Phan Minh Ngọc
- TBKTSG
Thứ Năm, 30/8/2018, 10:59
(TBKTSG
Online) - Vì cho rằng người dân đang trữ một lượng vàng "nhàn rỗi" lớn,
ước tính đến 500 tấn, nên câu chuyện huy động vàng trong dân để phát triển kinh
tế đã được "xới đi xới lại" từ nhiều năm nay để rồi đâu vẫn còn
nguyên đó.
Nhưng mới
đây, dư luận lại được một phen dậy sóng nữa với phát biểu của một chuyên gia
Ngân hàng Thế giới (WB) rằng nền kinh tế Việt Nam có tỷ lệ tích lũy trong dân
cao, tới khoảng 60 tỉ đô la Mỹ mà chưa được huy động hết, đây là tiềm năng lớn.
Hiển
nhiên, 60 tỉ đô la là một con số rất lớn với Việt Nam (GDP của Việt Nam hiện tại
vào khoảng 220 tỉ đô la), đặc biệt là trong hoàn cảnh bội chi ngân sách lớn và
nợ công cao, Chính phủ vẫn phải tăng cường vay nợ nước ngoài. Giả sử 60 tỉ đô
la này là có thật và nhất là “nhàn rỗi” – tức đang nằm trong két, dưới chiếu hoặc
trong tủ nhà dân – thì đây là một sự lãng phí và bất hợp lý khủng khiếp. Và thế
nên, trong bối cảnh này, sự cần thiết và khẩn trương huy động 60 tỉ đô la cho đầu
tư và phát triển là điều không phải bàn.
Tuy
nhiên, trước khi bàn về cách thức huy động số tiền “nhàn rỗi” này, như cách mà
giới chuyên gia và báo chí đang tích cực thực hiện, thì cần làm rõ về con số 60
tỉ đô la này trước.
Theo lời
vị chuyên gia WB, được dịch và đăng tải trên báo chí (người viết không có điều
kiện tiếp cận trực tiếp lời phát biểu này), đây là khoản “tích lũy” trong dân.
Rất có thể từ “tích lũy” này được dịch từ “savings” trong phát biểu nguyên bản
bằng tiếng Anh của vị chuyên gia này.
Theo số
liệu WB, tỷ lệ “Gross domestic savings (% of GDP)” hay tổng
tích lũy trong nước (phần trăm của GDP) của Việt Nam là 29,16% vào năm
2016 (1). GDP của Việt Nam năm 2016 được báo cáo ở mức 202,6 tỉ
đô la. Như vậy, mức tích lũy trong nước của Việt Nam năm 2016 vào khoảng trên
59 tỉ đô la một chút, tức không khác xa so với con số 60 tỉ đô la nêu trên.
Nói
cách khác, con số 60 tỉ đô la là con số có cơ sở, có thể tin được, nhưng nó
hoàn toàn không phải và không liên quan đến “tiền nhàn rỗi trong dân” như cách
hiểu của nhiều người, và có thể cả vị chuyên gia WB này.
Theo định
nghĩa, tổng tích lũy trong nước là phần chênh lệch giữa GDP và chi tiêu cuối
cùng (hiểu nôm na là khoản còn lại giữa thu và chi). Tổng tích lũy gồm có tích
lũy của hộ gia đình, tích lũy của khu vực doanh nghiệp tư nhân, và tích lũy của
khu vực nhà nước (2)
Tích
lũy của các chủ thể kinh tế nói trên có thể ở dạng tài sản vật chất hoặc tài sản
tài chính. Trong số tài sản tích lũy này đương nhiên có thể có kim loại quý,
kim cương, bất động sản (dành cho đầu cơ/đầu tư), ngoại tệ, chứng khoán và các
giấy tờ có giá khác, gồm cả trái phiếu Chính phủ nước ngoài… Và đương nhiên là
trong số những tài sản tích lũy này có thể có một số tài sản đang nằm trong tủ
hoặc dưới chiếu của dân như vàng hoặc ngoại tệ.
Từ khái
niệm và mô tả thành phần nêu trên, có thể thấy ngay rằng việc nói 60 tỉ đô la
là tiền tích lũy trong dân là hoàn toàn sai, vì tích lũy trong dân chỉ là một
trong ba cấu thành tạo nên con số 60 tỉ này (ngoài nó ra còn có tích lũy của
doanh nghiệp và tích lũy của Nhà nước).
Tiếp
đó, việc cho rằng 60 tỉ đô la là “tiền nhàn rỗi” thì càng sai nữa, ít nhất bởi
vì trong những tài sản tích lũy này còn có các tài sản tài chính – tức là những
sản phẩm đầu tư.
Nói
cách khác, những tài sản tích lũy này đã và đang được “huy động”, và những người
“huy động” này là các doanh nghiệp, tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại và
cả Nhà nước nữa (ví dụ, trái phiếu Chính phủ).
Kể cả với
những tài sản vật chất như vàng, ngoại tệ và bất động sản, tuy có thể đang nằm
bất động một chỗ về mặt vật lý nhưng sự bất động này trước tiên rất có thể chỉ
là tạm thời trong lúc người chủ đang chuẩn bị quay vòng hoặc tìm cơ hội đầu tư
mới. Thứ nữa, sự bất động này nhiều lúc cũng chính là một sự đầu tư có chủ ý
khi người chủ, ví dụ, tin rằng giá vàng, giá nhà sẽ tăng lên trong mấy tháng nữa,
nên họ mua vàng/bất động sản để đó, đợi thời điểm hiện thực hóa lợi nhuận. Trên
hết, về khái niệm, hoàn toàn không có một thứ tài sản nào đã được gọi là tài sản
mà lại nằm “nhàn rỗi” cả!
Nhưng
có thể, nhiều người vẫn muốn tin rằng việc để các tài sản vật chất như vàng,
ngoại tệ, bất động sản của người dân nằm bất động trong thời điểm hiện tại là một
sự lãng phí, một sự kinh doanh/đầu tư không hiệu quả nên cần phải “huy động” số
tài sản này. Nếu vậy, trước hết cần trả lời câu hỏi là “huy động” để nhằm mục
đích gì?
Nếu nói
rằng “huy động” để phát triển kinh tế thì e rằng mục đích này quá trừu tượng,
“vĩ mô”, không thích hợp với chủ nhân các tài sản vật chất này. Với người dân
hoặc doanh nghiệp, rất đơn giản, nếu muốn “huy động” tài sản của họ thì cần phải
chắc chắn mang lại cho họ một mức lợi nhuận lớn hơn mức họ tự đầu tư/kinh doanh
những tài sản này, gồm cả việc để chúng nằm đợi thời. Nếu không đảm bảo được
như vậy thì, trừ khi bị cưỡng ép, sẽ chẳng có người dân hay doanh nghiệp nào đồng
ý để người khác sử dụng tài sản của mình, dù là nhân danh những thứ cao cả.
Và câu
hỏi tiếp theo có liên quan ở đây là thì ai sẽ đứng ra “huy động” và đảm bảo rằng
sẽ đầu tư/kinh doanh số tài sản này một cách hiệu quả hơn người dân và doanh
nghiệp (gồm cả các tổ chức tài chính, ngân hàng)?
Ngoài
người dân và doanh nghiệp thì chỉ còn một chủ thể kinh tế còn lại là Nhà nước.
Nhưng Nhà nước không thể trực tiếp đầu tư, kinh doanh mà phải thực hiện hoặc ủy
thác cho các doanh nghiệp cụ thể nào đó, gồm doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Mà
như vậy thì cũng chẳng có gì đảm bảo rằng những doanh nghiệp này, đặc biệt là
DNNN, sẽ kinh doanh hiệu quả hơn và, quan trọng hơn, sẽ hoàn trả cả vốn lẫn lãi
cho người dân và doanh nghiệp có tài sản đang “nhàn rỗi” đúng hạn.
Nhìn rộng
ra thế giới. Rất nhiều nước còn có mức tích lũy cao hơn của Việt Nam nhưng người
viết không biết đến trường hợp một nước nào đó lại đặt ra vấn đề “huy động” tài
sản tích lũy cho phát triển kinh tế cả. Bởi thực tế, các tài sản này đều được
“huy động” dưới dạng này hay dạng khác, bằng cách này hay cách khác, bởi người
này hay người khác, theo các cơ chế và quy luật thị trường.
Nói
cách khác, do chẳng có một thứ tài sản nào, kể cả tài sản tích lũy/tiết kiệm,
là “nhàn rỗi” nên việc đặt vấn đề “huy động tiền nhàn rỗi trong dân” là sai
ngay từ tiền đề!
(1)
tradingeconomics.com
---------------------------------------------
XEM THÊM
Một bài
viết gây chú ý trên báo Vietnamnet với tiêu đề: Nợ công 3,5 triệu tỷ đồng, quên
60 tỷ USD 'ngủ yên' trong két. Trong tin bài này, đặt vấn đề vì sao cần phải
chú ý đến 50 tỷ USD đang ngủ trong dân? Theo đó, trong nhiều năm trở lại đây,
ngoài vốn vay nước ngoài, Chính phủ chủ trương vay từ nguồn trong nước, chủ yếu
là trái phiếu Chính phủ, ngoài ra còn vay Quỹ bảo hiểm xã hội... đã trở nên hạn
chế.
Cùng
lúc đó, trong fanpage Tin Quân sự với lá cờ đỏ sao vàng chia sẻ một trạng thái
trong đó trích dẫn: đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì
cho Tổ quốc. Hãy cùng nhau dâng hiến vì Đảng, Nhà nước, Chính phủ thân
yêu.
Thực tế,
số tiền nhàn rỗi trong dân (qua ngoại tệ, vàng) là rất lớn. Một công ty ở phía
nam thông qua dự án iFan đã lừa đảo nhà đầu tư lên đến 15.000 tỷ đồng, và công
ty này chỉ đóng thuế 1,5 triệu đồng Việt nam. Số lượng người Việt nam chơi
trong lĩnh vực tiền ảo (bitcoin) với giá trị tiền sở hữu cá nhân từ vài trăm đến
vài ngàn tỷ đồng không phải là hiếm.
Nhà nước
có thể huy động nguồn tiền này, và chính nó sẽ đảm bảo thay thế cả nguồn tiền
vay ODA trong thời gian sắp tới (khi tính ưu đãi sẽ chấm hết). Vấn đề là: nhà
nước làm sao để vay.
Bằng uy
tín? Thực tế, nhà nước đã và đang tiến hành đảm bảo vay bằng yếu tố này trong
nhiều năm qua thông qua trái phiếu và vay Quỹ bảo hiểm xã hội. Nhưng cả hai nguồn
vay này, hoặc đang ế ẩm (trong 5 tháng đầu năm của năm 2018, Kho bạc Nhà nước
chỉ huy động được 900 tỷ đồng/ 3.500 tỷ đồng dự kiến, nghĩa là 'ế ẩm'), hoặc
luôn trong tình trạng báo động vỡ quỹ (vì sự hoàn lại của Chính phủ chậm chạp,
bản thân Chính phủ vừa qua cũng thừa nhận nợ Quỹ bảo hiểm xã hội 22.090 tỷ đồng,
và đề xuất phát hành trái phiếu Chính phủ nhận nợ với Bảo hiểm Xã hội Việt
Nam). Cả hai yếu tố này cho thấy 'uy tín' của Chính phủ trong hoàn lại nguồn vốn
vay là khá thấp, sự hiện diện của đợt phát hành Công trái năm 1980 cũng như chiến
dịch đổi tiền 1985 tái hiện trong tiềm thức của không ít người, và ý thức thường
trực về uy tín của Chính phủ của người dân hiện nay không khác gì đợt khủng hoảng
về niềm tin đổi tiền năm 80.
Đó là
chưa kể những bài học 'đầy xương máu' từng xảy ra với bà địa chủ Nguyễn Thị Năm
(người từng hiến 20.000 đồng bạc Đông Dương) hay nhà tư sản Trịnh Văn Bô
(ít nhất 2.000.000 đồng bạc Đông Dương), cho đến những nhà tư sản tại miền Nam
sau năm 1975 đã gián tiếp tạo ra một bài học kinh nghiệm: nên hay không nên 'vượt
khó cùng Nhà nước XHCN'.
Nếu dân
không có niềm tin thì Chính phủ cần ra quyết sách gì để có thể huy động được 60
tỷ USD? Đặc khu cũng có thể là một câu trả lời, bởi việc đưa 3 đặc khu vào hoạt
động, thì chỉ tính riêng tiền thu từ đất đã lên đến 9,5 tỷ USD. Do đó, bản thân
bà Chủ tịch Quốc Hội nôn nóng đến mức nhấn mạnh 'phải bàn ra luật đặc khu'
không phải là không có lý. Và tiến hành áp dụng 'mỗi tỉnh thành là một đặc khu'
như đã từng biến mỗi tỉnh thành là một pháo đài, hay một nhà máy đường về mặt
Nghị quyết không phải là khó.
Nếu các
phương cách nêu trên (đặc khu và thậm chí thuyết phục người dân mua trái phiếu
Chính phủ) vẫn chưa thể giải quyết ngân khố kiệt quệ, thì Nhà nước có thể chú ý
đến đề xuất của TS Nguyễn Hoàng Ánh (giảng viên ĐH Ngoại Thương Hà Nội) trong một
hội luận gần đây trên BBC Việt ngữ. Đó là, Nhà nước nên 'kêu gọi vốn từ các
quan chức chính phủ vì những người đó rất giàu, những quan chức này đang sống
nhờ vào chế độ nên nếu họ đứng ra đầu tư, đóng góp cho chế độ thì cũng là điều
tốt, đồng thời giúp cải thiện hình ảnh của chính quyền trong mắt người dân.'
Ý kiến
này khá hợp lý, và có tính khả thi cao. Bởi đội ngũ quan chức hiện thời phải là
tấm gương đi đầu trong việc ủng hộ và tán thành chủ trương, chính sách của Đảng
và Chính phủ. Bản thân những phát lộ về khối tài sản, cũng như thân nhân của đội
ngũ quan chức cũng cho thấy, các quan chức rất 'siêng năng làm ăn', và có tích
lũy nguồn tài sản lên đến hàng trăm tỷ đồng (cả về mặt động sản lẫn bất động sản).
Nguồn tài sản này lại được hưởng đặc quyền là 'không kiểm kê' vì tính nhạy cảm
của nó, nghĩa là bản thân đội ngũ quan chức đã lách một số thuế khá lớn từ nguồn
tài sản hiện có này. Do vậy, việc tiến hành huy động nguồn tiền 60 tỷ USD trong
dân là có thể thực hiện được khi bản thân đội ngũ quan chức đã làm gương.
Để thực
hiện tốt có thể tiến hành quy trình huy động cưỡng chế trong 4 vị 'tứ trụ': Tổng
Bí thư; Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ. Tiếp đó, huy động
các vị Ủy viên Bộ Chính trị, tiếp theo là hơn 500 vị ĐBQH khóa XIV,... Nếu vẫn không
đủ 1/2 (của 60 tỷ USD) thì huy động tiếp tục trong đội ngũ lực lượng Vũ trang
nhân dân gồm: công an nhân dân và quân đội nhân dân. Tiếp tục huy động từ những
người đảm nhiệm hoặc hoạt động trong nhà nước và gia đình họ cho đến những người
cảm tình với Đảng và Chính phủ.
Quyền lợi
đến đâu thì huy động đến đó; chức vụ cao đến đâu thì mức độ hy sinh cho Tổ quốc
đến đó. Tổ quốc hiện nay đã làm quá nhiều cho đội ngũ quan chức, cung ứng cho họ
không những nhà biệt phủ, xe siêu sang, mà còn giúp con cái họ được học tập,
du lịch, chữa bệnh ở nước ngoài,... Và vì vậy, họ phải là tấm gương sáng nhất
cho câu trả lời: ta làm gì cho tổ quốc hôm nay. Hay sát hơn là trả lời đúng đắn
cho câu hỏi 'làm gì cho đất nước' của bà Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Lý tưởng
CNXH và con đường tiến lên XHCN có thành hiện thực hay không, nhà nước có vượt
qua những khó khăn về nguồn tiền hay không giờ đây sẽ phụ thuộc vào bản thân
các đội ngũ quan chức.
Hợp lý
đấy chứ sao không?
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
No comments:
Post a Comment