Friday, 9 February 2018

GIÁO SƯ LÊ HỮU MỤC QUA ĐỜI NGÀY 8-11-2017 tại MONTREAL, CANADA




dutule.com
11 Tháng Mười Một 2017  10:40 SA

Giáo sư Lê Hữu Mục đã qua đời vào lúc 10:57 tối ngày 08 tháng 11, năm 2017, tại Montreal Canada, hưởng thọ 93 tuổi.

Giáo sư Lê Hữu Mục sinh ngày 24 tháng 11 năm 1925 tại làng Lưu Phương, thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Thân sinh là nhà nho, ông là người thứ bẩy trong tất cả 11 anh em với tám trai và ba gái.

Học Vấn
Tiến Sĩ, Văn Chương Việt Nam, Đại Học Sài Gòn, 1970.
Cao Học, Văn Chương Việt Nam, Đại Học Đà Lạt, 1960.
Cử Nhân, Văn Chương Pháp, Đại Học Hà Nội, 1950.

Âm Nhạc
Chèo Đi, Bơi Đi (nhạc và lời, 1938)
Hẹn Một Ngày Về (nhạc và lời, 1953)
...

Dạy Học
Giáo Sư, Quốc Học, Huế, 1952-1957
Giảng Viên, Đại Học Huế, Văn Chương Việt Nam, phân khoa Sư Phạm, 1957-1963
Giảng Viên, Đại Học Huế, Viện Nghiên Cứu Nôm Học, 1958-1963
Giảng Viên, Đại Học Huế, Văn Khoa
Giáo Sư, Đại Học Sàigòn (Sài Gòn), Giám Đốc Viện Nghiên Cứu Hán-Nôm, chủ bút tập san Hán-Nôm.
Giảng Viên, Đại Học Đà Lạt (Đà Lạt),
Giảng Viên, Đại Học Hòa Hảo (Long Xuyên),
Giảng Viên, Đại Học Cao Đài (Tây Ninh),
Giảng Viên, Đại Học Phương Nam (Sàigòn),
Giảng Viên, Đại Học Vạn Hạnh (Sàigòn),
Giảng Viên, Đại Học Cộng Đồng Nha Trang (Nha Trang),
Giảng Viên, Đại Học Cộng Đồng Mỹ Tho (Mỹ Tho), Văn Chương Việt Nam, phân khoa Sư Phạm, 1964-1975

Nghiên cứu Nôm, 1981-1984

Pascale Baylon (Montréal) và nhiều trưòng trung học khác. Liên lạc viên giữa phụ huynh học sinh và PELO (Programme de l'Enseignement des Langues d'Origine), 1985-1990

Dạy Hè tại các trường Đại Học Âu Châu như Fribourg (Thụy Sĩ), Strasbourg, Nancy (Pháp), Frankfurt (Đức), Oslo (Na Uy), và Mỹ Châu như St Thomas (Houston), 1990-2005.

Nghiên Cứu Tiêu Biểu

"SONG VIẾT LÀ SÀNG VẠT", Lê Hữu Mục, Vietnamologica, số 2, 1996, Trung Tâm Việt Nam Học Canada.

Khóa Hè Tiêu Biểu

"VĂN HOÁ VIỆT NAM VÀ NHỮNG THÁCH ĐỐ CỦA NÓ ĐỐI VỚI GIỚI TRẺ VIỆT NAM SỐNG TRÊN ĐẤT NƯỚC MỸ", Lê Hữu Mục, University of St Thomas, Houston, 1999.

Tác Phẩm
Thân Thế và Sự Nghiệp Nhất Linh (giáo khoa, 1955)
Nhận Định về Đoạn Tuyệt (biên khảo, 1955)
Luận Đề về Khái Hưng (giáo khoa,1956)
Luận Đề về Hoàng Đạo (giáo khoa,1956)
Chủ Nghĩa Duy Linh (biên khảo, 1957)
Văn Hóa và Nhân Vị (biên khảo, 1958, cùng Bùi Xuân Bào, Võ Long Tê)
Thảm Trạng của Một Nền Dân Chủ Vô Thần (1958)
Lĩnh Nam Chích Quái (1959)
Việt Điện U Linh Tập (1960)
Quân Trung Từ Mệnh Tập (1960)
Ức Trai Thi Tập (1961)
Nhị Khê Thi Tập (1962)
Băng Hồ Ngọc Báo Tập (1963)
Chúa Thao Cổ Truyện ( 1965)
Lịch Sử Văn Học Việt Nam, Tập 1 (biên khảo, 1968)
Khóa Hư Lục (1973)
Hồ Chí Minh Không Phải Là Tác Giả “Ngục Trung Nhật Ký” (1988)
Truyện Kiều và Tuổi Trẻ (1998, nxb Làng Văn, 1990)

Dịch Thuật
Huấn-Dịch Thập-Điều, Thánh Dụ của vua Dục Tông, Minh Mệnh, vua Việt Nam, 1791-1840, (Sàigòn : Ủy-ban dịch-thuật, Phủ Quốc-vụ-khanh đặc-trách Văn-hóa, 1971)

Bài Viết Tiêu Biểu
1/ Văn Hóa Việt Nam - Nước, đặc trưng hình thái của tư tưởng Việt Nam
2/ Văn Hóa Việt Nam - Thuyết Bất Vô
3/ Văn Hóa Việt Nam - Đối diện với Văn Hóa Mỹ
4/ Cụ Sáu đối diện với phong-trào Văn-thân
5/ Cụ Sáu đối phó với phong-trào Văn-thân
6/ Cụ Sáu đối lập với phong-trào Văn-thân

Tập San
1990-2005 : Vietnamlogica, sáng lập viên, chủ bút, cộng tác viên

(biography do Lê Hữu Mạnh cung cấp)

-----------------------------

Thưa Thầy
tưởng nhớ giáo sư Chữ Nôm
LÊ HỮU MỤC 1925-2017 

giáo sư Lê Hữu Mục (1925-2017)

Khi mưa bão vừa lắng dịu để rút khỏi miền Trung, ở đây tôi nghe gió từ San Jose thổi qua. Montréal có người vừa đi xa mà tôi nào hay, chị Lê Thị Huệ nhắn gửi mới chợt ngỡ ngàng, mới lóng cóng nhớ về bài vỡ lòng: “Không thầy đố mầy làm nên”.

Tôi gọi thầy nhưng anh không thích thế. Đã có nhiều vị cao niên, lớn tuổi bằng bố cũng nhún nhường muốn tôi kêu là anh. Những buổi họp mặt đông vui anh thường ngồi bên tôi, trong đám đông bao giờ cũng rõ nét hình ảnh: Người lớn tuổi nhất sánh vai đứa nhỏ tuổi nhất. Bấy giờ, quanh chúng tôi toàn những vị trung niên trên mức tri thiên mệnh. Chừng như anh thích trò chuyện cùng với đứa nhỏ nhít vừa lạc vào thế giới khác.

Anh nói giọng Bắc, trầm, ấm, nhưng luôn vấp váp. Dáng người đường bệ, khá to con. Tôi hơi xúc động khi hình dung ra một vị giáo sư trường Quốc Học (1952-1957) đứng trên bục giảng vào cái thời điểm mà tôi chưa được hiện hữu làm người. Anh chị tôi đều là học trò của anh và họ vẫn còn cất giữ những kỷ niệm, sợ hãi khi vào thi môn vấn đáp bị anh “quay”. Con đường anh đi hầu như chỉ riêng một lối, mang tên “Học”. Cử nhân Văn chương Pháp, Đại học Hà Nội 1950. Cao học Văn chương Việt Nam, Đại học Đà Lạt 1960. Tiến sĩ Văn chương Việt Nam, Đại học Sài Gòn 1970. Sáng tác, biên khảo của anh thì vô số kể, thường chú trọng về những chú giải liên hệ tới Hán Nôm, quy chiếu và phân định rõ đâu là hư đâu là thực nằm trong các tác phẩm văn học được người xưa truyền lại. Một cuốn gặp sóng gió nhất: “Hồ Chí Minh không phải là tác giả Ngục Trung Nhật Ký” (1988).

Một người như vậy khi lạc bước vào lãnh vực âm nhạc lại chứng tỏ bản lãnh của một nghệ sĩ. Tác phẩm “Hẹn Một Ngày Về” được sáng tác tại Huế năm 1953 của anh đã trở thành bất tử. Hôm nay nghe lại, qua giọng hát chị Hà Thanh, luống những ngậm ngùi, thiếu đường chảy nước mắt. Chị tôi, cũng như các chị từng học ở Đồng Khánh năm xưa không ai không thuộc nằm lòng bản nhạc ấy. Và họ, chẳng một ai tin được, đã có lúc một đứa chưa ráo máu đầu hỉ mũi không sạch như tôi lại được ngồi sát vai cùng vị thầy khả kính của họ để bàn chuyện vật đổi sao dời trên trời dưới biển. Không thầy đố mầy làm nên! Là hậu bối, tôi chưa được thầy Lê Hữu Mục dậy dỗ, nhưng với vai vế một người em, tôi học được lắm điều từ anh, mà lời “vàng ngọc” nhất vẫn là: “Cậu đừng bầy vẽ mầu mè gì cả, hãy cố thành thật với chính mình, hãy giữ lấy sự hồn nhiên mà sống vô ngại”.

thủ bút của GS Lê Hữu Mục

Anh Lê Hữu Mục vừa đi xa. Từ Montréal Hẹn Một Ngày Về vào hôm 8 tháng 11 năm 2017. Anh sinh ngày 24 tháng 11 năm 1925, hưởng thọ 93 tuổi. Nhìn số tuổi của anh, tôi mới hay ra, tuy định cư trên cùng một thành phố, nhưng chúng tôi đã thưa dần đã vắng hẳn những gặp gỡ như thời gian trước. Đã lâu lắm rồi từ dạo anh vào nhà dưỡng lão, vào nhà thương, vào những địa chỉ bất ưng, mơ hồ, bất khả kháng. Mất tăm mất tích cho đến khi chị Lê Thị Huệ chốn xa xăm gửi tới chút gió heo may mới cảm nhận cái bạc lòng. Chị Lê Thị Huệ cùng các bạn học năm xưa muốn đăng phân ưu trên báo địa phương này cũng như hỏi xem cách nhờ đặt một vòng hoa cho người thầy cũ.

Thưa thầy, tôi quả có vụng về, tôi chỉ biết ấp úng mà thưa với chị Huệ (trắng) rằng, tôi chỉ ghi cho chị số điện thoại tờ báo ấy để chị liên lạc thì  liệu có ô kê không? Sự vụng về của tôi còn nằm trong những hàng chữ này. Một đứa đứng run thân trên sân ga thầm lặng chờ tiếng hồi còl cất lên. Xin vĩnh biệt thầy, chia tay anh. Tôi hát trong lòng nhăn nhàu: “Về đây trong hoa lá, hỡi cánh chim giang hồ… tình xưa không vỡ bao giờ, mùa xưa còn thơm ngàn gió … đăm đắm trông ai, cầu mong…”


Hồ Đình Nghiêm

© gio-o.com 2017


------------------------

24 Tháng Giêng 20182:26 CH

Sau 6 năm nằm trên giường bệnh, ký giả Hồng Dương Nguyễn Hữu Hùng đã qua đời ngày 18 tháng 1/2018 tại Quận Cam, California, hưởng thọ 80 tuổi.

Hồng Dương gia nhập làng báo Sài gòn rất sớm, từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa trên nhật báo Ngôn Luận của ông Hồ Anh (Nguyễn Thanh Hoàng).

Ông là một trong những người sáng lập Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam năm 1964. Ông cũng là một thành viên tạo nên Làng Báo Chí VN (Đứng đầu là chủ tịch Thanh Thương Hoàng, hiện đã 89 tuổi, cư ngụ tại San Jose) năm 1969. Mỗi cây viết có một căn nhà, chỉ phải trả tiền mua đất, còn tiền xây dựng mượn của Tổng Cục Gia Cư (Bộ Công Chánh).

Điểm đặc biệt là, sau mười mấy năm, cho tới ngày tan hàng (tháng Tư 1975), chưa một nhà báo nào trả lại món nợ đó.

Ký Giả Hồng Dương qua Hoa Kỳ đầu thập niên 90. Một số thân hữu đã cho xuất bản tuần báo Chính Luận để ông có chỗ vui chơi. Nhưng Chính Luận cũng chỉ thọ một thời gian ngắn vì tiền quảng cáo không đủ chi phí.

Sự ra đi của nhà báo Hồng Dương là một mất mát lớn của gia đình, và khiến cho nhiều thân hữu của ông sững sờ thương tiếc.

Bạn thân bán muối nhiều rồi
Ta còn ở lại ngó trời bâng quơ... ( Ngọc Hoài Phương)

Theo Cáo Phó của tang gia, tang lễ Ông Anton Nguyễn Hữu Hùng (Ký giả Hồng Dương, cựu Chủ tịch Nghiệp đoàn Ký giả VN) sẽ cử hành vào Thứ Sáu 26/1/2018 tại nhà quàn Melrose Abbey Memorial Park & Mortuary, 2303 South Manchester Ave., Anaheim, CA 92802:

9:00 AM-10:00AM: Lễ phát tang & cầu nguyện
10:00AM - 1:00PM: Thăm viếng
2:00PM: Lễ hạ huyệt & an táng.

-------------------------

11 Tháng Giêng 20183:10 CH

Nhà nghiên cứu, nhà thơ Trần Văn Nam đã qua đời sáng nay lúc 9:30 am, ngày 10-1-2018 tại Walnut City, California, USA, sau khi được chẩn đoán bị ung thư ruột đã di căn qua gan.

Trước đây 3 ngày, vào Chủ Nhật 7-1-2018, chúng tôi những bạn văn thân thiết của anh Trần Văn Nam gồm nhà văn Phạm Phú Minh, nhà thơ Thành Tôn, nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh, nhà văn Hoàng Dung và Trần Yên Hòa đã đến Walnut City, thăm anh Nam. Lúc này anh còn tỉnh táo, kể lại những kỷ niệm ngày anh học và dạy học ở Nha Trang, Vĩnh Long. Không ngờ đó là lần cuối cùng Vĩnh Biệt anh.

Nhà thơ Trần Văn Nam sinh năm 1939, tại Bến Tre. Mất lúc 9.30 am, ngày 10-1-2018 tại Walnut, CA.
Hưởng Thọ 79 tuổi.

Gia đình cho biết sẽ An Táng anh Nam tại Peek Funeral Home tại thành phố Wesminster, theo sở nguyện của anh Nam. 







No comments:

Post a Comment

View My Stats