Monday, 27 August 2018

THƯ KIẾN NGHỊ về VẤN ĐỀ DẠY CHỮ QUỐC NGỮ theo sách CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC LỚP 1 CẢI CÁCH (LS Lê Văn Luân)




28/08/2018

Hà Nội, ngày 28 tháng 08 năm 2018

Kính gửi:
– Quốc hội nước Việt Nam
– Uỷ ban Thường vụ quốc hội
– Các Uỷ ban của quốc hội
– Thủ tướng Chính phủ
– Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
– Chánh án Toà án nhân dân tối cao
– Bộ Nội Vụ
– Bộ Giáo dục và Đào tạo
– Bộ Tư pháp

Đồng kính gửi: Toàn thể nhân dân, phụ huynh và học sinh trên cả nước.

Tôi là: Lê Văn Luân, một luật sư và cũng là một công dân Việt Nam, đang sống và làm việc tại thủ đô Hà Nội, cùng toàn thể nhân dân cùng ký tên phần cuối thư này, mong muốn và một cách khẩn thiết gửi tới các Quý cơ quan những tâm tư cùng sự lo lắng tột độ của tôi về một vấn đề rất cấp bách và cũng thực sự nghiêm trọng sau đây.

Trong thời gian vừa rồi, qua truyền thông và việc chứng kiến các nội dung sách giáo khoa mới được áp dụng theo chương trình cải cách đối với lớp 1, mà ở đó thể hiện các cách phát âm (đánh vần) khác hoàn toàn với chữ viết là tiếng Việt, vốn được ấn định là chữ Quốc ngữ của Việt nam từ hàng trăm năm nay, tất cả chúng tôi vừa thấy phẫn nộ lại vừa thấy kinh ngạc về sự việc này.

Thưa các Quý ông cùng các Quý cơ quan hữu trách,

Ngôn ngữ tiếng Việt, với tư cách và vai trò là chữ Quốc ngữ, được Hiến pháp 2013 quy định tại Điều 5.3. Và theo đó, chữ Quốc ngữ là ngôn ngữ phổ thông, có tính đơn nhất và được áp dụng trên toàn quốc.

Ngôn ngữ có tính đơn nhất về hai mặt: chữ viết và ngữ âm.

Và do đó, một quốc gia không thể có hai ngôn ngữ hoặc các biến thể của ngôn ngữ song cùng tồn tại. Hơn nữa, vấn đề về ngôn ngữ phải được đưa ra Quốc hội thảo luận để thông qua trong Hiến pháp cũng như phải đưa ra toàn dân để trưng cầu dân ý, vì rằng, đây là vấn đề trọng đại của quốc gia, của dân tộc và của nhiều thế hệ người Việt trên đất nước chúng ta Cho nên, không thể là vấn đề riêng của Bộ Giáo dục hoặc một vài nhà nghiên cứu có thể tự đưa ra và áp dụng trong hệ thống giáo dục một cách kín đáo và nhanh chóng. Đó hẳn là một hành vi vi hiến nghiêm trọng.

Điều 5.3 Hiến pháp hiện hành quy định: Tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia.

Luật Ban hành văn bản quy phạm 2015, tại Điều 8: Ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật là tiếng Việt. Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu;

Luật Giáo dục 2005 (sửa đổi 2009), tại Điều 7: Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong nhà trường và cơ sở giáo dục;

Luật Điều ước quốc tế 2016, tại Điều 5: Điều ước quốc tế hai bên phải có văn bản bằng tiếng Việt;

Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, quy định tiếng nói và chữ viết trong tố tụng dân sự là tiếng Việt;

Nghị quyết 351/2017/UBTVQH14, tại Điều 18 Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản là tiếng Việt; cách diễn đạt phải chính xác, rõ ràng, dễ hiểu;

Thông tư số 25/2011/TT-BTP về kỹ thuật trình bày văn bản, tại Điều 18, Điều 19 và Điều 20 quy định về việc văn bản sử dụng ngôn ngữ viết và từ ngữ đúng chức năng, từ ngữ đúng nghĩa;

Quyết định số 240/QĐ của Bộ Giáo dục năm 1984, tại mục A.1(b) quy định nguyên tắc chuẩn hoá tiếng Việt: Khi chuẩn hoá chính tả đã được xác định, phải nghiêm túc tuân theo; tuy việc chuẩn hoá và thống nhất phát âm chưa đặt thành yêu cầu cao nhưng cũng nên dựa vào chuẩn chính tả mà phát âm; tại mục B.1(b) phần Quy định cụ thể quy định: dùng tiêu chí từ nguyên khi thói quen phát âm chưa làm rõ một hình thức ngữ âm ổn định;

Theo Tiêu chuẩn quốc tế hoá tiếng Việt đã đăng ký: tiêu chuẩn ISO 639-1 (mã hai chữ cái – vi) và tiêu chuẩn ISO 639-2 (mã ba chữ cái – vie) thì việc Việt hoá đã được định dạng chuẩn tắc trên hệ thông ngôn ngữ quốc tế như đã nêu.

Cùng một loạt các luật khác như: Luật Kế toán; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Bưu chính; Luật Thương mại; Bộ luật Dân sự,…đều quy định rõ tiếng Việt là ngôn ngữ được sử dụng trong các giao dịch hay hoạt động, từ trong nước cho đến với người, tổ chức nước ngoài.

Trong khi đó, đối chiếu với các quy tắc đánh vần mới của sách giáo khoa Công nghệ giáo dục lớp 1, mặc dù dựa trên chữ viết Tiếng Việt, nhưng với cách phát âm đã bị thay đổi đến mức sai khác về ngữ âm và mặt liên kết chữ cái cũng như cấu tạo từ thông thường, khiến cho việc sử dụng tiếng Việt trở nên rối loạn và vô cùng phức tạp.

Cụ thể như sau:

Đối với các phụ âm đầu, sau khi được phát âm với cách đánh vần mới, sẽ không thể giúp người nghe biết được chữ viết tương ứng với nghĩa thực tế được sử dụng.

Ví dụ:
• Các chữ cái C, K và Q đều phát âm là Cờ. Như vậy, các chữ cái này đồng âm, và do đó, không thể phân biệ được các từ: Quả và Của hay Qua và Cua.

• Các chữ cái và phụ âm đầu như: D, R và Gi đều được phát âm là “Dờ”. Như vậy, các chữ cái này đồng âm, và do đó, không thể phân biệt được các từ nguyên khác nhau về nghĩa nhưng đồng âm khi đánh vần: Diêng và Riêng và Giêng đều là như nhau nên không thể nhận biết từ nguyên.

Các nguyên âm đôi bị biến thể khi có phụ âm cuối:

Ví dụ:
• Nguyên âm: iê, yê, ia đều được phát âm là “ia”, và chỉ khi thêm n làm phụ âm cuối vào “ia” thì phát âm thành “iên” hay “yên”. Như vậy, không thể có cách liên âm mà việc phát âm các nguyên âm đơn là khác hẳn với âm vị khi ghép đôi. Và biến thể của việc phát âm cũng lại dẫn đến biến thể của mặt chữ viết; hay uôn, ua đều được phát âm là “ua”, và chỉ khi thêm phụ âm cuối vào “ua” thì phát âm thành “uôn”.

• Từ: oach, việc phát âm dựa trên sự liên kết nguyên âm và phụ âm cuối, tức “o-a-chờ oach”, nay bị tách ra thành một nguyên âm đơn và một từ độc lập không có nghĩa và rất khó phát âm, thành “o-ach oach”. Hay: uynh, nguyên gốc theo chuẩn truyền thống là “u-y-nhờ uynh”, thì nay thành “u-ynh uynh”; hoặc uyêt, theo truyền thống phát âm là “u-y-ê-tờ uyêt”, nay thành “u-yêt uyêt”.

Cả hai trường hợp nêu trên (chỉ là những ví dụ điển hình mà không thể nêu hết ra trong khuôn khổ hạn hẹp của thư kiến nghị này, ngoại trừ việc nếu có một vụ kiện tại toà án đối với vấn đề này), đều cho thấy sự sai lệch rất trầm trọng của việc phát âm (đánh vần) đối với việc liên kết âm và cấu tạo từ tương ứng, và nó dẫn đến việc rối loạn việc nhận biết ngôn ngữ (mặt chữ).

Và hơn hết, việc giáo dục theo kiểu rút ngắn âm tiết, tức “giản đơn” theo cách cơ học và bỏ qua việc giáo dục chuẩn tắc đối với sự liên kết từ khi phát âm là đang phá huỷ đi bản chất của ngôn ngữ. Sự nhanh chóng để đọc (phát âm) sai ngữ âm so với chữ viết tạo nên khoảng trống về nhận thức đối với cách tạo từ, cách nhận ra các từ nguyên và từ đó là làm cho sự phức tạp về ngữ nghĩa của từ (hay cụm từ) trở nên trầm trọng.

Do vậy, trước một sự áp dụng có tính phổ quát trong các cơ sở giáo dục trên toàn quốc đối với cách đánh vần chữ viết như nêu trên, nhưng không được đưa ra bàn luận trước nhân dân:

Theo Điều 3, Điều 8, Điều 28, Điều 37, Điều 119 Hiến pháp 2013 về vị thế cao nhất của Hiến pháp và nghĩa vụ bảo vệ Hiến pháp,

Theo Điều 6 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 về việc tham gia kiến nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật,

Theo Điều 14 về nhưng hành vi bị nghiêm cấm: Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, trái với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên,

Theo Điều 162, Điều 163, Điều 164, Điều 165 và Điều 166 về việc giám sát, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật,

Chúng tôi kính đề nghị một cách khẩn cấp và kiên quyết đối với các cơ quan có thẩm quyền và trách nhiệm về việc cho dừng (đình chỉ) ngay tức khắc việc giáo dục đối với kiểu loại chữ viết này.

Và theo Điều 29.3 Luật Giáo dục 2005 (sửa đổi 2009), được hợp nhất năm 2017, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo phải chịu trách nhiệm chính đối với việc để cho cùng một lúc tồn tại song song hai loại sách giáo khoa về tiếng Việt trong chương trình giảng dạy ở các cơ sở giáo dục. Và việc cùng thực hiện hai cách giảng dạy khác nhau đối với tiếng Việt là đang xâm phạm nghiêm trọng vào Hiến pháp, khi phá vỡ tính thống nhất và đơn nhất của chữ Quốc ngữ.

Hơn thế là, việc cải biến ngôn ngữ về mặt ngữ âm này không giải quyết bất cứ vấn đề gì về mặt lợi ích cho con người và xã hội, không những vậy, nó còn làm cho việc sử dụng ngôn ngữ trở nên khó khăn, khi cùng trong một hệ thống chữ viết lại có hai cách để “phát âm”. Nó còn làm ảnh hưởng đến tính hệ thống của ngôn ngữ, gây phương hại đến lịch sử, văn hoá và các sinh hoạt cộng đồng của dân tộc Việt Nam. Nó cũng sẽ phá vỡ mọi hệ giá trị đối với quốc sách hàng đầu là giáo dục. Nó dẫn đến sự chia cách thế hệ, làm biến dạng mọi sự giao tiếp và truyền đạt.

Do vậy, bằng tất cả trách nhiệm của một công dân, trước một sự việc có dấu hiệu vi hiến nghiêm trọng, được thi hành dưới dạng một chính sách (thông qua hình thức thông tư hoặc quyết định) của Bộ Giáo dục và Đào tạo, về việc làm biến dạng tiếng Việt với vai trò là chữ Quốc ngữ, vốn được sử dụng để giao dịch trong nước và quốc tế qua hàng trăm năm, chúng tôi kính đề nghị Quốc hội, Thủ tướng chính phủ cùng các cơ quan có trách nhiệm của nhà nước, ra quyết định đình chỉ ngay tức khắc và không chậm trễ đối với việc thực thi chính sách “hai biến thể của ngôn ngữ” này của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để tránh mọi sự xáo trộn và bức xúc trong nhân dân, tránh mọi áp lực và gánh nặng đè lên vai không chỉ học sinh mà ngay cả với thày cô trong hệ thống giáo dục trên toàn quốc (hẳn nhiên là với những tỉnh, thành đã áp dụng chương trình sách giáo khoa mới này).

Chúng tôi kính mong và khẩn thiết gửi tới các Quý ông, bà cùng các Quý cơ quan không chỉ được liệt kê trang trọng ở phần đầu thư, sẽ có trách nhiệm để ra một quyết định đúng đắn và kịp thời, quan trọng hơn là hợp hiến và hợp pháp để giữ gìn sự toàn vẹn, sự thống nhất, tính phổ thông và tính đơn nhất của ngôn ngữ quốc gia của chúng ta.

Kính thư và kính chúc sức khoẻ tới tất cả những quý vị đã dành thời gian xem xét, và sẽ tiến tới một quyết định thoả đáng nhất, trước các sự khuyến nghị và khiếu nại của công dân.

Trân trọng và kính chào!

Những người dân cùng ký tên:
(Mọi người là bất cứ ai, nếu đồng ý ký thư kiến nghị này, viết rõ họ tên và nơi ở hoặc công tác ở phần dưới bài viết).



_____

Mời đọc thêm: 














No comments:

Post a Comment

View My Stats