Sunday 4 February 2018

BẢN TIN TỐI 4/2/2018 (Báo Tiếng Dân)




Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
Báo Người Lao Động có bài: “Giải mã” cách hành xử trái ngược của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo sự lý giải của ông Gregory Poling, Giám đốc AMTI, Trung tâm CSIS, Mỹ, Trung Quốc “đang dùng ngoại giao như một chiến thuật, trong khi vẫn củng cố hiện diện ở Trường Sa với hoạt động xây dựng và quân sự hóa; điều thêm nhiều tàu tuần tra ở Biển Đông”.

Về vấn đề Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC), ông Poling cho rằng, “có rủi ro trong quá trình đàm phán COC hiện nay. Đánh giá không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc sẵn sàng đàm phán một COC công bằng với ASEAN, ông khẳng định việc Trung Quốc nói rằng sẵn sàng đàm phán COC chỉ là chiến thuật ngoại giao”.

Tàu Trung Quốc quanh đá Vành Khăn, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.  Ảnh: Reuters/NLĐ


50 năm Tết Mậu Thân
RFA có clip cho thấy hai hình ảnh đối lập: “Một nhóm người tưởng niệm 50 năm trận đánh vào ĐSQ Mỹ và một nhóm xếp hàng dài để xin VISA đi Mỹ”. Và hỏi: “Bạn nghĩ sao về 2 hình ảnh này?”

Facebooker Thanh Toàn viết: Huế tang thương trong Tết Mậu Thân 1968, và nỗi đau của người ở lại. Bài viết đề cập đến hồi ký “Giải khăn sô cho Huế” của tác giả Nhã Ca “kể về cuộc chạy giặc (Việt Cộng) của bà con thành phố Huế khi quân giải phóng tràn vào. Đó là cuộc chạy giữa sự sống và cái chết, giữa đau thương và mất tmát, giữa hoang tàn và đổ nát, giữa bom đạn và đói khát”.

“Thành quả” của “quân giải phóng” trong cuộc thảm sát Tết Mậu Thân. Nguồn: internet

Không chỉ xả súng vào dân thường, “quân giải phóng” còn “vào từng nhà dân mang hết lương thực đi, ai giấu giếm mà bị phát hiện sẽ bị bắn chết. Nhiều gia đình đông trẻ con họ cũng không chừa cho chút lương thực nào để cầm hơi trong những ngày trốn bom đạn khốc liệt này”.


Người dân và “ơn đảng”
Nhân sự kiện đảng mừng sinh nhật lần thứ 88, một số báo trong nước tranh thủ viết bài kể “ơn đảng”. Theo bài: Có Ðảng, đời sống đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên được ấm no, trên báo Nhân Dân. Vậy trước khi đảng ra đời, dân Tây Nguyên phải sống trong cảnh đói khổ triền miên!? Tương tự, bài: Nơi Đảng mạnh, thôn giàu, của báo Bắc Giang cho rằng nhờ có đảng “dẫn lối”, thôn Đông Thượng, xã Lãng Sơn mới duy trì được nghề sản xuất đồ gỗ truyền thống!?

Điều lạ là có nơi hưởng “ơn đảng” theo kiểu: Chính quyền Côn Đảo cướp đất của dân cấp cho cán bộ. Bài báo cho biết: “Ủy ban huyện Côn Đảo quyết định ‘giao đất’ cho hầu hết là cán bộ, viên chức, từ ‘đất thu hồi’ của những nhà dân đang sinh sống mà không bồi thường cho dân”. Có lẽ vì đảng thường tuyên truyền “cán bộ là đầy tớ của nhân dân”, nên đôi khi đảng cướp của “ông chủ” mà chia cho “đầy tớ”, theo kiểu cách mạng vô sản ngày xưa!?

Có nơi lại không nhận được “ơn đảng”, như ở Quảng Nam: Con đường ‘khủng khiếp’ đi bộ nhanh hơn xe máy, theo trang VietNamNet. Vì không có đảng nên người dân phải chịu đựng con đường “đất đỏ với đủ loại đá lôm nhôm, sình lầy, cơ man ổ voi ổ gà”? Một người địa phương chia sẻ: “Người dân nghèo chúng tôi không có tiền làm đường bê tông, nên chỉ góp tiền san phẳng con đường để đi lại những ngày nắng”.

2 km đường nhưng mất đến hàng tiếng đồng hồ để đi qua. Ảnh: VNN

Thêm một địa chỉ mà đảng quên xuất hiện để “ban ơn”: Huyện nghèo đề xuất bắn pháo hoa dịp Tết: ‘Thương dân’, báo Dân Việt đưa tin. Trong khi thu nhập bình quân của người dân huyện Mường Khương “chỉ 18-22 triệu/năm”, Đảng vẫn không về với huyện nghèo này, để nơi đây có tiền bắn pháo hoa cho dân xem, giúp dân quên đi đói nghèo!?

Lại có nơi, nhờ “ơn đảng” nên: Huyện nghèo ở Đắk Lắk làm đường tới nhà quan thì dừng, theo báo Người Việt. Tại sao nơi này có đảng mà “con mương chính Tây dẫn nước từ hồ Ea Súp thượng, chính quyền cho đổ bê tông trên mặt đường đến cổng nhà ông Trần Ngọc Quang, cựu chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Ea Súp, rồi dừng trong khi đoạn còn lại là đường đất, bụi bay mù mịt”?

Đường bê tông trên kênh chính Tây vừa qua cổng “biệt phủ” của ông Trần Ngọc Quang, cựu chủ tịch huyện Ea Súp, thì “hết vốn.” Ảnh: TP/NV

Ở Đà Nẵng, nhờ “ơn đảng” nên: Tạm dừng cưỡng chế thu hối đất trong dịp Tết Mậu Tuất 2018, trang Infonet đưa tin. Tiếc là “ơn đảng” chỉ có “thời hạn” trong dịp Tết, do đây là thời điểm nhạy cảm, đảng không tiện xử lý nếu có chuyện tương tự như sự kiện ở Đồng Tâm, Tiên Lãng, Đắk Nông. Cho nên UBND TP Đã Nẵng tạm “đình chiến” từ 1/2 đến 1/3/2018, để dân ăn Tết. Tuy nhiên, những sai phạm đất đai vẫn còn đó.


“Tình đồng chí”
Về chuyện cán bộ dùng xe biển xanh đi ăn cưới, trang Một Thế Giới đặt câu hỏi: Cán bộ đương chức nói gì? Bài viết dẫn lời bà Đỗ Thị Phượng, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Hôm trước, một số cán bộ nghỉ hưu (từng công tác tại Cục Thống kê Bạc Liêu) hỏi mượn xe đi đám cưới ở Sóc Trăng. Do nể nang nên bà đã cho tài xế dùng xe công đưa cán bộ hưu trí đi ăn cưới, dù biết đây là việc làm sai”.

Còn ông Lê Ngọc Bảy, Cục trưởng Cục Thống kê TP Cần Thơ nói: “Người quyết định lấy xe công chở các bác đi đám cưới là sai. Đây là bài học của tôi. Tôi đã có một chút mềm lòng nên đã sai rồi”.

Trước đó, báo Zing đưa tin: Nhiều ôtô biển xanh chở cán bộ nghỉ hưu đi ăn cưới. Bài báo cho biết: Trưa ngày 3/2/208, “trên chục ôtô biển xanh từ nhiều tỉnh miền Tây đã đưa người đến dự tiệc cưới của con lãnh đạo Cục Thống kê tỉnh Sóc Trăng”.

Xe biển xanh của Cục Thống kê TP Cần Thơ và tỉnh An Giang. Ảnh: Zing

Về biển số của các xe này, tác giả cho biết: “Cần Thơ có hai chiếc 7 chỗ biển số 65A-002.38, 65E-0604. Các tỉnh có một chiếc là An Giang (67A-001.92), Trà Vinh (84A-000.68), Kiên Giang (68A-001.12), Tiền Giang (63A-004.36), Bạc Liêu (94A-001.18)”.

Điều lạ là, chuyện lạm dụng xe biển số xanh chính là tình tiết mà Tổng Bí thư từng tận dụng để khởi động chiến dịch “đốt lò” và đưa Trịnh Xuân Thanh “vào tròng”. Đường dây lợi ích nhóm của Đinh La Thăng trở thành “củi” trong lò của bác Tổng đều “nhờ” chiếc xe Lexus biển xanh của Trịnh Xuân Thanh.

Biết vậy nhưng mấy cán bộ này vẫn dám dùng xe biển xanh đi ăn cưới, có lẽ vì: Thứ nhất, họ hiểu được bản chất của mấy lời tuyên truyền về chiến dịch “đốt lò”, thứ hai, họ không phải là mục tiêu của bác Tổng.

Nhân dịp một số cán bộ dùng xe biển xanh như xe taxi, trang Đại Đoàn Kết có bài: Xây dựng cơ chế giám sát quyền lực. Bài viết dẫn lời Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định: “Cơ chế này sẽ được đẩy mạnh, giám sát bí mật chứ không chỉ đến nghe báo cáo mà thôi. Lãnh đạo các bộ, ngành phải tăng cường đi kiểm tra để nắm bắt sát sao hoạt động của ngành mình”.

Chắc do “cơ chế giám sát bí mật” được Phó Thủ tướng công khai hết với báo chí, nên mấy cán bộ dự tiệc cưới bằng xe biển xanh càng chắc chắn về bản chất của chiến dịch “đốt lò”.


“Lỗi hệ thống”
Báo Pháp Luật Plus đưa tin: Nghệ An: Xã lập danh sách khống để nhận về 259 triệu. Theo đó, năm 2011, lãnh đạo xã Diễn Hải đã lập danh sách khống và làm giả chữ lý của hàng trăm hộ dân tại địa phương “để lấy 259 triệu tiền hỗ trợ thiệt hại”. Sau hơn 7 năm, “những hộ dân bị thiệt hại thực sự vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước”.

Ông Nguyễn Xuân Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu thừa nhận rằng, vì chuyện làm danh sách khống này mà “số tiền 259 triệu đồng tiền hỗ trợ thiên tai năm 2011 tại xã Diễn Hải vẫn chưa được chi trả cho người dân… mãi đến năm 2015 khi đoàn kiểm tra HĐND xã phát hiện số tiền vẫn còn nợ dân”.


Bắt đánh bạc, công an bắn chết người
Trang Infonet viết: Công an Hải Dương điều tra vụ nổ súng bắt bạc, 1 người tử vong. Bài báo tóm tắt vụ công an bắn chết người thanh niên đang đánh bạc: “Trong lúc cả nhóm đang chơi, tổ công tác Công an huyện Gia Lộc đã ập vào vây bắt, thấy vậy anh L cùng nhóm bỏ chạy. Lập tức, tổ công tác đuổi theo và sau đó có tiếng súng nổ”. Người ở gần hiện trường chạy ra xem thì thấy xác anh L “nằm ven mương nước phía cổng nhà anh T”.

Báo Gia Đình và Xã Hội đưa tin về vụ nam thanh niên nghi bị bắn khi đánh bạc: Hàng trăm người kéo đến trụ sở công an huyện. Công an vẫn chưa dám trả lời gia đình người bị hại, “khi xe ô tô của nhà tang lễ chở thi thể anh L. về đến cổng rẽ vào nhà, hàng trăm người thân nạn nhân đã mang theo xe tang cùng cờ, trống lên trước cổng Công an huyện”.

Sau khi thi thể nạn nhân đưa về đến cổng nhà, gia đình, người thân bức xúc chưa cho vào nhà. Ảnh: GĐ&XH

Anh Tăng Đức Lưu, anh cả nạn nhân, chia sẻ: “Khi em tôi tử vong, cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm pháp y và phát hiện trong não có 1 viên đạn xuyên qua hai lớp hộp sọ nằm ở giữa cách 2 bên tai khoảng 13cm”.


“Củi tẩm dầu” trong lò
Trang Tiền Phong có bài: Trịnh Xuân Thanh đối diện án tù chung thân thứ hai. Bài báo cho biết: “Trong các ngày làm việc trước, đại diện VKSND đã đề nghị HĐXX tuyên án tù chung thân về tội ‘Tham ô tài sản’ với Trịnh Xuân Thanh (trước đó, ngày 22/1, Trịnh Xuân Thanh đã bị tuyên tù chung thân trong vụ án xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm)”.

Từ lúc bác Tổng mở “phiên tòa lịch sử” đến nay, Trịnh Xuân Thanh vẫn là người được bác “ưu ái” nhất. Ông Thanh không phải là người tham nhũng duy nhất, hay người cầm trịch duy nhất trong đường dây của ông Đinh La Thăng, nhưng hiện tại chỉ có ông Thanh phải đối diện 2 án chung thân. Có lẽ bác Tổng vẫn chưa quên lời lẽ của ông Thanh trong lá đơn xin ra khỏi Đảng hồi cuối năm 2016, như BBC từng đưa tin.

VTC có video ghi lại cảnh: Trịnh Xuân Thanh tiếp tục xin đi Đức.
                                      https://www.youtube.com/watch?v=Lyn_7H4TDSw


Vũ “nhôm” và chính trường Đà Nẵng
Báo Đất Việt có bài tổng hợp: Thư ký ông Xuân Anh ở nhà Vũ nhôm: ‘Chỉ mượn tạm’. Bài báo dẫn lời ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, xác nhận rằng ông đã biết chuyện ông Hồ Ánh, cựu thư ký của ông Nguyễn Xuân Anh, “nhận ủy quyền nhà đất của Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ ‘nhôm’)”. Ông Nghĩa nói thêm: “Báo chí đăng tải thì sẽ kiểm tra để làm rõ. Việc này Văn phòng Thành ủy sẽ có chỉ đạo”.

Ông Hồ Ánh khẳng định: “Hiện ông không còn ở nhà của ông Vũ ‘nhôm’ và chuyển qua ở chung cư”. Có một lãnh đạo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng nói giúp ông Ánh rằng: “Ông Hồ Ánh được UBND thành phố bố trí cho thuê chung cư của thành phố ở đường Lê Đình Lý từ đầu năm 2016… từ thời gian đó đến nay, gia đình của ông Hồ Ánh vẫn sinh sống bình thường ở đó”.

Báo Dân Trí bình luận: Chống tham nhũng, truy đến cùng những khối tài sản bất minh. Bài viết có đoạn bàn về ngôi nhà do Vũ “nhôm” ủy quyền sử dụng cho ông Hồ Ánh: “Đáng chú ý, ngôi nhà này nằm gần các ngôi nhà mà ông Nguyễn Xuân Anh sử dụng (cũng của ông Vũ ‘nhôm’). Mặc dù hợp đồng ủy quyền này hiện đã được hủy nhưng nó việc đó vẫn làm dấy lên mối nghi ngờ nhất định về sự minh bạch trong việc ‘nhờ’ đứng tên này”.

Tác giả cho rằng: Chuyện các cán bộ hoặc những kẻ “đầu cơ” quyền lực “sở hữu tài sản lớn nhưng đã nhờ người thân, quen đứng tên tài sản của mình rõ ràng đã không còn là câu chuyện hiếm” do “người thân của những người này không phải là diện đối tượng phải kê khai tài sản”.


Lộ trình tăng thuế, phí
Báo Dân Trí đặt câu hỏi: Xăng Thái Lan rẻ hơn Việt Nam, vì sao? Bài viết lưu ý hiện tượng: “Giá xăng – đã tăng tới hai lần chỉ trong vòng hai tuần” của tháng 1/2018. Theo đó, “ngày 4.1.2018, giá xăng A95 đã âm thầm tăng 780 – 810 đồng/lít (tuỳ tiêu chuẩn) (1). Hai tuần sau, ngày 19.1.2018, lại tiếp tục lên giá”.

Tác giả phân tích một số vấn đề mờ ám trong thông tin do ông Nguyễn Anh Tuấn, cục trưởng cục Quản lý giá bộ Tài chính, cung cấp: “Qua theo dõi giá xăng dầu nửa đầu tháng 1.2018 cho thấy giá xăng A95 của một số nước trong khu vực có cao hơn giá xăng A95 của Việt Nam khoảng từ 3.000 – 5.000 đồng/lít”. Thực tế, “so với xăng A95 hiện nay của Petrolimex tại TP.HCM là 20.990 đồng, giá bán bên Thái còn thấp hơn 392 đồng”.

Giá xăng ở Thái Lan đã không cao hơn ở Việt Nam, như ông cục trưởng cục Quản lý giá bộ Tài chính phát biểu trước báo chí, trái lại còn thấp hơn. Ảnh: DT

VOV bình luận về tác động nhiều mặt của chuyện áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. Theo thông tin từ Dự thảo lần 2 Luật sửa đổi các Luật thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, “dự thảo mới bổ sung thu thuế TTĐB đối với mặt hàng nước ngọt có đường, trừ các sản phẩm sữa và không quy định cụ thể nước ngọt có ga, không ga, hay nước tăng lực, thể thao, trà, cà phê”.

Bài viết dẫn lời ông Vũ Tú Thành, Trưởng đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN tại Việt Nam, nhận định: “Lý lẽ ban đầu của cơ quan soạn thảo là nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân, nhưng đó không phải là trách nhiệm của cơ quan soạn thảo mà là trách nhiệm của Bộ Y tế, chính sách thuế sẽ chỉ là công cụ hỗ trợ”.

Quan chức CSVN không dám nói thẳng nguyên nhân chính là tình hình ngân sách: Vì ngân sách gặp khó mà phải tăng thu thuế, và phải bán “gà đẻ trứng vàng”. Đảng muốn cho người dân thấy “ơn đảng” nên viện lý do “giúp dân phòng bệnh béo phì”.


“Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”
VOV có bài: Nhà máy đường chậm thu mua, người trồng mía nguy cơ mất Tết. Tác giả cho biết: “Càng đến những ngày gần Tết, người trồng mía ở tỉnh Kon Tum lại càng đứng ngồi không yên. Nguyên nhân là do đa số nông dân ở địa phương này chưa bán được mía cho nhà máy”. Ông Lê Tự Đích chia sẻ: “Nhà máy chậm thu mua mía sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người dân vì trữ lượng đường giảm đáng kể”.

Việt Nam vẫn là đất nước nông nghiệp, nhưng các quan chức CSVN vẫn chưa bảo đảm được nguồn thu mua ổn định cho các loại nông sản, sau hơn 4 thập niên đảng “thống nhất” đất nước.

VTV đưa tin: Tết buồn của người trồng hồ tiêu ở Tây Nguyên. Theo bài viết, sản lượng hồ tiêu ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk trong niên vụ 2017-2018 sẽ “giảm từ 25 đến 30% so với niên vụ trước, thậm chí một số nơi sản lượng sụt giảm hơn 50%… Bên cạnh đó, giá cả xuống thấp chỉ còn hơn 60.000 đồng/kgký, chưa bằng 1/2 so với mọi năm khiến người dân không khỏi thấp thỏm lo âu”.


Giáo dục Việt Nam: thêm “giáo sư”, thiếu thành tựu
Báo Lao Động bàn về: Nghịch lý “lạm phát” giáo sư, thiếu vắng sáng chế. Theo bài viết, trong năm 2017, “số GS-PGS tăng đột biến, lên tới 60% so với năm trước. Trung bình mỗi ngày có hơn 3,35 người được công nhận học hàm”. GS Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng Chức danh GS Nhà nước, khẳng định: “Chất lượng vẫn đảm bảo”, dựa vào “số lượng công bố quốc tế, giảng viên trực tiếp giảng dạy, khả năng giao tiếp tiếng Anh tăng”.
Tuy nhiên, thông tin về số lượng công trình được công bố quốc tế của Việt Nam lại không ủng hộ luận điểm của GS Nhung: “Công bố quốc tế của chúng ta vẫn kém xa so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia (năm 2017, bằng khoảng 1/3 Thái Lan, 1/5 Singapore, 1/5 Malaysia)”.

Cô giáo Đỗ Quyên viết: Tưởng chương trình mới giảm tải, ai dè chất thêm gánh nặng lên học sinh lớp 1. Trong khi không ít học sinh lớp 1 “còn đọc ê a ngắc ngứ” khi làm quen với bảng chữ cái và cách phát âm, thì chương trình mới yêu cầu các em phải “hiểu được ý nghĩa hay bài học được rút ra từ văn bản, thể hiện qua khả năng trả lời câu hỏi”.

Tác giả chia sẻ: “Ngày nào cũng vậy, từ lúc bước chân đến trường cho đến khi bước ra khỏi cổng trường, học sinh chỉ phải ngồi học cặm cụi hết kiến thức Toán đến tiếng Việt. Thế nhưng theo phản ánh của giáo viên lớp 1, khá nhiều em vẫn không theo nổi chương trình”.


***


Tin thế giới

Chính trường Mỹ
Trang Cali Today có bài lược dịch từ báo Bloomberg: Bản ghi nhớ Nunes ảnh hưởng ra sao đến chính trị Mỹ? Mặc dù Trump tweet hôm nay rằng, bản ghi nhớ này đã “minh oan” cho ông ta, nhưng nó không hề nhắc tới tên Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, là người đang thực hiện cuộc điều tra vụ bê bối Trump – Nga.

Và cuộc điều tra của ông Mueller “đã tóm được 4 cộng sự của Trump, với nhiều cáo buộc chống lại Cựu Trưởng ban Vận động Paul Manafort và trợ lý Rick Gates, lời nhận tội từ cố vấn chiến dịch George Papadopoulos và Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn“. Dân biểu Trey Gowdy, thuộc đảng Cộng Hòa và là Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện, nói rằng, bản ghi nhớ này không ảnh hưởng tới cuộc điều tra của ông Mueller về Nga.

Trang Soha có bài: “Thách đấu” FBI, ông Trump có biết sức mạnh này đã khiến bao đời tổng thống Mỹ run sợ? Tổng thống Mỹ đang đối đầu với FBI, cơ quan thực thi luật pháp được tôn trọng nhất nước Mỹ. Trong lịch sử nước Mỹ, mỗi khi tổng thống Mỹ đối đầu với FBI, đều nhận lấy thất bại. Hoặc là ông Trump không nhớ tới bài học của các tổng thống tiền nhiệm, hoặc là ông quá tự tin.



Chuyện nước Nga
Nước Nga thời Putin quá nổi tiếng về chuyện can thiệp bầu cử ở các nước trong vài năm qua, đỉnh điểm là cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ năm 2016. Về cuộc bầu cử ở Mexico tháng 7/2018, Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo Mexico: Coi chừng Nga khuynh loát bầu cử.

Ngoại Trưởng Mỹ Rex Tillerson vừa cảnh báo chính phủ Mexico hôm nay: “Điều tôi có thể nói với quý vị rằng chúng tôi biết rõ là Nga có dính líu vào bầu cử một số quốc gia trên khắp thế giới. Lời khuyên của tôi đối với Mexico là nên để ý tới những gì đang xảy ra“.


Lò lửa Trung Đông
Báo Người Lao Động viết về “Ngày chết chóc nhất” của Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch Afrin. Dẫn nguồn từ BBC cho biết, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bị Lực lượng Dân quân người Kurd (YPG) tấn công tại khu vực Sheikh Haruz, phía Đông Bắc TP Afrin, làm 7 binh sĩ thiệt mạng.

Kể từ khi bắt đầu chiến dịch “Nhành Ô liu” hôm 20-1-2017 đến nay, trong vòng 2 tuần, Thổ Nhĩ Kỳ đã mất 14 binh sĩ. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim tuyên bố, sẽ bắt YPG, lực lượng bị Ankara xem là một tổ chức khủng bố, “phải trả giá gấp đôi“.

Mặc dù bị hao tổn lực lượng tại Sheikh Haruz, nhưng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm được nhiều vị trí khác của lực lượng người Kurd Syria ở khu vực Afrin. Trang An ninh Thủ Đô có bài: Người Kurd thua liểng xiểng trước quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Afrin.

Sự kiện máy bay Nga Su-25 bị tên lửa của phiến quân bắn rơi, câu hỏi được đặt ra, vũ khí mà phiến quân sử dụng từ đâu ra? Tên lửa bắn rơi máy bay Nga ở Syria có phải do Mỹ cung cấp? Nhưng Lầu Năm Góc đã phủ nhận thông tin này. Đất Việt đưa tin: Mỹ nói lời ngay thật vụ Su-25 Nga vừa bị bắn hạ.

Tuyên bố của phát ngôn viên Lầu Năm Góc, ông Eric Pahon nói rằng, Mỹ  không trang bị cho các lực lượng ở Syria vũ khí phòng không. Ông Pahon nói: “Cùng với đối tác của chúng tôi tại Syria, Mỹ vẫn tập trung vào cuộc chiến chống IS. Mỹ đã không trang bị vũ khí cho bất kỳ lực lượng đối lập nào tại Syria với vũ khí phòng không, đặc biệt là tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) và không có ý định làm như vậy trong tương lai“.


Bán đảo Triều Tiên
VnMedia đưa tin: Bán đảo Triều Tiên bên miệng hố chiến tranh, Nga triển khai vũ khí bất thường. Bài báo cho biết, “Nga đã quyết định triển khai các máy bay chiến đấu đến một hòn đảo tranh chấp với Nhật Bản sau khi liên tục lên tiếng phản đối các biện pháp tăng cường an ninh của Mỹ ở trong khu vực“. Quyết định này được cho là có liên quan tới cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.

Báo Dân Việt có bài: Trùm tình báo Đức tiết lộ chấn động về Triều Tiên. Dẫn nguồn từ Daily Star, cho biết, người đứng đầu Văn phòng Bảo vệ Hiến Pháp liên bang (BfV) Đức là ông Hans-Georg Maassen nói rằng, Kim Jong-un đang sử dụng đại sứ quán của Bắc Hàn ở Berlin để giao dịch các bộ phận tên lửa quan trọng.

Ông Maassen nói: “Chúng tôi xác định rằng các hoạt động mua sắm đã được thực hiện từ đó theo quan điểm của chúng tôi, được thực hiện với mục đích cho chương trình tên lửa và đôi khi cũng là chương trình hạt nhân“.


***










No comments:

Post a Comment

View My Stats