Sunday, 15 October 2017

TỔNG THỐNG PHÁ HOẠI (Nguyễn Đạt Thịnh)




Saturday, 14/10/2017 

Trong một bản tuyên cáo phổ biến tối thứ Năm, 31 tháng 10, Bộ Trưởng Tư Pháp tiểu bang California, ông Xavier Becerra, viết, “Việc tổng thống Trump ký sắc lệnh cắt tài trợ bảo hiểm y tế là một hành động phá hoại, và California sẽ chống lại việc đó.”

Bản tuyên cáo viết thêm, “Chúng ta từng đưa chính phủ Trump ra tòa và cũng đã từng thắng họ, giờ này chúng ta sẵn sàng đưa họ ra tòa thêm một lần nữa, nếu cần phải làm như vậy.”

Trong bản tin nửa đêm thứ Năm của tờ The Washington Post, hai ký giả Amy Goldstein và Juliet Eilperin viết, “Sắc lệnh tổng thống Trump vừa ký sẽ gây sóng gió trên thị trường ObamaCare, vì chính phủ không thanh toán cho các hãng bảo hiểm nữa; không được bồi hoàn, các hãng bảo hiểm, bệnh viện, bác sĩ sẽ ngưng, không cung cấp y vụ chăm sóc hàng chục triệu người nghèo, thân chủ mua bảo hiểm ObamaCare.”

Bạch Cung xác nhận chính phủ sẽ ngưng không thanh toán CSR (cost-sharing reductions); và các viên chức cao cấp của Bộ Y Tế, Xã Hội xác nhận là sắc lệnh của tổng thống sẽ có hiệu lực lập tức -cắt $7 tỉ ngay trong năm nay.

Tổng thống ký sắc lệnh cắt ngân khoản CSR tại phòng Roosevelt, Bạch Cung, với sự hoan hỉ của nội các

Và phản ứng của bộ trưởng tư pháp tiểu bang California, ông Xavier Becerra.

Từ nhiều tháng trước, tổng thống đã hăm cắt ngân khoản này -ngân khoản trả cho các hãng bảo hiểm để họ có khả năng thanh toán cho những cơ sở y tế chăm sóc bệnh nhân nghèo với giá rẻ; ông chỉ hăm mà chưa ký sắc lệnh ngay vì nhiều viên chức chính phủ cảnh cáo ông là việc cắt “chi phí giảm giá” sẽ tạo ra một sức nổ dội ngược trở vào bên trong (implosion) gây ảnh hưởng bất lợi cho đảng Cộng Hòa đang cầm quyền.

Các công ty bảo hiểm y tế và các chính phủ tiểu bang đang lo sợ viễn ảnh thị trường tuột dốc -hậu quả của sắc lệnh tổng thống vừa ký, nhất là vào đúng thời điểm các hãng bảo hiểm chuẩn bị mỗi năm bán ObamaCare một lần, vào dịp cuối năm. Năm nay là năm thứ 5.

Mọi người đều hiểu là việc cắt $7 tỉ tài trợ là quả mìn đủ mạnh để tiêu hủy thị trường cung cấp y tế cho trên dưới 20 triệu người Mỹ nghèo.

Bà Kristine Grow, phát ngôn viên của tổ chức Americas Health Insurance Plan đại diện nhiều hãng bảo hiểm y tế nhận định, “Hàng triệu người Mỹ trông cậy vào ObamaCare để có đủ khả năng được chăm sóc y tế.” Dĩ nhiên bà Grow muốn nói về khả năng tiền tài.

Tổng thống đơn phương ký sắc lệnh cắt tài trợ, sau hai lần Thượng Viện thất bại không tìm được sự đồng thuận của một đa số nghị sĩ để thông qua một đạo luật y tế mới thay cho luật ACA (Obamacare). Hai Nghị Sĩ Lamar Alexander (Cộng Hòa-Tennessee) và Patty Murray (Dân Chủ-Washington) lên tiếng là không nên “tức khắc” cắt ngân khoản CSR (The cost-sharing reductions), mà nên từ từ, giảm lần hồi.

Thật ra ngân khoản tài trợ CSR cũng đã bị các dân biểu Cộng Hòa đưa ra tòa từ năm 2010, vì thiếu danh nghĩa để biện minh cho việc tiêu một khoản tiền lớn như vậy. Một phiên tòa liên bang đồng ý là chính phủ Obama không tuân hành đúng luật pháp; chính phủ chống án, tòa chưa xử lại.

Dựa trên tình trạng chưa ngã ngũ đó, Bạch Cung ra tuyên cáo, viết, “Việc bất hợp pháp tài trợ bảo hiểm là một điển hình khác nữa nói lên việc chính phủ trước lạm dụng tiền thuế để tài trợ một tổ chức ACA gẫy gọng. Quốc hội cần hủy bỏ luật cũ, viết luật mới để cung cấp thoải mái thật sự cho công dân Hoa Kỳ."

Chỉ trích chính phủ Obama sử dụng ngân sách để tài trợ luật ACA cung cấp bảo hiểm y tế cho dân nghèo là đúng, nhưng viết ra được một đạo luật mới “để cung cấp thoải mái thật sự cho công dân Hoa Kỳ,” lại không hề là việc dễ làm.

Bằng cớ là tổng thống đã chỉ thị thượng viện phải làm cho bằng được, và sỉ nhục chủ tịch khối đa số Cộng Hòa tại Thượng Viện -Nghị Sĩ Mitch McConnell- là không làm được thì từ chức đi; nhưng cuối cùng, tổng thống vẫn phải đơn phương ký một sắc lệnh thay vào chỗ một đạo luật.

Chủ Tịch Hạ Viện -Dân Biểu Paul D. Ryan (Cộng Hòa-Wisconsin) cũng ra tuyên cáo nói việc Hành Pháp bãi bỏ vụ kiện ngân khoản CSR (The cost-sharing reductions), cho thấy thẩm quyền của Quốc Hội và trị giá của nguyên tắc “tam quyền phân lập.”

Hai chính khách lãnh đạo đảng Dân Chủ -bà Dân Biểu Nancy Pelosi, và Nghị Sĩ Charles Schumer đồng thanh chỉ trích sắc lệnh hủy bỏ ngân khoản CSR (The cost-sharing reductions); họ phổ biến một bản tuyên cáo chung, với nội dung viết: “Sắc lệnh tổng thống vừa ký là một hành động hằn học to lớn và một cuộc phá hoại vô nghĩa chống lại những gia đình lao động và trung lưu trên khắp nước Mỹ. Chắc chắn Trump sẽ đổ thừa cho luật Affordable Care Act, nhưng hậu quả của việc cắt CSR sẽ rơi trên lưng ông ta, và ông ta sẽ trả giá nặng nề.”

Có thể tổng thống sẽ lãnh hậu quả của việc ông làm, cũng có thể ông ý thức được nguy cơ đó, và đã tìm cách làm nhẹ bớt cái hậu quả phải đo bằng sự nổi giận của 20 triệu cử tri- làm nhẹ bằng cách chỉ thị nhân viên chính phủ bán ra một loại bảo hiểm mới -kiểu Trumpcare- với giá rẻ hơn ObamaCare.

Chỉ thị nhân viên chính phủ bán ra một loại bảo hiểm mới -kiểu Trumpcare

Tờ The New York Times nhận định về loại bảo hiểm mới, và đánh giá là “cheaper policies with fewer benefits and fewer protections for consumers” (rẻ hơn, nhưng lại ít quyền lợi hơn và ít bảo vệ cho người mua bảo hiểm).

Là một doanh nhân có thành tích gian thương, ông Trump đã từng bị kiện về tội “treo đầu dê, bán thịt chó” khi ông mở trường địa ốc, quảng cáo là sẽ dạy sinh viên bí quyết thành công của ông; nhưng dĩ nhiên cái bí quyết nhiều năm khỏi đóng thuế vì khai lỗ vốn, và bí quyết càng lỗ, càng giầu thêm của ông, không ai học được.

Ông đã thương lượng với học viên, bồi thường cho họ, để tránh một vụ kiện tai tiếng - lối giải quyết của ông, phải nhìn nhận là thông minh.

Khó khăn ông đang tạo ra lần này có thể khó thương lượng hơn, vì đối tượng bất bình với ông không chỉ là vài chục cô, cậu học viên thích học bí quyết làm giầu của ông, mà là 20 triệu người mất bảo hiểm y tế ObamaCare, mua bảo hiểm khác do chính phủ Cộng Hòa bán ra không giá trị bằng bảo hiểm cũ mà họ đã xài và đã ưng ý trong suốt bốn năm dài.

Phải nhìn nhận tổng thống rất gan dạ, và rất đúng với mẫu người “có gan làm giầu,” không chỉ làm giầu thôi, mà ông còn làm tổng thống nữa.

Trong 100 nghị sĩ tại Thượng Viện có 52 ông bà nghị sĩ cộng hòa, và trong 435 dân biểu tại Hạ Viện có 240 vị cộng hòa, vậy mà tổng số 292 chính khách cộng hòa đó ngắc ngư suốt nửa năm trời, không giải quyết nổi cái dư âm ObamaCare của “chế độ cũ,” trong lúc tổng thống chỉ cần ký một chữ là xong.

“Xong” có nghĩa là “Đã Giải Quyết,” và đã đạt được kết quả một bên, hậu quả của giải pháp cắt CSR do bên kia quyết định, và phải chờ đến tháng 11 sang năm -chờ kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ.

Nhận xét về bài gốc của bản tin này đăng trên tờ The New York Times, một độc giả viết, “Ai cũng biết Donald Trump không để yên cho luật ObamaCare, và ai cũng biết ông ta làm như vậy chẳng hề vì quyền lợi của dân tộc Mỹ. Ông ta chỉ thả bom phá hoại ObamaCare vì ghét Obama và tìm cách phá hết di sản của Obama. Chán thật.” (N. Smith -New York City)

Có thể ba năm nữa tổng thống vẫn cứ thắng, vì đặc tính của Con Voi Cộng Hòa là dễ quên, họ có thể quên bản sắc lệnh tổng thống ký hôm nay, để năm 2018 lại bầu tổng thống thêm “4 more years.”

-------------------------------

Các tin khác








No comments:

Post a Comment

View My Stats