Wednesday 7 February 2018

BẢN TIN SÁNG 7/2/2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
VOA đưa tin: Các ‘pháo đài’ trên Biển Đông của Trung Quốc sẵn sàng hoạt động. Dẫn lời Bà Bonnie Glaser, chuyên gia về các vấn đề an ninh tại Châu Á -Thái Bình Dương, bình luận về “các bức không ảnh mà một nhật báo Philippines có trong tay… về các hoạt động của Trung Quốc nhằm quân sự hóa các đảo trên Biển Đông” rằng, “các tấm không ảnh này là ‘đầy đủ nhất, chi tiết nhất từng có’ về những tiền đồn quân sự của Trung Quốc trong Biển Đông”.

Quan điểm của Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN trong cuộc họp ngày 6/2/2018: ASEAN lo ngại về các hoạt động của Bắc Kinh trên biển Đông, theo VOA. Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan phát biểu:

“Chúng tôi đã thảo luận các vấn đề liên quan đến Biển Đông và ghi nhận quan ngại của các bộ trưởng về việc bồi đắp đất và các hoạt động trong khu vực. Điều này làm xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng và có thể ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và sự ổn định trong khu vực”.

                     https://www.youtube.com/watch?v=r2gpFR8wyp8

RFI dẫn lời chuyên gia Trung Quốc: Bắc Kinh sẽ tăng cường bồi đắp ở Biển Đông. TS Trang Trung Thổ (Zhuang Guotu), lãnh đạo Trung Tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc đại học Hạ Môn ở Trung Quốc, khẳng định: “‘Trung Quốc có quyền xây dựng bất cứ cái gì trên lãnh thổ của mình’… việc Bắc Kinh triển khai quân sự tại Biển Đông chỉ để bảo vệ an ninh và lợi ích của Trung Quốc chứ không phải là hành động bành trướng quân sự”.

Trang Kinh Tế Đô Thị đưa tin: Trung Quốc sắp đưa vào sử dụng các công trình xây dựng phi pháp ở Biển Đông. Theo tin từ báo Straits Times của Singapore, “Trung Quốc đã sắp hoàn thành các cơ sở không quân và hải quân trên 7 đảo mà nước này ngang nhiên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông”.

Các tàu hải giám và hải quân Trung Quốc xung quanh Đá Chữ Thập. Ảnh: KTĐT


Quan hệ Việt – Trung
VTV đưa tin: Thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam – Trung Quốc. Bài báo cung cấp thông tin về cuộc gặp giữa Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Thượng tướng Thường Vạn Toàn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc, bên lề Hội nghị Hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN tại Singapore.

Theo đó, ông Vịnh cho biết “Bộ Quốc phòng Việt Nam mong muốn tăng cường quan hệ giữa các Quân khu của Việt Nam với Chiến khu miền Nam của Trung Quốc; thúc đẩy hợp tác giữa Học viện Quốc phòng Việt Nam và Đại học Quốc phòng Trung Quốc”.

Trong khi Mỹ và các nước đồng minh, các nước ASEAN tìm cách ngăn chặn tham vọng bá quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông, thì lãnh đạo CSVN vẫn tiếp tục “tăng cường quan hệ” quân sự với “bạn vàng”.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Thượng tướng Thường Vạn Toàn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Ảnh: VTV

Báo Lao Động viết: Việt Nam trao đổi với Trung Quốc về những quan ngại trước diễn biến ở Biển Đông. Ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, không phản đối chuyện Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, mà “nhất trí” với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu rằng: “duy trì các cơ chế đàm phán trên biển đã tăng cường hiểu biết lẫn nhau và đạt được một số tiến triển cụ thể”.

Báo Người Lao Động đưa tin: Người Trung Quốc gom đất ở Nha Trang. Bài viết bàn về tình hình “người Trung Quốc núp bóng mua nhà đất xuất hiện ngày càng nhiều ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa gây nhiều phức tạp”. Chủ một công ty bất động sản chia sẻ về vấn đề pháp lý của chuyện giao đất cho “bạn vàng”: “Cứ yên tâm vì rất nhiều trường hợp người TQ đã mua đất, nhà ở TP Nha Trang để đầu cơ, kinh doanh dễ dàng”.


Vụ xử ông Hoàng Đức Bình và Nguyễn Nam Phong
VOA bình luận vụ Hoàng Đức Bình bị xử 14 năm tù: ‘Chế độ này bất chấp pháp luật’. Dẫn lời ông Hoàng Đức Hòa, thân phụ của nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, nhận định: “Kết quả phiên tòa như thế không thể chấp nhận được. Bình không thể bị kết tội gì cả. Trên đường đi kiện Formosa thì bị bắt cóc và quy cho tội chống người thi hành công vụ… Bây giờ cộng sản Việt Nam bất chấp pháp luật, không còn pháp luật kỷ cương nữa”.

Theo hãng tin Reuters, LS Hà Huy Sơn đã khẳng định: “Phiên tòa xét xử không có chứng cứ và không khách quan”. Về tấm ảnh chụp ông Bình có vết bầm trên hai mắt trên báo Nghệ An, tù nhân lương tâm Chu Mạnh Sơn bình luận: “Nhìn qua tấm hình đủ thấy những gì mà anh phải trải qua và chịu đựng”.

RFA đưa tin: Hai người phản đối Formosa bị kết án tù. Tác giả trích dẫn lời Bà Phạm Thị Vạn, thân mẫu của ông Hoàng Đức Bình, chia sẻ: “Bác rất tự hào, anh Bình thấy mẹ thì cười. Bác cũng không lo sợ gì cả. Anh Bình cũng rất hiên ngang. Bác nói với anh Bình là: con ơi con cứ cố lên. Con có chết cũng đừng sợ. Bác thấy anh Bình cũng bình tĩnh lắm. Anh Phong cũng vậy, bác thấy anh Phong trả lời bình thường, không sợ gì cả”.

Linh mục Nguyễn Đình Thục dẫn lời ông Hoàng Đức Hảo, em ruột ông Hoàng Đức Bình, kể chuyện bị công an hành hung: “Em bảo rằng nó (công an) giẫm đạp lên người. Nó đem gậy gộc, gậy gắt nó đánh. Có mấy lần em ngất xỉu thì công an gọi bác sĩ đến cấp cứu cho tỉnh rồi lại đập tiếp. Nó thể hiện một hành vi rất man rợ, rất độc ác”.

Liên đoàn Nhân quyền Quốc Tế và tổ chức thành viên Ủy Ban Nhân quyền Việt Nam kêu gọi Việt Nam chấm dứt bắt bớ, bỏ tù giới bất đồng, theo RFA. Bài viết nêu quan điểm của bà Debbie Stothard, Tổng thư ký Liên Đoàn Nhân Quyền Việt Nam: “Châu Âu và Hoa Kỳ ngày càng quan tâm đến lĩnh vực ký kết hợp đồng kinh tế hơn nhân quyền đã khiến Hà Nội mạnh dạn thẳng tay tấn công các quyền chính trị và dân sự căn bản của người dân”.

Cũng tin này, nhưng báo chí trong nước viết theo “định hướng” dọa nạt và trấn áp dân: Người đàn ông bôi nhọ công an bị phạt 14 năm tù. Bài viết không đề cập đến nguyên nhân ông Bình biểu tình, mà tập trung vào những hành động của anh anh như: “Bình đã đưa ra những thông tin thất thiệt nhằm định hướng cho người nghe hiểu sai bản chất vụ việc, nhìn nhận sai lệch về lực lượng công an”.

Bài viết trên VnExpress không giải thích được thông tin từ các video clip của ông Bình “thất thiệt” ở điểm nào. Trong khi đó, bộ máy tuyên truyền của chế độ CSVN đã không minh bạch khi đưa tin về thảm họa môi trường miền Trung do Formosa Hà Tĩnh gây ra, như RFA từng phân tích trong bài: Thảm họa Formosa: Quan chức nói an toàn, nhà khoa học vẫn nghi ngờ.


Bất ổn tôn giáo
RFA bàn về tình hình chức sắc tôn giáo bất đồng bị sách nhiễu. Theo bài viết, trường hợp chức sắc tôn giáo không theo phái nhà nước bị sách nhiễu, bị đàn áp gần đây nhất là ông Hứa Phi, Chánh trị sự Trưởng Khối Nhơn Sanh Cao Đài Chơn Truyền tại Lạc Dương, Lâm Đồng.

Ông Phi kể về lý do “bị đấu tố, bị ép lên gặp công an làm việc vào những ngày đầu năm 2018”, rằng: “Chung qui là do đạo Cao Đài quốc doanh do đảng cộng sản dựng lên để điều khiển đạo Cao Đài, nên tôi phản đối, họ đưa ra đấu tố tôi phiếm diện”.

Ông Nguyễn Văn Điền, một cư sĩ Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy ở An Giang, nói về cách chính quyền đàn áp Phật Giáo Hòa Hảo: “Khi mà trong đạo có những ngày hội họp hoặc ngày lễ thì họ mới thẳng tay đàn áp, còn bình thường thì cũng không có gì… bắt bớ, ngăn chặn không cho mình đi lại, có thể họ bao vây nhà cửa hoặc dùng vũ lực để đánh đập. Những điều đó thường xuyên xảy ra”.

Chánh trị sự Hứa Phi (trái) và cư sĩ Nguyễn văn Điền (phải). Ảnh: Sbs.com.au

RFA đưa tin: Thêm sáu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo sẽ bị xử án. Dẫn tin từ Tòa án huyện An Phú, tỉnh An Giang, cho biết: “Sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm đối với hai cựu tù nhân lương tâm, là cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo thuần túy cùng 4 đồng đạo vào sáng ngày 9 tháng Hai tới đây. Cáo buộc đối với họ gồm ‘chống người thi hành công vụ’ và ‘gây rối trật tự công cộng’.” Đây là 2 tội danh thường xuyên được chính quyền “tận dụng” để hợp thức hóa chuyện cầm tù người bất đồng chính kiến.

Cô Bùi Thị Bích Tuyền, con gái của cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo Bùi Văn Trung, kể chuyện ông Bùi Văn Trung và con trai, cựu tù nhân lương tâm Bùi Văn Thâm “bị công an, an ninh bắt đi” mà không có lệnh vào tháng 6/2017, rằng: “Cả mấy chục đến cả trăm người ập đến bắt cóc, rồi thảy lên xe chở đi, chứ không đọc lệnh bắt gì hết”.

Cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo Bùi Văn Trung cùng đồng đạo biểu tình tại gia phản đối chính quyền địa phương ngăn chặn, sách nhiễu trong một lễ giỗ của gia đình. Ảnh: internet

Nhìn lại 50 năm sự kiện Mậu Thân
BBC có video phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Vấn, người giữ chức Quận trưởng quận 1 của chính quyền Cách mạng lâm thời trong trận Mậu Thân ở Huế, về 25 ngày trong Thành Nội Huế:  https://www.youtube.com/watch?v=VrVS0SuADB0


“Lỗi hệ thống”
Báo Pháp Luật TPHCM đưa tin: Chi cục Văn thư-Lưu trữ Hậu Giang dính vi phạm tài chính. Theo báo cáo kết quả kiểm tra chuyện “thu chi, quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động, kinh phí chỉnh lý” tại Chi cục Văn thư-Lưu trữ Hậu Giang, “đơn vị chưa mở đầy đủ các loại sổ sách kế toán theo quy định. Một số phiếu chi trên sổ quỹ tiền mặt chưa trùng khớp với sổ chi tiết hoạt động; khoán tiền điện thoại giai đoạn 2013-2016 cho hai phó chi cục trưởng chưa phù hợp theo quy định”.

Báo Giao Thông đặt câu hỏi: Vì sao nguyên Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng bị kỷ luật? Theo quyết định kỷ luật từ BTV Thành ủy Đà Nẵng, “ông Mai Đăng Hiếu là cán bộ lãnh đạo cơ quan ngoại vụ của TP.Đà Nẵng nhưng đã thiếu chuẩn mực trong giao tiếp, thực hiện không đúng chức trách, nhiệm vụ được giao; vi phạm quy định về nhiệm vụ của đảng viên khi ra nước ngoài”.

“Lăng mộ” 1.400 tỷ
Báo Dân Việt có bài: Cận cảnh nơi dự kiến sẽ xây nghĩa trang 1.400 tỷ cho cán bộ cấp cao. Bài viết dẫn lời lãnh đạo xã Yên Trung chia sẻ: Nghĩa trang Yên Trung cho cán bộ cao cấp “sẽ được xây dựng ở thôn Hương. Theo số liệu mà UBND xã này cung cấp thì thôn Hương có 54 hộ dân với dân số là 205 người”.

Thêm một số thông tin từ “lăng mộ” dành cho đảng viên cao cấp: “Nghĩa trang Yên Trung nằm dưới chân núi Ba Vì… Tổng diện tích nghĩa trang là 120 ha, gồm khu an táng 72 ha và khu đệm cây xanh cảnh quan trên 47 ha. Nghĩa trang Yên Trung sẽ có 2.200 – 2.500 ngôi mộ; mỗi ngôi có khuôn viên 25 – 35m2. Khu vực cảnh quan có sức chứa 5.000 người”.


Kinh tế và thể chế
TS Đinh Thế Hưng bàn về chuyện xét xử các đại án kinh tế: Dọn dẹp cho thể chế. Trong bài có đoạn: “Hàng loạt vụ đại án kinh tế đã và đang xét xử trong thời gian qua cho thấy, một cuộc dọn dẹp thể chế kinh tế bằng cách dùng luật hình sự đang được khởi động. Nếu coi thể chế kinh tế là một không gian, trạng thái mà ở đó các hoạt động kinh tế diễn ra, thì rõ ràng các tội phạm kinh tế là điều không thể chấp nhận được”.

Bài viết nhắc lại phát biểu của TT Nguyễn Xuân Phúc: “Loại bỏ những băng nhóm xã hội đen trong nền kinh tế” và cho rằng: “Thực vậy, tội phạm kinh tế phải bị tiêu diệt, đổi lại không phải là số lượng người đi tù mà là thể chế kinh tế lành mạnh”. Tuy nhiên, bài viết không bàn đến gốc rễ của vấn đề là thể chế toàn trị cho phép hình thành hiện tượng “mafia đỏ”, đầu cơ chính trị thông qua tiền bạc.


Người dân và “ơn đảng”
Bài thứ hai trong loạt bài trên báo Thanh Hóa về chuyện mờ ám ở xã Yên Khương: Sử dụng “chiêu bài” thỏa thuận để ăn chia tiền của dân. Bài báo cung cấp thông tin: ông Hợp, trưởng bản Xắng, “ăn chia 50% số tiền bồi thường của 3 hộ dân gồm các ông: Lò Văn Hùng, Lò Văn Nghĩa, Ngân Thanh Bình” trong vụ bồi thường giải phóng mặt bằng tuyến đường ngang Yên Khương – Cửa khẩu Méng.

Ông Nghĩa kể chuyện đóng “phí ơn đảng”: “Tại UBND xã Yên Khương tôi được nhận đủ số tiền 127,047 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Hợp đã gặp tôi và lấy đi 61 triệu đồng. Bởi vì, trước thời điểm chủ đầu tư lên giải ngân ông Hợp đã gặp và thông tin gia đình tôi chỉ được bồi thường từ 20 đến 25 triệu đồng”.


Kiếp làm nông ở Việt Nam
VOA đưa tin: Nông sản tươi Việt Nam xếp hàng ‘chờ chết’ ở biên giới Trung Quốc. Bài báo cho biết, Hàng trăm xe tải chở các loại hoa quả tươi từ Việt Nam xuất sang Trung Quốc đang bị kẹt lại ở cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn từ ngày 2/2/2018 đến nay. Nguyên nhân: “Trung Quốc chỉ cho thông quan khoảng 250 xe/ngày, trong khi lượng xe chở hoa quả mỗi ngày đến cửa khẩu lên đến khoảng 700-800 chiếc vào dịp cận Tết”.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nói: “Nếu Trung Quốc chỉ cho một cửa khẩu thì chúng ta bị kẹt ở khâu đó. Đó là vấn đề ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc, thương lượng với nhau thế nào để bảo đảm quyền lợi cho người xuất khẩu tại Việt Nam”. “Bạn vàng, bạn tốt” của lãnh đạo CSVN đây sao?

Báo Thanh Niên đưa tin: Cơ sở thu mua nông sản vỡ nợ 15 tỉ, nhiều người dân lao đao. Bài báo cho biết: “Nhiều ngày qua, những người dân đã ký gửi nông sản, cho vay tại cơ sở thu mua nông sản của ông Phạm Quốc Trung (45 tuổi, thôn 1 xã Hải Yang, H.Đăk Đoa, Gia Lai) vô cùng lo lắng trước thông tin cơ sở thu mua này vỡ nợ”.

Ông Đỗ Đức Lợi, là người đã cho vợ chồng ông Trung vay 4 tỉ đồng và ký gửi 20 tấn cà phê và 2,6 tấn hồ tiêu chưa chốt giá, chia sẻ: “Ông Trung hứa trả nhưng chưa biết khi nào, tính đến nay thời gian nợ đã 10 tháng. Giờ cận Tết rồi không biết làm sao cả”.


Chuyện “trồng người” ở Việt Nam
Báo Lao Động đưa tin: Vụ “ngồi mát” thu tiền cấp phép dạy thêm: Thu hồi gần 1,2 tỷ đồng, hủy bỏ hướng dẫn liên tịch. Theo bài viết, sau chuyện “Sở GD-ĐT Bình Phước thu tiền quản lý dạy thêm sai quy định, Thanh tra tỉnh Bình Phước đã vào cuộc, yêu cầu thu hồi gần 1,2 tỷ đồng tiền “cấp phép dạy thêm” nộp tài khoản tạm giữ”.

Báo Người Lao Động bình luận: Giáo sư đông quá! Trong bài có đoạn bàn về hậu quả của hiện tượng “lạm phát” học hàm ở Việt Nam: “Cơ chế đào tạo và xét duyệt dễ dãi sẽ cho ‘ra lò’ nhiều người bất tài nhưng mê đắm hư danh. Và những người đó nếu tham gia vào công tác giảng dạy ở các trường đại học, các viện nghiên cứu thì sẽ cho ra đời một thế hệ trí thức kém chất lượng và vòng quay này cứ thế kéo lùi nền giáo dục”.


***
Tin thế giới

Chính trường Mỹ
Báo New York Times đưa tin: Ủy ban Tình báo Hạ Viện Mỹ bỏ phiếu công khai, chấp thuận công bố tài liệu của đảng Dân Chủ. Ủy ban Tình báo Hạ Viện chấp thuận cho công bố một tài liệu do các dân biểu Dân chủ soạn thảo, để phản bác nội dung tài liệu mật của phe Cộng Hòa công bố hôm 2/2 vừa qua, chỉ trích FBI về cuộc điều tra nghi án Trump – Nga.

Tài liệu này này đã được chuyển sang tòa Bạch Ốc hôm nay. Đài ABC cho biết, Tổng thống Trump đã xem qua tài liệu này, các viên chức an ninh quốc gia và pháp lý của ông ta sẽ tóm tắt những điều họ tìm thấy trong tài liệu để cho ông biết. Từ bây giờ cho tới cuối tuần, Trump phải quyết định liệu có để cho tài liệu này được công bố hay không. Trump đang ở thế tiến thoái lưỡng nan khi phải ra quyết định trong vài ngày tới.


Bán đảo Triều Tiên
Báo Đất Việt bình luận về sự kiện Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên đến PyeongChang: Tuyệt chiêu Kim Jong-un. Bài viết có đoạn: “Khi Kim Jong-un chọn kết nối với Seoul, chuyển vấn đề xung đột Triêu Tiên để người Triều Tiên quyết định, từ đó có thể hạn chế tối đa Mỹ-Nga-Trung sử dụng vấn đề hạt nhân Triều Tiên như lá bài phục vụ cho lợi ích trong ngoại giao nước lớn“.

Bình Nhưỡng kêu gọi thống nhất hai miền Nam – Bắc Hàn hồi tháng trước, mà các nhà phân tích đánh giá là một quyết định khôn ngoan, có thể giúp tránh chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên. “Người Mỹ không thể tấn công trừng phạt Bình Nhưỡng trong mọi trường hợp, khi Kim Jong-un biến ý nguyện hoà hoãn của mình thành khát vọng hoà bình của cả dân tộc Triều Tiên“.

VOA đưa tin: Mỹ để ngỏ khả năng gặp quan chức Triều Tiên bên lề Olympic Mùa Đông. Phó Tổng thống Mike Pence đang trên đường tới Nam Hàn để tham dự Thế Vận hội Olympic. “Chuyến đi của ông Pence đến vùng Đông Bắc Á là nhằm mục đích phản công lại chiến dịch tấn công ngoại giao của Bắc Triều Tiên tại Thế vận hội mùa đông”.

Vẫn không rõ Phó Tổng thống Mỹ và các viên chức Nam Hàn có gặp các quan chức Bắc Hàn hay không. Ông Mike Pence nói: “Về bất kỳ sự tương tác nào với phái đoàn Bắc Triều Tiên, tôi không yêu cầu có một cuộc họp, nhưng chúng ta sẽ chờ xem“.


Tình hình Trung Đông
RFI đưa tin: Vũ khí hóa học Syria: Đấu khẩu Mỹ-Nga ở Hội Đồng Bảo An. Trong cuộc tấn công hôm 5/2 ở Ghouta vừa qua, Mỹ cáo buộc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học, giết chết dân thường: “Chế độ Damas bị Mỹ tố cáo đã sử dụng chất chlore trong các cuộc tấn công ở đông Ghouta, ngoại ô Damas, làm 20 người thiệt mạng có cả trẻ em vào ngày 01/02, và ngay ngày 05/02, cũng lại ở Ghouta làm ít nhất 29 người chết“.

Phía Mỹ đưa ra một dự thảo, văn bản lên án Syria sử dụng vũ khí hóa học, nhưng phía Nga đã nói cần thêm thời gian bổ sung. “Đại sứ Mỹ Nikki Haley tố cáo thẳng thừng Nga muốn bao che chế độ Damas gây trở ngại cho việc trừng phạt. Bà Haley đã quy tội Nga làm chậm trễ một tuyên bố lên án mà nạn nhân là trẻ em Syria“.

Viet Times có bài: Nga “kích” Thổ Nhĩ Kỳ lật kèo Mỹ tại Syria, Trung Đông. “Thổ Nhĩ Kỳ luôn lo lắng về việc Mỹ ủng hộ người Kurd. Để chống lại điều đó, Ankara hỗ trợ IS và vũ trang cho các nhóm quân ủy nhiệm để bảo vệ lợi ích của mình tại Syria, dần dần đẩy đội quân này chống lại NATO và Mỹ… Liệu người Mỹ có đối mặt với người Thổ?… Tất cả sẽ phụ thuộc vào việc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục chiến lược thế nào với Nga và Iran“.


Nhân quyền ở Trung Quốc
RFA đưa tin: Trung Quốc nói giam ông Quế Dân Hải theo luật hình sự. Khoảng hai tuần trước, ông Quế Dân Hải, một người Thụy Điển gốc Hồng Kông, đã bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ khi đang đi tàu đến Bắc Kinh khoảng cùng với hai nhà ngoại giao Thụy Điển khác. Đến ngày 6/2, Bắc Kinh mới thừa nhận là đã bắt giữ ông.

Ông Quế là một trong năm người xuất bản sách ở Hong Kong nổi tiếng, do những sách này viết về đời tư của các lãnh đạo Trung Quốc. Ông cũng đã từng bị Trung Quốc bắt giữ hồi năm 2015 ổ Thái Lan.

Cũng tin Hồng Kông: Ba nhà hoạt động trẻ được tha bổng, RFI đưa tin. Ba nhà hoạt động nổi tiếng trong “phong trào dù” là Hoàng Chí Phong, La Quán Thông và Châu Vĩnh Khang đã từng bị kết án từ 6 đến 8 tháng tù trong phiên xử phúc thẩm hồi tháng 8/2017 vì họ là thủ lĩnh của phong trào biểu tình đòi dân chủ hồi mùa thu năm 2014.

Ba nhà hoạt động trẻ này đã kháng án lên Tòa Thượng Thẩm và họ đã nhận được phán quyết tha bổng. Thế nhưng họ vẫn không hài lòng. Châu Vĩnh Khang nói: “Dĩ nhiên chúng tôi hiểu là nhiều người sẽ ăn mừng việc chúng tôi được tự do, nhưng nếu đọc kỹ phán quyết thì sẽ thấy phán quyết này vẫn kết luận rằng hành động bất phục tùng dân sự của chúng tôi mang tính bạo lực”.

***











No comments:

Post a Comment

View My Stats