Monday, 18 December 2017

HIỂU VỀ THÚY NGA TRONG 5 PHÚT (Đoan Trang - Luật Khoa TC)



Posted on 18/12/2017

Tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong năm 2017 được đánh dấu bằng hai bản án nặng – 10 và 9 năm tù – cho hai blogger, nhà bảo vệ nhân quyền Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (tức Mẹ Nấm) và Trần Thị Nga (tức Thúy Nga). Bạn đọc hẳn đã đều đã nghe nói về Mẹ Nấm, nhưng còn Thúy Nga và các hoạt động của người phụ nữ này thì có lẽ chưa được biết đến nhiều, và bài viết dưới đây sẽ giúp bạn phần nào hiểu những điều đó.


Một trong các lý do khiến công luận ít biết tới Thúy Nga là bởi vì chị vốn rất ít nói về bản thân mình, họa hoằn lắm chị mới tâm sự chuyện đời mình với một người bạn thân thiết, cũng là nhà hoạt động nhân quyền, là Mai Phương Thảo (Thảo Teresa). Hầu như không ai biết Nga có cuộc đời riêng vất vả, gian nan đến mức nào và con đường nào đã đưa chị trở thành một người bảo vệ nhân quyền, đồng thời bị coi là tội phạm chính trị với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”.

Thúy Nga tên thật là Trần Thị Nga, sinh ngày 28/4/1977 tại tỉnh Hà Nam, trong một gia đình nghèo khó và đông con. Chị là con thứ ba trong bốn anh chị em. Mẹ mất khi Nga mới hơn 10 tuổi, bố đi bước nữa, Nga chỉ học hết lớp 7 rồi phải đi làm thuê, làm mướn kiếm sống. Năm 19 tuổi, chị lấy chồng – một người đàn ông nghiện ngập và vũ phu, nhiều lần đánh đập vợ. Cuộc hôn nhân kết thúc nhanh chóng. Nga bế hai con trai – đứa ba tuổi, đứa một tuổi – rời khỏi nhà chồng.

Mai Phương Thảo kể lại, khi ấy Nga không một xu dính túi. Về quê, được bà chị họ bán quán nước nhượng cho mấy cái ghế, Nga đem bán gấp để mua lấy năm cân gạo, trong đó ba cân chị đem tráng bột làm bánh cuốn bán rong, hai cân thì xay nấu cháo trắng với muối cho con ăn. Ngày đầu tiên chị bán được khoảng 17-18.000 đồng bánh cuốn, kể từ đó chị cắp mẹt bánh cuốn bán rong nuôi con.

Cuộc sống của người mẹ trẻ đơn thân chưa bao giờ dư dả. Cuối cùng, Nga vay một số tiền lớn, xin đi lao động xuất khẩu ở Đài Loan, để hai con trai lại cho nhà ngoại. Thật không may là chỉ mới làm việc ở Đài Loan được vài tháng thì chị bị tai nạn giao thông rất nặng, vỡ xương chậu, phải nằm viện gần một năm trời. Trong khi đó, công ty từng ký hợp đồng đưa Nga sang Đài Loan cũng lờ luôn, không trả cho chị khoản tiền bảo hiểm thân thể và an toàn lao động mà chị lẽ ra phải được nhận.

Chính vì vậy mà sau khi bình phục, được sự giúp đỡ của một linh mục người Việt ở Đài Loan, chị bắt đầu con đường đấu tranh cho quyền lợi của mình và của những công nhân lao động xuất khẩu ở xứ người. Đến lúc ấy, chị mới mầy mò vào mạng, tìm hiểu về tình hình chính trị-xã hội của đất nước thông qua các trang báo “lề trái”, rồi đọc thêm về dân chủ, nhân quyền, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, các vấn đề đất đai, biên giới, chủ quyền biển đảo, v.v.

Nga chỉ đòi được một phần số tiền bảo hiểm từ công ty nọ. Tuy nhiên, như sau này chị tâm sự với bạn, khoản tiền ấy không quan trọng bằng việc nhờ đấu tranh mà chị đã thay đổi nhận thức, nhìn ra thực trạng xã hội để bắt đầu đấu tranh vì sự thay đổi.

Khoảng năm 2008, Thúy Nga trở về nước và tiếp tục làm thuê, bán hàng, kinh doanh nhỏ kiếm sống, nhưng kể từ đó chị cũng chính thức dấn thân vào con đường hoạt động của một người bảo vệ nhân quyền – tức là người đấu tranh để bảo vệ quyền con người trong xã hội.

Thúy Nga  .   Ảnh : SBTN

Hoạt động nhân quyền là làm gì?

Theo Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR), người bảo vệ nhân quyền là người có hành động nhằm thúc đẩy hoặc bảo vệ nhân quyền, một cách độc lập hoặc có phối hợp, liên kết với những cá nhân khác. Khái niệm này tính cả đến những người hoạt động trên mạng (tức các blogger, facebooker), và công việc bảo vệ nhân quyền bao gồm cả việc báo cáo, phổ biến, phát tán thông tin về các vụ vi phạm nhân quyền, đấu tranh đòi chính quyền phải minh bạch và nâng cao chất lượng quản trị, cũng như theo đuổi công lý, chống oan sai, v.v.

Căn cứ định nghĩa đó, Thúy Nga chính xác là một nhà hoạt động nhân quyền. Trên thực tế, chị cũng là một trong những gương mặt đấu tranh nhân quyền mạnh mẽ nhất ở miền Bắc. Khởi đầu là trực tiếp theo đuổi việc khiếu kiện để bảo vệ quyền lợi của người Việt lao động xuất khẩu ở Đài Loan, tiếp đến, chị tham gia biểu tình chống bá quyền Trung Quốc (năm 2011-2012 ở Hà Nội), rồi in ấn, phổ biến tài liệu, tờ rơi giải thích về quyền con người. Song song với đó, chị cũng tận dụng mạng xã hội (facebook, youtube) để lên tiếng một cách công khai và rất gay gắt chống tham nhũng, lạm quyền, bất công.

Khác với Mẹ Nấm, Thúy Nga không phải là người khởi xướng ra những phong trào trên mạng (như “Chúng tôi muốn biết” hay “Chúng ta là một” [We are one]). Chị cũng không chuyên sâu vào đấu tranh vì một thứ quyền con người cụ thể nào như quyền tự do biểu đạt, tự do hội họp hay quyền được xét xử công bằng. Nhưng chị lại tham gia đấu tranh trên tất cả các lĩnh vực: từ biểu tình chống bá quyền Trung Quốc, đến tuần hành bảo vệ cây xanh, đến đòi hỏi điều tra nguyên nhân thảm họa môi trường miền Trung, từ chống công an bạo hành dân thường, đến ngăn chặn việc thi hành những án tử hình oan uổng, v.v. Chị góp mặt liên tục, gần như cứ thấy bất kỳ trường hợp nào có dấu hiệu dân chịu bất công, oan sai, là chị đấu tranh. Thậm chí, nhà Nga ở mặt đường, hễ thấy cảnh sát giao thông thổi còi vô lý để đòi mãi lộ là chị lập tức xông ra cãi đến cùng để bênh vực, bảo vệ người bị vòi tiền.
Hàng xóm của Nga có lần nói vui: “Vô phúc cho ông công an giao thông nào muốn kiếm chác mà bắt người trước cổng nhà cái Nga, chỉ có mà ăn cám”.

Cuối năm 2014, Nga phát hiện việc tử tù Hồ Duy Hải sắp bị xử tử oan. Bằng một cách nào đó, chị là người đầu tiên tiếp cận thân nhân Hồ Duy Hải và đi đầu khởi xướng phong trào ngăn chặn việc thi hành án để cứu một mạng người rất có thể vô tội. Cùng với một số nhà bảo vệ nhân quyền ở Hà Nội (như Trương Văn Dũng, Mai Phương Thảo, Trịnh Anh Tuấn…), chị in băng-rôn, biểu ngữ, tổ chức tọa kháng phản đối án tử hình, đồng thời, tích cực đưa tin về vụ việc trên facebook cá nhân, rồi hướng dẫn gia đình các tử tù có dấu hiệu oan sai đi đưa đơn khắp Hà Nội kêu cứu. Họ đưa đơn tới cơ quan nào, chị cũng nhiệt tình đi cùng hỗ trợ, bảo vệ, động viên.

Cũng cần phải nói là các cơ quan nhà nước – như Viện Kiểm sát, Tòa án Nhân dân, Quốc hội – luôn tỏ ra là những chốn rất cao xa, bất khả tiếp cận, đối với dân thường thấp cổ bé họng, nhất là người nghèo ở các tỉnh. Không có sự sát cánh giúp đỡ, an ủi của những nhà hoạt động như Thúy Nga, không chắc dân đen đã “dám” vào chốn ấy mà “đáo tụng đình”.

Tinh thần hết lòng bảo vệ nhân quyền và công lý, đấu tranh đến cùng vì quyền con người ấy đã khiến Nga và các bạn của chị tạo tiếng vang lớn cho ba vụ án Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh, góp phần ngăn chặn việc tử hình ba mạng người bất chấp những sai phạm rõ ràng về tố tụng (năm 2014-2015).

Trần Thị Nga trong phong trào biểu tình bảo vệ cây xanh năm 2015 ở Hà Nội. Ảnh: Chưa rõ nguồn.

Dữ dội và can trường

Tính Nga thẳng thắn, cứ thấy chướng tai gai mắt, bất công, người yếu thế bị thiệt thòi, là chị lại lên tiếng. Và trong quá trình ấy, chị không ngại “văng vào mặt” cán bộ, công an – những người đại diện cho các cấp chính quyền – những lời lẽ gay gắt nhất, xóc óc nhất.
Chẳng hạn, một trong các clip đăng trên Youtube của chị lấy tiêu đề: “Hết tiền trả lương, đảng Cộng sản móc họng dân bằng cách tăng 5 nghìn 1 lít xăng phí môi trường”. Một clip khác nói: “Phản động là gì? Phản động là cái băng vệ sinh của người phụ nữ”. Các clip lại còn đạt số lượng view rất lớn, đạt mức hàng chục ngàn, ví dụ clip “Tòa trả đơn – Công an đổ quân, dựng hàng rào” có tới hơn 70.000 lượt xem.

Nhà của Thúy Nga là nơi chị dán đầy những khẩu hiệu phản đối Formosa, chống tham nhũng, đòi dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam. Công an, dân phòng kéo đến giật xuống, chị lại dán lại, cứ thế hai bên giằng co mãi.

Có thể đọc được sự uất ức của lực lượng an ninh và chính quyền địa phương, khi mà bản kết luận điều tra của cơ quan an ninh và cáo trạng ngày 25/5/2017 của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hà Nam kết tội Thúy Nga “lợi dụng sự cố môi trường biển xảy ra tại các tỉnh miền Trung và sự khó khăn trong công tác quản lý xã hội của một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện hành vi phạm tội”, “tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân”, “gieo rắc sự nghi ngờ, bất mãn với chính quyền nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, v.v.

Nhưng, lại cũng có thể hiểu được sự dữ dội và gay gắt trong thái độ và đường lối đấu tranh của Thúy Nga, nếu biết rằng bản thân chị cũng là một nạn nhân của tình trạng bạo lực và vi phạm nhân quyền từ phía những người thừa hành pháp luật.

Từ khi trở về nước, nhất là kể từ khi bắt đầu tham gia biểu tình (năm 2011) cho đến trước khi bị bắt vào ngày 26/1/2017, Nga đã hàng chục lần bị công an bắt vào đồn, bị đánh đập đến hộc máu mũi máu miệng, bị ném đủ chất bẩn vào người. Thậm chí, bé Tài – đứa con trai thứ tư của chị – đã bị ăn đòn của an ninh từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Ngày 25/5/2014, chị bị 6 thanh niên dùng tuýp sắt đánh gãy xương bánh chè, phải mổ nhưng sau đó vẫn tập tễnh, có lẽ thành tật suốt đời. Nga cũng từng tố cáo một nhân viên an ninh phụ trách tôn giáo ở tỉnh Hà Nam, tên Công, đấm và nhổ nước bọt vào mặt chị.

Tính cách mạnh mẽ, dữ dội, đường lối đấu tranh trực diện của Nga làm chính quyền giận dữ và có thể bị coi là phản cảm. Tuy vậy, sự thẳng thắn, can đảm lại cũng là một cách tiếp cận khiến một số đông dân chúng, đặc biệt là giới bình dân, hiểu được vấn đề nhanh nhất và vượt qua nỗi sợ hãi. Một bằng chứng là các nhân viên an ninh theo dõi chị thường phải “núp lùm” chứ không dễ kiếm được chỗ ngồi canh gác nhà chị công khai, vì không được dân chúng xung quanh ủng hộ, “tạo điều kiện” cho làm việc.

Mai Phương Thảo, bạn của Thúy Nga, kể: “Hôm Nga bị bắt, tôi ra chợ mua đồ ăn cho hai thằng Phú, Tài con trai Nga. Dân trong chợ họ lao xao bảo, ‘cô này là bạn cô Nga đấy, ai chứ bạn cô Nga thì phải bán cho ngay, bán đồ ngon’. Cuối cùng, người ta nhất định không lấy tiền, cứ bảo mang về cho hai thằng bé. Đấy, đó là những gì Nga làm được. Khai dân trí cho rất nhiều người ở một vùng quê để họ nhận thức ra được thực trạng xã hội, có lẽ đó là công lao lớn nhất của Nga. Cô ấy là một tấm gương để mọi người nhìn vào mà vượt qua nỗi sợ hãi”.

Thúy Nga đã tuyên truyền, phổ biến kiến thức về nhân quyền theo cách riêng của chị như thế: rất thẳng thắn, đơn giản và thực tế, không nhiều lý thuyết, khái niệm.

Trần Thị Nga trong phiên toà sơ thẩm ngày 25/7/2017 tại Hà Nam. Ảnh: Nhân Dân.

Con người cầu thị

Nếu so sánh với Mẹ Nấm, có thể nói, ban đầu khi mới tham gia hoạt động nhân quyền, do ăn mặc xuềnh xoàng, hành xử và dùng ngôn từ bỗ bã, sẵn sàng văng tục khi đối diện công an, Thúy Nga không gây được thiện cảm với giới trí thức, bị đánh giá là “ít học”, “văn hóa thấp”.

Tuy thế, kể từ cuộc tuần hành bảo vệ cây xanh ở Hà Nội (tháng 4/2015), người ta đã thấy một Thúy Nga khác hẳn, khi chị xuất hiện trong tà áo dài màu xanh, không chửi bới và luôn giữ nụ cười trên môi, kể cả khi bị công an trấn áp, khiêng lên xe buýt. Bức ảnh “nụ cười Thúy Nga” là một trong những bức ảnh đẹp nhất của chị và của phong trào cây xanh năm 2015 tại Hà Nội.

Nụ cười Thúy Nga . Ảnh: Nguyễn Lân Thắng

Sau đó, chị tiếp tục thể hiện là một người rất cầu thị, cầu tiến, ham học hỏi. Ngoài vốn tiếng Đài đã có, chị tự học thêm tiếng Anh. Chị lắng nghe góp ý của bạn bè, người thân nhiều hơn và luôn tránh xa mọi cuộc tranh cãi, đôi co trên mạng.

Tiếc là hình ảnh của Thúy Nga cải thiện chưa được bao lâu thì chị đã bị bắt khi chỉ còn sáu ngày là đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu (ngày 26/1/2017). Phiên tòa sơ thẩm ngày 25/7/2017 của Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Nam kết án chị chín năm tù vì tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự.

Dù gì đi nữa, Thúy Nga vẫn là một nhà bảo vệ nhân quyền nhiệt thành, can đảm, bởi chị đã dùng chính cuộc đời mình, con người mình để thể hiện cái tinh thần: Hễ thấy bất công là phải chống đến cùng, hễ thấy chính quyền làm sai là dân phải đấu tranh, không sợ hãi.






No comments:

Post a Comment

View My Stats