Sunday 11 February 2018

CẨU SỰ : TUẤT hay CHÓ (Nguyễn Thị Cỏ May)




09/02/2018  08:55:00

Năm dương lịch 2018 nhằm năm Tuất theo Âm lịch . Phần lớn người Việt nam quen gọi năm con Chó . Người Pháp cũng gọi năm con Chó – L’Année du Chien . Nhưng «Tuất» phải có nghĩa là « Chó » hay không ?

Theo nhà Việt học Nguyễn Cung Thông, thì «Tuất / Chó » là biểu tượng chỉ năm thứ 11 trong 12 con Giáp theo Âm lịch . Ông nói rỏ thêm « Các dữ kiện ngôn ngữ, đặc biệt khi xem lại các từ Hán cổ liên hệ, đều cho thấy nguồn gốc phi-Hán (không phải của Tàu) như nhiều người đã lầm tưởng từ Đông sang Tây và qua bao ngàn năm nay » .
Các hình khắc/vẽ của chữ Tuất cho thấy hình cây kích (bộ qua  là cái mác). Các dữ kiện ngữ âm trên cho ta một kết luận là Tuất không có liên hệ gì đến loài chó trong tiếng Hán, phản ánh qua các cách gọi khuyển , cẩu , hiêu/kiêu , hiểm  … So sánh các quá trình hình thành các chữ khuyển (tượng hình, hình loài thú như chó) và cẩu (cũng thuộc bộ khuyển) – xem hình bên dưới. Nếu chữ Tuất có nguồn gốc tượng hình (loài chó như chữ khuyển) thì khó mà đặt vấn đề về nguồn gốc phi-Hán của tên 12 con giáp.

                  Tóm lại, Tuất trong cách gọi năm Tuất (12 con giáp) không có liên hệ nào tới loài chó hay cách gọi chó trong tiếng Hán như khuyển, cẩu, sử/sứ, li, lang, ngao, ngan … Tên gọi Tuất (qua một dạng âm cổ phục nguyên *swot đề nghị trong bài này) liên hệ đến chó có khả năng đến từ phương Nam, như từ ngữ hệ Mon-Khme mà tiếng Việt cổ là một thành viên quan trọng. …(Nguyễn Cung Thông, Tuất, internet)

Cũng nói về chữ Tuất/Chó, Giáo sư Hán nôm Đại học Văn Khoa Sài gòn Nguyễn văn Sâm cắt nghĩa rất đơn giản, chắc dễ được nhiều người chia sẻ hơn . Theo ông, thì « người xưa đặt ra 12 cửa, mỗi cửa đặt ra cái tên gì đó cho dễ nhớ thôi để chỉ 12 chi trong lịch Tàu. Từ cái tên khó nhớ Tý, Sửu, Dần.... Người xưa, đặt thêm các con vật vô đó cho người bình dân dễ nhớ .
Ông không cho rằng Tý, Sửu, Dần, Mẹo... là tiếng Việt xưa chỉ Chuột, Trâu, Cọp, Mèo bị biến thể .
Ông nhắc lại đề 36 con ở Sài gòn ngày xưa, tức «Đề Cổ Nhơn ». Mỗi con số họ cho ứng với 1 con vật và ứng với một nhân vật của Tàu . Người Việt nam bỏ qua nhân vật Tàu mà chỉ nhớ con vật thôi . Từ đó mới có số 2 là con ốc, số 31 là con tôm (ai còn nhớ 2 con vật này ngầm chỉ cái, con gì liên hệ tới con người ?), và số 35 là con dê...
Chuyện nầy cũng giống như chuyện thời VNCH, các ứng cử viên Dân biểu đều kèm theo tên của mình một cái hình biểu tượng. Điều đó không có nghĩa cái tên = cái hình, là nghĩa của cái hình...
Tóm lại «Tuất» hoàn toàn không có nghĩa là chó. Nó là tên chỉ một CHI, cửa thứ 11 trong thập nhị chi của lịch Tàu mà thôi» .

Quan điểm về chó
Chó là con vật có nhiều tên hơn Mèo tuy cả hai đều sống thân cận với gia chủ. Tên ở đây không phải là tên gọi do gia chủ đặt riêng cho nó mà đó là những cách gọi khác nhau chủ yếu chỉ nhằm tránh phải gọi “chó”. Người cựu học thâm nho thì gọi “mộc tồn” vừa cho có chữ nghĩa thánh hiền, vừa biểu lộ tính “cao quí” của một tầng lớp sinh vật. Phái tân học gọi “cầy tơ” chủ về nền văn minh phi vật thể ẩm thực của nhơn loại. Kẻ chủ trương hưởng lạc theo trường phái triết gia Épicure (Hy-lạp ở Athènes trước công nguyên) không ngần ngại quả quyết đó là “sống trên đời”. Đến thời kháng chiến chống pháp, Việt minh cộng sản lập thành tích “hạ cờ tây” để chào mừng bác đảng ! Nhơn dân đồng bằng xứ Nam kỳ nói một cách đơn giản, nhưng rất gần gủi vừa phảng phất mùi «quốc lủi» (rượu đế) “Nai đồng quê”.
Cách gọi đã khác nhau thì khi đi vào thực tiển, chó cũng cho loài người nhiều món nổi tiếng khác nhau. Chó có tiếng sủa vang. Loài người khi luận về chó cũng lắm ý kiến, quan điểm khác nhau, chống đối nhau ỏm tỏi.

Người phương Tây yêu quí chó vì chó là người bạn trung thành, thông minh, luôn được nhắc tới với ngụ ý tốt. Nhưng chó, theo quan niệm phương Đông hay Việt Nam nói riêng, không phải trường hợp nào cũng gợi tới điều hay, ý tốt. Điều đó được thể hiện khá rõ trong kho tàng tục ngữ, ca dao. Bên cạnh những thành ngữ ca ngợi đức tính trung thành của con chó như “ nhứt khuyển nhì mã ” thì cũng có những thành ngữ, tục ngữ với hình ảnh con chó hàm ý không tốt đẹp như “chó dại cắn quàng” hay “giởn chó, chó liếm mặt”. Nếu nói rằng người Việt ta ai cũng yêu mến, quý trọng chó thì không hẳn đúng. Đến như người Mỹ, Pháp, Anh, Đức, …có tiếng là thương chó “Gia đình thường gồm có vợ chồng và con chó” mà vào mùa hè họ vẫn đem chó vứt bỏ ngoài đường để đi nghỉ hè. Hết hè, trở về lại tìm mua chó nuôi nữa.

Yêu chó, quý chó hay ghét chó, khinh chó. Đó là quan điểm riêng của mỗi người. Nói ai đúng, ai sai, đều là cách phản ứng chủ quan, nặng tinh thần phe cánh. Tranh cải nhau lại càng vô lý, vô duyên.

“Cẩu sự” là vậy. Còn “cẩu nhục” thì sao? Thịt chó đơn giản chỉ là một món ăn !
Trên thực tế sẽ không đơn gìản như vậy. Những người yêu chó, quý chó thì không nở ăn thịt chó. Chứ không vì minh là người văn minh, đầy tính nhân bản . Còn người thích ăn thịt chó, thì bảo vệ quan điểm “sống trên đời không ăn thịt chó, mai kia xuống âm phủ, biết có hay không?”

Thịt cầy, lịch sử và đạo lý
Làm món thịt cầy (La cynophagie) là một bộ môn thuộc nghệ thuật làm bếp và văn hóa ẩm thực có từ xa xưa của nhiều xứ á châu như Việt nam, Tàu, Triều tiên, …và Phi châu. Riêng ở Nam dương, dân công giáo hưởng ứng nền văn minh ẩm thực này. Phần còn lại, đại đa số là dân hồi giáo thì kiên cử như kiên cử thịt heo.

Nhiều nước Âu châu phản đối ăn thịt cầy vừa bày tỏ sự ghê tởm. Vào cuối thế kỷ XX, luật pháp còn ngăn cấm nghiêm ngặt việc giết cầy làm thịt. Nhiều Hội bảo vệ thú vật ra đời. Ở Pháp có nữ minh tinh Brigitte Bardot làm Hội trưởng APA (Association de la Protection des Animaux) hoạt động tích cực. Bà di chuyển bằng phi cơ. Tới kỳ bầu cử Tổng thống, bà ủng hộ ai, người đó sẽ có nhiều may mắn đắc cử.

Nhưng ăn thịt cầy lại rất phổ biến vào thời cổ đại la-mã và ờ vài nơi khác. Thịt cầy hầu như chưa bao giờ thật sự vắng bóng ở Âu châu. Vào đầu thế kỷ qua, người ta còn thấy vài tiệm thịt cầy ở Pháp. Ở cuối thế kỷ XIX, ở Paris đầy rẩy tiệm thịt cầy. Và chợ bán chó họp chợ ngay trên đường Saint Honoré, một đường phố sang trọng ngày nay.

Người ta không ăn thịt cầy từ khi những con vật được phân loại “thú rừng”, “thú nhà” như heo, gà, vịt, … và “thú thân cận” như chó, mèo, …Tuy nhiên việc ăn thịt cầy dường như ngày nay vẫn còn duy trì trong chốn riêng tư. Như ở vài vùng quê hẻo lành ở Thụy sĩ. Trái lại, thịt cầy lại được ưu đải ở Tàu, Triều tiên, Việt nam. Ở Tàu, mỗi ngày có hơn 30 000 con chó bị làm thịt và mỗi năm có tới hơn 10 triệu con tẩm bổ cho các chú Ba Tàu khá giả. Ở đây có cả trại chăn nuôi chó thịt. Riêng ở Hồng kông thịt chó bị cấm. Vì ảnh hưởng nền văn minh anh quốc?

Vài tôn giáo ở Á châu như bà-la-môn, hồi giáo, cấm ăn thịt chó như thịt heo. Phật giáo ngăn cấm các thứ thịt do cấm sát sanh. Riêng các hệ phái thiên chúa giáo tỏ ra dễ dải với việc ăn hay không thịt cầy và các thứ động vật khác.

Không ăn thịt cầy, không phải người Việt nam?
Trong tháng 4 vừa qua, xảy ra việc tranh cải chung quanh một dỉa thịt cầy: 1/ Tại sao người Việt nam ăn thịt cầy? 2/ Bạn (là người Việt nam) có ăn thịt cầy không?

Vì người âu châu ngày nay không còn mấy người ăn thịt cầy nữa nên câu hỏi đó đặt ra cho một người Việt nam, nhứt là người Việt nam đến từ Miền Bắc, không thể không hàm ý một biểu hiện kỳ thị.

Thật ra người Việt nam ăn thịt cầy nhưng không phải ăn bất kỳ loại cầy nào. Họ chỉ ăn loại cầy thịt, tức loại cầy có vóc dáng nhỏ. Được cầy hương là ngon tuyệt. Thông thường thì vàng hơn mực. Nhưng không có thì cầy nào cũng được. Còn hơn không ! Loại cầy to lớn của Âu châu, họ không ăn. Một phần vì thịt không ngon. Mặt khác, loại cầy này được nuôi để phục vụ đời sống con người nên chúng trở thành thân thiết và hữu ích. Như cầy đi săn, kéo xe, bảo vệ, chiến đấu, giử nhà, …

Về quan hệ thân thiết giửa người với loài vật thì người Âu châu có con chó, người Việt nam chúng ta có con trâu : “Trâu ơi, ta bảo trâu này, Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta. Cấy cày vốn việc nông gia. Ta đây, trâu đó, ai mà quản công” nên người Việt nam kiên cử thịt trâu cũng giống như người âu châu kiên cử thịt cầy.

Nếu nói rằng người Việt nam có tập quán ăn thịt cầy ví xứ thiếu chăn nuôi nên thiếu thịt là điều không đúng. Họ ăn thịt cầy vì sở thích ẩm thực mà không vì thiếu thịt. Đổi cái đùi cầy lấy cái đùi heo, chưa chắc họ chịu đổi. Đó là điều cho thấy tại sao người viêt nam thích ăn thịt cầy : «Đúng, thịt cầy rất đặc biệt – miếng thịt cầy thường có đầy đủ các thành phần: nạc có, mỡ có, da cưng cứng có… nạc không ra nạc, mỡ chẳng ra mỡ - nạc của nó không bã ra như miếng sắn dây đầy xơ, cũng không phải cắn phòi mỡ ra như thịt lợn béo… thịt cầy ăn có một vị gây gây, nhưng cái gây gây đó là gây gây dạng ma túy, người ta hoàn toàn có thể ghiền vì nó được. Miếng thịt bò gây gây, ăn mùa đông nguội là mỡ có thể đông cứng trên miếng thịt, nhưng miếng thịt cầy làm khéo, kể cả nguội vẫn mềm và vị gây của nó thì hoàn toàn không bị chán. Chính thứ mỡ màng ấy của nó, khi nó chảy, cháy trên lửa nướng làm cho nhiều người đang đi đường, hít mùi mà cầm lòng không đậu, phải dừng bước ghé vào … Đến nỗi câu cầy tơ bảy món : luộc, nướng, chả, nhựa mận, xáo, đùi nhừ hoặc gan nướng cuốn mỡ chài, dồi nghe âm vang như lời một giáo chủ hiệu triệu tín đồ vậy » !

Dân ăn thịt cầy sành điệu thường phân biệt ”con chó với con má”. Theo sự phân biệt này, con chó là con vật khôn. Nó không bao giờ ăn thịt đồng loại. Còn con má là con vật ngu, gặp thịt là ăn, không biết phân biệt. Ăn thịt cầy là ăn thịt con má này. Nhưng khi ăn thịt cầy, có ai biết phân biệt không?

Ở Sài gòn sau 30/4, người dân thường chửi đổng, nhắm vào VC, những lúc bất mản “Nay là thời chó đẻ”. Nhưng bị sửa lại “Thời chó chết” mới đúng vì “chó đẻ” là chó còn sống được nên mới đẻ.

Giám mục Seitz phục vụ ở Việt nam, đặc biệt vùng Cao nguyên, ghi hồi ký gồm 93 trang, hai Phần. Ông bắt đầu ngày 7 tháng 4/1975 với tựa sách “ Thời chó câm” (Le Temps des chiens muets). Sau đó, ông bị trục xuất về Pháp (nghe nói ông bị giáo hội rút về để tránh đụng chạm vô ích trong vấn đề ngoại giao ?) . Ông điều khiển một Chủng viện ở ngoại ô Paris, vùng Marne la Vallée, đem theo vài chủng sinh gốc Thượng. Trong số chủng sinh này, có người đậu Cử nhơn Triết ở Sorbonne hiện có vợ đầm, sanh sống ở Vendée, miền Tây-Bắc nước Pháp. Có ngưòi làm thợ Điện tử nhưng cậu này lúc nào cũng chờ để trở về xứ. Người sau cùng trở thành Linh mục và hiện phục vụ tại một giáo xứ của Paris XV.

Ai cũng biết khi Hồ Chí Minh tới, chẳng những chó không dám sủa mà cũng muốn vượt biển nữa . Không riêng gì chỉ có con người !

Vậy năm nay Chó tới, chớ không phải Hồ Chí Minh tới, thì liệu Bà Con vượt biển sau 30/04/1975 sẽ trở về quê hương chăng :

…"Chó mừng tân chủ rỡ ràng
Bôn phương tấp nập lên đàng hồi hương 
Long Hoa muôn thuở biên cương
Việt Thường con cháu Tiên Rồng vẻ vang."(*)  


(*) Lời Sấm của Bà Liễu Hạnh về cơ dạy về tình hình Vìệt nam năm 1938 được Cụ Dương Bá Trạc  ghi tại Đền ngọc Sơn ở Hà nội, có mặt Lm Lê Quang Oánh .


Nguyễn thị Cỏ May








No comments:

Post a Comment

View My Stats