Cũng
tháng hai này sáu năm trước, tôi viết bài về Việt Khang ở Taj Hotel, Chennai, Ấn
Độ vào buổi chiều sau ngày dài làm việc.
Một
đồng nghiệp Mỹ chơi đàn piano còn tôi ngồi viết ở bàn bên cạnh. Trong lòng cảm
thấy rất buồn và thương Việt Khang vô cùng. Thời gian đó em mới vào tù.
Chúng
tôi không biết nhau và cũng không cùng thế hệ nhưng có một ước vọng, một mục
đích giống nhau. Chúng tôi đi tìm kiếm một quê hương đích thực cho dân tộc Việt
Nam. Và như tôi viết trong bài hôm đó, quê hương chúng tôi đang tìm kiếm, không
chỉ là núi đồi, sông biển, ruộng vườn, cây trái mà là một quê hương có khối óc
tự do, có tâm hồn nhân bản, có trái tim dân chủ, có đôi chân tiến về phía trước
và đôi tay kiến tạo một xã hội thanh bình thịnh vượng cho mãi mãi Việt Nam.
Tôi
nghĩ về em trên suốt chuyến bay trở lại Mỹ hôm sau. Thầm ước một ngày em sẽ được
tự do.
Hôm
nay, sáu năm sau, cũng buổi chiều tháng hai, ngồi đọc tin em đến Mỹ. Tôi rất mừng
cho em. Mơ ước của nhiều người một ngày nghe em hát chắc sẽ trở thành sự thật.
Em
có quyền được sống trong tự do, được hát trong tự do. Em tranh đấu không phải để
được đi ra nước ngoài mà tranh đấu cho quê hương không còn bóng giặc giặc Tàu
ngang tàng đi lại.
Khi
không còn có thể đóng góp theo ý nguyện của mình, em buộc phải ra đi.
Chúc
mừng em.
Nhưng
xin đừng quên, một người đi ra về hướng ánh sáng tự do thì ít nhất có hàng chục
người đi vô nhà giam CS đầy bóng tối.
Từ
đâu năm 2017 tới nay, đối với các phong trào dân chủ còn rất non trẻ tại Việt
Nam là thời gian chịu đựng khủng bố đỏ. Nhiều phong trào xã hội chỉ mới hình
thành đã bị tiêu diệt. Hàng trăm người bị bắt vào tù, trong số có nhiều người
đã bị tù hơn một lần.
Khi
đặt nặng việc theo đuổi các mục tiêu kinh tế, các cường quốc đã đặt nhẹ việc yểm
trợ cho các phong trào nhân quyền, dân chủ tại Việt Nam.
Vẫn
biết cuộc đấu tranh này là của người Việt Nam, vận động quốc tế bao giờ cũng cần
thiết. Hai năm qua, một khoảng trống lớn trong lãnh vực này.
Con
đường còn rất xa và nhiều đoạn đường, như hôm nay, khá vắng.
Trách
nhiệm của những người Việt quan tâm đến các phong trào dân chủ, từ đó, không chỉ
mừng vui cho kẻ ra đi mà quan tâm hơn cho những người còn đang ở lại, nhất là ở
lại trong tù.
Trần Trung Đạo
No comments:
Post a Comment