Sunday 11 February 2018

MÊNH MÔNG THẾ SỰ ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI SỐ 32 : HẾT KHÔN DỒN ĐẾN DẠI (Tương Lai)




Tương Lai
11/02/2018

Năm hết Tết đến mà cứ đổ đốn phơi ra những chuyện dại dột để cho người ta chửi! Trước đây thời mồ ma phong kiến thực dân đã từng có bài chửi mất gà chua ngoa hết cỡ mà lại có vần   vè hẳn hoi, hãy chỉ trích một đoạn: “… dưới âm phủ đội mũ mà lên, trên thiên đàng xếp hàng mà đi xuống, bay hãy vén mái tai, gài mái tóc đặng chống tai lên cho rõ, chống cửa ngõ cho cao, chặt hàng rào cho thấp để mà nghe tau chửi đây nè…”. Chỉ ăn cắp mấy con gà thôi “bay ăn mần răng mà hết chục rưỡi con gà?” mà đã phải nghe dân gian chửi trùm chửi lớp như vậy huống hồ “ăn của dân không chừa một thứ gì” mà bà cựu Chủ tịch nước buột miệng nói ra, thì không hiểu bài chửi mất gà nói trên phải biến tấu sao cho kịp với quy mô, quy trình của “ăn cắp quyền lực” của dân để tác oai tác quái! Cái việc bấn quá mất khôn hay tham quá hóa dại hoặc do thiểu năng về trí tuệ không tính được chuyện “khôn” chỉ dồn toàn chuyện “dại” vào thời buổi “thiên hạ xác rồi còn đốt pháo, nhân tình trắng thế lại bôi vôi” [Tú Xương] khiến bàn dân thiên hạ nổi cơn thịnh nộ.

Mà thật ra đã mất lòng dân thì nếu khôn cũng chỉ là khôn vặt với những thủ thuật, giải pháp của những tiểu nhân đắc chí trong những toan tính đen tối mà Nguyễn Trãi xưa kia từng chỉ ra miệng lưỡi chúng “nhọn hơn chông mác nhọn”, “đã biết cửa quyền nhiều hiểm hóc, cho hay đường lợi cực quanh co”. Cái khôn độc của một lũ quyền thần kéo bè kết cánh dìm chết người ngay, loại bỏ người tài. Ở đấy khái niệm “khôn” chẳng phải là sự khuyên răn giàu chất triết lý của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm “Ở đời có dại mới có khôn, Chớ dại ngu si, chớ quá khôn”! Thâm thúy hơn cả là sự thẳng thừng của dân gian bình về chuyện “dại-khôn” này trong câu ngạn ngữ quen thuộc “người dại cởi truồng, người khôn xấu mặt”. Đối tượng nhận lĩnh búa rìu của dư luận xã hội chính là những kẻ tự xưng là “cầm cân nảy mực” đã tự phơi bày sự liều lĩnh trong việc đưa ra những chủ trương, chính sách, giải pháp rối như mớ bòng bong, luẩn quẩn như gà mắc tóc.

Thì đó, sự “xấu mặt” trước thế giới văn minh bằng thủ đoạn bắt cóc người sau khi thương lượng, van xin không được thì ăn cướp để rồi “Việt Nam đang làm hỏng danh tiếng của mình” vì đã “lập lờ với sự thật” và “bội ước” mà Carl Thayer, người rất am hiểu về Việt Nam đã phải thẳng thắn vạch ra! Chắc là kẻ bày trò bắt cóc nghĩ rằng rồi thì “lời nói gió bay” thôi, cứ dấn lên đi “hy sinh đối ngoại vì mục tiêu đối nội” bằng mọi cách hạ gục đối thủ chính trị mà thiên triều không ưa! Chuyện này ê chệ quá lắm rồi tưởng cũng chẳng phải nói thêm, hệ lụy vẫn đang còn chờ phía trước. Nhất là khi bốc đồng lên mà nói giọng xách mé một cách thiếu khôn ngoan mang tính khiêu khích “tin là các nước văn minh không phải là nơi cư ngụ của tội phạm”!

Cũng chẳng cần phải nói thêm chuyện đáng xấu mặt vì đã dẫm đạp lên hiến pháp bởi Quy định 105, rồi dày xéo lên điều lệ đảng bằng Quy định số 102 tự phơi ra trước thế giới việc “khai trừ” thành quả mà văn minh nhân loại đã có được với nguyên lý tam quyền phân lập do các nhà khai sáng đưa ra nhằm chống lại chế độ chuyên chế, thanh toán nạn lạm quyền, để chính quyền không thể gây hại cho người bị trị và đảm bảo quyền tự do cho nhân dân! Đúng là có 1 không [0] 2! Đây chính là sự lột truồng cái thể chế chuyên chế toàn trị phản dân chủ được sao chép từ “chủ nghĩa chuyên chế mới” (neo-authoritarianism) của Tập Cận Bình, đúng hơn từ nhà “lý luận” Vương Hộ Ninh từng là quân sư của cả ba triều đại Giang, Hồ rồi nay là Tập đang chính thức được xem là cốt lõi của tư tưởng Tập Cận Bình.

Theo Ryan Mitchel [trong “China’s Crown Theorist”, Foreign Affairs, 04/12/2017] thì ngay khi sử dụng chủ nghĩa Marx, Vương cũng chỉ thường xuyên tập trung vào việc biện minh cho sự ổn định quyền lực của đảng hơn là hướng tới một xã hội đại đồng không tưởng, cái mà về danh nghĩa quyền lực đó phải xây dựng được. Không một quan niệm trừu tượng nào, cho dù đó là tự do, công lý, bình đẳng, xã hội hài hòa, lòng nhân đức Khổng giáo, thậm chí cả chủ nghĩa duy vật biện chứng… được Vương quan tâm nhiều như là những dữ kiện trần trụi về quyền uy, sự tuân phục và trật tự. Có hiểu điều này mới thấy sâu được vì sao có cái “Quy định một không hai”  phải cấp tập ban ra để tự lột truồng cái thể chế học theo khuôn mẫu Tàu thời Tập. Đối chiếu chuyện này với quyết định hèn hạ cúi đầu vâng chịu ngừng việc khoan dầu đã ký với Epson Tây Ban Nha trước áp lực và sự uy hiếp của Trung Quốc qua chuyến “tuần thú” hăm dọa của Phạm Trường Long, phó bí thư quân ủy TƯ Trung Quôc, mới càng thấm thía cái “dại ngu si” đang dẫn tới thân phận chư hầu của họa “bắc thuộc lần thứ hai” từng được cảnh báo.

Quả thật chẳng có cái dại nào giống cái dại nào. Và cũng không phải là chuyện những “kẻ nên khôn đều có dại” như Tú Xương lưu ý. Mà cái dại vừa nói lại chính là cái dại mà cụ Trạng Trình đã cảnh cáo “chớ dại ngu si”. Cái dại này đang gây phẫn nộ trong công luận.
Chẳng thể kể hết những chuyện “dại ngu si” dồn dập phơi ra. Hãy tạm dẫn ra đôi chuyện đang làm “dậy sóng dư luận xã hội”: chuyện xây dựng nghĩa trang cho cán bộ cao cấp, chuyện tăng “đột biến” việc phong học hàm giáo sư, phó giáo sư “đợt vét” trước khi có “quy trình” mới, chuyện tầng tầng lớp lớp ăn theo U23 bóng đá tùy  thuộc vào cơn co giật của đám đông thậm chí cho rằng “thế nước đáng lên” để bốc đồng rằng “vận nước đã đến”, rồi chuyện kiến tạo tuyệt vời của lãnh đạo Thủ đô cho thả thiên nga xuống hồ Gươm đón Tết vào thời điểm “nhìn tổng thể thì đất nước chưa bao giờ được như thế này”!

Thật ra, “nghĩa tử là nghĩa tận”, người có hiểu biết chẳng muốn tham gia vào chuyện mồ mả với người chết, nhưng hiềm một nỗi, đây là làm “nghĩa trang cho cán bộ cao cấp” thì lại là chuyện chọc vào tổ ong bò vẽ. Sự mất lòng dân của cái thể chế đã ruỗng nát, tự phơi ra giữa thanh thiên bạch nhật sự thật xấu xa bấy lâu cố che cho kín. Thì nay trong cuộc thanh toán đối thủ chính trị xoay quanh cái ghế quyền lực đã phải tự lột truồng nhau ra là ngọn nguồn của việc “dậy sóng” chuyện xây nghĩa trang. Cho nên thật xúi quẩy cho cái gọi là “cán bộ cao cấp” mà hễ nhắc đến là gây liên tưởng đến cái việc “lột truồng” tủi hổ kia.
Chính điều đó tạo nên sự phản cảm cho dù người ta vẫn hiểu rằng không nên “vơ đũa cả nắm”. Người có chút nhạy bén chính trị phải thấy cho ra tâm trạng quần chúng đang chất chứa dồn nén cái gì, bực dọc cái gì, kinh tởm cái gì chỉ chờ dịp để bục phát ra, như thùng thuốc nổ được châm ngòi. Đâu chỉ hôm nay, lời phẩm bình của giáo sư Ngô Bảo Châu dạo nào “trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang, mà bỏ ra 1.400 tỷ để xây tượng đài thì hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh” đã là một cảnh báo mạnh dạn, thẳng thắn nhưng đã khó lọt tai nhà cầm quyền. Chính vì thế mà dư luận nổi đóa lên qua lời thơ của Thái Bá Tân văng thẳng vào mặt:

“…dân đang thiếu đói,
Trẻ đi học thiếu trường,
Người ốm thiếu bệnh viện,
Dân bản thiếu con đường,
Mà các ông, lãnh đạo,
Của giai cấp công nông,
Đòi xây nghĩa trang khủng.
Thì đờ mờ các ông.

Thôi, từ nay thôi nhé,
Thôi “vì nước, vì dân”,
Thôi cả chức “đầy tớ”
Nghe chối cả tỉ lần
”.

Chuyện mồ mả chưa yên thì lại nảy nòi ra cái trò ê chệ lạm phát học hàm giáo sư, phó giáo sư vừa được “Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước” công bố. Thật ra thì cái trò ê chệ này chẳng mới mẻ gì. Giá biểu của mỗi chức danh quy ra tiền để chạy, để đút, để “đấm mõm” những vị có giây mơ rễ má từ thấp đến cao trong chuyện phong học hàm này thì cơ quan thông tấn vỉa hè từ lâu đã từng cho biết khá tường tận. Số lượng tăng thêm chức danh giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ luôn tỷ lệ thuận với sự xuống cấp văn hóa, giáo dục, khoa học cùng với sự băng hoại của đạo lý xã hội.

Chỉ cần dẫn ra một chi tiết trong bức tranh tổng thể của chuyện phong tặng này nhằm đúng vào ông “Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước” cũng cho thấy sự ê chệ ấy là đáng xấu hổ ra sao: Tháng 10/2016, với tư cách Chủ tịch HĐCDGSNN, ông Nhạ ký công nhận mình đạt chuẩn giáo sư chuyên ngành kinh tế. Luật sư Trần Vũ Hải phân tích rất rõ ràng:

Nếu đối chiếu quy định của pháp luật, ông Nhạ không phải là giáo sư vào thời điểm tháng 7/2016, nên không đủ tiêu chuẩn thành viên HĐCDGSNN, không có quy định Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo đương nhiên là Chủ tịch HĐCDGSNN, chưa có quyết định của Thủ tướng Chính phủ (sửa đổi, bổ sung Quyết định 763/2014 QĐ-TTg) về việc bãi nhiệm ông Phạm Vũ Luận khỏi chức chủ tịch HĐCDGSNN khoá 2014-2019 và bổ nhiệm ông Phùng Xuân Nhạ vào chức vụ này. Như vậy việc ông Nhạ tự nhận chức chủ tịch HĐCDGSNN là trái pháp luật, HĐCDGSNN do ông Nhạ làm chủ tịch đang hoạt động trái luật, nội dung quyết định ông Nhạ ký công nhận ông Nhạ đạt chuẩn giáo sư là không hợp pháp”.  Chình vì vậy, vị luật sư này đưa ra khuyến nghị “nếu ông là người tự trọng (đức tính tất yếu của một nhà khoa học), ông nên từ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch HĐCDGSNN và từ bỏ chức danh giáo sư”!

Cũng chẳng cần phải dẫn ra thêm bộ trưởng nào khác nữa cũng đáng xấu hổ không kém hoặc đưa thêm một vài minh họa khá tiêu biểu cho câu chuyện ê chệ này vì liền ngay sau đó báo Tuổi Trẻ đưa tin: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát, bảo đảm chất lượng bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư! Cùng với tin này, Tuổi Trẻ giật tít đậm “Tránh bệnh háo danh” với tiểu mục “Chạy” bằng cấp, học vị, học hàm với nhận định “Nhưng bằng giả không đáng ngại so với “bằng thật học giả”. Gần đây dư luận công khai chuyện chạy bổ nhiệm, chạy bằng cấp, học học hàm học vị…chạy đua để thỏa mãn bệnh hiếu danh, để đánh bóng tên tuổi”.

Nếu đem so với thời Tú Xương “Đứa thì bán tước, đứa mua quan…Phen này ông quyết đi buôn lọng, vừa chửi vừa rao cũng đắt hàng” thì sự “phổ biến” có tính “đại trà” này phải nhân lên cấp số nhân! Rồi sự đòi hỏi mang tính bức xúc của lời chúc năm mới “sao được cho ra cái giống người” của ông Tú thành Nam càng tăng thêm tính cập nhật trong thời điểm “nhìn tổng quát lại đất nước ta có bao giờ được thế này không? Triển vọng phát triển còn tốt lắm… Có lẽ nhìn lại chưa bao giờ quê hương ta đẹp như thế này” như giáo sư tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Bắc Ninh ngày 13.1.2016 mà Vietnamnet đã đưa!

Chẳng thế mà rồi cả nước bốc đồng, lên cơn co giật trong chuyện sốt bóng đá do U 23 “làm nên lịch sử”. Người có chút mẫn cảm chính trị thì thay vì hùa theo cơn co giật bốc đồng đó, qua sự kiện của hàng vạn người chào đón đội U 23 Việt Nam, á quân của giải U 23 Châu Á trở về để   tìm cho ra cái gì tiềm ẩn, chất chứa bên trong sự bùng phát của sự cuồng nhiệt đáng trân trọng đó chứ không phải “quá giang”.

Đã quá lâu, lòng yêu nước và tinh thần quật khởi của người Việt Nam, đặc biệt là tuổi trẻ, bị dồn nén không được bộc lộ trước hành động xâm lược của Trung Quốc, bị méo mó vì sự lừa mị của nhà cầm quyền đang từng bước trở thành chư hầu che dấu trong tấm áo ý thức hệ, bị thui chột bởi sự trấn áp tàn bạo nhằm đảm bảo những cam kết “Thành Đô” nay có dịp được bung ra! Mà bung ra được vì người ta khai thác điều đó để làm loãng bớt đi sự ngột ngạt đang dồn ép môi trường xã hội tựa như không khi oi bức đang tích tụ trong sự vần vũ của những đám mây đen báo hiệu cơn bão. Có cái gì đó na ná giống như hiện tượng “chết đuối vớ được cọc”!

Thì chẳng phải trong buổi tiếp Việt Kiều về nước ăn Tết, ông Trọng khoái chí kể lại chuyện bóng đá của U 23 Việt Nam “đã tạo ra trong xã hội không khí hồ hởi rất là phấn khởi…mà chơi cũng ngang ngửa chứ có kém gì đời đâu, cho nên những chuyện nhỏ cộng hưởng lại, tất cả cái đó tạo ra cái niềm phấn khởi lan tỏa trong dân, trong đất nước ta”! Ông lại còn cẩn thận phán truyền “không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế” cứ như thể với cúp á quân của giải U 23 châu Á là đất nước đang phơi phới đi tới bởi sự lèo lái của ông ta!

Câu chuyện “ăn theo” bóng đá được khai thác quá lộ liễu. Thậm chí không chút liêm sỉ và quá trơ trẽn khi nâng lên thành “thế nước đang lên, vận nước đang tới” nhờ thủ môn Bùi Tiến Dũng đẩy được hai quá penalty và quả sút trong tuyết của tiền vệ Nguyễn Quang Hải! Nếu thế thì ở phút cuối cùng của hiệp phụ thứ hai khi chân sút của đội bạn vừa được đưa vào sân đã làm tung lưới đội nhà e cũng đồng nghĩa với thế nước lại đi xuống và vận nước đã đi tong! Thì chẳng phải là Đội tuyển Việt Nam được đón về Hà Nội bằng một chuyến chuyên cơ do VietJet tặng mà màn biểu diễn hở hang đến mức không thể hở thêm được nữa được các tiếp viên Vietjet tặng không trên máy bay khiến các cầu thủ xấu hổ ngoành mặt đi. Màn diễn lố bịch, trơ trẽn đến nỗi người ta không gọi là hãng Vietjet mà nhạy bén đổi ngay thành Vietsex.

Để tô đậm thêm nội dung, người đưa tin trên mạng đã có mấy câu thơ minh họa thay vì đăng hình ảnh. in được mạn phép tác giả chép ra đây:

Mở mạng ra xem bỗng cúi gầm
Hay mình lác mắt mới trông nhầm
Tày bay cứ tưởng nơi hoan lạc
Người mẫu mà ngờ gái mại dâm.
Sấn sổ quàng vai, em rụt lại
Sượng sùng ngoảnh mặt, chị đương tầm
Ngỡ như nhà thổ đang mùa ế
Bỏ chạy không đành phải nín câm.

Và rồi trên mạng đã có lời bình đáng cân nhắc để dẹp đi cơn co giật quá thô bỉ từ chuyện ăn theo bóng đá được dẫn dắt và khuyến khích từ nơi cao nhất: “…Trước khi tấn công một đất nước, không kẻ ngoại xâm nào nghiên cứu lòng ái quốc bóng đá và số lượng cờ trên má hay trên mông người hâm mộ ở đó. Ai hèn vẫn hèn. Ai ngu vẫn ngu. Ai lười vẫn lười. Ai đê tiện vẫn đê tiện. Ai ăn cắp vẫn ăn cắp. Ai vơ vét vẫn vơ vét. Ai thích nhậu nhẹt hơn rèn luyện thân thể vẫn nhậu nhẹt. Ai chém gió vẫn chém gió. Ai đạo đức giả vẫn đạo đức giả. Ai nuốt lời vẫn nuốt lời. Ai xấu trai vẫn xấu trai. Kẻ độc tài vẫn độc tài. Lòng người chia rẽ vẫn chia rẽ. Thực phẩm bẩn vẫn bẩn. Tham nhũng vẫn tham nhũng. Bệ rạc vẫn bệ rạc. Lầm than vẫn lầm than. Trái bóng tròn vô can. Phép màu chỉ diễn ra trên sân cỏ. 90 phút yêu nước vô hại là đủ và cần chấm dứt, khi trái bóng ngừng lăn”.

Chuyện bóng đá đã qua đi thì khốn khổ thay lại nối tiếp vào chuyện thiên nga! Nhà cầm quyền Thủ đô chắc là “người Miền Bắc, giỏi lý luận” hiểu biết nhiều nên định chơi sang, học đòi giới quý tộc Anh thả thiên nga vào Hồ Hoàn Kiếm. Vì nuôi thiên nga là đặc quyền của vua chúa và giới quý tộc. Đến London, du khách có thể thấy thiên nga đen và trắng bơi ngay hồ nước ở Công viên St James’s Park, trước lối vào Điện Buckingham. Nhưng có lẽ ít du khách biết thiên nga từng bơi tung tăng ở nhiều đoạn sông Thames thuộc độc quyền quản lý của Hoàng gia Anh. Nữ hoàng Elizabeth II, ngoài các tước hiệu như Nguyên thủ Khối Thịnh vượng chung; Tổng tư lệnh Quân lực Hoàng gia; Người Bảo trợ cho Tín ngưỡng Anh Giáo…còn có một tước hiệu là Bà chủ các đàn thiên nga (Seigneur of the Swans). Đây là tước hiệu cho vua và nữ hoàng Anh Quốc có từ thời Trung cổ, khi quyền sở hữu loài chim “quý phái nhất trong các loài”, là biểu tượng của địa vị cao. Nói ngắn gọn thì chỉ các vị quý tộc mới có quyền nuôi thiên nga, còn gọi là ‘Swan Upping’ và đàn thiên nga của họ có dấu đồng gắn ở chân. Để có các dấu đồng (marks), nhà giàu phải đóng thuế khá cao và đây là cách loại trừ tầng lớp dưới “chơi sang”.

Thì “chơi sang” chứ sợ gì nào, duyệt y kế hoạch thả thiên nga xuống hồ Gươm theo đúng quy trình! Thế rồi các con khiếu quen hót ở chốn cao sang để kiếm chác thêm chút đỉnh ngoài những chức danh đã chi chít phủ kín tấm “cạc vi dít” đã vội vã cười toe toét tung hô từ góc độ “khoa học” về loại động vật quý hiếm này. Nhưng đùng một cái, báo Lao Động ngày 6.2.2018 đưa tin: Ông Trần Nhữ Giáp – Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư công viên Vườn Chim Việt – đơn vị tặng 12 con thiên nga thả hồ Gươm vừa bị khởi tố về tội: “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”. Bài báo cho biết thêm: “Áp dụng các tình tiết giảm nhẹ khác, Toà án nhân dân huyện Thanh Trì tuyên bố xử phạt Trần Nhữ Giáp 60 triệu đồng. Liên quan tới việc thả thiên nga tại hồ Gươm, sáng ngày 6.2, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội xác nhận 12 con thiên nga được thả xuống hồ Gươm đã được bắt lên và chuyển sang hồ Thiền Quang”.

Lý do chuyển địa điểm thả thiên nga được vị lãnh đạo này cho biết là do một số nhà khoa học phản đối. Sau khi thả thiên nga xuống hồ Gươm, các nhà khoa học cho rằng nơi đây là chốn linh thiêng, gắn liền với truyền thuyết rùa vàng, thả con gì cũng phải nghiên cứu thận trọng. Vậy thì “thế nước” và “vận nước” ra sao đây khi xảy ra chuyện xúi quẩy này? Khi dẫn ra tin quá bất ngờ kia, bloger Z nọ đã chu đáo đưa ra phương án gợi ý với lãnh đạo Hà Nội chọn để thay thiên nga vừa phải tắp lự chuyển đi ngay trong đêm khuya khoắt như sau:  Các phương án để lãnh đạo tp Hà Nội chọn lựa để “thả” vào Hồ Gươm:

Ảnh biếm họa của họa sĩ LAP

Để kết thúc câu chuyện hết khôn dồn ra dại này xin có đoạn “vĩ thanh” dẫn ra những lời thâm thúy trong một ngâm khúc của cụ Nguyễn Gia Thiều có liên quan đến hình ảnh và ngôn từ với đôi sự kiện đương đại. Nhà thơ ôm mối ngu trung, nặng nợ với triều đại Lê-Trịnh vì đã được thụ hưởng ân huệ suốt cả cuộc đời nằm trọn trong giai đoạn rối ren nhất của nước ta và cuối cùng là sự sụp đổ tất yếu của cái triều đại mà tác giả của kiệt tác được trích dẫn đã tôn thờ.

Đôi câu thơ tạo ra sự liên tưởng oái oăm mà tưởng như năm chó sắp đến với bức tranh “vân cẩu” không mấy sáng sủa khiến tâm trạng ai đó bị giằng xé bởi “cuộc thành bại hầu cằn mái tóc” mà mơ đến sự đổi thay “lớp cùng thông như đúc buồng gan”. Ngán một nỗi, “trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán, chết đuối người trên cạn mà chơi”. Cái viễn ảnh hiện ra trước mắt lại ứng vào việc ông Trọng đang dồn tâm sức “Lò cừ nung nấu sự đời, Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương”! Chắc ông không biết được rằng, chính cái lò ông nhóm lên để đốt được cả củi tươi ấy có gốc gác với “lò cừ nung nấu sự đời” mà theo tiếng Tầu thì “lò cừ” có nghĩa là cái lò to lớn dịch từ chữ “cự lô”. Trong bài phú của Giả Nghị có câu “Thiên địa vi lô hề, tạo hóa vi công” có nghĩa là “Trời đất như một cái lò, ông trời như người thợ đốt lò”!

Con người ở trong đời này bị nén trong lò tạo hóa đó, tùy theo người thợ trời nung nấu,  nói theo ngôn từ biện chứng ông sính dùng, thì đó là quy luật vận động của vũ trụ. Ông muốn làm ông trời để ban phát quyền sinh quyền sát đâu có được. Cái bức tranh “vân cẩu” ứng vào năm Mậu Tuất e không được thuận cho ông. Liệu rồi “đất bằng bỗng rắc chông gai, ai đem nhân ảnh nhuốm mùi tà dương”, bóng người mờ dần theo bóng mặt trời sắp tắt của buổi mạt triều có khiến cho người nuôi mộng làm vua với bao mưu ma chước quỷ được truyền dạy từ các thày Tàu có dẫn đến kết cục “bừng con mắt dậy thấy mình tay không” không nhỉ?

Cho nên buộc phải có ngay “chủ trương đặc biệt mở đường xử đại án” sau cái Tết Mậu Tuất này. Theo ông Chánh án Tòa án tối cao vừa công bố thì các phiên xử này sẽ tiến hành “dưới sự chỉ đạo rất quyết liệt của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng”. Vậy là rồi đây các “bản án bỏ túi”, theo cách gọi dân gian, sẽ dồn dập tung ra thì “bức tranh vân cẩu” không chỉ “vẽ người tang thương” mà còn “phong trần đến cả sơn khê, tang thương đến cả hoa kia cỏ này”! Vậy thì, “được lòng dân là được tất cả, mất lòng dân là mất tất cả” như ông Trọng với cơn cuồng nhiệt bóng đá đã thốt ra trong buổi tiếp Việt Kiều vừa rồi, một câu khá nhất trong những câu mà ông đã xuất thần nói ra, thì với những gì ông đang làm đã khiến lòng dân đang mất sạch. Mất sạch ra sao, xin hãy nghe lời nói đanh thép của bà Cấn Thị Thêu trước bà con Dương Nội vào sáng hôm nay 11.8.2017, ngày bà rời khỏi nhà tù, để hiểu về lòng dân mà ông Tổng Bí thư vừa nói:

Hôm nay, tôi đã thoát khỏi ngục tù cộng sản, ra khỏi nhà tù nhỏ, trở về nhà tù lớn, nơi mà có hàng triệu bà con dân oan đang ngày đêm phải rên xiết dưới ách thống trị của đảng cộng sản Việt Nam…… Phải cho chúng từ quan làm dân, để cho chúng không còn có cơ hội cướp bóc, đàn áp, đánh đập nhân dân. Phải bắt chúng chịu trách nhiệm về tất cả những tội ác mà chúng đã gây ra cho nhân dân chúng tôi. … Phải cho chúng tận mắt chứng kiến, nỗi đau tột cùng của những gia đình có người thân bị chúng đánh chết hoặc bị thương tích đầy người hoặc hoặc bị tù tội oan sai, để cho chúng biết rằng tội ác của chúng là không thể dung tha. Mong toàn thể bà con dân oan, hãy đoàn kết muôn người như một, để chúng ta có đủ sức mạnh đấu tranh, chống lại bọn quan tham cường hào ác bá…”.

Lời răn của Mạnh tử: “ý dân là ý trời” được thể hiện sống động trong giọng nói dõng dạc, trong nét mặt bình thản và bất khuất của người phụ nữ nông dân vừa ra khỏi nhà tù thì quả là “trời có mắt”! Nói về dân thì chắc ông Trọng khó nghe, tuy vậy “cái gương nhân sự chiền chiền” khiến ông không thể không lưu ý rằng, chính Tập Cận Bình trong ngày 20.7.2017 tại một hội nghị công tác chính trị, pháp luật của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cảnh báo:

Đừng thấy anh hôm nay thoải mái vui vẻ, cẩn thận sau này phải thanh toán… Trên đầu ba thước có thần minh, nhất định phải có lòng kính sợ”. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà nhà độc tài theo “chủ nghĩa chuyên chế mới” dành toàn bộ tâm trí thực thi quyền uy, sự tuân phục và trật tự như đã phân tích ở trên đã phải thốt ra điều này.

Cái “dại ngu si” dù ăn sâu bám rễ vào đầu óc chặc cũng giật mình để “nhất định phải có lòng kính sợ” ý chí và sức mạnh của dân. Có được điều đó thì may ra mới nên khôn nhờ biết dại, để “nhờ biết dại mới nên khôn”!
_____

Mời đọc lại: 








No comments:

Post a Comment

View My Stats