Tuesday, 28 August 2018

BẢN TIN BIỂN ĐÔNG NGÀY 28/8/2018 (BTV Tiếng Dân)




BTV Tiếng Dân
28/08/2018

Hợp tác quốc phòng

Báo VietNamNet đưa tin, lần đầu tiên kể từ năm 1954, một đội hình bay Pháp gồm 3 máy bay tiêm kích Rafale, một máy bay vận tải A400M, một máy bay tiếp vận C-135 và một máy bay A310 tới Việt Nam. Chuyến thăm nằm trong khuôn khổ chiến dịch PEGASE tại châu Á – Thái Bình Dương mà Không quân Pháp tổ chức và điều phối.

Không quân Pháp đã huy động 100 thành viên đội bay, do tướng không quân Patrick Charaix dẫn đầu. Tại cuộc họp báo, ông chia sẻ phía Pháp đã đề xuất đại diện Việt Nam tham gia bay thử trên máy bay vận tải A400M chiều 27 tháng 8.

Tướng Charaix nhận định, đây là dịp để Pháp giới thiệu công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm bởi chiến đấu cơ Rafale và máy bay A400M là hai loại thường xuyên được Pháp triển khai trong các hoạt động quân sự.

Ông Olivier Sigaud – Đại biện lâm thời, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam – nhấn mạnh, trong hơn 60 năm qua, chưa lần nào có 1 tốp máy bay quân sự Pháp bay trên bầu trời và hạ cánh tại sân bay Việt Nam như lần này. Theo ông Sigaud, sự kiện chưa từng có này mang tầm chính trị quan trọng, minh chứng cho mối quan hệ năng động Pháp – Việt trong mọi lĩnh vực, trong đó có quốc phòng. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược.

Về kế hoạch hợp tác trong tương lai, Tướng Charaix cho hay, khả năng tập trận chung là hoạt động “hoàn toàn có thể nghĩ tới và bàn bạc”. Bên cạnh đó, hoạt động tương tự chiến dịch PEGASE có thể diễn ra lần nữa vào năm 2020.


Vì sao Việt Nam đăng cai hội thảo an ninh về Ấn Độ Dương? 

Ngày 27 tháng 8 tại Hà Nội, Hội thảo Ấn Độ Dương đã khai mạc ở Việt Nam với sự tham gia của quan chức 28 nước, trong đó có Ấn Độ, Mỹ, Singapore, Sri Lanka và Bangladesh. Hội thảo kéo dài trong hai ngày 27 và 28 tháng 8.

Các nguồn tin cho VOA biết, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách về các vấn đề Nam Á và Trung Á, bà Alice G. Wells, sẽ tham dự sự kiện.

Trả lời báo chí ở thủ đô Washington DC hôm 20 tháng 8, bà Wells nói rằng, vì là quốc gia “đầu tư rất lớn” ở khu vực [Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương] nên “lẽ tự nhiên, chúng tôi muốn duy trì cam kết lâu dài đối với khu vực, và gần đây đã có các bước đi quan trọng nhằm bảo đảm rằng tương lai của khu vực rộng mở, tự do và hoạt động dựa trên luật pháp”.

Quan chức ngoại giao này cho biết thêm rằng bà “nóng lòng muốn nêu bật những khoản đầu tư vào [các sáng kiến] về an ninh và kinh tế [của Mỹ] ở khu vực có giá trị hơn 410 triệu đôla” khi tới Hà Nội tham dự sự kiện liên quan tới Ấn Độ Dương mà bà nói, cho thấy “vai trò lãnh đạo ngày càng cao của Ấn Độ trong khu vực”.

Bà Wells nói tiếp rằng, bà “cũng nóng lòng muốn trao đổi thêm với các đối tác tại Hội thảo Ấn Độ Dương về việc theo đuổi các sáng kiến nhằm củng cố thịnh vượng, ổn định và an ninh ở khu vực”.

Về lý do Việt Nam được lựa chọn làm nơi diễn ra hội thảo về an ninh của vùng Ấn Độ Dương, ông Shri Ram Madhav, đại diện ban tổ chức là India Foundation, nói với VnExpress rằng, “Việt Nam là đối tác quan trọng của Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và trên phạm vi toàn cầu, là nền kinh tế đang lên và hai nước có hợp tác song phương mạnh mẽ”.

Còn theo TS Brahma Chellaney, “Biển Đông là cửa ngõ của khu vực Ấn Độ Dương và Việt Nam là người giữ cổng. Không thể có an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương nếu không có an ninh ở Biển Đông“. TS Chellaney là một nhà tư tưởng và bình luận chiến lược nổi tiếng và cũng là chủ toạ Diễn đàn chuyên đề về Kiến trúc an ninh tại Hội nghị Ấn Độ Dương lần này.

Vấn đề đặc khu kinh tế

Tạp chí Cộng Sản mới đây đăng tải một bài viết với tựa đề Đặc khu kinh tế: Kinh nghiệm trên thế giới và những kỳ vọng cho Việt Nam, trong đó cho biết: Một trong những biện pháp trọng tâm mà Việt Nam đã và đang thực hiện nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đó là xây dựng các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu kinh tế), với các cơ chế, chính sách về hành chính và kinh tế đột phá, hình thành khu vực tăng trưởng cao, có phương thức quản lý mới tạo ra giá trị mới và gia tăng cao, tạo mô hình động lực phát triển mới, có tác động lan tỏa tích cực ra các vùng. Các đặc khu kinh tế là động lực thúc đẩy Việt Nam đẩy nhanh công cuộc cải cách – phát triển thông qua gắn kết sâu rộng với thế giới.

Trong khi đó, Nikkei Asian Review ngày 15 tháng 8 dẫn lời Phó thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak cho biết các cơ quan chính phủ nước này đang lên kế hoạch phát triển những khu vực biên giới thay vì tiếp tục theo đuổi mô hình xây dựng đặc khu kinh tế (SEZ).

Kể từ khi nắm quyền vào năm 2014, chính quyền quân sự Thái Lan đề ra những dự án SEZ, xây khu công nghiệp lớn ở các tỉnh biên giới còn kém phát triển. Tuy nhiên, tham vọng này nhanh chóng “phản tác dụng”. Tình trạng đầu cơ, sốt đất đã đẩy chi phí xây dựng vượt ngoài dự tính ban đầu.

Mô hình đặc khu ở các tỉnh biên giới cũng không bảo đảm khả năng cạnh tranh với những nước láng giềng dọc sông Mekong. Hàng hóa từ những nền kinh tế đang phát triển như Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam có thể được miễn thuế nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, Thái Lan với vị thế một nền kinh tế phát triển hơn phải đối diện với mức thuế gần 30% đa số các mặt hàng nhập khẩu vào EU. Một số mặt hàng có thể chịu thuế lên đến 100%.

“Những yếu tố đó khiến chúng tôi phải cân nhắc lại về các dự án SEZ. Thực tế là Thái Lan cần rút kinh nghiệm từ các dự án này, thúc đẩy hợp tác với các nước láng giềng thay vì tranh đua”, ông Somkid nhấn mạnh.

--------------------------
BÀI CŨ









No comments:

Post a Comment

View My Stats