Tuesday, 17 October 2017

TIN CẬP NHẬT THỨ HAI 16/10/2017 (Lê Minh Nguyên)





Tin Thế Giới

1.
TQ giảm Đặng tăng Mao đề cao ý Tập

Kể từ khi ra đời năm 1921, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã từng có một số luận thuyết cầm quyền, từ tư tưởng Mao đến lý luận Đặng Tiểu Bình.
Nay, đảng này sắp đưa 'tư tưởng Tập Cận Bình' vào Điều lệ, sự kiện từng xảy ra khi Lâm Bưu được ghi là 'người kế tục duy nhất' của Mao.

Mao và tư tưởng cách mạng nông dân
Trước khi thắng Tưởng Giới Thạch trong Nội chiến Trung Quốc năm 1949, lãnh tụ Mao Trạch Đông nêu ra một số suy nghĩ, sau được gom lại và gọi là tư tưởng.
Qua những gì ông nói, 'tư tưởng Mao' trước 1949 gồm mấy ý chính:
Cách mạng vô sản kiểu Trung Quốc: cuộc kháng chiến chống Nhật và Quốc Dân Đảng được Mao gọi là "cách mạng chống chủ nghĩa đế quốc, phong kiến và tư sản-quý tộc".
Quần chúng nhân dân Trung Quốc làm cuộc cách mạng này qua liên minh công-nông dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân.
Vì đa số dân sống ở nông thôn, Đảng Cộng sản làm cách mạng bằng lực lượng vũ trang xuất thân nông dân nhưng được cải tạo thành "quân đội vô sản".
Chiến tranh du kích kéo dài (Cửu Trì Chiến): Đây là cuộc chiến của nhân dân, trên thực tế là nông dân, nhằm bao vây thành thị, địa bàn của bọn đế quốc, tư sản phản động, tiêu hao lực lượng của chúng để tiến tới tổng phản công.
Dân chủ nhân dân: Sau năm 1949, Mao chủ trương nền 'dân chủ nhân dân' trong điều kiện các mâu thuẫn giai cấp trong xã hội vẫn còn tồn tại.
Để giải quyết mâu thuẫn này, cần có Cải cách Thổ địa để tiêu diệt kẻ thù giai cấp.
Các đợt cải tạo chống tư sản ở đô thị và tẩy não trí thức 'bị nhiễm' lối nghĩ cũ, cũng được tiến hành tàn khốc.
Mao là 'ông tổ' của cách mạng vô sản nông dân thông qua 'công tác tư tưởng'.
Đảng thực hiện các cuộc vận động để 'biến đổi tư tưởng' đảng viên, bất kể xuất thân, qua sinh hoạt nội bộ, 'phê và tự phê'.

Sang thời Tập Cận Bình, phê và tự phê chưa đủ .
Các 'phán quan' của Đảng trong hệ thống 'song quy' trực tiếp bắt và lấy cung quan chức mắc vào lưới trời chống tham nhũng.
Cả triệu lượt cán bộ bị kỷ luật, không ít bị tù.
Về lý luật Marxist, Mao cho rằng tính biện chứng của cộng sản Trung Quốc đến từ ba nguyên tắc:
Chân lý đến từ thực tiễn: Mao coi đây là thuyết 'duy vật biện chứng'.
Đảng gắn bó với quần chúng. Cán bộ 'ba cùng' vào nhà máy, về nông thôn.
Trung Quốc độc lậpnhưng không cô lập: Không bế quan tỏa cảngmà còn phổ biến cách mạng sang các nước Thế giới thứ ba và Bắc Kinh ngày càng xa quỹ đạo Moscow.

Ảnh hưởng Đặng Tiểu Bình giảm đi
Sau Mao Trạch Đông, chỉ có Đặng Tiểu Bình được ghi nhận có "lý luận".
Sau ông Đặng, Trung Quốc cũng đề cao "thuyết ba đại diện" của Giang Trạch Dân chủ yếu để công nhận vai trò 'cũng yêu nước' của doanh nhân.
Đến thời Tập Cận Bình, giới đại gia bị truy bắt, tịch thu tài sản, cấm thành đại tập đoàn vì Đảng sợ hình thành tầng lớp 'oligarch' như ở Nga, dẫn tới sụp đổ chế độ.
Về lý luận, hai tên tuổi Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân ngày càng ít được nói đến để nhường chỗ cho "tư tưởng Tập Chủ tịch".
Điểm khác biệt là ở chỗ, ông Đặng chủ trương "ẩn mình chờ thời", còn ông Tập lại muốn phô trương, thể hiện sức mạnh Trung Quốc.
Tư tưởng vĩ đại phục hưng Trung Hoa (Trung Quốc Mộng), nêu rằng Tập Cận Bình tạo ra thời đại thứ ba từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949.
Không xa rời nền tảng Marx-Lenin, tư tưởng này 'lập thuyết' rằng Mao là vị khai quốc, Đặng Tiểu Bình là nhà cải cách, còn Tập Cận Bình là người phục hưng nước Trung Hoa, đem lại vị thế xứng đáng cho nước này trên thế giới.
Về nội bộ, tư tưởng Tập Cận Bình "dùng Đảng trị quốc", và Đảng Cộng sản là tất cả, với ông Tập là "hạt nhân".
Trung Quốc được vận hành khác thời Cải cách Khai phóng khi Đặng Tiểu Bình, Trần Vân chủ trương "Đảng tách khỏi chính quyền", và "Đảng ở dưới Hiến pháp".
Tăng sự tập quyền vào tay một người khiến Trung Quốc nay có phần giống thời Mao hơn thời Đặng, khi ý thức hệ nhường chỗ cho hiệu quả kinh tế - Mèo trắng hay mèo đen đều tốt miễn là bắt được chuột.

Phương châm ngoại giao
Với nước ngoài, có lẽ điều được quan tâm hơn là 'Giấc mộng Trung Hoa' được diễn giải thế nào.
Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì đã có bài gần đây trên Tân Hoa Xã diễn giải "tư tưởng đồng chí Tập Cận Bình" trong ngoại giao Trung Quốc.
Bài viết vài nghìn chữ dạng văn kiện có thể tạm cô đọng lại trong 9 điểm:
Ngoại giao là một phần tối quan trọng trong công tác Đảng và Nhà nước.
Ngành ngoại giao phải đặt ra các mục tiêu chiến lược, các sứ mệnh trọng yếu cho công tác đối ngoại Trung Quốc ở kỷ nguyên mới.
Tăng sự tin tưởng vào Trung Quốc với tư cách nước xã hội chủ nghĩa lớn với đặc trưng Trung Hoa.
Đề ra viễn kiến vĩ đại xây dựng một cộng đồng cùng chia sẻ tương lai cho nhân loại.
Thực hiện chính sách ngoại giao toàn diện để thiết lập một mạng lưới đối tác toàn cầu.
Thực thi đợt mở cửa lần tiếp theo vì Sáng kiến Con đường và Vành đai.
Chứng tỏ quyết tâm của Trung Quốc đề cao chủ quyền và quyền lợi an ninh.
Tìm hiểu cách tiếp cận mới và thực tiễn mới về quản trị toàn cầu.
Thực hiện sự lãnh đạo toàn diện của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác đối ngoại.
Tùy cách nhìn người ta có thể coi đây là danh sách liệt kê các nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao hay là biểu hiện của tư tưởng mang tên Chủ tịch Tập Cận Bình cho nước Trung Quốc trong thế kỷ 21 nay đã có 1,4 tỷ dân. - BBC
|
|
2.
Triều Tiên: Chớ theo Mỹ nếu không muốn bị trả đũa

Triều Tiên khuyến cáo các nước tại Liên hiệp quốc ngày 16/10 rằng chớ có tham gia với Mỹ trong các hành động quân sự chống lại Bình Nhưỡng nếu không muốn bị trả đũa.
Thông cáo này có trong bài diễn văn soạn sẵn của phó đại sứ Triều Tiên tại Liên hiệp quốc, Kim In Ryong, để thảo luận về võ khí hạt nhân tại một ủy ban của Đại hội đồng Liên hiệp quốc, nhưng ông Kim đã không đọc to đoạn văn này lên.
“Miễn một nước không tham gia vào các hành động quân sự của Mỹ chống lại Triều Tiên, thì chúng tôi không có ý định sử dụng hay đe dọa dùng võ khí hạt nhân chống lại bất kỳ nước nào khác,” theo văn bản soạn sẵn của ông Kim.
“Toàn bộ lục địa Mỹ nằm trong tầm bắn của chúng tôi và nếu Mỹ dám xâm phạm lãnh thổ thiêng liêng của chúng tôi dù chỉ là một li, Mỹ khó lòng thoát khỏi sự trừng phạt nặng nề của chúng tôi tại bất kỳ nơi nào trên thế giới,” thông cáo nói.
Phó đại sứ Triều Tiên tại Liên hiệp quốc ngày 16/10 tuyên bố với ủy ban của Đại hội đồng Liên hiệp quốc rằng “Trừ phi chính sách thù nghịch và mối đe dọa hạt nhân của Mỹ được xóa sổ hoàn toàn, chúng tôi sẽ không bao giờ đặt vấn đề võ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo của chúng tôi lên bàn thương lượng dưới bất kỳ trường hợp nào.”
Trong một diễn tiến liên quan, cùng ngày 16/10, Mỹ và Nhật nhất trí hợp tác chặt chẽ trong các biện pháp chế tài Triều Tiên, theo loan báo của Bộ trưởng Tài chính kiêm Phó Thủ tướng Nhật, Taro Aso. - VOA
|
|
3.
Báo Trung Quốc khuyên Mỹ khôn khéo hơn về Biển Đông

Tàu khu trục USS Chafee của Hoa Kỳ đã tiến vào vùng lãnh hải gần quần đảo Tây Sa của Trung Quốc (Việt Nam gọi là Hoàng Sa) vào 10/10 để theo đuổi hoạt động tự do hàng hải mà không được chính quyền Trung Quốc cho phép, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đưa ra bình luận hôm 15/10.
Tờ báo này nói Mỹ đã vi phạm luật pháp Trung Quốc và quốc tế. Ngay lập tức, Trung Quốc cho tàu quân sự và máy bay đến cảnh báo tàu Mỹ phải rời khỏi khu vực này.
Mặc dù bán đảo Triều Tiên đã trở thành tiêu điểm của dư luận quốc tế nhưng sự kiện này một lần nữa cho thấy cuộc tranh chấp Biển Đông vẫn là vấn đề chính ảnh hưởng đến an ninh của khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thăm châu Á vào tháng tới, và vấn đề Biển Đông có lẽ sẽ trở nên nóng hơn, theo Global Times.
Báo Trung Quốc nói Mỹ đang âm thầm tăng cường việc triển khai quân đội, làm nổi bật sự hiện diện quân sự trong khu vực thông qua hoạt động đợt tuần tra tự do hàng hải, và điều đó làm phức tạp và gây căng thẳng mối quan hệ Trung-Mỹ.
Tờ Hoàn Cầu phân tích ba lý do chính vì sao Hoa Kỳ thực hiện việc tuần tra này.
Thứ nhất, ông Trump sẽ thăm Việt Nam vào tháng 11 và cũng có thể tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Philippines. Washington muốn thể hiện cam kết bảo vệ an ninh Biển Đông đối với các nước Đông Nam Á vì các khu vực này ngày càng quan ngại chính sách "nước Mỹ trên hết" của chính quyền Tổng thống Trump. Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ thường là một chất xúc tác cho các hành động nhằm bắn các tín hiệu về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Thứ hai, Trung Quốc và ASEAN hy vọng đàm phán một bộ quy tắc ứng xử (COC) cho Biển Đông mà Hoa Kỳ hy vọng sẽ gây ảnh hưởng. Vào tháng 8, Trung Quốc và ASEAN đã đạt được thoả thuận về một khuôn khổ cho bộ quy tắc và bước tiếp theo là đàm phán các điều khoản cụ thể. Một số chuyên gia Mỹ cho biết Mỹ đã giới thiệu một bộ quy tắc ứng xử hàng hải châu Á-Thái Bình Dương với Nhật Bản, Ấn Độ và Australia để đảm bảo sự thống lĩnh của Mỹ đối với an ninh hàng hải khu vực.
Thứ ba, quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á đang ấm lên, làm cho Washington lo lắng. Chính phủ của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã bắt đầu nối lại cuộc đối thoại song phương vấn về tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc. Ngoài ra, căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc về vấn đề tranh chấp này cũng đã được kiểm soát tốt.
Hãng tin Reuters cho biết một tàu khu trục của Hoa Kỳ đã đi thuyền gần các hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông khiến cho Bắc Kinh tức giận.
Trong thời gian đương nhiệm của Tổng thống Barack Obama, hải quân Mỹ đã thực hiện bốn chiến dịch tuần tra tương tự. Và đây là lần tuần tra thứ tư kể từ khi ông Trump lên nắm quyền vào tháng Giêng. Vào tháng 8, tàu USS John S. McCain đã vào vùng biển trong phạm vi 12 hải lý của đá Meiji (tên quốc tế là Mischief Reef và Việt Nam gọi là đá Vành Khăn), một phần của quần đảo Nam Sa (Việt Nam gọi là quần đảo Trường Sa). Báo Trung Quốc dự đoán rằng trong vài tháng tới, Mỹ sẽ thực hiện một hoặc hai hoạt động như vậy.
Các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ ở Biển Đông đang trở nên thường xuyên hơn. Các viên chức cấp cao của Ngũ Giác Đài và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ có quyền tự trị lớn hơn đối với các hoạt động quân sự so với thời dưới chính quyền Obama. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã đưa ra một lịch trình cho các hoạt động tuần tra trên Biển Đông. Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Scott Swift đã nói rằng: "Chúng tôi đang tiến hành hơn 900 ngày tàu biển tuần tra trong năm nay ở Biển Đông."
Thời báo Hoàn cầu nói rằng Nhà Trắng đang tiến hành xem xét toàn diện chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc để chuẩn bị cho chuyến thăm châu Á vào tháng 11 của ông Trump. Về vấn đề Biển Đông, Washington cần đưa ra một chiến lược hợp lý hơn, chứ đừng để các hoạt động "tự do hàng hải" làm suy yếu lòng tin và hợp tác giữa hai nước. - VOA
|
|
4.
Áo sẽ có tân thủ tướng trẻ nhất châu Âu

Sau hơn sáu thập kỷ do các chính phủ ôn hòa và trung dung nắm quyền, nay dường như Áo đang trở nên hữu khuynh hơn, khi Bộ trưởng Ngoại giao thuộc phe bảo thủ Sebastian Kurz tuyên bố thắng cử hôm 15/10 và sẵn sàng trở thành nhà lãnh đạo kế tiếp.
Bộ Nội vụ Áo hôm 15/10 cho biết rằng kết quả kiểm phiếu gần hoàn thành cho thấy rằng Đảng Nhân dân của ông Kurz đang dẫn đầu với 31,4 % số phiếu bầu. Đảng Tự do cánh hữu đứng thứ nhì với 27,4% số phiếu. Đảng Dân chủ Xã hội Áo thuộc phe trung-tả, hiện đang nắm quyền trong liên minh cùng với Đảng Nhân dân, chỉ nhận được 26,7% số phiếu.
Trong bài diễn văn thắng cử tại thủ đô Vienna, ông Kurz kêu gọi những người ủng hộ tổ chức ăn mừng và sẵn sàng cho ngày mai khi "công việc bắt đầu."
Ông Sebastian Kurz, Chủ tịch Đảng Nhân dân Áo, nói rằng hôm nay là ngày mà “dân chúng Áo đã cho chúng tôi niềm tin để mang lại một phong cách mới về văn hoá chính trị” và “quan trọng nhất là đưa nước Áo tiến về phía trước”.
Ông Kurz, 31 tuổi, người có sức thu hút trên truyền hình, sẽ trở thành nhà lãnh đạo trẻ nhất châu Âu.
Ông Heinz-Christian Strache, lãnh đạo Đảng Tự do cánh hữu Áo, khi trò chuyện với những người ủng hộ tại trụ sở của đảng và ca ngợi thành tựu trong cuộc tổng tuyển cử này nói rằng đảng của ông là "một yếu tố chính trị lớn của phong trào chính trị Áo."
Sau cuộc khủng hoảng người nhập cư vào năm 2015 khi ấy có gần 100.000 người xin tị nạn vào Áo - gần bằng 1% dân số Áo, ông Kurz kêu gọi kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn, thực hiện các chương trình hội nhập tốt hơn, và kiểm soát chặt chẽ đối tượng nhập cư có tên "Hồi giáo chính trị" được tài trợ từ nước ngoài. - VOA
|
|
5.
Mỹ-Hàn bắt đầu 5 ngày tập trận bất chấp đe dọa từ Bình Nhưỡng

Đúng theo kế hoạch, ngày 16/10/2017, quân đội Mỹ và Hàn Quốc đã khởi động 5 ngày tập trận ngoài khơi bán đảo Triều Tiên bất chấp đe dọa trả đũa đến từ Bình Nhưỡng. Hôm 13/10, Bắc Triều Tiên đã nhắc lại lời đe dọa bắn tên lửa về phía đảo Guam của Mỹ để đáp trả điều được Bình Nhưỡng cho là hành động khiêu khích của Hoa Kỳ.
Theo Hải Quân Hàn Quốc, đợt tập trận lần này huy động một loạt máy bay tiêm kích cũng như trực thăng của hai bên, cùng với 40 tàu hải quân và tàu ngầm, trong đó có tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan. Phát ngôn viên quân đội Hàn Quốc xác nhận với các phóng viên là nội dung tập huấn bao gồm cách phản ứng trước các hành vi khiêu khích của Hải Quân Bắc Triều Tiên, đồng thời nâng cao khả năng hợp đồng tác chiến giữa các đồng minh.
Các cuộc tập trận cũng bao gồm các bài tập bắn đạn thật do các chiến hạm và chiến đấu cơ thực hiện, cùng với các bài tập chống tàu ngầm. Tuy nhiên, quân đội Hàn Quốc không công bố bất kỳ hình ảnh nào về cuộc tập trận.
Như để thị uy thêm, Hoa Kỳ cũng đã gửi bốn chiến đấu cơ hiện đại - hai chiếc F-22 và hai chiếc F-35 - đến tham gia cuộc triển lãm hàng không mở ra từ ngày 17/10 tại Seoul. Vào tuần trước, Mỹ cũng đã cho hai oanh tạc cơ chiến lược B-1B bay từ Guam đến Hàn Quốc để phô trương sức mạnh chống Bắc Triều Tiên.
Theo ghi nhận của hãng tin Mỹ AP, trước mắt chưa thấy Bình Nhưỡng có phản ứng đối với cuộc tập trận Mỹ-Hàn vừa mở ra, nhưng vào thứ Sáu 13/10, bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên đã tố cáo hành động « khiêu khích » của Mỹ, và một chuyên gia tại Viện Nghiên Cứu Mỹ của bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên khẳng định rằng Bình Nhưỡng « sẽ có những phản ứng tự vệ, bao gồm cả một vụ phóng tên lửa vào vùng biển gần đảo Guam của Hoa Kỳ ».
Về phần Hàn Quốc, trong một cuộc điều trần trước nghị viện ngày 16/10, phó tham mưu trưởng liên quân nước này, tướng Jeong Kyeong Doo, cho biết là quân đội Hàn Quốc đang chuẩn bị một kế hoạch tác chiến mới để chống lại các mối đe dọa « tiên tiến » từ Bắc Triều Tiên. Kế hoạch này độc lập với các kế hoạch hiện thời mà Seoul và Washington đang áp dụng để đối phó với Bình Nhưỡng. - RFI
|
|
6.
Thủ Tướng Abe có thể thắng lớn trong cuộc bầu cử tại Nhật

Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe có cơ thắng lớn trong kỳ bầu cử sắp tới đây, theo kết quả thăm dò mới nhất được loan báo hôm Thứ Hai, trong khi đảng mới thành lập của nữ thống đốc Tokyo đang bị mất đà.
Đảng bảo thủ Dân Chủ Cấp Tiến (LDP) của ông Abe được dự trù sẽ thắng tới 303 trong số 465 ghế tranh cử lại trong cuộc bầu cử ngày 22 Tháng Mười này, theo kết quả một cuộc thăm dò của tờ nhật báo Mainichi Shimbun, bản tin của hãng thông tấn AFP cho hay.
Một đảng nhỏ hơn, Komeito, liên minh với LDP, dự trù sẽ chiếm được hơn 30 ghế, cho đảng cầm quyền của ông Abe có hai phần ba đa số ở Hạ Viện, kết quả thăm dò cho hay.
Với thế đa số này, ông Abe, năm nay 63 tuổi, sẽ có thể thông qua được một tu chính án thay đổi hiến pháp Nhật, cho phép quân đội có vai trò lớn hơn.
Thủ Tướng Abe trong thòi gian qua kêu gọi có sự thay đổi bản hiến pháp do Mỹ áp đặt sau Đệ Nhị Thế Chiến để Nhật có thể biến Lực Lượng Phòng Vệ của họ thành một quân đội đúng nghĩa.
Sự hậu thuẫn dành cho Đảng Hy Vọng của Thống Đốc Yuriko Koike, vốn từng làm thay đổi chính trường Nhật và nuốt trọn đảng đối lập chính trước đó là đảng Dân Chủ, có vẻ sút giảm và nay có thể chỉ đạt được 54 ghế. - nguoiviet
|
|
7.
Chủ trương "Nước Mỹ trên hết" đang đẩy Hoa Kỳ vào tình thế bị cô lập

Quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump, đả kích thỏa thuận hạt nhân với Iran mà các đồng minh châu Âu của Hoa Kỳ xem là chuẩn mực của hợp tác quốc tế, tiếp tục được bình luận. Trong bài phân tích ngày 15/10/2017, hãng tin Pháp AFP đã không ngần ngại cho rằng quyết định đó của ông Trump đã nêu bật nguy cơ là chính sách ngoại giao theo hướng "Nước Mỹ trên hết (America First)" của ông, có khả năng chuyển hóa thành "Nước Mỹ đơn độc (America Alone)" khi ông phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Thoạt đầu, các nhà quan sát còn phân vân, tự hỏi là chính sách của tân tổng thống Mỹ sẽ ra sao. Thế nhưng, họ đã nhìn thấy một sợi chỉ xuyên suốt các quyết định của ông, từ việc rút nước Mỹ ra khỏi các hiệp định thương mại đa phương, thách thức các đồng minh cố hữu, cho đến việc xé bỏ các hiệp định quốc tế: Đó là ông Trump kiên quyết không để cho bị bất kỳ một quan hệ quốc tế nào ràng buộc.
Một nhà nghiên cứu có uy tín là ông Richard Haass, chủ tịch định chế tham vấn Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại Council on Foreign Relations đã khẳng định rằng chính sách đối ngoại của ông Trump đang đi theo "học thuyết triệt thoái".
Ông Trump chưa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng ông nói sẵn sàng làm việc đó nếu Quốc Hội Mỹ và các đồng minh của Hoa Kỳ không đồng ý ban hành các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Iran. Ngay trước khi quyết định về Iran, ông đã rút Mỹ ra khỏi tổ chức văn hóa LHQ UNESCO. Trước đó, ông đã rút Mỹ ra khỏi hiệp ước thương mại Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương - TPP, và dường như ông đã sẵn sàng xóa bỏ một hiệp ước lớn hơn là Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ - NAFTA.
Ông còn đặt vấn đề về cam kết của Mỹ đối với các đồng minh trong khối NATO, ra lệnh cho rà soát lại lợi ích của việc Mỹ tham gia các định chế LHQ, thậm chí còn tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris.
Cơ sở của các quyết định kể trên, như ông luôn tuyên bố, đó là chủ trương của ông đặt quyền lợi của nước Mỹ lên trên tất cả. Có điều là hệ quả của các hành động trên rất nghiêm trọng. Ông Ben Rhodes, cựu cố vấn cao cấp trong chính quyền cựu tổng thống Barack Obama, đã cảnh cáo : "Các quốc gia khác sẽ không muốn ký thỏa thuận với Hoa Kỳ".
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, người đã đàm phán thỏa thuận hạt nhân, cho rằng hành động của ông Trump sẽ gây thiệt hại lâu dài cho uy tín của Hoa Kỳ, vì sẽ không còn ai tin tưởng vào chính quyền Hoa Kỳ để tham gia đàm phán những vấn đề dài hạn.
Cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry, một kiến
​​trúc sư chủ chốt của thỏa thuận với Iran, đã cho rằng quyết định của ông Trump đã làm suy yếu vai trò của Mỹ, khiến Mỹ mất đồng minh…
Các đồng minh truyền thống của Washington ở Châu Âu lúc đầu rất thận trọng trong cách tiếp cận đối với ông Trump, với hy vọng ông sẽ bớt cực đoan khi vào Nhà Trắng. Thế nhưng, hy vọng này đã bị quyết định về Iran phá tan, và châu Âu đã nhất loạt phản ứng.
Theo chuyên gia Barbara Slavin thuộc trung tâm tham vấn Hội Đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), "ông Trump có vẻ như nghĩ rằng sức mạnh quân sự và kinh tế của Mỹ đủ để cho Hoa Kỳ có thể làm bất cứ điều gì mình muốn vào bất cứ lúc nào… Điều mà ông ấy không hiểu là Hoa Kỳ chỉ ở đỉnh cao quyền lực khi vận động để đạt đến sự đồng thuận quốc tế". - RFI
|
|
8.
Trung Quốc “không đẹp” trong mắt Châu Á --- Hoàng đế đỏ Tập Cận Bình, giấc mơ Trung Hoa và Đại hội Đảng

Đa phần các nước Châu Á Thái Bình Dương không có thiện cảm về sức mạnh quân sự gia tăng và sự chi phối của Trung Quốc, theo khảo sát vừa công bố hôm 16/10 của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ).

Sức mạnh và chi phối
Khảo sát Thái độ Toàn cầu 2017 của Pew cho thấy dù sức mạnh và sự chi phối của Trung Quốc không được xem là mối đe dọa hàng đầu trên toàn cầu, nhưng lại là mối quan ngại chính của nhiều nước Châu Á-Thái Bình Dương.
Bên ngoài khu vực, trung bình 10 người được hỏi, chỉ có gần 3 người (27%) xem sức mạnh và sự chi phối của Trung Quốc là mối đe dọa chính cho quốc gia của họ.
Trong khi đó, giữa 7 nước Châu Á-Thái Bình Dương được khảo sát (Úc, Nhật, Việt Nam, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Ấn Độ) trung bình cứ 10 người được hỏi thì có gần phân nửa (47%) coi Trung Quốc là mối đe dọa chính.
Trong số này, dân Việt Nam (80%) và Hàn Quốc (83%) xem sức mạnh và sự ảnh hưởng của Trung Quốc là mối đe dọa hàng đầu đối với đất nước.

Sức mạnh quân sự
Về lĩnh vực quân sự, 90% người Việt Nam được hỏi trả lời rằng sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc là ‘một điều xấu’ cho đất nước của họ. Tỷ lệ có cùng nhận xét như thế ở Nhật là 90% và ở Hàn Quốc là 93%.
Đa số trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương lo ngại về sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Ngân sách quân sự chính thức của Bắc Kinh trong thập niên qua mỗi năm tăng chừng 9%, và rất ít nước láng giềng hoan nghênh mức tăng này.

Kinh tế
Trong số các nước Châu Á-Thái Bình Dương có quan điểm tiêu cực về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, Việt Nam dẫn đầu, với tỷ lệ 64% người được hỏi cho rằng kinh tế tăng trưởng của Trugn Quốc là một ‘điều xấu’ cho đất nước của họ. Dân Úc (70%) tỏ ra lạc quan nhất về kinh tế Trung Quốc trong số các nước tham gia khảo sát.
Châu Á-Thái Bình Dương cũng là một trong những khu vực có nhiều người cho rằng Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, là cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.

Chủ tịch Tập Cận Bình
Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cũng chứng tỏ có ít lòng tin vào Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình.
Đáp câu hỏi về các vấn đề của thế giới, bạn tin tưởng bao nhiêu rằng ông Tập hành xử đúng, cứ 10 người Việt Nam được khảo sát thì hơn 7 người (74%) chọn câu trả lời ‘Chẳng tin tưởng chút nào cả’ trong khi 81% dân Nhật cũng bày tỏ thái độ tương tự.
Nhìn chung, chỉ 34% dân ở Châu Á-Thái Bình Dương chọn câu trả lời ‘Tin tưởng nhiều’ hoặc ‘Có chút tin tưởng.’
Tại Ấn, Nhật, Việt Nam và Philippines, dân chúng có mức tin tưởng với Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều hơn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trái lại, ở hai nước có hiệp ước đồng minh với Mỹ, Úc và Hàn Quốc, người dân lại có lòng tin ở ông Tập nhiều hơn ông Trump. - VOA

***
Le Monde hôm nay dành hẳn 8 trang báo cho việc « Trung Quốc quay lại với tư cách đại cường », với dòng chữ Hán trên trang nhất « Trung Quốc, cường quốc quật khởi » - tên một bộ phim tài liệu dài đến 12 tập chiếu trên truyền hình nước này năm 2006. « Hoàng đế đỏ » Tập Cận Bình, nhân danh « Giấc mơ Trung Hoa », từ khi lên ngôi đã siết chặt xã hội dân sự cũng như nền kinh tế.

Giấc mơ Trung Hoa thay cho giấc mơ Mỹ
Tờ báo nhận xét, cách đây mười năm, khi chuẩn bị cho Thế vận hội Bắc Kinh 2008, chính quyền đã phân phát nhiều cassette cho các tài xế taxi để họ ráng tập nói vài câu tiếng Anh. Năm 2017, đến lượt bé gái cháu nội của tổng thống Mỹ Donald Trump hát và đọc một bài thơ tiếng Hoa trước mặt Tập Cận Bình ở Mar-a-Lago. Le Monde cho rằng đây là một biểu tượng : chúng ta đã bước vào thế kỷ Trung Hoa.
Sau ba thập niên cất cánh, Trung Quốc nay muốn cạnh tranh với siêu cường Mỹ, và Tập Cận Bình còn khoe « Giấc mơ Trung Hoa » để thay cho « American Dream ». Giấc mơ này được thể hiện bằng các tham vọng lãnh thổ và chiến lược. Chính sách âm thầm phát triển của cuối thập niên 70 đã kết thúc. Tại châu Á, Tập Cận Bình yêu sách chủ quyền Biển Đông, bất chấp những quan ngại của các láng giềng. Việc Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP là một món quà từ trên trời rơi xuống cho ông Tập, nhân đó ông quảng bá « Con đường tơ lụa mới ».
Trong nội bộ, Tập Cận Bình áp đặt nhân sự của mình trong ban lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhân danh chống tham nhũng, trong quân đội và xã hội dân sự. Đừng mơ đến cải cách chính trị : ông Tập là một người chống Gorbatchev. Các luật sư và nhà báo « láo xược » đã bị bỏ tù. Cứng rắn trong đối nội, bành trướng với bên ngoài, đó là tôn chỉ của ông Tập, với hy vọng mang lại cơ hội tuyệt vời cho ngày kỷ niệm 100 năm thành lập đảng vào năm 2021, một năm trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ thứ hai.

Tập Cận Bình, hoàng đế đỏ
Tại Đại hội Đảng khai mạc vào thứ Tư 18/10 tới, Tập Cận Bình không chỉ được giao tiếp tục nhiệm kỳ 5 năm thứ hai, mà còn muốn nối gót hai lãnh đạo đã đi vào lịch sử là Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, với việc đưa vào điều lệ đảng tư tưởng của ông ta. Cho đến nay, chỉ có Mao (với tư tưởng Mao Trạch Đông) và Đặng (với lý thuyết Đặng Tiểu Bình) là có được vinh dự này, nhưng không phải trong lúc sinh thời.
Ông Tập đưa ra khái niệm « Quản trị ». Tác phẩm « Quản trị Trung Quốc » dày trên 500 trang xuất bản tháng Giêng năm 2015 tập hợp các bài diễn văn và tiểu luận, là đóng góp của Tập Cận Bình, bên cạnh những chuyến công du 56 nước, vượt 570.000 km, được tiếp đón trọng thị. Trên thảm đỏ, ông luôn tươi cười, biểu tượng cho một Trung Quốc kiêu hãnh và tự tin, đối chọi với nước Mỹ của ông Trump cô lập và khuấy động.
Để hiểu vì sao nhấn mạnh « quản trị », chúng ta cần quay lại với năm 2012 của Đại hội Đảng 18, khi Tập Cận Bình mới được đề cử. Chế độ Bắc Kinh đang còn sững sờ trước sự lan rộng của Mùa Xuân Ả Rập, thì lại xảy ra xì-căng-đan đình đám Bạc Hy Lai, và sau đó đến lượt luật gia mù Trần Quang Thành đào thoát, gây khủng hoảng ngoại giao với Mỹ. Trung Quốc của Hồ Cẩm Đào dường như thất thế trước sự thu hút của tổng thống Barack Obama và sự cương quyết của ngoại trưởng Hillary Clinton. Trên toàn quốc, xuất hiện nhiều lời kêu gọi trên các mạng xã hội, vạch trần bộ máy tuyên truyền và đòi hỏi chia sẻ quyền lực chính trị. Báo chí Hoa lục gọi đây là « cuộc khủng hoảng quản trị ».

Pháp trị của quân chủ chuyên chế thay cho Nhà nước pháp quyền
Khi lên ngôi, Tập Cận Bình đã gây thất vọng cho những người vẫn mong mỏi có được cải cách chính trị. Một nhà trí thức ẩn danh nói với Le Monde : « Cách đây bốn, năm năm, tôi rất lạc quan, như nhiều người cùng thế hệ. Cứ ngỡ rằng sẽ hướng đến một mô hình kiểu phương Tây, rằng xã hội chúng tôi sẽ trở nên tự do hơn. Nay thì phải từ bỏ ảo tưởng ấy ».
Ông Tập « Hán hóa » tất cả, vận dụng nền văn minh Trung Hoa cổ, Khổng Tử và một loạt truyền thống chính trị, chẳng hạn thuyết « pháp trị » của Hàn Phi Tử (Han Fei) thời quân chủ chuyên chế, khác hẳn với Nhà nước pháp quyền của phương Tây.
Sự quản trị độc đoán của Tập Cận Bình nhằm duy trì độc quyền cai trị của đảng Cộng Sản, và tham vọng quốc tế trở thành siêu cường. Nhà sử học Chương Lập Phàm (Zhang Lifan) nhận xét : « Mao muốn xuất khẩu cách mạng, còn Tập Cận Bình muốn xuất khẩu tư bản. Ông ta mơ một đại cường đỏ. Nền kinh tế là vũ khí hiệu quả nhất, « Con đường tơ lụa mới » và quốc tế hóa đồng nhân dân tệ là các phương tiện chiến lược. Thế nhưng những thứ đó cần đến sức mạnh quân sự hỗ trợ. Như vậy, Bắc Kinh sẽ mở rộng dấu ấn quân sự trên thế giới, như đã làm với căn cứ đầu tiên ở Djibouti. Đầu tư vào quân sự là trọng yếu, vì Trung Quốc đã ấn định mục tiêu trở thành cường quốc biển, trong khi hiện nay còn yếu kém ».
Theo Le Monde, những thử thách đối với ông Tập không ít : nền kinh tế chao đảo, và ông nổi tiếng có nhiều kẻ thù bên trong. Ở bên ngoài, Hồng Kông và Đài Loan nổi loạn trong nhiệm kỳ của Tập Cận Bình. Căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, với một Donald Trump nóng nảy, bất định, là trắc nghiệm cho « chính sách ngoại giao nước lớn » của Bắc Kinh. RFI
|
|
9.
Tổng thống Pháp Macron tìm cách trấn an công luận

Sau 5 tháng cầm quyền, tổng thống Pháp Emmanuel Macron lần đầu tiên trả lời trên đài truyền hình vào tối 15/10/2017. Trong chương trình 1 tiếng 15 phút, tổng thống Macron cố giải thích với công chúng về những hồ sơ gây nhiều tranh cãi trong những tuần qua.
Tổng thống Pháp giữ vững lập trường và tuyên bố sẽ tiến hành tới cùng các chương trình cải tổ đã đề xuất trong thời kỳ vận động tranh cử, bất chấp phản đối trong một phần công luận.
Các kế hoạch cải tổ được nguyên thủ Pháp đề xuất gồm cải cách luật lao động đã được ông ký sắc lệnh ban hành và có hiệu lực từ ngày 22/09/2017.
Bước kế tiếp, chủ nhân điện Elysée đang xúc tiến đàm phán với bên công đoàn để soạn thảo dự luật trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, cũng như dự án cải tổ chế độ trợ cấp thất nghiệp. Tổng thống Macron kỳ vọng các biện pháp cải tổ đang tiến hành sẽ cho phép nước Pháp giải quyết thất nghiệp trong vòng từ 1 năm rưỡi đến 2 năm.
Ngoài ra, ông Emmanuel Macron đã dành đến 15 phút trong buổi nói chuyện tối qua trên đài truyền hình để xua tan những thành kiến cho rằng, ông là một tổng thống của những thành phần giàu có. Cáo buộc này xuất phát từ chỗ chính phủ dự trù xóa thuế ISF đánh vào những thành phần giàu có nhất nước Pháp, đồng thời giảm trợ cấp nhà ở APL của người nghèo.
Tổng thống Pháp trả lời đài truyền hình vào lúc điểm tín nhiệm của ông tuột dốc. Và câu hỏi đặt ra là liệu Emmanuel Macron có thuyết phục được công luận hay không, thì theo thăm dò của viện Harris Interactive thực hiện ngay khi chương trình kết thúc, 61% những người được hỏi trả lời là "Không". - RFI
|
|
10.
Liên Hiệp Châu Âu kiên quyết duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran


Liên Hiệp Châu Âu kiên quyết bảo vệ thỏa thuận hạt nhân với Iran sau phiên họp các ngoại trưởng ngày 16/10/2017, tại Luxembourg. Theo các nước châu Âu, thỏa thuận lịch sử này còn là điều cần thiết để thuyết phục Bắc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.
Ngày 13/10, tổng thống Mỹ Donald Trump đã phủ nhận Teheran tôn trọng thỏa thuận được ký tại Vienna năm 2015 với sáu cường quốc. Trong khi đó, 5 nước còn lại (Nga, Trung Quốc, Đức, Pháp, Anh) đều nhất trí bảo vệ thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Trong một bản thông cáo chung, được AFP trích dẫn, ba nước Pháp, Anh và Đức đều tỏ ra « quan ngại » về « các hệ lụy đối với an ninh của Hoa Kỳ và các nước đồng minh »của các biện pháp mà chủ nhân Nhà Trắng yêu cầu.
Đến tham gia buổi họp các ngoại trưởng sáng 16/10 tại Luxembourg, bà Federica Mogherini, người đứng đầu ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu khẳng định : « Đây là một thỏa thuận được thực hiện tốt và đó là điều chúng ta cần đối với nền an ninh ».
Vẫn theo bà Federica Mogherini, Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế, AIEA, tổ chức từng tiến hành nhiều đợt thanh tra tại các cơ sở hạt nhân của Iran, « chưa từng phát hiện bất kỳ sự thiếu tôn trọng nào từ phía Iran ».
Những lời tuyên bố của tổng thống Mỹ khiến chính phủ các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu lo ngai vì « có thể dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự » giữa Hoa Kỳ và Iran, như cảnh báo của ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel.
Trước đó, ngày 15/07, do cộng đồng quốc tế phản đối các cáo buộc của chủ nhân Nhà Trắng, nhiều quan chức của chính quyền Washington đã lên tiếng xác định rằng Hoa Kỳ trước mắt vẫn gắn bó với phần còn lại của thoả thuận hạt nhân Iran.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin NBC, bà Nikki Haley, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc nói rằng Teheran đang tuân thủ thỏa thuận hạt nhân 2015. Song bà tỏ ý quan ngại trước những hoạt động hạt nhân của Iran không nằm trong khuôn khổ của thỏa thuận, bao gồm việc bán vũ khí và tài trợ cho các nhóm chiến binh, trong đó có phiến quân Hezbollah. - RFI
|
|
11.
Bầu cử cấp vùng Venezuela: Thắng lợi của phe tổng thống Maduro


Ủy Ban Bầu Cử Venezuela thông báo trong cuộc bầu cử cấp vùng Chủ Nhật 15/10/2017, đảng cầm quyền của tổng thống Maduro giành thắng lợi tại 17 trên tổng số 23 bang. Phe đối lập bị thua tại các bang "then chốt", chỉ giành được 5 bang thay vì từ 11 đến 18 bang như các thăm dò dư luận cho thấy.
Đặc phái viên đài RFI Marie Normand tường trình từ Maracaibo, bang Zulia, một trong 5 địa điểm mà ứng cử viên thuộc phe chống đối tổng thống Maduro đắc cử :
"Theo thông cáo của Ủy Ban Bầu Cử Quốc Gia, ông Juan Pablo Guanipa đắc cử với 51,6% tại bang Zulia, miền tây bắc Venezuela. Bang này có truyền thống bầu cho phe đối lập, ngay từ cuộc bầu cử cấp vùng đầu tiên năm 1989. Dù vậy, trong cuộc tuyển cử năm 2012, cử tri đã bỏ phiếu cho một người thân cận với cố tổng thống Hugo Chavez là ông Arias Cardenas. Lần này thống đốc mãn nhiệm đã bị loại.
Tuy vậy, câu hỏi đặt ra là liệu Juan Pablo Guanipa có vào được đến dinh thống đốc của bang Zulia hay không. Tổng thống Maduro đã nhấn mạnh rằng các thống đốc bắt buộc phải trung thành với Quốc Hội Lập Hiến được bầu ra hồi tháng 07/2017. Đối lập Venezuela đã tẩy chay cuộc bầu cử lần ấy.
Liệu thống đốc tân cử của bang này có thuần phục Quốc Hội Lập Hiến hay không? Juan Pablo Guanipa trả lời : "Không đời nào. Không hề có Quốc Hội Lập Hiến. Đó chỉ là một trò hề, một vụ gian lận và Quốc Hội Lập Hiến không phải do người dân đề xuất như quy định trong Hiến Pháp".
Ông Juan Pablo Guanipa, cũng như hầu hết các ứng cử viên đối lập, trong cuộc vận động đã chủ trương đem lại một sự thay đổi cho đất nước. Ưu tiên của ông là tìm ra ngõ thoát chấm dứt khủng hoảng kinh tế đang hoành hành tại bang Zulia, bằng cách xin trợ giúp nhân đạo. Ở đây, người dân thiếu từ lương thực đến thuốc men". - RFI
|
|
12.
Campuchia sẽ phân phối lại ghế quốc hội nếu đảng đối lập giải tán

Đảng Nhân dân Campuchia đang cầm quyền hôm 16 tháng 10 bỏ phiếu nhất trí phân phối lại các ghế ở quốc hội do Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) đang nắm giữ nếu đảng này bị giải tán trong vài tuần tới.
Hồi đầu tháng này, chính phủ của Thủ tướng Hun Sen đã đệ đơn lên tòa tối cao đòi giải tán CNRP. Hiện tòa Tối cao chưa đưa ra ngày sẽ có phán quyết nhưng quyết định của tòa sẽ được đưa ra nội trong năm nay.
Tất cả 67 dân biểu của đảng cầm quyền bao gồm Thủ tướng Hun Sen đã bỏ phiếu đồng ý thay đổi luật cho phép giới chức bầu cử được quyền phân phối lại các ghế hay vị trí tại địa phương do một đảng bị giải tán đang nắm giữ. Không có một dân biểu nào của đảng CNRP tham gia bỏ phiếu hôm 16/10.
Sự tồn tại của đảng CNRP hiện được cho là ngàn cân treo sợi tóc khi Thủ tướng Hun Sen trong các tháng gần đây tiến hành một loạt các tấn công về pháp lý nhắm vào giới lãnh đạo của đảng này và khiến phần đông trong số 55 dân biểu thuộc đảng này phải chạy ra nước ngoài. Chủ tịch đảng này là ông Kem Sokha bị buộc tội phản quốc.
Những thay đổi trong luật hiện vẫn cần phải được Thượng viện thông qua và có chữ ký của nhà vua. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng đây chỉ là những bước mang tính hình thức. - RFA
|
|

Tin Hoa Kỳ

13.
‘Cuộc chiến’ về lệnh cấm du hành của Trump vẫn tiếp diễn

Một thẩm phán Mỹ đưa ra những câu hỏi hóc búa cho các luật sư đại diện những tổ chức người tị nạn và những người bênh vực di dân tìm cách lật ngược chính sách gần đây nhất của chính quyền ông Trump cấm công dân của một số nước không được vào Mỹ.
Thẩm phán liên bang Theodore Chuang ở Maryland ngày 16/10 nghe tranh cãi bênh vực và chống lại lệnh cấm mới của Tổng thống Donald Trump được loan báo ngày 24/9 và có hiệu lực vào ngày 18/10.
Lệnh này hạn chế vô hạn định những người Iran, Libya, Syria, Yemen, Somalia, Chad và Triều Tiên đến Mỹ. Một vài giới chức chính phủ Venezuela cũng bị cấm.
Tất cả các nước này, trừ Chad, Triều Tiên và Venezuela, đều có tên trong hai danh sách đầu tiên cấm đến Mỹ mà những người chống ông Trump nói là một nỗ lực được nhẹ nhàng che đậy để hoàn tất lời hứa trong cuộc vận động tranh cử của ông Trump là “hoàn toàn cấm người Hồi Giáo vào nước Mỹ.”
Thẩm phán Chuang bác bỏ lệnh cấm trước đây của ông Trump. Lệnh này đã được Tối cao Pháp viện Mỹ phục hồi một phần vào tháng 6 năm nay.
Tòa án nghe tranh luận về việc có nên ngăn chận thi hành lệnh cấm từ 3 vụ kiện chồng chéo nhau do Dự án Trợ giúp Người tị nạn Quốc tế, Liên minh người Iran qua biên giới, Hoạt động Quan hệ Hoa Kỳ-Hồi Giáo và những tổ chức khác khởi kiện hay không. Luật sư của những tổ chức phải trả lời chất vấn của thẩm phán Chuang.
Ông Omar Jadwat, luật sư của Liên minh các quyền Tự do dân sự Hoa Kỳ, cho rằng văn bản mới “là một văn bản lớn hơn, khắc nghiệt hơn của cùng một lệnh cấm” mà ông Trump mong muốn trước đây.
Những tổ chức này nói các biện pháp của ông Trump vi hiến vì kỳ thị Hồi Giáo và cũng vi phạm luật di trú cấm dựa vào quốc tịch để ngăn cản vào Mỹ.
Ông Trump cho rằng những hạn chế này cần thiết để thắt chặt an ninh và ngăn ngừa những cuộc tấn công khủng bố.
Lệnh cấm thứ ba được đưa ra dưới hình thức thông cáo của Tổng thống sau khi chính phủ tiến hành rà soát lại việc chia sẻ thông tin và các thủ tục kiểm tra an ninh của các nước trên toàn thế giới. Các chuyên gia về luật pháp nói những hạn chế mới chắc chắn có những căn bản vững chắc hơn vì có nhiều tiến trình liên hệ đến nhiều cơ quan hơn.
Thẩm phán Chuang nói ông sẽ quyết định sau về việc có cho phép những người khởi kiện yêu cầu xét lại lệnh cấm hay không. - VOA
|
|
14.
Florida: 50,000 người đứng dưới trời nắng xin trợ cấp thực phẩm

Hàng chục ngàn người dân vùng Nam Florida hôm Chủ Nhật đứng xếp hàng trong nhiều tiếng đồng hồ dưới ánh nắng chói chang để đợi đến lượt mình được nộp đơn chương trình trợ cấp thực phẩm đặc biệt, chỉ dành riêng cho các nạn nhân bão Irma, khiến giới hữu trách hết sức ngạc nhiên, do nghĩ rằng số người tới sẽ ít hơn rất nhiều.
Bản tin của tờ báo địa phương Miami Herald cho hay, người đứng đầu văn phòng trợ giúp gia đình và trẻ em của tiểu bang Florida tại khu vực Miami, Ofelia Martinez, nói rằng họ trợ giúp khoảng 10,000 người mỗi ngày, nhưng sáng Chủ Nhật, khi mở cửa, cảnh sát cho hay “có khoảng 50,000 người đang đứng đợi”.
Chương Trình Trợ Giúp Thực Phẩm Thiên Tai Florida, được Bộ Canh Nông Mỹ tài trợ và do chính quyền tiểu bang Florida tiến hành
Chương trình đặc biệt này dành cho cư dân ở 48 quận khắp tiểu bang Florida, vốn không đủ điều kiện để nhận food stamps trước đây, nhưng bị ảnh hưởng của bão Irma hồi tháng qua, theo tờ Miami Herald.
Các văn phòng ở các quận Miami –Dade và Broward khởi sự chương trình này hôm Thứ Tư và kéo dài đến ngày Chủ Nhật. Đám đông quá lớn và hỗn loạn trong ngày Thứ Bảy khiến năm nơi phải đóng cửa trước khi giúp được ai.
Việc cung cấp food stamps dựa trên số người trong gia đình, tổng số lợi tức và trị giá thiệt hại sau bão, do đó có sự khác biệt nhiều về những gì người nộp đơn có thể có được. Tuy nhiên, giới chức chính quyền Florida nói rằng một người độc thân có thể được cấp $300 và gia đình bốn người được chừng $1,300, cũng theo Miami Herald. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

15.
Tổng thống Trump sẽ gặp Chủ tịch Quang


Nhà Trắng loan báo Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ dự hội nghị Apec tại Đà Nẵng ngày 10/11 và thăm chính thức Việt Nam một ngày vào hôm 11/11.
Thông cáo ngày 16/10 của Nhà Trắng mô tả lịch trình chính thức của ông Trump tại châu Á trong tháng 11.
Tổng thống Mỹ sẽ đến Đà Nẵng dự Apec ngày 10/11.
Tại đây, ông sẽ đọc diễn văn ở Hội nghị thượng đỉnh các doanh nhân APEC (APEC CEO Summit).
Theo Nhà Trắng, trong diễn văn, ông Trump sẽ trình bày "viễn kiến về một khu vực cởi mở, tự do tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và nhấn mạnh vai trò quan trọng của khu vực để giúp thịnh vượng kinh tế của Hoa Kỳ".
Ngày 11/11, Tổng thống Mỹ bay ra Hà Nội, thăm chính thức Việt Nam, hội kiến Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các lãnh đạo khác của Việt Nam.
Tổng thống Mỹ đến Manila, Philippines ngày 12/11 dự buổi tiệc đánh dấu 50 năm thành lập Asean.
Ngày hôm sau, ông Trump dự hội nghị Mỹ-Asean, và tiếp xúc song phương với Tổng thống Rodrigo Duterte.
Trước đó, Tổng thống Mỹ sẽ thăm Nhật từ 5/11, Hàn Quốc ngày 7/11, và Trung Quốc ngày 8/11.
Nhà Trắng nói chuyến công du châu Á này thể hiện cam kết của ông Trump với các đồng minh và đối tác tại châu Á. - BBC
|
|
16.
Việt Nam, Nga thúc đẩy phát triển quan hệ tại Đại hội đồng IPU

Các mối quan hệ Việt-Nga mang một tính chất đặc biệt và hữu nghị đang phát triển trên nhiều lãnh vực rộng lớn -- Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Ivanovna Matviyenko phát biểu như vậy trong cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân bên lề Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 137, gọi tắt là IPU-137, hôm 15/10 tại thành phố Saint Petersburg của Nga.
Bà Matviyenko nói: “Quan hệ Việt-Nga dựa trên các truyền thống và quan hệ hữu nghị vững chắc và hỗ trợ lẫn nhau đang phát triển trên những lãnh vực đa dạng và rộng lớn. Đối thoại chính trị thường xuyên, các hoạt động hợp tác giữa quốc hội, các bộ, các cơ quan, chính đảng và các tổ chức của hai nước là một phần và là tập hợp của mối quan hệ chiến lược của hai nước chúng ta.”
Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga nhắc lại một thỏa thuận cấp lãnh đạo sẽ tổ chức Năm nước Nga ở Việt Nam và Năm nước Việt Nam ở Nga vào năm 2019. “Đó là một sự khẳng định sống động nhất các mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước chúng ta,” bà Matviyenko được hãng thông tấn Tass của Nga trích lời. Bà cũng kêu gọi các nhà lập pháp của hai nước chuẩn bị chương trình cho sự kiện này.
Bà Matviyenko nhấn mạnh rằng phát triển các mối quan hệ giữa hai quốc hội là một thành tố thiết yếu trong quan hệ Nga-Việt và bà kêu gọi đẩy mạnh tiếp xúc giữa các nhóm trong quốc hội giữa hai nước.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân được hãng thông tấn Tass trích lới nói rằng sự đại diện rộng lớn của quốc tế tại Đại Hội đồng IPU nói lên “uy thế và vai trò toàn cầu của Nga và Liên minh Nghị viện quốc tế.”
Báo chí Việt Nam loan tin rằng trong khuôn khổ các hoạt động tham dự IPU-137, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đã hội kiến Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Ardeshir Larijani, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Chung Sye-Kyun; tiếp Phó Chủ tịch Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Nhân đại) Trung Quốc Trường Bình.
Trong một diễn biến khác tại Đại hội đồng IPU, đoàn đại biểu của Triều Tiên đã ra khỏi hội trường khi đại diện của phái đoàn Hàn Quốc lên phát biểu.
Hãng thông tấn Tass nói đoàn đại biểu Bắc Hàn có mặt chứng kiến hầu hết phát biểu của đại biểu các nước, nhưng ngay trước khi Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Chung Sye-kyun lên bục diễn văn, đoàn đại biểu Triều Tiên đã rời hội trường đi ra ngoài.
Trong phát biểu, ông Chung Sye-kyun kêu gọi Bắc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán để giải quyết những mâu thuẫn trên Bán đảo Triều Tiên. Ông cũng bày tỏ hy vọng “Đại hội đồng IPU có thể giúp giải quyết vấn đề Triều Tiên.” - VOA
|
|
17.
Tp. HCM đứng 6/10 ‘đô thị nguy hiểm nhất thế giới’

Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam, xếp thứ 6 trong số 10 đô thị nguy hiểm nhất thế giới, theo một báo cáo của tạp chí The Economist công bố hồi cuối tuần qua.
Báo cáo do bộ phận nghiên cứu và phân tích mang tên Đơn vị Tình báo (Intelligence Unit) của The Economist lập.
Với tên chính thức “Chỉ số các thành phố an toàn 2017”, báo cáo đánh giá 49 tiêu chí khác nhau về an ninh trong các lĩnh vực kỹ thuật số, sức khỏe, hạ tầng và cá nhân để xếp hạng 60 đại đô thị. Hà Nội, thủ đô Việt Nam, không nằm trong bảng đánh giá.
Trong 10 thành phố nguy hiểm nhất thế giới, châu Á và Trung Đông có tới 7 cái tên. Tp. HCM đứng thấp hơn Tehran của Iran và Manila ở Philippines, trên 4 thành phố đội sổ là Jakarta (Indonesia), Dhaka (Bangladesh), Yangon (Myanmar) và Karachi (Pakistan).
So với bảng xếp hạng đầu tiên được công bố cách đây 2 năm, Tp. HCM năm nay bị tụt hạng 10 bậc, Jakarta tụt 13 bậc.
Ngược lại, trong 10 thành phố an toàn nhất thế giới, có 6 cái tên của châu Á-Thái Bình Dương, đứng đầu là Tokyo, Singapore và Osaka.
Các thành phố thuộc nhóm an toàn nhất là nơi có chăm sóc sức khỏe tốt nhất, hạ tầng vận tải công cộng thuận tiện và giá bất động sản cực kỳ cao. Đối lập lại, những đô thị chót bảng, trong đó có Tp. HCM, hầu hết nằm ở các nước đang phát triển và quá tải về dân số.
Những người lập báo cáo đã nghiên cứu rộng khắp và phỏng vấn sâu nhiều chuyên gia. Bản báo cáo có đoạn viết rằng kết quả của cuộc nghiên cứu “một lần nữa cho thấy hố sâu ngăn cách về đẳng cấp an toàn giữa thế giới đang phát triển có mức đô thị hóa nhanh chóng và thế giới đã phát triển giờ đây đang trì trệ”.
Không bị xếp vào 10 nước tồi tệ nhất về an ninh sức khỏe lẫn an ninh hạ tầng, nhưng Tp. HCM bị xếp hạng gần đội sổ về tiêu chí an ninh kỹ thuật số và an ninh cá nhân. Ở cả hai mặt này, đầu tàu kinh tế của Việt Nam đều đứng lần lượt ở vị trí thứ 6 và thứ 8 trong nhóm 10 tồi nhất.
An ninh kỹ thuật số liên quan đến các công nghệ “thành phố thông minh” và việc bảo vệ các công nghệ đó.
Theo báo cáo, 4 trong 5 thành phố trong nhóm kém nhất, kể cả Tp. HCM, là những nơi có thu nhập thấp. Các thành phố này thường còn yếu kém về công nghệ. Bên cạnh đó, do còn phải đối phó với các thách thức khác như bệnh truyền nhiễm và nghèo đói, các thành phố này càng coi an ninh kỹ thuật số là hạng mục ít ưu tiên.
Về tiêu chí an ninh cá nhân xét đến tội phạm đô thị, án mạng và tấn công khủng bố, Tp. HCM đứng thấp hơn Moscow và Yangon, chỉ trên Caracas của Venezuela và Karachi của Pakistan.
Anh Hoàng Dũng, một cư dân Tp. HCM lâu nay tích cực vận động cho tiến bộ xã hội, nói với VOA:
“Tôi cảm thấy đây là một thành phố đúng là nguy hiểm. Thứ nhất là về tỉ lệ tai nạn giao thông. Gần như ngày nào tôi cũng nhìn thấy tai nạn giao thông. An ninh về mặt con người hay về mặt tài sản cũng không được đảm bảo bởi vì thường xuyên xảy ra cướp trên đường hay trộm trong nhà, mà thường xuyên là tôi chứng kiến thấy”.
Trang web của thành phố lớn nhất Việt Nam cho hay trong năm 2016 gần 4.000 vụ tai nạn giao thông đã làm chết 805 người, bị thương hơn 3.200 người. Tp. HCM tính đến năm ngoái có hơn 8,1 triêu người, theo con số chính thức.
Trong cùng năm, công an thành phố nói đã xảy ra hơn 5.200 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có gần 900 vụ cướp giật và 93 vụ giết người. Theo công an, số các vụ đã giảm hơn 14% so với năm trước. Đây là con số được ghi nhận qua các vụ được trình báo, nhiều người cho rằng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
Chưa có con số của năm 2017, nhưng ở thành phố này chỉ trong hơn 1 tháng trở lại đây đã xảy ra 2 vụ gây chú ý ở mức độ quốc tế. Đó là đạo diễn người Mỹ Jordan Vogt, đại sứ du lịch của Việt Nam, bị đánh chảy máu đầu tại một quán bar hồi đầu tháng 9, và một nhà ngoại giao thuộc lãnh sự quán Mỹ bị cướp đồ trên taxi hồi cuối tháng 9.
Ngoài an toàn thân thể và tài sản, những người sinh sống ở Tp. HCM còn lo lắng về các mối nguy do hạ tầng thiếu thốn hoặc xuống cấp. Anh Hoàng Dũng, 38 tuổi, cho biết:
“Những công trình xây dựng không được đảm bảo thỉnh thoảng lại có sắt rơi xuống đường. Hay các hố ga, thỉnh thoảng lại có bé bị chui vào trong hố ga khi trời mưa đến ngập. Đặc biệt là việc ngập nước ở đường phố cùng là một nguồn nguy hiểm. Và một cái nữa cần kể đến là ô nhiễm không khí. Tôi ở đây hơn 10 năm rồi và tôi thấy cái độ đục của bầu trời càng ngày càng trở nên nặng nề”.
Anh cho rằng các yếu tố kể trên làm cho nơi này không còn là “thành phố đáng sống” như trước đây. Trách nhiệm vì đã để thành phố rơi vào tình trạng hiện nay, theo anh Dũng, trước hết thuộc về chính quyền cả ở cấp thành phố lẫn cấp nhà nước.
Nam cư dân của Tp. HCM này đưa ra nhận định là nếu tạo ra mức sống tốt và công ăn việc làm ở các tỉnh, người dân sẽ không đổ dồn về trung tâm kinh tế số 1 của Việt Nam, tránh cho thành phố ngày càng chật chội, ngột ngạt, kém an toàn.
Trùng với ngày The Economist công bố báo cáo nêu tên Tp. HCM trong nhóm những đô thị nguy hiểm nhất thế giới, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư thành ủy, đã tiếp xúc cử tri và tuyên bố trong quý 4 năm nay, bộ máy dưới sự chỉ đạo của ông sẽ lập các đoàn đi tới các quận, huyện để ghi nhận ý kiến hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với chính quyền các cấp.
Liệu động thái này sẽ giúp cải thiện thành phố đến mức nào, nam cư dân Hoàng Dũng đưa ra ý kiến:
“Những chính sách ông Nguyễn Thiện Nhân đề ra tôi nghĩ sẽ không có hiệu quả. Trước khi ông trở thành bí thư của Tp. HCM ông đã kinh qua nhiều chức vụ nhưng không để lại dấu ấn gì. Ông Nguyễn Thiện Nhân tôi không đánh giá cao. Do vậy, tôi cho rằng chính sách này của ông ấy cũng sẽ chẳng đi đến đâu”.
Xếp hạng về an toàn của The Economist được đưa ra gần 10 tháng sau một báo cáo khác tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos hồi tháng 1 năm nay, theo đó Tp. HCM đứng thứ 2 trong số 10 thành phố năng động nhất thế giới. - VOA
|
|
18.
Án chung thân cho cựu đại biểu ‘chạy’ vào quốc hội

Cựu đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga, người từng khai chi 1,5 triệu đôla để chạy vào cơ quan lập pháp của Việt Nam, vừa bị tòa án Hà Nội tuyên án tù chung thân vì về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo truyền thông trong nước.
Báo Tiền Phong đưa tin, sau 2 tuần xét xử và nghị án, Tòa án thành phố Hà Nội hôm 16/10 đã tuyên án tù chung thân đối cựu Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư xây dựng Nhà đất - Housing Group, trong khi 9 đồng phạm khác chỉ bị tuyên án từ 36 tháng tù treo đến 6 năm tù giam.
Tại tòa, bà Nga khẳng định không lừa đảo khách hàng, trong khi các luật sư bào chữa của Nga cho rằng không đủ căn cứ kết tội bà Nga phạm tội lừa đảo, và vụ án có dấu hiệu vi phạm tố tụng, cần trả hồ sơ điều tra lại.
Ngoài án tù, Bà Châu Thị Thu Nga phải bồi thường hơn 54 tỷ đồng. Hội đồng xét xử được báo VietnamNet dẫn lời nói rằng bà Nga và công ty Housing Group phải liên đới bồi thường cho 501 người bị hại số tiền chiếm đoạt hơn 242 tỷ đồng, trong đó công ty Housing Group do bà Nga làm chủ tịch phải bồi thường hơn 187 tỷ đồng.
Trong một phiên xét xử, bà Nga, cựu đại biểu Quốc hội khóa 13, nói rằng bà trả 1,5 triệu đôla (khoảng 30 tỷ đồng) để “chạy” cho một chiếc ghế trong Quốc hội.
Bà Nga hai lần xin được khai báo về khoản tiền này trước tòa hôm 5/10, nhưng không được chủ tọa cho phép vì "không nằm trong phạm vi vụ án", theo báo chí trong nước.
Ông Nguyễn Đình Hà, một ứng cử viên đại biểu Quốc hội tại Hà Nội cho VOA biết phản ứng của ông về việc “chạy ghế” này: “Thông tin về việc bà Châu Thị Thu Nga khai nhận "chạy vào Quốc hội" hết 1,5 triệu đôla đã có từ trước khi phiên xử sở thâm đối với bà diễn ra. Tôi cũng đã từng nghe người nọ, người kia nói về những trường hợp "chạy ghế" khác, không chỉ ở quốc hội, mà trong hệ thống các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của nhà nước nói chung. Nhưng đây là lần đầu có một sự khai nhận cụ thể, mong muốn công bố sự thật về chuyện hối lộ, nhận hối lộ để có ghế đại biểu quốc hội.”
Là một một ứng viên đại biểu quốc hội độc lập của kỳ bầu cử quốc hội khóa 14, ông Hà đánh giá việc "chạy ghế" này thể hiện “một sự bất minh, bất công đáng phải làm rõ, loại bỏ và nghiêm trị người phạm pháp, để cho những kỳ bầu cử sau được minh bạch, công bằng và thực sự dân chủ hơn.”
Ông Hà nói thêm rằng những khiếm khuyết trong hệ thống bầu cử cũng cần phải được sửa đổi, nhằm bảo đảm quyền của công dân về ứng cử, cũng như giúp loại bỏ những ứng viên như bà Nga, và nhiều đại biểu bị bãi miễn tư cách trong thời gian qua.
Ông Hà nói hiện mọi lời khai của bà Nga về chuyện "chạy ghế" đều bị bưng bít, giới truyền thông đưa tin về phiên tòa không thể nghe thấy lời khai liên quan đến chữ "chạy", bất kể là chạy ghế đại biểu quốc hội hay "chạy dự án". Do vậy, ông không thể đưa ra nhận định chính xác về việc bà Nga "chạy" như thế nào.
Tuy nhiên, ông nhận định rằng trên thực tế mọi cuộc bầu cử tại Việt Nam, các ứng viên trúng cử đều là những người nằm trong "cơ cấu, thành phần", “đã được Đảng Cộng sản và Mặt Trận Tổ quốc các cấp trước đó sắp đặt, nên vai trò lá phiếu của cử tri dường như có vai trò không đúng mức.” Do vậy, ông Hà phỏng đoán rằng bà Nga "chạy" để được nằm trong danh sách được "cơ cấu, thành phần" trong Quốc hội.
Khi được hỏi vụ này có tác động như thế nào đối với uy tín của quốc hội Việt Nam, ông Hà nói: “Vụ việc bà Nga khai nhận "chạy vào Quốc hội" bộc lộ một hiện tượng, một lỗ hổng to lớn trong hệ thống bầu cử tại Việt Nam, từ đó ảnh hưởng đến tính chính danh của Quốc hội đương nhiệm.”
Ông Hà đặt nghi vấn: “Còn bao nhiêu vị đại biểu có ghế là do "chạy" nữa?". Sự việc này cũng đặt một dấu hỏi lớn về tính dân chủ, quyền lực thực tế của người dân trong mỗi kỳ bầu cử, chưa nói đến là sự vận hành của toàn bộ cơ chế vận hành nền chính trị tại Việt Nam.”
“Niềm tin của người dân vào Quốc hội, uy tín của Quốc hội với cử tri sau hàng loạt kỳ vọng, rồi thất vọng như chậm ban hành Luật về Hội, Luật Biểu tình; thông qua Điều 19.3 trong Bộ luật hình sự sửa đổi..., nay lại bị hạ thêm một bậc nghiêm trọng nữa, liên quan đến tính chính danh.”
Bà Nga trở thành đại biểu quốc hội khóa 13 năm 2011, nhưng bị miễn nhiệm vị trí này năm 2015 sau vụ bê bối “bán nhà ảo” trị giá hàng trăm tỷ đồng. - VOA
|
|
19.
Chương Mỹ: Ngàn hộ dân bị cô lập vì ngập lụt

Chủ tịch Thành phố Hà Nội muốn "giải cứu" dân tại các thôn còn bị nước cô lập ở huyện Chương Mỹ.
Ông Nguyễn Đức Chung vào hôm thứ Hai đã tới hai xã được cho là bị ngập lụt nghiêm trọng nhất.
Ít nhất hơn 1000 hộ gia đình bị ngập nước chỉ riêng tại hai xã Tân Tiến và Nam Phương Tiến.
Hàng trăm hecta hoa màu bị ngập và hàng ngàn ngàn gia súc gia cầm bị chết
Phóng viên Nguyễn Hoàng của BBC tiếng Việt có mặt tại đây cho biết người dân phải dùng thuyền tự chế hoặc mua thuyền làm bằng tôn để di chuyển.

Dịch bệnh có thể bùng phát
Phóng viên chúng tôi cho biết một số hộ bị ngập lụt được phát nước uống và mì ăn liền.
Tuy nhiên một nhiều khu vực bị ngập lụt đã không có điện, thiếu củi đun và gần như toàn bộ khu vực thiếu nước sạch.
Ông Chung được truyền thông trong nước dẫn lời yêu cầu "dùng máy bơm hết công suất, sớm giải cứu người dân 8 thôn còn bị nước cô lập".
Tuy nhiên với năng lực các máy bơm hiện tại, lãnh đạo Thành phố Hà Nội "dự kiến khoảng hơn 10 ngày nữa nước rút hết," truyền thông trong nước đưa tin.
Ông Chung cũng được dẫn lời nói rằng "về lâu dài phải di dời dân ở vùng trũng lên vị trí cao hơn tránh để người dân sinh sống, học tập ở khu vực này vì mỗi lần mưa lụt gây thiệt hại rất lớn".
Hiện đã có một số máy móc được điều tới để gia cố lại một khu vực đê bị vỡ để gia cố đoạn bị sạt lở.
Đây là vụ ngập lụt lớn nhất kể từ năm 2008 khi người dân tại đây nói nhà cửa và ruộng đồng bị ngập hơn 40 ngày.
Hôm 17/07 đã tròn một tuần kể từ khi xảy ra mưa to và lũ lớn gây ảnh hưởng nhiều nơi tại miền bắc và miền trung Việt Nam.
Nhà chức trách địa phương được khuyến cáo tập trung vào công tác phòng dịch bệnh có thể bùng phát do nước bẩn sau ngập lụt. - BBC
|
|
20.
Nghiên cứu mới: dân chúng Việt Nam nói dân chủ tốt nhưng vẫn ủng hộ chính phủ phi dân chủ

Trung tâm Nghiên Cứu PEW, trụ sở tại Washington D.C, vào ngày 16 tháng 10 công bố báo cáo cho thấy trên khắp thế giới xu hướng ủng hộ cho nền dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp được sự ủng hộ rộng rãi. Tuy nhiên cũng có những ý kiến thuận với các giải pháp thay thế phi dân chủ khác.
Theo báo cáo đưa ra thì hơn phân nửa số người được hỏi ý kiến thăm dò tại 38 quốc gia cho rằng nền dân chủ đại diện là cách rất tốt hay cũng tốt phần nào đó cho công cuộc quản trị đất nước.
Tại tất cả các nước có người được hỏi ý kiến, thái độ ủng hộ nền dân chủ cùng tồn tại, theo những mức độ khác nhau, với thái độ mở đối với những hình thức quản trị đất nước không dân chủ gồm có sự quản trị bởi giới chuyên gia, bởi một nhà lãnh đạo cứng rắn, hay bởi quân đội.
Có nhiều yếu tố tác động đến chiều sâu của công chúng trong cam kết đối với dân chủ đại diện so với giải pháp phi dân chủ. Người dân tại những quốc gia giàu có hơn và tại những nơi mà hệ thống dân chủ đầy đủ hơn thường có khuynh hướng cam kết hơn với dân chủ đại diện. Và tại nhiều quốc gia, những người dân ít được giáo dục hơn, những người theo ý thức hệ cực hữu và những người không hài lòng với cách nền dân chủ vận hành tại đất nước họ thì lại mong muốn xem xét những giải pháp phi dân chủ hơn.
Trung bình có 66% người được hỏi trên toàn thế giới cho rằng dân chủ trực tiếp (theo đó chính công dân hơn là những viên chức được bầu ra, bỏ phiếu cho những vấn đề lớn) sẽ là cách tốt để quản trị đất nước.
Việt Nam cũng nằm trong số 38 quốc gia mà PEW tiến hành cuộc thăm dò vừa nêu. Kết quả thăm dò cho thấy có đến gần 80% người Việt Nam được hỏi cho rằng dân chủ đại diện là tốt nhưng cũng đồng thời ủng hộ ít nhất một hình thức chính phủ không dân chủ.
Thăm dò ở Việt Nam cũng cho thấy có 31% những người được hỏi ý kiến cho rằng họ tin chính quyền đang làm điều đúng cho đất nước.
Khi được hỏi ‘một hệ thống dân chủ nơi mà công dân, chứ không phải những viên chức, bỏ phiếu trực tiếp cho những vấn đề lớn của đất nước nhằm đưa ra luật lệ sẽ tốt hay xấu cho quốc gia của bạn’, có 16% cho rằng rất xấu.
Có 47% người được hỏi ý kiến tại Việt Nam trả lời rằng ‘hoàn toàn xấu’; khi được nêu câu hỏi ‘Một hệ thống mà theo đó một nhà lãnh đạo cứng rắn có thể đưa ra quyết định không cần sự can thiệp của quốc hội hay tòa án là cách tốt hay xấu trong quản trị đất nước?’
Báo cáo của PEW về dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện như vùa nêu được tiến hành từ ngày 16 tháng 2 đến ngày 8 tháng 5 vừa qua dựa trên trả lời của gần 42 ngàn người tại 38 nước. - RFA
|
|
21.
Hằng trăm công nhân đình công vì không nhận được lương tăng ca

Hơn 500 công nhân của Công ty U World Sport tại xã Tam Dân, thuộc tỉnh Quảng Nam tiến hành đình công vào ngày 16 tháng 10. Mục tiêu biện pháp đình công được cho biết nhằm yêu cầu công ty trả tiền lương làm việc tăng ca cùng các khoản phụ cấp khác theo như hợp đồng đã ký kết.
Những công nhân tham gia đình công cho biết họ bị ép làm việc tăng ca 3 giờ đồng hồ mỗi ngày và cả làm thêm trong ngày Chủ Nhật lẫn ngày lễ Quốc khánh vừa qua nhưng không được trả lương phụ trội. Hơn nữa, công ty đã tự ý thay đổi hợp đồng trả lương tính theo sản phẩm và công nhân nào không làm đạt chỉ tiêu thì phải bù tiền, không được nhận tiền tăng ca cũng như các khỏan phụ cấp khác.
Theo hợp đồng ký kết giữa công ty và công nhân, người lao động được nhận lương cơ bản ở mức 2, 9 triệu đồng/ tháng cùng khoản phụ cấp khác. Tuy nhiên, theo cách tính mới của công ty U World Sport, công nhân mất hơn 3, 5 triệu/tháng. Và công nhân nào không đồng ý ký vào biên bản tự nguyện tăng ca 3 lần thì sẽ bị đuổi việc.
Đại diện của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đề nghị công ty U World Sport đối thoại với công nhân và Trợ lý Tổng giám đốc của công ty, bà Cao Thị Trâm thông báo tạm thời thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký kết trước đây.
Cũng tin liên quan đến lĩnh vực người lao động tại Việt Nam, Tổng cục Thống kê Hà Nội cho biết hiện có hơn 18 triệu lao động không chính thức, trong đó có đến gần 98% không có bảo hiểm xã hội.
Trước tình trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng Chính phủ cần có chính sách và giải pháp hỗ trợ nhóm 18 triệu lao động không chính thức cũng như các cơ quan chức năng phải tăng cường việc kiểm tra và có biện pháp chế tài đối với những chủ lao động không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. - RFA
|
|
22.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 9 tháng năm 2017

Việt Nam xuất khẩu hơn 5 triệu 200 ngàn tấn gạo tính đến đầu tháng 10 năm 2017, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết thông tin vừa nêu vào ngày 16 tháng 10. Theo mức tăng trưởng xuất khẩu gạo như thế, Việt Nam được xếp vào danh sách 5 quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất, bao gồm Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Mỹ và Việt Nam.
Nguyên Chủ tịch VFA, ông Huỳnh Thế Năng dự báo Việt Nam sẽ xuất khẩu gạo đạt hơn 5 triệu 600 ngàn tấn trong năm 2017.
Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, ông Phạm Thái Bình nói với Thời báo Kinh tế Sài gòn Online rằng nhu cầu xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 4 tháng cuối năm 2017 tiếp tục khả quan đối với thị trường các quốc gia như Malaysia, Philippines, Bangladesh, Trung Quốc và các nước Châu Phi.
Tuy nhiên, cũng theo ông Phạm Thái Bình, Việt Nam có thể gặp khó khăn vì không đủ nguồn cung cho xuất khẩu, do sản lượng vụ mùa thu đông 2017 bị ảnh hưởng bởi lũ. - RFA
|
|
23.
Người Trung Quốc lặng lẽ thâu tóm hàng loạt công ty Việt Nam

Các công ty của Trung Quốc đang lặng lẽ thâu tóm các công ty của Việt Nam theo hình thức mua cổ phần. Theo các báo Đất Việt và Dân Trí.
Từ mấy năm qua, thỉnh thoảng người ta vẫn thấy có tin tức liên quan đến vấn đề này cũng như chuyện người Trung Quốc đổ tiền ra mua bất động sản tại Việt Nam từ những dự án xây dựng lớn đến những vụ mua đất, mua nhà nhỏ lẻ núp tên người khác.
Các nguồn tin kể trên dựa theo các tài liệu thống kê của Cục Đầu Tư Nước Ngoài thuộc Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư của chính phủ CSVN cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2017, “Trung Quốc vẫn lọt vào top 4 các nhà đầu tư vào Việt Nam với con số $1.7 tỷ. Trung Quốc đã đầu tư vào 195 dự án mới ở Việt Nam với số vốn trung bình mỗi dự án vào khoảng $133 tỷ.”
Tuy nhiên, nếu xét về các dự án góp vốn, mua cổ phần (phần lớn là đăng ký mua lại, thâu tóm doanh nghiệp Việt) thì Trung Quốc lại đứng ở vị trí thứ 2 với hơn 593 dự án. Còn số vốn mà công ty Trung Quốc đứng ra mua lại các công ty Việt thì rất thấp, chỉ khoảng $280 triệu. Tính trung bình, mỗi dự án hay doanh nghiệp Việt do Trung Quốc mua lại, mua cổ phần có giá trị khoảng $472,000, theo tờ Đất Việt thuật lại.
Đó là chỉ tính riêng một mình các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục. Theo tờ Đất Việt, nếu tính cả lãnh thổ Đài Loan và đặc khu hành chính Hồng Kông (thuộc Trung Quốc) thì vốn thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam lên tới $612 triệu, vượt qua Hàn Quốc, đứng vị trí số 1 về mua bán, thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam.
“Con số này chiếm 15% tổng số vốn mua bán và sáp nhập ở Việt Nam 9 tháng qua ($4.1 tỷ). Số dự án mà Trung Quốc mua cổ phần hiện chiếm gần 1/3 tổng số dự án góp vốn mua cổ phần tại Việt Nam trong 9 tháng qua (hơn 3,700 dự án). Có thể so sánh ngay được rằng, Trung Quốc đang tập trung vào việc mua lại các dự án bị thâu tóm, dự án cổ phần hóa lên sàn, dự án có vốn đầu tư nước ngoài… hơn là đầu tư trực tiếp vào Việt Nam,” tờ Đất Việt nhận xét.
Sự khôn ngoan của người Trung Quốc là “số vốn đầu tư mua lại các dự án Việt Nam cũng thấp chứng tỏ các doanh nghiệp được Trung Quốc chú ý nhắm tới là doanh nghiệp nhỏ, việc thâu tóm, mua lại cũng không gây sự chú ý.”
Tháng trước, báo điện tử Zing cho hay từ Tháng Tư 2017, hàng loạt các dự án thuộc các tỉnh thành khu vực Sài Gòn, Đồng Nai, Long An, được các chủ đầu tư chuyển nhượng, hoặc đánh tiếng liên quan tới các nhà đầu tư Trung Quốc. Trong số đó, đáng chú ý nhất phải kể tới siêu dự án Casino Nam Hội An trị giá $4 tỷ.
Giữa Tháng Năm 2017, tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư cho hay, một số công ty Trung Quốc ở cả Hồng Kông và Hoa Lục đã đổ tiền thâu tóm một số dự án xây dựng ở Sài Gòn, Biên Hòa và tại một số tỉnh thảnh khác.
Người ta từng thấy báo chí tại Việt Nam đưa tin người Trung Quốc đổ tiền lâp các dự án khu nghỉ dưỡng tại những địa điểm nhạy cảm dòm ngó cảng quân sự hay gần phi trường quân sự ở Đà Nẵng. Cũng không thiếu các vụ người Trung Quốc mua chui những miếng đất nho nhỏ và xây những căn nhà cao tầng tại một số địa phương.
Trước sự xâm lăng không tiếng súng nhưng “cuồn cuộn” diễn ra hàng ngày, bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế, từng phát biểu sự lo ngại về số lượng người Trung Quốc đang có mặt tại nhà máy luyện thép Formosa Hà Tĩnh rằng: “Mức độ có mặt của người Trung Quốc nhiều đến mức có thể cắt Việt Nam làm đôi.”
Báo chí tại Việt Nam ồn lên vài ngày rồi sau đó lại rơi vào yên lặng về những dấu hiệu không thuận lợi cho Việt Nam đến từ Trung Quốc từ kinh tế đến chủ quyền lãnh thổ. - nguoiviet

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9










No comments:

Post a Comment

View My Stats