Thursday, 22 February 2018

SỨC ÉP INTERNET & VIỆC XUẤT BẢN SÁCH 'NHẠY CẢM' Ở VIỆT NAM (Kính Hòa RFA)




Kính Hòa RFA
2018-02-21

Ngày 9/2/2018 có ba quyển sách in tại Mỹ bị tịch thu tại sân bay Đà Nẵng, với lý do nhạy cảm chính trị, trong đó có quyền Chính trị bình dân của nhà báo Phạm Đoan Trang, hiện sống tại Việt Nam.

Bìa sách Chính trị bình dân của Phạm Đoan Trang. Sách bị tịch thu ở Đà Nẵng hôm 9/2/2018.   Pham Đoan Trang

Sau đó vài ngày một quyển hồi ký của ca sĩ Lộc Vàng được xuất bản rồi lại bị tạm dừng phát hành để thẩm định lại.

Như vậy việc kiểm duyệt văn hóa phẩn tại Việt Nam có đang trở nên gắt gao hơn hay không?

Kiểm duyệt và kiểm soát văn hóa vẫn không có gì thay đổi

Nhà văn Nguyễn Viện, hiện sống tại Sài Gòn từng làm việc ở báo Thanh Niên cho là đối với những cuốn sách được cầm tay mang từ nước ngoài về, nếu như người nhân viên hải quan ở sân bay không để ý đến thì cũng sẽ không có sự kiểm duyệt nào cả, vì chính người nhân viên hải quan này sẽ đề nghị với bộ phận kiểm duyệt văn hóa phẩm kiểm tra những cuốn sách này.

Ông tiếp tục nhận xét với chúng tôi về sự kiểm duyệt hiện nay:

Tôi không có cảm giác là nó chặt chẽ hơn hay không chặt chẽ hơn. Sự kiểm duyệt ở khâu xuất nhập khẩu sách báo, hay khâu duyệt sách ở các nhà xuất bản, tôi nghĩ là quá trình biên tập cũng vậy thôi. Bất cứ một tác phẩm nào, khâu kiểm duyệt chính thức theo như tôi biết từ trước đến giờ nằm ở nhà xuất bản, ở nơi người biên tập là chính. Còn ông giám đốc thì trên nguyên tắc là chịu trách nhiệm sau cùng, nhưng trên thực tế đâu phải ông nào cũng có thì giờ để đọc hết các tác phẩm khi mà nhà xuất bản đưa đi in đâu.”

Nhà báo Đoan Trang, tác giả của quyển Chính trị bình dân vừa bị tịch thu ở Đà Nẵng, trong một lần trao đổi với chúng tôi có nói rằng với thị trường sách hiện nay rất lớn, những biên tập viên của các nhà xuất bản không thể đọc hết những sách được đưa vào chuẩn bị xuất bản:

“Theo ý tôi thì họ không đọc. Tôi biết chuyện này vì khoảng năm 2007-2008, tôi cũng có làm sách. Thì những người duyệt họ không đọc, nhất là những quyển sách dày, chẳng hạn như quyển Nền dân trị Mỹ. Hầu hết các trường hợp là có ai đấy tố. Cũng chẳng loại trừ trường hợp các nhà sách họ tố lẫn nhau.”

Cô Đoan Trang cũng cho rằng nhân viên của các cơ quan kiểm duyệt văn hóa của Đảng Cộng sản cũng chưa chắc hiểu hết những quyển sách mà họ kiểm duyệt.

Nhà văn Nguyễn Viện không đề cập chuyện những nơi làm sách tố cáo nhau, nhưng cũng cho rằng những cuốn sách thường được cho là nhạy cảm chính trị bị thu hồi sau khi in là khi có những báo cáo lên đến cơ quan cao nhất chịu trách nhiệm về văn hóa của Đảng Cộng sản như là Ban văn hóa tư tưởng trung ương.

Có thể kể ra đây hai trường hợp rất tiêu biểu của những quyển sách mang nội dung chính trị rất rõ ràng là không tán đồng chủ nghĩa cộng sản nhưng lại được in ra ở Việt Nam rồi bị thu hồi trong thời gian qua.

Vào năm 2013 một quyển sách phê phán chủ nghĩa cộng sản là Trại súc vật của nhà văn người Anh Georges Orwell được in bán tại Việt Nam, sau một thời gian vài tháng bị một số báo của Đảng lên tiếng chỉ trích và bị thu hồi.

Năm 2017, quyển hồi ký của nhà sử học Trần Trọng Kim mang tên Dọc đường gió bụi lại được xuất bản rồi lại bị thu hồi. Ông Trần Trọng Kim được xem như là người có tư tưởng chính trị không tán thành chủ nghĩa cộng sản, và ông có đề cập đến tư tưởng của ông trong cuốn hồi ký này.

Đã có sự cởi mở hơn, và cố gắng của những người làm xuất bản

Đã có nhiều cố gắng in những quyển sách có nội dung bị gọi là nhạy cảm đó, bằng nhiều cách thức khác nhau. Quyển Trại súc vật được cho là đã được công ty Nhã Nam đổi tựa thành Chuyện ở nông trại để lọt qua lưới kiểm duyệt. Công ty Nhã Nam đã từ chối không bình luận với chúng tôi về vấn đề này.

Một quyển tiểu thuyết kể về thân phận con người trong xã hội Việt Nam cộng sản là Truyện kể năm 2000 của nhà văn quá cố Bùi Ngọc Tấn, đã được sự trợ giúp để xuất bản từ chính cơ quan xuất bản của nhà nước là Nhà xuất bản Thanh Niên. Người biết rõ chuyện này, và là bạn thân của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, hiện sống ở Hải Phòng kể với chúng tôi:

“Để in nó thì người ta làm một cách như thế này, người ta biết rằng người ta làm một việc rất liều lĩnh, cho nên người ta bắt đầu in vào ngày 28 Tết, của năm 2002 hay 2003 gì đấy. Người ta phát hành đúng ngày mùng bốn Tết, ngày cơ quan nhà nước bắt đầu làm việc. Khi phát hành thì tác giả cùng những người thân đón trước cửa nhà xuất bản Thanh Niên, bí mật đưa đi đến 5, 7 trăm cuốn. Cho đến ngày mùng bảy, mùng tám thì chuyện lộ ra ngoài, thì lúc ấy mới có lệnh thu hồi của Ban Văn hóa tư tưởng trung ương. Nó đã lọt ra ngoài đến một phần ba số xuất bản.”

Tuy nhiên nhận xét về chuyện xuất bản sách, nhập khẩu sách trong khoảng thời gian gần 20 năm trở lại đây, nhà văn Nguyễn Viện cho rằng đã có một sự cởi mở rất đáng kể do tác động của mạng Internet, nơi người ta có thể đọc những quyển sách bị cấm xuất bản. Ông nói rằng những quyển sách triết học hay chính trị học mang những quan niệm không cộng sản đã thấy xuất hiện nhiều, trái với trước đây là hoàn toàn bị cấm.

Sự cởi mở đó, cộng với khả năng không kiểm soát được mạng lưới internet của nhà cầm quyền đã đẩy chuyện xuất bản và nhập khẩu sách ở Việt Nam đến một tình trạng mà ông Nguyễn Viện gọi là xôi đậu, không rõ ràng:

Nó là một tình trạng xôi đậu, và nó cũng sẽ là một điều gì đó là một ngõ thoát cho những dồn nén của xã hội. Và người ta thấy rằng cái điều gì mà người ta thấy có khả năng kiểm soát được thì người ta kiểm soát, còn cái gì mà vượt ra khỏi khả năng của nhà nước, ví dụ như Internet, thì họ cũng phải chịu thua thôi.”

Khi được đặt câu hỏi là tình trạng xôi đậu đó khi nào sẽ chấm dứt, khi nào Việt Nam đạt được mức độ công khai tự do trong lĩnh vực sách báo, ông Nguyễn Viện trả lời rằng khi nào mà đảng cầm quyền vẫn chủ trương là chỉ có duy nhất đảng cộng sản cầm quyền, và duy nhất chỉ có một ý thức hệ được công nhận trong xã hội là chủ nghĩa cộng sản, thì tình trạng mà ông gọi là xôi đậu trong lĩnh vực văn hóa, xuất bản sách đó vẫn tiếp tục.

---------------------------

XEM THÊM









No comments:

Post a Comment

View My Stats