Thursday 9 November 2017

AI SẼ GÁNH VÁC THAY NƯỚC MỸ ? (Richard N. Haass - Project Syndicate)




Richard N. Haass  -  Project Syndicate  
Biên dịch: Lê Như Mai | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Posted on 10/11/2017 by The Observer

Chúng ta ngày càng thấy rõ rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đại diện cho lập trường thoái lui khi xét về tầm nhìn và hành vi toàn cầu của nước Mỹ. Kết quả là, nước Mỹ sẽ không còn đóng vai trò dẫn đầu quốc tế, điều đã định hình chính sách đối ngoại của nước này suốt ba phần tư thế kỷ qua, dưới thời các vị Tổng thống cả Dân chủ lẫn Cộng hòa.

Chúng ta đã và đang chứng kiến rất nhiều ví dụ cho sự thay đổi này. Cam kết truyền thống của nước Mỹ đối với các tổ chức toàn cầu đã phải nhường chỗ cho ý tưởng “Nước Mỹ trên hết”. Các quan hệ đồng minh và những bảo đảm an ninh từng được coi là mặc nhiên thì giờ đây đang ngày càng mang tính chất có điều kiện, tùy thuộc vào lượng ngân sách mà các đồng minh chi cho quốc phòng và việc họ có bị coi là thu lợi bất công từ thương mại với Mỹ hay không.

Rộng hơn nữa, Mỹ nhìn nhận ngoại thương dưới con mắt nghi ngờ – khi họ cho đó là nguồn cơn dẫn đến mất việc làm, thay vì là một phương tiện giúp thúc đẩy đầu tư, tạo ra công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định. Các chính sách nhập cư và tị nạn cũng được thắt chặt hơn. Việc thúc đẩy dân chủ và nhân quyền cũng không còn được chú trọng như trước. Tiền được chi cho quốc phòng nhiều hơn, nhưng lại có ít nguồn lực được dùng để hỗ trợ cho lĩnh vực y tế và phát triển toàn cầu hơn.

Nhưng chúng ta không nên lẫn lộn điều này với chủ nghĩa biệt lập. Nước Mỹ ngay cả dưới thời Trump vẫn sẽ tiếp tục đóng một vai trò có ý nghĩa trên thế giới. Mỹ đang sử dụng lực lượng quân sự của mình tại Trung Đông và Afghanistan, tăng cường sức ép ngoại giao lên Triều Tiên nhằm kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này, và đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada và Mexico.

Ngoài ra, chính sách của các tiểu bang, các thành phố, và các công ty sẽ được chuyển hóa thành cam kết của nước Mỹ đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, dù ông Trump đã quyết định rút khỏi Hiệp định Paris.

Dẫu vậy, bước chuyển từ một thế giới do Mỹ chi phối với các mối quan hệ có cấu trúc và các thể chế hiện hành sang một thế giới khác vẫn đang diễn ra. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta vẫn chưa biết được thế giới mới sẽ như thế nào. Điều mà chúng ta biết đó chính là hiện không có một cường quốc thay thế nào có nguyện vọng và khả năng tiếp quản cũng như gánh vác vai trò của nước Mỹ.

Trung Quốc vẫn thường được cho là một ứng cử viên sáng giá, nhưng vai trò lãnh đạo của nước này hầu hết tập trung vào việc củng cố trật tự nội địa và duy trì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao một cách “nhân tạo” nhằm ngăn chặn bất ổn xã hội. Lợi ích của Trung Quốc đối với các thể chế khu vực và toàn cầu dường như được thiết lập chủ yếu là nhằm tăng cường nền kinh tế và ảnh hưởng địa chính trị, thay vì giúp thiết lập các luật lệ và tạo ra các dàn xếp mang lại lợi ích rộng khắp cho các nước tham gia.

Tương tự, Nga là một đất nước với nền kinh tế có nền tảng hẹp được dẫn dắt bởi một chính phủ đang tập trung vào duy trì quyền lực tại quê nhà và tái thiết lập ảnh hưởng của nước Nga tại Trung Đông và Châu Âu. Ấn Độ thì đang bận rộn với thách thức phát triển kinh tế, cũng như bị cản trở do mối quan hệ đầy khó khăn với Pakistan. Nhật Bản cũng đang bị kiềm chế do tình trạng suy giảm dân số, các hạn chế về kinh tế và chính trị nội bộ, cũng như những nghi ngại từ các nước láng giềng.

Về phần mình, Châu Âu đang rối trí với những câu hỏi xung quanh mối quan hệ giữa các nước thành viên với Liên minh châu Âu. Hệ quả là, sức mạnh của cả lục địa lại không bằng tổng sức mạnh của các nước thành viên – mà không thành viên nào trong số đó đủ lớn để kế nhiệm Mỹ trên sân khấu chính trị thế giới.

Tuy nhiên, sự thiếu vắng một quốc gia đơn lẻ kế nhiệm nước Mỹ không đồng nghĩa rằng hỗn loạn đang chờ đón chúng ta. Chí ít là, về nguyên tắc, các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới có thể cùng nhau gánh vác trọng trách mà nước Mỹ để lại. Tuy vậy, trên thực tế thì điều này sẽ không xảy ra, do những nước này còn thiếu năng lực, kinh nghiệm, và trên tất cả, là thiếu một sự đồng thuận về những gì cần phải làm và ai cần làm điều đó.

Một diễn biến có nhiều khả năng xảy ra hơn chính là sự nổi lên của tình trạng trong đó trật tự và mất trật tự ở cả hai cấp độ khu vực và toàn cầu cùng song hành với nhau. Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhiều cơ chế đa dạng về thương mại, cơ sở hạ tầng và an ninh tại châu Á. Mười một thành viên còn lại của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể sẽ thực hiện thỏa thuận thương mại của họ mà không có Mỹ.

Tuy nhiên, liệu Trung Quốc có sẵn sàng dùng ảnh hưởng của mình để kiềm chế Triều Tiên, Ấn Độ và Pakistan tránh được xung đột như thế nào, và một giải pháp cho rất nhiều tranh chấp lãnh thổ tại châu Á sẽ ra sao vẫn còn chưa rõ ràng. Chúng ta rất dễ tưởng tượng ra một châu Á – Thái Bình Dương trong tương lai với đặc trưng là chi tiêu nhiều hơn cho tất cả các loại vũ khí – và do đó sẽ dễ xảy ra xung đột vũ trang hơn.

Trung Đông đã và đang chứng kiến bất ổn chưa từng có. Đó là kết quả của các cuộc cạnh tranh giữa các lực lượng và thực tế bản địa, và của 15 năm mà trong đó ban đầu Mỹ được cho là làm quá nhiều nhưng sau đó lại gần như không làm gì để định hình tương lai cho khu vực. Mối nguy hại trước mắt không chỉ là tình trạng ngày càng xấu đi trong lòng các quốc gia thất bại như Yemen, Syria hay Libya, mà còn là xung đột trực tiếp giữa Ả-rập Saudi và Iran.

Châu Âu có thể là ngoại lệ so với các xu thế nói trên, vì chiến thắng bầu cử của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã làm tăng cam kết cải cách EU của Chính phủ nước này. Tuy nhiên, bản thân EU cũng đối mặt với một tương lai bất định  nếu xét bối cảnh sự kiện Brexit và các cuộc khủng hoảng diễn biến chậm rãi tại Ý và Hy Lạp, chưa kể có thể còn có thêm những rắc rối mới hay những việc tồi tệ hơn do Nga gây ra.

Thêm vào tất cả những điều ở trên còn có khủng hoảng ở Venezuela và những cảnh tượng ghê rợn đã quá quen thuộc tại Nam Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo. Ngoài ra còn có một khoảng cách rất lớn giữa các thách thức toàn cầu như làm thế nào để quản lý không gian mạng với sự sẵn lòng của các chính phủ trong việc bắt tay nhau giải quyết chúng.
Không có gì trớ trêu trong chuỗi những biến động toàn cầu nói trên. Trong suốt nhiều thập niên qua, rất nhiều quốc gia đã chỉ trích chính sách của Mỹ, vì cả những việc nước Mỹ đã làm lẫn không làm. Chính những quốc gia này hiện đang đối mặt với viễn cảnh một thế giới trong đó vai trò lãnh đạo của nước Mỹ dường như trở thành nhân tố ít được coi trọng hơn. Hiện vẫn còn quá sớm để biết được họ đã sẵn sàng cho một thế giới như vậy hay chưa, hay họ sẽ cảm thấy tốt hơn trong thế giới đó.

*
Richard N. Hass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, từng là Giám đốc Hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (2001-2003), đặc phái viên của Tổng thống George W. Bush tại Bắc Ireland và điều phối viên chương trình Vì tương lai Afganistan. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “A world in Disarray: American Foreign Policy and the Crisis of the Old Order”.

Copyright: Project Syndicate 2017- Who Will Fill America’s Shoes







No comments:

Post a Comment

View My Stats