Monday, 19 February 2018

NGUYỄN SỸ TẾ, THƠ, PHAO CỨU SINH CỦA NGƯỜI TÙ CẢI TẠO? (Du Tử Lê)




Du Tử Lê / Người Việt
February 9, 2018

Nhà văn Nguyễn Sỹ Tế là một trong hai nhân vật được coi là “lý thuyết gia” của nhóm Sáng Tạo, ngay tự những ngày còn phôi thai, theo nhà văn Mai Thảo. Nhưng ông lại là thành viên ít được biết tới nhất của nhóm này. Ông giống như một người đứng ngoài Sáng Tạo.

Từ trái, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Sỹ Tế, Phạm Đình Chương, Tạ Tỵ. (Hình: Du Tử Lê cung cấp)

Số người có tình thân và theo dõi cận cảnh sinh hoạt của nhóm Sáng Tạo, ngay tự những năm giữa thập niên 1950 ở Sài Gòn cho rằng, khác hơn nhà văn Trần Thanh Hiệp (lý thuyết gia thứ hai của Sáng Tạo), nhà văn Nguyễn Sỹ Tế bản chất khép kín. Ông chọn nếp sống xa khuất tiền trường của những ngọn đèn trực chiếu.

Là một trí thức sớm được biết đến, ngay từ thời điểm trước hiệp định Genève Tháng Bảy, 1954, chia đôi đất nước, ở Hà Nội, di cư vào Nam, nhà văn Nguyễn Sỹ Tế là một thành viên sáng lập tạp chí Sáng Tạo, nhưng ông lại được ghi nhận là người nằm ngoài mẫu số chung của đa số thành viên Sáng Tạo.

Cũng có người cho rằng, vì ngoài tính cách nhà văn, ông còn là một nhà giáo dục kể từ năm 1945 ở Hà Nội, nhà văn, giáo sư Nguyễn Sỹ Tế còn được mời giữ một số chức vụ trong ngành giáo dục cũng như chính quyền ở Sài Gòn, kể từ ngày di cư vào miền Nam; nên ông rất thận trọng, dè dặt trong mọi giao tiếp, sinh hoạt có tính cách ồn ào, sôi nổi, dù cho những lãnh vực ông tham gia, có thể không mâu thuẫn với cung cách sống đã định hình rất sớm của cuộc đời ông.

Trang mang Wikipedia-Mở, ghi nhận rằng, năm 1958, Nguyễn Sỹ Tế làm hiệu trưởng trường Trung Học Tư Thục Trường Sơn (Sài Gòn). Năm 1956-1958, những năm đầu khi trường Luật Sài Gòn chuyển từ chương trình Pháp qua chương trình Việt, ông làm phụ khảo (assistant) môn dân luật và tư pháp quốc tế cho cố Giáo Sư Vũ Văn Mẫu – khoa trưởng trường Luật. Năm 1957-1963, ông dạy môn kịch nghệ tại trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn.

Từ 1962, ông dạy tại các trường đại học miền Nam: Đại Học Sư Phạm, Đại Học Vạn Hạnh (Sài Gòn), Đại Học Đà Lạt, Đại Học Cần Thơ. Năm 1964, ông làm chánh văn phòng Bộ Ngoại Giao cho Bác Sĩ Phan Huy Quát…

Với một quá khứ như vậy, một số người đã không ngần ngại kết luận, Nguyễn Sỹ Tế là nhà văn của những kín đáo, không phô trương. Cũng chính vì không ra mặt tham gia những sinh hoạt, vận động lớn, nhỏ của Sáng Tạo, nên các thành viên của nhóm này, dù quý trọng ông cách mấy, cũng không có lý do, cơ hội, để nhắc tới ông, như một “niên trưởng” của họ.
Tính khiêm cung của ông còn bộc lộ rõ hơn trong bài “Vũ Khắc Khoan và Tôi,” một người bạn cùng thời với ông. (1)

Ngay câu mở đầu phần thứ hai của bài viết, ông đã nhấn mạnh: “…Đối với tôi, Vũ Khắc Khoan bao giờ cũng là ‘người đi bước trước.’ Trước từ lúc ra đời, đi những bước trên đường đời và cuối cùng từ giã cõi đời. Người sinh năm Tỵ, tôi năm Tuất…”

Dọc theo bài viết của mình, đôi khi ông cũng dùng chữ “người” hoặc hai chữ “tiên sinh” để nói về người bạn cùng thời với mình: “…Mùa Xuân năm 1950, tôi lặn lội từ hậu phương trở về thành (Hà Nội) rồi vào dạy học tại trường Chu Văn An, đã nghe học trò nói người dạy học từ trước, tại trường Nguyễn Trãi…”

Chi tiết hơn, Nguyễn Sỹ Tế kể, hằng ngày, ở Hà Nội, ông đạp xe từ Chợ Hôm lên trường Chu Văn An, Cửa Bắc cũ – trong khi Vũ Khắc Khoan lại đi ngược chiều, từ Quan Thánh xuống Nguyễn Trãi. Hai bên không gặp nhau. Cuộc giao du giữa họ, rất “sơ khoáng” (chữ của Nguyễn Sỹ Tế)…

Thế rồi sau khi hiệp định Genève được ký kết thì Tháng Tám, 1954, không đợi các giáo sư Chu Văn An sẽ được đưa đi di cư theo chương trình của Bộ Giáo Dục thời đó, ông cùng vợ con theo đoàn sinh viên đại học, đáp máy bay vào Nam.

Ông viết: “…Tưởng di cư như tôi là sớm sủa rồi, không ngờ vào Sài Gòn được mấy hôm tôi đã gặp Vũ gia ngồi chễm chệ trên ghế Công Cán Ủy Viên Bộ Thông Tin với Bộ Trưởng Phạm Xuân Thái. Ngoài ra, tiên sinh còn là một cây bút chủ lực của nhật báo Tự Do – cơ quan ngôn luận của người di cư – cùng với mấy cây bút gạo cội: Hiếu Chân, Đinh Hùng, Mặc Thu, Trần Việt Sơn…”
(…)

“Mùa Hè 1958, một số giáo sư đang dạy học tại Chu Văn An trong đó có Vũ Khắc Khoan, Bùi Đình Tấn, Bạch Văn Ngà. Nguyễn Xuân Kỳ (con cụ Chữ) lên tận Bộ Ngoại Giao rủ tôi ra mở trường tư để ‘kiếm thêm.’ Tôi đã nhận lời. Và đó là trường trung học tư thục, đệ nhị cấp Trường Sơn trước ở đường Tự Đức (Đa Kao) sau dọn về đường Lê Văn Duyệt, gần đường Hồng Thập Tự, Vũ Khắc Khoan và tôi trở thành đôi bạn chí thân từ đó…”

Về tình bạn của hai người, ông kể thêm, dư luận giới trí thức Sài Gòn từng đề cập tới chuyện, ông đã đứng ra hòa giải mối bất hòa giữa hai nhóm trí thức là nhóm Quan Điểm của Vũ Khắc Khoan, với các tên tuổi như Nghiêm Xuân Hồng, Mặc Đỗ, Nhuệ Hồng, Vương Văn Quảng, Tạ Văn Nho… và “Nhóm Phi-Nhóm” Sáng Tạo với Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền và Nguyễn Sỹ Tế. (Tác giả bài “Vũ Khắc Khoan và Tôi” khi nhắc tới Sáng Tạo, chỉ ghi tên ba người như trên. Ông cũng nhấn mạnh phần góp công hòa giải hai bên của ông, vốn… nhỏ thôi, không đáng kể).

Tinh thần hay bản chất khiêm cung của nhà văn Nguyễn Sỹ Tế, còn được thể hiện qua việc ông kể lại một câu chuyện có tính cách đùa cợt của dư luận về nhóm Sáng Tạo. Do ông là người ghi nhận, rồi kể cho nhà văn Trần Thanh Hiệp nghe, nên sau đó, ông Hiệp mới thuật lại câu chuyện ấy, trong bài viết “Mai Thảo người kể chuyện bằng văn xuôi.” (2)

Đại ý câu chuyện mà tác giả tập truyện “Chờ Sáng” (3) ghi nhận được là giữa lúc tiếng tăm của tạp chí Sáng Tạo lên tới đỉnh cao nhất, thì dư luận người dân Sài Gòn khi đó đã truyền tai nhau rằng: Nếu ai đó, có dịp ghé thăm “ngôi nhà” Sáng Tạo…, thì sẽ “chỉ thấy bốn năm ông nhà văn, mỗi ông ngồi một xó trước cái bàn thờ tổ sư riêng.” Ngụ ý, mỗi nhà văn trong nhóm Sáng Tạo là một ốc đảo độc lập. Họ tự mãn chính họ (?)

Việc kể lại mẩu chuyện đùa vui trên của nhà văn Nguyễn Sỹ Tế, có người cho rằng, có vẻ như họ Nguyễn không mấy hài lòng trước sự kiện này (?) (Du Tử Lê)

Chú thích:
(1) Sưu tầm của Lê Hoàng Tuấn Kiệt. Nguồn website dutule.com.
(2) Đọc thêm “Trần Thanh Hiệp, lý thuyết gia của nhóm Sáng Tạo,” nhật báo Người Việt, Thứ Bảy, 16 Tháng Mười Hai, 2017).
(3)Tập truyện “Chờ Sáng” của Nguyễn Sỹ Tế xuất bản năm 1962 tại Sài Gòn. Nhưng trước đó cả chục năm, vở kịch “Mưa” của ông đã được xuất bản tại Hà Nội năm 1953 và, kịch “Trắng Chiều” xuất bản năm 1955.

*
*

Du Tử Lê
February 17, 2018

(Tiếp theo và hết) 

Từ phải: Giáo Sư Lê Văn - người chủ trương tập san văn hóa Dòng Việt (1993-2009), Nguyễn Sỹ Tế, Viên Linh, Trần Minh Tùng và Nguyễn Khắc Hoạch. (Hình: Viện Việt-Học)

Đa số thành viên nòng cốt nhóm Sáng Tạo, căn bản vốn là nhà văn, họa sĩ hay lý luận văn học như Mai Thảo, Ngọc Dũng, Duy Thanh, Doãn Quốc Sỹ, Trần Thanh Hiệp,… không phải là nhà thơ, nhưng họ vẫn làm thơ, để cổ súy, yểm trợ cho phong trào thơ tự do mà, Thanh Tâm Tuyền, được nhìn như mũi nhọn chính.

Là “niên trưởng” của nhóm, nhà văn Nguyễn Sỹ Tế không ngoại lệ. Với bút hiệu Người Sông Thương, thỉnh thoảng họ Nguyễn cũng có thơ cho tạp chí Sáng Tạo. Tuy nhiên, ngay lãnh vực này, nhà văn Nguyễn Sỹ Tế cũng cho thấy tính cách riêng của ông. Với họ Nguyễn, thi ca không nhất thiết phải mặc, khoác vai trò mở đường hay, nhiệm vụ khai phá một thử nghiệm nào!

Bài thơ được trích dẫn dưới đây của Nguyễn Sỹ Tế, tuy có nhiều so sánh hay liên tưởng mới mẻ, nhưng tới khi ra khỏi bài thơ, nó cũng không hề mang vác một “thông điệp” lớn lao, quan trọng nào ở phần nội dung. Đó là bài “Trời Xanh Con Chim Nhỏ,” đăng trong Sáng Tạo, số 6 Tháng Ba năm 1957,  đề tặng các con ông:

“Một con chim nhỏ lạc vào hồn tôi
để lại trời xanh sau lũy mắt
lẻ loi nhà thi sĩ hôm nay
bước đi im lặng
hiện diện bằng nhiệm mầu
tiếng hót thoáng chìm đáy tim
nghe hương vương ngấn lệ
tôi khẽ động hàng mi
nó biến rồi 

“Hai con chim nhỏ đi về hồn tôi
khuân nửa trời xanh qua ngõ mắt
siêng năng người thợ ngày mai
chúng đẽo cái chi
chí cha chí chát
gió múa hoa bay xuân giục giã
chúng kéo cái gì
hì hà hì hục
lôi trái tim lên xây giếng óc
lấy tóc dệt võng
lấy mây vàng nệm gối
dựng liễu xanh làm rèm
nghe nắng mưa khuất nẻo
tôi khép cửa hàng mi
chúng dựng đời 

“Triệu con chim nhỏ bay vào hồn tôi
mang trọn trời xanh qua cửa mắt
yên hàn xã hội ngày kia
ân tình thơm gió
thương nhau bằng thuần cảm
sum vầy thành giếng trái tim
nghe thời gian ngưng đọng
tôi khép kín hàng mi
chúng ngủ rồi.”
(Nđd)

Bài thơ được họ Nguyễn viết từ đầu năm 1957, nhưng tới hôm nay, những câu như “trời xanh sau lũy mắt”; hoặc: “Lôi trái tim lên xây giếng óc/lấy tóc dệt võng/lấy mây vàng nệm gối / nghe nắng mưa khuất nẻo / tôi khép cửa hàng mi…” theo tôi, chúng vẫn mới, dù người đọc có thể không chia sẻ, đồng cảm.

Và, rốt ráo của toàn thể bài thơ, như đã nói, vẫn không nhằm mục đích chứng minh hay, thuyết phục một điều gì, ngoài việc nó là thơ, là chính nó. Vậy thôi.

Sau nhiều năm tháng tù đày, năm 1992, họ Nguyễn chọn định cư tại miền Nam California. Hai năm sau, 1994, ông cho xuất bản thi phẩm “Khúc Hát Gia Trung.” (4)

Trước khi chuyển dịch thi phẩm “Khúc Hát Gia Trung” của nhà văn Nguyễn Sỹ Tế sang Anh ngữ, nhà phê bình văn học Đinh Từ Bích Thủy trong bài viết tựa đề “Hương thái cổ, cánh chim trời: Đọc và dịch thơ Nguyễn Sỹ Tế,” đã ghi nhận rằng:

“Tập thơ Khúc Hát Gia Trung: Thơ Hồi Niệm của Một Tội Đồ (NXB lmn: 1994), ghi lại những cảm nghĩ của nhà thơ trong 10 năm đi tù. Sau một năm bị giam giữ tại sở An Ninh Nội Chính Sài Gòn, vào năm 1977, chính quyền Cộng Sản tải ông đến trại tù Gia Trung, Pleiku (Gia Trung được phiên âm từ chữ Ya-Zung, trong ngôn ngữ Thượng có nghĩa là ‘nơi có suối’). Vào Tháng Giêng năm 1985, Nguyễn Sỹ Tế bị chuyển đến trại tù Hàm Tân (Long Khánh), nơi ông nhận xét ‘còn nổi tiếng hơn Gia Trung về mặt khai thác sức lao động của người tù để kinh doanh kiếm lời rất mau và rất lớn..’ Ông bị giam ở đây đến tháng 10 năm 1987 thì được trả tự do…”

Cũng trong bài viết vừa kể, họ Đinh đã ghi lại quan điểm về thi ca của nhà văn Nguyễn Sỹ Tế, không giống các nhà thơ khác trong nhóm Sáng Tạo, ông nói:

“Cả hai Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên đều chủ quan và hiền lành. Các anh đã gán cho thi ca những cứu cánh quá cao xa và hướng vào một thứ thẩm mỹ còn ‘cổ điển.’ Tôi thấy thi ca chỉ là một hiện tượng cá nhân, trong đó những yếu tố trí tuệ, tâm lý, sinh lý của nhà thơ và người đọc thơ bị khuấy động. Tôi nghiêng về một thứ thẩm mỹ của sự chênh vênh, của sự mất cân đối, một thứ thẩm mỹ của sự va chạm.” (Nđd)

Cụ thể, nhà phê bình văn học Đinh Từ Bích Thủy nêu đích danh 4 bài trích dịch từ “Khúc Hát Gia Trung” là: , “Áo Xanh,” “Không Xuân,” “Cái Chết của Một Con Sáo,” “Nhớ Biển” và kết luận rằng, chúng đã biểu lộ điều mà Nguyễn Sỹ Tế định nghĩa là “thứ thẩm mỹ của sự va chạm.”

“Đây là những bài thơ giản dị, u uẩn, đượm ‘hương thái cổ’ dập dình giữa hiện thực và trừu tượng, và đồng thời, như những ‘cánh chim trời,’ cũng hàm súc những tư tưởng, tình cảm phổ quát, mà khi được dịch sang Anh ngữ vẫn tạo được sự gần gũi với độc giả ngoại quốc (…).

“Áo Xanh
(Tặng Thanh Tâm Tuyền)

Anh ngồi trong nắng thủy tinh
Ôm sầu dã thú nép mình cô đơn
Thời gian lả tả vàng son
Dậu thưa hiện thực lối mòn suy tư.
Âm ba chuyển độ bao giờ
Suối nghe tưởng tiếng trẻ thơ nô đùa.
Xuân, Thu, Nhã Điển mấy mùa
Mùi hương thái cổ gió lùa rừng phong.
Ven đồi mấy nấm vùi nông
Nỗi hờn siêu thực một dòng vây quanh
.” (Nđd)

Tôi nhớ khoảng giữa năm 1996, trong một họp mặt buổi tối, tại tư gia của nhà thơ, nhà báo Y Dịch/Lê Đình Điểu (5) ở quận hạt Orange County; gồm có nhà văn Nguyễn Sỹ Tế, Mai Thảo (6) và tôi, thi phẩm “Khúc Hát Gia Trung” của họ Nguyễn đã được nhắc tới, với nhiều câu hỏi…

Trả lời câu hỏi của nhà báo Lê Đình Điểu về cách lưu giữ những bài thơ viết trong tù của mình, tác giả “Khúc Hát Gia Trung” cho biết, đại ý: Cũng như tất cả những người làm thơ khác, bị giam nhốt trong trại cải tạo, dù chuyên hay không thì, cũng chỉ có một cách ghi nhớ là “chép” chúng trong… óc mà thôi. Ông nhấn mạnh rằng, ngay trong lời “Nói Đầu” mở vào tập thơ, để lưu giữ được những bài thơ làm trong thinh lặng, ông bó buộc phải trở lại với các hình thức thơ cũ hiền lành và, dung dị hơn, chỉ vì một lẽ đơn giản là sự đòi hỏi của ký ức! Nó cần phải dễ bề thuộc lòng, dễ bề bảo tồn và, hồi tưởng… Mặc dù kể từ năm 1954, khi di cư vào miền Nam, ông đã chủ trương từ bỏ việc sáng tác những bài thơ theo quy luật cũ, kể cả thơ mới ông có tự buổi thiếu thời; Để chuyển qua thơ tự do khi tham gia phong trào này ở miền Nam sau 1954, qua tạp chí Sáng Tạo. (7)

Theo ông, công việc làm thơ trong tù là một phương tiện giải thoát tự nhiên như bản năng sinh tồn… Ông  đã tạo cho mình hình thức làm thơ thầm trong đầu, lẩm nhẩm đọc trên đầu ngón tay trong đêm tối, học thuộc lòng chúng…

Ông nói:
“Ngay lúc đó đã cả là một cuộc chiến đấu khó khăn vì, trí nhớ đã bị suy thoái theo tháng năm và trong cảnh rù đầy, bị dập vùi…”

Ông kể thêm:
“Một lần ở Hàm Tân, tôi đã liều lĩnh viết thơ ra giấy, xếp thành tập. Nhưng rồi vì một biến động trong trại, tôi phải hủy bỏ tác phẩm của mình. Về Saigon, tôi tái lập những thi phẩm của tôi một lần nữa, đưa cho Thanh Tâm Tuyền đọc. Năm 1989, trong chiến dịch ‘tái đánh văn nghệ sĩ,’ tôi lại buộc lòng phải hủy bỏ chúng thứ hai!”

Qua phần tự thuật của ông, tôi hỏi tác giả “Khúc Hát Gia Trung” rằng: Ngoài bản năng sinh tồn, chúng ta có thể nói, những người làm thơ trong tù, còn có chiếc “phao cứu sinh” thứ hai là hy vọng sống sót, trở về, để chờ cơ hội phổ biến những bài thơ được ghi nhớ bằng ký ức?
Họ Nguyễn đáp:

“Nhiều phần là như vậy. Hy vọng luôn là chỗ vịn lớn nhất cho mỗi con người khi phải đương đầu với đường cùng, tuyệt vọng! Bởi thế, ta đừng ngạc nhiên khi có nhiều cựu tù cải tạo, tuy làm thơ không chuyên, nhưng cũng đã cho ra đời những tập thơ rất hiện thực…”

(Du Tử Lê)
(Tháng Hai, 2018)

*
Chú thích:
(4) Trại tù Gia Trung thuộc địa bàn tỉnh Gia Lai (Pleiku). Trong quá khứ là nơi từng giam giữ hàng ngàn sĩ quan, công chức cao cấp của chính quyền VNCH, sau biến cố Tháng Tư, 1975. Đây cũng là nơi nhốt tù nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi của miền Nam… Sống lại giai đoạn đó, nhà văn Doãn Quốc Sỹ Doãn viết: “…Nhớ lại kỷ niệm với anh Nguyễn Sỹ Tế, khi Cộng Sản chiếm nốt miền Nam, chúng tôi cùng bị đi tù chung và cùng bị đày lên tận miền Gia Trung thuộc núi rừng cao nguyên Pleiku, Kontum. Vùng này sở dĩ mang tên Gia Trung vì có dòng suối YA YUNG chảy qua. Tiếng địa phương là Ya Yung được chuyển sang tiếng Việt là Gia Trung!…” (Nđd)
(5) Nhà thơ, nhà báo Y Dịch/Lê Đình Điểu sinh năm 1939, ở ngoại thành Hà Nội. Ông mất năm 1999 tại miền Nam California.
(6) Nhà văn Mai Thảo sinh năm 1927 tại Nam Định, mất năm 1998 tại thành phố Westminster, Nam California.
(7) Nhà văn Nguyễn Sỹ Tế, sinh năm 1922 tại Nam Định, mất ngày 16 Tháng Mười Một năm 2005, tại Hoa Kỳ.

-------------------------

QUẬN CAM, California (VB) -- Nhà văn Nguyễn Sỹ Tế đã ra đi tại Quận Cam, hưởng thọ 83 tuổi. Đây là một mất mát lớn cho giới cầm bút hải ngoại.
Gia đình cho biết Giáo Sư Nguyễn Sỹ Tế, pháp danh Quảng Thế, đã từ trần vào lúc 12:10 trưa thứ tư, ngày 16 tháng 11 năm 2005, tại bệnh viện Coastal Communities Hospital, Santa Ana, CA 92704.
Giaó sư hưởng thọ 83 tuổi.







No comments:

Post a Comment

View My Stats