12/08/2018
Giải mã Gạc Ma
Những
tranh luận xung quanh thực hư của “Lệnh không nổ súng trước” hay “Không nổ
súng” trong biến cố Gạc Ma ngày 14/3/1988 vẫn đang tiếp tục gây chú ý khi mới
đây ông Phan Trí Đỉnh gửi cho Tiếng Dân bài viết: “Bắn hay không
bắn trước, hoặc là không bắn?”. Trong bài, tác giả cung cấp một trang
sách trong cuốn “Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam 1955 – 2015“,
của NXB Quân đội Nhân dân 2015. Trong trang sách tường thuật lại biến cố Gạc Ma
có dòng chữ: “thống nhất thực hiện theo phương án tác chiến, không
nổ sung nhưng phải quyết tâm bảo vệ Gạc Ma”.
Nguyên
đoạn văn có dòng chữ đó như sau: “Lúc 4 giờ 30 phút ngày 14 tháng 3, tàu
HQ605 đến đổ bộ lên cắm cờ trên bãi đá Len Đao. Lúc 4 giờ 55 phút, 2 tàu hộ vệ
556, 531 của Trung Quốc từ bãi đá Chữ Thập đến Gạc Ma hỗ trợ, đe dọa. Ban chỉ
huy tàu HQ604 họp nhận định tàu Trung Quốc có thể dùng vũ lực can thiệp, quyết
định chỉ huy bộ đội bình tĩnh xử trí, thống nhất thực hiện theo phương án tác
chiến, không nổ súng nhưng phải quyết tâm bảo vệ Gạc Ma“.
Mặt
khác, theo nhận định nhiều người, có chữ “trước” hay không, không phải là vấn
đề quan trọng, bởi thực tế là những người lính ra đảo Gạc Ma năm đó đã không
được trang bị để sẵn sàng cho một cuộc hải chiến tự vệ. Như một nhà báo đã
viết: “Những người lính trên biển sáng hôm ấy, nhiều người mặc áo lót và
quần đùi, cùng nắm tay nhau, mỏng manh trước họng súng quân thù. Vòng tròn bất
tử Gạc Ma đã in hằn một vòng đau thương và bi tráng trong lịch sử bảo vệ chủ
quyền biển đảo“.
Sự
hy sinh của các anh là không vô nghĩa. Hình ảnh các anh tay không nắm lấy nhau
trước hoả lực mạnh của kẻ địch đã là lời tố cáo đanh thép nhất tới toàn thế
giới rằng Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm đảo và vì vậy theo luật quốc tế,
Trung Quốc không thể có chủ quyền hợp pháp đối với Gạc Ma. Không một quốc gia
nào được phép công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với những thực thể ở Biển
Đông mà Trung Quốc đã dùng vũ lực để cưỡng chiếm.
Nhưng
trách nhiệm của những người Việt còn sống là phải đối diện với sự thật, nghiên
cứu mổ xẻ lịch sử bằng những nghiên cứu khoa học nghiêm túc để rút ra những bài
học cho tương lai, để không uổng công những người lính đã dâng hiến xương máu
của mình như những cột mốc chủ quyền của Việt Nam trên biển.
“Thế
hệ hôm nay và mai sau cần những giải mã này để rút ra những bài học máu, nhằm
tránh rơi vào tình cảnh mất đảo, mất đất, mất nước, hoặc bị bắn giết rồi phải
câm lặng như một bầy cừu!” FB
Lương Vĩnh Kim bức xúc.
Ngoài thực địa
Tiếp
nối phóng sự thực địa của CNN, BBC cũng vừa đăng tải
một đoạn phim, trong đó các phóng viên BBC đã cùng với
máy bay của hải quân Mỹ bay qua các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây dựng ở
Biển Đông. Trong thước phim này, BBC còn ghi lại được lời cảnh báo của Trung
Quốc dành cho một máy bay Philippines gần đó.
Điều
khiến cho người ta phải chú ý, đó là ngôn từ và khẩu khí mà Trung Quốc dành cho
Philippines khác hẳn so với lời lẽ dành cho phía Mỹ, giọng điệu hung hăng và
bắt nạt hơn, trong bối cảnh Philippines đang ra sức nhún nhường để có mối quan
hệ hợp tác tốt đẹp với Trung Quốc. “Phi cơ quân sự Philippines, tôi cảnh báo
anh lần nữa. Rời khỏi ngay lập tức hoặc anh sẽ phải chịu trách nhiệm về mọi hậu
quả!” quân nhân Trung Quốc nói với máy bay Philippines.
Diễn biến đàm phán COC
Trong
khi ngoài thực địa đang tiềm ẩn những nguy cơ đụng độ và leo thang căng thẳng,
thì ở trên bờ, chỉ vài ngày sau khi các quan chức cấp cao ASEAN ca ngợi đồng
thuận giữa ASEAN và Trung Quốc về một văn bản đàm phán COC là một bước tiến
quan trọng, một nhà ngoại giao Trung Quốc, Yi Xianliang, thẳng thừng tuyên bố:
quá trình đàm phán COC sẽ còn kéo dài và việc xác định một thời gian biểu cho quá trình đàm phán này là
bất khả thi.
Yi
Xianliang là Tổng giám đốc Bộ phận chuyên trách Các vấn đề Biên giới và Đại
dương của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Bất
cứ những cuộc đàm phán đa phương nào đều cần có thời gian, đặc biệt là đối với
vấn đề phức tạp như tranh chấp Biển Đông, ông Yi nói.
Khai thác chung ở
Biển Đông
Trong
khi đó, có vẻ như Philippines đang có những bước đi mạo hiểm khi muốn bắt tay với
Trung Quốc cùng khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Hôm
9 tháng 8, Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes, đã bày tỏ lo ngại rằng Philippines
sẽ rơi vào tình thế bất lợi nếu tiến hành thăm dò tài nguyên chung với Trung
Quốc.
Là
người đã từng chịu trách nhiệm đàm phán cửa sau với Trung Quốc, ông Trillanes
chỉ ra rằng, Philippines có thể chỉ đảm nhận vị trí quan sát trong dự án chung
bởi hạn chế về công nghệ.
“Trong
hợp tác khảo sát địa chấn chung ở biển Đông (JMSU) năm 2004, các chuyên gia
Philippines trên tàu nghiên cứu không thể hiểu được tiếng Trung và cũng không
đọc được những tài liệu hướng dẫn vận hành thiết bị. Do đó, nếu tiến hành thăm
dò chung, Trung Quốc sẽ chi phối toàn bộ vì Philippines hiện không có khả năng
và công nghệ đáp ứng yêu cầu“, ông Trillanes bày tỏ.
Ngoài
ra, thượng nghị sĩ này nghi ngờ chính sách chia sẻ lợi nhuận 60/40. “Trung
Quốc có thể chỉnh sửa số liệu, kiểm soát các hoạt động và khiến chúng ta tin rằng
mình nhận được 60% trong khi con số thực tế chỉ là 10%“, ông Trillanes cảnh
báo.
Tuy
nhiên có vẻ như chính quyền Philippines vẫn quyết tâm đạt được thoả thuận khai
thác chung với Trung Quốc. Ông Harry Roque, phát ngôn viên của Tổng thống
Rodrigo Duterte, cho hay: “Hiện chưa có thời gian cụ thể nhưng vì chuyến
thăm sắp tới của Chủ tịch Tập, việc ký kết sẽ được thực hiện trong khoảng thời
gian từ đây đến đó“.
Chính sách biển Việt Nam
Nhiều
tờ báo trong nước đưa tin, sáng 10 tháng 8, tại Hà Nội đã diễn ra kỳ họp thứ 7
của Hội đồng Lý luận Trung ương. Một nội dung chính của kỳ họp là thảo luận dự thảo báo cáo tư vấn “Một số vấn đề lý luận-thực
tiễn về Chiến lược biển Việt Nam”.
Để
phục vụ Hội nghị Trung ương 8, khóa XII sắp tới, dự thảo báo cáo tư vấn về “Một
số vấn đề lý luận – thực tiễn về Chiến lược biển Việt Nam” của Hội đồng lý luận
Trung ương, tập trung vào các nội dung như: Những vấn đề nhận thức lý luận về
Chiến lược biển Việt Nam đang đặt ra cần giải quyết; những vấn đề đặt ra trong
Chiến lược biển; về quan điểm chỉ đạo thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến
năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045; về mục tiêu định hướng chiến lược, nhiệm vụ,
giải pháp, các khâu đột phá.
Dự
thảo báo cáo cũng nêu ra đề xuất cần xây dựng Nghị quyết Trung ương mới về
“Tiếp tục thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2045” và
thành lập Ban chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết về Chiến lược
biển.
Đọc
thêm: Tàu cá BĐ 95642 TS bị phá nước, có nguy cơ chìm gần đảo Sơn
Ca, 3 ngư dân trên tàu cầu cứu. Đảo Sơn Ca nằm trong cụm đảo Nam Yết ở
quần đảo Trường Sa, hiện được kiểm soát bởi Việt Nam.
--------------------------
BÀI CŨ
No comments:
Post a Comment