8/06/19
Phần 1
Trung Quốc củng cố biên giới phía Nam và mở
rộng vòng đai ảnh hưởng trên toàn miền Bắc Việt Nam
Thời sự chính trị Việt Nam những tháng gần đây gần
như không có gì đáng nói, tất cả đều bị ngăn chặn hay sàn lọc bởi Ban Tuyên
giáo trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. Những tin được phép đăng tải trên các
báo đài quốc doanh chỉ là những thông tin vô thưởng vô phạt, biết thì tốt mà
không biết cũng không sao.
Tin ông Nguyễn Phú Trọng bị đột quỵ ngày 14/04/2019
phải chờ hơn 10 ngày sau mới chính thức được công bố. Từ ngày đó đến nay, không
ai biết sức khỏe ông Trọng thực hư như thế nào, dư luận đồn đoán đang có một cuộc
tranh giành không nhân nhượng giữa người đồng sàn với nhau về những chức vụ mà
ông Trọng đang nắm giữ. Trong khi chờ đợi một khuôn mặt mới xuất hiện, nội bộ Đảng
và Nhà nước để lộ khoảng trống quyền lực lớn, những chuẩn bị nhân sự cho Đại hội
13 Đảng cộng sản Việt Nam năm 2021 bước vào một khúc quanh quyết định.
Nhưng cho dù có thế nào, theo nhận xét riêng, phe
thân Trung Quốc, đúng ra là những con cờ của Bắc Kinh cài cắm trong nội bộ Đảng
cộng sản Việt Nam sẽ công khai lộ diện và tiếp tục hoàn tất những công việc mà
Ban lãnh đạo Đảng đã và đang tiến hành đúng theo lộ trình mà Bắc Kinh đã ấn định
cho từng giai đoạn qua những Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc đã được công bố.
Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đã và đang tiến
hành những gì ?
Tổng quan
Chiến dịch đốt lò chống tham nhũng, bắt quan tham
lúc đầu gây phấn khởi nhưng với thời gian đang trở thành nhàm chán, vì suy cho
cùng đây chỉ là vấn đề "trâu cột ghét trâu ăn". Dư luận tin rằng những
người thời Nguyễn Phú Trọng muốn chiếm lại những nguồn lợi béo bỡ mà những người
thời Nguyễn Tấn Dũng đã và đang nắm giữ. Người ta chờ đợi "ong chúa",
tức "đồng chí X", bị sa lưới nhưng chuyện này chắn vẫn còn xa, hoặc sẽ
không bao giờ xảy ra.
Gần đây nổ ra vụ Thủ Thiêm. Trong vụ này, Ban tuyên
giáo hướng dẫn dư luận chĩa mũi dùi vào ban lãnh đạo Thành phố Sài Gòn để tố
cáo và giành quyền kiểm soát những nguồn lợi đã có và sắp có. Phe nhóm lãnh
chúa Lê Thanh Hải và Tất Thành Cang lâm vào thế yếu và có thể bị mất hết, trừ
khi có một phép lạ. Nếu không có sự hớ hên của ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư
thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, không ai nhìn thấy hậu ý của phe Nguyễn Phú Trọng
trong vụ này : giành lại Thủ Thiêm để giao cho một thế lực tài phiệt lớn đến từ
Hoa Nam, Trung Quốc (1).
Lo sợ sự thật này được loan truyền và bị khai thác bởi
những "thế lực thù địch" bất lợi cho sự có mặt của những chủ đầu tư mới,
Ban tuyên giáo Đảng lèo lái dư luận qua những thông tin thời sự gây xôn xao
nhưng không ảnh hưởng gì đến chế độ, như bắt thêm tay chân của "đồng chí
X", đập phá vườn rau Lộc Hưng, bạo lực học đường, ô nhiễm sông ngòi, thức
ăn nhiễm độc, trạm thu phí, sư sãi lem nhem, xây chùa để kinh doanh, xa lộ Bắc-Nam,
ấu dâm, gian lận thi cử, tăng giá điện xăng…
Trong khi đó, ở ngoài nước, cộng đồng người Việt hải
ngoại cũng chỉ tập trung chú ý vào những vi phạm nhân quyền trong nước, cuộc sống
của tù nhân lương tâm, tin giật gân về nội bộ Đảng cộng sản, cuộc chiến thương
mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, sự hiện diện của hải quân Mỹ trên Biển Đông, đôi
khi còn sa vào cuộc đôi co giữa phe thân và chống Donald Trump…
Nói chung từ sau Đại hội Đảng lần thứ 12, chưa bao
giờ Đảng cộng sản Việt Nam hài lòng như hiện nay. Với thế giới, Việt Nam đang
trở thành một quốc gia độc tài bình thường, không còn ai quan tâm đến những vi
phạm nhân quyền và các quyền tự do khác của người dân Việt Nam. Những cuộc xuống
đường qui mô chống dàn khoan HD-981, Formosa Hà Tĩnh, Luật đặc khu… chìm dần
vào quên lãng trong khi những tác hại về môi trường, môi sinh, sức khỏe của người
dân vẫn còn nguyên vẹn và sinh hoạt kinh tế của Việt Nam ngày càng tồi tệ thêm.
Chỉ một vài tổ chức quốc tế về nhân quyền và bảo vệ
động vật quí hiếm tố cáo những hành vi vô pháp của chính quyền cộng sản Việt
Nam như bắt cóc người, tước đoạt các quyền tự do của nhân dân, buôn người, buôn
lậu sừng tê, ngà voi, vẩy tê tê và nhiều loại thú quí hiếm… Nhưng những phản đối
này không ảnh hưởng gì đến sự tồn tại và an nguy của chế độ.
Một hiện tượng mới nhưng vô cùng hệ trọng là sự xuất
hiện ngày càng đông đảo "du khách Trung Quốc" trên lãnh thổ Việt Nam
mà không ai có thể cung cấp một con số chính xác. Số du khách này không đi tham
quan mà chỉ tập trung vào một số địa điểm nhất định để chờ vào làm việc trong
những đặc khu và nhượng địa : Quảng Ninh, Đà Nẵng và các hải đảo chung quanh,
Khánh Hòa, Tiền Giang, Sihanoukville… sắp tới sẽ là Sài Gòn-Đồng Nai và Kiên
Giang-Phú Quốc. Hiện tượng này trùng hợp với một số yêu cầu về luật đặc khu, luật
đất đai, luật cư trú, luật mua bán bất động sản, luật lao động, luật thanh khoản,
thông tư cho phép sử dụng nhân dân tệ trên lãnh thổ Việt Nam...
Gần đây bong bóng một số dự án khủng xây dựng hạ tầng
cơ sở đại qui mô đã được tung ra để thăm dò phản ứng của dư luận, như xa lộ cao
tốc Bắc-Nam, đường sắt cao tốc Bắc-Nam, cảng lớn trên sông Đồng Nai, mở rộng
sân bay Tân Sơn Nhất, tẩy độc sân bay Biên Hòa, và có thể trong những ngày sắp
tới sẽ có bong bóng cảng hàng không quốc tế Long Thành, khu công nghiệp Biên
Hòa…
Một câu hỏi đặt ra : tại sao Ban lãnh đạo Đảng cộng
sản Việt Nam lại chú ý đến miền Nam trong lúc này ? Chuyến viếng thăm Kiên
Giang, đặc biệt là Phú Quốc, của Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
trong hai ngày 13 và 14/04/2019 chắc chắn không phải là xả giao.
Dư luận đồn đoán rằng ông Nguyễn Phú Trọng muốn dứt
điểm ông Nguyễn Tấn Dũng ngay tại căn cứ địa cuối cùng này, v.v. Nhưng không ai
dại gì vào hang cọp bắt cọp con một thân một mình. Hơn nữa ông Nguyễn Phú Trọng
không có lý do gì để thù oán "đồng chí X" cả. Phe Nguyễn Phú Trọng hiện
nay cũng tham nhũng và lộng hành không thua gì phe Nguyễn Tấn Dũng lúc còn cầm
quyền.
Nhưng lá không thể che lấp rừng. Ai cũng biết sự hiện
diện ngày càng công khai và ồ ạt của người Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam
không phải tình cờ, nó bắt nguồn từ Hội nghị Thành Đô năm 1990 với những thỏa
thuận mà hai Đảng cộng sản đã ký kết sau đó.
Lo âu trước tình trạng này, nhiều cán bộ lão thành,
đảng viên kỳ cựu đã viết thư, viết kiến nghị gởi lên Ban lãnh đạo Đảng cộng sản
yêu cầu bạch hóa những thỏa thuận đã ký trong Hội nghị Thành Đô.
Kiến nghị của 20 cựu sĩ quan quân đội ngày 02/09/2014 và
Hội nghị Thành Đô
Cho đến nay nội dung cũng như những thỏa thuận trong
Hội nghị Thành Đô chưa được công bố. Phía Việt Nam hoàn toàn im lặng về hội nghị
này. Cổng thông tin Đảng cộng sản Trung Quốc chỉ công bố tấm hình chụp chung những
người tham dự hội nghị.
Tổng Bí thư Giang
Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng (phía Trung Quốc) đã hội đàm với Tổng Bí thư
Nguyễn Văn Linh và Thủ tướng Đỗ Mười (phía Việt Nam) về vấn đề bình thường hóa
quan hệ hai đảng và các quốc gia từ ngày 3 đến ngày 4/9/1990. Ảnh được chụp sau
cuộc hội đàm. Nguồn : www.idcpc.org.cn
Mặc dầu vậy, một phần tư liệu về Hội nghị bí mật
Thành Đô 1990 đã được tiết lộ qua "Lý Bằng Nhật ký ngoại sự" (2)
và "Hợp tác phát triển Hòa Bình".
Ngay khi hội nghị vừa kết thúc, nhật báo Tứ Xuyên
loan tải một thông điệp của phái đoàn Việt Nam : "Việt Nam bày tỏ
mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền trung
ương tại Bắc Kinh như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây…
Phía Trung Quốc đồng ý và đồng ý chấp nhận đề nghị nói trên và cho Việt Nam thời
gian 30 năm để Đảng cộng sản Việt Nam giải quyết các bước tiến hành cần thiết
cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc !" (3). Nội dung của
tuyên bố này đã được tờ Thời báo Hoàn Cầu và Tân Hoa Xã cùng nhau công bố những
chi tiết mà hai cơ quan này gọi là sự thật về "Kỷ Yếu Hội Nghị" trong
những ngày vừa qua với những câu chữ như sau :
Vì sự tồn tại của sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa cộng
sản, Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc giải quyết các
mối bất đồng giữa hai nước. Phía Việt Nam sẽ cố gắng hết sức mình để vun đắp
tình hữu nghị vốn lâu đời vốn có giữa hai đảng và nhân dân hai nước do Chủ tịch
Mao Trạch Đông và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây đắp trong quá khứ. Và Việt
Nam bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền
Trung ương tại Bắc Kinh , như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng
Tây…
Phía Trung Quốc đồng ý chấp nhận đề nghị nói trên,
và cho Việt Nam thời gian 30 năm (1990-2020) để Đảng cộng sản Việt Nam giải quyết
các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung
Quốc.
Sự thật như thế nào ?
Theo RFA, số ra ngày 06/08/2014 "Đã đến lúc giải
mật Hội Nghị Thành Đô ?", và BBC, số ra ngày 17/10/2014 "Đã đến lúc
công bố mật ước Thành Đô ?" (4), rất nhiều người đã thấy nguy cơ mất độc lập
và chủ quyền sau hội nghị này.
Cũng theo RFA, số ra ngày 06/06/2014, "Nỗi sợ
hãi của Đảng và Nhà nước Việt Nam" (5), người đầu tiên là cố ngoại trưởng
Nguyễn Cơ Thạch với câu nói bất hũ : "Một thời kỳ Bắc thuộc mới rất nguy
hiểm đã khởi sự".
Nhưng phản ứng một cách công khai và qui mô nhất là
Kiến nghị của một số cựu sĩ quan Lực lượng vũ trang nhân dân (6) gửi Lãnh đạo
Nhà nước và Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 2/9/2014 yêu cầu
:
1. Chấm dứt ngay việc huy động quân đội vào những sự
vụ mang tính đối kháng với nhân dân Việt Nam, như giải tỏa đất đai, ngăn chặn
các cuộc biểu tình yêu nước ôn hòa… ;
2. Phải sớm khôi phục danh dự và quyền lợi đã bị
lãng quên của các liệt sĩ và thương binh đã hy sinh xương máu trong chiến tranh
biên giới phía Bắc và ngoài biển đảo… ;
3. Phải xác định rõ ràng và chính xác đối thủ là những
thế lực có thể đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và Tổ quốc trong hiện tại
và trong tương lai… ;
4. Phải báo cáo rõ ràng với nhân dân về thực trạng
quan hệ Việt-Trung và về những ký kết liên quan đế lãnh thổ trên biên giới, biển
đảo và các hợp đồng kinh tế ảnh hưởng lớn đến an ninh và chủ quyền của quốc
gia.
Khi nhắc đến Hội nghị Thành Đô năm 1990, đoạn viết
trích từ Tân Hoa Xã và Hoàn Cầu Thời Báo tháng 4 năm 2014 gây lo ngại : "…Việt
Nam bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền
Trung ương tại Bắc Kinh , như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng
Tây…".
Bản Kiến nghị yêu cầu Chủ tịch nước và Thủ tướng cho
biết rõ hai bên đã thỏa thuận cụ thể cái gì chứ không phải là những câu sáo ngữ.
Bản Kiến nghị còn yêu cầu lãnh đạo Đảng và Nhà nước có đối sách đúng đắn trước
mưu đồ và hành vi xâm lược của thế lực bành trướng Trung Quốc, không thể chấp
nhận thái độ thể hiện sự thần phục họ, và càng đòi hỏi phải công khai, minh bạch
thực trạng quan hệ giữa hai bên.
Đây rõ ràng là những lời tâm huyết của những người
lính đã hy sinh cả đời mình cho sự trường tồn của đất nước. Không có lời lẽ nào
hơn là sự kính phục và lòng nễ trọng. Nhưng, như tất cả những kiến nghị, tâm
thư của những người còn quan tâm đến đất nước, bản kiến nghị này sẽ không bao
giờ được trả lời và chìm vào quên lãng. Không chừng những người ký tên và con
cháu họ có thể bị trù dập bởi chính guồng máy mà họ đã cống hiến cả cuộc đời để
phục vụ nếu không mua chuộc được sự im lặng.
Cựu Đại tá Bùi Văn Bồng, một trong số 20 người ký
tên, nói : "Trong tâm tư của các cựu chiến binh thì họ ủng hộ đông lắm
nhưng khi lên tiếng ủng hộ thì họ sợ sệt thế này thế kia. Có khi bị cho là suy
thoái tư tưởng" (BBC, 04/09/2014).
Về phía Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam, không ai
dại gì đứng ra trả lời những chất vấn chính đáng này, một phần vì sợ bị lộ danh
và mang tội với núi sông, một phần vì sợ bị mất quyền lợi cho chính mình và gia
đình khi tiết lộ sự thật. Có bao giờ một nghi phạm tự viết cáo trạng tố cáo
chính mình ? Hội nghị Thành Đô là một sai phạm lớn mà Ban lãnh đạo Đảng cộng sản
Việt Nam muốn che giấu.
Nội dung những thỏa thuận Thành Đô có những gì mà những
lãnh đạo cấp cao và cấp trung trong đảng và quân đội không dám công bố ?
Về Hội nghị Thành Đô, nội dung cốt lõi của Hội nghị
đã được phổ biến trên Wikipedia một cách khá trung thực và có thể tin cậy được
(7). Theo đó, cuộc họp cao cấp giữa hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc đã
được tổ chức trong khách sạn Kim Ngưu (Kim Ngưu tân quán) tại Thành Đô (thủ phủ
tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) trong hai ngày 3 và 4/9/1990, nhằm bình thường hóa
quan hệ giữa hai nước và hai đảng cộng sản. Mục tiêu trước mắt của Hội nghi
Thành Đô là chấm dứt sự hiện diện của quân đội trên đất Campuchia, kế là bình
thường hóa quan hệ với Trung Quốc.
Từ sau khi bình thường hóa quan hệ giữa hai nước năm
1991, trên cơ sở những nguyên tắc được ghi nhận trong Hội nghị Thành Đô năm
1990, quan hệ hữu nghị giữa hai nước được cụ thể hóa qua những Thông cáo chung
năm 1991, năm 1992, năm 1994, năm 1995. Trong suốt thời gian đó, phái đoàn
chuyên viên hai bên Việt Nam và Trung Quốc đã ráo riết trao đổi, bàn bạc, thảo
luận để hoàn tất một hiệp ước biên giới trên đất liền.
Cuộc thảo luận về biên giới trên đất liền chắc hẵn
đã rất gay go, vì kéo dài trong suốt gần 10 năm. Đảng cộng sản Việt Nam có lẽ
là phía mong muốn ký kết trước hết vì muốn có sự rõ ràng trong việc phân định
làn ranh phân chia hai lãnh thổ sau cuộc chiến biên giới năm 1979. Mặc dù hai
bên đều nói thắng lợi trong cuộc đụng độ này, nhưng phía Trung Quốc bị thiệt hại
rất nặng về nhân mạng và Việt Nam bị chiếm rất nhiều cao điểm và vị trí chiến lược
quan trọng dọc vùng biên giới các tỉnh phía Bắc. Chính vì thế, mặc dù Hiệp ước
biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được ký kết ngày
30/12/1999, nhưng phía Trung Quốc đã gây nhiều khó khăn trong việc di dời căn cứ
quân sự và phải chờ đến 8 năm sau công tác cắm mốc mới hoàn tất (31/12/2008). Tổng
kết : hai bên đã phân giới khoảng 1.400 km biên giới, cắm 1.971 cột mốc, trong
đó có 1.549 cột mốc chính và 422 cột mốc phụ. Toàn bộ 38 chốt quân sự trên đường
biên giới đều đã được dỡ bỏ.
Cùng lúc đó, cái bất ngờ cho phía Việt Nam là
"Hiệp định về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa
giữa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ" ký ngày 25/12/2000. Trong những cuộc thảo
luận xác định đường phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa
giữa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ, phía Việt Nam có lẽ gần như bị động vì thiếu
chuẩn bị, thiếu dữ liệu và thiếu hiểu biết chuyên môn về luật biển. Trong những
thỏa thuận hợp tác ký kết sau năm 2000, phía Trung Quốc tập trung mọi nổ lực để
củng cố sự hiện diện của họ trong 7 tỉnh dọc biên giới và trong Vịnh Bắc bộ, một
hình thức để vô hiệu hóa hai văn kiện về biên giới vừa được ký.
Cũng nên lưu ý là văn bản những ký kết về biên giới
trên đất liền và trong Vịnh Bắc bộ trong thời kỳ này mang hai tên khác nhau :
hiệp ước cho biên giới trên đất liền và hiệp định cho lãnh hải trong Vịnh Bắc bộ.
Theo định nghĩa, Hiệp ước (Treaty) là một thỏa thuận ký kết giữa hai hay nhiều
nước ; ở đây hiệp ước có thể hiểu đó là văn bản được ký kết sau khi đã thảo luận
giữa các bên (có thể sẽ có bên không thực hiện). Còn Hiệp định
(Agreement) là bản giao ước ký kết giữa các nước ký kết giữa các nước để
cùng nhau thỏa thuận về một vấn đề nào đó ; ở đây là đường phân định lãnh hải,
vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ, và có
thể thay đổi theo từng giai đoạn. Trong vụ việc này, phía Trung Quốc đã không
vô tư khi chọn cách đặt tên riêng cho từng văn kiện về biên giới.
Chỉ sau khi ký xong hai văn kiện cơ bản về phân đinh
biên giới trên đất liền và trong vịnh Bắc bộ, từ sau năm 2000, quan hệ hữu nghị
giữa hai Đảng cộng sản và hai Nhà nước trở nên thắm thiết hơn và bước sang giai
đoạn hợp tác toàn diện : những Thông cáo chung trở thành những Tuyên bố chung.
Những Tuyên bố chung từ năm 2000 đến nay
Theo Thư viện Pháp luật tư vấn (8), "Tuyên
bố chung là Văn kiện ghi nhận về sự thống nhất
quan điểm, lập trường về các vấn đề quốc tế trong các cuộc đàm phán, gặp gỡ, viếng
thăm giữa các đại diện của hai hoặc nhiều hơn quốc gia, thường là giữa những
người đứng đầu quốc gia, những người đứng đầu chính phủ và được công bố rộng
rãi trên thế giới. Tuyên bố chung được công bố tại nước ký kết hoặc được công bố
cùng một thời điểm tại các nước tham gia đàm phán. Việc ra được tuyên bố chung
chứng tỏ là các bên tham gia đàm phán đã có sự thống nhất về quan điểm, lập trường
trong nhìn nhận và giải quyết các vấn đề có liên quan đến hai nước hoặc các vấn
đề quốc tế, hoặc trước đây có sự khác biệt nay đã tìm được tiếng nói chung để
đi đến hành động chung. Nó cũng chứng tỏ quan hệ của các quốc gia tham gia đàm
phán là tốt đẹp hoặc đã được cải thiện. Ngược lại, các bên tham gia đàm phán
không ra được tuyên bố chung là dấu hiệu chứng tỏ quan hệ của các bên tham gia
đàm phán đã và đang nảy sinh những tranh chấp".
Ngày 25/12/2000, hai bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung
Quốc và Việt Nam đã ra một Tuyên bố chung về Hợp tác toàn diện trong thế kỷ mới
giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung
Hoa (2000). Ở đây cũng nên lưu ý về hai cụm từ "hợp tác toàn diện trong thế
kỷ mới" và "đối tác chiến lược toàn diện", Đảng cộng sản Việt
Nam đã đặc biệt dành hai cụm từ này cho riêng Trung Quốc. Đối với các quốc gia
khác, Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ sử dụng cụm từ "đối tác chiến lược toàn
diện" với Nga và Ấn, đối với các quốc gia khác, Việt Nam chỉ sử dụng cụm từ
"đối tác chiến lược" với các quốc gia phương Tây, Nhật Bản, Hàn Quốc
và ASEAN ; "đối tác toàn diện" với các quốc gia Châu Mỹ latinh, Châu
Phi và một vài quốc gia Châu Âu còn lại.
Trở lại với Tuyên bố chung về Hợp tác toàn diện
trong thế kỷ mới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa
nhân dân Trung Hoa (2000), hai phía Trung Quốc và Việt Nam đã hoạch định ra một
khung thảo luận và hợp tác cấp Đảng và Nhà nước gồm 10 điểm như sau :
1. Duy trì gặp gỡ cấp cao thường xuyên, tạo thêm động
lực mới thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển…
2. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đối với
thế hệ trẻ hai nước về truyền thống hữu nghị…
3. Tăng cường và mở rộng hợp tác của Ủy ban liên
Chính phủ trong các lĩnh vực kinh tế thương mại và khoa học kỹ thuật giữa hai
nước…
4. Hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác, phối hợp giữa
hai bên tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực…
5. Tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, thắt
chặt hơn nữa mối quan hệ giữa các cơ quan quốc phòng và quân đội hai nước…
6. Tăng cường trao đổi và hợp tác về văn hóa, thể dục
thể thao, và các phương tiện thông tin đại chúng…
7. Mở rộng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đào tạo,
bao gồm trao đổi lưu học sinh, cán bộ giảng dạy…
8. Tăng cường hợp tác trong các mặt phòng chống các
loại tội phạm xuyên quốc gia…
9. Ký kết những Hiệp ước biên giới trên bộ Việt-Trung
1999, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ 2000, Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc
Bộ...
10. Việt Nam công nhận Chính phủ nước Cộng hòa Nhân
Dân Trung Hoa là Chính phủ hợp pháp duy nhất đại diện cho toàn Trung Quốc ; Đài
Loan là một bộ phận lãnh thổ không thể chia cắt của Trung Quốc…
Theo khung thảo luận và nội dung 10 điểm hợp tác cấp
Đảng và Nhà nước này, ba điểm đầu thiết đặt nền tảng hợp tác : giữ gìn quan hệ
giữa hai Đảng và Nhà nước (quá khứ), đào tạo thế hệ trẻ (tương lai) và thành lập
Ủy ban liên chính phủ (hiện tại). Chính Ủy ban liên chính phủ này đặt khung cho
sự lệ thuộc Việt Nam vào Trung Quốc trong đủ mọi lãnh vực : kinh tế thương mại
và đầu tư, hợp tác khoa học và kỹ thuật, nông lâm ngư nghiệp, tài chính tiền tệ
và kinh tế vĩ mô, giao thông vận tải đường bộ và đường sắt, viễn thông và tin học,
du lịch và lữ hành, khai thác lưu vực sông Mekong, và sau cùng là xây dựng,
phát triển đô thị. Bảy điểm còn lại phân chia khu vực hợp tác : quốc tế, quốc
phòng, văn hóa, giáo dục, tư pháp, biên giới và ngoại giao. Nói chung đây là
khung hợp tác chỉ dành riêng cho những lãnh đạo quốc gia.
Nhân sự được tuyển vào Ủy ban liên chính phủ này rất
là chọn lọc. Phía Trung Quốc tuyển lựa rất kỹ nhân sự của họ để đưa vào Ủy ban
này, đó là những chiến lược gia, những chuyên viên có trình độ và kiến thức cao
trong từng lãnh vực chuyên môn để áp đặt sự khống chế của Bắc Kinh và mang về tối
đa những quyền lợi cho Trung Quốc.
Từ Ủy ban này đẻ ra những Ủy ban chỉ đạo hợp tác
song phương Việt Nam-Trung Quốc (Ủy ban hợp tác kinh tế-thương mại, Ủy ban liên
hợp hợp tác khoa học kỹ thuật giữa Chính phủ hai nước, Ủy ban liên hợp hợp
tác dầu khí, cửa khẩu biên giới…), Nhóm công tác (Nhóm công tác hợp tác về
cơ sở hạ tầng và Nhóm công tác về hợp tác tiền tệ..), Tổ công tác… Chính những ủy
ban và nhóm công tác này thiết kế lãnh vực hợp tác giữa hai nước và, tùy theo
chỉ thị của trung ương, ấn định lộ trình thực hiện cho từng giai đoạn.
Người của những Nhóm và Tổ công tác này được cài cắm trong khắp mọi cơ quan đảng
ủy các ban bí thư, ban tham mưu trực thuộc đảng cộng sản, chính phủ, quân đội,
công an, an ninh và trong các ban bộ, ngành kinh tế, tài chính, tư pháp, văn
hóa, xã hội, giáo dục…
Những Tổ công tác cho từng lãnh vực được thành lập để
khai triển và theo dõi tiến độ thi hành và làm báo cáo gởi lên cấp trên. Sau
khi đã bàn bạc, thảo luận và quyết định những lãnh vực hợp tác và phương tiện
thực hiện, những tổ và nhóm công tác này đúc kết thành một hồ sơ chi tiết và
trình lên những Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc xét duyệt.
Mỗi câu, mỗi chữ đều được cân nhắc kỹ lưỡng để không thể bị bị hiểu lầm khi thực
hiện. Sau khi được chấp thuận những hồ sơ này sẽ được trình lên Ủy ban liên
chính phủ để đúc kết thành những văn kiện chính thức : ngày và địa điểm ký kết
sẽ do cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước hai nước quyết định.
Cơ quan đầu não chỉ đạo những Ủy ban và nhóm công
tác này : ở Việt Nam là Tòa Đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội và Tổng lãnh sự quán ở
Sài Gòn và những lãnh sự quán khác ; ở Trung Quốc là cơ quan chỉ đạo nằm ở Quảng
Châu (tỉnh Quảng Đông) và một số chi nhánh ở Quảng Tây và Vân Nam.
Một vài thí dụ cụ thể về việc cài cắm người trong
các cơ quan Đảng và Nhà nước : cố vấn Trung Quốc đã góp phần đáng kể trong việc
xóa bỏ lịch sử chống Trung Quốc trong sách giáo khoa, khuyến khích học tiếng
quan thoại như sinh ngữ 1, in cờ Trung Quốc 5 sao nhỏ, ngăn cản không cho tưởng
niệm những nạn nhân của Trung Quốc, ủng hộ những bản án nặng cho những ai chống
Trung Quốc, ngăn chặn những trang mạng chống Trung Quốc…
Sự hiện đông đảo của những cố vấn này trong các cơ
quan Đảng và Nhà nước đã khiến một số cán bộ nòng cốt trong Đảng lo âu, nhưng
không ai biết phải làm gì hơn là cam chịu và cảnh giác. Không phải tình cờ bài
nói chuyện của Giáo sư Tiến sĩ Thiếu tướng công an Trương Giang Long, Phó Tổng
cục trưởng Tổng Cục chính trị Công an nhân dân, đồng thời là Giám đốc Học viện
Chính trị Công an nhân dân về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc được phát tán rộng
rãi trên mạng vào trung tuần tháng 3 năm 2017 vừa qua.
Giáo sư Tiến sĩ Thiếu tướng công an Trương Giang
Long phát biểu trong một buổi học tập chính trị cao cấp tại Học viện Chính trị
của Bộ Công an trung tuần tháng 3/2017.
Cho dầu biết rõ Trung Quốc cài cắm người trong các
cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước để khống chế mọi sinh hoạt của Việt Nam,
toàn bộ cán bộ và đảng viên trong Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam vẫn chấp
hành một cách triệt để những quyết định của Ban lãnh đạo Đảng, tức Bộ Chính trị
và Trung ương đảng. Do đó chỉ cần nắm số cán bộ lãnh đạo chóp bu của hai cơ
quan này là Bắc Kinh nắm toàn quyền lãnh đạo đất nước Việt Nam, bất chấp nguyện
vọng của 97 triệu dân Việt.
Cuộc gặp mặt giữa hai cộng sản tại Thành Đô thang
3/1990 là một cơ hội "trời cho" mà Bắc Kinh không thể bỏ lỡ. Chính vì
thế, từ sau năm 2000, Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc đã phát minh ra
"phương châm 16 chữ" và "tinh thần 4 tốt" làm kim chỉ nam
chỉ đạo mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai Đảng và Nhà nước.
Phương châm 16 chữ
Trong phiên họp cấp lãnh đạo hai đảng cộng sản Việt
Nam và Trung Quốc tại Bắc Kinh tháng 2 năm 1999, ông Giang Trạch Dân, Tổng bí
thư Đảng cộng sản Trung Quốc công bố phương châm phát triển quan hệ hai nước
trong thế kỷ 21 gồm 16 chữ, đó là "láng giềng hữu nghị, hợp tác
toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai". (Không hiểu
vì lý do gì, phía Việt Nam sau đó lồng thêm chữ "vàng" sau 16 chữ
này). Tổng bí thư (mãn nhiệm kỳ) Đảng cộng sản Việt Nam lúc đó là ông Lê Khả
Phiêu đã hoàn toàn đồng ý và lấy đó làm kim chỉ nam chỉ đạo quan hệ giữa hai đảng
và hai nước.
Không biết sau khi ký Hiệp định biên giới ngày
30/12/1999, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá ngày
25/12/2000 và chấp nhận phương châm 16 chữ này, ông Lê Khả Phiêu đã được phía
Trung Quốc hậu đãi như thế nào ? Dư luận chỉ biết vào cuối tháng 1/2009, nhân dịp
Tết Kỷ Sửu, một loạt hình ảnh nhà riêng của ông Lê Khả Phiêu được phát tán trên
Internet và đã gây xôn xao dư luận : xa hoa và tráng lệ vượt mức thường tình của
một viên chức cao cấp (9).
Tháng 11/2000, ngay sau khi được đề cử vào chức vụ Tổng
bí thư Đảng cộng sản Việt Nam thay ông Lê Khả Phiêu, ông Nông Đức Mạnh liền
sang Trung Quốc để được Bắc Kinh công nhận. Trong lần gặp gỡ này, Tổng bí thư
Giang Trạch Dân "nói rõ" 16 chữ này là phương châm quan trọng chỉ đạo
sự phát triển quan hệ hai nước. Và, như để trấn an phía Việt Nam trong quan hệ
hợp tác giữa hai Đảng và hai Nước, ông Giang Trạch Dân tô thêm "4 nguyên tắc"
vào quan hệ giữa hai nước : độc lập tự chủ, hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng
lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Nhưng 4 nguyên tắc
này không bao giờ được ghi vào nội dung những Tuyên bố chung và chỉ được nhắc tới
trong những thông cáo cấp bộ và ngành mà thôi.
Là một người hiền lành và không có ý kiến, ông Nông
Đức Mạnh có lẽ đã được Bắc Kinh chiếu cố đặc biệt để giữ chức Tổng bí thư liên
tiếp trong hai nhiệm kỳ. Trong suốt thời gian 10 năm dưới thời Tổng bí thư Nông
Đức Mạnh, từ 22/4/2001 đến 19/1/2011, quan hệ giữa hai Đảng cộng sản Trung Quốc
và Việt Nam trở nên thắm thiết và nồng ấm hơn bao giờ hết : Trung Quốc tích cực
giúp đỡ và phát triển kinh tế Việt Nam, bù lại Việt Nam nhường cho Trung Quốc
quyền chủ động mọi sinh hoạt trong Vịnh Bắc bộ. Cũng như Lê Khả Phiêu, dư
luận chỉ biết sự giàu sang của ông Nông Đức Mạnh qua hình ảnh được lan truyền với
tốc độ chóng mặt trên các trang mạng xã hội, nhân một cuộc phỏng vấn ngày
19/2/2015, tức mồng một Tết Ất Mùi (10).
Gần đây hơn, ngày 6/5/2018, ngay trước ngày khai mạc
Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, trong một bức
thư ký tên tập thể, 54 đảng viên đảng cộng sản kỳ cựu yêu cầu ông Nguyễn Phú Trọng
hãy công khai tài sản của mình (11).
Điều này cho thấy Bắc Kinh ưu đãi rất hậu hĩnh những
cấp lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam để mua sự trung thành và sự thần phục. Những
cố gắng giải thích hay biện minh cho sự nhích lại với Mỹ hay phương Tây của một
số lãnh đạo cấp cao trong Đảng cộng sản Việt Nam chỉ là hoang tưởng.
Tinh thần 4 tốt và danh xưng "toàn cục",
"đại cục"
Sang năm 2002, ngay khi vừa đắc cử Tổng bí thư Đảng
cộng sản Trung Quốc, ông Hồ Cẩm Đào, phát minh ra thêm một phương châm mới, gọi
là tinh thần "4 tốt", đó là : "láng giềng tốt, bạn bè tốt,
đồng chí tốt, đối tác tốt" để hướng dẫn phong cách thảo luận
trong quan hệ giữa hai Đảng và hai Nhà nước về những va chạm trên Biển Đông và
trong quan hệ thương mại giữa hai nước.
Danh xưng "toàn cục" và "đại cục"
cũng chính thức xuất hiện trong giai đoạn này : Hai bên khẳng định, Việt
Nam và Trung Quốc tiếp tục kiên trì phương châm "láng giềng hữu nghị, hợp
tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần
"láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt", từ tầm cao
chiến lược và tầm nhìn toàn cục (Tuyên bố chung 2005) ; không
để các vấn đề tranh chấp trên biển ảnh hưởng đến đại cục quan hệ Việt-Trung (Tuyên
bố chung 2013).
Toàn cục (sau này phía Việt Nam đổi thành đại cục) ở
đây phải hiểu là tuy hai là một, nghĩa là duy trì sự thống nhất toàn diện trong
quan hệ giữa hai Đảng và Nhà nước, cụ thể là thăm viếng lẫn nhau ở cấp cao,
tăng cường giao lưu hữu nghị giữa hai nước, mở rộng hợp tác cùng có lợi trên
các lĩnh vực, trân trọng, giữ gìn, phát triển tốt quan hệ hai Đảng, hai nước Việt-Trung,
thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát
triển một cách ổn định, lành mạnh, lâu dài trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế,
ngoại giao, quốc phòng, công an, an ninh, văn hóa, giáo dục, đặt biệt là tăng
cường tuyên truyền và giáo dục thanh niên hai nước về truyền thống hữu nghị Việt-Trung
để mở ra cục diện mới.
Khúc quanh mới trong quan hệ giữa hai Đảng và hai Nhà nước
Trở về với nội dung 16 chữ, phải hiểu như thế nào ?
Thoạt nghe phương châm này, mọi người đều thấy bình thường vì nghĩ đó chỉ là những
khẩu hiệu suông hô hào ca ngợi quan hệ giữa hai Đảng và hai Nhà nước : đã là
láng giềng tốt thì sự hợp tác giữa hai nước phải phù hợp với nguyện vọng và lợi
ích lâu dài của hai nước và hai dân tộc. Nhưng đối với Bắc Kinh, đó là một tôn
chỉ phải nghe theo : nếu không tôn trong nội dung 16 chữ này, nhất là hợp tác
toàn diện, thì Việt Nam sẽ bị chế tài (tài chính, kinh tế, thương mại, quân sự…).
Phương châm này làm nhớ lại "trụ đồng" thời
Bắc thuộc (12). Sau khi khống chế được cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng, Mã Viện
cho khắc 6 chữ trên một trụ đồng dựng ở vùng biên giới phía nam Giao Chỉ (Thanh
Hóa ngày nay) : "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" (Cột đồng ngã xuống,
Giao Chỉ không còn). Thông điệp này thật ra là lời nhắn nhũ cho các quan lại địa
phương : muốn giữ yên đất Giao Chỉ phải ngăn chặn phiến quân từ phía nam (Chăm
và Mường) tràn lên, nếu không đất Giao Chỉ sẽ mất. Quan lại địa phương ở đây là
quan quân Lạc Việt hợp tác với nhà Hán (gọi chung là người Kinh, tức những nhóm
người Việt định cư trên đồng bằng) cai trị đất Giao Chỉ. Đảng cộng sản Việt
Nam ngày nay cư xử với dân chúng không khác gì quan quân Lạc Việt thần phục nhà
Hán thời đó. Cái khác là 6 chữ ngày trước được thay bằng 16 chữ ngày nay.
Từ sau năm 2000, số phận của Đảng cộng sản và Nhà nước
Việt Nam bước sang một khúc quanh mới : lệ thuộc vào Trung Quốc để được giúp đỡ
và tồn tại. Trong mỗi Tuyên bố chung, các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng cộng sản
Việt Nam luôn nhấn mạnh "Việt Nam mong muốn cùng Trung Quốc tăng cường
tình hữu nghị truyền thống, đi sâu hợp tác thực chất, đưa quan hệ đối tác hợp
tác chiến lược toàn diện giữa hai nước phát triển ổn định, lành mạnh". Những
vọng động mở cửa ra bên ngoài với thế giới phương Tây (Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật
Bản) chỉ nhằm trấn an dư luận trong nước và quốc tế để nhận tài trợ và
giúp đỡ.
Sự lún sâu vào vòng lệ thuộc Trung Quốc của Đảng cộng
sản và đất nước Việt Nam ngày càng lộ liễu và công khai để không còn che đậy được
nữa. Gần như tất cả những công trình xây dựng hạ tầng cơ sở chiến lược và qui
mô lớn ở Việt Nam đều được ghi trong những Tuyên bố chung với sự chỉ địunh do
những công ty Trung Quốc đảm nhiệm, như bến cảng, xa lộ, đường cao tốc, đường sắt
và những công trình kiến trúc đồ sộ. Phải đọc kỹ nội dung những Tuyên bố chung
này mới hiểu sự hiện diện của người Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam cũng ngày
càng đông và nắm giữ gần như hầu hết mọi sinh hoạt kinh tế, tài chính, sản xuất
và buôn bán qui mô lớn. Những hiện tượng tiêu cực như buôn lậu ma túy, mua bán
thú quí hiếm, lường gạt nông dân là do những thành phần bất hảo chủ trương chứ
không bởi Đảng và Nhà nước Trung Quốc.
Nguyễn
Văn Huy
Chú
thích :
(4) https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/time-to-declas-thanhdo-conf-08062014082423.html ,https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2014/10/141017_thanhdo_secret_reveal
(8) https://nganhangphapluat.thukyluat.vn/tu-van-phap-luat/linh-vuc-khac/tuyen-bo-chung-la-gi-122512
( 10) https://www.voatiengviet.com/a/vi-sao-anh-tu-gia-ong-nong-duc-manh-lam-day-song-du-luan/2654837.html
*
*
8/06/19
Phần 2
Nếu đọc kỹ từng lãnh vực hợp tác liệt kê trong những
Tuyên bố chung, người đọc rất dễ dàng nhận thấy Việt Nam luôn ở thế bị động vì
không có tiền, không có phương tiện, nhân sự yếu kém về kiến thức chuyên môn lẫn
tư cách lãnh đạo để có thể đối thoạingang hàng với những quan chức đồng cấp
và những chủ đầu tư Trung Quốc.
Để bù lấp sự chênh lệch về phương tiện và trình độ
này, phía Trung Quốc ưu đãi hậu hĩnh về vật chất lẫn tinh thần nguồn nhân sự của
Việt Nam được cử tham gia vào những ủy ban và nhóm/tổ công tác soạn thảo Tuyên
bố chung để không bị phản đối khi biểu quyết lấy quyết định.
Nguồn nhân sự phía Việt Nam trong những ủy ban và
nhóm/tổ công tác soạn thảo này gồm hai phần :
- phần đông nhất đến từ đảng bộ các bộ quốc phòng,
công an, an ninh nội chính, ngoại giao, tư pháp, tài chính, công thương, giao
thông và vận tải, lao động thương binh và xã hội, văn hóa thể thao và du lịch,
ban bí thư những thành phố trực thuộc trung ương ;
- phần ít hơn đến từ đảng bộ các đảng ủy địa phương
cấp tỉnh, xã, huyện, nơi những cơ sở hoạt động của phía Trung Quốc được thiết đặt.
Chỉ cần quan sát cách sống cũng như nơi cư trú của
những cán bộ trung ương hay địa phương được tuyển chọn vào làm việc trong những
ủy ban/nhóm/tổ liên quan đến quan hệ giữa hai nước thì sẽ rõ sự ưu đãi của phía
Trung Quốc như thế nào, lò chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng còn lâu mới
dám động tới.
Quần đảo Cát Bà
trong Vịnh Bắc bộ, nổi tiếng về đa dạng sinh học, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học,
và Văn hóa Liên hiệp quốc UNESCO công nhận năm 2014
Nội dung những Tuyên bố chung và Thông cáo chung
Từ sau năm 2000 đến 2015, Trung Quốc và Việt Nam đã
công bố trên dưới 10 Tuyên bố chung và từ 2016 đến nay có ít nhất 5 Thông Cáo
chung cấp Đảng, Nhà nước và Chính phủ được phổ biến.
Bố cục những Tuyên bố chung và Thông cáo chung không
thay đổi nhiều theo thời gian và được sắp xếp theo một thứ tự nhất định :
Phần 1 nói về lý do của chuyến viếng thăm cùng với
tên và chức vụ của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước để ra Tuyên bố chung.
Phần 2 nhắc lại phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt.
Phần 3 (dài nhất và quan trọng nhất) nhấn mạnh quyết
tâm làm sâu sắc hợp tác chiến lược toàn diện trong từng lãnh vực :
- tóm lược những thành quả đã đạt được của Ủy ban chỉ
đạo hợp tác song phương (chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác hợp
tác chiến lược) trong từng giai đoạn ;
- tăng cường chỉ đạo vĩ mô, quy hoạch tổng thể và
thúc đẩy toàn diện sự hợp tác đang hoặc sẽ thực hiện ("Chương trình hành động
triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc")
cấp Đảng trong tất cả các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, an ninh, tư pháp,
kinh tế, tài chính, nông nghiệp, ngư nghiệp, văn hóa, giáo dục, khoa học, du lịch.
- ấn định lịch trình và nội dung hợp tác của từng
giai đoạn : về kinh tế : giao thông trên bộ (đường bộ và đường sắt), trị giá
kim ngạch trao đổi ; về tài chính : tạo điều kiện đầu tư, thanh quyết bằng đồng
nhân dân tệ ở vùng biên giới.
- khuyến khích gặp gỡ hữu nghị giữa thanh niên Việt
Nam và Trung Quốc, khuyến khích nghiên cứu sinh Việt Nam sang Trung Quốc thực tập.
Từ năm 2013, Trung Quốc đề nghị tăng cường hợp tác giữa các tỉnh biên giới hai
nước, cụ thể là 7 tỉnh của Việt Nam (Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang,
Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh) với 4 tỉnh và khu tự trị của Trung Quốc (Quảng
Đông, Quảng Tây, Hải Nam và Vân Nam.
Phần 4 phác họa cách giải quyết những bất đồng về
biên giới trên đất liền, và nhất là những bất đồng trên vùng biển chủ quyền.
Nhóm công tác về vùng biển có nhiệm vụ soạn thảo những thỏa thuận về hợp tác
khai thác trên và dưới mặt nước, trong và ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.
Phần 5 ủng hộ chính sách một nước Trung Quốc, không
phát triển bất cứ quan hệ chính thức nào với Đài Loan.
Phần 6 điều phối và phối hợp với Trung Quốc trên các
diễn đàn quốc tế và khu vực.
Phần 7 tóm lược những thỏa thuận đã ký.
Phần 8 đề nghị lần gặp gỡ cấp cao để ra một Tuyên bố
chung cho lần tới.
Theo bố cục và nội dung của từng Tuyên bố chung này,
được những Ủy ban liên chính phủ, Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương do phía
Trung Quốc gợi ý và viết sẵn, phía Việt Nam chỉ bổ túc một vài chi tiết về cách
hành văn và đồng ý.
Qua những Tuyên bố chung này, một cách tổng quan,
người đọc có cảm tưởng phía Trung Quốc ưu ái muốn giúp Việt Nam phát triển để bắt
kịp mình. Nhưng thực tế đã không phải vậy, Việt Nam chỉ là con cờ được Trung Quốc
sử dụng để thực hiện những tham vọng lớn trong vùng và trên thế giới, cụ thể là
Giấc mơ Trung Hoa do Tập Cận Bình vẽ ra.
Tập Cận Bình muốn gì ? Qua Giấc mơ Trung Hoa, Tập Cận
Bình muốn biến Trung Quốc thành một đại cường về kinh tế lẫn quân sự, đủ sức đối
đầu với Hoa Kỳ để tranh giành ngôi vị đứng đầu thế giới sau năm 2025. Để thực
hiện, Tập Cận Bình xây dựng một lộ trình chiến lược gồm hai giai đoạn : Giai đoạn
đầu là củng cố nội lực (đào tạo nguồn nhân lực và ổn định các vùng biên giới
phía tây và phía nam Trung Quốc), giai đoạn kế tiếp là, qua những con đường tơ
lụa mới trên đất liền và trên biển cả, xây dựng cơ sở hạ tầng tại những quốc
gia đang phát triển ở Châu Á, Châu Phi và Châu Âu để làm bàn đạp tranh giành và
củng cố ngôi vị số một trên toàn thế giới.
Củng cố bằng cách nào ? Bằng cách xuất khẩu nguồn
lao động có trình độ kỹ thuật xây dựng hạ tầng cơ sở đi khắp nơi trên thế giới
làm việc. Khi hoàn tất nhiệm vụ, một số công nhân được chuyển đi nơi khác để tiếp
tục công tác xây dựng, số còn lại được khuyến khích ở lại để phục vụ sự điều
hành của những cơ sở sản xuất hay dịch vụ vừa được xây dựng tại chỗ.
"Hai hành lang, một vành đai kinh tế"
Việt Nam ở giai đoạn nào trong chiến lược con đường
tơ lụa mới của Trung Quốc ? Giai đoạn 2, tức giai đoạn xây dựng hạ tầng cơ sở
dưới tên gọi "Hai hành lang, một vành đai kinh tế" :
- Hành lang 1 : trục giao thông đường bộ và đường
sắt "Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng" ;
- Hành lang 2 : trục giao thông đường bộ và đường
sắt "Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng" ; và
- Vành đai kinh tế, tức vùng biển đặc quyền kinh tế
rộng 200 hải lý, từ Móng Cái tới Đà Nẵng.
Theo nội dung những Tuyên bố chung đã được công bố,
chiến lược "Hai hành lang, một vành đai kinh tế" sẽ hoàn tất
vào năm 2020. Không đợi kế hoạch này chấm dứt, ngay từ năm 2015, Bắc Kinh đã
chuẩn bị tiến hành giai đoạn tiếp theo, chiến lược "Sáng kiến Một vành đai
Một con đường" để đến năm 2025 đổi tên thành "Made in China
2025", nghĩa là làm chủ toàn bộ sản phẩm sản xuất trên thế giới. Tại Việt
Nam, chiến lược này nhắm vào miền Nam, con gà đẻ trứng vàng của đất nước.
Nội dung các Tuyên bố chung với những thỏa thuận được
công bố
Không cần phải viết thư, gởi kiến nghị yêu cầu Ban
lãnh đạo Đảng và Nhà nước trả lời hay giải thích, chỉ cần đọc kỹ từng Tuyên bố
chung, người đọc sẽ thấy Đảng cộng sản Việt Nam đã thỏa thuận những gì với
Trung Quốc từ sau Hội nghị Thành Đô 1990 đến nay. Mỗi Tuyên bố chung đều có phần
tóm lược những thỏa thuận đã ký.
Thỏa thuận là sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai hoặc
nhiều đối tác. Về mặt luật pháp, thỏa thuận có thể gọi giao ước, một hợp đồng
ràng buộc pháp lý đối với các bên về một hay nhiều mục đích và hành động cụ thể.
Mỗi thỏa thuận gồm có các điều khoản và quy định cụ thể, được các bên tuyên bố
và xác nhận cụ thể vào thời điểm đưa ra thỏa thuận. Có nhiều loại thỏa thuận
khác nhau như thỏa thuận thương mại, thỏa thuận đầu tư hạ tầng cơ sở, kết hợp
vùng, sử dụng bản vị trao đổi chung, chuyển giao tài sản…
Việt Nam là một thể chế chuyên chính, Ban lãnh đạo Đảng
cộng sản Việt Nam, theo Điều 4 Hiến pháp, thay mặt những định chế của Nhà nước
để ký những thỏa thuận cấp quốc gia mà không cần phải thông qua sự phê duyệt của
Quốc hội. Chính vì thế, văn khố của Quốc hội và Ngân hàng nhà nước không có văn
bản gốc những thỏa thuận này để lưu trữ, do đó rất khó tìm.
Nếu muốn biết Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đã
ký những gì với Trung Quốc sau Hội nghi Thành Đô thì phải yêu cầu công bố những
thỏa thuận đã ký trong từng Tuyên bố chung hay Thông cáo chung.
1. Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc
ngày 02/11/2005 (cấp Đảng và Nhà nước : Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch nước Trần Đức
Lương họp với Tổng bí thư - Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào), ngoài việc đánh
giá tình hình thực hiện Hiệp định phân định và Hiệp định Hợp tác nghề cá Vịnh
Bắc bộ :
- Về Vịnh Bắc bộ, hai bên tích cực triển khai điều
tra liên hợp nguồn lợi thủy sản trong vùng đánh cá chung ở Vịnh Bắc Bộ ; khởi động
hợp tác thăm dò khai thác các cấu tạo dầu khí vắt ngang đường phân định ; sớm
thực hiện việc tuần tra chung giữa Hải quân hai nước ở Vịnh Bắc Bộ.
- Về biên giới đất liền, hai bên bảo đảm thực hiện
đúng thời hạn mục tiêu hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến
biên giới và ký văn kiện mới về qui chế quản lý biên giới chậm nhất vào năm
2008.
- Về thương mại, hai bên nhất trí phấn đấu thực hiện
trước thời hạn mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai nước đạt 10 tỷ USD vào năm
2010. Hai bên đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế kỹ thuật : những dự
án hợp tác kinh tế lớn giữa hai nước, khuyến khích và thúc đẩy doanh nghiệp hai
nước tiến hành hợp tác lâu dài, triển khai đầu tư và hợp tác kinh tế cùng có lợi
dưới nhiều hình thức, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác giữa doanh nghiệp
hai nước, nghiên cứu về hợp tác kinh tế "hai hành lang, một vành
đai".
- Về Biển Đông, hai bên đánh giá cao "Thỏa thuận
công tác địa chấn biển liên hợp 3 bên tại khu vực thỏa thuận ở biển Đông"
do Công ty dầu khí 3 nước Việt Nam, Trung Quốc, Philippines ký tháng 3 năm 2005
; trong quá trình đó, hai bên sẽ nghiên cứu kỹ vấn đề hợp tác cùng phát triển để
tìm được mô hình và khu vực hợp tác cùng phát triển phù hợp với Luật pháp quốc
tế và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là "Công ước Luật biển" năm 1982 của
Liên Hợp Quốc và "Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông" mà
hai bên có thể chấp nhận được.
2. Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc
17/11/2006 (cấp Đảng và Nhà nước : Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch nước Nguyễn
Minh Triết họp với Tổng bí thư - Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào), ngoài những câu
chúc mừng xã giao, hai bên ký kết Bản ghi nhớ về việc triển khai Hợp tác
"hai hành lang, một vành đai kinh tế" và một số văn kiện hợp tác kinh
tế khác.
- Về kế hoạch hai hành lang, hai bên thực hiện mục
tiêu mới là nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 15 tỷ USD (thêm 5 tỷ so với
trước) vào năm 2010. Hai bên tích cực ủng hộ và thúc đẩy doanh nghiệp hai nước
hợp tác lâu dài và cùng có lợi trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, công
nghiệp chế tạo, khai thác nguồn nhân lực, năng lượng, chế biến khoáng sản và
các lĩnh vực quan trọng khác. Khẩn trương bàn bạc và thực hiện các dự án lớn
như bô-xít Đắc Nông… ; đề ra phương hướng tổng thể về hợp tác kinh tế thương mại
giữa hai nước trong 5-10 năm tới, xác định các lĩnh vực hợp tác trọng điểm,
phát huy tác dụng tích cực thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước.
- Về kế hoạch một vòng đai, hai bên tiếp tục thực hiện
tốt "Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ" và "Hiệp định hợp tác nghề
cá Vịnh Bắc Bộ", thúc đẩy một cách vững chắc đàm phán về phân định vùng biển
ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và tích cực trao đổi ý kiến về vấn đề hợp tác cùng phát
triển ở khu vực này.
3. Tuyên bố chung Trung Quốc - Việt Nam
01/06/2008 (cấp Đảng : Tổng bí thư - Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào và Tổng bí thư Nông Đức
Mạnh) :
- Hai bên khẩn trương bàn bạc, ký kết và thực hiện tốt
"Quy hoạch phát triển 5 năm về hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và
Trung Quốc", xác định các lĩnh vực và dự án hợp tác trọng điểm ; nâng cao
hơn nữa quy mô và mức độ hợp tác kinh tế thương mại. Hai bên tích cực ủng hộ và
thúc đẩy các doanh nghiệp của hai nước hợp tác lâu dài cùng có lợi trong các
lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghiệp chế tạo, phát triển nguồn nhân lực, năng lượng,
chế biến khoáng sản và các lĩnh vực quan trọng khác, như Bôxít Đắk Nông, các dự
án trong khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai kinh tế"…
- Hai bên đã ký Hiệp định cấp chính phủ về hợp tác trong
lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật, về hợp tác trong lĩnh vực thú y và kiểm
dịch động vật, và một số thỏa thuận kinh tế thương mại khác về việc Trung Quốc
cung cấp cho Việt Nam tín dụng ưu đãi và cho vay ưu đãi bên mua.
- Về kế hoạch một vòng đai, hai bên đẩy nhanh việc
thực hiện "Thỏa thuận khung về hợp tác dầu khí trong vùng thỏa thuận tại Vịnh
Bắc Bộ", phấn đấu sớm đạt kết quả thực chất trong hợp tác thăm dò, khai
thác chung các cấu tạo dầu khí vắt ngang đường phân định Vịnh Bắc Bộ… Hai bên
tiếp tục thúc đẩy một cách vững chắc đàm phán về phân định vùng biển ngoài cửa
Vịnh Bắc Bộ và tích cực trao đổi ý kiến về vấn đề hợp tác cùng phát triển…
4. Tuyên bố chung Trung Quốc - Việt Nam
25/10/2008 (cấp Chính phủ : Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng),
ngoài việc hoàn thiện cơ chế hợp tác giữa các bộ ngành, thực hiện tốt các thỏa
thuận hợp tác giữa các ngành ngoại giao, quốc phòng, công an, an ninh... ; mở rộng
hợp tác thiết thực trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục, y tế,
du lịch...
- Về thương mại, hai bên nhất trí làm sâu sắc hơn nữa
hợp tác kinh tế mậu dịch, phấn đấu nâng kim ngạch mậu dịch hai bên đạt 25 tỷ
USD (thêm 10 tỷ USD so với trước) vào năm 2010. Ðẩy mạnh thực hiện "Quy hoạch
5 năm phát triển hợp tác kinh tế mậu dịch Việt - Trung" mà hai bên đang thảo
luận để ký kết…
- Về hợp tác chiến lược, hai bên tiếp tục trao đổi
thỏa thuận về các dự án hợp tác lớn, khuyến khích các doanh nghiệp lớn của hai
nước mở rộng hợp tác lâu dài, cùng có lợi trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ
tầng, giao thông, điện lực, xây dựng nhà ở, tư vấn thiết kế, công nghiệp hóa chất,
công nghiệp phụ trợ, đóng tàu... ; nghiên cứu nghiêm túc ý tưởng về khu kinh tế,
thương mại, du lịch xuyên biên giới, thắt chặt mối quan hệ giữa các tỉnh biên
giới hai nước.
- Về Vịnh Bắc bộ và Biển Đông, hai bên tiếp tục thúc
đẩy một cách vững chắc đàm phán phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và tích
cực trao đổi về vấn đề hợp tác cùng phát triển, sớm khởi động khảo sát chung ở
khu vực này.
Trong thời gian viếng thăm, hai bên đã ký 8 Hiệp định
và Thỏa thuận, trong đó có :
- Hiệp định về thiết lập đường dây nóng ;
- Hiệp định về kiểm dịch y tế biên giới ;
- Hiệp định khung về việc Trung Quốc cung cấp cho Việt
Nam khoản tín dụng ;
- Thỏa thuận về xây dựng khu kinh tế - thương mại
Trung Quốc tại thành phố Hải Phòng ;
- Thỏa thuận về hợp tác chiến lược giữa Tập đoàn Dầu
khí quốc gia Việt Nam và Công ty Dầu khí Hải dương quốc gia Trung Quốc và một số
thỏa thuận hợp đồng kinh tế khác.
5. Tuyên bố chung hai nước Trung Quốc - Việt
Nam 15/10/2011 (cấp Đảng : Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng),
ngoài việc cố gắng hoàn thành trước thời hạn mục tiêu đến năm 2015 kim ngạch
thương mại hai chiều đạt 60 tỷ USD (tăng thêm 35 tỷ USD so với trước), hai bên
đã ký :
- Kế hoạch hợp tác giữa Đảng cộng sản Việt Nam và Đảng
cộng sản Trung Quốc (2011-2015) ;
- Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế-thương
mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng
hòa nhân dân Trung Hoa 2012-2016, và Danh mục các dự án hợp tác trọng điểm,
thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực như nông nghiệp, ngư nghiệp, giao
thông vận tải, năng lượng, khoáng sản, công nghiệp chế tạo và phụ trợ, dịch vụ
cũng như hợp tác khu vực "Hai hành lang, một vành đai" ;
- Bản ghi nhớ hợp tác song phương trong lĩnh vực
thương mại hàng nông sản giữa Bộ Công thương Việt Nam với Bộ Thương mại Trung
Quốc ;
- Thỏa thuận trao đổi giáo dục 2011-2015 giữa Bộ
Giáo dục và đào tạo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Giáo dục nước
Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ;
- Kế hoạch hành động thực hiện Hiệp định Văn hóa Việt-Trung
giai đoạn 2013-2015, sớm hoàn thành việc xây dựng Trung tâm văn hóa của nước
này ở nước kia ;
- Nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc
về sửa đổi Hiệp định vận tải ôtô giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc
;
- Nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc
về thực hiện Hiệp định vận tải ôtô giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc
;
- Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết
vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa
nhân dân Trung Hoa ;
- Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết
các vấn đề trên biển.
6. Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc
21/06/2013 (cấp Nhà nước : Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Chủ tịch nước
Trương Tấn Sang), ngoài việc tiếp tục thúc đẩy xây dựng các dự án hợp tác kinh
tế - thương mại quan trọng trong các lĩnh vực năng lượng, khu công nghiệp, kết
nối giao thông trên bộ, trong đó ưu tiên thúc đẩy xây dựng các dự án đường bộ
và đường sắt kết nối khu vực biên giới trên bộ hai nước như tuyến đường bộ cao
tốc Lạng Sơn - Hà Nội...
- Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác giữa
các tỉnh, khu tự trị biên giới hai nước, nhất là giữa 7 tỉnh của Việt Nam gồm
Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh với 4 tỉnh
(khu tự trị) của Trung Quốc gồm Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Vân Nam ; phát
huy vai trò của cơ chế hợp tác liên quan giữa địa phương hai nước ; tập trung
thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại, cơ sở hạ tầng giao
thông, khoa học, giáo dục, văn hóa, y tế… ; thúc đẩy các tỉnh, khu tự trị biên
giới hai nước cùng phát triển.
- Hai bên nhất trí thực hiện nghiêm túc Kế hoạch
công tác năm 2013 của Ủy ban Liên hợp biên giới trên đất liền hai nước ; thành
lập Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới ; thúc đẩy việc mở và nâng cấp
các cửa khẩu biên giới giữa hai nước ; tăng cường xây dựng và quản lý cơ sở hạ
tầng của các cửa khẩu biên giới, cải thiện điều kiện và nâng cao hiệu quả thông
hành cho người, hàng hóa, phương tiện qua cửa khẩu nhằm phục vụ việc qua lại và
phát triển kinh tế - thương mại giữa hai nước. Sớm khởi động việc xây dựng cầu
Bắc Luân II Việt-Trung.
- Hai bên nhất trí tổ chức vòng đàm phán mới
"Hiệp định về quy chế tàu thuyền đi lại tự do tại khu vực cửa sông Bắc
Luân" và "Hiệp định về hợp tác và khai thác phát triển du lịch khu vực
thác Bản Giốc" vào nửa cuối năm 2013, cố gắng sớm đạt được tiến triển thực
chất…
- Hai bên hoan nghênh Thỏa thuận sửa đổi liên quan tới
Thỏa thuận thăm dò chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ
được ký kết giữa doanh nghiệp hữu quan hai nước, nhất trí mở rộng diện tích khu
vực thỏa thuận, kéo dài thời hạn thỏa thuận, cùng nhau thúc đẩy hoạt động thăm
dò chung đối với cấu tạo dầu khí vắt ngang đường phân định trong Vịnh Bắc Bộ sớm
đạt được tiến triển tích cực.
Trong thời gian viếng thăm, hai bên đã ký :
- Chương trình hành động giữa Chính phủ Việt Nam và Chính
phủ Trung Quốc về việc triển khai quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện
Việt Nam - Trung Quốc ;
- Thỏa thuận hợp tác biên phòng giữa Bộ Quốc phòng
hai nước Việt Nam - Trung Quốc (sửa đổi) ;
- Thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp và phát triển nông
thông Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc về việc thiết lập đường dây nóng về
các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển ;
- Thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp và phát triển nông
thôn Việt Nam và Tổng cục giám sát chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch Trung Quốc
về hợp tác trong lĩnh vực kiểm nghiệm, kiểm dịch động thực vật xuất nhập khẩu ;
- Điều lệ công tác của Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu
biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc ;
- Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ
Trung Quốc về việc thành lập Trung tâm văn hóa tại hai nước ;
- Bản ghi nhớ về kế hoạch hợp tác giai đoạn
2013-2017 giữa Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội hữu nghị đối ngoại
nhân dân Trung Quốc ;
- Thỏa thuận sửa đổi lần thứ 4 giữa Tập đoàn dầu khí
Việt Nam và Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc liên quan tới
Thỏa thuận thăm dò chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ
;
- và nhiều văn kiện hợp tác kinh tế khác.
7. Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc
15/10/2013 (cấp Chính phủ : Thủ tướng : Nguyễn Tấn Dũng và Lý Khắc Cường), ngoài những
tuyên bố xã giao và phấn đấu hoàn thành trước thời hạn mục tiêu đến năm
2015 kim ngạch thương mại hai chiều đạt 60 tỷ USD,
- Hai bên nhất trí về phương án thực hiện và huy động
vốn đối với dự án đường bộ cao tốc Lạng Sơn - Hà Nội nhằm sớm khởi công xây dựng.
- Hai bên sẽ tích cực thúc đẩy dự án đường bộ cao tốc
Móng Cái - Hạ Long, phía Trung Quốc ủng hộ các doanh nghiệp có thực lực của
Trung Quốc tham gia dự án này, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ về huy động vốn ; đẩy
nhanh nghiên cứu khả thi dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
- Hai bên nhất trí thực hiện tốt "Bản ghi nhớ về
việc xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới", tích cực nghiên cứu
đàm phán ký kết "Hiệp định thương mại biên giới Việt-Trung" (sửa đổi)
nhằm phát huy vai trò tích cực thúc đẩy hợp tác và phồn vinh ở khu vực biên giới
hai nước, tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các địa phương, nhất là giữa
các tỉnh, khu tự trị biên giới hai nước ; phát huy vai trò của
cơ chế hợp tác liên quan giữa địa phương hai nước.
- Phía Việt Nam sẽ tạo thuận lợi, hỗ trợ sớm hoàn
thành Khu công nghiệp Long Giang (Tiền Giang) và Khu công nghiệp An Dương (Hải
Phòng). Hai bên sẽ đẩy nhanh thi công, thúc đẩy sớm hoàn thành dự án Cung Hữu
nghị Việt-Trung.
- Thúc đẩy đàm phán về "Hiệp định hợp tác bảo vệ
và khai thác nguồn tài nguyên du lịch khu vực thác Bản Giốc" sớm đạt được
tiến triển thực chất, sớm khởi động vòng đàm phán mới và đạt nhất trí về
"Hiệp định tàu thuyền tự do đi lại tại khu vực cửa sông Bắc Luân", sớm
hoàn thành xây dựng các cầu qua biên giới như cầu đường bộ Bắc Luân 2, cầu đường
bộ 2 Tà Lùng-Thủy Khẩu, tạo nền tảng cho sự ổn định và phát triển của khu vực
biên giới hai nước.
- Hai bên hỗ trợ dịch vụ tài chính
cho các dự án hợp tác song phương về thương mại và đầu tư trên cơ sở Hiệp định
thanh toán bằng đồng bản tệ song phương trong thương mại biên giới ký giữa ngân
hàng Trung ương hai nước năm 2003, tiếp tục nghiên cứu việc mở rộng phạm vi
thanh toán bằng đồng bản tệ, thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư hai bên.
- Hai bên nhất trí tổ chức tốt Liên hoan
Thanh niên Việt-Trung lần thứ hai ; gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt-Trung ;
liên hoan nhân dân Việt-Trung… nhằm bồi dưỡng ngày càng nhiều thế hệ tiếp nối sự
nghiệp hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc.
- Hai bên nhất trí thành lập Viện Khổng Tử tại Việt
Nam và đẩy nhanh việc thành lập Trung tâm văn hóa của nước này ở nước kia…
Trong thời gian chuyến thăm, hai bên đã
ký :
- Hiệp định về việc mở Cơ quan Xúc tiến thương mại
nước này tại nước kia ;
- Bản ghi nhớ về xây dựng khu hợp tác kinh tế qua
biên giới ;
- Bản ghi nhớ về việc thành lập Nhóm công tác hỗn hợp
hỗ trợ các dự án do doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện tại Việt Nam ;
- Hiệp định về việc xây dựng cầu đường bộ 2 Tà
Lùng-Thủy Khẩu và Nghị định thư kèm theo ;
- Dự án hợp tác nghiên cứu quản lý môi trường biển
và hải đảo vùng vịnh Bắc Bộ ;
- Dự án nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ
Holocenne khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang ;
- Thỏa thuận về việc thành lập Viện Khổng Tử tại Trường
Đại học Hà Nội ;
- và một số văn kiện hợp tác kinh tế.
8. Thông cáo chung Trung Quốc - Việt Nam
09/04/2015 (cấp Đảng : Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận
Bình và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng), ngoài việc nhắc lại những thành tựu đã
thực hiện qua những thỏa thuận trước, hai bên đã ký kết :
- Kế hoạch hợp tác giữa Đảng cộng sản Việt Nam và Đảng
cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2016-2020 ;
- Hiệp định về hợp tác dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ;
- Thỏa thuận về các vấn đề về thuế đối với Dự án
thăm dò chung tài nguyên dầu khí tại vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc"
giữa Bộ Tài chính nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Tài chính nước
Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ;
- Bản ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về hợp tác
trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ;
- Bản ghi nhớ về việc thành lập Nhóm công tác hợp
tác về cơ sở hạ tầng trên bộ (MOU-Memoranum of Understanding) giữa Bộ Kế hoạch
và Đầu tư Việt Nam và Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc ;
- Điều khoản Tham chiếu Nhóm công tác hợp tác tài
chính tiền tệ giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc
;
- Bản ghi nhớ về hợp tác làm phim truyền hình chuyên
đề giữa Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc.
9. Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc
06/11/2015 (cấp Đảng và Nhà nước : Tổng
bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn
Sang với Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình), ngoài việc nhắc lại nội
dung những hợp tác toàn diện và thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ "hai
hành lang, một vành đai" với sáng kiến "một vành đai, một con đường",
hai bên :
- Khẩn trương thành lập Nhóm công tác, tích cực bàn
bạc, ký kết Phương án tổng thể chung xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới,
thúc đẩy việc xây dựng và tích cực thu hút đầu tư đối với hai Khu Công nghiệp
Long Giang (Tiền Giang) và An Dương (Hải Phòng) ở Việt Nam, đôn đốc và chỉ đạo
doanh nghiệp hai nước thực hiện tốt các dự án hợp tác như gang thép và phân đạm
do doanh nghiệp Trung Quốc nhận thầu xây dựng tại Việt Nam.
- Ký tiếp "Quy hoạch phát triển 5 năm hợp
tác kinh tế - thương mại Việt - Trung", khẩn trương sửa đổi "Hiệp
định thương mại biên giới Việt - Trung", thực hiện thương mại song phương
phát triển cân bằng, vững chắc và bền vững, phấn đấu thực hiện mục tiêu kim ngạch
thương mại song phương đạt 100 tỷ USD vào năm 2017 (tăng thêm 40 tỷ USD so với
2011).
- Tăng cường vai trò Nhóm công tác hợp tác về cơ sở
hạ tầng và Nhóm công tác về hợp tác tiền tệ, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực
liên quan không ngừng có tiến triển tích cực.
- Thực hiện tốt dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà
Đông ; khẩn trương lập quy hoạch tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội -
Hải Phòng, thúc đẩy hợp tác kết nối cơ sở hạ tầng như tuyến đường bộ cao tốc
Móng Cái - Vân Đồn.
- Hoàn thành việc xây dựng và đưa vào sử dụng Cung Hữu
nghị Việt - Trung vào năm 2017, sớm thành lập Trung tâm Văn hóa nước này tại nước
kia, vận hành có hiệu quả Học viện Khổng Tử tại Đại học Hà Nội.
Hai bên đã ký các văn kiện hợp tác :
- Kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa Đảng cộng sản
Việt Nam và Đảng cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2016-2020 ;
- Hiệp định về tàu thuyền đi lại tại khu vực tàu
thuyền đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ;
- Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên
du lịch thác Bản Giốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và
Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ;
- Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về việc thành lập
Trung tâm Văn hóa nước này tại nước kia ;
- Công hàm trao đổi giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về việc khả
thi tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng ;
- Bản ghi nhớ về việc thúc đẩy hợp tác năng lực sản
xuất giữa Bộ Công thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ủy ban Phát
triển và cải cách quốc gia nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ;
- Bản ghi nhớ về việc ưu hóa thiết kế dự án Cung Hữu
nghị Việt - Trung giữa Bộ Kế hoạch và đầu tư nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam và Bộ Thương mại nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ;
- Bản thỏa thuận giữa Tỉnh ủy Quảng Ninh, Đảng cộng
sản Việt Nam với Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Đảng cộng sản
Trung Quốc về thiết lập giao lưu hữu nghị giữa các tổ chức cơ sở Đảng địa
phương ;
- Thỏa thuận triển khai giao lưu hữu nghị Đảng bộ địa
phương giữa Tỉnh ủy Lào Cai, Đảng cộng sản Việt Nam và Tỉnh ủy Vân Nam, Đảng cộng
sản Trung Quốc...
Đối với Trung Quốc, chiến lược "Hai hành
lang, một vành đai kinh tế" coi như hoàn tất với mốc thời gian năm 2020. Kể
từ năm 2016, những Tuyên bố chung không còn cần thiết nữa, thay vào đó là những
Thông cáo chung trong mục đích duy trì và củng cố mối quan hệ toàn diện giữa
hai Đảng và hai Nhà nước.
10. Thông cáo chung Trung Quốc - Việt Nam
14/09/2016 (cấp Chính phủ : Thủ tướng Trung Quốc Lý Khác
Cường và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc), ngoài việc nhắc lại những hiệp định
và thỏa thuận đã ký, hai bên đã ký :
- Hiệp định gia hạn và bổ sung Quy hoạch phát triển
5 năm hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 2017 - 2021 ;
- Hiệp định thương mại biên giới (sửa đổi) giữa
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa
nhân dân Trung Hoa ;
- Bản ghi nhớ về Danh mục các dự án hợp tác năng lực
sản xuất giữa Bộ Công thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ủy ban
Phát triển và cải cách nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ;
- Bản ghi nhớ về cùng xây dựng Kế hoạch hợp tác cơ sở
hạ tầng trên bộ giai đoạn 2016 - 2020 giữa Bộ Kế hoạch và đầu tư nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ủy ban Phát triển và Cải cách nước Cộng hòa nhân
dân Trung Hoa ;
- Thỏa thuận hợp tác về giáo dục giai đoạn 2016 -
2020 giữa Bộ Giáo dục và đào tạo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ
Giáo dục nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ;
- và một số văn kiện hợp tác khác.
11. Thông cáo chung giữa hai nước
Trung Quốc - Việt Nam 14/01/2017 (cấp Đảng : Tổng bí
thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng), mốc thời
gian 2020 được nhắc lại trong quan hệ giữa hai Đảng và hai nước :
- Thực hiện tốt Kế hoạch hợp tác giữa hai Đảng
giai đoạn 2016-2020, phát huy tốt vai trò điều phối, thúc đẩy của cơ quan đối
ngoại hai Đảng.
- Tiếp tục tổ chức tốt Hội thảo lý luận, thực hiện tốt
Kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa hai Đảng giai đoạn 2016-2020 ; tăng cường
giao lưu hợp tác giữa các cơ quan Trung ương của hai Đảng, giữa tổ chức Đảng
các địa phương đặc biệt là các tỉnh/khu biên giới…
- Thực hiện hiệu quả Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp
tác quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đến năm
2025…
- Thực hiện tốt "Kế hoạch thực hiện Hiệp định
Văn hóa Việt Nam-Trung Quốc giai đoạn 2016-2018", "Thỏa thuận hợp tác
giáo dục Việt Nam-Trung Quốc giai đoạn 2016-2020" ; khuyến khích hai bên cử
nhiều hơn nữa lưu học sinh sang nước nhau học tập.
- Thực hiện tốt "Bản ghi nhớ về cùng xây dựng Kế
hoạch hợp tác cơ sở hạ tầng trên bộ giai đoạn 2016-2020 giữa Bộ Kế hoạch và đầu
tư Việt Nam với Ủy ban Phát triển và cải cách nhà nước Trung Quốc".
- Thực hiện tốt dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà
Đông ; khẩn trương thúc đẩy hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông,
thực hiện hiệu quả quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội -
Hải Phòng.
- Tích cực bàn bạc thống nhất để sớm ký kết
"Phương án tổng thể xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt
Nam-Trung Quốc".
Hai bên đã ký kết các văn kiện hợp tác :
- Thỏa thuận hợp tác đào tạo cán bộ cấp cao giữa Đảng
cộng sản Việt Nam và Đảng cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2017-2020 ;
- Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giữa
Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Quốc phòng nước Cộng
hòa nhân dân Trung Hoa đến năm 2025 ;
- Bản ghi nhớ hợp tác giữa Hội Chữ thập đỏ Việt Nam
và Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc ;
- Hiệp định khung về hợp tác cửa khẩu biên giới đất
liền Việt Nam-Trung Quốc giữa Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam và Tổng cục Hải quan nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ;
- Công thư trao đổi về việc Trung Quốc hỗ trợ kỹ thuật
lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng ;
- Bản ghi nhớ về hợp tác triển khai viện trợ không
hoàn lại chuyên về lĩnh vực y tế công cộng giữa Bộ Kế hoạch và đầu tư nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Thương mại nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa
;
- Bản ghi nhớ về triển khai hợp tác thả giống nuôi
trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ giữa Bộ Nông nghiệp và
phát triển nông thôn nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Nông nghiệp
nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ;
- Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công thương nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm kiểm
dịch quốc gia nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về an toàn thực phẩm trong
thương mại song phương giữa Việt Nam-Trung Quốc ;
- Bản ghi nhớ về việc hợp tác làm phim truyền hình
chuyên đề giữa Đài truyền hình Việt Nam và Đài truyền hình trung ương Trung Quốc
;
- Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ban Kinh tế trung ương Đảng
cộng sản Việt Nam và Trung tâm nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện Trung Quốc ;
- Kế hoạch hợp tác du lịch giữa Bộ Văn hóa, thể thao
và du lịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cục Du lịch quốc gia nước
Cộng hòa nhân dân Trung Hoa giai đoạn 2017-2019 ;
- Bản ghi nhớ về kế hoạch hợp tác giai đoạn 2017- 2021
giữa Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội Hữu nghị đối ngoại nhân dân
Trung Quốc ;
- Thỏa thuận hợp tác giữa Đài Tiếng nói Việt Nam và
Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc ;
- Biên bản ghi nhớ giữa Ngân hàng Đầu tư và phát triển
Việt Nam và Ngân hàng phát triển Trung Quốc về việc hợp tác tài trợ dự án và
cho vay song phương trung dài hạn giai đoạn 2017 - 2019 ;
- Thỏa thuận hợp tác giữa Nhà xuất bản chính trị quốc
gia Sự thật Việt Nam và Nhà xuất bản Nhân dân Trung Quốc giai đoạn 2017 - 2021.
12. Thông cáo chung Trung Quốc -
Việt Nam 15/05/2017 (cấp Nhà nước : Tổng
bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Chủ tịch nước Trần Đại Quang), ngoài việc ký
kết Bản ghi nhớ về hợp tác kết nối giữa khuôn khổ "hai hành lang, một vành
đai" và sáng kiến "Vành đai và Con đường" :
Hai bên tích cực thúc đẩy công tác nghiên cứu và xây
dựng kế hoạch hợp tác 5 năm trong lĩnh vực giao thông và năng lượng trong hợp
tác cơ sở hạ tầng trên bộ, thúc đẩy khánh thành dự án đường sắt đô thị Hà Nội
tuyến số 2 (Cát Linh - Hà Đông) theo kế hoạch, sớm hoàn thành lập quy hoạch tuyến
đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng ; tiếp tục tổ chức tốt
các hoạt động giao lưu nhân dân như Gặp gỡ Hữu nghị Thanh niên lần thứ 17, Diễn
đàn Nhân dân Việt - Trung, hoàn thành việc xây dựng Cung Hữu nghị Việt - Trung
trong năm 2017.
Hai bên tạo điều kiện để Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng
Châu Á (AIIB) cung cấp các nguồn vốn cho các dự án đầu tư kết nối cơ sở hạ tầng,
trong đó khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân. Phía Trung Quốc sẽ
tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Trung Quốc
và các nguồn vốn khác theo các quy định liên quan.
Hai bên đã ký kết các văn kiện hợp tác, trong đó có
:
- Thỏa thuận về tăng cường hợp tác trong tình hình mới
giữa Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Ngoại giao nước
Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ;
- Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại điện tử giữa Bộ
Công Thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Thương mại nước Cộng
hòa nhân dân Trung Hoa, ;
- Bản ghi nhớ hợp tác giữa Học viện Chính trị quốc
gia Hồ Chí Minh và Trường Đảng trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc.
13. Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc
13/11/2017 (cấp Đảng : Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng
bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình), ngoài việc hô hào cùng nhau thực hiện
tốt "Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế thương mại Việt - Trung
giai đoạn 2017-2021", ký kết và thực hiện danh mục các dự án hợp tác trọng
điểm. Thúc đẩy hoàn thành dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2 (Cát Linh -
Hà Đông) theo kế hoạch, hai bên đã ký :
- Thỏa thuận về hợp tác biên phòng giữa Bộ Quốc
phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc ;
- Bản ghi nhớ về thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ
"Hai hành lang, một vành đai" với sáng kiến "Vành đai và Con đường"
;
- Biên bản ghi nhớ về việc tăng cường hợp tác trong
lĩnh vực điện lực và năng lượng tái tạo ;
- Bản ghi nhớ về danh mục dự án hợp tác năng lực sản
xuất năm 2017 ;
- Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực quản lý pháp
quy an toàn hạt nhân ;
- Bản ghi nhớ về việc đẩy nhanh tiến độ đàm phán thỏa
thuận khung về xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới ;
- Bản ghi nhớ về việc thành lập nhóm công tác hợp
tác thương mại điện tử ;
- Bản ghi nhớ về việc xác định danh mục các dự án hợp
tác trọng điểm của Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế, thương mại Việt
Nam - Trung Quốc giai đoạn 2017- 2021 ;
- Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển nguồn nhân lực,
Công thư trao đổi về việc nghiên cứu tính khả thi trước khi lập dự án về Dự án
viện trợ xây mới cơ sở 2 Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam ;
- Bản ghi nhớ về hợp tác và trao đổi thông tin thanh
tra, giám sát ngân hàng ;
- Bản ghi nhớ về hợp tác công nghiệp văn hóa, Kế hoạch
hành động về hợp tác y tế ;
- Thỏa thuận hợp tác về trao đổi khoa học giữa Viện
Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Khoa học xã hội Trung Quốc ;
- Thỏa thuận khung hợp tác giữa Nhà xuất bản chính
trị quốc gia Sự thật, Việt Nam và Cục Sự nghiệp xuất bản - phát hành Ngoại văn
Trung Quốc giai đoạn 2017 - 2022 ;
- Thỏa thuận giao lưu và hợp tác báo chí giữa Hội
nhà báo Việt Nam và Hội nhà báo toàn quốc Trung Quốc ;
- Thỏa thuận về hợp tác đào tạo cán bộ giữa Tỉnh ủy
Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Đảng cộng sản Việt Nam và Khu ủy Khu
tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây, Đảng cộng sản Trung Quốc ;
- và một số thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp, tổ
chức tài chính.
***************
Sự cố Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vị
đột quỵ tại Kiên Giang là một bất ngờ đối với hai Đảng và hai nước. Sự vắng mặt
của ông Nguyễn Phú Trọng tại diễn đàn Diễn đàn Con đường Tơ lụa mới tại Bắc
Kinh ngày 28/04/2019 khiến Bắc Kinh hụt hẫng, Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận
Bình đã không có tuyên bố chung nào với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc,
người thay mặt Nguyễn Phú Trọng, để khai triển chiến lược mới này tại Việt Nam
trong giai đoạn tới. Để bù đắp sự thiếu vắng này, phía Trung Quốc đành phải
cử người ký kết những thỏa thuận với từng cấp cao trong Bộ Chính trị Đảng cộng
sản Việt Nam, như những thỏa thuận ký giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô
Xuân Lịch và Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng Trung Quốc viếng thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27 đến 29/05/2019.
Về những thỏa thuận đã ký, những tai họa về kinh tế,
tài chính do phía Trung Quốc áp đặt lên Việt Nam bắt nguồn từ năm 2008, cao điểm
là trong hai năm 2013 và 2015, tín dụng và những công ty lớn của Trung Quốc
tràn vào Việt Nam để nắm (trúng thầu) toàn bộ những công trình xây dựng hạ tầng
cơ sở cần thiết và không cần thiết, đẩy thương vụ trao đổi với Trung Quốc lên
100 tỷ USD, vượt quá sức chịu đựng của một nền kinh tế yếu kém với những món nợ
không thể trả nổi.
Tình trạng bị thúc ép gia tăng thương vụ với Trung
Quốc sẽ còn bị thúc ép hơn nữa trong những năm sắp tới, với chiến lược
"Sáng kiến Vành đai Con đường" năm 2020 : Việt Nam phải vay thêm tiền
để xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam và đường sắt cao tốc Bắc Nam phục vụ sinh
hoạt kinh tế của những cơ sở Trung Quốc săp xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam.
Nguyễn
Văn Huy
No comments:
Post a Comment