BTV Tiếng Dân
17/08/2018
Kế hoạch của Mỹ hỗ trợ các nước Đông Nam Á
Washington đang thảo luận với từng nước Đông Nam Á
về các chương trình hỗ trợ nằm trong Sáng kiến An ninh Hàng hải (Maritime
Security Initiative) và kế hoạch phân bổ Tài chính Quân sự Nước ngoài (Foreign
Military Financing – FMF) trị giá 290,5 triệu USD cho khu vực Ấn Độ-Thái Bình
Dương mà Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo đã thông báo ngày 4 tháng 8 tại Diễn
đàn khu vực ASEAN ở Singapore. Việc phân bổ FMF được định hướng nhằm tăng cường
an ninh hàng hải, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai (HADR), và nâng cao các
năng lực gìn giữ hoà bình.
Hôm thứ Tư vừa qua, ông Randall Schriver, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về an ninh
châu Á và Thái Bình Dương, cho biết, các chương trình hỗ trợ sẽ được
thiết kế cho từng trường hợp và tùy thuộc vào một số yếu tố: “Chúng tôi sẽ
xem xét từng trường hợp đối tác cụ thể và xem các yêu cầu có thể là gì. Tôi
nghĩ khi mà nhìn nhận vấn đề an ninh Biển Đông và Ấn Độ – Thái Bình Dương là
một tổng thể, thì nói chung các lãnh vực sẽ được chú ý là giúp các quốc gia
phát triển năng lực nhận biết tất cả các vấn đề liên quan đến biển mà tác động
tới an ninh, an toàn, kinh tế hay môi trường (Maritime Domain Awareness – MDA)
và cải thiện an ninh hàng hải. Bởi vậy chúng tôi sẽ nhìn vào từng trường hợp
xem yêu cầu mỗi nơi là gì và xem làm sao chúng tôi có thể sử dụng tốt nhất các
khoản tài chính để giúp các nước tăng cường năng lực của họ ở những lãnh vực đó“.
Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt
Nam được liệt kê là những nước được ưu tiên cho các chương trình của Sáng kiến
An ninh Hàng hải.
Schriver từ chối cung cấp chi tiết cụ thể về các
chương trình dành cho các nước Đông Nam Á theo Sáng kiến An ninh Hàng Hải cũng
như phân bổ FMF, nhưng ông có cho biết các chương trình sẽ bao gồm việc cung
cấp thiết bị, đào tạo, xây dựng năng lực và giúp các nước cấu trúc tốt hơn hoặc
những tổ chức của họ chuẩn bị tốt hơn để đối phó với những thách thức an ninh
đương đại.
Ông nói: “Đây là một hoạt động có tính hợp tác,
chúng tôi muốn các chương trình có ý nghĩa đối với từng nước được tiếp nhận,
phù hợp với kế hoạch phòng thủ tổng thể của họ“.
Các nước được nhận hỗ trợ trong Sáng kiến An ninh
Hàng hải sẽ không chỉ muốn thúc đẩy các năng lực MDA mà còn hướng tới việc chia
sẻ thông tin với các nước láng giềng trong khu vực, ông nói.
“Có rất nhiều sự quan tâm đối với MDA và làm thế
nào để cuối cùng có thể dẫn đến kết nối lớn hơn với các nước cùng chí hướng mà
cũng đang phát triển MDA. Thách thức về an ninh hàng hải vốn dĩ là vấn đề đa
phương, vì vậy bước đầu tiên là nhận thức về khu vực mà mình có quyền chủ quyền
(vùng đặc quyền kinh tế), và tiếp nữa, là khả năng kết nối với những nước khác
trong khu vực có cùng mối quan tâm thúc đẩy an ninh hàng hải”.
Liên quan đến các Chương trình Tự do Hải hành
(FONOPs) ở Biển Đông, Schriver đã chỉ ra rằng, FONOPs là một phần của chương
trình toàn cầu, mặc dù “nổi bật nhất hiện nay là các hoạt động ở Biển Đông
nhưng chắc chắn chương trình này không giới hạn ở đó. Chúng tôi sẽ tiếp tục
tiến hành FONOPs ở bất cứ đâu có những yêu sách bành trướng mà chúng tôi coi là
bất hợp pháp và không dựa trên luật quốc tế, và dĩ nhiên trong đó sẽ bao gồm
Biển Đông, nhưng chúng ta sẽ không nói cụ thể hơn về kế hoạch tương lai“.
Schriver cho biết, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục tiến hành
FONOPs nhằm đáp lại các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, và sẽ kéo các
nước có cùng quan điểm tham gia cùng, “những nước mà có thể không sẵn lòng
thách thức phạm vi 12 hải lý nhưng sẵn sàng thực hiện các hoạt động hiện diện ở
Biển Đông“, mặc dù ông không nêu tên đó là những nước nào.
Trước đó, trả lời VOA ngày 9 tháng 8, Đô đốc Richardson nói: “Chúng
tôi sẽ luôn ở đó. Và chúng tôi sẵn sàng bênh vực cho những ai bị ảnh hưởng
trong phạm vi tranh chấp, nếu cần”.
Theo Schriver, các hoạt động của Hoa Kỳ sẽ không chỉ
giới hạn trong lãnh vực quân sự, mà còn có các hoạt động ngoài phạm vi đó. Ví
dụ như những hoạt động của Bộ Ngoại giao, trong đó bao gồm trợ giúp các nước có
yêu sách ở Biển Đông, các vấn đề liên quan tới những yêu sách hợp pháp của họ
và tiến hành các cuộc đàm phán giải quyết yêu sách một cách hoà bình, nếu được
yêu cầu.
Ngày 10 tháng 8, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phát đi thông cáo báo chí, cho
biết, ông Andrea L. Thompson, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách Kiểm Soát
Vũ Khí & An Ninh Quốc Tế, sẽ công du Indonesia, Việt Nam và Australia từ
ngày 12 đến 26 tháng 8. Chuyến công du kỳ này của bà nhằm mục đích thảo luận
với các giới chức hữu quan ba nước trên về cách thức mà phía Hoa Kỳ có thể đóng
góp cho một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do.
Ở Việt Nam, bà Andrea L. Thompson sẽ có những cuộc
gặp với quan chức cấp cao chính phủ Hà Nội và quân đội nước này nhằm tăng cường
hợp tác song phương trong các lĩnh vực hợp tác an ninh, mậu dịch quốc phòng, an
ninh hàng hải, hoạt động giữ gìn hòa bình và các vấn đề nhân đạo.
Theo ông Hà Kim Ngọc, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam ở Hoa
Kỳ, trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh, trên cơ sở những thoả thuận đã
đạt được, trong đó có tuyên bố Tầm nhìn chung Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2015, hai
bên [Việt Nam và Hoa Kỳ] đã từng bước mở rộng và đạt được những bước tiến quan
trọng, đặc biệt trên các lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ nhân đạo, giảm nhẹ
thiên tai, gìn giữ hoà bình, đào tạo và an ninh hàng hải.
Trong thời gian qua, Hoa Kỳ đã chuyển giao một tàu
Hamilton và sáu xuồng tuần tra cho Việt Nam, góp phần tăng cường năng lực thực
thi pháp luật trên biển của Việt Nam. Mới đây, tàu sân bay Carl Vinson của Hoa
Kỳ lần đầu tiên thăm Việt Nam, đã thể hiện mong muốn của hai nước tham gia vào
nỗ lực chung của khu vực nhằm duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác và tôn trọng
luật pháp quốc tế.
Đọc thêm: “Sáng kiến Ấn Độ – Thái Bình Dương mở rộng không gian chính
trị” — Việt Nam hoan nghênh sáng kiến mới của Mỹ ở Ấn Độ Dương –
Thái Bình Dương.
-------------------------------------------------------------
BTV Tiếng Dân
16/08/2018
Ngoài thực địa
Một
báo cáo của chính phủ Philippines mà AP có được cho thấy, trong
nửa cuối năm ngoái, máy bay quân sự Philippines đã nhận được cảnh báo của Trung
Quốc qua radio ít nhất 46 lần trong khi đang bay tuần tra gần các đảo nhân tạo
do Trung Quốc xây dựng trên quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.
Các quan chức Philippines đã hai lần nêu lên mối lo
ngại về những cảnh báo này, kể cả trong một cuộc họp với những người đồng sự
Trung Quốc tại Manila hồi đầu năm nay về vấn đề Biển Đông, theo hai quan chức
giấu tên vì họ không được phép thảo luận vấn đề một cách công khai.
Trong những năm trước, những cảnh báo này thường bắt
nguồn từ các tàu cảnh sát biển của Trung Quốc. Nhưng các quan chức quân sự nghi
ngờ hiện nay việc phát thanh được truyền đi từ các đảo nhân tạo mà Trung Quốc
đang chiếm đóng, nơi đã lắp đặt các thiết bị giám sát và truyền thông mạnh hơn
cùng với các vũ khí như hệ thống tên lửa đất đối không.
“Tàu và máy bay của chúng tôi đã quan sát thấy sự
gia tăng các truy vấn qua radio bắt nguồn từ các cơ sở mới đặt trên các vùng
đất ở Biển Đông“, Tư lệnh Clay Doss, viên chức công vụ của Hạm đội
7 Hoa Kỳ, trả lời AP qua email.
Hôm 30 tháng 7, truyền thông đưa tin Trung Quốc
lần đầu tiên triển khai một tàu tìm kiếm cứu hộ Nan Hai Jiu 115 neo đậu lâu dài tại bãi
Xubi thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Nan Hai Jiu 115 là
tàu tìm kiếm cứu hộ có khả năng triển khai trực thăng cứu hộ tầm trung.
Một giới chức Bộ Giao thông Vận tải, ông Du Haipeng
nói với Tân Hoa Xã rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng các tàu cứu hộ lớn với phạm
vi hoạt động xa hơn và được trang bị các công nghệ tiên tiến hơn. Ông Haipeng
nói thêm rằng, Bắc Kinh cũng sẽ triển khai các trực thăng với khả năng tìm kiếm
cứu hộ tốt hơn và nhanh hơn.
Theo Giáo sư Carl Thayer, Trung Quốc triển khai tàu
tìm kiếm và cứu hộ Nan Hai Jiu 115 vừa là một biện pháp thực tế để hỗ trợ ngư
dân – chủ yếu là người Trung Quốc – gặp nạn, vừa để nhằm mục đích chứng minh
rằng Trung Quốc có quyền tài phán chủ quyền trên vùng biển xung quanh.
Ông Carl Thayer cũng cho biết, trong Văn Bản Đàm
Phán Dự Thảo COC Duy Nhất, có 4 bản đề xuất của Philippines, Indonesia và
Singapore, Trung Quốc, và Campuchia đều ủng hộ hợp tác tìm kiếm và cứu nạn trên
biển. Và đáng chú ý là Trung Quốc nhiệt tình nhất trong đề xuất này.
Cụ thể, đề xuất của Trung Quốc ghi rằng: “An toàn
hải hành và hoạt động tìm kiếm – cứu hộ. Các bên sẽ tăng cường hợp tác về an
toàn hải hành… Các bên sẽ tăng cường hợp tác tìm kiếm và cứu nạn trên biển, xây
dựng các hệ thống thông tin và truyền thông để cung cấp các dịch vụ tìm kiếm và
cứu hộ tốt cho những người gặp nguy hiểm trên biển”.
Còn theo một số chuyên gia khác, việc triển khai tàu
tìm kiếm và cứu hộ chỉ nhằm để giảm nhiệt, một nỗ lực nhằm tạo ra một vỏ bọc thân
thiện phủ bên ngoài những gì rõ ràng là quân sự hoá. Nó giống như “một
sự tẩy não”, Jonathan Spangler, giám đốc Viện tư vấn chính sách Biển Đông
(South China Sea Think Tank) ở Đài Bắc nhận xét.
Các nhà hoạch định chính sách Philippines cũng có
thể nghi ngờ hành động này của Trung Quốc, theo giáo sư ngành khoa học chính
trị Ela Atienza ở Đại học Philippines Ela Atienza. Bởi lẽ, (Trung Quốc) “đã
không đóng một vai trò như vậy trong những lần thiên tai gần đây trong khu vực
cần đến các hoạt động cứu hộ”.
Atienza nhắc lại sự thiếu vắng giúp đỡ của Trung
Quốc trong đợt bão Yolanda, đã cướp đi 6000 sinh mạng Philippines vào năm 2013.
Philippines bắt đầu đẩy mạnh cải tạo
đảo
Ngày 14 tháng 8 vừa rồi, truyền thông Philippines
đưa tin, ông Delfin Lorenzana, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho biết việc
sửa chữa đường bay ở đảo Thị Tứ, nơi Philippines đang chiếm đóng, sẽ được hoàn
tất vào cuối năm sau. Việc sửa chữa đường băng đã bị hư hỏng trầm trọng này đã
bị đình trệ trong một thời gian dài vì lo ngại sẽ khiến Trung Quốc không vui.
Lorenzana cũng cho biết các đoạn đường nối bãi biển
đang được xây dựng và có thể hoàn thành vào cuối năm, nhằm tạo điều kiện thuận
lợi cho các tàu vận chuyển vật liệu xây dựng cho đường băng sau này.
Học giả Việt Nam nói về lập trường của
Việt Nam trong giải quyết tranh chấp Biển Đông
Đó là “kiên trì đàm phán,” theo như trình bày của
ông Đỗ Thanh Hải đến từ Học viện Ngoại giao Việt Nam tại Hội nghị Biển Đông
thường niên lần thứ 8 do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tổ chức
vào cuối tháng Bảy vừa qua ở Washington, VOA tường thuật lại.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, Hà Nội không gạt sang một
bên biện pháp pháp lý giống như Manila đã từng kiện Bắc Kinh ra Tòa trọng tài
thường trực (PCA) hồi năm 2014. Ông Hải cho biết Hà Nội ủng hộ vụ kiện của
Manila và bảo lưu quyền của mình sử dụng biện pháp pháp lý tương tự.
Hà Nội theo đuổi giải pháp “công bằng, lâu dài và
chấp nhận được” và xem đó là con đường để bảo đảm hòa bình và an ninh trong khu
vực.
Trong khi chờ đợi có được giải pháp lâu dài đó, Việt
Nam cũng sẵn sàng chấp nhận những giải pháp tạm thời nhưng “thỏa đáng”, ông Hải
nói và nhấn mạnh nguyên tắc “thỏa đáng”.
Giải pháp tạm thời này bao gồm hợp tác trên những
vấn đề không nhạy cảm như tìm kiếm, cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo và bảo vệ môi
trường và hợp tác cùng khai thác.
Riêng trên vấn đề hợp tác cùng khai thác (dầu khí),
ông Hải nhấn mạnh rằng, Việt Nam không hợp tác cùng khai thác ở những vùng biển
thuộc chủ quyền của Việt Nam mà chỉ ở những vùng biển có chủ quyền chồng lấn.
Ngoài ra, Hà Nội chỉ hợp tác cùng khai thác sau khi dùng luật pháp quốc tế xác
định rõ ràng vùng biển nào có chủ quyền chồng lấn.
Nguyên tắc cơ bản của Việt Nam khi theo đuổi con
đường đàm phán cũng như giải pháp tạm thời, theo ông Hải, là bám theo luật pháp
quốc tế, trong đó có Công ước Quốc tế về Luật Biển UNCLOS 1982, còn những yếu
tố khác chỉ mang tính bổ sung và chỉ có giá trị tham vấn. Điều này trái với lập
trường của Trung Quốc là ‘chủ quyền lịch sử’ đối với Biển Đông vốn không có căn
cứ trên luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, theo ông Hải những trở ngại đối với việc
giải quyết tranh chấp trên Biển Đông một cách hòa bình là: thiếu trách nhiệm và
thiếu thiện chí, mưu cầu bá quyền thông qua việc quân sự hóa để tạo “sự đã
rồi”, khăng khăng đòi hợp tác cùng khai thác không đúng nơi, không đúng trình
tự (trước khi có phân định biên giới rõ ràng) và tuyên bố chủ quyền phi pháp
(đường chín đoạn và đòi hỏi vùng biển tối đa cho những thực thể không đủ điều
kiện theo luật quốc tế).
Đàm phán giữa các bên liên quan theo luật pháp quốc
tế hay tham khảo kinh nghiệm nhờ trọng tài phán xử từ các tranh chấp chủ quyền
khác trên thế giới là những giải pháp giúp giải quyết tranh chấp Biển Đông một
cách hòa bình phù hợp với nguyện vọng của tất cả các bên, theo ý kiến của các
học giả đưa ra tại hội thảo.
Xem thêm: Toàn bộ nội dung Hội thảo Biển Đông của CSIS.
----------------------------------
BTV Tiếng Dân
15/08/2018
Giải mã Gạc Ma
Xung quanh biến cố Gạc Ma năm 1988, cựu chiến binh
Phan Trí Đỉnh đã chia sẻ trên Facebook cá nhân một số trích đoạn được cắt từ
một thước phim ghi hình cuộc nói chuyện của Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm.
Trong những đoạn trích này, Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm cho biết một số thông tin cụ thể về tình hình
Biển Đông và Gạc Ma năm 1988, sự chuẩn bị và những khó khăn của Hải quân Việt
Nam khi đó, cũng như quan điểm của ông về mối quan hệ Việt Nam – Trung
Quốc.
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm khẳng định, biến cố Gạc Ma
không phải là một trận hải chiến mà là một cuộc thảm sát mà lực lượng Trung
Quốc với vũ khí, tàu chiến hiện đại gây ra đối với lực lượng tàu vận tải của
Việt Nam.
Đọc thêm bài phỏng vấn Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm được
báo Thanh Niên thực hiện năm 2014 với nhiều thông tin chi tiết: Từ thảm sát Gạc Ma đến mộng bá chủ Biển Đông.
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm từng là Phó tham mưu trưởng
Hạm đội 171, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 61, Tham mưu phó phụ trách tác chiến của
Quân chủng Hải quân, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam. Ông là người
trực tiếp phụ trách tác chiến của Quân chủng Hải quân khi Trung Quốc dùng vũ
lực chiếm đảo Gạc Ma ngày 14 tháng 3 năm 1988. Hiện ông là Chủ tịch Hội Khoa
học – Kỹ thuật và Kinh tế biển TP.HCM.
Diễn biến thực địa và thái độ các bên
Tiếp tục câu chuyện về việc Trung Quốc cảnh báo phi
cơ của các nước khi bay qua các khu vực mà Trung Quốc đang chiếm đóng ở Biển
Đông, mới đây tướng Carlito Galvez, Tư lệnh quân đội Philippines nói, Trung
Quốc vẫn đe doạ tàu và máy bay nước ngoài hàng ngày ở
Biển Đông.
“Và phi công của chúng tôi chỉ trả lời: Chúng tôi
chỉ đang thực hiện chuyến bay thường lệ của mình trong phạm vi quyền hạn và
lãnh thổ của chúng tôi,” tướng Galvez cho biết.
Trong một buổi họp báo, Harry Roque, Phát ngôn viên
Tổng thống Philippines cũng khẳng định mạnh mẽ: “Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục các
chuyến bay. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục khẳng định chủ quyền của chúng tôi. Và
nếu cần, các phi công Philippines sẽ sẵn sàng hy sinh cho chủ quyền của chúng
tôi“.
Hôm 13 tháng 8, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad
cũng cảnh báo việc triển khai lực lượng đóng quân ở Biển Đông trong một bài trả
lời phỏng vấn truyền thông: “Chúng tôi ủng hộ việc các tàu biển, kể cả chiến
hạm, di chuyển qua Biển Đông, nhưng phản đối việc triển khai lực lượng đóng
quân tại đó. Đây là lời cảnh báo tới tất cả các nước, đừng gây ra căng thẳng
không cần thiết“, AP dẫn lời Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad.
Tuyên bố của Thủ tướng Mahathir được đưa ra trong
bối cảnh Malaysia liên tục phát đi những thông điệp thể hiện quan điểm cứng rắn
với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
“Trung Quốc đã triển khai nhiều tàu hải cảnh lớn
không khác gì tàu chiến tới những khu vực giàu tài nguyên và gây bất an cho các
nước láng giềng”, Ngoại trưởng Malaysia Abdullah Saifuddin phát biểu
hồi cuối tháng 7. Ông cho rằng chính phủ tiền nhiệm hiếm khi chỉ trích
Trung Quốc, dù tàu hải cảnh Trung Quốc đã tiến gần lãnh hải nước này và Bắc
Kinh liên tục bồi đắp, triển khai trái phép nhiều loại vũ khí tới các đảo nhân
tạo trên Biển Đông.
Thủ tướng Mahathir đang tìm cách giảm bớt ảnh hưởng
kinh tế của Trung Quốc đối với Malaysia bằng cách đánh giá lại các dự án đầu
tư. Chính phủ của ông đã đình chỉ một dự án đường sắt trị giá nhiều tỷ USD, vốn
là trọng tâm trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, cùng hai
dự án đường ống dẫn khí để thương thảo những điều khoản tốt hơn.
Giải pháp cho Biển Đông
Trên Tuần Việt Nam có bài viết “Biển Đông: TQ tham vọng kép, Mỹ cần hành động khẩn?”
trong đó tổng hợp đề xuất của các học giả quốc tế về những việc Mỹ cần phải làm
để chặn đứng tham vọng của Trung Quốc.
Trước tiên, Mỹ cần mở rộng năng lực áp đặt
mức phạt đối với những vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực khu vực và
quy định trong và ngoài Biển Đông. Trung Quốc vươn xa như vậy cho thấy đã
không có mức phạt đủ nghiêm khắc chống lại chiến lược “lát cắt salami” mà
Trung Quốc đang tăng cường ở Biển Đông.
(Nói về “Lát cắt salami”, đây vốn là thuật ngữ được
phương Tây sử dụng. Tuy nhiên Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn có lẽ là người đầu
tiên nhìn ra chiến lược này của Trung Quốc từ hơn bảy trăm năm trước, mà ông
gọi là chiến lược “tằm ăn dâu”.)
Thứ hai, Mỹ cần nỗ lực gấp đôi, cả ở quy mô
quốc gia và trong sự phối hợp với các nước khác có cùng chí hướng,
nhằm cải thiện một nhóm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có chung ý
thức về hàng hải. Cuộc khủng hoảng bãi cạn Scarborough năm 2012 lẽ ra
đã được ngăn ngừa nếu Manila được thông tin tốt hơn về tương quan lực
lượng trong khu vực.
Thứ ba, Mỹ cần ủng hộ việc thiết lập một đội tàu đa
quốc gia nhằm phát hiện các hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng trong khu
vực. Một mô hình liên minh hàng hải có thể là Lực lượng hỗn hợp đặc biệt 150
(CTF 150), một nhóm quốc tế tìm cách phá vỡ các chiến dịch khủng bố tại một số
hải trình đông đúc nhất thế giới quanh Vịnh Aden và Biển Đỏ. Chỉ huy lực lượng
này có thể luân phiên giữa một số nước Đông Nam Á.
Mục đích cao nhất của một lực lượng hàng hải mới này
là tạo một bức tường thành chống lại tình trạng gia tăng quân sự hóa tại Biển
Đông và các hành động phạm pháp khác. Hơn nữa, các nước bên ngoài Đông Nam Á
phụ thuộc vào hải trình qua Biển Đông, như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ,
Pháp, Anh,… cũng có thể tham gia các chiến dịch của lực lượng này.
Trung Quốc cũng được hoan nghênh nếu chấp nhận các
quy định mà lực lượng đặt ra. Hơn nữa, lực lượng này có thể giúp thực thi Bộ Quy
tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) khi nó ra đời.
Cuối cùng, đã đến lúc ngăn Trung Quốc lập luận vô
nghĩa rằng Bắc Kinh tuân thủ luật hàng hải quốc tế trong khi Washington chế
giễu văn kiện này. Đó là Mỹ nên phê chuẩn Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển.
Bốn bước trên chưa tạo nên một chiến lược Ấn Độ
Dương – Thái Bình Dương toàn diện, nhưng kết hợp với nhau, chúng có thể là sự
khởi đầu của một mạng lưới đối tác mạnh hơn và tạo ra phương tiện ngăn cản bất
cứ quốc gia nào đơn phương đặt ra quy định cho thế giới, bài báo kết luận.
--------------------------------
BÀI
CŨ
No comments:
Post a Comment