Sunday, 1 October 2017

VẬN HỘI TUYỆT VỜI (Nguyễn Đạt Thịnh)




Saturday, 30/09/2017 

Hôm thứ Tư, 27 tháng 9, 2017, Tổng Thống Donald Trump công bố sơ lược về cuộc cải cách thuế vụ ông quyết tâm thực hiện; ông nói, "Đây đúng là vận hội một đời người mới có một lần, và đây cũng là việc mà tôi có thể nói là tôi biết cách làm. Từ lâu tôi chờ cơ hội này để giảm thuế cho giới trung lưu, và giản dị hóa giấy tờ thuế khóa cho mọi công dân Mỹ. Chúng ta cũng đem job và sự thịnh vượng trở về Hoa Kỳ; job và sự thịnh vượng là những thứ nhiều người tưởng hễ đã đi là không bao giờ còn trở lại nữa." 

Đứng trước đám đông, tổng thống còn quả quyết là chính sách thuế khóa của ông không hề làm lợi cho đám nhà giầu, như bọn Fake News (tin láo khoét) viết nhảm.

Thử tìm hiểu chính sách thuế mới đó, xem nó như thế nào.

Nói là “mới” nhưng thật ra nó cũng chỉ là một việc lập lại: 16 năm trước -năm 2001- tổng thống George W. Bush, đã giảm $1.6 trillions ($1,600 tỉ) thuế cho giới cự phú Hoa Kỳ -mà ông cũng gọi là giới “trung lưu.” Lý do khiến ông Bush 43 giảm thuế là ông thừa hưởng một ngân sách thặng dư khá lớn do Tổng Thống Bill Clinton để lại.

Năm nay, ngân sách không những đã không dư mà còn thiếu tới $700 tỉ, và tổng số nợ của Hoa Kỳ lên tới $20,000 tỉ, nhưng Trump vẫn quyết định giảm thuế cho 0.02% người Mỹ cực kỳ giầu có -60,000 người trong tổng số trên 300 triệu dân Mỹ.

Ký giả Binyamin Appelbaum viết trên tờ the New York time, "Hành Pháp cùng với những đồng minh của họ trong Quốc Hội đề nghị cắt giảm mạnh thuế lợi tức doanh thương, biện pháp giảm thuế này đem lợi nhuận đến cho một số người rất nhỏ, chủ nhân những doanh nghiệp rất lớn.

Ảnh hưởng PHÚC LỢI cuộc cải cách thuế vụ chia làm ba phần: giới giầu có hưởng nhiều nhất, giới trung lưu, hưởng một tí, giới cùng đinh, chẳng có gì.


Ký giả Jim Puzzanghera viết trên L.A. Times, "Rất nhiều cư dân California sẽ trả thuế nặng hơn với chính sách thuế khóa mới của chính phủ Cộng Hòa, vì liên bang chủ trương bỏ những khoản miễn thuế mà dân Ca-Li vẫn hưởng. Năm 2014, số miễn trừ này lên đến $101 tỉ -theo ước tính của Tax Foundation -một tổ chức không đảng phái.

Mỗi ký giả, mỗi tờ báo và mỗi địa phương đều có một góc nhìn khác về chính sách thuế mới, tuy nhiên, cũng vẫn có nhiều điểm tương đồng giữa những khác biệt đó.

Một thí dụ: giới địa ốc la hoảng cho là chính sách thuế mới sẽ tạo ảnh hưởng xấu trên thị trường nhà, đất, vì thủ tục vay tiền khó hơn, và tiền lời ngân hàng cũng sẽ cao hơn.

Chính phủ đang nhạy cảm vì những chỉ trích này; lý do: chính sách thuế mới còn trong tình trạng dự luật, chưa được quốc hội thông qua để trở thành luật; do đó Bộ Trưởng Ngân Khố Steven Mnuchin lên tiếng ngay.

Ông nói, "Quần chúng không cần quá bận tâm, vì dự luật thuế còn qua giai đoạn thảo luận tại Quốc Hội; chúng tôi -viên chức hành pháp- và thành viên Quốc Hội sẽ thận trọng sửa chữa, điều chỉnh cho nó trở thành một đạo luật thuế khóa toàn hảo, rồi mới trình tổng thống ký và ban hành."

Bộ Trưởng Ngân Khố Steven Mnuchin nói như đó là một nhượng bộ của chính phủ, thật ra ông không hứa hẹn điều gì mới cả; ông chỉ trình bầy những tiến trình bắt buộc để một dự luật trở thành một đạo luật, dù ông có thiện chí tuân hành hay không thích những thủ tục đó. 

Tuy nhiên đạo luật thuế vụ ngày được ban hành, cũng chỉ khác bản dự luật hiện tại trong chi tiết; những nét lớn, như phần PHÚC LỢI của cuộc cải cách thuế vụ vẫn chia xã hội Hoa Kỳ làm ba thành phần: giới giầu có vẫn hưởng nhiều nhất, giới trung lưu, vẫn hưởng một tí, và giới cùng đinh, vẫn chẳng có gì.

Nguyên nhân của tình trạng “không thay đổi đáng kể” là dự luật tổng thống đang rao bán -một tác phẩm do những chính khách Cộng Hòa soạn thảo, tác phẩm đó sẽ được một quốc hội Cộng Hòa duyệt xét- sẽ thay đổi một ít chi tiết, nhưng nội dung vẫn là giới cùng đinh, chẳng có lợi lộc gì, vì tỉ lệ thuế của họ đang bằng với 10% lợi tức họ kiếm ra, không những đã không giảm xuống 9% hay 8% mà lại tăng lên thành 12%.

Trong lúc đó, dự luật thuế mới bớt 4.6% cho những người có lợi tức nhiều; hiện nay họ phải đóng 39.6%, sang năm họ chỉ còn đóng có 35%; dân cùng đinh được đóng thêm 2% nữa cho thành 12% để bù vào phần thuế giảm cho giới có lợi tức cao nhất.

Như vậy mà giọng nói tổng thống vẫn rất chân thành, gương mặt tổng thống vẫn rất lương thiện trong lúc ông cam kết với quần chúng là “bọn giầu có không hưởng gì cả trong cuộc cách mạng thuế khóa tôi chủ trương.”

Mnuchin tuyên bố, "Chúng tôi thúc đẩy tối đa để cuộc cách mạng thuế khóa sớm thành hình," trong lúc truyền thông mệnh danh dự luật thuế mới là cuộc thay đổi to lớn nhất, tính từ triều đại Tổng Thống Reagan.

Họ đòi hỏi tổng thống Trump công bố hồ sơ thuế của bản thân ông, trước khi Quốc Hội thảo luận về dự luật mới ấn định nhiều thay đổi làm tăng phần lợi nhuận của giới tư bản -trong giới này đương nhiên có ông- giới đang thụ hưởng nhiều tiện nghi thuế vụ.

Bộ Trưởng Mnuchin cho biết tổng thống “không hề có ý định” (has no intention) tiết lộ hồ sơ thuế của ông cho quần chúng dị nghị. Ý định ngang ngược đó rồi cũng vẫn hợp pháp, vì cả 2 quyền lập pháp và hành pháp đều nằm trong tay đảng Cộng Hòa của tổng thống.

Dự luật mới về thuế khóa còn có khoản cắt thuế AMT (alternative minimum tax), khoản thuế nhằm chặn đứng giới cự phú viện ra quá nhiều khoản miễn trừ để khỏi đóng thuế; năm 2005 Trump đóng đến $31 triệu thuế, do khoản AMT đó.

Tránh né không đề cập chi tiết về khoản thuế AMT, Mnuchin nói chủ trương thuế khóa mới là khuyến khích khuyếch trương doanh nghiệp để tạo thêm công ăn, việc làm cho công nhân; khuyến khích bằng những khoản giảm thuế lớn nhất trong lịch sử thuế khóa Hoa Kỳ.
Dư luận tố cáo là tổng thống không một mình hưởng lợi trong luật thuế mới, mà toàn thể nội các của ông đồng hưởng, vì đó là nội các giầu nhất trong lịch sử Hoa Kỳ; trong thành phần nội các -trừ tổng thống- còn có vài ông tỉ phú khác.

Tháng Hai vừa rồi, tổng thống đã tuyên bố với Quốc Hội, "Toán chuyên viên thuế khóa của tôi đang chuẩn bị một cuộc cải cách thuế khóa lịch sử, giảm thuế cho những công ty Hoa Kỳ để họ có thể tranh thương với bất cứ công ty ngoại quốc nào, trên bất cứ thị trường nào. Con số thuế cắt giảm sẽ rất lớn, rất rất lớn."

Cắt giảm thuế cho giới tư bản dĩ nhiên khuyến khích họ khuyếch trương thêm doanh nghiệp, và tạo ra một hình ảnh giầu có, phát đạt, hùng mạnh cho Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tính thành tiền, mức cắt giảm lên tới 20% thuế doanh nghiệp (corporate tax rates); mức giảm thuế sẽ làm ngân sách giảm thâu $2.4 trillions ($2,400 tỉ).

Số thất thu khổng lồ đó giải thích nỗ lực của chính phủ tìm cách cắt những chương trình xã hội như ObamaCare; mặc dù bị chỉ trích là hoang phí nhưng trong suốt năm 2016, số tiền chính phủ tài trợ chương trình ObamaCare bảo hiểm y tế cho 20 triệu người nghèo chỉ trị giá $110 tỉ -2.18% của số thuế dự trù sẽ cắt giảm cho quý vị doanh nhân giầu có.

Dự luật giảm thuế sẽ được thông qua, vì Quốc Hội vẫn còn giữ nguyên thành phần đa số Cộng Hòa hiện nay -tối thiểu trong thời gian 14 tháng nữa; thời gian quá đủ để tổng thống thành công trong “vận hội tuyệt vời” của ông: làm giầu thêm cho những người hiện đang sẵn giầu có. (ndt)






No comments:

Post a Comment

View My Stats