Trọng Thành – RFI
Đăng ngày 12-06-2019
Cách
nay đúng một năm, cuộc hội kiến lần đầu tiên giữa tổng thống Hoa Kỳ và lãnh đạo
Bắc Triều Tiên tổ chức tại Singapore ngày 12/06/2018, từng dấy lên nhiều hy vọng
về viễn cảnh phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Giờ đây, đông đảo chuyên gia
ghi nhận hồ sơ giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên gần như rơi vào ngõ cụt, cho dù
lãnh đạo hai bên vẫn tiếp tục gửi đi một số tín hiệu cổ vũ cho việc duy trì đối
thoại.
Kim Jong Un và Donald Trump tại thượng đỉnh ở
Singapore, 13/06/2018.Photo: KCNA via KNS/AFP
Đúng ngày này hồi năm ngoái, bức ảnh tổng thống Mỹ
Donald Trump nồng nhiệt bắt tay lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un được truyền
thông loan tải rộng rãi, như một dấu hiệu đầy lạc quan mở đầu cho tiến trình đối
thoại giữa Hoa Kỳ với quốc gia được coi là khép kín nhất hành tinh.
Một bộ phận công luận quốc tế trông đợi một hiệp định
hòa bình sẽ chính thức được ký kết, 70 năm sau cuộc chiến tranh Triều Tiên đẫm
máu (1950-1953). Để rồi với các đàm phán tiếp theo đó, chế độ Bình Nhưỡng sẽ chấp
nhận từ bỏ hệ thống vũ khí hạt nhân, đổi lấy việc dỡ bỏ trừng phạt quốc tế. Tuy
nhiên, sau một số dấu hiệu hòa giải khá ngoạn mục, kịch bản phi hạt nhân hóa đã
không khởi sự. Thượng đỉnh Trump – Kim lần thứ hai tại Hà Nội, cuối tháng
2/2019, rốt cuộc đã đổ vỡ. Phái đoàn Mỹ vội rời Việt Nam. Hai bên không ra được
tuyên bố chung.
Theo chuyên gia về Triều Tiên Harry Kazianis, thuộc
nhóm tư vấn Center for the National Interest, có trụ sở tại Hoa Kỳ, công luận
đã chuyển từ trạng thái lạc quan, hy vọng, sang hoài nghi. Một số giới chức Hoa
Kỳ gần gũi với hồ sơ này cho biết, đã không hề có các tiếp xúc trực tiếp nào với
phía Bắc Triều Tiên, kể từ thượng đỉnh Hà Nội. Họ tỏ ra ngày càng thất vọng với
sự im lặng của Bắc Triều Tiên về đàm phán hạt nhân.
Trong lúc đó, chính quyền Bình Nhưỡng liên tục tung
đòn đáp trả thái độ không khoan nhượng của phe cứng rắn trong chính quyền
Trump. Bắc Triều Tiên đòi phía Mỹ sa thải hai cộng sự viên của tổng thống
Trump, ngoại trưởng Mike Pompeo và ông John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia của
tổng thống. Bình Nhưỡng đe dọa sẽ xem xét các biện pháp khác, nếu Washington không
thay đổi đường lối hiện nay.
Hàn Quốc là quốc gia liên đới nhiều nhất với các đàm
phán Mỹ-Bắc Triều Tiên. Người dân Hàn Quốc nhìn nhận ra sao về vấn đề này, nhân
một năm thượng đỉnh Trump – Kim lần thứ nhất ? Sau đây là phóng sự của thông
tín viên Frédéric Ojardias tại Seoul :
« Thượng đỉnh Kim – Trump từng dấy lên tại
Hàn Quốc nhiều hy vọng lớn về hòa bình và đối thoại được nối lại với miền Bắc.
Thế nhưng một năm sau, tình hình không có gì sáng sủa. Chế độ Bình Nhưỡng tiếp
tục thử tên lửa, từ chối nói chuyện với miền Nam, đàm phán hạt nhân sa lầy. Sau
đây là một số phản ứng của người dân tại Seoul.
Một người đi đường cho biết, kể từ một năm nay, đã
không có kết quả nào đáng kể, điều này gây thất vọng. Ngược lại, một nữ sinh
bày tỏ : ‘‘Thượng đỉnh này dù sao cũng không phải vô ích, đây là một bước đi có
ý nghĩa hướng đến một mục tiêu quan trọng (hòa bình)". Một nhân viên văn
phòng tỏ ra thận trọng : ‘‘Tôi cho rằng còn quá sớm để nói thượng đỉnh này là một
thành công hay thất bại, bởi vì không thể nào giải quyết được vấn đề hạt nhân
chỉ trong vòng một năm !’’.
Đây cũng là quan điểm được nhà nghiên cứu Go Myung
Hyun, Viện Asan ở Seoul, chia sẻ : ‘‘Cho dù các thương lượng rơi vào bê tắt, Bắc
Triều Tiên và Hoa Kỳ vẫn tiếp tục đối thoại. Và miền Bắc cũng không có các hành
động khiêu khích lớn (kể từ thượng đỉnh Singapore), ngoài một số vụ bắn thử hỏa
tiễn hồi tháng 5… Ngược lại, hai bên cần đạt được một kế hoạch giải trừ hạt
nhân hoàn toàn đối với Bắc Triều Tiên, đây là điều chưa có tiến bộ nào…’’.
Để cải thiện quan hệ với miền Bắc, Seoul rất cần đến
các tiến bộ trong đàm phán hạt nhân. Hàn Quốc hy vọng một thượng đỉnh Kim-Trump
lần thứ ba… Tuy nhiên, trước mắt rất khó diễn ra một cuộc hội kiến như vậy ».
Cho đến nay, bất chấp tiến trình đàm phán hạt nhân ngưng
lại, tổng thống Mỹ và lãnh đạo Bắc Triều Tiên vẫn nhiều lần khẳng định muốn gặp
nhau lần thứ ba. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, một cuộc gặp lần nữa chỉ
thực sự có ích khi hai bên sẵn sàng nhân nhượng, Bắc Triều Tiên chấp nhận phi hạt
nhân hóa dần dần, đổi lại Hoa Kỳ tạo điều kiện cho việc trừng phạt của Liên Hiệp
Quốc được dỡ bỏ từ từ. Tuy nhiên, đây là điều rất khó xẩy ra. Lập trường đàm
phán chính thức của phía Mỹ không đi theo hướng này.
Theo đánh giá của nhóm tư vấn Eurasia Group, rất ít
có khả năng (xác suất 10%), thượng đỉnh lần ba sẽ diễn ra trong năm nay. Điều
cơ bản đối với hai ông Donald Trump và Kim Jong Un hiện nay có lẽ là cố gắng
duy trì đối thoại, cho dù ở mức tối thiểu, để liên hệ song phương không hoàn
toàn bị cắt đứt.
No comments:
Post a Comment