Sunday, 11 February 2018

BẢN TIN SÁNG 11/2/2018 (Báo Tiếng Dân)






Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
Mỹ tính rút thủy quân lục chiến từ Trung Đông về “chốt” tại Đông Á là tựa đề bài viết của báo Giáo Dục Việt Nam. Theo tin từ báo Wall Street Journal, Bộ Quốc phòng Mỹ đang xem xét điều chuyển các đơn vị thủy quân lục chiến viễn chinh đến khu vực Đông Á, trong tình hình Trung Quốc ngày càng gia tăng áp lực ở vùng Tây Nam Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo News dẫn lời Tư lệnh Hạm đội 7 Phillip Sawyer bàn về Biển Đông: “Để tìm kiếm các lợi ích tầm cỡ quốc tế, hải quân Trung Quốc đã liên tục mở rộng địa bàn hoạt động. Nếu họ hạn chế tự do thương mại ở Biển Đông hoặc phong tỏa đường biển hay đường không, sẽ ảnh hưởng đến ổn định khu vực”.


Dân oan Việt Nam
Dân oan Đoàn Thanh Giang chia sẻ: Chuyện nhà tôi: Ba đời đi khiếu kiện. Từ năm 2002, gia đình ông Giang bắt đầu “hành trình 16 năm ròng khiếu kiện ra Trung ương những việc làm trái pháp luật của chính quyền địa phương từ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom cho đến UBND Đồng Nai”. Chính quyền tỉnh Đồng Nai chẳng những không thừa nhận sai phạm đất đai, mà còn cử người xuống phá hoại, rồi cướp sạch đất đai và tài sản, khiến ông Giang mất nhà, phải cùng con cháu sống vất vưởng ở Hà Nội 16 năm qua.

Cháu Đoàn Trương Anh Thư, con ông Đoàn Thanh Giang bị lực lượng dân phòng bẻ tay khi gia đình ông biểu tình trước Phủ Chủ tịch nước. Ảnh: FB Đoàn Thanh Giang

LS Lê Văn Luân viết về bi kịch những mảnh đời của các dân oan như, bà Cấn Thị Thêu, ông Đoàn Văn Vươn, ông Đặng Văn Hiến, em Nguyễn Mai Trung Tuấn và nhiều gia đình dân oan khác phải hứng chịu, do sai phạm trong quản lý đất đai của chính quyền dẫn tới những xung đột mà “tội” bị quy về phía người dân. Khi các dân oan này cố gắng bảo vệ đất đai, tài sản của mình, chính quyền không những không nhận sai mà còn đàn áp, dẫn tới xung đột bạo lực.

Bài thứ 5 trong loạt bài về nỗi oan của ông Mưu Quý Sường trên báo Người Đưa Tin: Được giải oan giết vợ sau khi qua đời 5 năm: Thủ tục đòi bồi thường oan sai ra sao?  LS Bùi Đình Ứng so sánh vụ việc của ông Sường với một số án oan khác như: Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén và nhận định: “Trong vụ việc này, ông Sường đã mất thì những người thừa kế hợp pháp của ông này sẽ là những người đứng ra làm thủ tục yêu cầu xin lỗi, bồi thường oan sai và nhận số tiền oan sai”.

Báo Pháp Luật TPHCM có bài: Ngành tòa án và dấu ấn cải cách tư pháp. Một trong các “dấu ấn cải cách” là hệ thống tòa án… chịu thừa nhận những án oan sai. Bài viết đề cập đến vụ “ông Nguyễn Lâm Sáu ở Đắk Lắk được các cơ quan tố tụng tỉnh này xin lỗi sau hơn 30 năm bị bắt oan”, và trường hợp mới nhất là án oan của ông Mưu Quý Sường.


Hồ sơ Đồng Tâm
Facebooker Lê Đình Công chia sẻ video, ghi lại cuộc họp thường kỳ của người dân Đồng Tâm: https://www.facebook.com/100020331646724/videos/146727236014997/

“Tinh giản” biên chế
Kết quả “đúng quy trình” của nỗ lực giảm tải bộ máy hành chính: Giảm biên chế lại phình thêm, theo trang VietNamNet. Bài viết nêu một số nguyên nhân khiến bộ máy càng lúc càng cồng kềnh sau mỗi năm “tinh giản”: “Bộ máy hành chính quan liêu, kém hiệu quả, năng lực đội ngũ công chức và viên chức hạn chế, đồng lương thấp, phân cấp không đồng bộ”

Hình minh hoạ. Nguồn: DT

Trang VnEconomy đưa tin: Chính phủ chỉ đạo giảm, sáp nhập hàng loạt cơ quan. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP để thực hiện “Chương trình hành động của Chính phủ về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo chỉ đạo của Bộ Chính trị”. Theo nghị quyết này, lãnh đạo Chính phủ đang quyết tâm giảm số lượng tổng cục, cục, chi cục, vụ, phòng, cùng với số lượng các tổ chức liên ngành, ban quản lý dự án.


50 năm Tết Mậu Thân: Hoàng Phủ Ngọc Tường kêu oan
Vừa qua, dư luận xôn xao chuyện ông Hoàng Phủ Ngọc Tường “kêu oan” qua bài: Lời cuối cho câu chuyện quá buồn. Trong bài, ông Tường tiếp tục khẳng định rằng ông không có mặt trong biến cố Mậu Thân ở Huế, nhà văn Nguyễn Quang Lập ủng hộ luận điểm này.

Tác giả Võ Thiêm phản biện qua bài: Lại chuyện Hoàng Phủ Ngọc Tường. Làm sao có thể tin Hoàng Phủ Ngọc Tường khi ông ta thừa nhận có trả lời phỏng vấn ông Burchett năm 1981, tức 13 năm sau cuộc thảm sát, tự nhận mình là người có mặt trong cuộc thảm sát, để rồi phải chờ đến 37 năm sau, ông ta mới thú nhận là mình nói láo?

Ông Thiêm viết: “Một Hoàng Phủ Ngọc Tường như đồ tể nghiến răng đắc chí tự nhận hành vi giết người với đài truyền hình Mỹ năm 1981 (tức đến 13 năm sau vụ thảm sát) và một HPNT ‘biết xấu hổ’ lúc cuối đời, khi bị thất sủng, khi chanh đã khô nước. Tin HPNT nào bây giờ?

Facebooker Trung Bảo góp ý: Thà ông im lặng còn hơn…Ông Bảo Viết: “Thật lòng tôi nghĩ nếu ông không thể trung thực được với lịch sử để thế hệ sau như chúng tôi được đọc – được học, thà rằng ông im lặng luôn như lâu nay, có khi tôi vẫn nghĩ về ông như một người cầm bút. Ông lên tiếng vì nỗi oan ức của ông, nỗi oan bị người ta nói không đúng… nhưng ông vẫn không nói một lời nào đối với nỗi oan của hàng ngàn mạng người bị dập vùi trong cái tết năm ấy“.

Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn bình luận: “Từ cả clip trả lời phỏng vấn cho tới lá thư này, thấy ông Hoàng Phủ Ngọc Tường rất nhất quán: Trước sau như một, ông chỉ nghĩ đến ông và danh tiếng của cá nhân ông. Đạo đức cách mạng là đây chăng?

Về Hoàng Phủ Ngọc Phan, em trai ông Tường, bà Nguyễn Thị Thái Hòa, người từ cõi chết trở về, là nhân chứng sống trong đợt thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế kể lại chuyện bà thoát chết khỏi tay Hoàng Phủ Ngọc Phan như thế nào.

Bà Hòa khẳng định rằng, ông Phan không những có mặt trong trận Mậu Thân Huế, mà còn giết chết 3 người anh ruột, ông nội của bà và bạn của người anh trai bà. Chính mắt bà chứng kiến ông Phan đã giết chết 5 mạng người trong gia đình bà. Bà Hòa đã may mắn thoát chết trong gang tấc. Đúng là ‘Vinh quang’ xây trên xương máu (NV).

Báo Kiến Thức có bài tổng hợp theo hướng trung dung: Chiến trường Huế 1968 tàn khốc qua ảnh của phóng viên kỳ cựu Australia. Bài viết chia sẻ các ảnh do phóng viên chiến trường kỳ cựu của hãng thông tấn ABC Don North chụp trong trận Mậu Thân Huế. 

Thủy quân lục chiến Mỹ bò trườn để tránh đạn khi tác chiến trên đống đổ nát của các tòa nhà bị bom đạn phá hủy ở TPHuế ngày 24/2/1968. Ảnh: ABC/KT

Trong khi các báo “lề dân” tiếp tục lên tiếng cho những người đã chết oan, truyền thông “lề đảng” tiếp tục ca ngợi chuyện thảm sát người vô tội. Thông tấn xã Việt Nam đưa tin: Cuba đề cao ý nghĩa và bài học lịch sử của Tổng tiến công Xuân 1968. Theo đó, đảng CSVN quyết định nhờ “đồng chí” từ Trung Mỹ lên tiếng ủng hộ sự kiện Mậu Thân, trong tình hình dư luận “lề dân” càng lúc càng bất bình.

“Khúc ruột ngàn dặm”
Sau khi phá tan hoang đất nước, lãnh đạo Đảng và Nhà nước tiếp tục phát huy nguồn lực kiều bào xây dựng đất nước, quê hương. Theo ước tính của Hiệp hội Doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài, dịp Tết này sẽ có khoảng 120.000 – 130.000 kiều bào về quê đón Tết.

Nhiều người trong số này đã từng trốn chạy CS bằng cách vượt biên, lênh đênh trên biển cả, đối diện với sự sống và cái chết, đã từng bị Đảng và Nhà nước CSVN bắt bỏ tù khi phát hiện họ bỏ nước ra đi, đã từng bị CSVN gọi bằng những cụm từ khinh miệt “việt gian, phản động”, “chạy theo Mỹ, ngụy, ăn bơ thừa sữa cặn”… để rồi khi cần, đảng chuyển tông, gọi họ là “Việt kiều yêu nước”, là “khúc ruột ngàn dặm”, “một bộ phận không thể tách rời”… Đúng là: “Chỉ vì một ít đô la/ Việt gian phản quốc hóa ra Việt kiều“.

Mời xem clip Tổng Bí thư phát biểu trong dịp đón kiều bào về quê ăn Tết Mậu Tuất: https://www.youtube.com/watch?v=bZLayI_2j1E


Tình cảnh của công nhân Việt Nam
Báo Lao Động Nghệ An đưa tin: Hơn 1.000 công nhân đình công vì quà Tết không đảm bảo giá trị. Đến chiều 10/2/2018, hơn 1.000 công nhân ở Công ty TNHH BSE Điện tử Việt Nam đình công, với lý do: Nhân viên tổng vụ thiếu tôn trọng công nhân khi tặng quà Tết và giá trị các món quà không đúng như lời hứa của phía công ty.

Một công nhân chia sẻ: “Chúng tôi bất bình là vì thái độ xem thường công nhân của nhân viên tổng vụ, và với giá trị 120.000 đồng mà công ty tặng thì món quà này không đảm bảo về giá trị vật chất”.

Hơn 1000 công nhân Công ty BSE đình công. Ảnh: LĐNA

Báo Giao Thông có bài: Hàng trăm người bị nhà xe “Giận mà thương” bỏ rơi trước Tết. Nhiều công nhân ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai đã bị lừa với tổng số tiền lên đến hơn 400 triệu đồng. Người tên Tuấn Anh, chủ nick Facebook “Giận mà thương”, đã bỏ trốn sau khi nhận tiền đặt cọc vé xe khách của những công nhân này.


Thực hư trình độ “giáo sư” Việt Nam
Nhà báo Hồ Bất Khuất dự đoán kết quả sát hạch trình độ ngoại ngữ các tân GS, PGS: 20% tân PGS, GS không dám tham gia, 30% như “gà mắc tóc”, theo báo Lao Động. Tác giả đề xuất Thủ tướng Phúc thành lập các hội đồng sát hạch ngoại ngữ, và tiến hành kiểm tra các tân GS, PGS trước ngày họ ra Văn Miếu nhận bằng. “Nếu số vượt qua sát hạch thấp, chỉ dưới 70% thì hội đồng giáo sư quốc gia phải chịu trách nhiệm”.

Báo Giáo Dục Việt Nam đặt câu hỏi: Giáo sư, phó giáo sư được hưởng những “bổng lộc” gì? Tác giả lưu ý “bổng lộc” của GS trong hệ thống đại học công lập: “Được xếp vào bậc lương có hệ số cao hơn một bậc so với hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất hệ số lương đang hưởng”, nếu người được bổ nhiệm đã hưởng lương tương đương GS từ trước thì hệ số lương lại được nâng tiếp một bậc.

Diễn tiến “lạm phát” GS, PGS từ năm 2009 tới năm 2017. Nguồn: VOV/GDVN


Giáo dục Việt Nam: Vừa “trồng người”, vừa trục lợi
Báo Lao Động đặt câu hỏi: Xóa trường công, nhập vào trường tư thục: Vì học sinh hay vì doanh nghiệp? Theo đó, Trường THPT Tiên Yên ở Quảng Ninh sắp “được” sáp nhập vào trường tư thục của một doanh nghiệp. Lý do: UBND huyện Tiên Yên… không đủ tiền, “việc sáp nhập nhằm tiết kiệm ngân sách, bởi cơ sở vật chất của trường công đã xuống cấp, nếu đầu tư xây lại sẽ mất 80 tỉ đồng”.

Từ cuối tháng 1/2018, nhiều học sinh Trường THPT Tiên Yên đã cùng viết tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục xin giữ lại trường, theo báo Thanh Niên. Một giáo viên chia sẻ: “Nếu trường chuyển sang mô hình dân lập sẽ hoạt động theo luật doanh nghiệp. Trong khi giáo viên chúng tôi là viên chức, công chức, chế độ sẽ bị thay đổi”.

Báo Giáo Dục Việt Nam có bài: Tây tích hợp, ta ghép môn. Thầy Nguyễn Nguyên viết bài này để phản biện bài viết chứng minh thế giới sách giáo khoa dạy tích hợp Lý-Hóa-Sinhcủa tác giả Nguyễn Thị Thanh Thủy. Thầy Nguyên phân tích: Nền giáo dục Việt Nam đã đi sau các nước có SGK tích hợp ít nhất 20 năm, bây giờ nếu lãnh đạo ngành giáo dục ráng làm SGK tích hợp, thì đó là “ghép môn” chứ không phải tích hợp.


***


Tin thế giới

Chính trường Mỹ
VOA có bài: Trump bênh vực cựu phụ tá bị cáo buộc bạo hành, thêm phụ tá nữa từ chức. Về cựu phụ tá Rob Porter của Trump phải từ chức vì bị hai người vợ cũ cáo buộc bạo hành, nhưng ông Trump lên tiếng bênh vực ông Porter, không nhắc gì tới hai người vợ cũ, là nạn nhân của phụ tá mình.

Hành động của Trump cũng dễ hiểu, vì Porter chính là phiên bản của Trump, bởi Trump cũng đã bị nhiều phụ nữ cáo buộc bạo hành và quấy rối tình dục. Bài báo có đoạn: “Lời tán dương của tổng thống dành cho nhân viên bị cáo buộc bạo hành phụ nữ tương tự như những lời phủ nhận của ông Trump về những hành vi thiếu đứng đắn của ông khi ông đối diện với các cáo buộc từ hơn một chục phụ nữ“.

Ông John Kelly, Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc sẵn sàng từ chức vì vụ Porter. Lúc đầu ông Kelly bênh vực người phụ tá của mình, sau khi bị chỉ trích, ông nói rằng ông bị sốc khi biết tin. Ông Kelly nói: “Tôi cảm thấy sốc khi các tố cáo mới đối với Rob Porter được đưa hôm nay. Xã hội chúng ta không chấp nhận bạo động trong gia đình”.

Tin không lạ, nếu mọi người hiểu con người của Trump: Nghi án Nga xen vào bầu cử Mỹ: TT Trump chận tài liệu của bên Dân Chủ. “Nếu tổng thống Mỹ đã dễ dàng chấp nhận bản ghi nhớ của phía Cộng Hòa, được cho là có lợi cho ông, và đã cho công bố ngay văn kiện này, thì ngược lại, ông đã nêu bật vấn đề an ninh để cấm công bố bản ghi nhớ của phía Dân Chủ“.


Bán đảo Triều Tiên
Truyền thông quốc tế đưa tin, Kim Jong Un mời TT Moon đến dự hội nghị thượng đỉnh. Lời mời TT Nam Hàn của ông Kim Jong-un đã được người em gái là Kim Yo Jong chuyển tới ông Moon qua bức thư cá nhân. Đây là một bước đột phá ngoại giao to lớn, thúc đẩy một giải pháp ngoại giao cho tình trạng bế tắc hiện nay ở bán đảo Triều Tiên.

Bà Kim Yo-jong tươi cười bắt tay với Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in. Ảnh: internet

TVH Pyeongchang: Hàn Quốc vất vả « lách » trừng phạt để đón đoàn Bắc Triều Tiên, là tựa đề bài viết trên RFI. Chính phủ Nam Hàn vừa bận rộn chuẩn bị Thế Vận hội, vừa phải đau đầu nghĩ ra cách đón phái đoàn Bắc Hàn, mà không vi phạm lệnh trừng phạt của HĐBA Liên Hiệp quốc.

Làm cách nào để máy bay từ Nam Hàn đáp xuống sân bay Bắc Hàn tập luyện, phà của Bắc Hàn đưa vận động viên cập bến Nam Hàn, hay chính quyền miền Nam tiếp đón những nhân vật cao cấp trong phái đoàn miền Bắc tới tham dự Thế Vận hội mà không phải vi phạm lệnh trừng phạt của LHQ, là những vấn đề đau đầu mà chính quyền Seoul đã trải qua.


Nhân quyền ở Trung Quốc
Trung Quốc: Ông Quế Dân Hải xuất hiện sau gần ba tuần giam giữ. Nhà phát hành sách Hồng Kông có quốc tịch Thụy Điển đã bị mất tích gần 3 tuần trước, bỗng nhiên xuất hiện trong cuộc họp báo do Bộ Công an TQ tổ chức.

Trong clip họp báo dài 20′, ông Quế Dân Hải lên án chính quyền Thụy Điển ‘ép buộc ông phải rời khỏi Trung Quốc’, sử dụng ông như ‘con tốt trong một cuộc cờ’…bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đưa tin. Màn “thú tội” của các nhà bất đồng chính kiến khá quen thuộc, thường diễn ra ở các nước độc tài.

Người dân Trung Quốc bị giám sát nơi công cộng: Cảnh sát đeo kính nhận dạng khuôn mặt để lùng nghi phạm. Trang Business Insider cho biết: “Để đi tầu hỏa tại Trung Quốc, hành khách phải có thẻ căn cước. Quy định này cho phép ngăn chặn những người nợ quá nhiều đi tầu cao tốc. Nhưng đặc biệt là nhằm hạn chế việc đi lại của các cộng đồng tôn giáo thiểu số. Giấy tờ tuỳ thân của họ bị tịch thu và họ phải chờ nhiều năm để được cấp hộ chiếu”.


Vụ tự tử của con trai Fidel Castro
RFI có bài điểm báo: Vụ con trai Fidel Castro tự sát và hoàng hôn của chế độ Cuba. Báo L’Express có bài viết về cái chết của con trai trưởng của Fidel Castro, thường được gọi là Fidelito. Cái chết của ông là một chỉ dấu chính trị, “Fidelito đã chọn cái chết lạnh lẽo, thay cho Tổ quốc xã hội chủ nghĩa dưới ánh mặt trời nhiệt đới”.

Tác giả viết, “bản thân vụ tự tử này cho thấy sự trượt dốc của chế độ Castro – dường như không thể nào vực dậy được nếu không thay đổi triệt để đường lối. Cuộc đời của Fidelito là sự tóm lược kinh nghiệm thảm hại của chủ nghĩa mác-xít Cuba. Cái chết của ông như một sự biểu hiện về chính trị, nhấn mạnh đến sự vô nghĩa của một ý thức hệ cằn cỗi mà một giai cấp phải bám vào – một viễn cảnh tuyệt vọng“.


***







No comments:

Post a Comment

View My Stats