Wednesday, 6 December 2017

TRUMP, THUẾ và ĐẢNG CỘNG HÒA (Ngô Nhân Dụng)


Ngô Nhân Dụng
December 5, 2017

Cuộc hợp tác giữa đảng Cộng Hòa và Tổng Thống Donald Trump có lúc lên lúc xuống; và hiện nay là lúc đang lên. Cuộc lương duyên này trắc trở ngay từ đầu năm 2016.

Ông Trump bị coi như một người ngoại cuộc nhảy vô chiếm lấy vai trò ứng cử viên tổng thống của đảng, đánh bại tất cả các đối thủ. Cuối cùng, đảng Cộng Hòa phải ủng hộ ông, vì dù sao ông ta cũng không phải là… Hillary Clinton!

Nhưng trong gần một năm qua, hai bên đã nhiều lần cơm không lành canh không ngọt, đành nhịn và chịu đựng lẫn nhau. Nhiều chính khách Cộng Hòa không chấp nhận được cách nói năng, hành xử, và cả con người ông tổng thống.

Ông Trump cũng không ngần ngại tấn công những “rường cột” của đảng, từ chủ tịch Hạ Viện tới trưởng khối đa số ở Thượng Viện. Và ông từng gọi tên, đe dọa thẳng các dân biểu, nghị sĩ cùng đảng, báo trước nếu không chịu bỏ phiếu theo ý ông thì đừng có hy vọng ra tranh cử năm tới.

Đảng Cộng Hòa phải hợp tác với ông Trump, bởi vì ông sẽ thi hành những chính sách mà đảng đã theo đuổi bao nhiêu năm qua. Ông Trump sẽ ký ban hành những đạo luật mà cả ông và đảng Cộng Hòa cùng muốn ban hành.

Đảng Cộng Hòa không thông qua được một đạo luật bảo hiểm y tế thay thế Obama-Care, vì nội bộ không thống nhất, trong khi ông Trump sẵn sàng ủng hộ bất cứ dự luật nào, miễn là không phải của ông Obama.

Nhưng ông Trump đã dùng quyền hạn của người đứng đầu hành pháp để ngăn cản bớt những chính sách của cựu Tổng Thống Barak Obama, trong các vấn đề di dân, bảo vệ môi trường, bảo hiểm y tế, việc kiểm soát bán súng, vân vân, dù chưa thay đổi luật lệ.

Ông Trump đã đề cử một vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện bảo thủ đúng như đảng Cộng Hòa mong đợi. Trong hơn một năm, đảng Cộng Hòa ở Thượng Viện không chịu ngó ngàng tới vị thẩm phán được ông Obama đề nghị, chỉ để chờ đến lúc có ông tổng thống mới, ông ấy sẽ đưa một người của đảng mình vô chỗ trống. Và ông Trump đã cho họ toại nguyện.

Ngó lại những thành tích trên, có thể nói trong cuộc cộng tác giữa ông Trump và đảng Cộng Hòa, ông đã làm đầy đủ những gì cần phải làm  đối với đảng. Đến lúc đảng Cộng Hòa phải làm gì để đáp lại.

Bây giờ, ít nhất đảng Cộng Hòa đang chuẩn bị đáp lễ ông Trump với việc thông qua một đạo luật cắt thuế. Đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện đã phê chuẩn một dự luật cắt thuế vào tháng trước, và trong tuần rồi Thượng Viện cũng đồng ý với một dự luật khác. Hai bên có thể thương lượng để đi tới một dự luật chung, đưa qua Tòa Bạch Ốc cho ông tổng thống ký.

Đó sẽ là món quà Giáng Sinh quý nhất cho cả ông Trump lẫn đảng Cộng Hòa. Đối với ông tổng thống, đây là thành tựu lập pháp quan trọng đầu tiên, sau gần một năm loay hoay, lúng túng. Đối với các dân biểu và nghị sĩ Cộng Hòa, năm tới họ có thể khoe với cử tri rằng họ có khả năng cai trị, cờ đến tay đã có thể phất cờ chứ không phải chỉ nói và chống phá.

Sau 11 tháng không làm được một đạo luật nào quan trọng, nay đảng Cộng Hòa hy vọng cử tri có thể quên đi những thất bại khi không xóa được đạo luật y tế của Tổng Thống Obama.
Vấn đề bảo hiểm y tế nay trở thành thứ yếu so với dự luật cắt giảm thuế “khổng lồ” mà đảng Cộng Hòa sẽ có cơ hội ban hành. Họ hy vọng các công ty được cắt giảm thuế sẽ có tiền đầu tư nhiều hơn, từ đó sẽ tạo ra thêm công việc làm, tức là gia tăng lợi tức cho người tiêu thụ, cuối cùng, kinh tế sẽ phát triển cao hơn. Riêng viễn tượng giảm thuế các công ty cũng đủ giúp cho thị trường chứng khoán tăng vọt lên, vì các xí nghiệp sẽ có nhiều tiền hơn để phân phối dưới nhiều hình thức cho các cổ đông, chủ nhân của các cổ phần đang mua bán trên thị trường.

Tất nhiên, trong lúc vui mừng nhất, đảng Cộng Hòa cũng không quên rằng mỗi thành công đều có thể chứa đựng những mầm mống gây ra trở ngại trong tương lai.

Đảng Cộng Hòa đã giữ Tòa Bạch Ốc tám năm trong thời cựu Tổng Thống Georges W. Bush, và ông Bush cũng đã cắt giảm thuế hai lần, năm 2001 và 2003. Dân chúng Mỹ có thể nghi ngờ những hiệu quả của việc cắt thuế cho người giầu, sau kinh nghiệm cuộc khủng hoảng năm 2007 và kéo nhiều năm.

Giới trung lưu có thể phản ứng mạnh trước đạo luật cắt thuế mới, mà những người giàu nhất được hưởng lợi. Những cử tri bảo thủ thực sự sẽ bất bình vì việc cắt thuế sẽ khiến ngân sách càng thiếu hụt và các món nợ của quốc gia sẽ tăng lên. Nhất là nếu sang năm Quốc Hội lại đưa ra một đạo luật chi tiêu khổng lồ để xây dựng hạ tầng cơ sở trên toàn quốc. Trong số những người chống khiếm hụt ngân sách và chống vay nợ có những cử tri nhiệt liệt ủng hộ ông Trump.

Cuộc thử thách trước mắt sẽ là bản dự luật về chi tiêu của chính phủ. Nếu Tòa Bạch Ốc và giới lãnh đạo Cộng Hòa ở Quốc Hội không thỏa hiệp được với nhau thì cả hai bên sẽ không thể “ăn Tết” được. Và vụ bế tắc này không thể đổ lỗi cho đảng Dân Chủ được, vì các đại biểu Cộng Hòa chống khiếm hụt ngân sách mạnh miệng nhất.

Điều đáng lo ngại hơn cả là nền kinh tế Mỹ không chạy theo đúng lộ trình mà các nhà chính trị Cộng Hòa vẽ ra. Nhiều nhà kinh doanh đã nói thẳng rằng họ không quyết định đầu tư thêm chỉ vì được giảm thuế. Việc đầu tư nào cũng phải dựa trên khả năng sinh lời; nếu có lời thì đóng bao nhiêu thuế cũng nên đầu tư. Nếu không lời to thì dù không phải đóng đồng thuế nào cũng không nên bỏ vốn.

Có tiền mà không đầu tư thì các công ty sẽ làm gì? Giản dị nhất là trả lại tiền cho chủ nhân, những người làm chủ cổ phần của công ty. Một cách là chia cổ tức, tiền lời cho các cổ phần; cách khác là công ty mua chính cổ phần của họ trên thị trường để giá trị của cổ phần gia tăng.

Nhưng hiện nay kinh tế Mỹ đang tới tình trạng tăng trưởng đẫy đà, không cần phải được kích thích nữa. Trong năm qua kinh tế cả thế giới bắt đầu nhích lên, và ngân hàng trung ương các nước bắt đầu lo lạm phát.

Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Fed) cũng bắt đầu lo ngăn chặn lạm phát nhiều hơn là lo giảm bớt thất nghiệp. Nếu Fed quyết định tăng lãi suất trong Tháng Mười Hai này và vào đầu năm 2018, thì tốc độ phát triển kinh tế sẽ không lên cao được nữa. Khi đó, những hứa hẹn kích thích tăng trưởng nhờ việc cắt thuế sẽ khó thành sự thật. (Ngô Nhân Dụng)








No comments:

Post a Comment

View My Stats