Châu Minh Dũng
01/09/2018
Chiến thuật “tằm ăn dâu” và “sự đã rồi” là hai thủ
đoạn ưa dùng của lãnh đạo Bắc Kinh để thỏa mãn cơn khát mở rộng lãnh thổ. Biển
Đông là khu vực nhiều lần chứng kiến Trung Quốc sử dụng hai thủ đoạn này. Tuy
nhiên, thực tế là chính các vùng, miền trên khắp đất nước Việt Nam lại là các
nơi Trung Quốc đã và đang ráo riết áp dụng “tằm ăn dâu” và “sự đã rồi”, tạo nên
nguy cơ rất lớn với chủ quyền Việt Nam.
Chiến thuật “tằm ăn dâu”, đúng như tên gọi của
nó, là duy trì một loạt các hành động lấn tới ở biên độ nhỏ,
giống như loài tằm ăn lá dâu, từ từ, chậm rãi nhưng liên tục. Đến lúc thích hợp,
một loạt các tác động nhỏ lẻ được tập hợp, tích lũy sẽ tạo nên tác động, chuyển
biến có tính chiến lược. Còn “sự đã rồi” là chiến thuật đi kèm để bảo đảm hiệu
quả và duy trì đà tiến của “tằm ăn dâu”, giúp cho “tằm ăn dâu” hầu như không thể
bị hoàn tác.
Đối với Biển Đông, “tằm ăn dâu” được áp dụng qua
cách Trung Quốc liên tục huy động cảnh sát biển và “dân quân trên biển” để gây
hấn và đe dọa các tàu dân sự của các nước khác. Bắc Kinh còn tạo “sự đã rồi”
qua việc bồi đắp, củng cố, tăng cường vũ trang hệ thống căn cứ trên các đảo
nhân tạo, để các nước có phản đối cũng không làm gì được, trừ khi chính thức
tuyên chiến.
Biển Đông là khu vực đứng giữa các tranh chấp quốc tế,
nên các diễn biến “tằm ăn dâu” và “sự đã rồi” của Trung Quốc được các nước quan
sát và tường thuật rất kỹ. Tuy nhiên, chuyện xảy ra trên đất liền Việt Nam lại
là chuyện hầu như của nội bộ người Việt, nên ít được nhắc tới, dù thực tế diễn
tiến “tằm ăn dâu” và “sự đã rồi” của Trung Quốc trong lãnh thổ Việt Nam còn dữ
dội hơn ở ngoài Biển Đông. Các thủ đoạn này được Trung Quốc áp dụng ở cả các
vùng biên giới, các khu vực hiểm yếu có ý nghĩa quân sự, thậm chí cả các khu
dân cư dọc theo đất nước Việt Nam và được che giấu cẩn thận bởi chính sự tiếp
tay của lãnh đạo và bộ máy tuyên truyền của chế độ cộng sản Việt Nam.
Từ
những bất thường ở vùng biên giới…
Ngày 28/8/2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam công bố thông tư cho phép người dân sống ở vùng biên giới Việt – Trung được giao dịch bằng
đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày
12/10/2018. Sự việc có vẻ như đơn giản nhằm “góp phần hoàn thiện chính sách
thanh toán biên mậu, thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới giữa hai nước Việt
– Trung”, nhưng thật ra chứa đựng những toan tính rất hiểm độc kiểu “tằm ăn
dâu” và “sự đã rồi”, và được tiếp tay bởi chính lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Quá
trình xâm lấn ở vùng biên giới được khởi động bằng làn sóng “phủ đầu” của quyền
lực mềm là tiền tệ.
Điều kỳ lạ là chưa đầy một tháng trước đây, ngay
trong bộ máy tuyên truyền của chế độ cộng sản Việt Nam đã có tiếng nói cảnh báo
rủi ro với chủ quyền bởi hoạt động “xâm lăng” tiền tệ. Trong bài: Phải xử lý nghiêm việc xâm phạm “chủ quyền tiền tệ” trên
Thời báo Kinh Tế Sài Gòn ngày 4/8/2018, LS Trần Đình Dũng trích dẫn điều 3,
Pháp lệnh ngoại hối năm 2005: “thực hiện mục tiêu trên lãnh thổ Việt Nam chỉ
sử dụng đồng Việt Nam”.
Về mối liên hệ giữa tiền tệ và chủ quyền, tác giả
còn nhấn mạnh: “Bảo đảm các nguyên tắc về ‘chủ quyền tiền tệ’ là nhằm bảo đảm
ổn định nền kinh tế, không bị xâm lấn từ kinh tế bên ngoài, đặc biệt trong thời
đại ‘quyền lực mềm’ của các quốc gia tiên tiến phát huy nhanh tác dụng như hiện
nay”.
Bài viết lưu ý việc khách Trung Quốc mua hàng ở Việt
Nam lại quẹt thẻ của ngân hàng Trung Quốc và đề nghị các cơ quan hữu trách xử
lý việc vi phạm pháp luật này. Thì nay, các cơ quan hữu trách đã “xử lý” bằng
cách… hợp pháp hóa chuyện giao dịch bằng đồng nhân dân tệ ngay trên lãnh thổ Việt
Nam, bắt đầu từ các tỉnh biên giới!
Với hướng xử lý này, rõ ràng một số người viết có
tâm còn sót lại trong bộ máy tuyên truyền cộng sản cũng không thể lên tiếng cảnh
báo về rủi ro xâm lăng tiền tệ nữa, và càng không thể đề nghị xử lý vì chính sự
đề nghị của họ bây giờ trở thành vi phạm pháp luật, thứ pháp luật do chế độ cộng
sản Việt Nam tùy tiện đặt ra và tùy tiện sửa đổi cho hợp với “bạn vàng”.
Người dân có quyền đặt câu hỏi, phải chăng sự tùy tiện
sửa đổi này là dấu hiệu của sự lệ thuộc ngày càng nặng nề của Hà Nội vào Bắc
Kinh, đến mức các lãnh đạo Việt Nam không dám (hoặc không thể) phản đối công
khai nữa mà chỉ có thể đưa ra các quyết định vì quyền lợi của người Trung Quốc?
Làn sóng xâm lăng khởi sự bởi những đồng nhân dân tệ,
vốn đã được cảnh báo từ hơn ba năm trước, trên truyền thông cả “lề trái” lẫn “lề
phải” (Ngày 5/1/2015, báo Thanh Niên có bài: Kiến nghị cho thanh toán trực tiếp tiền Trung Quốc tại Việt
Nam: Rủi ro cho cả nền kinh tế; ngày 9/1/2015, RFA có bài: Cảnh giác Trung Quốc vi phạm chủ quyền tiền tệ), bây giờ
đang dần ứng nghiệm theo kiểu “tằm ăn dâu”. Lãnh đạo chế độ không thể lập tức hợp
thức hóa giao dịch bằng nhân dân tệ trên cả nước, bởi nguy cơ tạo ra làn sóng
phản ứng từ dân chúng còn dữ dội hơn đợt tổng biểu tình ngày 10/6/2018, nhưng
có thể khởi sự từ vùng biên giới.
Cần lưu ý, không phải chỉ đến sự kiện hợp thức hóa
giao dịch bằng nhân dân tệ ở các tỉnh biên giới, người Việt mới dần mất chủ quyền
ở khu vực này. Trước đó, Trung Quốc đã chiếm được toàn bộ thác Bản Giốc. Hơn
sáu năm trước, trả lời phỏng vấn VOA, nhà nghiên cứu Mai Thái Lĩnh cho biét:
Bằng việc chiếm thác Bản Giốc, Trung Quốc sở hữu luôn một dải đất chạy dài từ cồn
Pò Thoong cho đến chân thác, nghĩa là mở được đường xuống vùng thung lũng sông
Quây Sơn ở phía trên thác, một lợi thế quân sự đáng lưu ý trong tình huống xảy
ra chiến tranh.
Theo ông Lĩnh, Trung Quốc dĩ nhiên không từ bỏ cơ hội
và đã xây dựng các công sự, cơ sở hạ tầng ở phần đất cạnh thác Bản Giốc này.
Trong khi các lãnh đạo cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục chọn thái độ im lặng và
cúi đầu trước “bạn vàng”.
…đến
hoạt động “nhượng địa” trên khắp đất nước
Nhờ sự trợ giúp tận tình của các lãnh đạo cộng sản
Việt Nam, Trung Quốc còn triển khai nhân lực ở không ít các khu vực hiểm yếu
trên lãnh thổ Việt Nam. Cuối năm 1974, đầu năm 1975, trong quá trình bức tử
chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, tướng lĩnh chế độ Bắc Việt nhận định rằng Tây
Nguyên là mục tiêu chiến lược bởi vai trò “nóc nhà Đông Dương”, thì đến năm
2009, Trung Quốc đưa được người vào Tây Nguyên mà không mất một viên đạn, dưới
danh nghĩa công nhân của dự án khai thác bauxite.
Trước đó, một “công thần” của chế độ cộng sản là tướng
Võ Nguyên Giáp (cũng chính là người thường bàn về vai trò của Tây Nguyên đối với
ba nước Đông Dương) đã ba lần viết thư đề nghị lãnh đạo chế độ dừng dự án bauxite,
nhưng vẫn không thể lay chuyển được “đồng chí X” và các đồng sự. Đến nay, dự án
bauxite Tây Nguyên hiện nguyên hình là “quả bom nợ”, đồng thời tạo ra rủi ro
môi trường rất lớn cho cả Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ.
Các dự án có dấu tay “bạn vàng” như nhà máy thép
Formosa ở cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh, cụm nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân ở huyện Tuy
Phong, Bình Thuận, nhà máy Bột giấy Phương Nam ở Long An… đều là các chiến thuật
“tằm ăn dâu” để người Trung Quốc từ từ gặm nhấm lãnh thổ Việt Nam, cũng như tạo
ra gánh nặng kinh tế và rủi ro môi trường để làm suy yếu người Việt.
Bên cạnh các nhà máy làm thì ít phá thì nhiều, Trung
Quốc cũng chú ý đầu tư các dự án bất động sản dọc theo duyên hải. Một dự án mờ
ám đã được nhà báo Lê Anh Hùng cảnh báo hai năm trước là dự án khu nghỉ dưỡng Hồ Tràm Strip, được đầu tư bởi một
“công ty ma” có bàn tay Trung Quốc. Ông Hùng lưu ý, một “công ty ma” khác cũng
liên quan đến Trung Nam Hải đã làm dự án khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối ở đèo Hải
Vân, một trong những vị trí hiểm yếu và nhạy cảm nhất trên lãnh thổ Việt Nam.
Nếu chúng ta đánh giá quá trình xâm lăng bằng quyền
lực mềm từ Bắc Kinh dựa trên tư duy quân sự từ Thế Chiến Thứ Hai trở về trước,
thì có vẻ Trung Quốc chưa xâm phạm được nhiều đến Việt Nam. Tuy nhiên, nếu áp dụng
kinh nghiệm của các vùng đất đã bị xâm lược theo cách không chính thức ở châu
Phi, Trung Đông, Đông Âu từ sau Thế Chiến Thứ Hai đến nay, thì thực tế là lãnh
thổ Việt Nam đang bị uy hiếp nghiêm trọng. Với số lượng nhân lực Trung Quốc vẫn
đang tiếp tục triển khai trên các vùng trọng yếu ở lãnh thổ Việt Nam, cùng với
sự phụ thuộc ngày càng nặng nề của nền kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc, thực tế
lãnh đạo Bắc Kinh không cần phát động chiến tranh, mà chỉ cần các chính biến với
yếu tố quân sự đóng vai trò thứ yếu, đã có thể tác động đến sự toàn vẹn lãnh thổ
của Việt Nam.
Vòng vây mà Trung Quốc thiết lập nhằm thu tóm lãnh
thổ Việt Nam đã và đang hiện hữu trên cả nước và đang ngày càng khép chặt. Sau
một thời gian người Trung Quốc tràn vào lãnh thổ Việt Nam, dưới danh nghĩa
“công nhân” làm ở các nhà máy, dự án có bóng dáng Trung Quốc, hoặc “khách du lịch”
qua các “tour 0 đồng”, nay các lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã bắt đầu hợp thức
hóa việc giao dịch bằng tiền Trung Quốc.
Có vẻ như tất cả những gì đang diễn ra trên cả nước
hiện nay đều phù hợp với quá trình đẩy Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc, đến mức
gần như không thể thoát ra. Viễn cảnh đất nước bị Bắc thuộc thêm một lần nữa tưởng
chừng rất xa, nhưng hóa ra lại rất gần.
©
Copyright Tiếng Dân
Thôi rồi còn đâu quê hương tôi,
ReplyDeleteCó còn lại chăng dư âm thôi
Quê hương ơi quê hương nghe đắng môi .....😢😢😢 Xong phim !