VOA Tiếng Việt
23/06/2019
Mỹ
hạ cấp Việt Nam xuống nhóm các nước cần được theo dõi về tình trạng buôn người
trong một báo cáo mới công bố, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam bị đưa vào nhóm
này kể từ năm 2012.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu trong buổi
công bố Báo cáo Buôn người 2019 tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington, ngày
20 tháng 6, 2019.
Việt Nam là một trong số 38 nước được liệt kê trong
Danh sách Theo dõi Bậc 2 của Báo
cáo Buôn Người 2019 do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm thứ Năm. Cấp độ
này thấp hơn Bậc 2 và Bậc 1 nhưng cao hơn Bậc 3.
Các nước nằm trong Bậc 2 được định nghĩa là “chưa
đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn tối thiểu cho việc bài trừ nạn buôn người nhưng
đang có những nỗ lực đáng kể để đạt được điều đó.” Trong trường hợp của Việt
Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ nói chính phủ nước này đã “không cho thấy những nỗ lực tổng
quát gia tăng so với giai đoạn báo cáo trước đây.”
“Việt Nam xác định số lượng nạn nhân buôn người ít
hơn đáng kể so với nhưng năm trước. Các nỗ lực chấp pháp bị ngăn trở bởi việc
hoãn thi công bố những chỉ dẫn thi hành chính thức đối với Điều 150 và 151 của
Bộ luật Hình sự,” báo cáo viết.
Báo cáo cũng chỉ ra “sự thiếu phối hợp giữa các cơ
quan” và “sự thiếu kiến thức” của một số quan chức tỉnh đối với luật chống buôn
người và việc bảo vệ nạn nhân “tiếp tục cản trở” những nỗ lực chống buôn người.
Báo cáo nói thêm chính phủ cũng không báo cáo bất kì cuộc điều tra, việc truy tố,
hay việc kết tội các quan chức đồng lõa trong các vụ phạm tội buôn người.
“Do đó Việt Nam bị hạ cấp xuống Danh sách Theo dõi Bậc
2,” Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Chưa có phản hồi chính thức nào từ Việt Nam nhưng
trước đây Việt Nam từng nói báo cáo này của Mỹ có những nhận xét “không
khách quan.”
Trong phần khuyến nghị ưu tiên, Mỹ hối thúc Việt Nam
huấn luyện các quan chứ về việc thi hành các chỉ dẫn cho Điều 150 và 151 của Bộ
luật Hình sự, “với trọng tâm là xác định và điều tra nạn lao động cưỡng bức và
những vụ buôn người trong nước, bao gồm những vụ có nạn nhân là nam.”
Mỹ cũng kêu gọi Việt Nam chấm dứt việc bắt những người
trong trại cai nghiện tham gia lao động cưỡng bức và cho phép xác minh độc lập
tập tục này đã chấm dứt.
Philippines là nước duy nhất ở Đông Nam Á được xếp ở
Bậc 1. Tuy nhiên báo cáo lưu ý các nước Bậc 1 không phải là không có buôn người
hay đang làm đủ để giải quyết vấn đề này, mà là chính phủ các nước này đã có nỗ
lực giải quyết vấn đề để đáp ứng những tiêu chuẩn tối thiểu theo Đạo luật Bảo vệ
Nạn nhân Buôn người của Mỹ.
------------------
Thanh Trúc - RFA
2019-06-20
2019-06-20
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 20 tháng Sáu công bố phúc
trình thường niên về tệ nạn buôn người trên thế giới; trong đó Việt Nam thuộc
Tier 2 Watch List tức quốc gia có vấn đề buôn người ở bậc 2 và sẽ bị theo
dõi do không đạt những điều kiện tiêu chuẩn nhằm bài trừ cũng như giảm
thiểu tệ nạn buôn người; mặc dù đã có nhiều cố gắng.
Như vậy, sau 10 năm liên tục ở Bậc 2 không còn bị
theo dõi (Tier 2 No More Watch List), năm 2019 này Việt Nam bị Bộ Ngoại Giao Mỹ
xếp bậc 2 có vấn đề buôn người mà còn bị theo dõi (Tier 2 Watch List) vì không
cải thiện đến nơi đến chốn.
Dù đã nỗ lực đáng kể song Việt Nam không hoàn
tất và không đáp ứng đúng mức yêu cầu về những điều kiện ,tiêu chuẩn tối thiểu
trong công việc phòng chống buôn người, là mở đầu phần báo cáo nói về Việt Nam.
Vẫn theo phúc trình, Việt Nam đã áp dụng các điều
khoản hướng dẫn 150 và 151 Bộ Luật Hình Sự, đã có sự tiến bộ trong việc truyền
bá và nâng cao ý thức phòng chống buôn người trong các cộng đồng và địa phương
dễ bị thương tổn, đã triển khai những cơ sở giáo dục phòng ngừa, đã cởi mở hơn
trong việc hỗ trợ, giúp đỡ các tổ chức phòng chống và hỗ trợ nạn nhân bị buôn
bán trong cũng như ngoài nước.
Thế nhưng bất kể mọi cố gắng, vấn đề buôn người
vẫn tồn tại và có phần nặng nề hơn trong hai năm trở lại đây, đặc biệt không
nghiêm túc trong vấn đề điều tra, xử phạt theo luật pháp những hành vị lạm dụng
xuất khẩu lao động để đưa hàng loạt người ra nước ngoài mà không bảo đảm an
toàn, đời sống cũng như công việc cho họ.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã không giải quyết được tệ trạng
được nêu ra trước đây, là bạc đãi và cưỡng bách lao động không công đối với những
người sử dụng ma túy trong các trung tâm cai nghiện. Nhiều chỉ dấu cho thấy có
sự thông đồng giữa viên chức địa phương với những kẻ hoạt động đưa người ra nước
ngoài trái phép, vào lao động bị bóc lột và cả vào đường mại dâm ở bên ngoài;
thế nhưng nhà cầm quyền đã không lưu ý và không giải quyết thỏa đáng theo luật
hiện hành.
Được biết trong phúc trình thường niên của năm 2018,
những vấn đề buôn người ở Việt Nam đã được nêu rõ như phúc trình năm nay, khi
đó Việt Nam vẫn giữ bậc 2 là nước đang có vấn đề.
Tuy nhiên những lý do tương tự như vậy lại được nêu
lại trong năm nay khiến Việt Nam bị đưa trở lại danh sách bậc 2 bị theo dõi
trong phúc trình buôn người trên thế giới 2019, là kết luận của Bộ Ngoại Giao
Hoa Kỳ.
Phát biểu lúc công bố Phúc trình thường niên 2019 về
nạn buôn người, ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói rằng Báo cáo năm nay chú trọng
nhiều vào những cách thức hữu hiệu mà cộng đồng địa phương có thể giải quyết nạn
buôn người một cách chủ động, cũng như cách thức mà nhà nước có thể hỗ trợ và tạo
điều kiện cho các cộng đồng đó.
Vẫn theo lời ông, thế giới hiện đại không có chỗ cho
nạn nô lệ mới, và thông qua các can dự ngoại giao cũng như hành động thúc đẩy,
vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong lĩnh vực này sẽ được tiếp tục duy trì bền vững
trong thời gian tới.
No comments:
Post a Comment