên tử hình vì rất
nhiều lý do, trong đó có một lý do là ông Hiến phạm tội trong tình trạng bị
kích động bởi sự vi phạm pháp luật trắng trợn của đội cưỡng chế đất ở nhà của
ông và trước khi ông ngăn chận việc tấn công của nhân viên đội cưỡng chế đó thì
ông đã bắn chỉ thiên, rồi sau đó ông mới bắn vào những người đến tấn công ông
cùng những người dân ở khu vực đó. Như vậy, ông Hiến rơi vào vào tình trạng
phòng vệ chính đáng. Và có thêm một tình tiết giảm nhẹ nữa là "phạm tội
trong khi tinh thần bị kích động". Những trường hợp đó rất xứng đáng trong
quá trình xét xử để cho tòa án cân nhắc, xem xét áp dụng một mức hình phạt vừa
phải. Ở đây, ông Hiến gần như là không cố tình giết người cho nên tuyên một bản
án tử hình như vậy hoàn toàn trái pháp luật và tôi nghĩ việc giảm án cho ông Hiến
là chuyện đương nhiên ; cho nên mới có việc cựu Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã
nhận được đơn để xin ân xá và toà án cũng đã đề xuất với luật sư của ông về việc
này.
Tôi nghĩ rằng việc áp dụng giảm nhẹ cho ông Hiến
hoàn toàn dựa trên quy định bình thường của Bộ luật Hình sự Việt Nam, chứ không
có bất kỳ một "chính sách hình sự đặc biệt" nào áp dụng trong trường
hợp này, cũng như bất kỳ một trường hợp nào khác.
RFA
: Cảm ơn Luật sư đã giải thích rõ ràng về những quy định
pháp luật liên quan hai vụ án AVG và vụ án của nông dân Đặng Văn Hiến.
Trở lại vụ án AVG, một tình tiết đáng chú ý là hai
ông cựu bô trưởng tham nhũng số tiền lớn hàng triệu USD như vậy. Và trong thời
gian gần đây, những vụ án liên quan lạm dụng chức quyền tham nhũng như vụ án của
ông Đinh La Thăng. Theo nhận định của Luật sư, vì sao các vụ đại án, những quan
chức cấp cao của Nhà nước bị đưa ra xét xử với những bản án nặng nề, nhưng dường
như tình trạng cán bộ lãnh đạo càng ngày càng phơi bày với mức độ nghiêm trọng
hơn ?
LS
Lê Công Định : Bộ máy của một Nhà nước toàn trị và độc tài
không cho bất kỳ một cơ quan độc lập nào để giám sát, để xem xét nó. Ví dụ như
không có tự do báo chí. Thể chế tam quyền phân lập, trong đó các đảng đối lập
có quyền xem xét đến tư cách những bộ trưởng của các đảng cầm quyền, cũng không
có. Cho nên tình trạng tham nhũng đi từ hệ thống chính quyền ở cấp địa phương
cho đến trung ương, từ những cán bộ cấp thấp cho đến những cán bộ cấp cao bị
tràn lan.
Hơn nữa, chúng ta biết ở Việt Nam duy trì một hệ thống
lương bổng rất thấp dành cho các cán bộ công công nhân viên trong ngạch lương của
Nhà nước. Cho nên điều đó mặc nhiên khuyến khích họ lợi dụng chức quyền. Trước
năm 1975 có dùng từ "hối mại quyền thế", tức là họ sử dụng quyền thế
của họ để nhận hối lộ. Như vậy những tội đó không thể tránh khỏi trong bộ máy
hành chính vừa quan liêu, vừa cồng kềnh như thế này.
Do đó, việc chống tham nhũng của ông Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng tất nhiên điều đó rất đáng hoan nghênh và được ủng hộ, nhưng sẽ
không có bất kỳ một hiệu quả nào và nó sẽ phơi bày ngày càng nhiều ra cho toàn
xã hội thấy là bộ máy hành chính nhà nước của Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn toàn
tham nhũng. Và, có thể nói rằng hiện giờ quan chức, cán bộ nào chưa tham nhũng
thì đó là những người chưa bị lộ thôi, chứ còn khui đến đâu thì chắc chắn là ai
cũng tham nhũng cả, từ tham nhũng ít cho tới tham nhũng nhiều. Chúng ta thấy với
mức lương như vậy thì không cách gì mà họ không tham nhũng được, để có thể tự
nuôi sống mình và nuôi sống gia đình mình.
RFA
: Những bản án mà hai ông cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son
và Trương Minh Tuấn sẽ phải đối mặt chưa biết ra sao. Tuy nhiên, qua những bản
án nặng đã tuyên cho các cựu quan chức lãnh đạo cấp cao như ông Đinh La Thăng,
Trịnh Xuân Thanh…thì liệu rằng những cán bộ trong bộ máy chính quyền sẽ tự răn
mình, lấy đó làm gương mà không tham nhũng nữa ? Luật sư nghĩ sao, thưa ông ?
LS
Lê Công Định : Chắc chắn là không. Bởi vì, tham nhũng là một căn bệnh
trầm kha của bộ máy quan chức tại Việt Nam. Và, họ khi đảm nhận một chức vụ, họ
phải dùng tiền để mua nó thì chắc chắn họ phải tham nhũng để tìm cách gỡ gạc lại
số tiền họ đã bỏ ra để mua chức, nhằm kiếm thêm nhiều tiền nữa để nuôi gia đình
và cho con cái họ sống sung sướng.
Cho nên một điều chắc chắn là những bản án nặng đó sẽ
không bao giờ làm cho họ chùn bước không tham nhũng cả. Những bản đó có thể khiến
cho họ sẽ khéo léo hơn, khôn khéo hơn, cẩn thận hơn trong việc nhận hối lộ mà
thôi.
RFA
: Cảm ơn Luật sư Lê Công Định dành thời gian cho cuộc
trao đổi này với Đài Á Châu Tự Do.
No comments:
Post a Comment