Sunday, 5 November 2017

TIN CẬP NHẬT THỨ TƯ 4/11/2017 (Lê Minh Nguyên)




http://tinchonlochangngay.blogspot.com/2017/11/tin-cap-nhat-thu-bay-411.html

Tin Thế Giới

1.
Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi đầu chuyến công du châu Á --- Trump kéo dài chuyến công du để dự thượng đỉnh Đông Á

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay 04/11/2017 đến Nhật Bản sau khi ghé Hawai và thăm Trân Châu Cảng, khởi đầu chuyến công du năm nước châu Á kéo dài 12 ngày. Đây là chuyến thăm châu Á dài nhất của một tổng thống Mỹ kể từ 25 năm qua, với Bắc Triều Tiên, tự do hàng hải và thương mại được cho là các chủ đề chính.

Tại Hawai, tổng thống Mỹ và phu nhân được thống đốc David Ige và đô đốc Harry Harris, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương (PACOM) tiếp đón. Sau khi họp kín với bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Camp Smith, ông Trump đến Trân Châu Cảng thăm đài tưởng niệm các thủy thủ Mỹ tử nạn trong vụ tấn công ngày 07/12/1941.

Hôm nay tổng thống Hoa Kỳ bay đến Nhật Bản, trước khi đến Hàn Quốc ngày 7/11 với mục đích tạo ra một mặt trận chung đối phó với Bắc Triều Tiên. Tiếp theo, ông thăm Trung Quốc (8-10/11), tại đây ông Trump sẽ cố gắng thuyết phục ông Tập Cận Bình cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng.

Tổng thống Mỹ rất được chờ đợi tại hội nghị thượng đỉnh APEC ngày 10/11 ở Đà Nẵng. Trả lời Fox News, ông Donald Trump cho biết rất có thể sẽ gặp gỡ tổng thống Nga Vladimir Putin ở Việt Nam, để bàn về Bắc Triều Tiên, Syria, Ukraina.

Theo tờ Stars and Stripes, tổng thống Trump chuẩn bị hai bài diễn văn quan trọng, sẽ đọc trước Quốc Hội Hàn Quốc và tại thượng đỉnh APEC ở Việt Nam. Nhà Trắng nói rằng chuyến công du này của Donald Trump « sẽ nhấn mạnh cam kết về mối liên minh và đối tác lâu dài, đồng thời tái khẳng định sự lãnh đạo của Hoa Kỳ trong việc xúc tiến một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, cởi mở ».

Các nhà quan sát cho rằng « Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở », quan niệm mới trong chính sách của ông Trump tại châu Á, có thể là thành lũy ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh trong khu vực.

Chặng cuối chuyến công du của tổng thống Trump là Philippines, ngày 13-14/11.

Chuyến công du châu Á dài nhất của một tổng thống Mỹ từ trước đến nay là vào thời ông George H.W.Bush, vào cuối năm 1991, đầu 1992. - RFI

***
Tuyên bố với báo chí Mỹ hôm qua, 03/11/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo là trong chuyến công du châu Á lần này ông sẽ ở lại Philippines thêm một ngày nữa để dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Phát ngôn viên của Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders sau đó đã xác nhận có sự thay đổi nói trên trong lịch trình công du của tổng thống Trump.

Trong chuyến công du đến năm nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines, ban đầu ông Trump dự kiến chỉ tham dự hai hội nghị thượng đỉnh, thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng và thượng đỉnh ASEAN ở Manila, chứ không dự thượng đỉnh Đông Á ở thành phố Angeles, Philippines, trong hai ngày 13 và 14/11.

Theo hãng tin Bloomberg, các chuyên gia về chính sách đối ngoại đã cảnh báo là quyết định của tổng thống Trump không dự thượng đỉnh Đông Á, hội nghị mà người tiền nhiệm Obama thường xuyên có mặt, có thể khiến các đối tác châu Á thêm lo ngại về cam kết của Mỹ đối với khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, do mối đe dọa Bắc Triều Tiên và với việc tổng thống Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương.

Các quan chức của chính quyền Obama trước đây cũng đã chỉ trích quyết định của ông Trump không dự thượng đỉnh Đông Á, cho rằng làm như vậy sẽ mở đường cho Trung Quốc nắm giữ vai trò lãnh đạo khu vực.

Nhưng hôm qua, tổng thống Trump cho biết là vào cuối chuyến công du châu Á, thay vì quay trở lại Hawai thêm một ngày, ông sẽ ở lại Philippines để dự thượng đỉnh Đông Á và theo tổng thống Mỹ, đây sẽ là « ngày quan trọng nhất”. - RFI
|
|

2.
Trung Quốc chạy thử tàu nạo vét khổng lồ để xây đảo nhân tạo


Hôm nay, 04/11/2017, báo chí chính thức của Trung Quốc loan tin là nước này vừa cho hạ thủy một chiếc tàu khổng lồ, có khả năng xây những đảo nhân tạo giống các đảo mà Bắc Kinh đã xây ở Biển Đông.

Theo China Daily, chiếc tàu nạo vét lớn nhất châu Á này, mang tên Thiên Côn Hiệu (Tian Cun Hao), đã được hạ thủy tại một cảng ở tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, để bắt đầu chạy thử.

Chiếc tàu khổng lồ này có khả năng đào được 6.000 mét khối đất/giờ, khối lượng tương đương với gần ba bể bơi Olympic. Với chiều dài 140 mét, chiếc tàu mới có kích thước lớn hơn chiếc tàu Thiên Kinh (Tian Jing) mà Bắc Kinh đã sử dụng để nạo vét và bồi đắp các đá và các đảo nhỏ thành các đảo nhân tạo ở vùng Biển Đông và đặt trên đó các cơ sở quân sự.

Chiếc tàu Thiên Côn có khả năng đào ở độ sâu đến 35 mét và sau khi nghiền nát đá và cát được nạo vét thành bùn, có thể tự động phóng lượng bùn này đi xa 15 km, khoảng cách phóng xa nhất đối với một tàu nạo vét hiện nay trên thế giới. - RFI
|
|

3.
Thủ tướng Lebanon từ chức, nói mình bị nhắm mục tiêu ám sát

Thủ tướng Lebanon Saad al-Hariri đã từ chức vào hôm thứ Bảy, nói rằng ông tin là có một âm mưu ám sát nhắm vào ông. Ông cáo buộc Iran và nhóm Hezbollah đồng minh của Iran ở Lebanon gieo rắc xung đột trong thế giới Ả-rập.

Việc ông từ chức khiến chính phủ liên minh tan vỡ và đẩy Lebanon vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới, đưa nước này trở về chiến tuyến của một cuộc tranh đua khu vực giữa Ả-rập Saudi theo Hồi giáo Sunni và Iran theo Hồi giáo Shia vốn đã làm chao đảo các nước như Syria, Iraq, Yemen và Bahrain.

Ông Hariri, người có quan hệ gần gũi với Ả-rập Saudi, cáo buộc trong một phát biểu được phát sóng từ một địa điểm không được tiết lộ rằng Hezbollah đang "chĩa vũ khí" vào người Yemen, Syria và Lebanon.

Trong những phát biểu nhắm vào Iran, ông nói thế giới Ả-rập sẽ "cắt đứt những bàn tay gian tà chìa về phía mình."

Kênh truyền hình al-Arabiya al-Hadath của Ả-rập Saudi phát sóng khắp thế giới Ả-rập cho biết một âm mưu ám sát ông Hariri đã bị phá vỡ tại thủ đô Beirut của Lebanon cách đây vài ngày, dẫn một nguồn không nêu danh tính.

Lực lượng an ninh nội địa của Lebanon cho biết trong một thông cáo về các bản tin này rằng họ không có thông tin về vụ việc và phủ nhận họ là nguồn tin.

Ông Hariri nói Hezbollah và Iran đã đưa Lebanon vào "tâm bão" của những chế tài quốc tế. Iran đang gieo rắc xung đột, phá hủy và điêu tàn ở bất cứ nơi nào mà họ tới và cáo buộc nước này có mối "hận thù sâu sắc đối với quốc gia Ả-rập," ông nói.

Sayyed Hassan Nasrallah, lãnh đạo của nhóm Hezbollah, sẽ lên tiếng về việc ông Hariri từ chức trong một phát biểu trên truyền hình hôm Chủ nhật, theo các cơ quan truyền thông có liên hệ với Hezbollah.

Bộ Ngoại giao Iran gọi vụ từ chức của ông Hariri là một âm mưu nhằm "tạo nên căng thẳng ở Lebanon và trong khu vực."

Những mối quan hệ gần gũi của Hezbollah với Iran và sự ủng hộ của nước này dành cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc chiến với phe nổi dậy là nguồn chính gây ra căng thẳng cho Lebanon trong những năm qua.

Kể từ khi nhậm chức, ông Hariri đã nỗ lực thu thập viện trợ quốc tế cho Lebanon để ứng phó với thách thức từ việc nước này phải tiếp nhận khoảng 1,5 triệu người tị nạn Syria, tìm kiếm hàng tỉ đôla để vực dậy nền kinh tế ì ạch của mình.

Mỹ đang cân nhắc thêm những chế tài mới nhắm vào Hezbollah, vốn bị Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố, như một phần trong lập trường cứng rắn hơn đối với Iran và các đồng minh của nước này. - VOA
|
|

4.
Cựu lãnh đạo Catalonia nói sẽ chấp hành trát bắt giữ của Tây Ban Nha

Cựu lãnh đạo khu vực Catalonia của Tây Ban Nha hôm thứ Bảy nói rằng ông sẵn sàng hợp tác với nhà chức trách Bỉ sau khi nhà chức trách Tây Ban Nha ra trát bắt giữ ông ở Châu Âu.

Carlos Puigdemont, trong một dòng tweet đăng hôm thứ Bảy, nói: "Chúng tôi sẵn sàng hợp tác đầy đủ với công lý của Bỉ theo sau trát bắt giữ ở Châu Âu do Tây Ban Nha phát đi."

Một thẩm phán Tây Ban Nha ra trát bắt giữ ông Puigdemont một ngày sau khi bà bỏ tù tám thành viên của chính phủ ly khai vùng này đang đợi những cáo buộc có thể được đưa ra liên quan tới việc Catalonia tuyên bố độc lập vào tuần trước.

Ông Puigdemont, người được cho là đang ở Bỉ, không cung cấp chi tiết hay nêu cụ thể địa điểm hiện tại của ông, mặc dù ông và một số phụ tá đã chạy sang Brussels vào tuần trước sau khi bị Tây Ban Nha truất quyền.

Thẩm phán Tòa án Quốc gia đệ trình yêu cầu với công tố viên Bỉ câu lưu ông Puigdemont và bốn trợ lý của ông, và phát đi một lệnh khám xét và bắt giữ quốc tế riêng biệt để cảnh báo Interpol trong trường hợp họ chạy khỏi Bỉ.

Các công tố viên liên bang của Bỉ cho biết họ đã nhận được trát bắt giữ và có thể thẩm vấn ông Puigdemont trong những ngày tới.

Luật sư Bỉ của ông Puigdemont không hồi đáp các cuộc gọi yêu cầu bình luận, nhưng đã nói rằng thân chủ của ông sẽ chống lại yêu cầu dẫn độ của Tây Ban Nha mà không cần xin bảo hộ tị nạn chính trị.

Ông Puigdemont và bốn người khác đang bị truy nã về năm tội danh, bao gồm nổi dậy, phản loạn và tham ô trong một cuộc điều tra của Tây Ban Nha về vai trò của họ trong việc thúc đẩy Catalonia ly khai khỏi Tây Ban Nha. - VOA
|
|

5.
Báo cáo của Mỹ khẳng định sự tăng nhiệt toàn cầu do con người gây ra

Một báo cáo đồ sộ của Mỹ kết luận rằng bằng chứng về sự tăng nhiệt toàn cầu là mạnh mẽ hơn bao giờ hết, trái ngược với luận điểm mà các quan chức hàng đầu của chính quyền Trump hay nêu ra, trong đó họ hạ thấp vai trò của con người trong sự biến đổi khí hậu.

Báo cáo được công bố hôm thứ Sáu là một trong hai đánh giá khoa học được quy định phải công bố mỗi bốn năm một lần. Một bản thảo cho thấy sự tăng nhiệt ảnh hưởng như thế nào tới nước Mỹ cũng được đăng tải.

Dù có những lo ngại của một số nhà khoa học và những người vận động vì môi trường, các tác giả của báo cáo cho biết không có sự can thiệp chính trị hay kiểm duyệt nào trong bản báo cáo cuối cùng dày 477 trang. Đây là bản tóm tắt toàn diện nhất về khoa học khí hậu kể từ năm 2013, cho thấy một thế giới đang ấm lên theo chiều hướng xấu đi.

Kể từ năm 1900, Trái đất đã tăng 1 độ C và mực nước biển đã tăng hơn 20 cm. Những đợt nóng, những trận mưa xối xả và cháy rừng đã trở nên thường xuyên.

Bộ trưởng Năng lượng Rick Perry và Quản trị viên Cơ quan Bảo vệ Môi trường Scott Pruitt đã nhiều lần nói rằng carbon dioxide không phải là yếu tố chính góp phần vào sự tăng nhiệt toàn cầu.

Nhưng các nhà khoa học kết luận "cực kỳ nhiều khả năng" - nghĩa là mức độ chắc chắn ở mức từ 95 đến 100 phần trăm - sự tăng nhiệt toàn cầu là do con người gây ra, chủ yếu là do carbon dioxide từ việc đốt than, dầu mỏ và khí thiên nhiên thải vào khí quyển.

"Trong thế kỷ qua, không có cách giải thích khác nào thuyết phục hơn," bản báo cáo nói.

Các nhà khoa học tính toán rằng sự đóng góp của con người vào sự tăng nhiệt toàn cầu từ năm 1950 ở khoảng từ 92 phần trăm cho tới 123 phần trăm. Sở dĩ có khi nhiều hơn 100 phần trăm là bởi vì một số thế lực tự nhiên - chẳng hạn như núi lửa và chu trình quỹ đạo - đang góp phần hạ nhiệt Trái đất, nhưng bị lấn át bởi các ảnh hưởng của khí nhà kính, theo lời của đồng tác giả báo cáo Katharine Hayhoe của trường đại học Texas Tech.

"Thời kỳ này là thời kỳ ấm nhất trong lịch sử của nền văn minh hiện đại," bà nói với hãng tin AP.

Báo cáo cũng ghi nhận những sự kiện khác nhau do biến đổi khí hậu gây ra có thể tương tác theo một cách phức tạp để làm cho cuộc sống tồi tệ hơn như những vụ cháy rừng ở bang California và Siêu bão Sandy năm năm trước. - VOA
|
|

6.
Oanh tạc cơ B-1B của Mỹ tập trận trên bán đảo Triều Tiên

Hai oanh tạc cơ siêu âm B-1B của Mỹ hôm qua, 03/11/2017, đã tham gia tập trận trên không phận bán đảo Triều Tiên. Đây là một sự phô trương sức mạnh đối với Bắc Triều Tiên trước chuyến công du châu Á của tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng thời là phản ứng trước việc Trung Quốc cho máy bay ném bom loại mới bay thử nghiệm tại vùng biển gần đảo Guam và Hawai, lãnh thổ Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương.

Hãng tin AP dẫn lời một viên chức quân sự Hàn Quốc cho biết các oanh tạc cơ Mỹ xuất phát từ đảo Guam, được hai chiến đấu cơ F-16 của Hàn Quốc yểm trợ, đã thực tập oanh tạc các mục tiêu giả định trên mặt đất, tại một cánh đồng gần vùng duyên hải phía đông Hàn Quốc.

Phi cơ B-1B ban đầu được thiết kế mang theo vũ khí nguyên tử, nhưng đến giữa thập niên 90 được chuyển sang dùng vũ khí quy ước. Tuy vậy, báo chí nhà nước Bình Nhưỡng vẫn tố cáo một « cuộc tập trận hạt nhân bất ngờ », nói rằng « đế quốc Mỹ giống như bọn găng-tơ » tìm cách gây chiến tranh nguyên tử. Hãng tin KCNA hôm qua cảnh báo « những tên đế quốc hiếu chiến » không nên hành động thiếu suy nghĩ.

Tại Thái Bình Dương, bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đã chỉ trích việc Bắc Kinh cho bay thử loại phi cơ ném bom tầm xa H-6K gần các đảo Guam và Hawai của Mỹ. Tướng Joseph Dunford, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, nói rằng « việc này không có lợi gì cho Trung Quốc». Ông khẳng định : « Mỹ là cường quốc Thái Bình Dương và vẫn hiện diện ở Thái Bình Dương ».

Oanh tạc cơ H-6K của Trung Quốc là phiên bản mới của chiếc Tu-16 thời Liên Xô cũ, được đưa vào hoạt động từ năm 2009 và đến năm 2015 mới công khai, có thể mang theo tên lửa hành trình phóng xa đến 1.000 km. Các máy bay này thường được trông thấy trên không phận Biển Đông đang tranh chấp, có khả năng phóng hỏa tiễn đến tận Úc. - RFI
|
|

7.
Hạt nhân: Bắc Triều Tiên dứt khoát không thương lượng

Hôm nay, 04/11/2017, Bắc Triều Tiên đã loại trừ mọi khả năng thương lượng và dọa sẽ tiếp tục phát triển kho vũ khí hạt nhân, một lời cảnh báo mới gởi đến tổng thống Mỹ Donald Trump, đúng vào lúc ông bắt đầu chuyến công du châu Á.

Hãng tin chính thức của Bắc Triều Tiên KCNA viết rằng Hoa Kỳ nên bỏ đi « ý tưởng vô lý » là Bình Nhưỡng sẽ lùi bước trước các biện pháp trừng phạt của quốc tế và sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân. KCNA khẳng định là Bắc Triều Tiên đã đi đến « giai đoạn cuối cùng của khả năng răn đe hạt nhân ».

Trong chuyến công du châu Á lần này, tổng thống Donald Trump sẽ đến Hàn Quốc vào ngày 07/11, gặp tổng thống Moon Jae In và dự kiến sẽ có bài phát biểu trước Quốc Hội nước này. Dư luận ở Hàn Quốc đang lo ngại là tổng thống Hoa Kỳ sẽ khiến tình hình thêm trầm trọng, nếu ông vẫn giữ giọng điệu cứng rắn với Bình Nhưỡng trong bài phát biểu đó.

Tổng thống Trump đã từng tuyên bố rằng mọi thảo luận trực tiếp với Bình Nhưỡng « chỉ làm mất thời giờ », trong khi tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In thì chủ trương một chính sách cởi mở với Bắc Triều Tiên.

Theo một cố vấn của chính phủ Hàn Quốc được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, Seoul mong muốn là ông Donald Trump đừng lập lại những lời đe dọa với Bình Nhưỡng, vì làm như thế sẽ khiến tổng thống Moon Jae In lâm vào thế khó xử, vào lúc nước này chuẩn bị đón tiếp Thế Vận Hội mùa Đông tháng 2 năm tới. - RFI
|
|

8.
Quốc Hội Mỹ chuẩn bị trừng phạt quân đội Miến Điện


Một nhóm dân biểu Hạ Viện Mỹ hôm 03/11/2017 đã trình lên một dự luật trừng phạt quân đội Miến Điện và nhiều tướng lãnh, cho thấy Quốc Hội Hoa Kỳ đã cứng rắn hơn trong vấn đề người Rohingya.

Dự luật này hạn chế các hoạt động hợp tác quân sự với Miến Điện, và đòi chính quyền Trump cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với các tướng tá có liên can đến những vụ bạo động người thiểu số Rohingya. Nhiều dân biểu cả hai phe Cộng Hòa và Dân Chủ đều ủng hộ, nên dự luật có nhiều khả năng được thông qua tại Hạ Viện.

Ở Thượng Viện, một dự luật tương tự đã được đệ trình bởi thượng nghị sĩ Cộng Hòa John McCain, thượng nghị sĩ Dân Chủ phụ trách đối ngoại Ben Cardin, và các nghị sĩ khác của cả hai đảng. Dự thảo này đề nghị cấm trở lại việc nhập khẩu hồng ngọc và cẩm thạch của Miến Điện.

Thượng nghị sĩ John McCain tuyên bố : « Luật pháp của chúng ta phải buộc các lãnh đạo quân sự cao cấp phải trả giá – những kẻ chịu trách nhiệm về các vụ thảm sát người vô tội, khiến người dân phải di tản ». Còn thượng nghị sĩ Ben Cardin cảnh báo : « Họ sẽ phải chịu hậu quả về tội ác chống nhân loại ».

Quốc Hội Hoa Kỳ muốn gởi đi một thông điệp rõ ràng, tăng sức ép lên quân đội Miến Điện, mà Liên Hiệp Quốc từng tố cáo là « thanh lọc chủng tộc ».

Hôm 24/10, Washington đã loan báo một số biện pháp trừng phạt như ngưng xét cấp visa cho các tướng tá Miến Điện, hủy lời mời các quan chức cao cấp trong lực lượng an ninh Miến Điện tham dự các sự kiện tại Hoa Kỳ. Nhưng chính quyền Mỹ tránh chỉ trích bà Aung San Suu Kyi, phân biệt rõ chính quyền dân sự với phe quân sự. - RFI
|
|

9.
Àghanistan: Tòa án Hình sự Quốc tế đòi điều tra tội ác chiến tranh

Công tố viên Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) hôm qua 03/11/2017 loan báo có thể mở điều tra về cuộc chiến Afghanistan, và nếu đủ điều kiện sẽ khởi tố về các tội ác chiến tranh. Đây sẽ là một trong những cuộc điều tra khó khăn và gây tranh cãi nhất của CPI, vì quân đội Mỹ cũng nằm trong tầm ngắm.

Theo công tố viên Fatou Bensouda, các quân nhân Mỹ đã tra tấn hoặc ngược đãi trên 60 tù nhân, còn phe Taliban đã sát hại 17.000 thường dân từ 2007 đến 2015. Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Pierre Bénazet tường trình :

« Về cáo buộc tội phạm ở Afghanistan, công tố viên Fatou Bensouda đã đưa ra những kết quả bước đầu của cuộc điều tra sơ khởi, và nay bà tin rằng có thể tìm được đầy đủ bằng chứng để khởi tố.

Bà nói : « Tôi đi đến kết luận là tất cả các tiêu chí pháp lý để mở điều tra đều đã hội đủ. Yêu cầu của tôi chỉ liên quan đến các tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại đã diễn ra trên lãnh thổ Afghanistan kể từ ngày 01/05/2013. Theo chính sách của tòa, những người có trách nhiệm chính về những tội phạm trầm trọng này tại Afghanistan sẽ bị nhắm đến đầu tiên ».

Trong bản báo cáo sơ khởi, công tố viên Bensouda cho rằng quân đội Mỹ và cơ quan tình báo CIA phải chịu trách nhiệm về khoảng vài chục trường hợp tra tấn. Nhưng việc khởi tố các nhân viên Mỹ trên lý thuyết là bất khả, vì Hoa Kỳ không ký kết Quy chế Roma, nên không nằm trong phạm vi chế tài của Tòa án Hình sự Quốc tế.

Ngược lại, quân chính phủ Afghanistan và phe Taliban có thể bị truy tố về cáo buộc tội ác chiến tranh nêu ra trong bản báo cáo. Các nhà tù bí mật của CIA ở Litva, Ba Lan và Rumani – ba nước tham gia Tòa án Hình sự Quốc tế - cũng có thể là mục tiêu khởi tố.” - RFI
|
|

10.
Air New Zealand: Hãng hàng không tốt nhất năm 2018

Hãng Air New Zealand vừa đạt hạng nhất danh sách hãng hàng không có dịch vụ tốt nhất trong năm 2018 do AirlineRatings, một công ty của Úc chuyên thẩm định các sản phẩm và dịch vụ an toàn hàng không, đánh giá. Đây là lần thứ năm liên tiếp hãng Air New Zealand đạt danh hiệu này, theo CNN loan tin.

Đánh giá này nhằm vinh danh hãng hàng không có dịch vụ tốt nhất, và hãng Air New Zealand đạt danh hiệu “Airline of the Year for 2018” vì cung cách hoạt động chuyên nghiệp, từ giá vé ổn định đến phẩm chất món ăn cho hành khách.

Ban giám khảo của cuộc đánh giá cho biết: “Hãng Air New Zealand đạt hạng nhất, hay gần như hoàn hảo nhất, vì đạt được những chỉ tiêu trong từng hạng mục chúng tôi đề ra, kèm theo cách thức hoạt động chuyên nghiệp của hãng.”

Đánh giá của AirlineRatings dựa trên bốn tiêu chuẩn hàng không quốc tế và mức độ an toàn do chính phủ đề ra. Đánh giá cũng dựa vào độ tuổi nhân viên, đánh giá khách hàng, lợi nhuận, đánh giá đầu tư và những sản phẩm và dịch vụ cho hành khách.

Ông Geoffrey Thomas, một nhân viên cao cấp của AirlineRatings, cho biết: “Chúng tôi cũng nhìn vào những thay đổi tiên phong của hãng hàng không nhằm mang lại trải nghiệm tốt hơn cho hành khách.”

Trong hạng mục cao cấp, hãng Singapore Airline đạt hạng nhất cho ghế Hạng Nhất (First Class). Hãng này được tuyên dương “hãng có các dịch vụ và sản phẩm trong chuyến bay xuất sắc.”

Trong hai năm liên tiếp, ghế Thương Gia (Business Class) tốt nhất thuộc về hãng Virgin Australia và vượt trội hơn hẳn những đối thủ khác.

Hãng Air New Zealand đứng nhất trong mục ghế Phổ Thông Cao Cấp (Best Premium Economy), và hãng Korean Air đạt hạng nhất trong mục ghế Phổ Thông (Economy) vì có ghế ngồi rộng.

Ông Thomas nói: “Đội ngũ chúng tôi xem loại ghế Phổ Thông Cao Cấp rất quan trọng cho các hãng hàng không cung cấp chuyến bay đường dài. Một điều không thể phủ nhận, đây là loại ghế có giá trị tốt nhất cho hành khách và cho hãng hàng không.”

Trong khi đó, hãng Qantas của Úc đạt hạng nhất trong hạng mục hãng hàng không có thức ăn ngon nhất, có nơi nghỉ ngơi tốt nhất (Best Lounge), và có vé nội địa tốt nhất.

Ngoài giải thưởng hãng hàng không xuất sắc nhất, AirlineRatings cũng công bố Top 10 hãng hàng không trong năm 2018.

Những hãng hàng không trong danh sách này đều đạt tiêu chuẩn an toàn bảy sao và đều chứng tỏ những tiên phong nhằm mang lại trải nghiệm tốt hơn cho hành khách.

Ban giám khảo cho biết: “Dù là hạng nhất hay hạng 10 trong danh sách, những hãng tốt nhất trong lĩnh vực hàng không. Đây là những hãng tạo ra xu hướng mới cho lĩnh vực hàng không, và tạo điểm chuẩn để đánh giá những hãng khác trong từng hạng mục.”

AirlineRatings cho biết, tất cả giám khảo đều có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không.

Sau đây là danh sách 10 hãng hành không tốt nhấp mà AirlineRatings bình chọn trong năm 2018:

1.Air New Zealand

2.Qantas Airways

3.Singapore Airlines

4.Virgin Australia

5.Virgin Atlantic

6.Etihad Airways

7.All Nippon Airways

8.Korean Air

9.Cathay Pacific Airways

10.Japan Airlines - nguoiviet
|
|

11.
Saudi Arabia bắn chặn hỏa tiễn đạn đạo trên không phận thủ đô

Không quân Yemen hôm Thứ Bảy bắn hỏa tiễn đạn đạo vào phi trường ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, theo Bộ Quốc Phòng Yemen, hiện do thành phần Houthi nắm giữ.

Tuy nhiên, hỏa tiễn này bị bắn chặn trong khu vực Đông Bắc Riyadh, theo Bộ Quốc Phòng Saudi Arabia trong bản thông cáo được loan tải trên đài truyền hình nhà nước Al-Arabiya.

Nguồn tin của CNN cho hay Bộ Quốc Phòng Yemen khoe là cuộc tấn công bằng hỏa tiễn “làm rung chuyển thủ đô Riyadh” và vụ phóng hỏa tiễn này đã thành công. Phía Yemen cho biết thêm rằng hỏa tiễn này do họ chế tạo, có tên Burqan 2H.

Chính quyền Saudi Arabia hiện đang đứng đầu một liên minh quân sự chống lại thành phần phiến quân Houthi ở Yemen, có sự hậu thuẫn của Iran. Thành phần Houthi vào năm 2015 đã lật đổ chính phủ Yemen được quốc tế công nhận.

Các giới chức điều hành phi trường quốc tế Riyadh cho hay nơi này không hề hấn gì, và mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường, cũng theo CNN. - nguoiviet
|
|

Tin Hoa Kỳ

12.
NYT: Phụ tá tranh cử của Trump có gặp các quan chức Nga hồi 2016

Một cố vấn chính sách đối ngoại cho chiến dịch tranh cử tổng thống của Donald Trump đã gặp gỡ các quan chức chính phủ Nga vào năm ngoái, báo The New York Times đưa tin hôm thứ Sáu, dẫn lời khai chứng của ông ta trong tuần này trước một ủy ban Quốc hội Hoa Kỳ.

Trong nhiều cuộc phỏng vấn trên truyền thông trong những tháng gần đây, Carter Page đã phủ nhận gặp gỡ các quan chức chính phủ Nga trong chuyến đi vào tháng 7 năm 2016 tới Moscow hoặc nói rằng ông ta gặp gỡ "phần nhiều là học giả."

Ông Page đã gửi một email tới ít nhất một phụ tá tranh cử của ông Trump miêu tả những hiểu biết của ông ta sau những cuộc trò chuyện với các quan chức chính phủ Nga và những người khác, tờ Times cho hay, dẫn lời một người biết được nội dung của email này.

Tờ báo cho biết email này đã được đọc to trong buổi khai chứng không công khai hôm thứ Năm trước Ủy ban Tình báo Hạ viện, đang điều tra những nỗ lực của Nga nhằm đẩy cuộc bầu cử vào tháng 11 năm 2016 về hướng có lợi cho ông Trump và sự thông đồng khả dĩ giữa ban vận động của ông Trump với Nga.

Nga nói họ không can thiệp vào cuộc bầu cử và ông Trump phủ nhận sự thông đồng.

Ông Page giảm nhẹ tầm quan trọng của những cuộc gặp gỡ này trong một cuộc phỏng vấn với tờ Times hôm thứ Sáu.

"Tôi chỉ chào hỏi rất ngắn một vài người. Vậy thôi," ông ta nói. Ông Page cho biết một trong những người mà ông gặp là một "nhân vật cao cấp," nhưng không chịu xác nhận danh tính của người đó.

Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người đã triệu tập một đại bồi thẩm đoàn trong cuộc điều tra các cáo buộc thông đồng, đã cáo buộc Paul Manafort, cựu quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, và một phụ tá khác, Rick Gates, về tội rửa tiền hôm thứ Hai.

Cũng trong ngày hôm đó, các công tố viên loan báo một cố vấn khác của ông Trump, George Papadopoulos, đã nhận tội khai man với FBI vào đầu tháng 10.

Ông Page được FBI thẩm vấn vào đầu năm nay và cũng đã xuất hiện trước đại bồi thẩm đoàn trong cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt, tờ Times nói. - VOA
|
|

13.
Đổi giờ Mùa Thu: vặn lui một giờ

“Daylight Saving Time” – ngày đổi giờ lại đến.

Tối nay, Thứ Bảy, 4 Tháng Mười Một, 2017, trước khi đi ngủ, quý vị nhớ vặn đồng hồ LUI lại một giờ để sáng Chủ Nhật được “ngủ nướng” thêm một tiếng.

Thời điểm chính thức đổi giờ là lúc 2 giờ sáng Chủ Nhật.

Và như thế, dĩ nhiên, buổi tối sẽ đến nhanh hơn. - nguoiviet

|
|

14.
Hai cha con cựu TT Bush chỉ trích TT Trump, Tòa Bạch Ốc trả đũa

Tòa Bạch Ốc hôm Thứ Bảy nhanh chóng có lời đáp trả, tấn công vào sự nghiệp cầm quyền của cựu Tổng Thống H.W. Bush và con trai của ông là cựu Tổng Thống George W. Bush, sau khi cả hai ông này có lời chỉ trích ông Trump trong cuốn sách vừa xuất bản.

Bản thông cáo của Tòa Bạch Ốc nói rằng “Nếu một ứng cử viên tổng thống có thể làm rời rã một đảng phái chính trị, thì điều này nói lên rất nhiều về di sản để lại của hai tổng thống trước đó,” theo cơ quan truyền thông The Hill.

Trong cuốn sách mới ra, có tên “Những Người Cộng Hòa Sau Cùng”, của tác giả Mark K. Updegrove, ông Bush (con) cho hay ông lo ngại rằng mình sẽ là “Tổng Thống sau cùng của Đảng Cộng Hòa.”

Lời phát biểu này được đưa ra sau khi cựu Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner, từng là Dân Biểu Cộng Hòa ở Ohio, có lời phát biểu hàm ý cho rằng Đảng Cộng Hòa đã chết.

Ông Boehner cũng nói với cơ quan truyền thông Politico rằng: “Donald Trump không phải là người Cộng Hòa.”

Cả hai vị cựu tổng thống đều xác nhận trong cuốn sách này là họ không bỏ phiếu cho ông Trump. Trong khi ông Bush (cha) bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton, ông Bush (con) cho biết ông chẳng chọn ai “none of the above-“ trong phiếu bầu.

Tòa Bạch Ốc cũng tấn công hai cha con ông Bush, nói rằng cuộc chiến Iraq là “một trong những lỗi lầm chính sách ngoại giao lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.” - nguoiviet
|
|

15.
Đầu năm 2018, Sears và Kmart đóng 63 cửa tiệm


Duy trì chiến lược cắt bớt chi phí, Sears và Kmart dự trù đóng thêm 63 địa điểm vào đầu năm tới.

Theo báo USA Today, công ty Sears Holdings trong năm nay đã đóng cửa hơn 350 cửa tiệm Sears và Kmart, và thêm 45 tiệm Kmart và 18 tiệm Sears khác cũng sẽ chịu chung số phận vào cuối Tháng Giêng 2018.

Trong một văn bản, Sears Holdings viết: “Như thông báo trước đây, chúng tôi sẽ tiếp tục đóng cửa tiệm ở những địa điểm không thu lợi tốt trong lúc chúng tôi chuyển đổi mô hình kinh doanh để khả năng bán hàng ở cửa tiệm cũng như trên mạng phù hợp với nhu cầu và sở nguyện của khách hàng chúng tôi.”


63 tiệm sẽ vẫn tiếp tục mở cửa trong mùa lễ cuối năm và nhân viên tại những tiệm sắp đóng cửa này sẽ nhận được tiền nghỉ việc, đồng thời có cơ hội để xin việc ở những hệ thống bán lẻ khác.

Công ty Sears Holdings nói: “Chương trình bán đại hạ giá sẽ bắt đầu sớm lắm từ ngày 9 Tháng Mười Một tại những địa điểm sắp đóng cửa.”

Ngành kỹ nghệ bán lẻ đang gặp khó khăn khi khách mua sắm ngày càng tìm mua trên mạng và hệ thống bán lẻ khổng lồ trên mạng Amazon trở nên phổ thông đối với đa số khách hàng.

Trong năm nay, Sears Holdings đưa ra mục tiêu cắt giảm chi phí chừng $1 tỷ mỗi năm, đồng thời giảm tiền nợ chừng $1.5 tỷ.


Đóng bớt tiệm không sinh lợi là chiến lược tái tổ chức chính yếu của Sears nhưng đồng thời Sears cũng bán Craftman, một trong những thương hiệu giá trị nhất của mình, cho Stanley Black & Decker với giá khoảng $900 triệu.

Hồi Tháng Bảy, Sears cũng thông báo bán thương hiệu đồ gia dụng Kenmore cho Amazon. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

16.
Việt Nam bãi bỏ chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu

Chính phủ Việt Nam đã quyết định bãi bỏ chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu trong một nỗ lực nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính và giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, truyền thông trong nước loan tin hôm thứ Bảy.

Nghị quyết 112/NQ-CP được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành yêu cầu Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan thực hiện phương án này, và nó có hiệu lực thi hành từ ngày 30 tháng 10 năm 2017.

Các nhóm thủ tục hành chính về cấp, đổi và cấp lại chứng minh nhân dân sẽ được bãi bỏ trong khi sổ hộ khẩu, một hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú, sẽ không còn cần thiết nữa. Thay vào đó nhà chức trách sẽ quản lý bằng thứ được gọi là “mã số định danh cá nhân.”

“Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là ‘Sổ hộ khẩu’ và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư,” theo phương án được Thủ tướng Phúc ký ban hành kèm nghị quyết.

Những loại giấy tờ như giấy chuyển hộ khẩu, giấy chứng minh về mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh đối với trẻ em đăng ký thường trú cũng được bãi bỏ.

Tương tự, việc quản lý tạm trú cũng sẽ không còn đòi hỏi “sổ tạm trú” nữa mà chỉ cần mã số định danh cá nhân và thông tin cập nhật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Một loạt những thủ tục liên quan tới sổ hộ khẩu và sổ tạm trú được thực hiện tại các cấp huyện, xã cũng thuộc diện bãi bỏ.

Phương án liệt kê thêm nhiều nhiều lĩnh vực quản lý khác được đơn giản hóa thủ tục hành chính như xuất nhập cảnh và đăng ký xe, mà theo đó người dân giờ không cần phải xuất trình sổ hộ khẩu hay chứng minh nhân dân nữa.

Quyết định bãi bỏ các loại giấy tờ này được nhiều người đón nhận một cách tích cực. “Một quyết định mang tính chất lịch sử và hợp lòng dân. Chúng tôi mong chờ điều này đã từ rất lâu rồi,” một người bình luận dưới bản tin của Báo Tuổi Trẻ.

Trên trang Facebook cá nhân của mình, luật sư Lê Văn Luân mô tả quyết định này là “trút bỏ sợi xích” vốn gây nên không chỉ những phiền toái mà cả những rắc rối pháp lý.

Việc cấp số định danh cá nhân đã được triển khai thông qua cấp thẻ căn cước công dân và giấy khai sinh từ đầu năm 2016. Tuy nhiên, chưa rõ khi nào thì Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có thể đưa vào hoạt động.

Giới hữu trách cho biết đến nay Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mới hoàn thành các thủ tục để chuẩn bị xây dựng, chậm hai năm so với dự kiến ban đầu trong khi sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong triển khai nhiệm vụ cũng vẫn chưa nhịp nhàng, theo Báo Điện tửcủa chính phủ.

Nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư được chính thức khởi động vào năm 2013. Ông Nguyễn Xuân Phúc, khi đó là phó thủ tướng, giữ vai trò Ban chỉ đạo Đề án.

Ông từng được báo chí nhà nước dẫn lời nóirằng đề án cải cách này là điều người dân rất mong đợi, và ông quyết “không để người dân đi đến đâu cũng ôm đống giấy tờ tùy thân.” - VOA
|
|

17.
Tân đại sứ Mỹ đến Hà Nội ngay trước hội nghị APEC

Tân đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink đến Hà Nội lúc nửa đêm hôm thứ Bảy, 4/11, và cho báo giới biết ông sẽ trình quốc thư lên chủ tịch nước Việt Nam trong ngày thứ Hai, 6/11.

Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của ông Kritenbrink trên cương vị đại sứ là tháp tùng Tổng thống Trump từ 10-12/11 tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở Đà Nẵng và khi ông Trump thăm chính thức ở Hà Nội.

“Chuyến thăm của Tổng thống là cơ hội lớn để thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương của chúng ta, cùng lúc tăng cường các mối quan hệ của chúng tôi trong khắp khu vực năng động này”, Đại sứ Kritenbrink cho biết qua bài phát biểu được gửi đến một số phóng viên Việt Nam sau khi ông đến sân bay ở Hà Nội.

Tân đại sứ Mỹ nói nước ông và Việt Nam “có nhiều lợi ích chung, bao gồm an ninh, thương mại và đầu tư và giao lưu nhân dân” và cho rằng đối với ông “hiện nay là một thời điểm tuyệt vời để làm việc tại Việt Nam”.

Ông Kritenbrink, được Thượng viện chuẩn thuận làm đại sứ hôm 26/10, là nhà ngoại giao chuyên nghiệp cấp cao có nhiều kiến thức và kinh nghiệm làm việc ở châu Á, trải dài từ 1994 đến nay.

Trước khi trở thành người đứng đầu phái bộ ngoại giao Mỹ ở Việt Nam, chức vụ gần đây nhất của ông là Cố vấn Cao cấp về Chính sách đối với Triều Tiên tại Bộ Ngoại giao Mỹ.

Nhiều nhà quan sát chỉ ra có sự liên quan giữa chức vụ cũ của ông Kritenbrink, cương vị đại sứ sắp tới của ông ở Việt Nam, và những động thái cứng rắn của Tổng thống Trump đối với Triều Tiên.

Nhận định về điều này, ông David Shear, từng giữ chức đại sứ Mỹ ở Việt Nam từ 2011-2014, nói với VOA hồi tháng 7 rằng ông tin chắc chắn rằng “Mỹ đã thảo luận với Việt Nam về tầm quan trọng của việc thực thi các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an đối với Triều Tiên”, và ông trông đợi tân đại sứ Kritenbrink “sẽ tiếp tục theo đuổi lợi ích sống còn đó của Mỹ”.

Trong cùng ngày 4/11, vài giờ trước khi đón ông Kritenbrink, Đại sứ quán Mỹ đã tiễn ông Ted Osius rời nhiệm sở sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào ngày hôm trước.

Cựu đại sứ Osius cho hay ông sẽ trở lại Việt Nam đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam từ tháng 1/2018. - VOA
|
|

18.
Ít nhất 19 người chết khi Bão Damrey quét qua Việt Nam


Bão Damrey đã làm ít nhất 19 người thiệt mạng ở nam trung bộ Việt Nam hôm thứ Bảy, chính phủ cho biết, trong khi cơn bão này tiến sâu vào đất liền chỉ vài ngày trước cuộc họp thượng đỉnh APEC của các nhà lãnh đạo Châu Á-Thái Bình Dương.

Bão Damrey đổ bộ vào lúc 4 giờ sáng giờ địa phương với gió giật lên đến 90 km/giờ, làm tốc mái hơn 1.000 căn nhà và làm đổ hàng trăm cột điện và cây cối.

Ít nhất 12 người mất tích và trên 370 ngôi nhà bị sập, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết. Hơn 33.000 người đã được sơ tán.

Trước đó chính phủ đã nói có sáu tàu bị chìm với 61 người trên tàu ở ngoài Biển Đông và 25 người đã được giải cứu, nhưng không cung cấp thêm chi tiết về số phận của những người còn lại.

Cơn bão đổ bộ gần thành phố Nha Trang, khoảng 500 km về phía nam thành phố Đà Nẵng, nơi mà hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) sẽ diễn ra vào tuần sau.

Tin tức cho hay có mưa và gió mạnh ở Đà Nẵng, nhưng không có báo cáo tức thời về thương vong. Thành phố này sẽ đón tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump từ ngày 10 tháng 11 cũng như Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc, Tổng thống Vladimir Putin của Nga và những người tương nhiệm từ các nước thành viên APEC khác.

Bão đã di chuyển từ khu vực ven biển vào khu vực trồng cà phê chủ chốt của Việt Nam, nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới. Giới thương nhân đã dự liệu cơn bão sẽ gây trì hoãn việc thu hoạch, nhưng không chắc nó có gây tổn hại cho cây cà phê hay không.

Chính phủ cho biết hơn 40.000 hectare cây trồng đã bị hư hại, bao gồm mía, ruộng lúa và cao su. Hơn 40 chuyến bay đã bị hủy.

Lũ lụt đã làm hơn 80 người thiệt mạng ở miền bắc hồi tháng trước, trong khi một cơn bão đã tàn phá các tỉnh miền trung vào tháng 9. - VOA
|
|

19.
Nghệ sĩ Kim Chi: ‘Thực thi nhân quyền ở VN là điều nguy hiểm’

Nữ diễn viên kỳ cựu nói với BBC rằng bộ phim tài liệu của bà nhằm "thay đổi trong nhận thức của mỗi người dân Việt Nam về quyền con người."

Bộ phim tài liệu 'Vượt Qua Nỗi Sợ Hãi' của nghệ sĩ Kim Chi và cộng sự hiện đang được phát trên YouTube và được Luật sư Lê Công Định bình luận là "một bộ phim làm mỗi người Việt nhức nhối nỗi đau của đất nước."

Tháng 1/2013, bà Kim Chi từng gây xôn xao khi bà công khai từ chối làm hồ sơ khen thưởng nghệ sĩ của Thủ tướng [Nguyễn Tấn Dũng].

Trả lời BBC Tiếng Việt hôm 4/11, bà Kim Chi nói: "Thông điệp chính của phim 'Vượt Qua Nỗi Sợ Hãi' là Việt Nam cần thay đổi, mà cái thay đổi đó như nhà văn Dương Thu Hương nói trong phim, "Cần phải có một xã hội công dân", hay ông cựu tổng lãnh sự Việt Nam tại Thụy Sỹ, nói "cần phải thay đổi từ đất nước đến con người."

"Sự thay đổi mà chúng tôi muốn chuyển tải là thay đổi trong nhận thức của mỗi người dân về quyền con người. Khi quyền con người được tôn trọng và bảo vệ đầy đủ thì việc xoá bỏ các điều luật, điều lệ phản nhân quyền là điều mà chính phủ Việt Nam cần phải làm trước tiên."

"Mà để cho chính quyền làm việc đó thì mỗi người dân cần phải hiểu về quyền con người đầy đủ và cần phải đồng lòng vượt qua nỗi sợ hãi để đấu tranh cho quyền đó như những người dân Mỹ đã từng làm và đang tiếp tục làm."

BBC: Bà gặp những trở ngại và thách thức nào với phim phóng sự tài liệu Vượt Qua Nỗi Sợ Hãi?

Nghệ sĩ Kim Chi: Các cộng tác viên của chúng tôi có thể đi rất nhiều nơi trên thế giới để phỏng vấn nhiều nhân vật mà không gặp bất cứ trở ngại hay nguy hiểm gì, nhưng khi chúng tôi thực hiện những việc như vậy tại Việt Nam thì chúng tôi lại bị đặt vào vòng nguy hiểm.

Đó là nỗi đau và cũng là điều nguy hiểm khi chúng tôi thực hiện quyền con người được viết ra trong hiến pháp Việt Nam tại chính đất nước mình. Thách thức khác nữa là chúng tôi bị rình rập, bị theo đuôi, bị tấn công theo kiểu bạo hành lẫn tấn công qua máy móc, virus..

BBC: Việc đối chiếu xã hội Mỹ và Việt Nam trong phim liệu có hiệu quả khi mà người xem đều biết sự khác biệt quá rõ giữa hai nước trong mọi khía cạnh?

Nghệ sĩ Kim Chi: Việc đối chiếu hai xã hội, hai đất nước với chủ đích giới thiệu một cách nhìn mới về quyền con người của một xã hội dân chủ và văn minh cho người dân Việt Nam. Dù rằng nhiều khán giả đã biết quá rõ sự khác biệt đó, nhưng đại đa số dân chúng Việt Nam chưa được nhìn thấy nước Mỹ thực sự, chưa hiểu được quyền con người đầy đủ.

Họ cũng không biết được rằng để có được quyền con người đầy đủ như ngày hôm nay, người dân Mỹ đã từng phải đổ máu khi xuống đường.

Dù chúng tôi đưa nước Mỹ ra như một hình mẫu, nhưng chúng tôi cũng hiểu rằng nước Mỹ cũng có nhiều vấn đề. Chúng tôi chú trọng vào hình mẫu đẹp của nước Mỹ qua quyền con người như một điểm nổi bật nhất.

BBC: Bà và cộng sự làm phim này với tư cách nghệ sĩ độc lập hay có tổ chức chính trị nào đứng sau bộ phim?

Nghệ sĩ Kim Chi: Chúng tôi là những nhà làm phim độc lập và tự nguyện. Chúng tôi tự bỏ công sức ra và chúng tôi không nhận tài trợ của bất cứ cá nhân hay tổ chức nào. Bản thân tất cả các nhà làm phim đều không tham gia bất cứ tổ chức hay đảng phái nào. Điều này giúp chúng tôi chuyển tải thông tin mang tính chất chân thực nhất và không bị áp lực hay áp đặt từ bất cứ ai. Hay nói cho vui là chúng tôi làm phim mà không có sự chỉ thị hay chỉ đạo của đảng.

BBC: Những điều bà muốn nói thêm?

Nghệ sĩ Kim Chi: Làm một bộ phim như thế này ở Việt Nam là một điều nguy hiểm, vì chúng tôi không được tự do quay phim như ở bên Mỹ. Tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy may mắn vì được hưởng công nghệ tuyệt vời của Internet và mạng xã hội, thành ra thay vì đi tiếp xúc trực tiếp thì chúng tôi làm qua mạng. Chúng tôi dự định làm thêm ba tập nữa. Nhưng điều đó còn tùy tình hình. Nếu thuận lợi thì sẽ có thêm ba tập nữa. Nếu khó khăn về ngoại cảnh thì rút bớt. Tôi cũng muốn nói đôi điều về cộng sự Henela Lee. Cô ấy là người thông minh và nặng lòng với đất nước. Cô ấy từng là học trò của tôi, nhưng giờ đây tôi cần phải học ở cô ấy nhiều điều. Khởi nguồn phim này là từ ý tưởng của cô ấy. - BBC

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9







No comments:

Post a Comment

View My Stats