Sunday, 5 November 2017

NGƯỜI DÂN NHẬT BẢN CẦN MỸ NHƯNG ÍT TIN CẬY DONALD TRUMP (RFI)




Tú Anh – RFI
Đăng ngày 05-11-2017 

Theo chương trình, trong ngày Chủ Nhật, tổng thống Mỹ lần lượt hội kiến với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe để thảo luận về hồ sơ Bắc Triều Tiên và sau đó triều kiến Nhật hoàng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Tokyo, Nhật Bản ngày 05/11/2017.REUTERS/Frank Robichon

An ninh bị đe dọa, công luận Nhật vừa kỳ vọng vào tổng thống siêu cường nhưng cũng vừa lo ngại tính khí thất thường của chủ nhân Nhà Trắng.

Từ cố đô Kyoto, thông tín viên Alexandre Barbe tường thuật :

Sự kiện Donald Trump đến Nhật Bản, chặng đầu tiên trong vòng công du châu Á, diễn ra vào lúc tình hình vẫn căng thẳng cao độ với Bắc Triều Tiên. Do vậy, tổng thống Mỹ được xem là người khách quý theo nhận định của Gakuho, một sinh viên ở Kyodo : « Trong bối cảnh hiện nay, chuyến viếng thăm này rất quan trọng và cần thiết để thắt chặt liên minh giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ cũng như để ấn định một chính sách chung đối với Bắc Triều Tiên ».

Tuy nhiên, cá tính của Donald Trump làm dân Nhật lo ngại. Theo một kết quả thăm dò ý kiến, ba phần tư người được hỏi tỏ ra không tin tưởng vào vị tổng thống này. Một phụ nữ tên Sana cho biết : « Trump không tạo được hình ảnh tốt tại nước Nhật do những lời tuyên bố cực đoan và đường lối chính sách quá ư đơn giản ». Sana nghĩ rằng « Trump ưu tiên lo cho quyền lợi riêng nhiều hơn ».

Dân Nhật cũng hy vọng rằng tổng thống Trump không thốt ra những lời cực đoan khi gặp Thiên Hoàng. Shun, xem cuộc diện kiến giữa tổng thống Mỹ và Hoàng đế Nhật là một sự kiện kích thích tính tò mò. Anh không nghĩ là Donald Trump sẽ có « những lời tuyên bố không đúng chỗ với Nhật hoàng. Chỉ có trên Twitter là ông ấy khiếm nhã ». Điều quan trọng cuộc triều kiến diễn ra trong « tinh thần » nào.

Trước khi vào hoàng cung, tổng thống Mỹ có vài giờ thư giãn. Ông bắt đầu công du với trận đánh « gôn » với thủ tướng Shinzo Abe.

*
*
Tú AnhRFI
Đăng ngày 03-11-2017

Tổng thống thứ 45 của Mỹ bắt đầu chuyến công du đầu tiên tại châu Á. Trước khi khởi hành vào thứ sáu 03/11/2017, Washington đưa hai oanh tạc cơ chiến lược B1-B biểu dương lực lượng trên không phận bán đảo Triều Tiên. Hành động này có lẽ không phải là ngẫu nhiên : Donald Trump cần phải trấn an các nước châu Á, đang mất niềm tin vào đồng minh Hoa Kỳ.

Vòng công du đầu tiên của tổng thống Donald Trump ở châu Á, được giới phân tích xem là rất « tế nhị ». Các quốc gia đồng minh cốt lõi trong khu vực chờ xem chủ nhân Nhà Trắng có hành động hay tuyên bố nào xác quyết lập trường truyền thống « cột trụ an ninh » ở châu Á Thái Bình Dương trong bối cảnh Bắc Triều Tiên công khai thách thức và Trung Quốc cũng không còn che giấu tham vọng bá quyền.

Trong khi đó thì chiến lược châu Á của Donald Trump vẫn là một ẩn số. Đâu là mục tiêu sâu xa của Washington ? Những tuyên bố của tổng thống Mỹ, lúc còn là ứng cử viên, muốn xét lại mối quan hệ liên minh lịch sử giữa Hoa Kỳ với các đồng minh trên thế giới đã gây hoang mang trong công luận và chính giới các nước liên hệ, ở châu Âu cũng như ở châu Á.

Được RFI đặt câu hỏi, chuyên gia Pháp Barthélémy Courmont, giám đốc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế IRIS giải thích : Có một mối ưu tư rất lớn, đặc biệt là ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Hai nước này lo ngại vì những lời tuyên bố của Donald Trump. Trước khi đắc cử, Donald Trump kêu gọi hai nước châu Á này phải tự lo thân trước mối đe dọa của Bắc Triều Tiên. Tuyên bố này làm công luận và các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc bất an. Lo âu còn nhiều hơn nữa liên quan đến sự giao kết của Mỹ ở Biển Đông. Trên toàn châu Á, từ khi Donald Trump đắc cử, người ta thấy Mỹ muốn rút chân ra khỏi khu vực nhất là qua quyết định từ bỏ Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Các nước trong vùng xem quyết định này là dấu hiệu Mỹ bỏ rơi những cam kết liên đới lịch sử với các đồng minh truyền thống.

Do vậy, trong chuyến công du châu Á lần này, Donald Trump phải tìm cách xóa tan những lo ngại của các đồng minh.

Lời cảnh báo Tokyo và Seoul phải tự lo thân, không nên trông cậy ô dù nguyên tử của Washington đã làm lung lay niềm tin ở các nước đồng minh châu Á . Thêm vào đó là những phản ứng ngẫu hứng của tổng thống Donald Trump trước mỗi hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng càng làm cho tình hình căng thẳng thêm.

Trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, hồ sơ quan trọng thứ hai trong chuyến công du cũng ẩn chứa nhiều chướng ngại. Quyết định của Donald Trump không tham gia Hiệp Định TPP, cho dù người tiền nhiệm đã ký kết, chỉ làm cho uy tín của Mỹ trong khu vực, bị tác hại.
Mỹ rút chân, Trung Quốc thừa cơ hội thao túng khu vực với dự án đối tác thương mại khu vực gọi tắt là RECEP.

Tuy nhiên, biết rõ Bắc Kinh không thực tâm tôn trọng quyền tự do kinh doanh mà chỉ sử dụng hiệp ước thương mại để phục vụ ý đồ chính trị bành trướng, 11 thành viên còn lại của TPP, đứng đầu là Nhật Bản và Úc tiếp tục con đường đa phương đã định trong khi tổng thống Donald Trump cố tìm những thỏa thuận song phương có lợi cho Mỹ.

Trong vòng 11 ngày của chuyến công du châu Á từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines, chủ nhân Nhà Trắng phải chứng minh là khẩu hiệu « nước Mỹ trước đã » của ông không có tác động ngược, làm hại cho quyền lợi của nước Mỹ.

--------------------------------
VOA Tiếng Việt
05/11/2017

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 5/11 đặt chân tới Nhật và gia tăng các tuyên bố cứng rắn nhắm vào Bắc Hàn, đồng thời khẳng định rằng Mỹ cùng đồng minh sẵn sàng bảo vệ tự do.

Tổng thống Donald Trump phát biểu tại căn cứ Yokota hôm 5/11.

Nhật Bản là quốc gia đầu tiên ông Trump tới thăm trong chuyến công du châu Á kéo dài 12 ngày, và theo Reuters, nhà lãnh đạo Mỹ muốn thể hiện sự đoàn kết với Tokyo trước Bình Nhưỡng thông qua các cuộc gặp với Thủ tướng Shinzo Abe trong bối cảnh căng thẳng tăng cao vì các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn.

“Không kẻ độc tài nào, chế độ nào, quốc gia nào nên đánh giá thấp quyết tâm của Mỹ”, ông Trump nói trước hàng trăm binh sĩ Mỹ và Nhật tại Căn cứ không quân Yokota nằm ở phía tây thủ đô Tokyo ngay sau khi đặt chân tới xứ sở mặt trời mọc.

Các hành động gần đây của Bắc Hàn, trong đó có việc bắn một số quả tên lửa bay qua Nhật Bản và vụ thử hạt nhân thứ sáu và lớn nhất của Bình Nhưỡng, đã trở thành một thách thức mang tính quốc tế nghiêm trọng nhất của nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump.

Ông Trump và phu nhân đặt chân xuống căn cứ Yokota hôm 5/11.

Các cuộc diễn tập trên bầu trời Hàn Quốc của các máy bay ném bom chiến lược Hoa Kỳ gần đây đã gia tăng thêm căng thẳng.

“Chúng ta sẽ không bao giờ nhượng bộ, không bao giờ dao động và không bao giờ nao núng để bảo vệ tự do”, ông Trump nói.

Theo Reuters, trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ nói trên chuyên cơ Air Force One về chuyện sẽ sớm ra quyết định có đưa Bắc Hàn vào danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố hay không.

Ông cũng nói thêm rằng chính quyền của ông dự tính sẽ có cách tiếp cận khác về Bắc Hàn sau nhiều năm ông nói rằng “hoàn toàn yếu kém”.

“Đó là một vấn đề lớn cho quốc gia của chúng tôi và thế giới, và chúng tôi muốn giải quyết nó”, ông Trump nói.

Trong nỗ lực phân biệt rõ giới lãnh đạo Bắc Hàn và dân thường, theo Reuters, Tổng tống Trump nói rằng ông nghĩ người dân Bắc Hàn là “những người tuyệt vời”.







No comments:

Post a Comment

View My Stats