Thursday, 16 November 2017

MỸ - TRUNG CÒN XUNG KHẮC LÂU DÀI (Ngô Nhân Dụng)


Ngô Nhân Dụng
November 14, 2017

Trong khi Tổng Thống Donald Trump đang ở Bắc Kinh, các công ty Mỹ và Trung Quốc đã ký những thỏa thuận thương mại trị giá $253 tỷ. Đó là một món quà lớn Tập Cận Bình tặng Donald Trump.

Con số $253 tỷ là một món quà lớn, vì ông Trump có thể đem về khoe với dân Mỹ cái tài thương thuyết của ông khiến cho Trung Cộng chịu đổ tiền vào nước Mỹ, thay vì xưa nay chỉ có người Mỹ “gánh vàng đi đổ sông Ngô” với số khiếm hụt mậu dịch $350 tỷ một năm. Khi ông Trump khoe thành tích đem tiền về, dân Mỹ có thể sẽ bỏ qua lời hứa hẹn của ông khi tranh cử, dọa sẽ đánh thuế 45% trên hàng nhập cảng từ nước Tàu.

Trong số những ký kết mới, công ty dầu khí China Petrochemical hứa sẽ bỏ $43 tỷ khai thác khí đốt ở Alaska; một quỹ đầu tư hầm mỏ và năng lượng hứa sẽ đầu tư $84 tỷ vào hơi đốt, điện lực và công nghệ hóa chất với tiểu bang West Virginia.

Nhưng khi nhìn kỹ, người ta thấy phần lớn các bản ký kết trên chỉ là “thỏa thuận sơ khởi,” trong tiếng Anh gọi là “initial agreement” hoặc “memorandum of understanding.” Chưa phải là hợp đồng có tính chất ràng buộc. Bao giờ thì những thỏa thuận này biến thành hợp đồng, và bao giờ thì hợp đồng được thực hiện, phải coi hồi sau mới rõ. Trong khi chờ đợi, dân tiêu thụ ở Mỹ tiếp tục nhập cảng hàng Trung Quốc và vẫn trả tiền mặt, tiền trao cháo múc.

Một thỏa thuận mới ký có thể làm nhiều người ngạc nhiên, khi công ty Mỹ General Electric hứa sẽ hợp tác với Quỹ Đường Tơ Lụa (Silk Road Fund) của Trung Cộng để đầu tư trong chương trình Nhất Đái Nhất Lộ của Tập Cận Bình. Dự án này nhằm mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trên một vòng đai các nước Châu Á, trên đường bộ và trên biển.

Điều này gây kinh ngạc vì mới tháng trước, Ngoại Trưởng Mỹ Rex Tillerson mới nhắc đến cái tên Nhất Đái Nhất Lộ với giọng thù nghịch. Ông Tillerson coi chương trình “Belt and Road Initiative” của Trung Cộng chỉ là một cách đánh bẫy các nước trong vùng với những dự án xây dựng hạ tầng cơ sở, mà hậu quả là tất cả các nước đó sẽ gánh những món nợ khổng lồ phải trả cho nước Tàu suốt đời. Ông Tillerson nêu ý kiến trên trước khi lên đường đi thăm Ấn Độ. Ông đề nghị Ấn Độ và Mỹ hợp tác với nhau đưa ra những phương pháp tài trợ khác cho các nước Á Châu, qua một mối quan hệ “đáng tin cậy hơn,” khác với đường lối của một nước “độc tài, phi dân chủ,” tức là Trung Cộng.

Nhắc lại những ý kiến của ông Tillerson để chúng ta thấy hai nước Trung Quốc và Hoa Kỳ có những quyền lợi lâu dài rất khác biệt và đối nghịch với nhau. Chuyến đi ba ngày của một vị tổng thống không thể nào thay đổi cảnh đối nghịch đó. Tướng Joseph Dunford, tham mưu trưởng Liên Quân Mỹ mới tiên đoán rằng Trung Quốc sẽ là mối đe dọa quyền lợi của Mỹ trên thế giới lớn nhất, bắt đầu từ năm 2025.

Thái độ của giới lãnh đạo Cộng Sản Trung Hoa đối với Mỹ cũng không có gì thân thiện. Trong bài diễn văn dài ba tiếng đồng hồ tại đại hội đảng tháng trước, Tập Cận Bình đã hứa hẹn “đưa Trung Quốc vào trung tâm sân khấu hoàn cầu” và dùng mọi nỗ lực theo đuổi một đường lối ngoại giao đại cường quốc với đặc tính Trung Hoa! Nghĩa là không chấp nhận địa vị siêu cường độc nhất mà Mỹ đã chiếm sau khi chế độ Cộng Sản Liên Xô sụp đổ. Nhưng tham vọng của Tập Cận Bình còn cao hơn việc tranh giành ảnh hưởng kinh tế và quân sự. Tập Cận Bình  muốn được coi là một “nhà tư tưởng lớn” giống như MaoTrạch Đông! Không phải của riêng nước Tàu mà cho cả nhân loại!

Tháng Mười vừa qua, Tân Hoa Xã, tiếng nói chính thức của Trung Cộng, đã viết một bài xã luận với tựa đề: “Nền dân chủ minh triết Trung Quốc đẩy nền dân chủ Tây phương vào bóng tối!” Đó là tư tưởng Tập Cận Bình. Bài xã luận viết rằng chế độ dân chủ kiểu Tây phương đưa đến cảnh xã hội chia rẽ, còn dân chủ kiểu Tàu tạo nên đoàn kết!

Trong nhiều tháng qua, Tân Hoa Xã và báo, đài Trung Cộng đã mô tả tình trạng chính trị ở Mỹ đầy chia rẽ, chống đối, đả kích lẫn nhau, gây ra cảnh bế tắc ở quốc hội, và chính sách thay đổi sau mỗi lần bầu cử. Tất nhiên, độc giả Trung Hoa lục địa không được so sánh chế độ dân chủ tự do ở Mỹ với chế độ “dân chủ tập trung” ở Liên Xô: Liên Xô không có cảnh chia rẽ và đả kích nhau trong nghị trường và trên báo chí. Nhưng chế độ đó đưa nước Nga tới chỗ nào, giờ ai cũng biết!

Những lời chỉ trích chế độ tự do dân chủ Tây phương trên đây là ý kiến của Vương Hộ Ninh (Wang Huning, 王沪宁), giáo sư Đại Học Phục Đán, nêu ra trong một cuốn sách xuất bản năm 1991, sau một thời gian ông sống ở Mỹ trở về. Cuốn sách nhan đề “Mỹ chống Mỹ.” Ông Vương nêu ra những xung đột, mâu thuẫn trong xã hội Mỹ mà ông chứng kiến, từ chính trị, kinh tế, đến tôn giáo, chủng tộc, giai cấp; và tin rằng chế độ dân chủ ở Mỹ sẽ tan vỡ vì những mâu thuẫn đó.

Vương Hộ Ninh trở thành một lý thuyết gia số một của chế độ Cộng Sản Trung Hoa, vì ông ta không nhắm mắt nhai lại các giáo điều Mác, Lê, Mao, mà còn đưa ra những ý kiến mới khi chỉ trích xã hội tư bản. Giang Trạch Dân đã mời Vương Hộ Ninh rời Thượng Hải về Bắc Kinh làm cố vấn tư tưởng; sau đó ông vẫn được Hồ Cẩm Đào dùng. Đến thời Tập Cận Bình thì Vương Hộ Ninh còn được tôn trọng hơn, thường đem theo trong những chuyến đi nước ngoài. Và đến kỳ đại hội đảng vừa qua thì Vương Hộ Ninh được đưa vào Thường Vụ Bộ Chính Trị, một trong bẩy người quyết định vận mạng nước Tàu.

Tập Cận Bình trọng dụng Vương Hộ Ninh vì nuôi giấc mộng lớn: Xây dựng một lý thuyết quản trị quốc gia và bang giao quốc tế mới, trị quốc và bình thiên hạ. Giáo Sư Vương Hộ Ninh sẽ giúp Tập Cận Bình xây dựng nền tư tưởng đó, sau khi tư tưởng Mao Trạch Đông lỗi thời. Điều tin tưởng của họ là chế độ tự do dân chủ kiểu Âu Mỹ sẽ tự tiêu diệt. Chế độ dân chủ kiểu Trung Quốc sẽ là mô hình cho cả thế giới!

Cũng giống như ông Karl Marx từng tiên đoán kinh tế tư bản sẽ suy sụp, chế độ Cộng Sản sẽ thống nhất loài người. Trong đại hội đảng vừa rồi, Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc sẽ “vẽ ra con đường mới cho các nước đang phát triển noi theo.” Ông còn hứa hẹn sẽ tặng cho thế giới “minh trí Trung Hoa và giải pháp Trung Hoa” để giải quyết các vấn đề.

Với tham vọng đó, trong thời gian năm năm, hay mười năm tới khi Tập Cận Bình nắm quyền, ông ta sẽ coi “vượt Mỹ” là mục tiêu quốc tế quan trọng nhất. Trong đại hội tháng trước, một nhân vật đặc biệt mới được đưa vào Bộ Chính Trị là Vương Thiết Trì (Yang Jiechi, 杨洁篪). Ông này làm ngoại trưởng từ năm 2007 đến 2013, rồi được đưa lên, phụ trách ngoại giao trong quốc vụ viện. Đây là lần đầu tiên một người chuyên về ngoại giao được đưa vào Bộ Chính Trị Trung Cộng, kể từ khi Tiền Kỳ Thâm về hưu năm 1999.

Hai người Vương Hộ Ninh và Dương Thiết Trì thăng quan tiến chức cho thấy Tập Cận Bình muốn sử dụng các chuyên viên ngoại giao. Trung Cộng không thể đối đầu với Mỹ về quân sự và kinh tế (Tập Cận Bình hứa đến năm 2050 sẽ thay vị đổi ngôi). Cho nên, tốt nhất là dùng “sức mạnh mềm,” dùng ngoại giao làm vũ khí cạnh tranh với Mỹ.

Chính sách “Mỹ trên hết” của Tổng Thống Trump tạo một cơ hội cho Tập Cận Bình. Chính lãnh đạo Cộng Sản này hiện tại là người đang hô hào “toàn cầu hóa” mạnh nhất! Trong chuyến đi Á Châu vừa rồi, Tổng Thống Trump lúc nào cũng nhấn mạnh đến các hiệp ước thương mại song phương. Ông Trump không tin vào những thỏa ước mậu dịch với nhiều nước. Còn ông Tập Cận Bình, ở Đà Nẵng và Hà Nội, lại đề cao các hiệp ước đa phương!

Ai cũng biết rằng những hiệp ước thương mại đa quốc gia được các nước nhỏ và nghèo thích hơn, vì họ có thể lợi dụng khi các nước lớn cạnh tranh với nhau. Trong các hiệp ước song phương, nước nhỏ dễ bị lép vế trước nước lớn! Khi Tổng Thống Trump bỏ không dự phiên họp cuối cùng của hội nghị ở Phi Luật Tân, giới ngoại giao cho rằng trong thâm tâm ông không nghĩ vùng Đông Nam Á là quan trọng.

Tuy nhiên, dù Tổng Thống Trump được tiếp đón trọng thể tại Bắc Kinh, hai nước Mỹ và Trung Quốc vẫn có những quyền lợi xung khắc cơ bản, khó lòng thân thiện. Tuy người ta không biết chắc đường lối của ông Trump sẽ ra sao, vì ông thường nói những điều trái ngược, nhưng ở nước Mỹ vị tổng thống không nắm toàn quyền. Những người chung quanh ông Trump và các đại biểu trong Quốc Hội sẽ duy trì chính sách ngoại giao của Mỹ. Mà căn bản chính sách đó vẫn là cạnh tranh ráo riết với Trung Cộng. Những tham vọng của Tập Cận Bình sẽ khiến giới lãnh đạo ở Mỹ phản ứng mạnh hơn, cứ nghe lời lẽ của ông Tillerson thì thấy. (Ngô Nhân Dụng)







No comments:

Post a Comment

View My Stats