Monday 18 December 2017

BẢN TIN NGÀY 18/12/2017 (Báo Tiếng Dân)



Tin Trong Nước

Tin Biển Đông
Báo Thanh Niên có bài: Trung Quốc đẩy mạnh giám sát Biển Đông. Tác giả nhắc lại kế hoạch “giám sát Biển Đông” tại một cuộc hội thảo ở thành phố Tam Á, đảo Hải Nam của Trung Quốc. Tác giả dẫn một số thông tin chi tiết được công bố bởi Nhân Dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc: “Viện Nghiên cứu cảm biến từ xa Tam Á (Hải Nam) sẽ phóng 3 vệ tinh quang học vào năm 2019 và sau đó tiếp tục phóng 7 vệ tinh, trong đó có 2 vệ tinh radar, để hoàn tất chùm sao vệ tinh vào năm 2021”.

Vừa xây được hệ thống căn cứ với nhiều cơ sở, khí tài hỗ trợ không chiến, hải chiến trên Biển Đông, vừa sắp phóng hệ thống vệ tinh để quan sát mọi chuyển động, dù là nhỏ nhất, ở vùng tranh chấp, nên Trung Quốc rất tự tin tuyên bố, “bảo vệ chủ quyền, ngư dân ở vùng biển xa và đối phó kịp thời những sự cố trên biển”.

Trước tình hình Trung Quốc ngấm ngầm gia tăng áp lực quân sự trên Biển Đông, lãnh đạo Việt Nam trên bờ tiếp tục ứng phó bằng cách tăng cường công tác tuyên truyền biển đảo, Hoàng Sa và Trường Sa. Tác giả ghi nhận, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, các cơ quan thông tin, truyền thông của tỉnh Quảng Trị đã đạt được nhiều thành tựu trong tuyên truyền về “đường lối đúng đắn” của Đảng và Nhà nước về vấn đề Biển Đông.

Mặt trận tuyên truyền cứ diễn tiến thuận lợi thế này thì chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông sẽ được giữ vững trên… giấy tờ và diễn văn của các quan chức cố thủ trên bờ!

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Thuyền trưởng Việt kể bị Indonesia bắt trong vùng biển Việt. Trả lời phỏng vấn từ Tuổi Trẻ, thuyền trưởng Nguyễn Văn Vỹ kể, ông bị 4 người Indonesia dùng vũ khí áp sát và buộc lái tàu hết tốc lực về phía biển Indonesia, trong khi các tàu chấp pháp Việt Nam quyết liệt dùng… “võ mồm”, hy vọng tàu nước bạn dừng tay.

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Vỹ, là người đã bị Indonesia tạm giam hơn 7 tháng. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Thuyền trưởng Vỹ khẳng định: buổi chiều 03/05/2017, ông đang hành nghề ở tọa độ nằm sâu trong vùng biển Việt Nam, nằm trong cả giàn khoan mỏ Nam Côn Sơn, thì bất ngờ tàu hải quân của Indonesia mang số hiệu 644 áp sát và khống chế tàu của ông. Loa phát thanh của lực lượng chức năng Việt Nam đã không thể ngăn tàu hải quân nước bạn đưa ông Vỹ về Indonesia và giam giữ nhiều tháng trời không xét xử.

Phía Việt Nam khẳng định họ có đầy đủ bằng chứng, chứng minh phía Indonesia đã làm sai. Phía Indonesia thì có vẻ không quan tâm đến sự “khẳng định” của Việt Nam và tiếp tục giam giữ thuyền trưởng Vỹ.

Báo Tuổi Trẻ có bài bình luận của TS Ngô Hữu Phước: Bắt ngư dân trong vùng biển chồng lấn là trái luật quốc tế. Theo tác giả, căn cứ vào Công ước Luật Biển 1982, cũng như các thỏa thuận giữa lãnh đạo Việt Nam và Indonesia, phía Indonesia đã làm sai khi bắt giữ 5 thuyền trưởng tàu cá tỉnh Kiên Giang. Tác giả cho rằng, “các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cần kiên quyết đấu tranh với Indonesia”.

Tuy nhiên, các lãnh đạo Việt Nam thường chỉ có trách nhiệm trong khâu “tuyên bố mình đúng”, còn làm sao để bảo vệ sự đúng đắn ấy thì họ không quan tâm.

Nhân quyền ở Việt Nam
Trang Hội Sinh viên Nhân quyền VN đăng bài của GS Phạm Minh Hoàng: Viết cho em Trần Hoàng Phúc. GS Hoàng chia sẻ những kỷ niệm và đánh giá về nhà đấu tranh trẻ tuổi Trần Hoàng Phúc, thành viên của YSEALI (nhóm Sáng kiến Lãnh đạo Đông Nam Á do tổng thống Barack Obama thành lập). GS Hoàng ghi nhận Trần Hoàng Phúc là một bạn trẻ sớm có những đánh giá “già dặn”, tích lũy nhiều kiến thức và kỹ năng sống, có óc quan sát và lòng ham học.

Về việc Trần Hoàng Phúc bị bắt theo điều 88 Bộ luật Hình sự, GS Hoàng đánh giá: “Xứ sở này quả thực không có chỗ cho những thanh niên dám nghĩ khác, dám làm khác những khuôn mẫu dựng sẵn”.

Facebook Thanh Niên Công Giáo đưa tin: Diễn biến tại Giáo xứ Kẻ Gai tiếp tục căng thẳng. Tác giả khẳng định, từ 10 giờ sáng ngày 17/12/2017, đã có rất đông công an, an ninh xuống trấn áp, hành hung người dân của Giáo xứ Kẻ Gai. Buổi chiều, có thêm rất đông cảnh sát cơ động, an ninh đến tiếp viện cho lực lượng an ninh ở hiện trường.

An ninh trấn áp giáo dân Giáo xứ Kẻ Gai. Ảnh: TNCG

Dẫn lời một người dân địa phương thuật lại tình hình: “Đất này là của người dân hiến cho Giáo xứ để làm nhà thờ giáo họ, sáng sớm nay bà con đến để làm nhưng công an đã đánh các bà và một người đang được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện Xã Đoài. Hiện giờ có khoảng tầm 300 tên cảnh sát cơ động, chưa tính các tên công an khác đang ở đây”.

Facebooker Lã Việt Dũng có bài: Cô ấy ngồi đây. “Cô ấy” chính là bà Nguyễn Thị Loan, thân mẫu của tử tù Hồ Duy Hải. Tác giả nhấn mạnh rằng, vụ án của tử tù Hồ Duy Hải là trường hợp điển hình của những phiên tòa xem thường nhân quyền ở Việt Nam. Riêng trường hợp Hồ Duy Hải, tòa đã bỏ qua những nhân chứng, vật chứng khẳng định sự vô tội, và kết tội Hải vì những tình tiết rất mập mờ, thậm chí, một số “vật chứng” bổ sung vào hồ sơ vụ án thực chất… được mua ngoài chợ.

Cô Nguyễn Thị Loan, thân mẫu tử tù Hồ Duy Hải, biểu tình ở bờ Hồ Hoàn Kiếm ngày 17/12/2017 cùng một số nhà đấu tranh ở Hà Nội. Ảnh: Facebook Nguyễn Thúy Hạnh.

Tác giả nhấn mạnh, bà Nguyễn Thị Loan phải biểu tình ở bờ Hồ Hoàn Kiếm, ngày 17/12/2017, vì “một kẻ tên là Nguyễn Văn Nghị, nghi phạm chính trước đó có quan hệ mật thiết với nạn nhân, tối hôm đó có mặt tại hiện trường, đã được công an lấy lời khai rồi đột ngột được thả ra để bỏ trốn khỏi địa phương và sau này không hề xuất hiện trong hồ sơ vụ án”.

Theo tác giả nhân vật Nguyễn Văn Nghị này cũng được người dân địa phương xác nhận là cháu của bà Trương Mỹ Hoa, cựu phó chủ tịch nước CHXNCN Việt Nam. Nếu đúng như vậy thì pháp luật đảng quả thực cũng tài tình như cái lò bác Tổng, biết “nhận mặt người quen”.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh chia sẻ“Sáng nay, tôi cùng một số bạn bè Hà Nội ra vườn hoa Lý Thái Tổ đồng hành và chia sẻ cùng bà Loan, người mẹ đau khổ đã 10 năm lăn lộn vật vã đòi công lý cho con trai bị kết án tử hình mà nhiều dấu hiệu cho thấy rằng con bà bị oan”.

Facebook Thanh Niên Công Giáo đưa tin: Cập nhật thông tin, hình ảnh tại Giáo xứ Đông Kiều. Bài viết cho biết, sáng ngày 12/17/2017, lực lượng an ninh, công an vẫn bất lực trước hang đá của giáo xứ Đông Kiều, “mặc dù họ đã tuyên bố sẽ cưỡng chế sau 24 tiếng đồng hồ kề từ sáng ngày 13/12/2017”.

Theo tác giả, phía an ninh, công an đã cài cắm, bố trí nhân lực và vật lực bất kể ngày đêm để phá dỡ hang đá bất cứ lúc nào người dân mất cảnh giác. Suốt cả ngày 16/12/2017, đã có khoảng 20 chiếc xe ô tô và “rất đông thành phần” tập trung tại UBND xã Diễn Mỹ.

Nhà văn Trần Trung Đạo có bài nhận định: Bắt luật sư Nguyễn Văn Đài là hành động tuyệt vọng của đảng Cộng sản. Ông Đạo cho rằng, trong vòng 85 năm kể từ ngày thành lập chế độ, chưa bao giờ thể chế đảng trị ở Việt Nam lâm vào tình cảnh “bị động và bị cô lập” trước thế giới và nhân dân như bây giờ.

Tác giả ghi nhận rằng, những phong trào dân chủ, đấu tranh từ chỗ tự phát đang ngày càng có tổ chức hơn, diễn ra trên mọi lĩnh vực của xã hội: “Hôm nay, tranh đấu cho dân chủ đất nước là khẩu hiệu của thời đại, là niềm vui chứ không còn là nỗi sợ nữa. Đảng CS, trái lại, mỗi ngày thêm co cụm và run rẫy khi nghĩ tới ngày mai. Bắt Nguyễn Văn Đài là hành động tự thú cho nỗi lo của đảng”.

Về bản chất của “Bộ Luật hình sự”, tác giả bình luận, nó “chỉ là một văn bản của chế độ Cộng sản tự dựng lên để có lý do trả thù những ai đi ngược lại quyền lợi của lãnh đạo đảng Cộng sản”. Tác giả khẳng định, Bộ luật Hình sự Việt Nam không hơn một bản sao chép từ Luật Hình sự Liên Xô, ban hành năm 1927.

LS Đặng Đình Mạnh cho biết: Thông tin về vụ án “Liên minh dân tộc Việt Nam tự quyết”. Giữa tháng 12/2017, với tư cách luật sư bào chữa cho ông Lưu Văn Vịnh và Nguyễn Văn Đức Độ, LS Mạnh đã vào trại tạm giam CA TPHCM (Khám Chí Hòa) gặp và làm việc với hai người.

Ông Lưu Văn Vịnh giải thích rằng việc ông tổ chức và kêu gọi để xây dựng “Liên minh Dân tộc Việt Nam tự quyết” hoàn toàn vì một lộ trình thay đổi nền tảng chính trị Việt Nam mà trong đó, lực lượng công an, quân đội vẫn được bảo toàn để duy trì trật tự. Ông Vịnh bị bắt ngày 06/11/2016 và bị khởi tố theo điều 79 Bộ luật Hình sự, tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

LS Mạnh cho biết: “Đến nay thì vụ án đã có Cáo trạng của Viện Kiểm Sát Nhân dân TP.HCM và hồ sơ đã chuyển qua tòa án chờ xét xử. Cả hai đều bị truy tố theo khoản 1 điều 79 Bộ luật Hình sự với tội danh ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” có quy định hình phạt rất nặng’.”

BBC đưa tin: VN “đừng nên coi bất đồng là thù địch”. Tác giả ghi nhận một hiện tượng đáng chú ý: nhiều nhà hoạt động trong giới đấu tranh nhân quyền ở Việt Nam “đang gặp phải một đợt ‘theo dõi’, ‘tấn công mạng’ hay ‘tai nạn’ khó hiểu”. Trả lời phỏng vấn BBC Việt ngữ, một số nhà hoạt động chia sẻ rằng họ thường gặp sự cố truy cập với các tài khoản Facebook, YouTube và trang blog cá nhân, hoặc họ bị theo dõi và thậm chí có lúc gặp nguy hiểm đến tính mạng.

Tác giả cho biết: bất chấp việc giới tranh đấu gặp phải sự đàn áp rất khốc liệt trong năm 2017, giới lãnh đạo Việt Nam vẫn khẳng định: “Không có cái gọi là ‘tù nhân chính trị’ và ‘tù nhân lương tâm’, mà chỉ có những người vi phạm pháp luật đã bị xét xử theo luật pháp của Việt Nam”. Trong khi phe cánh ông Trần Quốc Vượng làm càn ở vùng Yên Bái thì vẫn không bị xếp vào diện “vi phạm pháp luật” bởi họ cùng phe với những người nhóm lò?!

Mời đọc thêm: Chính quyền ở đâu? (TMCNN).

Lò và cách chọn củi
Báo VnExpress đưa tin: Cách mọi chức vụ trong Đảng của Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Ngô Văn Tuấn. Tác giả cho biết: ngày 17/12/2017, cuộc họp của Ban Bí thư tại trụ sở Trung ương Đảng do TBT Nguyễn Phú Trọng chủ trì, đã ra quyết định kỷ luật ông Ngô Văn Tuấn, cựu Bí thư Đảng ủy, cựu Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa.

Tác giả dẫn thông tin: “Căn cứ quyết định của Bộ Chính trị về xử lý đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định cách chức tất cả chức vụ trong Đảng của ông Ngô Văn Tuấn”. Yếu tố nâng đỡ người tình trong hồ sơ của ông Ngô Văn Tuấn đã trở thành một vết nhơ mà những người đứng đầu Đảng khó lòng dung thứ, trong hoàn cảnh bác Tổng đang cần chứng minh tính chính danh, vô tư của cái lò nhà bác.

Báo Tiền Phong đưa tin: Cách chức nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Văn Vọng. Bây giờ là thời điểm cuối năm 2017, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật ông Phạm Văn Vọng bằng hình thức rất “nặng nề” là cách chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010 – 2015. Đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010 – 2015, Ban Bí thư cũng quyết định kỷ luật bằng hình thức “nặng nề” không kém là… cảnh cáo.

Vậy nên, không phải củi nào vào lò bác Tổng cũng cháy to. Có những khúc củi bắt buộc phải cháy to để ăn khớp với những thao tác định hướng, dẫn dắt dư luận từ trước. Có những khúc củi cháy xém cũng đủ để bác Tổng chứng minh hiệu quả của cái lò, trên tinh thần “ném chuột đừng đánh vỡ bình”.

Báo Người Lao Động đưa tin: Ông Lê Phước Thanh xin xem lại việc kỷ luật con trai Lê Phước Hoài Bảo. Tác giả ghi nhận: đối với từng điểm sai phạm của “quý tử” trong kết luận của UBKT Trung ương, ông Thanh đều dẫn ra được lý do, thông tin để chứng minh rằng ông Lê Phước Hoài Bảo không vi phạm đến mức như các kênh truyền thông của Ban Tuyên giáo đưa tin.

Tác giả dẫn lời ông Thanh: “Bảo đi học theo học bổng của tỉnh thì tất nhiên sẽ về làm việc cho tỉnh nên không thể cố tình vi phạm nguyên tắc sinh hoạt Đảng để bị kỷ luật được. Tôi nghĩ vấn đề này cần phải làm rõ để người đảng viên bị kỷ luật thấy được sự sai trái, không oan ức và thỏa mãn với hình thức kỷ luật”.

Trường hợp “con hơn cha là nhà có phúc” ở Tỉnh ủy Quảng Nam là điển hình của những khúc củi không thể chỉ “cháy xém”. Ống kính của những người giúp bác Tổng nhóm lò đã chĩa vào vụ này từ trước lúc người trộm chim quý của ông Bảo đối mặt bản án 7 năm tù.

Báo Đất Việt đăng bài: Bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo: Từng rất đúng quy trình. Một thông tin đáng chú ý được tác giả nêu: trước khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra kết luận, tỉnh Quảng Nam và Bộ Nội vụ đều khẳng định ông Lê Phước Hoài Bảo được bổ nhiệm đúng quy trình.

Sự không ăn khớp trong phát ngôn từ Trung ương đến địa phương này cũng hé mở một mục tiêu ẩn của cái lò bác Tổng, chính là đường dây của những khúc củi khiến lò bác Tổng không thể “nhận mặt người quen”. Vậy nên, ông Đinh Văn Thu, một trong những quan chức tuyên bố Lê Phước Hoài Bảo thăng tiến đúng quy trình cũng theo bước chân cha con Phước Thanh, vào lò.

Báo Người Lao Động có bài: Ông Lê Phước Hoài Bảo không phải con bí thư thì không lên nhanh vậy. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Sự, cựu Bí thư Thành ủy Hội An (tỉnh Quảng Nam) đánh giá: “Đã là sinh hoạt Đảng mà vi phạm nguyên tắc thì không ai nói đi nói lại được đâu”. Ông Sự cũng khẳng định ông Lê Phước Hoài Bảo có được chặng đường thăng tiến như vậy nhờ uy thế của gia đình.

Ông Nguyễn Sự này là một trong những người từng ủng hộ phe nhóm Lê Phước Thanh, Lê Phước Hoài Bảo, Đinh Văn Thu. Nay thấy đường dây này vào lò, ông đã nhanh chóng đổi giọng.

Ông Nguyễn Sự, thời còn tháp tùng ông Đinh Văn Thu, là người tuyên bố Lê Phước Hoài Bảo được bổ nhiệm đúng quy trình trước khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương có kết luận. Ảnh: Zing

Báo Lao Động có bài bình luận: Ông Lê Phước Hoài Bảo không còn “đúng quy trình” nữa, thưa Thứ trưởng Trần Anh Tuấn! Tác giả nhắc lại kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với số phận chính trị của cha con ông Lê Phước Thanh, và cũng nhắc lại lời tuyên bố cách đây hơn 2 năm của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn về việc ông Lê Phước Hoài Bảo được bổ nhiệm đúng quy trình.

Tác giả cho rằng: “Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã có sai sót… Kết luận của Bộ Nội vụ về công tác bổ nhiệm nhân sự mà lại không chính xác thì rất không bình thường”.



Vụ án Đinh La Thăng
Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn có bài: Bình luận bài “Đôi điều về vụ bắt Đinh La Thăng” trên trang Vĩ tuyến 17. Tác giả phân tích một số lỗi ngụy biện của người viết bài “Đôi điều về vụ bắt Đinh La Thăng”. Về lý lẽ: cả đám đông kết tội ông Thăng một cách cảm tính, tác giả cho rằng dù thắng hay thua thì chính phe của Thăng cũng đã góp phần làm nghèo đất nước. Phe chiến thắng cũng không tử tế gì, còn phe của Thăng không thể phủi bỏ trách nhiệm với món nợ công khoảng 3,000 Mỹ kim mà mỗi người Việt đều phải gánh.

Quan điểm của tác giả rất rõ ràng: phe ông Thăng hay phe nhóm lò đều không thực lòng, không tử tế gì với dân, họ trước sau vì quyền lợi của họ. Cách nhìn thiên vị phe nào cũng đều không thỏa đáng.

Trang Giáo Dục VN có bài bình luận: Quyền lực bị tha hóa vì sự cả nể, né tránh, vô cảm. Tác giả dẫn lời của ông Vũ Quốc Hùng, cựu phó chủ nhiệm UBKT Trung ương đánh giá, việc ông Đinh La Thăng bị khởi tố, bắt tạm giam cho thấy, quyết tâm chống tham nhũng mạnh mẽ của Đảng. Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho biết: “công tác kiểm tra, giám sát quyền lực và bổ nhiệm cán bộ thời gian qua đã làm chưa tốt”.

Cũng như nhiều đảng viên khác vẫn tin vào lỗi ngụy biện của những người giúp bác Tổng nhóm lò, ông Hùng nghĩ rằng cơ chế giám sát quyền lực với sức mạnh thực chất có thể hiện diện trong một nền chính trị đơn nguyên.

Nỗi buồn nông nghiệp Việt Nam
Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Doanh nghiệp FDI sẽ thâu tóm thị trường thịt heo? Tác giả nói về thực trạng buồn của người chăn nuôi heo hiện nay ở Việt Nam: giá heo xoay quanh mức 27,000 đồng/kg, người nuôi càng làm càng lỗ. Một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam đang thua trên chính thị trường Việt Nam, trước các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tác giả dẫn ý của một giám đốc công ty chuyên cung cấp dinh dưỡng chăn nuôi: “kịch bản của ngành nuôi heo đang diễn ra giống ngành nuôi gà công nghiệp hơn 10 năm trước. Khi đó, các công ty lớn, chủ yếu là doanh nghiệp FDI, cũng chỉ chiếm khoảng 20-30% tổng đàn đã tận dụng cơ hội giá gà giảm sâu để chiếm lĩnh thị trường”. Đến nay, thị trường gà công nghiệp cơ bản nằm trong tay các doanh nghiệp FDI.

Báo Nghệ An đưa tin: Sự bất hợp lý dẫn đến thất bại các mô hình kinh tế giảm nghèo. Tác giả điểm mặt mô hình trồng chuối tiêu hồng và trồng mây ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, 2 mô hình kinh tế được “dán nhãn” giúp người dân giảm nghèo, nhưng thực tế số hộ dân nghèo ở đây không hề giảm. 

Trao đổi về nguyên nhân thất bại của hai mô hình “dán nhãn” giảm nghèo, ông Trưởng phòng Nông nghiệp và  Phát triển Nông thôn huyện Tương Dương cho rằng, “do người tham gia chưa tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật”, nghĩa là tại dân. Nhưng ông cũng có chỗ công tâm khi nói vắn tắt về một nguyên nhân khác, “trước khi các mô hình, dự án triển khai cơ quan chức năng chưa có những khảo sát chắc chắn và đánh giá có tính khoa học về  sự bền vững của dự án; như về những yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu địa hình, nhất là đối với địa bàn vùng cao”.  

Báo Dân Việt đưa tin: Đến khổ: Nông dân làm thơ “khóc” khoai tây tỉnh hỗ trợ không ra củ. Tác giả nhắc lại chuyện Thái Bình: Bỗng dưng khốn đốn vì trồng giống khoai tây tỉnh hỗ trợ. Chắc Hợp tác xã An Đồng ở Thái Bình cũng có ý tốt khi hỗ trợ người nông dân trồng giống khoai mới, tuy nhiên, sau 2 tháng người dân địa phương vất vả chăm sóc, “ý tốt” của các lãnh đạo đã giúp người dân có thêm nỗi lo, nợ chồng thêm nợ, vì năng suất khoai này cực kém. Trong khi, khoai người dân ở đây quen trồng thì vẫn phát triển khỏe mạnh như thường.

Tuy nói là “hỗ trợ”, thực chất người dân phải mua giống khoai này với giá đắt gấp đôi giống thường trồng (giá khoai “hỗ trợ” là 16,000 đồng/kg, trong khi khoai tây giống Đức, phát triển bình thường có giá 8,000 đồng/kg). Đã mất công bỏ vốn và chăm sóc, lại gặp vụ mùa thất bát và cảnh nợ nần, một nông dân ở Hợp tác xã An Đồng đã phải làm thơ cảm thán.

Bài thơ của một thành viên Hợp tác xã  An Đồng (Huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) về giống khoai tây kém chất lượng tỉnh “hỗ trợ” để giúp bà con có thêm nỗi lo. Ảnh: Dân Việt


Tin quốc tế

Vụ bê bối Trump – Nga
Quanh nghi án bầu cử Mỹ, RFI có bài: Nghi án bầu cử Mỹ: Bên điều tra có hơn 10.000 emails để khai thác. Bài viết cho hay, công tố viên đặc biệt Robert Mueller cùng nhóm điều tra đã có trong tay hàng chục ngàn thư điện tử của những người thuộc ekip ông Donald Trump và những người phụ trách chuyển giao quyền lực. “Trong số tài liệu này có cả các thư điện tử của Jared Kushner, con rể đồng thời là cố vấn đặc biệt của tổng thống Donald Trump, cũng như của các thành viên phụ trách vấn đề chính trị và chính sách đối ngoại“.

Cũng liên quan đến chủ đề này, VOA có bài: Đồng minh của Trump nói Mueller thu giữ hàng ngàn email bất hợp pháp. Theo bài báo, ông Kory Langhofer, luật sư biện hộ cho đội ngũ chuyển giao quyền lực, tức phía TT Trump, cho rằng, việc công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã nhận các email cách không thỏa đáng từ GSA – Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp – thuộc chính phủ.


Bá quyền Trung Quốc
Trung Quốc tiếp tục muốn “có mặt” khắp nơi trên thế giới, theo RFI, Brexit: Anh Quốc và Trung Quốc muốn tăng cường quan hệ. Bài viết cho biết, trong chuyến thăm Bắc Kinh mới đây của Bộ trưởng Tài Chính Anh Philip Hammond, hai bên đã thỏa thuận tăng cường quan hệ “đẩy nhanh các bước chuẩn bị cuối cùng để tăng cường sự hợp tác giữa sàn chứng khoán Luân Đôn và Thượng Hải. Hai quốc gia cũng dự kiến thành lập một quỹ mới nhiều tỉ đô la về đầu tư song phương”. 

Liên quan đến vấn đề quỹ nhiều tỷ đô la mà Trung Quốc và Anh Quốc đã thỏa thuận, BBC có bài: Cựu thủ tướng Anh quản trị quỹ 1 tỷ đô với TQ. Ông David Cameron, cựu Thủ tướng Anh sẽ quản lý một quỹ có ngân khoản 1 tỷ Mỹ kim, thuộc dự án khổng lồ mang tên “Một Vành Đai, Một Con Đường”.

Bài viết có đoạn, “kế hoạch của Trung Quốc không phải là không gây ra tranh cãi vì một số nhà phê bình coi đây là một nỗ lực toàn cầu để gia tăng ảnh hưởng chính trị và sự hiện diện của Bắc Kinh“. Cả thế giới đang e ngại (ghê sợ?) với những thứ mà Trung Quốc gieo rắc ảnh hưởng khắp nơi trên thế giới.


Khủng hoảng Bắc Hàn
RFI đưa tin: Bắc Triều Tiên: Nga lo ngại căng thẳng sau “bước lùi” của Mỹ. Tác giả cho biết, Nga lo ngại căng thẳng sau “bước lùi” của Mỹ, đó là việc Ngoại trưởng Mỹ, ông Mỹ Rex Tillerson rút lại đề nghị đối thoại “vô điều kiện” với Bắc Hàn. Ông Serguei Riabkov, Ngoại trưởng Nga lo ngại bán đảo Triều Tiên sẽ rơi vào tình trạng “vô cùng nguy hiểm”.

Những tin tức về quả bom Bắc Triều Tiên tiếp tục dày đặc trên báo chí trong và ngoài nước. Trong khi BBC đưa tin Úc bắt giữ ‘đặc vụ kinh tế của Bắc Hàn’ thì trong nước, tờ Tin Tức có bài: Australia bắt đối tượng bị nghi giúp Triều Tiên bán linh kiện tên lửa. Cả hai bài viết đều nói đến việc cảnh sát Úc bắt giữ Chan Han Choi, 59 tuổi, một công dân Úc gốc Triều Tiên hoạt động gián điệp kinh tế cho chế độ Bắc Hàn.


Vấn đề Jerusalem
Hội đồng Bảo an xem xét bác mọi quyết định về Jerusalem là tiêu đề bài viết trên VietNamNet. Nội dung chủ yếu xoay quanh việc HĐBA đang xem xét một dự thảo nghị quyết nhằm bác bỏ quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Cùng chủ đề, TTXVN đưa tin, Israel lên án dự thảo nghị quyết HĐBA LHQ về vấn đề Jerusalem. Nghị quyết của HĐBA LHQ có lẽ sẽ khó được thông qua khi Mỹ là một trong năm nước có quyền phủ quyết.












No comments:

Post a Comment

View My Stats