Friday 9 February 2018

DÀNH NỖI NHỤC CHO ĐỜI SAU (FB Luân Lê)





Một thanh niên trẻ ở Hong Kong, tên Hoàng Chi Phong, mới chỉ 20 tuổi đầu, đã đấu tranh một cách mạnh mẽ và kiên cường nhất trước một nhà nước đầy bạo quyền mang tên Trung Quốc, cùng với đó là hệ thống chính quyền tại khu tự trị của họ.

Hoàng Chi Phong đã nói trước thế hệ những người trẻ đầy nhiệt huyết của họ rằng, trách nhiệm đấu tranh là của chúng tôi, chúng tôi không thể để lại cho thế hệ sau gánh vác công việc của ngày hôm nay và thuộc về chính chúng tôi. Và những người trẻ này đã làm tròn bổn phận của mình đối với dân tộc và chủ quyền đất nước khi bảo vệ được tối đa sự độc lập chính trị của họ trước sự áp đặt thô bạo từ Bắc Kinh.

Còn dưới đây là lời của một ông nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, đã ngoài 70 tuổi, ông ta đẩy trách nhiệm vực dậy đất nước khỏi cái nhục của một nước nghèo cho những người trẻ, trong khi những lớp người của thế hệ của ông ta, vì nguyên cớ gì, đã để đất nước phải chịu nỗi nhục của một đất nước nghèo?

Sau những chiến thắng vĩ đại và huy hoàng, sau 43 năm chấm dứt chiến tranh, và giữa bạt ngàn tài nguyên trù phú, dưới sự dẫn dắt và lãnh đạo của tập thể đỉnh cao trí tuệ, tại sao đất nước lại rơi vào tình cảnh nghèo nàn lạc hậu một cách trầm trọng?

Không chỉ vậy, chính ông Phó Thủ tướng đương nhiệm Vũ Đức Đam cũng nói về vấn đề tranh chấp quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, đến mức không thể nào tưởng tượng được nó là quan điểm của một người đang nắm trong tay đầy đủ vị thế và quyền lực: nếu đời chúng ta không đòi lại được thì đời con cháu chúng ta sẽ nhất quyết làm và phải đòi bằng được. Một nhận thức và phát ngôn của một người với vai trò lãnh đạo, là chính trị gia cấp cao của một nhà nước, mà lại có thể tuyên bố một cách nhẹ bẫng đến mức vô trách nhiệm đầy kinh ngạc và cũng lại thiếu hiểu biết đến vậy. Bởi lẽ, theo luật pháp quốc tế, nếu một quốc gia quản lý, chiếm giữ một thực thể liên tục trong 50 năm mà không có tranh chấp, thực thể ấy, mặc nhiên, sẽ thuộc chủ quyền của quốc gia đó.

Điều đáng buồn hơn nữa, trong bối cảnh mọi khó khăn đang ngày càng chồng chất, thì nền giáo dục lại đang khủng hoảng trầm trọng hơn cả. Qua một cuộc bình chọn và đánh giá, trong tốp 350 trường đại học hàng đầu châu Á, đất nước chúng ta không có bất kể một cái tên nào được ghi danh. Điều đó cũng là tất yếu thực tế và phù hợp với nhận định của một người đứng đầu Chính phủ, rằng, giáo dục nước ta đang tụt hậu nhất khối Asean và theo một chuyên gia người Pháp, giáo dục Việt Nam đang lạc hậu so với thế giới khoảng hơn một nửa thế kỷ, sau khi vị này nhìn vào các kiến thức được đem giảng dạy trong các giảng đường trên đất nước chúng ta.

Những người lãnh đạo quốc gia, nằm trong bộ máy quyền lực và ở cấp cao nhất, mà còn có những tư duy và nhìn nhận như đã thấy, cũng trong khi ấy, những người trẻ thì đa phần tỏ ra bàng quan và thờ ơ với hiện tình đất nước, số khác sống lay lắt qua ngày, phần nữa thì đi tìm kiếm mưu sinh ở nước ngoài, số còn lại thì tranh thủ vào nhà nước để an thân và sống an nhàn bỏ mặc thế cuộc, chỉ có một số ít có trách nhiệm với tri thức cùng tinh thần độc lập lên tiếng đấu tranh và phản biện xã hội thì luôn dễ bị quy chụp là những thành phần gây nguy hiểm cho xã hội (mà thực ra là chế độ), vậy thử hỏi rằng, quốc gia sẽ trở nên thế nào nếu không phải là suy thoái và lụn bại, chứ làm sao có cơ hội để có thể tìm thấy một tia hy vọng nào cho đất nước trở mình mà phát triển, văn minh và thịnh vượng hơn lên?

Tầm vóc tư duy mới khẳng định vị thế của một quốc gia. Mà điều đó, thực chúng ta đang thiếu hụt không thể nào bù đắp nổi, bởi những thế hệ kém cỏi, tất yếu, sẽ giáo dục và tạo nên những lớp người ươn hèn và bạc nhược, thiếu trí tuệ và phẩm chất, mà chúng mới thực sự là tài nguyên quý giá nhất của một quốc gia trong công cuộc gây dựng sự hùng cường và phồn thịnh.




---------------------------


Từ nhỏ tôi được cha tôi và những người có học trong họ tộc dạy rằng phải thấy những điều xấu trong chính mình, cha mẹ và cả dòng tộc của mình mới đủ dũng cảm để thay đổi.

17 tuổi, vì muốn trở thành nhà văn, tôi trở thành “giang hồ” để tiếp xúc với các nhóm người: từ móc túi đến gái bán hoa, từ những con nghiện sẵn sàng rút máu xọc vào người khác, vào nơi cờ bạc mà những con khát bạc cắm cả quần lót và chạy truồng về nhà trong đêm, rồi văn báo bịp, những tay buôn hàng Nga gian xảo, lính giải ngũ vô phương hướng... Không hiểu sao tôi không căm ghét những người ít học trở nên lưu manh. Cho đến khi đi làm Nhà nước, đám có học làm cho tôi tởm lợm và văng tục sau một số lần làm việc, trở thành bệnh chửi cho đến nay chưa chữa được. Càng gặp đám công chức ở cấp cao hơn, sự tởm lợm càng tăng vì sự gian giảo tinh vi mà chỉ người trải đời mới biết được.

Viết dài dòng ở trên để dẫn cho phát ngôn của ông Vũ Khoan khi đặt nhiệm vụ xoá nỗi nhục Nước nghèo là “sứ mệnh lịch sử” của người trẻ. Tôi đồng ý với ông Khoan là thế hệ trẻ cần kiến tạo sự thay đổi. Tuy nhiên, để thuyết phục thế hệ trẻ thì thế hệ các ông cần sòng phẳng nhìn nhận những nỗi nhục mà Đất nước này đang gánh chịu gây nên bởi ai? Những bô xít Tây Nguyên, Formosa, Vinashin...là do ai? 

Một gia đình yếu kém, trước hết là do cha mẹ dốt và lười biếng, kế đến mới là lũ con. Quốc gia yếu kém cũng vậy, thế hệ nay đã già, gây nên thảm hoạ trước, rồi thế hệ trẻ phải gánh chịu. Thế hệ chúng tôi đang phải chữa lỗi của thế hệ các ông và phải nỗ lực tạo sự thay đổi. Chúng tôi đang phải một vai hai gánh, đừng bắt chúng tôi gánh thêm dạy dỗ của thế hệ các ông nữa.

Chúng tôi cần thấy thế hệ già hơn chúng tôi, hiện họ đang quản lý xã hội, hành động vì lợi ích Đất nước bằng trí tuệ và tâm huyết. Tôi rất ghét những lời sáo rỗng.









No comments:

Post a Comment

View My Stats