Thursday, 9 November 2017

TIN CẬP NHẬT THỨ TƯ 8/11/2017 (Lê Minh Nguyên)





Tin Thế Giới

1.
Ít khả năng có ký kết thỏa thuận TPP11 ở Đà Nẵng --- Canada: “Không vội đạt thỏa thuận TPP ở APEC”

Hai chuyên gia Việt Nam am hiểu thương mại và kinh tế nhận định trong các cuộc phỏng vấn riêng rẽ mới đây với VOA rằng ít có khả năng 11 nước châu Á - Thái Bình Dương sẽ ký hiệp định Đối tác Thái Bình Dương – còn gọi là TPP11 – trong tuần này.
Điều này trái với thông tin trên báo chí Việt Nam hôm 2/11 trích dẫn Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nói ông hy vọng cuộc đàm phán tại Nhật Bản tuần trước sẽ “thu hẹp những khác biệt” để các bộ trưởng và lãnh đạo có thể thông qua một hiệp định sửa đổi tại hội nghị của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.
Nhật Bản đã ráo riết vận động trước hội nghị APEC để các thành viên còn lại đồng ý về TPP11, được xem là có thể làm đối trọng với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Tokyo nói họ hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận trong nội bộ 11 nước thành viên ở Đà Nẵng.
Nhưng hôm 8/11, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói tại một cuộc họp báo ở Hà Nội rằng nước ông “sẽ không bị hối thúc” để ký vào một thỏa thuận thương mại “không phục vụ các lợi ích tốt nhất” của Canada và nhân dân nước này.
Bên lề hội nghị APEC, hai chuyên gia, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; và ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế Thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia, thuộc bộ Kế hoạch và Đầu tư, đưa ra các nhận định với VOA dưới đây.

VOA: Liệu sẽ có ký kết TPP11 trong kỳ họp cấp cao APEC năm nay hay không?
Bà Phạm Thị Thu Hằng: Để đạt được điều đó trong kỳ này thì chắc là khó có thể nói trước được. Nhưng 11 quốc gia còn lại đang hết sức tích cực để có thể nhanh chóng kết thúc đàm phán. Bởi vì chúng tôi cũng cho rằng xu thế toàn cầu hóa và xu thế mở cửa vẫn là một xu thế không thể đảo ngược vì nó mang lại lợi ích cho rất nhiều người, đặc biệt là những đối tượng yếu thế và trong việc thúc đẩy thương mại toàn cầu, và nó mang lại những giá trị gia tăng rất lớn, không chỉ cho mỗi quốc gia, mà còn cho từng gia đình, từng con người.
Ông Trần Toàn Thắng: Về mặt chủ trương, tôi nghĩ là các nước đều muốn tiến hành nhanh. Tuy nhiên khi động vào câu chuyện những cam kết cụ thể, quyền lợi cụ thể, mọi người đều phải cân nhắc.

VOA: Để ký TPP11 mới, các nước còn phải đàm phán thêm nữa?
Ông Trần Toàn Thắng: Tùy vào sự nhượng bộ của các nước hiện nay như thế nào. Bởi vì nhiều người cho rằng chúng ta có thể giữ nguyên các cam kết của TPP12, bởi vì chúng ta kỳ vọng sự quay trở lại của Mỹ với TPP.
Nếu chúng ta bỏ các cam kết với Mỹ trước đó đi, thì lợi ích khi quay lại với Mỹ không có nữa chẳng hạn, thì câu chuyện lại khác đi rất nhiều.
Theo thông tin tôi được biết, hiện này còn khá nhiều điểm, kể cả Việt Nam, cũng còn đang băn khoăn. Liệu có giữ nguyên các cam kết trong TPP12 và sử dụng nó trong TPP11 hay không. Nhiều người phản đối điểm này. Bởi vì ở TPP12 chúng ta nhìn vào thị trường Mỹ, vì thế các cam kết của mình xoay quanh chuẩn mực của Mỹ. Cho nên hiện nay nếu Mỹ không còn nữa thì tại sao chúng ta cam kết ở mức độ như thế này như thế kia.
Có hai phương án, cứ sử dụng toàn bộ các cam kết vào TPP11, hay là chúng ta tạm thời hoãn lại một số cam kết. Theo tôi nghĩ, phải có sự đồng thuận giữa các nước về vấn đề này. Có lẽ sau APEC này bức tranh sẽ rõ ràng hơn, kể cả là tiếp tục hay là đàm phán lại ở mức độ như thế nào.

VOA: Với 11 nước, liệu các cam kết có thấp hơn so với TPP gồm 12 thành viên, liệu quy mô và tốc độ của các cải cách cũng sẽ thấp hơn?
Bà Phạm Thị Thu Hằng: Tôi không nghĩ điều đấy sẽ thấp hơn. Tôi nghĩ dù 11 nước hay 12 nước thì cũng vẫn như thế. Bởi vì cải cách mang lại lợi ích cho quốc gia chứ không phải lợi ích cho một ai khác. Chính vì thế cải cách này là cải cách gần như là từ bên trong, và nó đi vào nhận thức của từng quốc gia, và điều được thấy là việc gì có lợi thì chúng ta làm, chứ không phải là có 11 quốc gia hay 12 quốc gia thì chúng ta quyết định là làm hay không làm.

VOA: TPP11 có thể mang lại những lợi ích gì cho Việt Nam?
Ông Trần Toàn Thắng: Có hai điểm. Một là về thuế quan, nó vẫn mở ra cho chúng ta các thị trường như Mexico, Canada hay Peru. Nếu thuế quan được hạ thấp xuống như TPP12, nó tăng lợi thế của hàng xuất khẩu Việt Nam lên rất nhiều, vì so với mức thuế trung bình 12% với mức chỉ cần về 2-3%, nó cũng đã tạo lợi thế rất lớn cho hàng xuất khẩu.
Trong thời gian vừa rồi, chúng tôi đã nghiên cứu, đánh giá lại TPP11, thì thấy Việt Nam vẫn có lợi. Về mặt định lượng, tăng trưởng chắc [thêm] khoảng 1,3%. Một số nghiên cứu của Canada, Singapore cũng cho thấy vẫn có những tác động dương. Ví dụ như xuất khẩu vẫn đạt 4,5 đến 5% tăng thêm so với không có TPP11. Nói cách khác, lượng hóa ra thì là có nên tham gia TPP11.
Tuy nhiên, các con số đấy mới chỉ là kỳ vọng. Để đạt con số đấy, tốc độ thay đổi thể chế trong nước, thay đổi môi trường kinh doanh hay thay đổi cơ cấu sản xuất không theo kịp, thì con số đấy sẽ trở thành con số ảo, và chúng ta phải đối mặt với làn sóng nhập khẩu hoặc các vấn đề khác.

VOA: Xin cảm ơn đã dành thời gian cho VOA. - VOA

***
Canada hôm 8/11 nói nước này sẽ không để bị thúc giục phải vội vã đạt được Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi 11 nước thành viên còn lại hội họp ở Việt Nam để thảo luận về thỏa thuận thương mại đã bị Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy bỏ không lâu sau khi ông lên nắm quyền.
Quyết định xúc tiến với hiệp định TPP không có sự tham gia của Hoa Kỳ, hậu thuẫn cho nguyên tắc thương mại đa chiều tự do, so với các thỏa thuận thương mại song phương mà ông Trump tin sẽ giúp Hoa Kỳ đạt được kết quả có lợi hơn cho công nhân Mỹ.
Nhật Bản đã ráo riết vận động trước các cuộc họp tuần này bên lề Diễn Đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương (APEC) để được sự đồng ý của các thành viên còn lại, cho một thỏa thuận thương mại có thể đối trọng với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Canada, nền kinh tế lớn thứ nhì trong hiệp định TPP-11 sau Nhật Bản, đã về hùa với các nước khác đòi sửa đổi, hoặc đặt nghi vấn về việc đẩy quá nhanh hiệp định TPP-11.
Thủ Tướng Canada Justin Trudeau nói tại một cuộc họp báo ở Hà nội:
“Canada sẽ không bị hối thúc để ký vào một thỏa thuận thương mại không phục vụ các lợi ích tốt nhất của Canada và nhân dân Canada.”
Hiệp định TPP nhắm xóa bỏ hàng rào thuế quan cho các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp trong toàn khối có tổng kim ngạch mậu dịch lên tới 356 tỉ USD hồi năm ngoái (2016). Hiệp định này có những điều khoản bảo vệ các quyền của người lao động, bảo vệ môi trường và quyền sở hữu trí tuệ, là một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi.
12 nước nguyên thủy tham gia Hiệp định TPP đã đạt thỏa thuận vào năm 2016, tuy nhiên trong những hành động đầu tiên từ khi lên nhậm chức, ông Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định TPP, đặt ra nghi vấn về sự sống còn của thỏa thuận này.
Ông Trump và các lãnh đạo APEC khác, kể cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp nhau vào ngày thứ Sáu sắp tới ở Đà Nẵng.
Các nhà lãnh đạo TPP-11, tất cả đều là thành viên APEC, sẽ tách ra để cân nhắc những đề xuất hầu có thể tiến hành với thỏa thuận thương mại đã được các nhà thương thuyết mậu dịch và các Bộ trưởng các nước thành viên soạn thảo.
Nhật Bản nói nước này hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận trong nội bộ 11 nước thành viên ở Đà Nẵng.
Bộ trưởng Thương mại Canada, ông Francois-Philippe Champagne, nói:
“Chúng tôi không chỉ nghĩ tới ngày thứ Sáu, mà nghĩ đến nhiều thập niên sắp tới. Chúng tôi duy trì tinh thần xây dựng và sáng tạo tại bàn hội nghị. Cùng lúc, chúng tôi muốn bảo đảm chúng tôi sẽ đạt được thỏa thuận đúng đắn.”
Lập trường của Canada và Mexico khá phức tạp bởi vì hai nước này đang tái thương thuyết Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với chính quyền ông Trump.
Một trở lực khác là sự sẵn sàng của tân chính quyền New Zealand, chưa vội vã bắt tay làm việc. Thủ Tướng Jacinda Ardern nói hãy còn quá sớm để có thể đạt được một thỏa thuận trong tuần này.
Malaysia và Việt Nam là những nước lẽ ra được hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định TPP nguyên thủy nhờ việc tháo gỡ hàng rào thuế quan Mỹ.
Tại Malaysia, trong bối cảnh sắp tới ngày bầu cử, và các quan hệ đang phát triển với Bắc Kinh, không có động cơ thúc đẩy để Malaysia ra tay hành động nhanh chóng.
Các giới chức cho biết trong số những giải pháp được các nước TPP mang ra thảo luận, có giải pháp đình chỉ một số điều khoản trong văn kiện đầu tiên để tránh phải tái thương thuyết hiệp định, và về lâu về dài, khuyến khích Hoa Kỳ quay lại với Hiệp định TPP. - VOA
|
|

2.
Trung Quốc nghinh đón TT Trump vào ngày đầu tiên thăm Bắc Kinh --- Ngày đầu Donald Trump thăm Trung Quốc: 9 tỉ đô la hợp đồng được ký --- Ông Trump 'còn chưa có chính sách về TQ'

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Tư 8/11 long trọng đón Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ở Tử Cấm Thành, nơi trước đây là cung điện của các vị hoàng đế Trung Hoa.
Trong khi vấn đề Triều Tiên và thương mại đang là tâm điểm của chuyến thăm ba ngày đến Bắc Kinh của Tổng thống Mỹ, phía Trung Quốc rất xem trọng chuyến thăm của ông Trump, nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc kể từ khi ông Tập tái đắc cử và tiếp tục củng cố quyền lực sau Đại hội Đảng Cộng sản bế mạc vào tháng trước.
Tổng thống Trump và Đệ Nhất Phu nhân Melania Trump được ông Dương Khiết Trì, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc nghinh đón tại sân bay Bắc Kinh và đưa đến Tử Cấm Thành. Ông Dương là một nhân vật quan trọng của chính phủ Trung Quốc trong việc tiếp cận với chính quyền Trump kể từ khi ông Trump thắng cử năm trước.
Trong cuộc đàm đạo bên tách trà, ông Trump đã cho ông Tập xem một đoạn video của cháu ngoại ông, bé Arabella Kushner hát nhạc Hoa và đọc thơ tiếng Hoa cổ điển, khiến cho ông Tập khen ngợi tài diễn xuất của cháu gái xứng đáng với điểm "A +", theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Ông Tập nói rằng ông hy vọng bé Arabella sẽ sớm tới thăm Trung Quốc, và nói thêm rằng cháu gái nhà ông Trump đã trở thành một "ngôi sao thiếu nhi" ở Trung Quốc, Tân Hoa Xã nói.
Trong một diễn biến khác chưa có tiền lệ, đích thân ông Tập đã đưa ông Trump đi dạo Tử Cấm Thành, một di sản thế giới được UNESCO công nhận, sau đó cả hai gia đình cùng xem hát tuồng và trình diễn nhào lộn Trung Hoa.
Trung Quốc mong muốn đưa ông Trump thăm tất cả các điểm tham quan, Trong khi ông Trump muốn thúc ép Trung Quốc phải làm nhiều hơn để kiểm soát nước láng giềng Triều Tiên và xử lý vấn đề thâm hụt mậu dịch với Hoa Kỳ.
Trong một diễn biến hiếm hoi khác, nếu không nói là chưa có tiền lệ, lễ đón chính thức ông Trump tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh sẽ được truyền hình trực tiếp vào thứ Năm 9/11, đài truyền hình nhà nước CCTV cho biết. - VOA

***
Gần 20 hợp đồng thương mại có giá trị 9 tỉ đô la đã được ký kết hôm nay 08/11/2017 giữa các công ty Trung Quốc và Mỹ, ngay trong ngày đầu tiên chuyến công du của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. 
Trong buổi lễ ký kết, phó thủ tướng Trung Quốc Uông Dương đánh giá các hợp đồng này đã « sưởi ấm quan hệ »,trước cuộc hội đàm giữa hai nguyên thủ vào ngày mai. Bộ trưởng Thương Mại Hoa Kỳ Wilbur Ross tuyên bố, vấn đề thâm hụt thương mại là trung tâm của cuộc thảo luận.
Thông tín viên RFI Angélique Forget ở Thượng Hải cho biết tổng thống Mỹ được đón tiếp rất trọng thể, tuy nhiên đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình đang ở thế mạnh trong thương lượng.
Giai đoạn đầu tiên của chuyến công du Trung Quốc là đi thăm Tử Cấm Thành, một địa điểm mang tính biểu tượng cao độ của thủ đô Bắc Kinh.
Buổi tối, ông Donald Trump dùng bữa với Tập Cận Bình, và hai vị đệ nhất phu nhân. Ngày mai tổng thống Mỹ tham dự một buổi lễ và tiệc chiêu đãi dành riêng cho ông tại Đại lễ đường Nhân Dân, trung tâm quyền lực Trung Quốc.
Tổng thống Hoa Kỳ được tiếp đón rất long trọng. Báo chí chính thức ở Hoa lục nhấn mạnh rằng một sự trọng vọng như thế là rất hiếm hoi trong thời buổi hiện nay.
Sở dĩ nghi thức đón tiếp được thay đổi, bởi vì các chủ đề gây căng thẳng không hề thiếu. Trong số các vấn đề mà hai vị nguyên thủ sẽ bàn bạc có hồ sơ Bắc Triều Tiên, và thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Donald Trump có thể đối diện với một chủ tịch Trung Quốc không có mấy ý định nhượng bộ, vì Tập Cận Bình không cần đến ông Trump. Ông Tập đang ở thế mạnh.
Vừa được đề cử làm người đứng đầu Trung Quốc trong một nhiệm kỳ năm năm thứ hai, Tập Cận Bình là lãnh đạo quyền lực nhất đất nước, trong khi Donald Trump đang có mức tín nhiệm thấp nhất trong các cuộc thăm dò dư luận ở Hoa Kỳ. Tập Cận Bình biết điều đó, và ông Tập mới là người có lợi thế.
Phía Mỹ luôn than phiền về « sự mất cân bằng nghiêm trọng » trong quan hệ kinh tế song phương. Trong 10 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã xuất siêu qua Hoa Kỳ 223 tỉ đô la, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó là các quy định không công bằng, như việc buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ.
Về hồ sơ Bắc Triều Tiên, tuy Bắc Kinh đã hứa hẹn áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, Washington đòi hỏi phải nỗ lực hơn nữa để bóp nghẹt kinh tế Bình Nhưỡng. - RFI

***
Cựu Đại sứ Hoa Kỳ, Max Baucus chỉ dám hy vọng Tổng thống Donald Trump sẽ hiểu ra vấn đề và biết lắng nghe để có một chiến lược đối phó với Trung Quốc
Trả lời biên tập viên Carrie Gracie của BBC News để bình luận về chuyến thăm đến Bắc Kinh hôm 8/11/2017 của ông Trump, cựu đại sứ Baucus nêu ra kỳ vọng khá khiêm tốn về sự kiện này.
Làm đại sứ Mỹ tại Trung Quốc trong nhiệm kỳ thứ nhì của Tổng thống Barack Obama, ông nêu ý kiến về Tổng thống Mỹ hiện nay:
"Chính quyền Trump không biết xử lý quan hệ với Bắc Kinh ra sao, họ còn chưa có một nhóm chuyên về Trung Quốc, để tính toán xem cách giải quyết vấn đề thương mại, như tiếp cận thị trường Trung Quốc, bảo vệ sở hữu trí tuệ."
Theo ông Baucus, người từng hoạt động liên quan đến các hồ sơ châu Á như công nghệ xe hơi Nhật Bản, cấm cá tra từ Việt Nam, thì vấn đề là cán cân quyền lực Trung - Mỹ nay đã khác.
Nói về khả năng của Hoa Kỳ "buộc Trung Quốc" nhượng bộ về thương mại hoặc "giáng cấp quan hệ với Bình Nhưỡng," ông nói:
"Hoa Kỳ không thể nào bắt nạt (bully) Trung Quốc được, họ phải tôn trọng Trung Quốc."

Lắng nghe để có một chiến lược
Trung Quốc phải là một phần của giải pháp về Bắc Hàn, nhưng Mỹ không thể nào buộc Trung Quốc làm chuyện đó, ông Max Baucus nói với BBC.
Bình luận về chuyến thăm của Tổng thống Trump và đệ nhất phu nhân tới Bắc Kinh, ông nói:
"Trung Quốc có nghìn năm lịch sử kinh nghiệm "tâng bốc" và khen ngợi khách nước ngoài. Họ rất giỏi việc này còn nước Mỹ không có kinh nghiệm đó.
"Đây là chuyến thăm 'cao hơn cả cấp nhà nước' (nguyên văn: state visit plus), và để tâng bốc Trump, họ sẽ trải thảm đỏ, làm cho Trump sung sướng tối đa."
Nhưng ông cũng hy vọng cuối cùng thì Tổng thống Trump sẽ có một chiến lược về Trung Quốc nếu ông ta tiếp tục lắng nghe những phụ tá, những người xung quanh.
Ông nói với phóng viên BBC rằng sự so sánh xưa nay coi tổng thống Mỹ là người "có quyền lực hơn" cho với lãnh đạo Trung Quốc nay đã không còn phù hợp.
Ông Baucus, Thượng nghị sỹ của bang Montana từ 1978 đến 2014 thuộc đảng Dân Chủ, đã làm đại sứ Hoa Kỳ ở Trung Quốc từ 2014 đến 2017.
Tháng 1/2017, ông bị mất chức sau khi tân Tổng thống Donald Trump sa thải một loạt đại sứ Hoa Kỳ do chính quyền Obama bổ nhiệm. - BBC
|
|

3.
Mỹ tố cáo Iran trang bị vũ khí cho phiến quân ở Yemen

Tòa Bạch Ốc đang kêu gọi LHQ xem xét vai trò của Iran trong cuộc xung đột tại Yemen, cáo buộc rằng chính phủ Iran đang làm cho cuộc chiến trầm trọng thêm để "phục vụ cho các tham vọng khu vực của Iran."
Ả-Rập Xê-Út, liên minh của Hoa Kỳ cáo buộc Iran đã cung cấp vũ khí cho phiến quân Houthi, kể cả một chiếc tên lửa mà Ả-Rập Xê-Út bắn hạ tại một sân bay ở thủ đô Riyadh.
Ả-Rập Xê-Út dẫn đầu một liên minh chống Houthi để hậu thuẫn cho chính phủ được quốc tế công nhận của Yemen, và tuyên bố đầu tuần này rằng hành động của Iran có thể được coi là "hành động chiến tranh."
Một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc hôm thứ Tư 8/11 bày tỏ sự ủng hộ đối với Ả-Rập Xê-Út và các đồng minh khác trong khu vực và nói rằng Iran đã vi phạm các quy định về cấm chuyển giao vũ khí của LHQ.
Bản tuyên bố nói: "Các cuộc tấn công tên lửa của phiến quân Houthi chống lại Ả-Rập Xê-Út do Lực lượng bảo vệ Cách mạng Hồi giáo của Iran hậu thuẫn, đã đe dọa an ninh khu vực và làm suy yếu các nỗ lực của LHQ trong việc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột."
Iran đã ủng hộ phiến quân Houthi, nhưng lại phủ nhận việc trang bị vũ khí cho họ. - VOA
|
|

4.
Duterte khuyến cáo Trump chớ nhắc tới nhân quyền

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm thứ Tư cho biết ông sẽ nói Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump “đi chỗ khác chơi” nếu ông nêu lên vấn đề nhân quyền khi hai ông gặp nhau.
Ông Trump sẽ có mặt tại Manila trong chặng dừng chân cuối của chuyến công du Á châu 12 ngày đã đưa ông tới Nhật Bản, Hàn Quốc, cũng như Trung Quốc và Việt Nam.
Ông Trump sẽ dự hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng, và sẽ đi thăm chính thức Hà nội. Ông sẽ chấm dứt chuyến công du với hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Manila.
Ông Duterte vốn không chấp nhận những lời chỉ trích về quá trình nhân quyền của ông, hoặc cuộc chiến bài trừ ma túy của ông, không bình luận về ông sẽ nói gì nếu như ông Trump nêu lên vấn đề nhân quyền.
Nói chuyện với các nhà báo trước khi rời Việt Nam, ông Duterte nói:
“Các ông muốn đặt một câu hỏi. Để tôi cho các ông câu trả lời. Hãy đi chỗ khác chơi. Đó không phải là chuyện của ông. Đó là chuyện của tôi. Tôi lo liệu cho đất nước tôi và tôi sẽ nuôi dưỡng và phục hồi đất nước tôi để lấy lại sức mạnh.”
Hơn 3,900 người Philippines đã bị giết chết trong các tình huống mà phía cảnh sát cho là để tự vệ khi các nghi can có vũ trang cưỡng lệnh bắt giữ trong cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte.
Giới chỉ trích bác bỏ lập luận đó, nói rằng các vụ hành quyết đã diễn ra mà không ai phải chịu bất cứ trách nhiệm gì, cảnh sát Philippines đã bác bỏ cáo buộc đó.
Ông Duterte rất giận dữ vì những phát biểu bày tỏ quan tâm của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama về những vụ hành quyết ngoài vòng pháp lý tại Philippines.
Nhân quyền, quyền pháp trị và thượng tôn pháp luật nằm trong số các đề tài mà ông Trump và ông Duterte có thể bàn thảo trong các cuộc đàm phán song phương, theo lời ông Sung Kim, đại sứ Hoa Kỳ tại Manila, hồi tháng trước.
Nhưng ông Trump, người bị chỉ trích ở trong nước là đã lơ là vấn đề nhân quyền trong các cuộc tiếp xúc ở nước ngoài, hồi tháng Năm đã lên tiếng ca ngợi ông Duterte, nói rằng Tổng thống Philippines đã “đạt thành tích khó tin để dẹp tệ nạn ma túy.” - VOA
|
|

5.
Máy bay chiến đấu của Đài Loan mất tích trên Biển Hoa Đông

Một máy bay phản lực chiến đấu của Đài Loan mất tích trong không phận Biển Hoa Đông, phía bắc Đài Loan, trong một cuộc diễn tập thường xuyên, theo tin từ không lực Đài Loan ngày 8/11.
Chiếc Mirage-2000 biến mất khỏi màn ảnh ra-đa chỉ nửa giờ sau khi cất cánh vào tối ngày 7/11 từ một căn cứ không quân ở Tân Trúc, phía nam thủ đô Đài Bắc, theo một thông báo của không lực.
Tàu của hải quân và tuần duyên được điều động để tìm kiếm trong khu vực nhưng cho đến chiều ngày 8/11 vẫn không có kết quả.
Không lực Đài Loan cho biết phi công Ho Tzu-yu gia nhập không quân cách đây hơn một thập niên và có 227 giờ bay trên chiếc Mirage.
Chỉ huy phó Không lực Đài Loan, Trung tướng Chang Che-ping, cho hay không có tín hiệu bất thường từ chiếc máy bay trước khi biến mất khỏi màn ảnh ra đa vào lúc 6:43 chiều ngày 7/11 ở độ cao 1.585 mét, cũng không có dấu hiệu nào cho thấy phi công nhảy ra khỏi máy bay.
“Quân đội sẽ tiếp tục tìm kiếm ngày đêm cho đến khi phi công được cứu sống. Không có 'giới hạn 72 giờ vàng,'" Tướng Chang nói. Thông thường, sau 72 giờ hy vọng tìm kiếm phi công còn sống sót rất ít.
Đài Loan mua 60 máy bay phản lực Mirage-2000 của Pháp trong những năm 1990 dù Trung Quốc phản đối mạnh mẽ. Trung Quốc xem đảo này là lãnh thổ của họ và đe dọa dùng vũ lực để đặt Đài Loan dưới quyền kiểm soát của Bắc Kinh.
Các máy bay mua lại từ Pháp trong quá khứ từng gặp những vấn đề về máy móc vì môi trường khắc nghiệt và tần suất sử dụng cao, nhưng những vấn đề này xem như đã vượt qua được vì nâng cấp kỹ thuật.
Không quân Đài Loan trông cậy nhiều vào những máy bay Mirage, cùng với các máy bay F-16 Fighting Falcon của Hoa Kỳ, và những máy bay IDF tự chế.
Phản đối của Bắc Kinh gây trở ngại cho Đài Loan trong việc mua sắm khí tài quân sự và Tổng thống Thái Anh Văn năm ngoái đã loan báo đầu tư 2,1 tỉ đô la để sản xuất những máy bay phản lực huấn luyện cho không quân, trong khuôn khổ của việc thúc đẩy vực dậy ngành công nghiệp quốc phòng trong nước. - VOA
|
|

6.
Điện Krenlin: Tổng thống Putin gặp Tổng thống Trump tại Việt Nam

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ hội đàm vào cuối tuần này bên lề một hội nghị kinh tế ở Việt Nam, điện Kremlin cho biết hôm thứ Tư 8/11.
Ông Yuri Ushakov, một cố vấn ngoại giao của ông Putin, nói rằng "có nhiều điều cần thảo luận và chúng tôi đã sẵn sàng cho cuộc gặp này."
Ông nói hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau giữa các cuộc họp tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) bắt đầu từ thứ Sáu 10/11 tại Đà Nẵng, Việt Nam.
Nha cố vấn ngoại giao Nga còn cho biết ông Trump và ông Putin có thể gặp riêng trong một cuộc gặp "mở rộng" vào một thời điểm nào đó, nhưng không nêu cụ thể thời gian.
Đầu tuần này, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov nói với hãng tin RIA của Nga rằng việc hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau tại Đà Nẵng là điều "rất có khả năng" và họ sẽ thảo luận về vấn đề Triều Tiên.
Tuy nhiên, ông Peskov cho biết hiện không có sự hợp tác nào giữa Hoa Kỳ và Nga về vấn đề Triều Tiên.
Ông Trump hiện đang thăm Trung Quốc. Trước khi đến Bắc Kinh hôm thứ Tư 8/11, ông Trump đã phát biểu trước Quốc hội Hàn Quốc, kêu gọi lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân để có cơ hội tiến tới "một con đường tốt hơn."
Ông Trump cảnh báo Triều Tiên rằng: "Đừng đánh giá thấp chúng tôi và đừng thử thách chúng tôi. Chúng tôi sẽ bảo vệ an ninh chung, sự thịnh vượng chung và sự tự do thiêng liêng của chúng tôi." - VOA
|
|

7.
Biển Đông: Việt Nam kêu gọi gia tăng nỗ lực ngoại giao --- Biển Đông : Manila bỏ kế hoạch “dựng chòi” vì bị Bắc Kinh phản đối

Đại sứ Việt Nam tại New Delhi hôm nay, 08/11/2017, cho rằng phải có thêm nỗ lực ngoại giao để giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông nhằm ngăn chận nguy cơ xung đột vũ trang ở vùng này. Theo hãng tin PTI của Ấn Độ, đại sứ Tôn Sinh Thành đã đưa ra lời kêu gọi như trên khi phát biểu với các phóng viên tại Câu lạc bộ nhà báo nước ngoài ở New Delhi.
Ông Tôn Sinh Thành nói rằng Biển Đông là một vấn đề phức tạp và không chỉ liên quan đến các đảo, mà đến cả các vùng đặc quyền kinh tế. Đại sứ Việt Nam kêu gọi phải có thêm nỗ lực ngoại giao và các biện pháp pháp lý để giải quyết vấn đề Biển Đông, nhằm tránh đi đến một tình hình mà các nước có liên quan bị lôi kéo vào một cuộc xung đột.
Tuy nhiên, ông Tôn Sinh Thành tuyên bố: “ Dĩ nhiên là chúng tôi phải chuẩn bị. Bất cứ lãnh thổ nào của Việt Nam, chúng tôi đều phải bảo vệ. Chúng tôi phải bảo vệ đảo và vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi”.
Trong khi đó, tổng thống Philippines Rodriguez Duterte hôm nay cho biết ông dự trù sẽ nêu vấn đề tranh chấp Biển Đông tại cuộc họp thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, APEC ở Đà Nẵng, Việt Nam và sẽ yêu cầu Trung Quốc nói rõ những ý định của họ về vùng biển này. Ông Duterte thông báo như trên trong một cuộc họp báo trước khi lên đường sang Việt Nam dự thượng đỉnh APEC. - RFI

***
Tổng thống Philippines đã ra lệnh cho quân đội hủy bỏ kế hoạch làm chòi trú ẩn cho ngư dân trên một dải cát ở một vùng biển đang bị Trung Quốc tranh chấp ở Biển Đông. Theo bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Lorenzana vào hôm nay, 08/11/2017, ông Duterte đã quyết định như trên sau khi bị Bắc Kinh phản đối.
Phát biểu tại một diễn đàn an ninh khu vực, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines cho biết là vào tháng 8 vừa qua, quân đội Philippiness đã mang tre, lá đến một trong số ba dải đất nổi gần một vị trí đóng quân của họ ở vùng quần đảo Trường Sa. Mục tiêu là để làm chòi trú ấn cho ngư dân. Thế nhưng Trung Quốc đã phản đối, và tổng thống Philippines đã ra lệnh hủy bỏ kế hoạch này.
Trả lời báo chí sau phiên họp, ông Lorenzana còn nói thêm là ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano đã cố vấn cho ông Duterte rằng hai nước đã thỏa thuận là không xây dựng trên những thực thể địa lý còn bỏ trống ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines xác định rằng Manila không muốn chiếm đóng dải đất hoang đó, mà ngư dân Philippines chỉ muốn có nơi trú ẩn mà thôi. Thế nhưng việc đó đã bị Trung Quốc phát hiện và phản đối.
Nơi mà quân đội Philippines muốn làm chòi cho ngư dân là một dải đất rộng khoảng 500 mét vuông, nằm cách đảo Thị Tứ 4,6 cây số. Giải đất này hiện bỏ trống, và theo ông Lorenzana, Manila sẽ không bất bình nếu Bắc Kinh chiếm đóng dải đất đó.
Tuy nhiên, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines quan ngại về khả năng đối đầu trong tương lai do việc tàu cá Trung Quốc được tàu tuần duyên hộ tống đã thâm nhập vào vùng biển được xem là ngư trường truyền thống của Philippines. Theo ông Lorenzana, Philippines cũng có quân lính và tàu trong vùng đó, vì thế « nếu có hiểu lầm, tính toán sai lệch, thì dễ dẫn đến xung đột ».
Cho nên theo bộ trưởng Quốc Phòng Philippines hai bên sẽ ngồi lại với nhau thương lượng về một nghị định thư để giải quyết nhanh mọi sự cố. Ông hy vọng đàm phán có thể bắt đầu vào ngay năm nay.
Tân Hoa Xã cho biết là hôm qua, 07/11, quan chức trong lực lượng tuần duyên hai nước đã gặp nhau để bàn về những chuyến giao lưu để xây dựng sự tin tưởng và tăng cường hợp tác nhằm ngăn ngừa tội phạm xuyên biên giới. - RFI
|
|

8.
Thủ tướng Canada thăm chính thức Việt Nam

Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã đến Hà Nội sáng ngày 8 tháng 11 năm 2017, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam kéo dài 2 ngày trước khi đến Đà Nẵng dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt – Canada được cho là có những bước phát triển tích cực. Vì thế, mục đích chuyến thăm là nhằm tăng cường quan hệ giữa hai nước tập trung vào các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế, thương mại, giáo dục và hỗ trợ phát triển.
Trong cuộc họp báo tại Hà Nội vào chiều cùng ngày, ông Trudeau cho biết Canada luôn ủng hộ tham gia thương lượng TPP để đẩy mạnh phát triển kinh tế nhưng không vội vàng mà sẽ nghiên cứu các thỏa thuận có lợi cho người dân Canada.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Canada ở Đông Nam Á và là thị trường ưu tiên của Chương trình Hành động Thị trường toàn cầu của Canada. Thương mại hai nước đạt 4,1 tỷ USD năm 2016 và 2,34 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2017.
Canada hiện có 161 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng số vốn 5,1 tỷ USD, đứng hạng 13 các quốc gia có dự án đầu tư tại Việt Nam, tập trung vào xóa đói giảm nghèo, nông nghiệp và môi trường.

Tổng thống Chile bắt đầu thăm Việt Nam
Chiều cùng ngày 8 tháng 11, Tổng thống nước Cộng hòa Chile Michelle Bachelet Keria đã có mặt tại Hà Nội bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trước khi tham dự Hội nghị lãnh đạo các nền kinh tế APEC 2017 tại Đà Nẵng.
Chuyến thăm của Tổng thống Chile cũng nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước tập trung ở các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, khoa học, công nghệ, du lịch, và các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.
Bà Bachelet Keria năm nay 66 tuổi, là nữ tổng thống đầu tiên của Chile đắc cử hồi tháng 12 năm 2005.

Quan hệ Việt – Úc sớm lên tầm Đối tác Chiến lược
Cũng vào sáng ngày 8 tháng 11, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã có cuộc họp song phương với Bộ trưởng ngoại giao Úc Julie Bishop nhân dịp bà đến Việt Nam dự các hoạt động trong khuôn khổ APEC 2017.
Tại buổi họp, cả hai bên ghi nhận quan hệ Đối tác toàn diện tăng cường Việt Nam – Australia đang phát triển mạnh mẽ và hiệu quả, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, quốc phòng, an ninh, giáo dục.
Hai chính phủ Việt Nam, Australia khẳng định tiếp tục duy trì tham vấn chặt chẽ, đặt mục tiêu sớm đưa quan hệ Việt-Úc lên tầm Đối tác Chiến lược nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Bộ trưởng Julie Bishop khẳng định Việt Nam có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Úc, và mong muốn thúc đẩy quan hệ này thêm hiệu quả và sâu sắc.
Cũng trong buổi họp, ông Phạm Bình Minh đánh giá cao các dự án ODA của Úc đối với việc phát triển kinh tế xã hôi, cải thiện môi trường, và thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam. Phía Úc đánh giá cao việc chính phủ Việt Nam tích cực hợp tác triển khai “Kế hoạch Colombo mới” của Úc, theo đó đã có 1500 sinh viên Úc sang Việt Nam học tập và giao lưu.
Bên cạnh đó, bà bộ trưởng cũng thay mặt chính phủ và nhân dân Australia gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân trong trận bão số 12 tại Nam Trung Bộ Việt Nam những ngày vừa qua. - RFA
|
|

9.
ÐGH Phanxicô bảo các cha cố: hãy nâng tâm hồn, chứ đừng nâng điện thoại lên

Ðức giáo hoàng Phanxicô hôm thứ Tư 8/11 khiển trách các linh mục và cả giám mục dùng điện thoại di động chụp hình trong thánh lễ rằng họ phải tập trung “hướng về Chúa” thay vì chụp ảnh.
“Linh mục dâng lễ xướng ‘hãy nâng tâm hồn lên,’ chứ không nói ‘hãy nâng điện thoại lên để chụp hình,” Ðức giáo hoàng Phanxicô nói như vậy với hàng chục ngàn tín đồ trong buổi tiếp kiến giáo dân hàng tuần tại Quảng trường Thánh Phêrô, ám chỉ lời nguyện cầu trong thánh lễ của Thiên chúa giáo.
Trong lời khiển trách không soạn trước, ngài nói dùng điện thoại di động chụp hình giữa thánh lễ “là một việc rất xấu.”
“Điều đó làm tôi thật buồn khi tôi dâng lễ tại đây, ở quảng trường hay trong thánh đường. Tôi thấy có quá nhiều điện thoại giơ lên. Không chỉ các tín đồ, mà cả những linh mục, thậm chí cả các giám mục! Thánh lễ không phải là một buổi biểu diễn… Xin nhớ là không dùng điện thoại di động!” Phát biểu của Ðức giáo hoàng được đám đông hưởng ứng với những tiếng cười hoặc những tán thưởng.
Ðức giáo hoàng Phanxicô, chủ chăn của 1,2 tỉ con chiên Công giáo La Mã trên khắp thế giới, thường xuyên kêu gọi các tín hữu thành tâm hơn và kêu gọi các linh mục và giám mục theo trên khắp thế giới khiêm cung hơn.
Không lâu sau khi được bầu làm lãnh đạo giáo triều Vatican hồi năm 2013, Ðức giáo hoàng Phanxicô đã nó ngài thất vọng khi nhìn thấy các cha cố đi những chiếc xe sang trọng và thích những chiếc điện thoại thông minh tân kỳ nhất.
Ðức giáo hoàng Phanxicô dùng chiếc xe Ford Focus cũ để đưa ngài đi lại, và kể từ khi được bầu lên đến nay dường như chưa ai thấy ngài sử dụng điện thoại di động. - VOA
|
|

10.
Đảng Puea Thái kêu gọi Bangkok bỏ lệnh cấm hoạt động chính trị

Đảng Puea của Thái Lan hôm thứ tư 8 tháng 11 kêu gọi chính phủ cầm quyền chấm dứt lệnh cấm hoạt động chính trị ban hành từ cuộc đảo chánh năm 2014. Lý do nêu ra vì lo ngại nếu chậm trễ sẽ làm trì hoãn cuộc tổng tuyển cử trong năm tới.
Tin từ Reuters cho biết đây là tuyên bố hiếm hoi từ một đảng cầm quyền đã bị lật đổ năm 2014. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều lời kêu gọi từ các nhóm chính trị đề nghị bỏ lệnh cấm trước cuộc bầu cử tháng 11 năm 2018 mà chính quyền quân sự đã hứa.
Lời hứa xem xét dỡ bỏ lệnh cấm của chính quyền quân sự từng được đưa ra sau ngày 29 tháng 10, kết thúc lễ tang của quốc vương Bhumibol Adulyadej.
Nhưng sau cuộc họp nội các vào thứ Ba ngày 7 tháng 11, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, người lãnh đạo cuộc đảo chánh năm 2014, cho biết lệnh cấm sẽ được giữ lại vì Thái Lan chưa sẵn sàng cho các cuộc xung đột chính trị.
Ngay sau tuyên bố của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, chính quyền của đảng Puea lên tiếng rằng đây có thể là một lý do để trì hoãn cuộc bầu cử, như đã xảy ra trước đó nhiều lần. - RFA
|
|

Tin Hoa Kỳ

11.
Bầu cử: Đảng Dân chủ mừng đại thắng trên khắp nước Mỹ 

Các đảng viên Đảng Dân chủ và các đồng minh có lập trường cấp tiến của họ trên khắp nước Mỹ có lý do để mừng ngày bầu cử 2017, ngoài những thắng lợi quan trọng trong cuộc chạy đua giành chức thống đốc bang Virginia và New Jersey.
Chiến thắng của ông Ralph Northam ở Virginia, và Phil Murphy ở New Jersey được tiếp nối với thắng lợi của hai ứng cử viên Mỹ gốc Phi, được chọn vào chức Phó Thống Đốc. Justin Fairfax giành phần thắng trong một cuộc biểu quyết riêng rẽ ở bang Virgnia, trong khi bà Sheila Oliver trở thành Nữ Phó Thống đốc da đen đầu tiên của New Jersey, trong cùng liên danh với ông Murphy.
Ông B trong một nhiệm kỳ thứ nhì, đánh bại dễ dàng ứng cử viên Đảng Cộng hoà, Thượng nghị sĩ bang New York Nicole Malliotakis, tại New York, cứ địa lâu năm của Đảng Dân chủ và cũng là thành phố nhà của Tổng thống Donald Trump.
Tại bang Maine ở vùng đông bắc Hoa Kỳ, cử tri tán thành với tỷ lệ áp đảo chương trình nới rộng Medicaid, chương trình bảo hiểm y tế hỗ trợ những người Mỹ có thu nhập thấp. Sáng kiến này triệt tiêu sự chống đối của Thống đốc Cộng hoà Paul LePage, người đã phủ quyết các biện pháp lập pháp trước đây để chấp nhận việc mở rộng chương trình Medicaid, theo tinh thần Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Giá phải chăng, thành quả lập pháp mang dấu ấn của cựu Tổng thống Barack Obama.
Tại bang Minnesota, cư dân Minneapolis Andrea Jenkins đoạt được một ghế tại Hội đồng Thành phố, trở thành người chuyển giới da màu công khai đầu tiên được bầu vào tòa nhà lập pháp Virginia, và chiếm được ghế tại một nghị viện tiểu bang của Hoa Kỳ.
Và sau cùng, bà Manka Dhingra đắc cử trong một cuộc bầu cử đặc biệt, dành chiếc ghế thượng viện bang Washington ở vùng Tây Bắc nước Mỹ, giúp cho Đảng Dân chủ chiếm toàn bộ quyền kiểm soát lưỡng viện tiểu bang và cả Văn phòng Thống đốc, giúp bang Washington trở thành 1 trong 3 tiểu bang đạt thành tích này, bên cạnh Oregon và California. - VOA
|
|
12.
Tỉ phú Mỹ đòi miễn nhiệm TT Trump, cả Dân Chủ lẫn Cộng Hòa không vui

Nhà tỉ phú Tom Steyer, một trong những nguồn tài trợ lớn cho đảng Dân Chủ, đang tạo ra điều hiếm thấy trong hoàn cảnh có sự chia rẽ cực độ giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa: đó là làm cho cả Tổng Thống Donald Trump và kẻ thù chính trị của ông là Trưởng Khối Thiểu Số Dân Chủ Hạ Viện Nancy Pelosi đều không hài lòng.
Ông Steyer đang đưa chiến dịch quảng cáo trị giá $10 triệu trên truyền hình khắp nước, kêu gọi giải nhiệm Tổng Thống Donald Trump.
Ông Trump gửi tweet ra, nói ông Steyer là “dở hơi và hoàn toàn rối loạn tinh thần”. Bà Pelosi, trong các cuộc họp riêng, bày tỏ sự không hài lòng và nói với thành phần lãnh đạo đảng Dân Chủ là chiến dịch của ông Steyer có thể khiến tạo sự phân tán nỗ lực của đảng nhằm chống lại nghị trình của ông Trump tại Washington, theo tờ Los Angeles Times.
Nhưng các quảng cáo của ông Steyer được nhiều người đồng ý: khoảng 1.5 triệu người đã ký vào thỉnh nguyện thư trên mạng của ông Steyer yêu cầu có nỗ lực giải nhiệm Tổng Thống Trump.
Chiến dịch này cũng khiến có lời đồn cho rằng ông có thể ra tranh cử chức vụ nào đó ở California, như đối đầu với nữ Thượng Nghị Sĩ Dianne Feinstein thuộc đảng Dân Chủ, người đang gặp một đối thủ khác trong đảng là lãnh tụ khối đa số Dân Chủ tại Thượng Viện California, ông Kevin de Léon. Bà Feinstein hồi Tháng Chín gặp chỉ trích khi từ chối không hậu thuẫn ý tưởng giải nhiệm ông Trump.
Ông Steyer nói rằng “Tôi nghĩ chúng ta đang trong cuộc khủng hoảng trầm trọng. Tôi sẵn sàng để làm mọi điều, kể cả việc ra tranh cử.”
Thế nhưng, hiện nay cử tri California đa số không biết ông Steyer là ai, một điều khiến nhiều người nghi ngờ rằng đó là lý do ông đưa ra chiến dịch vận động giải nhiệm Tổng Thống Donald Trump, theo LA Times.
Chủ tịch đảng Dân Chủ ở California, ông Eric Bauman, rất cẩn thận khi nói về ông Steyer. Ông ca ngợi ông Steyer vì giúp bày tỏ ‘sự giận dữ và chán nản của phía Dân Chủ, Cấp Tiến và Độc Lập ở mọi nơi trong nước.”
Tuy nhiên, ông Bauman cũng cho hay phía Dân Chủ có thể có lợi hơn nếu đứng bên ngoài vấn đề này vì ông Trump đang gặp nhiều khó khăn khác, gồm cả cuộc điều tra của điều tra viên đặc biệt Robert Mueller và cũng vì đảng Cộng Hòa đến nay không thông qua được đạo luật nào đáng kể ở Quốc Hội.
“Bà Pelosi chỉ ra rằng khi đoàn xe lửa đang lao về phía đối thủ của mình, cách hay nhất là đứng tránh sang một bên,” ông Bauman nói. “Donald Trump sẽ tiếp tục gây hại cho Donald Trump”, ông Bauman cho biết thêm, cũng theo tờ LA Times. - nguoiviet
|
|

13.
Hãng Uber sẽ tung ra ‘taxi bay’ trước năm 2020

Công ty kinh doanh dịch vụ taxi Uber cho biết họ ký thỏa thuận với Cơ quan Không gian Hoa Kỳ (NASA) để chế tạo “taxi bay lên thẳng,” theo trù liệu sẽ hoàn thành trước cuối thập niên này.
Công ty Uber hôm thứ Tư 8/11 cho biết họ hy vọng sẽ chở những hành khách đầu tiên trên vào những chiếc xe bay này vào năm 2023, mặc dù hiện còn phải đối mặt với rất nhiều trở ngại.
Ông Jeff Holden, Giám đốc sản phẩm của Uber cho biết ông hy vọng dịch vụ taxi bay sẽ giúp giảm đáng kể thời gian đi lại, giảm ô nhiễm ở các thành phố lớn, và quan trọng là dịch vụ này sẽ rẻ hơn chi phí một người tự lái xe riêng. Mặc dù vậy, ông Holden nói rằng giá dịch vụ ban đầu sẽ “hơi cao.”
Theo một nghiên cứu của Uber, hiện tại một cuốc đi từ thành phố San Francisco đến thành phố San Jose vào giờ cao điểm sẽ mất hai giờ và tốn khoảng 111 đôla. Cùng một lộ trình như vậy nhưng bằng máy bay thì chỉ mất 15 phút.
Dự kiến giá ban đầu cho một cuốc taxi bay trên tuyến này này sẽ vào khoảng 129 đôla, nhưng Uber nói sau đó giá sẽ giảm xuống chỉ còn 43 đôla và rồi sẽ chỉ còn 20 đôla.
Công ty Uber hợp tác với NASA để giải quyết một số vấn đề về hậu cần phát sinh cùng với công nghệ mới này.
Những thách thức này bao gồm việc được các cơ quan chức năng cấp phép lưu hành cho các loại xe mới và lập một hệ thống để tránh va đụng trên không ở các khu vực thành thị.
Ông Holden nói với đài truyền hình NBC News rằng: "Hợp đồng mà chúng tôi ký với NASA cơ bản là về hợp tác trong việc quản lý không lưu." - VOA
|
|

Tin Việt Nam

14.
Công ty Việt Nam vận động vũ khí ở Mỹ trước thềm APEC

Chi nhánh tại Mỹ của Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel chi khoảng 40 nghìn đôla (hơn 900 triệu đồng) một tháng cho nỗ lực vận động về quốc phòng và vũ khí tại Washington.
Theo nội dung của bản hợp đồng ký hai tháng trước chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Donald Trump mà VOA Việt Ngữ có trong tay, VTA Telecom Corporation, chi nhánh tại Hoa Kỳ của Viettel, đã thuê công ty McDermott Will & Emery vận động nhánh hành pháp và lập pháp của Hoa Kỳ về “các vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia và quốc phòng của Việt Nam”.
“McDermott tìm cách tận dụng quyết định gần đây của Bộ Ngoại giao Mỹ về việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ giao thương quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam”, văn bản ký hôm 6/9 có đoạn.
Hợp đồng kéo dài tới cuối tháng Hai năm 2018 này cho hay rằng McDermott có kế hoạch gặp gỡ và vận động các thành viên quốc hội cũng như các quan chức quốc phòng, thương mại và ngoại giao Hoa Kỳ.
Theo tài liệu đăng ký với Bộ Tư pháp Mỹ, VTA Telecom Corporation “hỗ trợ việc sản xuất thiết bị và các dịch vụ viễn thông của Viettel”, vốn được coi là “nhà cung cấp viễn thông lớn nhất ở Việt Nam”, “sản xuất cả thiết bị dân sự và quân sự”.
Thời hạn của bản hợp đồng kéo dài trong khoảng thời gian Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tới dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Đà Nẵng rồi tới Hà Nội thăm chính thức Việt Nam.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam, nhận định với VOA tiếng Việt rằng “việc Viettel thuê một công ty vận động ở Mỹ là một diễn biến lớn và cho thấy rằng việc hợp tác về công nghệ quốc phòng rất có khả năng xảy ra”.
Nhà nghiên cứu này nói thêm: “Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam – Hoa Kỳ về Hợp tác Quốc phòng năm 2015 có đề cập tới khả năng hợp tác về công nghệ và chuyển giao công nghệ quốc phòng. Đây là một sở trường của Viettel. Việt Nam nhiều khả năng cũng sẽ tìm kiếm các công nghệ quốc phòng liên quan tới lĩnh vực hàng hải. Cũng có thể có sự hợp tác về lĩnh vực mạng và không gian”.
VOA Việt Ngữ đã email cho ông Quang Huy, được cho là đại diện của Viettel ở Mỹ, để hỏi thêm về bản hợp đồng vận động quốc phòng và vũ khí nhưng thư điện tử bị trả lại.
Trước Viettel, chính phủ Việt Nam đã trả cho một công ty vận động hành lang khác của Mỹ là Podesta hơn một triệu đôla để vận động giới lập pháp và hành pháp của Hoa Kỳ trong vòng 5 năm qua. Đây khoảng thời gian nhiều quan chức cấp cao của Việt Nam đã tới thăm Nhà Trắng, trong đó có chuyến đi được coi là lịch sử của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015 cũng như chuyến công du Việt Nam năm 2016 của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Khi ấy, ông Obama đã chính thức dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam, mở đường cho Hà Nội “tậu” khí tài từ Hoa Kỳ.
Khi được hỏi rằng vấn đề Việt Nam mua vũ khí của Mỹ có nằm cao trong nghị trình chuyến thăm chính thức của ông Trump hay không, giáo sư Carl Thayer nói:
“Ngân sách quốc phòng của Việt Nam được quyết định phần lớn bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế. Không có dấu hiệu nào cho thấy rằng ngân sách quốc phòng sẽ gia tăng nhanh chóng. Việt Nam chưa ký hợp đồng vũ khí lớn nào sau khi mua các tàu ngầm lớp Kilo [của Nga]. Một ngoại lệ là việc mua hơn 60 xe tăng T-90 từ Nga”.
Nhà nghiên cứu về Việt Nam nói thêm: “Chính vì thế, các hợp đồng mua vũ khí quy mô lớn của Mỹ nhiều khả năng sẽ không diễn ra trong tương lai gần. Chúng đắt đỏ và bên cạnh đó, việc bảo dưỡng cũng như sự hỗ trợ hậu cần đều dựa trên công nghệ của Nga. Một phi vụ mua bán lớn duy nhất có thể là một chiếc tàu tuần duyên lớp Hamilton thứ hai [của Mỹ]”.
Tuyên bố chung của ông Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của người đứng đầu chính phủ Việt Nam hồi giữa năm nay, có đoạn viết rằng ông Phúc “tỏ quan tâm tới việc tiếp nhận thêm trang thiết bị quốc phòng từ Hoa Kỳ, bao gồm các tàu tuần tra cho lực lượng cảnh sát biển”.
Nhà Trắng thông báo rằng sau khi dự hội nghị APEC ngày 11/11, ông Trump sẽ tới Hà Nội, thăm chính thức Việt Nam và sẽ có các cuộc trao đổi với Chủ tịch Trần Đại Quang cũng như các quan chức cấp cao khác của Việt Nam.
Trong buổi cung cấp thông tin chuyến đi cho báo giới ở Nhà Trắng hôm 3/11, một quan chức cấp cao của Mỹ nhận định rằng Việt Nam là “đối tác xuất sắc” của Mỹ, và rằng chuyến thăm của ông Trump “cho thấy tầm quan trọng mà Hoa Kỳ đặt vào mối quan hệ đối tác với Việt Nam”.
Nhận định về chặng dừng chân ở Đà Nẵng và Hà Nội trong chuyến đi kéo dài nhiều ngày tới châu Á, giáo sư Carl Thayer cho rằng nó “có ý nghĩa đối với cả hai nước”.
“Đối với Việt Nam, chuyến thăm của ông Trump tới Hà Nội rõ ràng mang tính biểu tượng về việc chính quyền Mỹ cam kết mở rộng quan hệ đối tác chiến lược từng đàm phán dưới thời kỳ nắm quyền của ông Obama. Hoa Kỳ là một thị trường quan trọng đối với Việt Nam và Việt Nam đang mưu tìm cách thức làm sâu sắc mối quan hệ kinh tế và thương mại với Mỹ dù ông Trump quyết định rút khỏi TPP”, chuyên gia về Việt Nam nhận định.
“Chuyến thăm Việt Nam của ông Trump trùng thời điểm với chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Diễn biến này quan trọng vì Việt Nam muốn duy trì sự tự chủ của mình và tránh rơi vào quỹ đạo của bất kỳ cường quốc nào. Cả ông Tập và ông Trump sẽ đi tới quyết định rằng họ cần phải hỗ trợ Việt Nam duy trì độc lập vì nó mang lại lợi ích cho cả Bắc Kinh và Washington”. - VOA
|

|

15.
Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ Melania Trump không đi thăm Việt Nam

Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ Melania Trump sẽ không đi cùng Tổng thống Donald Trump đến Việt Nam trong chuyến công du châu Á trong tuần này.
Đệ Nhất Phu Nhân Melania Trump hiện đang thăm Bắc Kinh, đây là chặng dừng chân thứ ba và cũng là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du châu Á của bà cùng Tổng thống Donald Trump. Tổng thống Trump sẽ tiếp tục chuyến công du đến Việt Nam và Philippines, nhưng Đệ Nhất Phu Nhân không đi cùng, theo CNN.
Hôm 8/11, một nguồn tin đáng tin cậy của VOA Việt ngữ cho biết Đệ nhất Phu nhân Mỹ sẽ không đi cùng ông Trump đến Đà Nẵng dự Tuần lễ cấp cao của Diễn đàn Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và cũng không đến Hà Nội trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Trump.
Tòa Bạch Ốc không loan báo vì sao Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ không đi thăm Việt Nam trong cùng chuyến công du sang nửa bên kia của trái đất và đang ở ngay nước láng giềng phương bắc của Việt Nam.
Nguồn tin này đưa ra trong khi bà Melania Trump đang viếng thăm Bắc Kinh và gặp gỡ Đệ Nhất phu nhân Trung Quốc Bành Lệ Viện. Trước đó, bà có cuộc gặp với Đệ nhất Phu Nhân Nhật Bản Akie Abe tại một trung tâm thương mại ở Tokyo và dùng cơm tối với gia đình Thủ tướng Abe.
Ở Hàn Quốc, bà Melania tham gia buổi tiệc trà truyền thống với bà Kim Jung-sook, phu nhân của Tổng thống Moon Jae-in.
Trên Instagram, bà Melania có viết bà rất mong đợi được gặp đệ nhất phu nhân các nước Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc, nhưng không có nhắc đến bà Nguyễn Thị Hiền, phu nhân của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. - VOA
|
|
16.
Mậu dịch và an ninh, hai trọng tâm của Trump ở Việt Nam

Sau khi dự thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng ngày 10/11/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ mở chuyến viếng thăm chính thức Việt Nam ngày 11/11/2017. Ông sẽ đến Hà Nội để gặp các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam. Hôm nay, tờ Asia Times đã có bài nhận định về mối quan hệ Việt -Mỹ.
Asia Times nhắc lại rằng, trong các lãnh đạo chế độ Hà Nội, riêng thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có mối quan hệ làm việc với tổng thống Trump, vì ông đã là lãnh đạo đầu tiên của Đông Nam Á hội kiến ông Trump ở Nhà Trắng vào tháng 5 vừa qua.
Nhân chuyến viếng thăm đó, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký các hợp đồng mới để thúc đẩy trao đổi mậu dịch Việt Nam với Hoa Kỳ, trong đó có hợp đồng mua máy bay Boeing. Hà Nội ký những hợp đồng này để chứng tỏ họ sẳn sàng đáp ứng yêu cầu của tổng thống Trump giảm thặng dư thương mại rất lớn với Hoa Kỳ, vốn đã lên tới 29 tỷ đôla năm 2016, theo các số liệu của phía Việt Nam.
Đổi lại, Hà Nội muốn Hoa Kỳ gia tăng đầu tư vào Việt Nam. Trong tám tháng đầu năm nay, các dự án đầu tư của Mỹ chỉ đạt tổng cộng 370 triệu đôla, chỉ bằng 5% của Hàn Quốc, nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam.
Asia Times trích dẫn tờ Vietnam Investment Review cho biết giới doanh nghiệp Mỹ ở Việt Nam hy vọng chuyến viếng thăm của tổng thống Trump sẽ thúc đẩy trao đổi mậu dịch giữa hai nước. Họ cũng tin rằng Hà Nội sẽ cam kết tự do hóa kinh tế hơn nữa để thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh mà ngân sách Nhà nước gặp khó khăn và nợ công tăng cao, chính quyền Việt Nam muốn thúc đẩy các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng với vốn đầu tư tư nhân.
Giới lãnh đạo Hà Nội cũng muốn thảo luận với tổng thống Trump về các vấn đề an ninh. Kể từ khi ông Trump lên cầm quyền vào tháng Giêng đến nay, Hà Nội vẫn không biết là Washington có sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trước việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông hay không.
Tờ báo trích lời chuyên gia Bill Hayton, tác giả cuốn “ Biển Đông: Cuộc tranh giành quyền lực ở châu Á” viết rằng : “Chính quyền Trump đã tỏ cho thấy hoặc là họ không hiểu hoặc là họ không quan tâm đầy đủ đến các lợi ích của các nước bạn và các nước đối tác tiềm tàng ở Đông Nam Á để bảo vệ họ chống Trung Quốc.
Tuy vậy, các cố vấn của tổng thống Mỹ gần đây đã nói ngày càng nhiều đến mục tiêu xây dựng “một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Tuy không giống như chiến lược “xoay trục sang châu Á” của tổng thống tiền nhiệm Barack Obama, nhưng dự án này cũng nhằm duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực.
Nhưng theo Asia Times, tổng thống Trump viếng thăm Trung Quốc trước khi đến Việt Nam, với hy vọng thuyết phục Bắc Kinh mở cửa thị trường hơn nữa cho các nhà đầu tư Mỹ, cũng như yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ thêm trong việc ngăn chận tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Cho nên có một số người lo ngại là vì muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc, ông Trump sẽ hy sinh các lợi ích của Việt Nam, cũng hy sinh mục tiêu thiết lập vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Các nhà hoạt động dân chủ ở Hà Nội thì cho biết họ không hy vọng tổng thống Mỹ sẽ công khai lên tiếng về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam, vốn đã trở nên tồi tệ hơn trong những tháng gần đây. Thật ra thì khi viếng thăm Việt Nam vào năm ngoái, người tiền nhiệm Obama cũng đã không hề đề cập đến vấn đề nhân quyền.
Chính quyền Trump dường như có cách tiếp cận giống như chính quyền Obama, tức là thay đổi ở Việt Nam sẽ diễn ra từ từ và thông qua các hành động mang tính xây dựng, chứ không phải là qua những hành động trừng phạt.
Vấn đề là do tổng thống Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương, TPP. Hoa Kỳ nay không còn một công cụ hiệu quả để thúc đẩy Hà Nội tự do hóa kinh tế và chính trị vì hiệp định này buộc Việt Nam phải cho phép thành lập các công đoàn độc lập cũng như phải chấp nhận những cải tổ quan trọng khác. - RFI
|
|

17.
Đồng Tâm: Dân họp, phản bác công an Hà Nội

Chiều 8/11, một số người dân xã Đồng Tâm, Hà Nội tổ chức cuộc họp trực tuyến phản bác lại lời bình luận của Phó giám đốc Công an TP Hà Nội Đại tá Đào Thanh Hải cho rằng ông Lê Đình Kình gãy chân "vì giằng co".
Ông Lê Đình Kình, 82 tuổi, ở thôn Hoành (Đồng Tâm, Mỹ Đức), được xem là người đứng đầu các gia đình khiếu nại đất đai ở Đồng Tâm.
Ông Lê Đình Kình bác bỏ tuyên bố nói ông Kình bị gãy chân vì "gia đình giằng co với công an Hà Nội" là không đúng.
Phó giám đốc Công an Hà Nội, Đại tá Đào Thanh Hải hôm 7/11 phát biểu trước Quốc Hội rằng:
"Khi cơ quan điều tra tiến hành bắt giữ ông Lê Đình Kình, gia đình nhà ông Lê Đình Kình đã xông vào chống lại lực lượng thi hành nhiệm vụ, giằng co và đã xảy ra cái việc ông Lê Đình Kình bị gãy chân.
"Không có vấn đề gì liên quan đến quá trình lực lượng thực thi nhiệm vụ đánh gây thương tích ông Kình. Ở đây hoàn toàn trong quá trình giằng co giữa lực lượng thực thi nhiệm vụ và gia đình ông Kình đã xông vào cản trở cơ quan điều tra, dẫn đến việc đáng tiếc như vậy," ông Hải phát biểu tại Quốc Hội.

Phản bác qua Facebook
Trong video phát sóng trực tiếp qua Facebook hôm 8/11, người dân Đồng Tâm tiến hành cuộc họp hàng tuần, ông Kình thuật lại vụ việc hôm 15/4.
Ông Kình cho biết hôm 15/4 các cán bộ yêu cầu cụ ra chỉ mốc giới ở khu đất tranh chấp với chính quyền, tuy nhiên cán bộ sau đó yêu cầu người dân ra về, chỉ còn lại vài người trong đó có hai ông Bùi Viết Hiểu, Bùi Văn Vệ và bà Hoàng Thị Thăng.
Theo lời ông Kình, một cán bộ đã nổ súng bắn chỉ thiên và ngay sau đó ông bị một cán bộ "đá văng" làm gãy xương đùi.
"Hai cảnh sát cơ động, mỗi người khiêng tay và chân tôi, quăng lên xe như một con thú," ông Kình giữ nguyên cáo buộc từng tuyên bố suốt nhiều tháng qua.
"Lúc đó chỉ có con tôi là Lê Đình Công đã bị bắt trước cả tôi, còn lại thì ở nhà. Không có chuyện gia đình giằng co làm gẫy chân tôi.
"Vì vậy lời nói của ông Đào Thanh Hải là không đúng. Công an Hà Nội vừa đá bóng, vừa thổi kèn và vu khống cho vợ con tôi," ông Kình nói
Hai ông Hiểu và Vệ và bà Thăng cũng xuất hiện trong video phát trực tuyến trên Facebook xác nhận lại lời tường thuật của cụ Kình.
Ông Hiểu nói: "Hôm đó tôi đi cuối hàng, đang đi thì nghe phát súng, tôi ngẩng lên thì thấy Trần Thanh Tùng, phó giám đốc công an huyện đá cụ Kình ngã, cặp đựng tài liệu của cụ văng lên. Họ cũng bắt tôi nhưng khi đẩy đến gần xe thì tôi giằng ra và bỏ chạy được.
Trong bài phát biểu trước Quốc Hội, Phó giám đốc Công an Hà Nội nói thanh tra đã "kiểm tra rất kỹ toàn bộ quy trình công tác...của lực lượng công an TP Hà Nội".
Trong clip, ông Lê Đình Công, con trai cụ Kình phản bác thông tin này.
"Kể từ khi bố tôi bị đánh, chuyển từ bệnh viện về, không có một cán bộ công an nào đến điều tra, thanh tra về việc bố tôi bị đánh gãy chân như thế nào!" ông Công nói.
"Chúng tôi mong muốn đại biểu Quốc hội, Dương Trung Quốc và các đại biểu khác tiếp tục chất vấn ông Đào Thanh Hải về tuyên bố của người dân trong cuộc họp ngày hôm nay," ông Công đề nghị.
Tại Quốc hội hôm 7/11, sau phát biểu của đại biểu Đào Thanh Hải, ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội, nói:
"Tốt nhất là các đồng chí phải công khai nói sự việc ấy để người dân bình luận xem ông già 82 tuổi có thể tự gãy chân không? Ở đây ngay cả quy định về người cao tuổi chúng ta cũng không tuân thủ." - BBC
|
|

18.
Hơn 100 người chết do bão số 12

Đã có ít nhất 106 người thiệt mạng, 25 người mất tích và 197 người bị thương do cơn bão số 12, tính đến thời điểm 7h tối ngày 8/11. Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng Chống Thiên tai cho biết cập nhật số thống kê về thiệt hại nhân mạng như vừa nêu. Ngoài ra có gần 1.490 ngôi nhà bị sập, hơn 119 ngàn ngôi nhà bị tốc mái và hư hỏng.
Số lượng nhà bị ngập cũng rất lớn, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Trung Bộ như Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, và Phú Yên. Trong đó, tỉnh Thừa Thiên Huế có đến hơn 70.200 ngôi nhà bị ngập và Đà Nẵng là hơn 11.500 ngôi nhà.
Sáng ngày 8/11, hàng ngàn cán bộ, công nhân viên và thanh niên xung kích đã tiến hành dọn dẹp Hội An sau bão lũ để phục vụ khách thăm quan nhân Tuần lễ Cấp cao APEC tổ chức tại thành phố Đà Nẵng.
Các lực lượng này đã dọn dẹp môi trường, vệ sinh nhà cửa cho người dân, đồ dùng sinh hoạt, xử lý nguồn nước và xác động vật chết.
Cũng tin liên quan, máy bay chở hàng giúp nạn nhân bão lũ Việt Nam do Nga viện trợ vào chiều ngày 8/11 hạ cánh xuống cảng Cam Ranh. Máy bay này chở 40 tấn hàng viện trợ cho những nạn nhân bão lũ, trong đó bao gồm các thực phẩm có đường, sữa, thịt và cá hộp. Ngoài ra, Tổng thống Nga Putin cũng chỉ đạo trợ giúp Việt Nam số tiền 5 triệu đô la Mỹ.
Một ngày trước vào ngày 7/11, lô hàng cứu trợ thiên tai sau bão số 12 từ Nhật Bản đã đến Đà Nẵng. Lô hàng này bao gồm 105 thiết bị lọc nước mới, hỗ trợ người dân hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, nhằm giúp họ có nước sạch dùng cho sinh hoạt. - RFA
|
|

19.
Nga tiến hành giao xe tăng T-90 cho Việt Nam

Nga bắt đầu bàn giao loạt xe tăng T-90S và T-90SK cho Việt Nam theo hợp đồng đã ký giữa hai quốc gia.
Hãng thông tấn Interfax cho biết thông tin vừa nêu và được truyền thông trong nước loan lại vào ngày 7 và 8 tháng 11. Theo đó Phó Giám đốc Cơ quan Hợp tác Quân sự-Kỹ thuật Liên Bang Nga, ông Mikhail Petukhov, tuyên bố tại cuộc Triển lãm An ninh-Quốc phòng rằng đã đến thời điểm Nga thực hiện hợp đồng cung cấp 64 xe tăng cho Việt Nam và lô xe tăng đầu tiên bàn giao bao gồm 2 phiên bản T-90S và T-90SK.
Interfax còn cho biết trong 2 phiên bản xe tăng T-90 có cả xe tăng chỉ huy. Đặc điểm ưu việt của loại xe tăng T-90 là có lắp đặt các trang thiết bị tối tân để phòng thủ và tấn công, đặc biệt có hệ thống giáp và phòng vệ nhiều tầng hàng đầu thế giới.
Về phía Việt Nam, trước khi nhận lô hàng xe tăng T-90S và T-90SK đầu tiên từ Nga, các sĩ quan tăng thiết giáp của Việt Nam được đào tạo sử dụng loại xe này ở Ấn Độ cũng như được học hỏi kinh nghiệm chiến đấu và bảo đảm kỹ thuật.
Hồi tháng 7 vừa qua, Tập đoàn Quốc gia Rosoboronexport của Nga thông báo Nga sẽ cung cấp các khí tài trên biển và xe tăng cho Việt Nam theo hình thức cho vay. - RFA
|
|

20.
Người hiến vàng cho CSVN, khi chết vẫn chưa đòi được nhà cho mượn

Việt Nam sẽ tổ chức tang lễ cấp cao cho bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ của “nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô,” người được ghi nhận “đã hiến 5,147 lượng vàng cho chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Việt Nam.”
Báo Tuổi Trẻ hôm 8 Tháng Mười Một cho hay, vợ chồng bà Hồ đã hiến 5,147 lượng vàng trong tuần lễ vàng hồi năm 1945. Số vàng này được mô tả là “gấp đôi ngân khố chính phủ Hà Nội thời bấy giờ.”
Bà Hồ qua đời hôm 5 Tháng Mười Một tại nhà riêng ở Hà Nội, hưởng thọ 104 tuổi.
Theo Wikipedia, bà Hồ là một trong những đảng viên đầu tiên của đảng Xã Hội Việt Nam và cũng là một trong những người đầu thời kỳ thành lập Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam. Bà làm công tác phụ nữ đến năm 1974 thì nghỉ hưu.
Tuy nhiên, báo Thanh Niên ngày 7 Tháng Mười Một đăng bài “Nỗi buồn nhân đôi của gia đình ông bà Trịnh Văn Bô” cho biết tên ông Trịnh Văn Bô (mất năm 1988) dự trù được đặt tên cho một đoạn đường dài 1.2 km tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tuy nhiên mãi đến năm 2016, chưa có con đường được đặt tên ông, vì “nhân dân trên địa bàn cho rằng họ không biết nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô là ai!”
Báo này nêu thêm bi kịch thứ hai của vợ chồng bà Hồ, đó là khi cho chính quyền mượn tạm một căn nhà nhưng đến khi nhận lại sau nhiều thập niên, năm 2003, thì lại không được cấp giấy tờ sở hữu mang tên họ.
Bài báo viết: “Năm 1954, sau khi chính quyền cách mạng về tiếp quản thủ đô, vợ chồng bà Hồ cho Tổng Tham Mưu Trưởng Hoàng Văn Thái mượn ngôi biệt thự tại 34 Hoàng Diệu, Hà Nội, có khuôn viên rộng 3,000 mét vuông trong hai năm… Đến năm 1975, họ đệ đơn xin lại nhà. Lúc này, sự thể trở nên phức tạp… Vậy là nỗi buồn nhân đôi khi bà Hồ đã qua đời, dù đã ở ngôi nhà 34 Hoàng Diệu hơn chục năm nay, song sổ đỏ thì vẫn cứ chờ đợi, chờ vắt sang cả thế kỷ 21 mà vẫn chưa biết nó tắc ở chỗ nào?”
Nhà báo Hà Phan, cựu phóng viên báo Tiền Phong, bình luận trên Facebook: “Tại sao người ta có thể đối xử như thế với gia đình từng hiến 5,147 lượng vàng cho cách mạng và cả ngôi nhà 48 Hàng Ngang, trị giá hàng trăm tỷ đồng theo thời giá bây giờ, để làm nhà lưu niệm? Đến khi cụ bà qua đời, trên giấy tờ nhà vẫn chưa phải của gia đình họ, chẳng hề có sổ hồng, sổ đỏ gì như người ta.”
Nhà báo Nguyễn Thế Thanh, cựu tổng biên tập báo Phụ Nữ, cựu phó giám đốc Sở Văn Hóa Thông Tin ở Sài Gòn, viết: “Niềm tin của dân vào nhà nước do đảng lãnh đạo hôm nay đâu còn như ngày đó nữa để có thể xuất hiện những tấm lòng vàng như vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô. Có chăng là sự chằng chịt của lợi ích nhóm…” - nguoiviet

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9









No comments:

Post a Comment

View My Stats