Sunday, 9 June 2019

TỰ DO BÁO CHÍ ĐỂ LÀM GÌ : LÀM TRUNG QUỐC hay ẤN ĐỘ? (Võ Văn Quản - Luật Khoa)




Võ Văn Quản  -  Luật Khoa
09/06/2019

Con đường duy nhất để giải quyết sự xung đột ý thức hệ và những tranh cãi chính trị khác giữa các tầng lớp nhân dân là bằng những biện pháp dân chủ, biện pháp trao đổi, phản biện, thuyết phục và giáo dục; không thể bằng bạo lực hay đàn áp”. (?!)

*
Những lời có cánh của Mao Trạch Đông về giải quyết mâu thuẫn trong lòng xã hội khiến người ta liên tưởng đến một mô hình báo chí tự do. Trao đổi, phản biện, thuyết phục và giáo dục, đó là những điều mà chúng ta luôn có thể kỳ vọng, và được thực hiện một cách dễ dàng nhất thông qua một môi trường báo chí lành mạnh, không bị kiểm soát.

Song thứ báo chí mà Chủ tịch Mao xây dựng dường như lại không nằm trong nhóm “biện pháp dân chủ” như chúng ta tưởng. Hoặc có thể là “dân chủ phương Đông” khác “dân chủ phương Tây” chăng?

Thành tựu kinh tế của Trung Quốc được cho là không cần đến tự do báo chí. Ảnh minh họa: Mark Schiefelbein / The Associated Press

Các nhà báo Trung Quốc được đòi hỏi phải “vừa Hồng vừa Chuyên” (being Red and Expert), một thuật ngữ cũng khá quen thuộc tại Việt Nam. Họ dành một phần ba thời gian làm việc để học chính trị – học nghị quyết, tìm hiểu đường lối chủ trương chính sách của Đảng. Họ phải học cách phê bình và tự phê bình để tránh những “viên đạn bọc đường” (sugar-coated bullets) tha hóa của chủ nghĩa tư bản. Trong phiên bản xã hội chủ nghĩa kinh điển này, không Chuyên có thể trau dồi thêm, nhưng không Hồng thì sẽ phải đối mặt với lao động cải tạo và tạm giam tại gia.

Chính sách tiêu cực này không hẳn không có nguồn gốc. Một cách khách quan, Mao chính là người khởi xướng Bách hoa Vận động, được biết đến tại Việt Nam với tên gọi Trăm hoa đua nở, Trăm nhà đua tiếng (Letting a hundred flowers blossom, Letting a hundred schools of thought contend). Đây là giai đoạn mà, như tên gọi, việc tự do thảo luận về tất cả các vấn đề xã hội tại Trung Quốc là được phép; nhưng nó đồng thời cũng đẩy mạnh làn sóng phe cánh tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Lưu Thiếu Kỳ (Liu Shaoqi) – người được ủng hộ bởi các nhóm trí thức như Thượng Hải tinh anh (gồm sinh viên tại trường Đại học Phúc Đán lừng danh, các nhà báo nổi tiếng ở thời điểm này), cũng như được hậu thuẫn bởi nhiều nhân vật cấp cao của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa khác như Lục Định (Lu Dingyi – lúc đó đương là Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Trung Hoa) hay Hồ Kiều Mộc (Hu Qiaomu – là Trưởng văn phòng Báo chí – Tuyên truyền của Chính phủ Trung ương Trung Hoa trong thập niên 1950) v.v. bắt đầu một chiến dịch truyền thông đối kháng với Mao.

Lưu Thiếu Kỳ là một nhà lãnh đạo Cộng sản quan trọng trong lịch sử Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cũng bị dán nhãn là Khrushchev của Trung Quốc, và là đối tượng chính trị cấp cao bị nhắm đến nhiều nhất trong Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản. Ảnh: Sovfoto / UIG via Getty Images

Lưu, với tư tưởng đậm chất Tây học của mình, vẽ ra kế hoạch bốn điểm cho sự vận hành của báo chí Trung Quốc:

1.    NCNA (New China News Agency) – Tân Hoa Xã cần phải được tổ chức như là một cơ quan dân sự như mô hình của TASS tại Liên Xô hay các cơ quan truyền thông nhà nước phương Tây khác;
2.    Cơ quan truyền thông có quyền đăng tải cả tin tức tích cực lẫn tiêu cực về quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa của quốc dân;
3.    Báo chí cần hạn chế đưa tin tức mang tính chất cổ động, tuyên truyền thái quá;
4.    Phóng viên, nhà báo cần được giữ phong cách viết riêng và phải được phép để danh tính riêng trong bài báo của mình.

Mao Trạch Đông dần nhận ra điều hại nhất của Trăm hoa đua nở: Ông ta không quen với việc bị chỉ trích. Đầu năm 1957, nhiều tác phẩm của Mao bị từ chối xuất bản bởi báo chí nhà nước, kể cả bài viết Con đường đúng về giải quyết mâu thuẫn giữa nhân dân nói trên – tác phẩm mà Mao kỳ vọng sẽ trở thành tôn chỉ định hướng sự phát triển của báo chí toàn quốc. Có tư duy tương phản khá cơ bản so với Lưu Thiếu Kỳ, Mao đưa ra 6 nhận định về mục tiêu của báo chí như sau:

1.    Ngôn từ và hành vi của báo chí truyền thông cần ủng hộ sự thống nhất, không phải chia rẽ giữa các dân tộc, sắc tộc khác nhau;
2.    … cần tạo ra điều kiện thuận lợi cho quá trình tiến lên xã hội chủ nghĩa cũng như việc xây dựng xã hội chủ nghĩa;
3.    … cần hỗ trợ cho việc củng cố nền dân chủ chuyên chế (democratic dictatorship) của nhân dân lao động;
4.    … cần hỗ trợ cho việc tăng cường sức mạnh của dân chủ tập trung;
5.    … cần hỗ trợ tăng cường sức mạnh lãnh đạo của Đảng Cộng sản;
6.    … cần tạo điều kiện thuận lợi cho sự thống nhất xã hội chủ nghĩa quốc tế và sự đoàn kết của các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Với tư duy của người cầm trịch như vậy, không khó để tưởng tượng tương lai của phong trào Bách hoa Vận động. Ngay trong năm 1957, sau khi nhiều tờ báo trên toàn quốc quyết định cho đăng bài có khuynh hướng chống (hoặc phản bác, xét lại) chủ nghĩa xã hội cũng như tư tưởng Mao, phong trào Diệt Cánh hữu khét tiếng được Mao khởi động, dùng vũ lực đẩy lùi làn sóng trao đổi tự do ngôn luận trên báo chí ngắn ngủi tại quốc gia này.

Một cuộc tuần hành trong giai đoạn diễn ra phong trào Diệt Cánh hữu. 500,000 trí thức, nhà báo đã bị cưỡng ép về nông thôn phục vụ vì dám lên tiếng chống Mao trong phong trào Bách hoa Vận động trước đó. Ảnh: South China Morning Post.

Kể từ đó, tư duy quản lý báo chí của Trung Quốc được duy trì cho đến nay, dù mật độ và tần suất đàn áp khác biệt theo từng thời kỳ.

***
Nhưng rồi tự do báo chí thì để làm gì? Sau ngần ấy năm người ta vẫn hỏi nhau câu hỏi đó. Trung Quốc cấm đoán, kiểm duyệt báo chí trong hơn nửa thế kỷ như vậy, nhưng chẳng phải nền kinh tế của họ vẫn đang phát triển thần kỳ, thu nhập của quốc gia tỉ dân này vẫn đang tăng lên chóng mặt hay sao?

Nhiều người bảo nhau hãy so sánh Trung Quốc với Ấn Độ xem sao. Cả hai quốc gia đều cùng khu vực địa lý, đều có dân số khá tương đồng, đều được trời phú cho một nền văn hóa tương đối bảo thủ. Trung Quốc độc đoán và gần như không tồn tại tự do báo chí. Nền dân chủ Ấn Độ, dù không hoàn hảo, lại cung cấp một hệ thống thông tin trao đổi cởi mở hơn; nhưng dường như điều này lại không có lợi gì cho quá trình phát triển của Ấn Độ cả.

Nhìn một cách khách quan, Trung Quốc không chỉ vượt mặt Ấn Độ về tốc độ tăng trưởng kinh tế (dù Ấn Độ đã có tốc độ tăng trưởng rất đáng ngưỡng mộ). Trung Quốc còn vượt Ấn Độ về tỉ lệ người biết chữ, vượt về tuổi thọ trung bình, vượt trội về dịch vụ an sinh xã hội và các chương trình chăm sóc sức khỏe .v.v. Không có tự do báo chí, không có sự lộn xộn của các cuộc đấu tranh tư tưởng, những tranh cãi nảy lửa trên truyền thông, Trung Quốc vẫn đạt được điều mà người Ấn phải mơ ước. Vậy sự lộn xộn ấy có thật sự cần thiết hay không?

Cần thừa nhận rằng với mô hình quyết định từ trên chóp bu xuống, không được thắc mắc hỏi han ý kiến gì thêm, giới lãnh đạo Trung Quốc với quyết tâm đẩy lùi nạn đói, nạn mù chữ mạnh mẽ… đã làm nên những điều phi thường tại quốc gia tỉ dân. Điều này xứng đáng được khen ngợi.

Tuy nhiên, cũng không vì thế mà chúng ta quên rằng một môi trường chính trị thiếu vắng tự do báo chí mong manh đến như thế nào. Dù Trung Quốc đang trên đà thành công, nhưng cái giá phải trả là nạn đói kéo dài từ 1959 đến 1962, được các sử gia ghi nhận đã giết chết hơn 30 triệu người.

Kèm theo đó, những chính sách công chủ quan, thiếu lý tính và cực kỳ gây hại cho cộng đồng cũng không gặp một chút phản kháng.

Từ Đả Ma tước Vận động (Chiến dịch Diệt chim sẻ), đến sự trỗi dậy của Hồng Vệ Binh; từ Đại Nhảy vọt đến Cách mạng Văn hóa; không có lý do nào để biện minh cho tác hại kinh hoàng của các chính sách dựa vào số ít, kiểm duyệt thông tin, không thông qua trao đổi, đối thoại và phản biện dân chủ bằng con đường tự do báo chí.

Ngày nay, các lãnh đạo Trung Quốc đã được trang bị các kiến thức kinh tế pháp luật phương Tây kỹ càng hơn, họ cũng đưa ra những quyết định duy lý và khoa học hơn. Nhưng như với tham vọng hao tiền tốn về một vành đai – một con đường (BRI) của Tập Cận Bình, vốn mang bản chất và quyết tâm chính trị rất cao từ phía lãnh đạo Trung Quốc, việc các nhóm đối lập ở quốc gia này có được một cuộc đối thoại sòng phẳng với chính quyền Trung Quốc về BRI là gần như không thể xảy ra.

Nhìn rộng hơn ra thế giới, sự bất bình thường của Trung Quốc càng không làm thay đổi tầm ảnh hưởng của tự do báo chí, tự do thảo luận đối với sự phát triển kinh tế xã hội của một quốc gia. Tự do báo chí và phát triển kinh tế – xã hội luôn được nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh là hàm đồng biến của nhau.

Biểu đồ trong nghiên cứu của Daily Signal thể hiện mối liên hệ đồng biến giữa sự cởi mở, phát triển của một nền kinh tế cởi mở với tự do báo chí.

Mối liên hệ giữa chúng cũng không phải là một thứ khoa học tên lửa gì đó xa xôi khó hiểu. Báo chí tự do sẽ thay mặt người dân điều tra, phát hiện các vụ tham nhũng, tăng cường sự minh bạch và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Mặt khác, sự tự do này cũng tạo môi trường cho các thành phần trong xã hội, các chuyên gia v.v. tham gia, phát hiện những chính sách tồi; phản biện, thảo luận và đóng góp cho sự hoàn thiện của nó. Khi con đường được vạch ra là đúng về mặt khoa học, cũng như đã thông qua trao đổi và từ đó đạt được sự đồng thuận nhất định từ người dân, hiệu quả kinh tế của chính sách đó gần như sẽ được bảo đảm một cách toàn diện.

Không chỉ vậy, những người ngưỡng mộ sự phát triển kinh tế của Trung Quốc và cho rằng hạn chế tự do báo chí là đúng đắn có lẽ quên hoặc chưa biết rằng sự thiếu minh bạch thông tin đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho các cộng đồng của quốc gia này, dù đây đều là những tai ương hoàn toàn có thể được ngăn chặn, phòng tránh.

Ví dụ, vào thập niên 1990, khi HIV / AIDS bắt đầu lây lan ở Trung Quốc, Bắc Kinh hết sức ngần ngại trong việc tuyên truyền, cổ động và áp dụng các biện pháp phòng chống căn bệnh thế kỷ. Thậm chí nhiều địa phương còn ngăn cản, cấm đoán việc đưa tin liên quan đến hiện tượng, khiến cho tình hình ngày càng trở nên trầm trọng. Chỉ khi chuyển biến trở nên quá tồi tệ, người dân mới biết đến sự đã rồi.

Hay trong scandal sữa chứa melamine tại Trung Quốc gây chấn động toàn thế giới vào năm 2007-2008, một phần nguyên do lớn là bởi vì đài truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV cũng như một số quan chức trung ương đã hỗ trợ các chính quyền địa phương và những công ty sữa lớn che đậy, đàn áp tin tức liên quan đến vụ bê bối. Chỉ đến khi vụ việc bị phát giác bởi các chính phủ nước ngoài, người Trung Quốc mới rõ sự tình. Song, đến lúc đó, đã hơn 1000 đứa trẻ được phát hiện bị sỏi thận, hàng chục ngàn đứa trẻ khác bị nhiễm độc. Trong đó, có hai em tử vong với nguyên nhân trực tiếp được xác định là sữa có chứa melamine của Trung Quốc.

***
Tự do báo chí có vẻ là một thứ quyền lợi xa vời với cuộc sống cơm áo gạo tiền của con người. Trung Quốc có thể là một điều thần kỳ xét trên phương diện kinh tế. Song trong khi chúng ta không thế chắc chắn rằng sự kỳ diệu ấy có đến từ cấm đoán báo chí hay không, thì những hậu quả tệ hại mà việc cấm đoán báo chí để lại trong lịch sử Trung Quốc hoàn toàn đủ thuyết phục để cho người ta lật ngược lại câu hỏi: Cứ cấm đoán, kiểm soát báo chí thì được gì?





No comments:

Post a Comment

View My Stats