Wednesday, 4 October 2017

TIN CẬP NHẬT THỨ BA 3/10/2017 (Lê Minh Nguyên)





Tin Thế Giới

1.
3 tỷ tài khoản Yahoo bị tấn công tin tặc

Yahoo ngày 3/10 loan báo kết quả điều tra cho thấy tất cả 3 tỷ tài khoản của người sử dụng dịch vụ Yahoo đều bị ảnh hưởng trong vụ đánh cắp dữ kiện 2013. Con số này tăng gấp 3 lần ước tính ban đầu của Yahoo về vụ tin tặc lớn nhất trong lịch sử này.
Tuy nhiên, công ty cho hay cuộc điều tra cho thấy các thông tin bị đánh cắp không bao gồm mật khẩu, các dữ kiện thanh toán bằng thẻ hay thông tin về tài khoản ngân hàng.
Cuối năm ngoái, Yahoo cho biết dữ kiện của 1 tỷ tài khoản bị xâm nhập vào tháng 8/2013.
Một giới chức của công ty nhấn mạnh rằng trong số 3 tỷ tài khoản bị tác động đó bao gồm nhiều tài khoản được mở ra nhưng chỉ sử dụng trong thời gian ngắn.
Yahoo cho hay đã gửi thông báo bằng email đến các tài khoản bị ảnh hưởng. - VOA
|
|
2.
Nga: Nhà đối lập Alexei Navalny lại bị án tù

Lãnh đạo đối lập chính trị của tổng thống Nga Vladimir Putin bị kết án 20 ngày tù giam vì kêu gọi biểu tình, không được phép. Đây là lần thứ ba kể từ đầu năm 2017, Alexei Navalny đi tù. Bản án công bố ngày 02/10 được ông gọi một cách mỉa mai là « món quà sinh nhật cho Putin ». Khắc tinh của chủ nhân điện Kremlin vẫn hy vọng tranh cử tổng thống 2018.
Có lẽ vì vậy mà chính quyền Nga liên tục chiếu cố vị luật sư 41 tuổi trong năm nay.
Từ Matxcơva, thông tín viên Daniel Vallot phân tích :
"Nơi tuyên án là một căn phòng nhỏ hẹp được sưởi nóng tối đa. Đứng trước chánh án và hàng chục máy quay phim, Alexei Navalny lúc thì mỉm cười chế nhạo, khi thì tỏ vẻ cáu giận.
Bị kết án 20 ngày tù giam, nhà đối lập tố cáo phiên toà bất công và bất hợp pháp. Ông nhắn gửi các thân hữu : « Bản án này, tôi không biết gọi nó là gì ? Hoặc là một món quà sinh nhật cho Putin hoặc là vì bọn họ sợ các cuộc xuống đường của chúng ta. Rất có thể là vì cả hai lý do này. Hay là vì bọn họ đã quẫn trí ? Họ ngỡ là có quyền muốn làm gì thì làm ? Thế thì tôi, tôi kêu gọi các ông hãy tiếp tục ủng hộ chiến dịch vận động tranh cử của tôi ».
Với bản án 20 ngày tù giam, Alexei Navalny không thể tham gia cuộc biểu tình dự trù ở Saint Petersbourg vào cuối tuần này, Thứ Bảy 07/10/2017 đúng vào ngày sinh nhật của tổng thống Vladimir Putin.
Tuy nhiên, ông kêu gọi ủng hộ viên tập họp như dự kiến. Nếu cuộc biểu tình không được cho phép thì những người tham gia có nguy cơ bị bắt và đến phiên họ đi tù". - RFI
|
|
3.
Tây Ban Nha: Catalunya tổng đình công đòi độc lập --- Châu Âu khó xử trước cuộc khủng hoảng Catalunya, Tây Ban Nha

Chính quyền Catalunya và các tổ chức đòi độc lập kêu gọi tổng đình công trong ngày 03/09/2017, để phản đối các biện pháp mạnh của chính phủ Madrid cản trở cuộc trưng cầu dân ý hôm Chủ Nhật vừa qua. Câu lạc bộ bóng đá vô địch Barcelona cũng tham gia vào phong trào «bảo vệ quyền tự quyết ».
Hành động phản kháng dân sự được tung ra trong bối cảnh chính quyền địa phương đề nghị Madrid đối thoại. Liên Hiệp Châu Âu, lần đầu tiên, kêu gọi chính phủ Tây Ban Nha tìm một giải pháp ôn hoà.
Từ Barcelona, đặc phái viên Diane Cambon tường thuật :
"Đây là một phần trong chiến lược huy động sức mạnh một cách hoà bình. Cuộc tổng đình công tại Catalunya có mục đích tố cáo phản ứng bạo lực của chính quyền trung ương, qua lực lượng cảnh sát, hôm trưng cầu dân ý 01/10/2017. Khoảng 40 tổ chức nghiệp đoàn, chính trị và xã hội hy vọng sẽ làm tê liệt sinh hoạt của vùng tự trị.
Một sinh viên luật, ủng hộ đình công, giải thích : Cuộc động viên này sẽ có lợi cho vùng Catalunya vì nó cho phép báo động với thế giới những gì đang xảy ra tại nơi này.
Tuy nhiên, cũng như ngày trưng cầu dân ý vừa qua, xã hội Catalunya chia làm hai phe : kẻ bênh, người chống những yêu sách của cuộc đình công". - RFI

***
Đối đầu tại Tây Ban Nha giữa phe đòi độc lập cho vùng Catalunya và chính quyền trung ương Madrid, có nguy cơ bùng phát thành xung đột sau cuộc trưng cầu dân ý hôm 01/10/2017. Giới chính trị châu Âu ở trong tình thế khó xử. Sau một phản ứng được đánh giá là dè dặt của người phát ngôn Ủy Ban Châu Âu, kêu gọi các bên đối thoại, Nghị Viện Châu Âu bắt đầu bàn về vấn đề này.
Theo đề nghị của ba đảng phái lớn, chiều mai 04/10, Nghị Viện Châu Âu sẽ tổ chức cuộc thảo luận với chủ đề : « Hiến Pháp, Nhà nước pháp quyền và những quyền căn bản tại Tây Ban Nha, qua các diễn biến gần đây tại Catalunya ».
Thông tín viên Anissa el-Jabri từ Strasbourg cho biết cụ thể,
« Rời phòng họp với nụ cười, ông Guy Verhofstadt là một trong các chính trị gia châu Âu đầu tiên và hiếm hoi phát biểu về vấn đề này. Nghị sĩ Guy Verhofstadt lên tiếng ngay từ tối Chủ nhật, cáo buộc cuộc trưng cầu dân ý và ‘‘bạo lực thái quá’’ của cảnh sát.
Hiển nhiên là, một cuộc thảo luận như vậy là điều khiến thủ lĩnh các đảng Tự Do tại Nghị Viện Châu Âu hài lòng. ‘‘Chúng ta sẽ thảo luận về mọi thứ, chúng ta sẽ nói về bạo lực, chúng ta cũng sẽ nói về các đảng chủ trương ly khai – chống lại quyết định của Tòa Bảo Hiến – quyết định dấn thêm một bước với cuộc trưng cầu dân ý. Nhưng đặc biệt là chúng ta sẽ mở ra một cuộc đối thoại chính trị’’.
Đề nghị đối thoại chính trị, môi giới đàm phán là những điều khó có thể chấp nhận được đối với Đảng Nhân Dân Châu Âu (PPE), mà thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy là một thành viên.
Giữa một bên là đòi hỏi đoàn kết chính trị và bên kia là nỗi lo trước chiều hướng diễn biến có thể vượt tầm kiểm soát, phó chủ tịch của nhóm đảng cánh hữu châu Âu, bà Françoise Grossetête, tỏ ra hết sức thận trọng :
‘‘Không có chuyện tranh luận. Tôi không muốn tham gia vào các vấn đề quan hệ giữa Catalunya-Tây Ban Nha. Ngược lại, điều làm tôi lo ngại, đó là tất cả những gì có thể đe dọa sự thống nhất của Tây Ban Nha. Bởi vì tất cả những gì có thể xâm phạm đến sự thống nhất của Tây Ban Nha cũng xâm phạm đến toàn vẹn lãnh thổ của Liên Hiệp Châu Âu và làm suy yếu Liên Hiệp Châu Âu.
Một không khí kỳ lạ ngự trị tại Nghị Viện Châu Âu, một sự khó chịu thể hiện rõ. Các nghị sĩ châu Âu Tây Ban Nha thuộc tất cả các đảng phái không tham dự buổi họp này ».
Theo AFP, về phía nước Pháp, tổng thống Emmanuel Macron lên tiếng ủng hộ thủ tướng Tây Ban Nha, tái khẳng định quan điểm ủng hộ một nước Tây Ban Nha thống nhất theo Hiến Pháp. Nhìn chung các nước châu Âu rất dè dặt trong việc bình luận về các vụ việc được đánh là « nội bộ »của Tây Bay Nha, cũng ít có chỉ trích nào nhắm vào chính quyền Madrid.
Trong khi đó, từ Genève, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Zeid Ra’ad Al-Hussein bày tỏ hy vọng « tiến hành điều tra đầy đủ, độc lập và không thiên vị về các bạo lực », và « tình hình cần được giải quyết thông qua đối thoại chính trị". - RFI
|
|
4.
Nga đe dọa quan hệ với Mỹ sau vụ đột nhập vào lãnh sự quán

Bộ Ngoại giao Nga ngày 3 tháng 10 cho biết việc các viên chức Mỹ đột nhập vào khu vực sinh hoạt trong Lãnh sự quán Nga tại thành phố San Francisco đe dọa đến mối quan hệ giữa hai nước, cho rằng đây là hành động thù địch và bất hợp pháp.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga nói rõ kể từ khi các nhân viên Nga rời lãnh sự quán vào tháng trước, các quan chức Mỹ đã đột nhập vào khu vực hành chính của tòa nhà. Đặc biệt là vào ngày 2/10, Washington đã cho người đột nhập vào khu sinh hoạt của nhân viên mặc dù trước đó đã được khóa chặt.
Thông cáo nói rằng bất chấp những cảnh báo từ phía Moscow, chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục tỏ ra không lắng nghe và không dừng những ý định bất hợp pháp lại. Qua đây Nga nhắc lại chính sách của mình rằng nguyên tắc tương hỗ luôn là nền tảng ngoại giao. Đồng thời cảnh báo những kẻ đột nhập sẽ bị Nga xử lý xứng đáng với những gì họ đã làm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tháng trước đã cáo buộc Washington hành xử thô lỗ tại trụ sở ngoại giao của Nga trên đất Mỹ, và yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phải có hành động pháp lý đối với cáo buộc vi phạm quyền sở hữu tài sản của Nga. - RFA
|
|
5.
Trung Quốc giảm mạnh lao động Bắc Triều Tiên

Loạt trừng phạt quốc tế mới đối với Bắc Triều Tiên bắt đầu thể hiện rõ hiệu lực. Theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap hôm nay, 03/10/2017, trong những ngày gần đây, rất đông người lao động Bắc Triều Tiên làm việc tại Trung Quốc đã trở về nước.
Ngày 12/09/2017, chính quyền Trung Quốc thông báo không gia hạn giấy phép cư trú và giới hạn chặt chẽ hơn trong việc cấp visa cho công nhân Bắc Triều Tiên. Ngày 28/09, Bắc Kinh ra lệnh cho các doanh nghiệp Bắc Triều Tiên phải đóng cửa trong vòng 120 ngày tới. Một nguồn tin tại Bắc Kinh xác nhận với Yonhap đã nhìn thấy nhiều người Bắc Triều Tiên phải về nước, sau khi visa không được gia hạn.
Một nguồn tin khác cho biết : « Vào đầu năm nay, có hơn 20.000 người Bắc Triều Tiên làm việc tại Đan Đông (Dandong). Tuy nhiên, số lượng công nhân Bắc Triều Tiên đã giảm mạnh, sau khi Trung Quốc gia tăng trừng phạt. Nhiều công nhân Bắc Triều Tiên tại nhà ga Đan Đông và các văn phòng di trú, chờ đợi hồi hương ». Một bức ảnh được công bố trên ứng dụng nhắn tin Trung Quốc WeChat cho thấy hàng trăm lao động Bắc Triều Tiên đang về nước.
Chính quyền Trung Quốc tăng cường kiểm soát giấy tờ tại các nhà máy ở Đan Đông và Yên Cát (Yanji). Những người hết hạn visa buộc phải về nước. Biện pháp này liên quan đến khoảng 2.600 người lao động Bắc Triều Tiên tại ba tỉnh Liêu Ninh (Liaoning), Cát Lâm (Jilin) và Hắc Long Giang (Heilongjiang).
Hiện có khoảng 100.000 người lao động Bắc Triều Tiên làm việc ở nước ngoài, mang về cho Bình Nhưỡng khoảng 500 triệu đô la một năm.
Nhà Trắng : « Giờ không phải là lúc đàm phán »
Tiếp theo thông điệp Twitter của tổng thống Mỹ Donald Trump bác bỏ quan điểm đàm phán với Bắc Triều Tiên trong vấn đề vũ khí hạt nhân của ngoại trưởng Tillerson, phát ngôn viên Nhà Trắng, bà Sarah Sanders, hôm qua lên tiếng xác nhận: « Đối với chúng tôi, rõ ràng giờ không phải là lúc đàm phán » với Bắc Triều Tiên. « Đàm phán duy nhất » cần được tiến hành là nhằm đưa những người Mỹ hiện bị giam giữ ở Bắc Triều Tiên trở về nước.

Lương thực khan hiếm
Yonhap dẫn thông tin của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) và Đài Á Châu Tự Do (RFA), theo đó, Cơ quan Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) xếp Bắc Triều Tiên trong số 37 quốc gia bị nạn đói đe dọa, cần được hỗ trợ. FAO cho biết : hai nguyên nhân chính là nạn hạn hán hồi mùa hè năm nay và mạng lưới thủy lợi kém. Bắc Triều Tiên cần được cứu trợ khoảng 458.000 tấn lương thực. Tuy nhiên, mức độ thiếu lương thực giảm 33% so với năm ngoái. - RFI
|
|
6.
3 khoa học gia nghiên cứu sóng hấp dẫn đoạt giải Nobel Vật lý 2017

Ba nhà khoa hoạc Rainer Weiss, Barry Barish và Kip Thorne được trao giải Nobel Vật lý 2017 cho công trình nghiên cứu quan sát sóng hấp dẫn.
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển hôm thứ Ba 3/10 công bố giải Nobel Vật lý 2017 với phần thưởng 1,1 triệu đôla được trao cho ba nhà khoa học nghiên cứu sóng hấp dẫn này.
Thuyết tương đối của bác học Albert Einstein đã phỏng đoán về sự hiện hữu của sóng hấp dẫn, nhưng cho đến thời gian gần đây sóng hấp dẫn mới thực sự được quan sát.
Các ông Weiss, Barish và Thorne là ba nhà khoa học đứng đầu công trình nghiên cứu tại Đài quan sát sóng hấp dẫn giao thoa kế laser, gọi tắt là LIGO, nơi đo độ nhiễu loạn rất nhỏ của sóng hấp dẫn trong không gian và thời gian chúng đi qua trái đất.
LIGO phát hiện sóng hấp dẫn lần đầu tiên trên thế giới vào năm 2015. Các nhà khoa học giải thích rằng sóng hấp dẫn được tạo ra khi hai hố đen va chạm nhau và hợp lại thành một hố đen khổng lồ. - VOA
|
|
7.
EU hạn chế hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc

Liên minh Châu Âu hôm 3/10 nhất trí các quy định mới để chống lại hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc, chấm dứt 18 tháng tranh cãi về quan hệ thương mại với Bắc Kinh.
Liên minh Châu Âu và nhiều đối tác thương mại khác của Trung Quốc đã tranh luận liệu có nên coi Trung Quốc như một "nền kinh tế thị trường" hay không, điều mà Bắc Kinh cuối năm ngoái tuyên bố là quyền của họ, khoảng 15 năm sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.
EU khởi động các cuộc thảo luận vào đầu năm 2016 và đã tổ chức các buổi tham vấn công cộng, thu thập hơn 5.000 ý kiến về cách thức giải quyết các khiếu nại thương mại với Trung Quốc.
Ủy hội Châu Âu, các quốc gia thành viên và các nhà lập pháp EU cuối cùng đã vượt qua những khác biệt hôm 3/10 sau một số nỗ lực bất thành, các đại diện của cả ba nói trong một cuộc họp báo.
Để xác định có áp đặt thuế quan nhập khẩu hay không, EU giờ sẽ đối xử với tất cả các nước thành viên WTO là như nhau. Các doanh nghiệp của họ sẽ chỉ bị xem là bán phá giá nếu giá xuất khẩu của họ thấp hơn giá trong nước.
Nhưng EU sẽ đưa ra những ngoại lệ cho những trường hợp có "những méo mó thị trường đáng kể" chẳng hạn như sự can thiệp quá mức của nhà nước, một ngoại lệ dự kiến sẽ bao gồm nhiều công ty Trung Quốc.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn được đối xử như một trường hợp "phi thị trường" đặc biệt, có nghĩa là các nhà điều tra EU quyết định hàng xuất khẩu của họ rẻ một cách giả tạo nếu giá ở dưới mức giá của nước thứ ba, chẳng hạn như Mỹ.
Trung Quốc năm ngoái đã đã đệ đơn khiếu nại lên WTO chống lại Châu Âu và Mỹ về các biện pháp phòng vệ thương mại.
Ủy hội Châu Âu, được cả 28 nước thành viên EU ủng hộ, tin rằng các quy định cho Trung Quốc cần phải được thay đổi. Điều đó có nghĩa là tìm kiếm sự cân bằng giữa việc tuân thủ các quy định của WTO và bảo vệ các công ty EU bị đe doạ bởi việc bán phá giá.
Những người chỉ trích, trong đó có nhiều người trong Nghị viện Châu Âu, cho biết các quy định mới chuyển gánh nặng chứng minh từ các nhà sản xuất Trung Quốc sang cho các nhà sản xuất EU, gây khó khăn hơn trong việc áp đặt các biện pháp.
Ủy hội nói rằng gánh nặng này sẽ không thay đổi bởi vì nó sẽ đưa ra các báo cáo về các nước để xác định liệu thị trường của họ có bị méo mó hay không. - VOA
|
|
8.
Úc ra phúc trình sau 3 năm tìm kiếm máy bay mất tích MH370
Cơ quan Úc dẫn đầu cuộc tìm kiếm do ba quốc gia thực hiện để tìm chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia bị mất tích nói thật đáng tiếc vì vẫn chưa tìm ra tung tích của máy bay sau hơn ba năm tìm kiếm.
Trong một phúc trình công bố hôm thứ Ba 3/10, Cơ quan An toàn Giao thông Úc (ATSB), cho hay bí ẩn về chiếc máy bay MH370 "gần như không thể tưởng tượng được và chắc chắn là không thể chấp nhận được trong kỷ nguyên hàng không hiện đại."
Chiếc máy bay Boeing 777 biến mất vào ngày 8/3/2014 trong một chuyến bay từ thủ đô Kuala Lumpur đến thủ đô Bắc Kinh, chở theo 239 hành khách và phi hành đoàn.
Úc, Trung Quốc và Malaysia đã tiến hành một cuộc tìm kiếm kéo dài ba năm với chi phí 160 triệu đôla trong khu vực có diện tích hơn 120.000 km ở vùng biển hẻo lánh phía nam Ấn Độ Dương.
Cuộc tìm kiếm đã được đình chỉ hồi tháng Giêng, giữa lúc không tìm thấy vết tích nào của chiếc máy bay, ngoại trừ ba mảnh vỡ trôi dạt ở các địa điểm khác nhau dọc theo Ấn Độ Dương.
Cơ quan An toàn Giao thông Úc (ATSB) báo cáo:
“Không thể xác định nguyên nhân máy bay MH370 mất tích một cách chắc chắn, trừ phi tìm ra chiếc máy bay.”
Nhưng cơ quan này nói thêm rằng hiện tại là thời điểm tốt nhất so với trước đây, để có được những thông tin hầu tìm hiểu địa điểm chiếc MH370 mất tích.”
Các nhà điều tra đề nghị chuyển các nỗ lực tìm kiếm tới một khu vực rộng 25.000 km vuông ngay phía bắc của khu vực tìm kiếm.
Tuy nhiên, ba quốc gia đã bác bỏ đề nghị này, nói rằng không có bằng chứng thuyết phục mới nào có thể xác định vị trí chính xác của máy bay lâm nạn. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

9.
“Kiểm soát súng” – Cơn đau đầu kinh niên của nước Mỹ

“Xứ sở này có rất nhiều lỗ hổng để cho những kẻ khủng bố có thể giết người dã man như vậy, giết người hàng loạt.”
Tony Phạm (tên nhân vật đã được thay đổi), một tay buôn súng “có hạng” tại Hoa Kỳ, với thâm niên hơn 40 năm trong nghề nói với phóng viên VOA Tiếng Việt hôm 02/10, vài giờ sau khi Stephen Paddock, một người Mỹ da trắng 64 tuổi, nã súng từ tầng 32 của sòng bài Mandalay Bay, Las Vegas, thẳng xuống đám đông 22,000 người đang tham dự một buổi biểu diễn âm nhạc ngoài trời.
Tính tới thời điểm này, ít nhất 59 người thiệt mạng, 527 người bị thương, biến đây thành vụ thảm sát đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Theo tờ The New York Times, Stephen Paddock tuồn được 23 khẩu súng lên phòng khách sạn của mình, nhiều khẩu được trang bị kính ngắm, và có cả gá súng chống giật. Khám xét tư gia nghi phạm tại Mesquite, Nevada, cảnh sát thu thêm 19 khẩu súng, thuốc nổ, và các thiết bị điện tử khác.
Số lượng súng mà Paddlock sở hữu có thể khiến nhiều người kinh ngạc, nhưng đối với Tony Phạm, đó là chuyện “bình thường”.
“Rất nhiều người Mỹ có một, hai trăm cây súng, rất dễ dàng.”

Ăn vào trong máu
Tình yêu súng đạn của người Mỹ đã có lịch sử từ lâu đời. Tu chính án số 2 của Hiến pháp Hoa Kỳ được Quốc hội nước này thông qua vào ngày 15/12/1791 quy định: "Một dân quân tự vệ có kiểm soát tốt là rất cần thiết đối với an ninh của một quốc gia tự do, người dân có quyền giữ và mang vũ khí mà không vi phạm luật pháp".
Từ đó, người dân Mỹ có quyền sở hữu súng cho mục đích tự vệ, chống áp bức và thực hiện các nghĩa vụ công dân phối hợp với nhà nước trong các hoạt động phòng thủ quốc gia cũng như các hoạt động săn bắn.
Trung tâm Pew cho biết có đến 48% người Mỹ được hỏi nói họ lớn lên trong những gia đình có sở hữu súng. Còn theo một nghiên cứu từ năm 2009 của Viện Công lý Quốc gia, người Mỹ nắm trong tay 48% số lượng vũ khí cá nhân của toàn thế giới.
“Nó có trong máu của họ (người Mỹ) rồi. Từ trước giờ họ rất là dễ dãi về súng đạn. Ai cũng có quyền đi ra ngoài xạ trường bắn chơi cho vui, rồi họ có súng trong nhà,” ông Tony Phạm cho biết.
Người Mỹ yêu súng, và sẵn sàng hành động nhằm bảo vệ quyền được sử dụng súng của mình. Hiệp hội Súng trường (NRA) của Mỹ, với xuất phát điểm là một nơi giao lưu của những người sở hữu súng, đã phát triển thành một tổ chức “quyền lực” bậc nhất của Hoa Kỳ, chuyên vận động hành lang chống lại những ý định tăng cường kiểm soát súng của liên bang.
Theo một thống kê của đài CBS News, trong vòng 5 năm từ 2011 đến 2016, hơn 100 dự luật về kiểm soát súng đạn đã bị chặn tại Quốc Hội. Nhiều dự luật thậm chí còn không được đưa ra thảo luận.
Chính vì lẽ đó, việc kiểm soát súng đạn phụ thuộc rất nhiều vào luật pháp của từng tiểu bang.

“Ở Mỹ, có tiền là có tất cả”
Bang Nevada, nơi Paddock, nghi phạm vụ xả súng ở Las Vegas sinh sống, là một trong những địa phương có luật sở hữu súng “dễ dãi” nhất trên toàn nước Mỹ. Tại đây, người ta mua súng mà không cần giấy phép, với số lượng không giới hạn. Điều duy nhất họ cần làm là chờ vài chục phút để người bán súng kiểm tra lý lịch với FBI. Nếu không có tiền án tiền sự (đại hình), không có vấn đề tâm thần, thì có thể mang ngay súng về nhà. Vậy nên không khó để hiểu tại sao Stephen Paddock, một người có quá khứ không tì vết, có thể sở hữu kho súng lên tới hàng chục khẩu như vậy.
Tuy nhiên, tại ngay cả những tiểu bang có những luật lệ kiểm soát súng hà khắc nhất, tình hình dường như cũng ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. California là một ví dụ.
“Luật ở đây khắt khe nhất, nhưng rồi súng ống lậu vẫn tràn lan. Tôi có thể dẫn anh đi mua khẩu súng bất cứ nơi nào. Trăm rưỡi, ba trăm, một ngàn cũng có, năm bảy ngàn cũng có. Mua cái gì cũng có cả. Ở Mỹ, người có tiền là có tất cả,” Johnny Võ, thành viên của Sở cảnh sát hạt Los Angeles, California, nói. “Kiểm soát súng là rất khó, vô cùng khó, không thể nào làm được,” anh cho biết thêm.
Cùng quan điểm với Johnny Võ, ông Tony Phạm cho biết:
“Cái việc làm súng đạn, mua súng đạn lậu tại Mỹ rất là tràn lan. Nếu kẻ gian muốn có súng thì họ có thể mua súng liền lập tức, bất cứ loại súng gì họ muốn ở nước Mỹ này.”

Theo tay buôn súng lão làng này, đó chính là một trong những lỗ hổng trong việc kiểm soát súng đạn của Hoa Kỳ. Trong suốt 40 năm “lái súng” tại tiểu bang California, Tony Phạm đã gặp không ít trường hợp người Việt thử mua súng của ông mà không khai báo thông tin cá nhân phục vụ mục đích kiểm tra lý lịch.
“Họ lầm. Không có người dealer (bán súng) nào mà dám không làm giấy tờ hết.”
Những người “dealer” như Tony Phạm, được coi là “tai mắt” của ATF, chữ viết tắt cho Cơ quan quản lý Rượu, Thuốc lá, Súng và Vật liệu nổ của Hoa Kỳ. Khi phát hiện ra bất kì điều gì khả nghi từ những người tìm mua súng, các dealer có trách nhiệm báo cáo lại với ATF. Nhưng phần lớn không làm như vậy, họ sợ rắc rối, Tony Phạm cho biết. Bản thân ông có những cách riêng để từ chối bán súng cho những người ông cảm thấy “không có tư cách”, nhưng tất cả cũng chỉ dựa trên kinh nghiệm cá nhân.
Tuy nhiên, không mua của dealer, người ta vẫn có nhiều cách để mua súng. Trao đổi giữa các cá nhân là một trong số đó. Điều đáng nói ở đây, luật pháp liên bang Hoa Kỳ không có bất kỳ điều luật nào bắt buộc kiểm tra lý lịch người mua trong các giao dịch mua bán súng giữa các cá nhân. Điều này, đối với nhiều người, đã tạo ra một lỗ hổng lớn trong việc kiểm soát súng, dẫn tới việc vũ khí nóng rơi vào tay những thành phần bất hảo, và cả những người có tiền sử bệnh tâm thần.

Súng cũng giống thuốc: Cứu người được, cũng giết người được
“Tôi rất ủng hộ việc kiểm soát súng”, ông Tony Phạm khẳng định. Là một người buôn bán súng lâu năm, ông cũng từng rất dễ dãi trong việc sử dụng súng, nhưng những thảm họa xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây đã khiến người đàn ông này thay đổi suy nghĩ.
Theo dữ liệu từ trang Gun Violence Archive, tính cho tới thời điểm này của năm 2017, cả nước Mỹ đã xảy ra 274 vụ xả súng, với tổng số 11.689 người chết vì súng đạn. Nhưng bất chấp những con số biết nói trên, rất nhiều người Mỹ vẫn cảm thấy yên tâm hơn khi mang một cây súng bên mình.
Cổ phiếu của các công ty sản xuất súng tăng mạnh sau vụ thảm sát Las Vegas hồi Chủ Nhật vừa rồi. Các nhà phân tích cho rằng người dân đổ xô đi mua súng, do lo ngại luật kiểm soát vũ khí sẽ được Quốc hội thắt chặt sau vụ việc.
“Súng cũng giống như thuốc, bác sĩ tốt dùng viên thuốc có thể cứu người, nhưng vị bác sĩ xấu có thể dùng viên thuốc để giết người. Bác sĩ cứu người được, giết người được,” cảnh sát viên Johnny Võ chia sẻ với VOA Tiếng Việt. Anh cho rằng sẽ tốt hơn nếu như người dân được trang bị súng để có thể tự bảo vệ mình, trước khi cảnh sát đến can thiệp.
Có những tiểu bang, hay các quận hạt, người cảnh sát trưởng khuyên người dân mỗi nhà đều có súng và sử dụng súng, và tốt nhất là mình dạy kèm cho người ta các khóa an toàn về súng. Biết để mà phòng thân, để mà giúp ích cho xã hội thì tốt hơn.”
Ng
ười cảnh sát này cũng cho biết thêm, anh không tin thắt chặt các luật lệ kiểm soát súng sẽ giúp giảm tỉ lệ tội phạm có vũ trang, đơn giản bởi vì ở Mỹ “muốn là được”.
Trong khi đó, tại Toà Bạch Ốc, Tổng thống Donald Trump nói chính quyền sẽ “thảo luận về luật kiểm soát súng đạn”. Và câu hỏi “Cấm hay không cấm, kiểm soát hay không kiểm soát súng” lại nóng bỏng trên truyền thông chính thống và các trang mạng xã hội Hoa Kỳ … giống như những gì từng diễn ra sau các cuộc thảm sát bằng súng trước đây. - VOA
|
|
10.
Tòa Bạch Ốc chung quyết yêu cầu viện trợ thiên tai

Chính quyền Tổng thống Trump đang chung quyết yêu cầu viện trợ 29 tỷ đô la cứu trợ thiên tai sau các trận bão hoành hành Puerto Rico, Texas và Florida.
AP dẫn lời một giới chức cấp cao trong chính quyền và các phụ tá bên Quốc hội tiết lộ tin này.
Yêu cầu vừa kể gộp chung 16 tỷ đô la cho một chương trình bảo hiểm lũ lụt do chính phủ hậu thuẫn và gần 13 tỷ đô la ngân khoản viện trợ mới cho nạn nhân bão. - VOA
|
|
11.
Facebook nói 10 triệu người dùng ở Mỹ thấy quảng cáo liên hệ tới Nga

Khoảng 10 triệu người ở Mỹ đã nhìn thấy những quảng cáo gây chia rẽ chính trị trên Facebook mà công ty nói đã được mua ở Nga trong những tháng trước và sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm ngoái, Facebook cho hay hôm thứ Hai.
Facebook, trước đây chưa từng đưa ra một ước tính như vậy, nói trong một thông cáo rằng họ sử dụng mô hình máy tính để ước tính bao nhiêu người đã nhìn thấy ít nhất một trong số 3.000 quảng cáo. Facebook cũng cho biết 44 phần trăm các quảng cáo đã được nhìn thấy trước cuộc bầu cử vào tháng 11 năm 2016 và 56 phần trăm được nhìn thấy sau đó.
Các quảng cáo này đã khơi lên sự giận dữ đối với Facebook, và ở trong nước Mỹ, đối với Nga kể từ khi mạng xã hội lớn nhất thế giới công bố sự tồn tại của chúng vào tháng trước. Moscow đã phủ nhận sự dính líu tới các quảng cáo.
Facebook đang đối mặt với ngày càng nhiều lời kêu gọi từ nhà chức trách Hoa Kỳ yêu cầu gia tăng quản lý. Giám đốc Điều hành Mark Zuckerberg đã phác thảo các bước mà công ty dự định thực hiện để ngăn chặn các chính phủ lạm dụng mạng xã hội này.
Trước đó trong ngày thứ Hai, Facebook cho biết họ đã lên kế hoạch thuê thêm 1.000 người để duyệt các quảng cáo và đảm bảo chúng thỏa mãn những điều khoản của công ty, một phần trong nỗ lực nhằm ngăn cản Nga và các nước khác sử dụng nền tảng này để can thiệp vào các cuộc bầu cử.
Facebook đang làm việc với những công ty khác trong lĩnh vực công nghệ, bao gồm Twitter và Google của Alphabet, để điều tra sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử, thông cáo của Facebook cho biết. - VOA
|
|
12.
Quan hệ Việt – Trung nổi lên tại Quốc hội Mỹ

Đề cử đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nói rằng Hà Nội “duy trì mối quan hệ phức tạp nhưng khá quan trọng với Trung Quốc”, và đã phát “tín hiệu mạnh” tới Mỹ về vai trò của Washington trong vấn đề lãnh hải và Biển Đông.
Ông Kritenbrink đã ra điều trần để được chuẩn thuận trở thành đại diện ngoại giao của Hoa Kỳ ở Hà Nội trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 27/9, trong đó ông vạch ra những ưu tiên hàng đầu trong mối bang giao Việt – Mỹ.
Nhà ngoại giao kỳ cựu, từng làm Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Barack Obama, nói rằng “có rất ít quốc gia châu Á mà ở đó chúng ta thấy rõ tác động của mối liên hệ lâu dài và sáng tạo của Hoa Kỳ như tại Việt Nam”.
“Đó là điều tôi đã chứng kiến trực tiếp trong quá trình làm việc trước đây của tôi với người Việt Nam, bao gồm ba chuyến công tác chính thức tới Việt Nam, và khi tôi giám sát hoạt động đàm phán hai Bản tuyên bố chung với Việt Nam vào năm 2015 và 2016”, ông nói thêm.
Thượng nghị sĩ Edward J. Markey, một trong những người đặt câu hỏi tại buổi điều trần, nói rằng Việt Nam đã nhiều lần thách thức Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông), đồng thời đề cập tới chuyện công ty Repsol của Tây Ban Nha phải ngưng dự án thăm dò dầu khí tại vùng biển tranh chấp sau khi vấp phải phản đối của Bắc Kinh.
Ông Markey cho rằng việc Mỹ vẫn “còn do dự trong chính sách liên quan tới Biển Đông đã khiến Việt Nam cảm thấy đơn độc”, và đặt câu hỏi cho ông Kritenbrink rằng “dù Việt Nam và Hoa Kỳ không phải là đồng minh ràng buộc bởi hiệp ước, chúng ta có thể làm gì hơn nữa để trấn an Việt Nam rằng chúng ta sẽ hậu thuẫn về mặt ngoại giao trong khi Việt Nam dùng luật pháp để thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc”.
Đề cử đại sứ Mỹ tại Việt Nam nói: “Tôi nghĩ rằng vấn đề tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông cũng như hành vi của nhiều nước liên quan là quyền lợi quốc gia mang tính sống còn của Hoa Kỳ, bao gồm duy trì tự do hàng hải, quyền bay ngang qua [Biển Đông]; giải quyết hòa bình tranh chấp theo luật quốc tế; dòng chảy thương mại không bị cản trở”.
Ông nói thêm: “Tôi nghĩ rằng một cách tiếp cận hiệu quả nhất của Mỹ trong quan hệ với Việt Nam, đó là tiếp tục giao tiếp ngoại giao với Việt Nam nhằm thúc đẩy các quyền lợi chung. Việt Nam cũng chia sẻ mối quan tâm của chúng ta để bảo đảm hòa bình và ổn định ở Biển Đông cũng như duy trì các nguyên tắc mà tôi mới đề cập. Phía Việt Nam đã nhiều lần lặp lại các tuyên bố công khai cũng như một cách riêng tư. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải tiếp tục củng cố khả năng của lực lượng tuần duyên của Việt Nam cũng như các lực lượng khác để Việt Nam có thể củng cố tuyên bố chủ quyền của mình. Chúng ta cũng cần phải duy trì sự hiện diện và thực hiện quyền tự do hàng hải thường xuyên [ở Biển Đông] chúng ta có thể hậu thuẫn Việt Nam cũng như các đối tác có chung suy nghĩ”.
Thượng nghị sĩ Markey hỏi ông Kritenbrink thêm về mức độ Việt Nam coi Hoa Kỳ là một đối tác có thể đối trọng với Trung Quốc, và nhà ngoại giao kỳ cựu này trả lời: “Việt Nam duy trì mối quan hệ phức tạp nhưng khá quan trọng với Trung Quốc. Cũng giống như hầu hết các nước khác trong khu vực, Việt Nam muốn đa dạng hóa và cân bằng quan hệ trong chính sách ngoại giao. Tôi nghĩ Việt Nam cùng các nước khác hướng tới vai trò lãnh đạo của Mỹ về các vấn đề lãnh hải mang tính sống còn và về đóng góp vào hòa bình và ổn định hay thúc đẩy thịnh vượng của khu vực. Tín hiệu từ những người bạn Việt Nam cũng như các đối tác có chung suy nghĩ rất mạnh”.
Đây không phải là lần đầu tiên Biển Đông được nêu lên trong cuộc điều trần chuẩn thuận chức đại sứ Mỹ ở Việt Nam. Trong một sự kiện tương tự năm 2014, ông Ted Osius, người sau đó trở thành đại sứ Mỹ ở Hà Nội, cũng nhắc tới tranh chấp lãnh hải này.
“Chúng ta có trách nhiệm lớn phải đảm bảo rằng các tranh chấp về lãnh hải và lãnh thổ tại Biển Đông được giải quyết theo luật lệ quốc tế và không phải bằng việc ép buộc hay đe dọa. Thật đáng tiếc, gần đây chúng ta thấy một chuối các bước đi đơn phương của Trung Quốc nhằm thúc đẩy các tuyên bố về lãnh hải và lãnh thổ”, ông Osius nói 3 năm trước. Nhưng năm nay, vấn đề Biển Đông dường như đã được mang ra thảo luận nhiều hơn trước.
Ngoài Biển Đông, các vấn đề khác liên quan tới Việt Nam cũng đã được đề cập như nhân quyền, thương mại, đầu tư, hậu quả của Chiến tranh Việt Nam, mối quan hệ giữa nhân dân hai nước và cả đe dọa từ Bắc Hàn trong tương quan bang giao với Việt Nam.
Ông Kritenbrink nói rằng dưới thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Trump, phía Mỹ đã nhấn mạnh rõ ràng rằng chúng ta sẽ không đứng yên trước mối đe dọa từ Bắc Hàn, và sẽ phối hợp với các đồng minh cũng như đối tác trong khu vực để ngăn chặn.
Nhà ngoại giao này nói tiếp: “Đặc biệt liên quan tới Việt Nam, nước này là một phần của chiến dịch gây áp lực toàn cầu của chúng ta nhằm cô lập và chặn các nguồn ngân quỹ của Bắc Hàn. Chúng ta đã có các cuộc đối thoại hết sức hiệu quả và mang tính xây dựng. Đôi bên cùng quan tâm ngăn chặn mối đe dọa từ Bắc Hàn. Và nếu được chuẩn thuận, tôi sẽ thúc đẩy cuộc đối thoại đó và biến nó là một trong các ưu tiên hàng đầu của tôi”.
Phát biểu tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ông Kritenbrink nhấn mạnh: “Với nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh và dân số trẻ và năng động có quan điểm rất tích cực về Hoa Kỳ, Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những đối tác mạnh nhất của chúng ta ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

13.
Việt Nam truy nã thêm một nhà hoạt động Công giáo

Blogger-nhà hoạt động Trần Minh Nhật vừa bị chính quyền Việt Nam ra lệnh truy nã khi đang chịu án quản chế sau 4 năm tù giam về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Nhưng blogger này nói ông phản đối điều này vì ông đã được bỏ án quản chế trong phiên tòa phúc thẩm.
Trần Minh Nhật là một trong số 14 thanh niên Công Giáo và Tin Lành bị Việt Nam tuyên án vào năm 2011 về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79. Ông Nhật bị kết án 4 năm tù giam và 3 năm quản chế. Ông được phóng thích khỏi nhà tù vào ngày 27/8/2015.

Không cung cấp văn bản tuyên án
Ngày 3/10/2017, nhà hoạt động Trần Minh Nhật nói với VOA rằng ông chỉ mới biết tin mình bị truy nã qua các phương tiện truyền thông báo chí, trong khi lệnh này đã được ban hành từ ngày 4/8.
“Tôi cũng bất ngờ. Họ nói tôi vi phạm án quản chế vì tôi còn 3 năm quản chế. Theo án, tôi bị 4 năm tù và 3 năm quản chế. Tòa sơ thẩm nói như vậy. Nhưng qua phúc thẩm, họ đã bỏ án cho tôi rồi. Tôi đã yêu cầu trích lục phiên tòa và các giấy tờ liên quan để chứng minh tôi không bị án quản chế, nhưng họ không chấp nhận”.
Trần Minh Nhật cho biết trong suốt thời gian thụ án, ông đã nhiều lần yêu cầu được nhận văn bản bản án phúc thẩm của mình, nhưng yêu cầu này đã không được đáp ứng.
“Họ không cấp cho tôi biên bản phiên tòa. Phiên tòa sơ thẩm thì có, nhưng phúc thẩm thì họ không cho. Đó là một việc trái pháp luật. Sau này họ vẫn cứ quyết định tôi bị 3 năm quản chế. Điều này thì tôi phản đối”.
Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho Trần Minh Nhật trước đây xác nhận việc cung cấp biên bản án phúc thẩm là một trong những quyền lợi của bị cáo. Ông nói thêm rằng theo quy định, luật sư không được cung cấp văn bản của bản án phúc thẩm nên ông không thể xác nhận việc Trần Minh Nhật có bị án quản chế hay không.
“Bản án phúc thẩm người ta không gửi cho tôi nên tôi không xác nhận được. Có nhiều trường hợp người ta tuyên án tại tòa một đằng, nhưng khi ra bản án lại khác đi với lúc tuyên án. Trường hợp đó có xảy ra nên phải căn cứ vào bản án viết trên văn bản thôi”.

Liên tục bị sách nhiễu
Mặc dù không chấp nhận án quản chế, nhưng Trần Minh Nhật nói sau khi ra tù, ông luôn chấp hành quy định của chính quyền đối với người bị án quản chế. Mỗi khi có việc phải ra khỏi địa phương như đi chữa bệnh, nhận bằng tốt nghiệp…, ông đều thông báo cho cơ quan quản lý.
Nhưng trong thời gian 2 năm qua, ông Nhật liên tục bị sách nhiễu, đánh đập gây thương tích nặng nề. Việc trồng trọt, chăn nuôi của gia đình ông ở Lâm Đồng bị ném đá, phá hoại gây thiệt hại nghiêm trọng. Thậm chí nhà của ông còn bị phóng hỏa vào cuối năm ngoái. Vì lý do này, Trần Minh Nhật đã quyết định rời khỏi nơi cư trú.
“Nhà cầm quyền cố gắng tối đa để hạn chế khả năng hoạt động của tôi. Hơn hết, đó là việc tước đoạt quyền sống một cách bình thường, bình yên trong xã hội. Đã rất nhiều lần nhà cầm quyền Cộng sản tấn công, sách nhiễu, đánh đập, phá hủy kinh tế gần như cạn kiệt của gia đình tôi. Tất cả các biện pháp đó nhằm mục đích là bẻ gãy ý chí của tôi. Tôi phản đối tất cả những hình thức này, bởi vì về mặt pháp lý, tự nó cũng đã là sai, và còn có yếu tố phi nhân”.
Trước Trần Minh Nhật, 2 trong số nhóm thanh niên Công Giáo và Tin Lành bị án tù là Nguyễn Văn Oai và Thái Văn Dung cũng bị chính quyền Việt Nam phát lệnh truy nã theo Điều 304.
Nhà hoạt động Trần Minh Nhật nói việc Việt Nam phát lệnh truy nã các cựu tù nhân chính trị đã tạo ra một tiền lệ xấu và cho thấy nỗi sợ hãi của chính quyền:
“Một nỗi e sợ thực sự, đặc biệt trong vụ án của tôi. Họ không còn cách nào khác vì chúng tôi không dễ gì để bị bắt vì những tội khác, nên họ tìm những lý do rất mơ hồ để quy chụp cho mình một cái án. Với lệnh truy nã này, nó gần như một thòng lọng dành cho bất kỳ ai. Bởi vì chỉ cần đi ra khỏi nơi ở của mình là đã có thể vi phạm tội này. Đây là một cách thức mới mà nhà cầm quyền Cộng sản muốn dùng để triệt hạ và làm gương cho các nhà hoạt động khác”.
Phúc trình của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hồi tháng 6 vừa qua nói các nhà hoạt động vì nhân quyền, các nhà vận động dân chủ và blogger ở Việt Nam “không chốn dung thân”. Trần Minh Nhật là một trong số những trường hợp được nêu ra trong phúc trình. HWR cũng kêu gọi Việt Nam chấm dứt việc trấn áp các nhà hoạt động và nghiêm trị những kẻ tấn công, gây thương tích cho các nhà hoạt động. - VOA
|
|
14.
Đồng bằng sông Cửu Long không thể giàu nếu cứ trồng lúa?

Chiến lược phát triển Đồng bằng sông Cửu Long của chính phủ Việt Nam đã có những thay đổi căn bản theo hướng giải phóng vùng đất này khỏi tư duy an ninh lương thực để tạo cơ hội phát triển các ngành nông nghiệp khác có thể giúp nông dân làm giàu, một nhà khoa học vừa tham gia hội nghị phát triển Đồng bằng sông Cửu Long cho biết. Ông còn nói không nên quá lo lắng về tác động của biển đổi khí hậu và nước biển dâng đối với vùng đồng bằng trọng yếu này, mà hãy để các thế hệ sau giải quyết.
Hội nghị về phát triển đồng bằng sông Cửu Long tổ chức vào cuối tháng 9 tại Cần Thơ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là hội nghị lớn nhất từ trước đến nay về ĐBSCL. Hội nghị tập hợp các lãnh đạo, các nhà quản lý từ trung ương đến các tỉnh thành với các chuyên gia và các nhà khoa học để tìm giải pháp phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long cũng như ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng với tầm nhìn đến năm 2100.
"Chúng ta không hoảng hốt mà cần tìm ra lối đi, cách làm tốt nhất, khoa học nhất, phù hợp nhất, trong đó đổi mới tư duy...nhằm mang lại tốt hơn cho cuộc sống gần 20 triệu người dân. Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là một khu vực giàu có của Việt Nam gần 100 triệu dân," ông Phúc được VnExpress dẫn lời nói tại phiên khai mạc hội nghị.
Báo chí trong nước đưa tin Thủ tướng Phúc dịp này loan báo chính phủ sẽ dành 1 tỷ đô la Mỹ từ nay đến năm 2020, để xây dựng các công trình ứng phó với các nguy cơ của biến đổi khí hậu.
Đồng bằng sông Cửu Long vừa là vựa lúa, vựa cây ăn trái và vựa nuôi trồng thủy sản có vai trò hết sức quan trọng để đảm bảo an ninh lương thực cho gần 100 triệu người dân Việt Nam và đảm bảo Việt Nam là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Vùng đất này chiếm hơn phân nửa sản lượng lúa gạo và 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Mặc dù có vai trò quan trọng như vậy với kinh tế đất nước nhưng vùng đồng bằng này vẫn là một trong những khu vực kém phát triển nhất Việt Nam, và đa phần nông dân ở đây vẫn nghèo. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu dẫn đến hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn sâu vào nội đồng, tình trạng thiếu nước ngọt canh tác, sạt lở trên diện rộng, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, quy luật mùa lũ thay đổi cùng với các đập thủy điện chặn dòng chảy ở thượng nguồn, đang đặt ra những thách thức to lớn đối với vùng đất này.
Hội nghị vừa rồi đã có bước chuyển hướng chiến lược “rất đáng mừng”, theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, một nhà nông học có nhiều năm gắn bó với Đồng bằng sông Cửu Long.
Gs Võ Tòng Xuân nói với VOA-Việt ngữ:
“Trước đây chúng ta quá thiên về an ninh lương thực, nhưng Nhà nước hiện nay đã thay đổi tư duy theo hướng có lợi nhiều hơn cho người nông dân,” ông nói.
“Chủ trương hiện nay chúng ta không cần đứng số 1, số 2 thế giới về xuất khẩu gạo nữa, vì như thế là có tiếng mà không có miếng,” ông nói thêm, “Người nông dân vẫn nghèo, các công ty xuất khẩu gạo vẫn lỗ.”
Giáo sư Xuân nêu ra một nghịch lý, là sau 42 năm hòa bình, người nông dân sản xuất ra của cải để Việt Nam đứng nhất, đứng nhì thế giới đó, vẫn là “những người nghèo nhất”. Ông cho rằng hàng chục triệu nông dân Việt Nam “đã có sự hy sinh” để đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực nhưng bản thân họ lại “không hưởng được gì”.
“Chúng ta không nên lấy sản lượng lúa (ở mỗi địa phương) làm tiêu chuẩn đề bạt cán bộ mà phải lấy người nông dân làm trung tâm, phải đặt mục tiêu làm cho người nông dân giàu lên,” ông đề xuất thay đổi tư duy về quản lý.
Giáo sư Xuân cho biết tại hội nghị, giới hữu trách từ các Bộ Tài nguyên-Môi trường, Bộ Kế hoạch-Đầu tư và Văn phòng Chính phủ đã nhất trí về sự cần thiết phải thay đổi chiến lược phát triển là phải giúp cho người nông dân giàu hơn. Chỉ riêng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì “chưa hoàn toàn đồng ý”.
Ông cho rằng sắp tới vùng đồng bằng này nên chuyển một số diện tích trồng lúa sang trồng cây ăn trái, cây công nghiệp hay nuôi tôm – những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn nhiều so với cây lúa.
“Chẳng hạn như ở những vùng xâm nhập mặn nông dân thu hoạch một vụ lúa rồi nuôi một vụ tôm thì sẽ có thu hoạch cao gấp năm lần những nông dân trồng hai vụ lúa,” ông nói. “Nhưng một số nông dân muốn nuôi tôm lại không dám nuôi (vì chủ trương địa phương không cho chuyển đổi đất trồng lúa).”
“Qua hội nghị vừa qua thì sắp tới sẽ không bắt buộc người nông dân phải trồng lúa nữa.”
Về mục tiêu an ninh lương thực trong điều kiện dân số Việt Nam đang ngày một đông, Giáo sư Xuân cho rằng “không có gì phải lo lắng” vì Việt Nam hiện nay “mỗi năm dư 10 triệu tấn lúa” và sau khoảng 2,5 cho đến 3 tháng là lại thu hoạch vụ lúa mới.
Ông cho rằng để đảm bảo an ninh lương thực, Việt Nam nên tiếp tục canh tác loại lúa cao sản ngắn ngày chứ không cần thiết phải cạnh tranh với Thái Lan sản xuất loại gạo chất lượng cao vì giống lúa đó cho sản lượng thấp mà chu kỳ sản xuất lại lâu hơn.
Tuy nhiên theo Giáo sư Xuân, đi kèm với thay đổi chiến lược đó là phải có thay đổi trong cách làm: phải tổ chức cho người nông dân sản xuất chứ không để họ “tự bơi như trước”.
Ông cho rằng sự chuyển đổi sang mô hình mới cần sự tham gia của doanh nghiệp trong vai trò ‘bà đỡ’ cho nông dân. Doanh nghiệp tìm đầu ra sau đó mới về địa phương thuyết phục nông dân tham gia, tổ chức cho họ sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho họ.
Nếu không tổ chức cho nông dân sản xuất thì người nông dân sẽ tự bón phân, tự dùng thuốc trừ sâu dẫn đến sản phẩm không đạt yêu cầu để xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
“Doanh nghiệp đầu tư sản xuất có sự tham gia của khoa học thì sản phẩm sẽ có thương hiệu, có nguồn gốc và do đó có giá trị cao hơn và dễ xuất khẩu hơn. Chứ để thương lái tự thu gom như hiện nay thì sản phẩm sẽ không đồng đều, không rõ nguồn gốc và không kiểm soát được dư lượng hóa chất,” ông giải thích.
Hiện nay mặc dù chủ trương chuyển đổi mô hình đã được cấp thủ tướng và bộ trưởng đồng lòng ủng hộ nhưng ông Xuân cho rằng thách thức lớn nhất là phải thuyết phục được người nông dân thay đổi tư duy, và quá trình này “sẽ mất một thời gian”.
Ông dẫn ra một ví dụ là mặc dù chủ trương “dồn điền đổi thửa” để thay đổi cách làm nông manh mún có năng suất cao hơn, nhưng lâu nay vẫn không triển khai được rộng rãi ở Đồng bằng sông Cửu Long do người dân ở đây vẫn “không cho ai đụng đến một tấc đất của mình cả”.
“Phải chỉ cho bà con thấy là làm ăn theo kiểu cũ thì không thể nào khá lên được,” ông nói. “Chỗ nào trồng lúa chắc ăn thì trồng còn chỗ nào trồng lúa bấp bênh, tốn chi phí và sử dụng nước, phân bón nhiều thì thuyết phục họ chuyển sang làm cái khác.”
Riêng về ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Giáo sư Xuân cho rằng vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ xa xưa từng bị nước biển ngập hoàn toàn với đường bờ biển đến tận biên giới Campuchia.
“Phải trải qua mấy lần nước biển dâng và nước biển lùi – mỗi lần như thế hàng mấy trăm năm – chúng ta mới có vùng Đồng bằng sông Cửu Long như hiện nay,” ông giải thích và cho rằng nếu lúc này tập trung tiền của để ứng phó cái mà 100 năm nữa mới xảy ra thì có thể lãng phì vì “lúc đó con cháu chúng ta chắc chắn sẽ nghĩ ra cách làm tốt hơn”.
Thay vào đó, ông đề xuất Đồng bằng sông Cửu Long nên tìm cách thích nghi với những thay đổi về khí hậu, chẳng hạn như tình trạng thiếu nước ngọt và xâm ngập mặn.
“Nên bố trí những cây trồng không đòi hỏi lượng nước quá cao, nhưng lại cần lượng CO2 cao để quang hợp đồng thời chịu nước mặn như cây mía, cây bo bo (sorghum),” ông đề xuất.
Ngoài ra, Giáo sư Xuân còn đề xuất một số phương pháp để trữ nước ngọt trong mùa mưa để dành sử dụng trong mùa khô như tận dụng các hố bom B52 làm đìa chứa nước, đào đất tại chỗ làm nền nhà thay vì lấy cát từ lòng sông và chỗ đào có thể tận dụng trữ nước ngọt hay đào mương lên liếp trồng cây ăn trái để khi nước dâng vào mương trong mùa mưa thì đóng đê lại để giữ nước cho mùa khô. - VOA
|
|
15.
Chuyên gia: Không lo Mỹ, Trung thỏa hiệp về Biển Đông vì hạt nhân

Có dấu hiệu cho thấy giới hoạch định chính sách Việt Nam lo ngại Mỹ thỏa hiệp với Trung Quốc về Biển Đông để đổi lại việc Bắc Kinh cứng rắn với Bình Nhưỡng trong vấn đề hạt nhân.
Thông tin này do những nguồn tin không muốn nêu tên làm việc trong một số bộ ở Việt Nam cho VOA biết.
Tuy nhiên, một nhà nghiên cứu và một nhà ngoại giao kỳ cựu cho rằng trong khi có lý do phần nào để nghi ngại như vậy, song có nhiều cơ sở hơn để tin rằng mối lo đó bị thổi phồng quá mức.
Thông tin chính thống của Trung Quốc cách đây 5 ngày cho hay nước này ra lệnh cho “toàn bộ” các nhà máy, công ty của Triều Tiên phải đóng cửa ở Trung Quốc, muộn nhất là vào là ngày 9/1/2018.
Có tin thậm chí các doanh nghiệp hợp tác nước ngoài giữa Trung Quốc với Triều Tiên cũng phải đóng cửa.
Chỉ có một số ít ngoại lệ là các dự án phi lợi nhuận, phi thương mại sẽ không phải đóng cửa.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak, một viện có bề dày 50 năm nghiên cứu Đông Nam Á, nói với VOA việc Bắc Kinh cứng rắn với Bình Nhưỡng tuy có cơ sở là nghị quyết của Liên Hiệp Quốc song cũng là vì lợi ích trực tiếp và tự thân của chính Trung Quốc.
Theo nhà nghiên cứu hiện làm việc ở Singapore, dù lâu nay Trung Quốc là nước bảo trợ cho Triều Tiên, nhưng đất nước Đông Bắc Á nhỏ bé có những hành động đi ngược lại lợi ích của Trung Quốc, nhất là trong thời gian gần đây.
Việc Triều Tiên nắm trong tay vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo làm một số nhà phân tích đưa ra cảnh báo rằng nước này có thể là kẻ thù tiềm tàng của Trung Quốc, theo Tiến sĩ Hiệp.
Ông nói các nhà phân tích nhận định các vũ khí đó không chỉ nhắm đến Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, mà cũng có thể dùng để gây sức ép hoặc đe dọa Trung Quốc, trong trường hợp bất đồng, mâu thuẫn xảy ra giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.
Dễ thấy hơn, an ninh của Trung Quốc đang bị ảnh hưởng khi các chương trình vũ khí, hạt nhân của Triều Tiên tạo cớ để Mỹ, Nhật, Hàn gia tăng các hoạt động quân sự áp sát Trung Quốc. Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Hiệp, các nhà phân tích không loại trừ nguy cơ một số nước khu vực, nhất là Nhật – đối thủ địa chiến lược của Trung Quốc – cũng tìm cách có vũ khí hạt nhân.
Những điều đó giải thích sự kiên quyết gần đây của Bắc Kinh, Tiến sĩ Hiệp nói. Từ đó, ông đưa ra bình luận về việc Hà Nội dường như lo ngại về nguy cơ có thỏa hiệp nào đó giữa Mỹ và Trung Quốc:
“Thực tế hiện tại chứng minh dường như nó là một lo ngại quá mức từ phía Việt Nam. Ngay kể cả khi Hoa Kỳ không hy sinh lợi ích của mình ở Biển Đông để chiều ý Trung Quốc, bản thân Trung Quốc vẫn có động lực để hợp tác với Hoa Kỳ để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Nước Mỹ họ không gắn vấn đề Bắc Triều Tiên với vấn đề Biển Đông. Điều này đã được các học giả và các quan chức Hoa Kỳ nói ở Hội nghị Shangri-La hồi tháng 6 vừa rồi”.
Nhà nghiên cứu Đông Nam Á lưu ý rằng Mỹ có những lợi ích chiến lược rất lớn và quan trọng ở Biển Đông, đến mức họ không dễ dàng từ bỏ để theo đuổi sự hợp tác với Trung Quốc trong xử lý vấn đề Triều Tiên.
Cựu thứ trưởng ngoại giao thường trực Mỹ John Negroponte nói với VOA ông “nghi ngờ” chuyện có thỏa hiệp Mỹ-Trung trong hai vấn đề kể trên. Ông nói về lập trường Mỹ đối với Biển Đông:
“Mỹ vẫn luôn nhất quán về Luật Biển, tự do hàng hải, về phân định khu vực có quyền tài phán tuân theo Luật Biển. Quan điểm của chúng tôi [Mỹ] đã được xác lập trong rất nhiều năm”.
Sau một thời gian nước Mỹ sao nhãng Biển Đông, chính quyền Tổng thống Trump đã đẩy mạnh trở lại sự hiện diện và can dự ở vùng biển.
Hồi tháng 7, ông Trump chuẩn thuận kế hoạch trao cho hải quân Mỹ nhiều quyền tự do hơn để thực hiện các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải ở vùng biển so với thời chính quyền Tổng thống Obama.
Thời ông Obama, trong suốt 3 năm, từ 2012-2015, Mỹ đã đình chỉ các hoạt động tuần tra loại này. Năm 2016, Mỹ chỉ có ba cuộc tuần tra như vậy.
Trong khi đó, chỉ trong 6 tháng kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, Mỹ cũng đã thực hiện tới 3 cuộc tuần tra. Tiếp đó, cuộc tuần tra gần đây nhất được khu trục hạm USS John S. McCain tiến hành vào ngày 10/8.
Mới đây, Tổng thống Trump tuyên bố sắp thăm châu Á, bao gồm cả hai điểm đến là Trung Quốc và Việt Nam, để bàn thảo việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, tự do ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và các vấn đề kinh tế khác.
Tiến sĩ Hiệp nói không có liên quan gì giữa chuyến công du của ông Trump với việc Bắc Kinh đóng cửa các doanh nghiệp Triều Tiên:
“Thái độ của Trung Quốc tôi nghĩ bắt nguồn chủ yếu từ các hành vi, các diễn tiến trên bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là từ phía chính quyền Bình Nhưỡng. Cho dù có chuyến đi của ông Trump hay không, tôi tin rằng với sự hung hăng của chính quyền Bình Nhưỡng cũng như mối đe dọa ngày càng tăng từ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, Trung Quốc vẫn sẽ có những động thái như vừa rồi chúng ta thấy”.
Mặc dù trên danh nghĩa có cùng ý thức hệ với Triều Tiên, Việt Nam đã lên án Bình Nhưỡng, sau vụ thử nghiệm hạt nhân thứ sáu và một loạt các vụ phóng tên lửa đạn đạo.
Thực thi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ trừng phạt Triều Tiên, Việt Nam đã trục xuất người lãnh đạo và phó lãnh đạo của chi nhánh ngân hàng thương mại Tanchon tại Việt Nam.
Diễn biến mới nhất liên quan, theo hãng tin Yonhap hôm 2/10, là một nhà hàng Triều Tiên ở Việt Nam đã ngưng hoạt động, sau khi các biện pháp chế tài quốc tế nhằm tăng cường nhằm cắt giảm nguồn thu ngoại tệ cho Triều Tiên được áp dụng. - VOA
|
|
16.
Phụ nữ gốc Việt trong số 59 nạn nhân vụ xả súng Las Vegas

Bà Michelle Võ, 32 tuổi, một cư dân thành phố Los Angeles là một trong 59 nạn nhân vụ xả súng tại Las Vegas vào tối ngày 1/10, theo đài truyền hình Fox và NBC.
Theo trang Columbus Dispatch, ông Kody Robertson có quen với Michelle và đã cùng bà dự buổi ca nhạc vào đêm Chủ Nhật định mệnh.
Ông nói khi tiếng súng nổ ông ngã lên người Michelle, trong khi bà quỵ xuống vì đã trúng thương.
Ông Kody và nhiều người khác đưa Michelle ra khỏi địa điểm hỗn loạn và thực hiện hô hấp nhân tạo CPR. Sau đó đưa bà lên xe chở đến bệnh viện.
Kody Robertson nói ông chỉ mới quen với Michelle. Họ đã cùng nhau đi dạo, nhảy múa, và vui cười.
Trả lời phỏng vấn qua điện thoại với tờ Columbus khi còn ở Bệnh viện Sunrise ở Vegas sáng thứ Hai 2/10, Kody cho biết ông đang chờ tin tức về tình trạng của Michelle.
Vào khoảng 2 giờ chiều cùng ngày, Kody nhận được tin rằng Michelle không qua khỏi. Bà là một trong số ít nhất 59 người chết trong vụ xả súng nghiêm trọng nhất trong lịch sử cận đại của Hoa Kỳ.
Nhà chức trách cho biết có ít nhất 527 người khác bị thương trong vụ xả súng.
Ông Rody nán lại bệnh viện thêm một đêm để chờ gia đình Michelle Võ.
Theo trang Linkedin, Michelle là người Mỹ gốc Việt, nói tiếng Việt thông thạo. Bà là nhân viên của công ty bảo hiểm NYLife Securities.
Trước đó bà học trung học ở trường Indepence, thành phố San Jose, California, và trường đại học California Davis.
Hôm 3/10, Bộ Ngoại giao Việt Nam, ra thông cáo cho biết Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện chia buồn đến Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi biết tin về vụ xả súng tối 1/10. - VOA
|
|
17.
Tử hình ở VN ‘không làm quan tham run sợ’

Một bài xã luận trên tờ The Nation của Thái Lan nói chính quyền Việt Nam dùng án tử hình như vũ khí chính trị nhưng có vẻ "không làm run sợ" những quan chức tham nhũng.
Bài báo nhắc lại bản án tử hình dành cho ông Nguyễn Xuân Sơn và chung thân cho ông Hà Văn Thắm trong phiên xử "đại án" OceanBank mới đây.
Theo The Nation, chính phủ Việt Nam thường chứng tỏ sự khắc nghiệt trong việc trừng phạt các quan chức cấp cao bị kết tội tham nhũng.
Tuy nhiên, lập trường cứng rắn này cũng không giúp Việt Nam cải thiện điểm số trong bảng xếp hạng Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng hàng năm của Tổ chức Minh bạch Quốc tế.
Báo cáo năm 2016 của tổ chức giám sát này công bố hồi đầu năm nay xếp Việt Nam hạng 113/176 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam được 33/100 điểm năm 2016 và 31 điểm trong giai đoạn 2012-2015.
Bài trên báo Thái Lan tường thuật, "hầu hết người Việt Nam" cho rằng chiến dịch chống tham nhũng công khai thực ra là cuộc tranh giành quyền lực của quan chức cấp cao.
"Hồi tháng Năm, Bí thư TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng bị mất chức do bị cáo buộc những sai phạm liên quan đến PetroVietnam. Các nhà quan sát tin rằng ông này có thể có sai phạm, nhưng lý do chính khiến ông bị "ngã ngựa" là do ông thân cận với cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng," tờ The Nation viết.
"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cần cho cộng đồng quốc tế thấy quyết tâm chống tham ô của ông không phải vì mong muốn loại bỏ đối thủ chính trị."
"Là người rất thông minh, ông Trọng hẳn hiểu rằng nếu chỉ áp dụng các bản án khắc nghiệt thì sẽ không ngăn được nạn tham nhũng."
"Thực tế, thông thường một chế độ độc đoán lại là nguyên nhân của tham ô và lạm dụng quyền lực. Tham nhũng nảy nở tại những nơi có sự khuất tất. Tham nhũng chỉ có thể được nhổ tận gốc bằng cách đảm bảo rằng việc vận hành của chính phủ là minh bạch với tất cả mọi người, và rằng luật pháp thật sự nghiêm minh."
"Nếu tham nhũng thật sự là mối quan ngại của lãnh đạo của bất kỳ chính phủ nào, họ phải xác định nơi nào trong hệ thống của họ cần cải cách triệt để. Điều đó cũng áp dụng cho các ban ngành và doanh nghiệp nhà nước. Vấn nạn sẽ không thể diệt trừ nếu thiếu vắng sự chân thành, minh bạch và trách nhiệm giải trình," tờ báo viết.
Mới hôm 2/10, cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu than phiền nhiều ban bệ 'rườm rà, không nên tồn tại', và kêu gọi 'cách mạng bộ máy'.
Hội nghị Trung ương 6 khai mạc ngày 4/10, sẽ bàn đề án "Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Ông Lê Khả Phiêu gợi ý nhập lại những đơn vị có chức năng tương đồng.
"Như Bộ Công an, nhiều tổng cục quá, hoàn toàn có thể sắp xếp tổ chức lại. Nếu không sẽ phát sinh tầng nấc trung gian, chồng chéo (chức năng nhiệm vụ)."
Ông lại than phiền bộ máy đảng, nhà nước phình to.
"Gặp các anh lãnh đạo, tôi nói đổi mới gì thì đổi mới, nhưng các anh cần phải cách mạng bộ máy đi đã. Tôi nói là "cách mạng", tức là xây dựng lại để cho nó đúng là tinh gọn, hiệu lực hiệu quả.
"Tôi nói thế, các anh ấy đồng ý, nhưng làm được hay không là chuyện khác," ông Phiêu bình luận. - BBC
|
|
18.
Hoa Kỳ hứa giúp Việt Nam cải cách tư pháp

Chính phủ Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ tối đa cho Việt Nam trong việc thực hiện cải cách hệ thống tư pháp.
Quyền Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, ông Brett Blackshaw phát biểu như vừa nêu tại Hội thảo về pháp luật hình sự và tố tụng tư pháp Việt Nam-Hoa Kỳ, được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 3 tháng 10, ở Hà Nội.
Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương của Việt Nam, ông Trịnh Xuân Toản cho biết Hội thảo này thuộc chương trình triển khai thực hiện thỏa thuận về trợ giúp thực thi pháp luật và tư pháp hình sự giữa hai Chính phủ Việt-Mỹ. Thỏa thuận được ký nhân chuyến thăm của cựu Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam hồi hạ tuần tháng 5 năm 2016.
Trong phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trịnh Xuân Toản nhấn mạnh cải cách tư pháp là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của Việt Nam để xây dựng một nhà nước pháp quyền và Việt Nam đã ban hành Chiến lược cải cách tư pháp từ năm 2005 với mục tiêu nền tư pháp trong sạch, dân chủ, nghiêm minh.
Quyền Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, ông Brett Blackshaw, tại Hội thảo ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp nhằm bảo đảm tốt hơn quyền và tự do cơ bản cho người dân theo Hiến pháp Việt Nam năm 2013.
Vừa qua, sau một số phiên xử những nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam, Hoa Kỳ lên tiếng kêu gọi phải trả tự do cho họ như trường hợp blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Lý do được nêu ra những về bản án về tuyên truyền chống nhà nước là mơ hồ. - RFA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9









No comments:

Post a Comment

View My Stats