Dương Tự Lập
15/06/2019
Vô tình, rút trên giá sách của cha tôi ở ngăn “bạn
bè gửi tặng” một quyển sách mỏng: Tiếng Thoi – bút ký Tống Văn Công, nhà
xuất bản Lao Động. Ngay trang đầu có mấy hàng chữ viết bằng bút máy, mực nhạt:
“Anh Dương Quân. Hôm trước nói chuyện, biết mình lỡ lời để anh không vui,
thành ra cứ ân hận áy náy mãi. Mong anh thứ lỗi, chuyện cũ cho qua. Tặng anh cuốn
sách mới viết này của em”, cùng chữ ký của tác giả Tống Văn Công.
Dù không đọc, chỉ giở lướt qua cũng tạm hiểu đây là
loại sách phong trào viết về công nhân ngành dệt, hình như nhà máy dệt Minh
Khai – Hà Nội. Sau này loáng thoáng tôi biết được mối quan hệ giữa cha tôi và Tống
Văn Công, chú kém cha tôi 5-6 tuổi, lúc đó chú đã là thủ trưởng của cha ở cương
vị Phó tổng biên tập báo Lao Động.
Một ngày đầu thu năm 1992, tôi vào Nam có chút việc
riêng, nếu kịp thì bay trở lại nước Nga tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất luôn.
Đây là lần đầu tiên tôi vào Sài Gòn sau ngày hai miền Bắc Nam hợp nhất 1975. Nghỉ
ngơi ở nhà bà họ tại quận Phú Nhuận, đầu giờ chiều hôm sau tôi tìm đến báo Lao
Động, cơ quan thường trú phụ trách các tỉnh phía Nam cũng nằm trong quận
này. Người thường trực hất hàm:
– Anh cho xem giấy công tác?
– Không, anh ạ.
– Chứng minh thư của anh?
Tôi lúng túng, bởi trước khi đi, bà tôi sợ kẻ gian
móc túi trộm nên đã cầm hết chứng minh, hộ chiếu của tôi cất vào ngăn tủ. Nếu
tôi thanh minh, chắc anh bảo vệ cũng chẳng tin nên đành nói:
– Hay anh báo dùm em với chú Tống Văn Công có con
trai Dương Quân ngoài Hà Nội vào, muốn gặp, thăm chú một lát.
Người bảo vệ đổi hẳn cung cách và nhanh nhẹn nhấc
máy điện thoại. Sau vài lời, cúp máy xuống, anh cẩn thận ra cài lại cổng và
nói: “Anh đi theo tôi”.
Dẫn tôi lên phòng thủ trưởng cơ quan, lúc này chú Tống
Văn Công đã là Tổng Biên tập báo được mấy năm rồi. Cửa phòng hé mở, anh thò đầu
vào như để xin phép lần nữa và đẩy rộng cửa mời tôi. Tôi chào chú và cũng không
quên cảm ơn người thường trực trước khi anh đi xuống.
– Vào ngồi đây cháu. Thằng Tự Lực thì chú biết,
nhanh nhẹn, hoạt bát, anh Dương Quân được thằng con trai đầu ăn nói lưu loát
phóng khoáng giống cha. Cháu là Tự Lập hay Tự Quyết?
– Cháu là Tự Lập ạ. Chú nhớ bố cháu còn có thằng Tự
Do, mất khi còn nhỏ, ở Bắc Ninh – Hà Bắc, thời kỳ sơ tán năm 1966, chống
Johnson đánh phá, ném bom miền Bắc, đúng không?
– Vâng, chú nhớ đúng thật. Nó là em cháu, trên thằng
Quyết.
– Mẹ có khỏe không cháu? Bố mất đã lâu, chú nghe bảo
mẹ cháu bây giờ đỡ khổ hơn xưa nhiều.
– Vâng, anh em cháu cũng đã trưởng thành.
Lần đầu tiên gặp mặt, hai chú cháu nói chuyện với
nhau thoải mái, thân tình, như đã biết nhau từ lâu. Hơn nữa, trong phòng không
có ai khác ngoài cây quạt Hitachi quay khắp phía, nhè nhẹ êm ru thoang thoảng
mát. Một giá sách sau lưng. Phía trái trên góc phòng cũng có lắp máy điều hòa
Nhật. Góc phòng bên phải đặt chiếc vô tuyến Sony nhỏ, gọn. Bàn ghế bóng lộn
trông sang trọng.
– Sao biết chú vào đây?
– Tháng trước chị Quy ở ban bạn đọc, con dâu bác Võ
Văn Ngoạn (Phóng viên báo Lao Động hy sinh chiến trường miền Nam 1973) lên nhà
chơi, thăm mẹ cháu, nói chuyện. Biết cháu thích biếm họa, chị bảo có anh họa sĩ
Chóe (Nguyễn Hải Chí) ra Hà Nội, đang vào thăm báo Lao Động. Cháu có lên tòa soạn
ở số 51 Hàng Bồ, gặp và chuyện trò trao đổi với anh ấy rất vui vẻ. Sáng qua đi
vội, cháu cầm theo dăm cuốn thơ mới của bố cháu, Nhà xuất bản Văn Học ấn hành
tiện vào trong này thì biếu mấy cơ quan báo luôn. Có một cuốn mẹ cháu đề tặng
riêng gửi chú.
Chú Công cầm cuốn thơ lên lật giở mấy trang và nói:
– Những bài thơ này là gom từ các báo bố cháu đã
đăng trước đây, chú có dịp đọc cả rồi. Thơ anh Dương Quân hay, phải là thơ còn
nằm trong ngăn kéo, thơ chỉ đọc “chui” cho bạn bè nghe mới sướng lỗ tai. Các
cháu có giữ được tất cả thơ bản thảo của bố không?
– Dạ, có chú ạ.
– Thế thì tốt, rồi có lúc sẽ được công khai.
Khi trả lời chú như vậy, quả thật là anh em tôi còn
giữ được đầy đủ thơ, bản thảo của ông. Tôi xa quê biền biệt gần hai mươi năm kể
từ lúc ngồi nói chuyện với chú Công hôm ấy. Sau này trở về tìm lục lại các bản
thảo của cha tôi chẳng thấy đâu nữa. Hỏi thì được biết khi anh tôi mất, người
chị dâu vô học, ngu si đần độn, đã đem ra đốt hết tất cả những gì của cha mà
anh ấy giữ. Tôi chỉ còn biết dậm chân, dậm cẳng ôm mặt đứng khóc giữa nhà.
– Cho chú gửi lời cảm ơn mẹ. Ít hôm xong việc, chú
ra Hà Nội chắc có tập thơ bố cháu trên bàn chú rồi. Nhưng cuốn này có lời đề tặng
của mẹ cháu thì quí hóa quá.
Khi đưa tôi qua báo Tuổi Trẻ, chú gọi điện trước. Chị
Vũ Kim Hạnh, Tổng biên tập đang có mặt bên đó, chú nói nhỏ với tôi:
– Con bé này đang gặp nhiều chuyện rắc rối.
Mãi về sau tôi mới biết, thời điểm ấy chị bị buộc
thôi chức Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ, tiếng nói của Thành đoàn Thanh niên Cộng
sản HCM, Thành phố HCM, vì đã cho đăng nhiều bài phóng sự nóng bỏng, tiêu cực xẩy
ra tại thành Hồ lúc đó. Đặc biệt chị còn dám cho đăng bài của nhà sử học người
Pháp Daniel Hémery, số báo ra ngày 18/5/1991 (Thư chữ Hán Bác Hồ gửi vợ). Nhà sử
học này đã tìm thấy 21 bản phụ lục, là tư liệu lịch sử về anh thanh niên Nguyễn
Tất Thành (tức Hồ Chí Minh), phần lớn nằm ở quận Aix-en-Provence, miền Nam nước
Pháp. Rằng ông Hồ thời trẻ từng có vợ là cô Tăng Tuyết Minh người Trung Quốc,
làm nghề đỡ đẻ ở Quảng Châu.
Thật ra nếu ông Hồ có vợ cũng là lẽ thường tình chẳng
phải chuyện gì ghê gớm xấu xa hay đồi bại; ông không phải thánh. Ông sẽ như một
con người bình thường, thăng bằng, gần gũi với mọi người hơn nếu có chuyện tình
cảm đó. Thậm chí theo nguồn tư liệu của nhà nghiên cứu người Pháp này thì khi
hành nghề thợ ảnh tại Paris, ông Hồ từng quan hệ mật thiết, già nhân ngãi non vợ
chồng với cô đầm có cái tên Marie Bière. Nhưng những bộ óc bảo thủ của cộng sản
Hà Nội không dễ gì chấp nhận chuyện này. Tội phạm thượng đấng thánh lãnh tụ
kính yêu của đảng thì Ban Tuyên giáo không thể tha thứ. Chị cũng là Tổng biên tập
trẻ nhất, lúc 32 tuổi vào năm 1983.
Trên đường đi, chú Tống Văn Công có kể lại đôi kỷ niệm
những tháng năm làm việc cùng cha tôi rồi kết lại:
– Tính khí anh Dương Quân nóng nẩy, ngang, thẳng,
nói năng chẳng kiêng nể sợ sệt gì ai. Bao nhiêu năm lương thấp lắm, sống khổ
quá, khổ nhất tòa soạn. Bố cháu khổ thì các cháu cũng khổ theo vì lúc đó con
cái sống bằng tem phiếu của cha mẹ. Mà tem phiếu thì lại theo tiêu chuẩn bậc
lương, các chú muốn bênh vực cũng khó, quyền lực mình chỉ có giới hạn, nhưng
cái tính con người ta thì chẳng dễ gì thay đổi được.
Rồi chú chép miệng tỏ ra thương cảm, ngùi ngùi.
Tất cả những gì về Tống Văn Công, quê Bến Tre, vào đảng
sớm, chỉ có vậy, tôi không hề biết thêm chú. Đó là lần gặp gỡ đầu tiên và có thể
lần cuối cùng, rất có thể.
Hai mươi năm sau. Cuối năm 2012, tôi tình cờ đọc được
bài phản ánh vụ cưỡng chế cướp đất ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Vào tháng
Tư năm đó, có gần ba nghìn công an, bộ đội kéo về đàn áp cả dân làng, đánh đập
hơn hai nghìn nông dân có phụ nữ lẫn người già, dã man hơn kẻ thù của Tống Văn
Công. Lòng căm hận sau khi đọc bài viết của tác giả.
Từ bài viết đó, tôi còn xem thêm bản tin của Lê Nguyễn
Hương Trà; clip của Nguyễn Lân Thắng; gương chống tham nhũng, chống cướp đất của
bà Lê Hiền Đức đã về tận Văn Giang nói chuyện với người dân cùng cực bị mất đất.
Bài của anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Phạm Đình Trọng và bài viết của nhiều tác
giả khác nữa… Lòng càng căm thù, sục sôi, lũ đê tiện ngút ngàn hơn, cái lũ đẻ từ
trong dân mà ra và được dân đóng thuế nuôi dưỡng chúng để chúng hèn với giặc Tầu
ác với dân ta.
Rồi từ đó trở đi tôi lác đác đọc một số bài của Tống
Văn Công. Đến đầu năm 2014 khi đọc đơn “Tự kiểm điểm nhận một hình thức kỷ luật
xin ra đảng” của chú Tống sau 55 năm đứng trong đội ngũ đảng, khi đã 82 năm tuổi
đời.
Thật sự tôi không vui tí nào vì hành động của chú đã
quá cũ mèm, quá rẻ rách, quá nhàm, đi sau hàng nghìn người đi trước. Trước chú
gần ba chục năm, năm 1990 đã có ông Bùi Tín, Phó tổng biên tập báo Nhân Dân, bạn
đồng nghiệp với chú, đã bỏ đảng sang Pháp. Năm 1991 đã có cựu Phó Chủ tịch Tổng
công đoàn Việt Nam Nguyễn Hộ, thủ trưởng trực tiếp của chú, bỏ đảng sau 53 năm
theo đảng mà còn không may mắn bằng chú, đã bị bắt giam, quản thúc.
Nhìn lại cái đảng của chú đi theo thì trước nữa là vụ
án Xét lại Chống đảng năm 1967, nhằm thanh trừng nội bộ trong đảng, những cán bộ
cấp cao, có học thức, bị tình nghi là theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm
tình báo cho nước ngoài. Kẻ tàn bạo đứng đầu chống lại những con người chân
chính này là Lê Duẩn, lúc đó đã tiếm quyền ông Hồ khi ông không còn khỏe, cùng
đồ tể Lê Đức Thọ, ra tay thanh trừng các tướng lĩnh cao cấp, có lợi cho phía
Trung Quốc cũng như chịu ảnh hưởng tư tưởng Mao Trạch Đông.
Trước đó, có vụ án Nhân văn – Giai phẩm năm 1957, nhằm
dập tắt tự do tư tưởng, tự do ngôn luận của giới văn nghệ sĩ miền Bắc, mà cha
nhà thơ vườn Ba Đình Nguyễn Kim Thành (Tố Hữu) là tay trùm đao phủ, dưới trướng
Hoàng Văn Hoan, chỉ đạo.
Trước trước nữa là vụ Cải cách ruộng đất năm 1953, Đặng
Xuân Khu (tức Trường Chinh) cầm đầu, dưới sự thống soái của Hồ Chí Minh. Giết cả
những người nghèo nếu bị quy sai là địa chủ. Nhiều khi lệnh ký giết người ngay
trên ghi đông xe đạp, dưới bóng lũy tre làng, bên thành giếng… Nếu số lượng địa
chủ chưa đủ thì cứ ghi bừa ai đó vào cho đủ để hành hình.
Năm 1954, một triệu người Bắc bỏ quê, vượt vĩ tuyến
17 vào Nam. Từ thắng cuộc 1975 đến 1979 hàng vài triệu người bỏ nước vượt biển
khơi, thì một nửa số đó cũng bị biển khơi nuốt trọn. Chỉ mong tìm đến được những
nước rồng, nước hổ, nay ta chờ mãi không hóa được rồng mà người dân chỉ muốn
rông, rông chạy, rông cho khỏi rồ, rông cho khỏi dại, rông cho khỏi đất nước
này như Tống Văn Công, cựu đảng viên đảng Cộng sản rông sang Mỹ vậy.
Trong hơn hai mươi năm chiến tranh huynh đệ tương
tàn (1954-1975) do đảng phát động, hàng triệu người con của cả hai miền Bắc-Nam
nồi da xáo thịt, thịt nát xương tan. Hàng triệu gia đình và các bà mẹ mất con sống
tận cùng của nỗi xót xa, đau khổ.
Năm 1978 Nguyễn Duy Cống (Đỗ Mười) thay mặt đảng
đánh tanh bành, Cải tạo Công thương nghiệp Sài Gòn, lùa dân lên rừng hoang sống
như… cống rãnh.
Năm 1979 máu của những người con nước Việt lại đổ ở
biên giới Tây Nam với giặc Căm-pu-chia và biên giới phía Bắc với bọn cướp Trung
Quốc.
Năm 1985 cũng vẫn tay Tố Hữu thay mặt đảng đổi tiền,
lừa dân, mua công trái, đất nước tiêu điều xơ xác.
Năm 1988 đảng thâm hiểm bất ngờ hạ bệ, giải tán hai
đảng Dân chủ và Xã hội, chỉ còn độc đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1990, đảng trưởng
Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh) kéo theo em Đỗ Mười và anh Phạm Văn Đồng sang mọp gối
tại Thành Đô, Trung Quốc. Phạm Văn Đồng, kẻ từng lập công hàm dâng Hoàng Sa,
Trường Sa cho tên cướp Chu Ân Lai tháng 9 năm 1958.
Từ dấu mốc 1990, sau Thành Đô này trở đi, gần như là
hết đảng trị mà mọi sự sắp đặt của đảng đều do Tầu trị. Cũng từ dấu mốc này, lịch
sử chống bọn giặc phương Bắc – Trung Quốc, đã bị cắt xén, dối trá, dìm sâu, giấu
nhẹm, nghiêm cấm người dân không được nhắc tới, nhắc tới là phản động, là chống
đảng, là lật đổ chính phủ, là không đúng với lòng thành bốn tốt, mười sáu cục
vàng khè của bề trên Thiên triều – Trung Nam Hải viết tặng.
Cũng từ dấu mốc Thành Đô năm 1990 này là các cuộc gặp
gỡ, ký kết, cắt xén đất đai, dâng biếu không cho Tầu cộng nhiều ki lô mét đường
biên. Mất ải Nam Quan, mất gần hết thác Bản Giốc, mất các cao điểm Lão Sơn…
Nhân sự đảng thay đổi, Đỗ Mười (thợ thiến) lên Tổng
bí thư. Anh chột (cạo mủ) vứt bỏ áo tướng, vứt bỏ biên giới, vứt bỏ Gạc Ma và
oan hồn người lính ngồi ghế Chủ tịch nước. Lê Đức Anh, kẻ tiếp kiến đại sứ Tầu
Trương Đức Duy để bắc nối Hội Nghị Thành Đô ô nhục. Các công ty Tầu cộng lần lượt
kéo đàn, kéo lũ vào, ngập tràn đất nước. Từ đây tiếp tục mất dần đất đai biển đảo,
nhưng ngược lại đảng ra tay đàn áp, cướp đất của dân trên khắp mọi miền tổ quốc…
Xem ra cái đảng mà chú Tống phấn đấu đi theo sai mạn
tính, sai kinh niên, sai triền miên và triền miên sai bất tận, nghĩa là hết cứu.
Nghĩa là khi không còn gì để ăn để uống, để mất nữa chú Tống mới xin ra đảng,
xin thôi đảng, chửi lại đảng, chống lại đảng, thóa mạ đảng, nhổ nước bọt vào đảng,
ỉa đái vào mặt đảng. Như thế là chú chơi không đẹp!
Thời tuổi 19 non trẻ, chú đã được đứng trong hàng
ngũ đảng. Như vậy hẳn chú có cái đầu minh mẫn lẫn con mắt tinh đời. Rồi từ cái
thương hiệu đảng viên chuẩn mực đó, chú dần dần leo lên những nấc thang danh vọng
rất chuẩn, để ngồi chễm chệ vào chiếc ghế Tổng Biên tập một tờ báo đứng hàng nhất
nhì Trung ương và của cả nước. Chú hưởng no nê thịt nạc ngon, tôm cá tươi Tôn Đản,
Nhà Thờ, Vân Hồ, là ba cửa hàng nổi tiếng của Hà Nội chỉ dành riêng cho loại
người cỡ chú trở lên của thời bao cấp thương đau.
Với chức vụ đó, chú được đào tạo, bay sang Nga, lượn
về Tầu, được nghe giảng qua hàng trăm buổi lên lớp của ban Tuyên Giáo mới có giọng
điệu lý luận sắc bén của đảng, đảng cướp, như chú nói và viết. Chú rất tỉnh táo
cho đến khi qua định cư ở Hoa Kỳ an toàn. Tại đất lạ quê người năm 2016 chú lại
nặn thêm cuốn hồi ký: “Đến Già Mới Chợt Tỉnh”, cùng với sự thở than, trách móc:
– Hối tiếc nhất là: “Tự nguyện làm công cụ của đảng
chứ không phải thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của nhân dân”.
Cái hối tiếc này cháu đoán chú biết từ lâu lắm rồi
nhưng giả vờ cho im chuyện để chú được yên thân tại vị. Cháu cũng chẳng thèm đọc
cuốn hồi ký “Đến Già Mới Chợt Tỉnh” cuối đời cũng như chẳng thèm xem tới cuốn
bút ký “Tiếng Thoi” đầu đời của chú gửi tặng bố cháu mấy chục năm trước. Dứt
khoát chú là kẻ cơ hội, kẻ hãnh tiến, kẻ thủ đoạn, kẻ mưu mô, kẻ tỉnh táo, tỉnh
táo đến cả chọn tít sách: “Đến Già Mới Chợt Tỉnh”. Chú còn tỉnh lắm, chú chưa từng
ngớ ngẩn đâu chú Tống Văn Công ạ.
Nhưng mà thôi, cháu thông cảm cho chú, ai cũng vì miếng
cơm manh áo. Ví như chú không tỉnh làm sao chú leo được lên tới chức Tổng Biên
tập của một tờ báo to tướng như vậy? Chỉ tiếc giá như chú vẫn nên ở lại quê nhà
để viết đều đặn cái kiểu bài “Cướp Đất Văn Giang” hay bài “Kẻ Thù Trung Quốc”
hoặc bài “Đồng Ý Với Nhà Văn Nguyên Ngọc”… cho dân rõ, thì vừa hay mà độc giả
càng thêm yêu thích, quý mến chú.
Hoặc về già chú đã ngấy đảng, chán đất nước mình thì
bỏ sang Cam-pu-chia, hay Lào, định cư đi, để khi chết thì đem về cũng gần với
quê hương Bến Tre của chú, hơn nước Mỹ bên kia trái đất xa xôi lạnh lẽo. Bỗng
dưng Bến Tre “thành đồng bất khuất” mất tăm một người con sáng giá, một đảng
viên ưu tú như chú, thật tiếc biết chừng nào. Mà hay nhỉ, khi nói, khi viết, ca
ngợi thì người ta cứ giơ cao Xã hội Chủ nghĩa. Nhưng khi ở ẩn thì lại muốn chui
vào xó Tư bản chủ nghĩa giãy chết Anh, Pháp, Mỹ, Canada… để sống. Thật khó hiểu
nổi!
Nghĩ sao cháu nói vậy, lỡ ai đó trong bạn bè, thân
nhân đọc được, mách lại chú, hoặc chính chú đọc được bài viết này thì chú cứ thản
nhiên coi như không có thằng cháu Tự Lập khốn nạn, đốn mạt trên cõi đời. Chứ
chú đừng nóng lên mà gào mà thét:
– Ối anh Dương Quân ơi là anh Dương Quân ơi! Bình
sinh anh có chửi thì chỉ chửi lũ quan tham, mặt dày. Lũ quan vô liêm sỉ, mặt thớt.
Lũ quan vô luân, mặt mo. Lũ quan sâu mọt, mặt ngựa. Lũ quan gian hiểm đầu chó mặt
chuột, tham quyền cố vị, đục khoét, uống máu hút mủ, ăn tàn phá nước, hại dân,
chứ đâu có chửi vung chửi vít như thằng con trai anh, nó chửi cả em của anh đây
này. Khôn thiêng thì anh về mà dạy bảo lại nó đi, anh ơi là anh ơi!
_____
Một số hình ảnh của tác giả Dương Tự Lập:
Dương Quân,
bức ảnh chân dung duy nhất của báo Lao Động
Trang thơ
Dương Quân, báo Tuổi Trẻ Cười giới thiệu năm 1992.
Tống Văn
Công, cựu Tổng biên tập báo Lao Động.
Bìa cuốn hồi
ký của Tống Văn Công.
“Bộ mặt” báo
Lao Động
No comments:
Post a Comment