Monday, 16 October 2017

TIN CẬP NHẬT CHỦ NHẬT 15/10/2017 (Lê Minh Nguyên)





Tin Thế Giới

1.
Mỹ theo đuổi ngoại giao với Bắc Hàn tới lúc ‘thả bom’ --- Bình Nhưỡng gây sự với Úc vào lúc bán đảo Triều Tiên nóng lại

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 15/10 nói rằng Tổng thống Donald Trump đã lệnh cho ông phải tiếp tục theo đuổi nỗ lực ngoại giao để làm giảm căng thẳng leo thang với Bắc Hàn.

Reuters dẫn lời ông Tillerson nói rằng “các nỗ lực ngoại giao đó sẽ tiếp tục cho tới khi nào thả quả bom đầu tiên”.

Trả lời phỏng vấn của chương trình “State of the Union” trên kênh CNN, ông Tillerson cũng giảm nhẹ tầm quan trọng của thông điệp mà ông Trump từng viết trên Twitter về chuyện quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ phí thời gian tìm cách đàm phán với lãnh tụ Bắc Hàn.

“Ông Trump đã nói rõ với tôi phải tiếp tục các nỗ lực ngoại giao”, Ngoại trưởng Tillerson nói.

Tổng thống Trump hôm 7/10 nói rằng “chỉ có duy nhất một thứ hiệu quả” để đối phó với Bắc Hàn, sau khi các chính quyền tiền nhiệm đối thoại với Bình Nhưỡng nhưng không đạt được kết quả.

“Các đời tổng thống và chính quyền của họ đã nói chuyện với Bắc Hàn 25 năm qua, các thỏa thuận và các các khoản tiền lớn được trả”, ông Trump viết trên Twitter. “… Không đi đến đâu, các thỏa thuận bị vi phạm ngay trước cả khi chúng ráo mực, biến các nhà đàm phán Mỹ thành những kẻ ngố. Xin lỗi, chỉ có một điều duy nhất hiệu quả!”

Theo Reuters, ông Trump không nói rõ điều ông đề cập tới, nhưng các bình luận của ông dường như gợi ý thêm nữa về giải pháp quân sự.

Nguyên thủ Mỹ từng tuyên bố rằng nếu cần, Hoa Kỳ sẽ “hủy diệt” Bắc Hàn để bảo vệ bản thân và các đồng minh trước các mối đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Ông Trump từng nhiều lần tuyên bố không muốn đối thoại với Bắc Hàn, và thậm chí còn cho rằng ý tưởng đối thoại với Bình Nhưỡng là điều gây mất thời gian, sau khi Ngoại trưởng Rex Tillerson nêu lên đề xuất này.

Sau đó, Tổng thống Trump nói rằng ông vẫn còn mối quan hệ tốt đẹp với người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ, dù vẫn còn một số bất đồng. - VOA

***
Một hôm sau khi bị Bắc Triều Tiên đe dọa, chính quyền Úc vào hôm nay 15/10/2017đã cứng rắn đáp trả : Phát biểu với báo giới tại Sydney, ngoại trưởng Úc Julie Bishop đã cho rằng lời lẽ hung hăng của Bình Nhưỡng không có gì mới, và điều đó chỉ làm cho Canberra kiên định hơn trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên.

Vào hôm qua, 14/10, hãng thông tấn nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA đã lớn tiếng tố cáo là « Úc gần đây đã có những bước đi nguy hiểm khi hùa theo các hành động khiêu khích chính trị và quân sự điên rồ của Mỹ nhằm chống lại Bắc Triều Tiên ». Hãng tin Bắc Triều Tiên đã cảnh cáo là nếu tiếp tục theo chân Mỹ để « áp đặt áp lực quân sự, kinh tế và ngoại giao lên Bắc Triều Tiên…, Úc sẽ không thể tránh được thảm hoạ ».

Lời tố cáo nói trên được đưa ra sau khi hai bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Úc, nhân chuyến công du Hàn Quốc, hôm 11/10 vừa qua đã ghé thăm làng Bàn Môn Điếm trong vùng phi quân sự ở biên giới Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên. Tại đấy, hai bộ trưởng Úc đã nhấn mạnh trên nhu cầu gây áp lực ngoại giao để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng và kêu gọi Bắc Triều Tiên ngừng các chương trình thử nghiệm vũ khí, hạt nhân và tên lửa.

Đối với ngoại trưởng Úc, Bắc Triều Tiên vẫn quen thói đe dọa Úc, cũng nhu các nước khác trong khu vực, và đó là lý do tại sao Úc tham gia vào một chiến lược tập thể nhằm gây sức ép tối đa trên Bình Nhưỡng để buộc Bắc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.

Cùng một quan điểm với bà Bishop, ông Dan Tehan, một quốc vụ khanh trong bộ Quốc Phòng Úc, vào hôm nay cũng xác định trở lại rằng Canberra sẽ tiếp tục làm tất cả để bảo vệ, giúp đỡ và hỗ trợ các đồng minh, và không « khiếp nhược » trước những lời hù dọa của Bình Nhưỡng.

Khẩu chiến Bình Nhưỡng-Canberra bùng lên vào lúc tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng trở lại trong bối cảnh liên quân Mỹ-Hàn đang chuẩn bị cho một cuộc tập trận rầm rộ khởi sự vào ngày mai. - RFI
|
|
2.
Trung Quốc ‘thắt lưng buộc bụng’ dịp đại hội đảng --- Trung Quốc: Cựu bộ trưởng Tư Pháp bị khai trừ khỏi đảng

Không có hoa quả miễn phí trong phòng khách sạn; không được cắt tóc "free" và hải sâm bị đưa khỏi thực đơn… đó là những thay đổi tại kỳ đại hội đảng ở Trung Quốc lần này nhằm thể hiện quyết tâm của Chủ tịch Tập Cận Bình về chống tham nhũng và lãng phí.

Trả lời một đài phát thanh nhà nước, phát sóng hôm 15/10, ông Wang Lilian, người từng phụ trách việc đón tiếp các đại biểu tới tham dự ba kỳ đại hội đảng lần trước, nói rằng lần này, mọi chuyện sẽ rất khác.

Ông này nói thêm, các khách sạn sẽ không treo các biểu ngữ chào đón hay trang trí hoa như các năm trước, theo Reuters.

Ông Wang cho biết thêm rằng điểm khác biệt lớn nhất liên quan tới phòng khách sạn và đồ ăn.

“Lần này sẽ không có hoa quả bày trong phòng khách sạn”, ông cho biết, nói thêm rằng đồ ăn lần này sẽ nấu theo kiểu gia đình và đơn giản.

“Sẽ không có hải sâm, tôm hay những thứ đại loại như vậy. Tất cả sẽ theo kiểu ăn buffet”.

Ông Wang nói thêm rằng các đại biểu sẽ không được cắt tóc, được chăm sóc sắc đẹp miễn phí và sẽ không có các cửa hàng quà tặng. “Sẽ không có bất kỳ dịch vụ nào như vậy lần này”, ông nói.

Theo Reuters, bản thân ông Tập Cận Bình cũng quảng bá cho lối sống đơn giản và truyền thông nhà nước thường đưa tin rầm rộ về các món đơn giản mà ông ăn khi đi công cán ở trong nước.

Truyền thông cũng hay đưa tin chỉ trích các quan chức sở hữu nhiều nhà, cửa, tài sản hay thích ăn tiệc.

Cũng giống như những người tiền nhiệm, ông Tập Cảnh báo rằng việc không kiểm soát được tham nhũng sẽ ảnh hưởng tới quyền lực của đảng.

Đại hội năm năm một lần ở Trung Quốc sẽ khai mạc vào ngày 18/10 với bài phát biểu quan trọng của ông Tập. - VOA

***
Với lý do "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng", từ ngữ dùng để chỉ tội tham nhũng, bà Ngô Ái Anh (Wu Aiying), cựu bộ trưởng Tư Pháp Trung Quốc bị khai trừ khỏi Đảng. Quyết định trên đây được đưa ra vài ngày trước khi Bắc Kinh khai mạc Đại hội Đảng.


Trong thông cáo ngày 14/10/2017, Ủy Ban Kỷ Luật Trung Ương Trung Quốc bất ngờ đưa tên bà Ngô Ái Anh vào danh sách đen. Cựu bộ trưởng Tư Pháp Trung Quốc bị "kỷ luật" cùng với hơn một chục quan chức khác, trong đó có những nhân vật như cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh, ông Tô Chí Tài, hay nguyên chủ tịch Thiên Tân, Hoàng Hưng Quốc…

Hãng tin Reuters nhắc lại bà Ngô là người tỉnh Sơn Đông, là một trong những phụ nữ có chức vụ quan trọng nhất trong guồng máy lãnh đạo của Trung Quốc. Từ năm 2005 tới tháng 2/2017, bà được chỉ định làm bộ trưởng Tư Pháp và là phụ nữ thứ nhì được cất nhắc vào chức vụ này.

Tin cựu bộ trưởng Tư Pháp Ngô Ái Anh bị khai trừ khỏi đảng được công bố trong bối cảnh thứ Tư 18/10 tới đây, Bắc Kinh khai mạc Đại Hội Đảng.

Để chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này, hôm qua, Ủy Ban Trung Ương thông báo "điều chỉnh các quy chế của tổ chức", nhưng không đi sâu vào chi tiết. Tuy nhiên nhiều nhà quan sát cho rằng, việc điều chỉnh này nhằm một mục đích : tăng cường quyền lực của ông Tập Cận Bình. - RFI
|
|
3.
Tư lệnh Hải Quân Ấn Độ: Tình hình Biển Đông vẫn đáng quan ngại

Vào lúc tình hình bán đảo Triều Tiên có dấu hiệu căng thẳng trở lại, phát biểu hôm 14/10/2017 nhân một hội nghị về biển tại Goa, đô đốc Sunil Lanba, tư lệnh Hải Quân Ấn Độ đã bày tỏ thái độ quan ngại về cả cuộc tranh chấp Triều Tiên lẫn Biển Đông. Đặc biệt về Biển Đông, lãnh đạo Hải Quân Ấn cho rằng nguyên do đến từ việc « chủ quyền lãnh thổ » của các đảo quốc và các nước đã bị một số quốc gia « nghiễm nhiên vô hiệu hóa ».

Theo hãng tin Ấn Độ TNN, đô đốc Lanba đã nhấn mạnh đến nhu cầu bảo đảm sao cho các đại dương được tự do và an toàn để cho mọi quốc gia có thể sử dụng được một cách hợp pháp. Và khi xuất hiện tranh chấp giữa các quốc gia sử dụng biển, điều đó cần phải được giải quyết thông qua các cơ chế giải quyết xung đột đã được thiết lập.

Thế nhưng, theo tư lệnh Hải Quân Ấn Độ : « Thái độ hẹp hòi, dân tộc chủ nghĩa cực đoan đôi khi có xu hướng làm suy yếu các cơ chế, ví dụ như ở Biển Đông hay bán đảo Triều Tiên, và đó là vấn đề khiến ai cũng phải quan ngại ».

Bên cạnh đó, theo đô đốc Lanba, một yếu tố đáng quan ngại khác là sự trỗi dậy của các hình thức tội phạm hàng hải khác nhau như khủng bố, cướp biển, buôn lậu ma túy, vũ khí và đánh cá bất hợp pháp.

Đối với tư lệnh Hải Quân Ấn Độ: « Không thể giải thích việc chia sẻ quyền sở hữu một cách lỏng lẻo, để biến điều đó thành hành động cướp tài nguyên một cách vô tội vạ… Bảo tồn hệ sinh thái mỏng manh, đảm bảo tính bền vững của môi trường vì lợi ích chung và tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của tất cả vùng duyên hải cũng là một trách nhiệm tập thể mà một vài nước có thể là cố tình lãng quên để trục lợi."

Đô đốc Ấn Độ không tố cáo đích danh nước nào, nhưng thông điệp của ông được cho là nhắm vào Trung Quốc, nước trong thời gian qua thường xuyên bị cáo buộc là ỷ mạnh chèn ép các láng giềng để đòi chủ quyền rộng khắp trên hầu như toàn bộ Biển Đông, đồng thời sẵn sàng tàn phá hệ sinh thái trong vùng khi cho nạo vét các rạn san hô mà họ chiếm đóng tại Biển Đông để bồi đắp và xây dựng các tiền đồn trên đó. - RFI
|
|
4.
Ông Gorbachev kêu gọi ‘cứu’ hiệp ước tên lửa Nga – Mỹ


Ông Mikhail Gorbachev, lãnh đạo cuối cùng của Xô Viết, hôm 12/10 nói rằng một hiệp ước kiểm soát vũ khí giúp chấm dứt Chiến tranh Lạnh đang lâm nguy, và thúc giục Tổng thống Nga và Mỹ họp thượng đỉnh để cứu vãn nó.

Ông Gorbachev, 86 tuổi, nhận định rằng quan hệ Nga – Mỹ đang trong “cuộc khủng hoảng nghiêm trọng”, và rằng hiệp ước, vốn cấm tất cả các tên lửa thông thường và hạt nhân tầm ngắn và tầm trung đặt trên mặt đất, hiện đang lâm nguy.

Ông Gorbachev là người ký vào thỏa thuận có tên gọi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987 với Tổng thống Mỹ khi đó là ông Ronald Reagan ở Washington. Sau sự sụp đổ của Xô Viết năm 1991, Nga chịu trách nhiệm thực thi cam kết ban đầu.

Trong những tháng gần đây, đôi bên đã cáo buộc lẫn nhau vi pham hiệp ước, gây quan ngại về sự đổ vỡ của hiệp ước này vì quan hệ Nga – Mỹ tiếp tục xấu đi giữa các cáo buộc rằng Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016. Nga đã nhiều lần phản bác cáo buộc đó.

Viết trên tờ báo của nhà nước Rossiiskaya Gazeta, ông Gorbachev cho rằng INF đang lâm nguy và rằng tổng thống Nga và Mỹ cần phải gặp gỡ và thảo luận về các vấn đề giải trừ hạt nhân và ổn định chiến lược.

Hiệp ước INF yêu cầu Mỹ và Liên bang Xô Viết phải xóa bỏ tất cả các tên lửa hạt nhân hành trình và đạn đạo có thể phóng đi từ đất liền với tầm bắn từ 500 tới 5.500 km.

Ông Gorbachev nói rằng ông muốn chứng kiến một hội nghị thượng đỉnh toàn diện Nga – Mỹ giống như ông từng tham gia lúc gần kết thúc Chiến tranh Lạnh. - VOA
|
|
5.
Syria: Lực lượng do Mỹ yểm trợ mở đợt tấn công tối hậu vào Raqqa

Tại Syria, liên minh người Kurdistan và người Ả Rập được Mỹ hậu thuẫn mang tên Lực Lượng Dân Chủ Syria FDS, ngày 15/10/2017 loan báo là trận đánh Raqqa đã bước vào giai đoạn tối hậu, mà mục tiêu là triệt hạ toàn bộ các ổ kháng cự của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech còn sót lại trong thành phố.

Cuộc tấn công được mệnh danh là tối hậu này đã được tung ra sau khi nhiều chiến binh thánh chiến ngoại quốc đã rời khỏi Raqqa trong khuôn khổ một thỏa thuận mà các lãnh đạo bộ tộc đã đúc kết. Chính một lãnh đạo Hội Đồng Dân Sự Raqqa đã cho biết như trên, qua đó đã giải tỏa phần nào tình trạng mập mờ hôm 14/10, bao quanh việc di tản các chiến binh thánh chiến.

Theo thông tín viên RFI từ Beyrouth, Paul Khalifeh, chiến dịch di tản những chiến binh Daech ra khỏi Raqqa đã gặp vướng mắc do việc tình báo Pháp không muốn để sổng một cán bộ Daech bị nghi là chủ mưu loạt khủng bố đẫm máu tại Paris vào tháng 11 năm 2015:

Số phận các chiến binh nước ngoài đã làm chậm lại việc di tản quân thánh chiến ra khỏi Raqqa. Rốt cuộc, việc di tản đã bắt đầu được tiến hành vào ngày thứ Bảy và tiếp tục trong đêm sang Chủ Nhât.

Theo giám đốc Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria, ông Rami Abdel Rahman, việc thực hiện thỏa thuận bị chậm lại là do phản đối của tình báo Pháp liên quan đến một trong những chiến binh nói trên. Paris không muốn kẻ tình nghi đã lên kế hoạch vụ khủng bố ngày 13/11/2015 tại Paris được đưa ra khỏi Raqqa.

Ông Rami Abdel Rahman muốn nói đến Abdelilah Himich, được mệnh danh là « Abdel, người lính lê dương » hay « Abou Souleyman al-Faransi ». Nghi phạm này từng là lính lê dương Pháp, sinh ra tại Rabat, Maroc, và bị tình báo Mỹ tố cáo là đầu não vụ khủng bố tại Paris và Bruxelles.

Là người mang quốc tịch Pháp có vị trí cao nhất trong hàng ngũ tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, Himich chỉ huy một lữ đoàn 300 người, chủ yếu là quân thánh chiến Châu Âu. Theo giám đốc Đài Quan Sát Nhân Quyền, cơ quan tình báo Pháp dường như đã yêu cầu là phải bắt giữ, hoặc trừ khử hẳn Abdelilah Himich.

Sau cùng, cản lực của Pháp được tháo gỡ nhưng không biết là trên cơ sở nào. Cuối cùng thì quân thánh chiến đã rời Raqqa với 400 thường dân làm bia đỡ đạn cho họ, theo một lãnh đạo bộ tộc đã tham gia các vụ thương lượng." - RFI
|
|
6.
Bầu cử Quốc Hội Áo: Vai trò then chốt của phe cực hữu bài ngoại

Ngày 15/10/2017, hơn 6 triệu cử tri Áo được kêu gọi bầu lại Quốc Hội. Chính sách nhập cư của Vienna là đề tài thu hút công luận. Lãnh đạo đảng bảo thủ (ÖVP) ông Sebastian Kurz, 31 tuổi, với đường lối cứng rắn trên hồ sơ này, có nhiều triển vọng trở thành thủ tướng tương lai.

Nhưng mọi chú ý đang dồn về đảng cực hữu với chủ trương bài người nước ngoài, FPÖ. Đảng này do ông Heinz-Christian Strache lãnh đạo, từ 12 năm qua không ngừng lớn mạnh. Thậm chí FPÖ có thể đe dọa cả đảng Xã Hội Dân Chủ (SPÖ) của thủ tướng mãn nhiệm Christian Kern.

Thông tín viên đài RFI từ Vienna Isaure Hiace phác họa ra toàn cảnh chính trị tại Áo :

"31 tuổi, Sebastian Kurz có khả năng trở thành lãnh đạo trẻ tuổi nhất tại Châu Âu. Lãnh đạo đảng bảo thủ đang được xem là có nhiều triển vọng trở thành thủ tướng. Trên nguyên tắc, đảng này xẽ về đầu khi kết quả bầu cử được công bối tôi nay. Tuy nhiên, vị trí thứ nhì trong cuộc tuyển cử lần này mới là đề tài được mọi người quan tâm.

Đảng cựu hữu và Xã Hội Dân Chủ đang tranh nhau để có được vị trí đó. Có nhiều khả năng ông Sebastian Kurz phải liên minh với một trong hai đảng này để cầm quyền.

Có điều từ một vài tuần lễ qua quan hệ giữa đảng bảo thủ của ông Kurz với đảng Xã Hội Dân Chủ đã trở nên căng thẳng, vì nhiều đoạn băng video với nội dung chế diễu lãnh đạo đảng bảo thủ được phổ biến rộng rãi trên mạng. Phía bên Sebastian Kurz cho rằng đảng Xã Hội Dân Chủ đứng đằng sau chiến dịch tấn công đó.

Có nguy cơ liên minh giữa hai đảng truyền thống này, vốn cùng nhau chia sẻ quyền lực từ năm 1945, không được tiếp tục. Nhiều người đang hướng tới một liên minh mới, giữa cánh bảo thủ và phe cựu hữu. Đảng cựu hữu có thể về nhì lần này, với tỷ lệ ủng hộ được dự trù lên tới 27 %. Đây sẽ là một kỷ lục.

Và nếu đúng như vậy, gần như chắc chắn là Sebastian Kurz sẽ chọn đối tác liên minh này, bởi ông có một sự gần gũi nào đó với những tư tưởng mang tính dân tộc chủ nghĩa". - RFI
|
|
7.
WeChat Trung Quốc dùng từ xúc phạm chủng tộc

Ứng dụng nhắn tin của Trung Quốc WeChat đã phải lên tiếng xin lỗi sau khi phần mềm này sử dụng từ một từ phản cảm về người da đen.

Khi gõ "người nước ngoài da đen" bằng tiếng Trung, ứng dụng WeChat sẽ tự động dịch thành chữ 'n*gger' một từ khiếm nhã dùng để gọi những người Mỹ da đen.

Công ty này đổ lỗi cho các thuật toán gây ra lỗi dịch thuật này.

Vụ việc này được phát hiện bởi Ann James, một người Mỹ da đen sống ở Thượng Hải, khi cô nhắn tin cho các đồng nghiệp Trung Quốc của mình để nói rằng cô đến trễ.

Cô James, người dùng tính năng dịch của WeChat để đọc phản hồi bằng tiếng Trung đã nhận được câu trả lời: "'N*gger' đến muộn."

Hốt hoảng, cô kiểm tra cụm từ tiếng Trung - "hei laowai" - với một đồng nghiệp và biết rằng đó là một cụm từ biểu hiện ý nghĩa trung lập chứ không có ý nghĩa miệt thị.

WeChat thừa nhận lỗi này đối với trang tin tức Sixth Tone của Trung Quốc, nói rằng: "Chúng tôi rất xin lỗi về bản dịch không phù hợp. Sau khi nhận được phản hồi của người dùng, chúng tôi ngay lập tức khắc phục vấn đề."

Phần mềm của ứng dụng sử dụng trí thông minh nhân tạo vốn tích hợp từ khối lượng tin nhắn khổng lồ để chọn ra bản dịch tốt nhất.

Chúng dựa trên ngữ cảnh, do đó đôi khi nó sử dụng các cụm từ xúc phạm khi nói về điều gì tiêu cực.

Một cửa hàng địa phương ở Thượng Hải đã kiểm tra ứng dụng và thấy rằng khi được sử dụng để chúc mừng sinh nhật một người nào đó, cụm từ "hei laowai" được dịch là "người nước ngoài da đen".

Nhưng khi một câu bao gồm các từ tiêu cực như "trễ" hoặc "lười biếng", nó lại dùng từ mang tính xúc phạm phân biệt chủng tộc.

Gần một tỷ người sử dụng WeChat, cho phép người dùng chơi trò chơi, mua sắm trực tuyến và thanh toán mọi thứ cũng như gửi tin nhắn. Nó giống với một ứng dụng trò chuyện phổ biến, WhatsApp, nhưng chịu sự kiểm duyệt.

Một nhóm nghiên cứu tại Đại học Toronto đã phân tích các thuật ngữ bị chặn trên WeChat vào tháng Ba và phát hiện các cụm từ bị chặn bao gồm "Trả tự do cho Tibet" và những từ đề cập đến Lưu Hiểu Ba, nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng của Trung Quốc. - BBC
|
|
8.
Kyrgyzstan bầu lại tổng thống ở một đất nước bị tham nhũng tác hại

Cử tri Kyrgyzstan ngày 15/10/2017 bầu lại tổng thống lần thứ 5 kể từ khi tách rời khỏi Liên Bang Xô Viết. Trong số 11 ứng cử viên, hai cựu thủ tướng Sooronbaï Jeenbekov và Omourbek Babanov có nhiều triển vọng nhất, nhưng không một ứng cử viên nào hy vọng đắc cử ngay vòng đầu. Cả hai đều cam kết tận diệt tham nhũng.

Lên cầm quyền từ năm 2011, trong sáu năm vừa qua, tổng thống Almazbek Atambaev đã thắt chặt quan hệ với Nga về mặt chính trị, và mở rộng bang giao với Trung Quốc trên địa hạt kinh tế.

Tổng thống mãn nhiệm có lập trường thân Nga công khai ủng hộ ông Jeenbekov. Phóng sự dưới đây của đặc phái viên Assel Kipchakova từ Bichkek cho thấy Kyrgyzstan đang bị nạn tham nhũng lũng đoạn :

"Với mức lương trung bình khoảng 180 euro, 'đút lót, chạy chọt' là chuyện thường xảy ra như cơm bữa ở Kyrgyzstan. Cả quốc gia này bị lũng đoạn. Ở đây cái gì cũng được mua bán bằng tiền. Người ta có thể mua từ bằng cấp cho đến chỗ làm, Kalil từng hành nghề buôn bán than thở : ông bắt đầu lo lắng cho cô con gái, đang theo học ngành y. Ông có một đầu mối, có thể giúp con gái ông tìm được một chỗ làm tốt, đổi lấy gần 3.000 euro, cả một gia tài đối với gia đình ông.

Ở đây, từ người lái tắc xi cũng phải biết đút lót. Vợ chồng ông đã mất một đứa con, vì họ không có nổi 50 euro để lót tay cho bà đỡ. Quá đau khổ, vợ chồng người tài xế tắc xi này không biết phải làm gì. Kiện tụng cũng vô ích, những người nhận hối lộ chẳng bị phạt bao giờ. Ở đây, không có tiền, con người ta 'chỉ là một con số không', như lời ông nói.

Dường như nhiều người dân Kyrgyzstan cam chịu với hoàn cảnh ấy. Cả hai ứng cử viên tổng thống đang dẫn đầu cuộc chạy đua, đều cam kết bài trừ tham nhũng. Một lời hứa mà người ta đã được nghe thấy từ 26 năm nay". - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

9.
Ký giả VOA bị thương trong vụ đánh bom ở Somalia

Một phóng viên của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ nằm trong số hơn 200 người bị thương trong vụ đánh bom xe tải còn làm hơn 230 người chết ở thủ đô Mogadishu của Somalia hôm 14/10.

Ông Abdulkaidr Mohamed Abdulle là một phóng viên cho ban tiếng Somalia của VOA. Vợ ký giả này xác nhận rằng ông bị thương ở cổ, đầu và tay phải.

Hiện chưa có ai hay tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm gây ra vụ đánh bom, nhưng các vụ tấn công tương tự từng do nhóm cực đoan Hồi giáo al-Shabab thực hiện.

Tổ chức có liên hệ với nhóm al-Qaida này đang tìm cách lật đổ chính phủ nhằm thiết lập một chính quyền Hồi giáo hà khắc.

Các quan chức y tế nói rằng vụ đánh bom hôm 14/10 là vụ nổ lớn nhất ở Mogadishu trong lịch sử hiện đại của Somalia

Cả Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc đã mạnh mẽ lên án vụ tấn công đồng thời gửi lời chia buồn tới thân nhân các nạn nhân.

Tổng thống Mohamed Abdullahi Farmaajo cho biết rằng nước ông “sẽ dành ba ngày quốc tang cũng như để cờ rủ để tưởng nhớ các nạn nhân vô tội”.

Ông cũng kêu gọi người dân đoàn kết chống khủng bố. Ông nói rằng “đây là lúc đoàn kết và cùng nhau cầu nguyện”, và rằng “khủng bố sẽ không thắng thế”. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

10.
Ngoại Trưởng CSVN Phạm Bình Minh đang ‘thất thế?’

Nhà Nghiên Cứu Trương Nhân Tuấn ở Pháp bình luận rằng “hình ảnh mờ nhạt” của Phó Thủ Tướng, Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh tại Hội Nghị Trung Ương 6 vừa kết thúc cho thấy ông bị “hạ tầng công tác” (thất thế).

Ông Tuấn viết: “Với tư cách một nhà ngoại giao được cho là ‘lỗi lạc’ của Việt Nam, đồng thời lại là đương kim phó thủ tướng kiêm bộ trưởng bộ ngoại giao, ông Phạm Bình Minh lại bị ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng phân công cho đọc bài ‘Đề án về công tác dân số trong tình hình mới.’ Xem ra ông Minh cũng giống trường hợp ông Võ Nguyên Giáp thời kỳ bị Lê Duẩn “hạ tầng công tác.’ Ông đại tướng được/bị giao cho chức vụ ‘chủ tịch Ủy Ban Quốc Gia Dân Số và Sinh Đẻ Có Kế Hoạch.’ Dân gian vì vậy có câu thơ ‘ngày xưa đại tướng cầm quân, ngày nay đại tướng cầm quần chị em.’ Ông Minh đi xuống ‘cầm quần chị em,’ cũng giống ông Giáp, phải chăng là điều báo hiệu quan lộ của ông Minh ‘có vấn đề?’”

Ông Tuấn phân tích thêm: “Nếu có theo dõi tình hình trong những tháng gần đây, ta thấy rằng Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã liên tục thất bại trong nhiều vấn đề, trong đó có kế hoạch ‘quốc tế hóa Biển Đông,’ vấn đề bang giao với Mỹ, vụ rút giàn khoan Repsol, cũng như vụ lùm sùm nhân viên ngoại giao thuộc tòa đại sứ Việt Nam ở Đức có can dự vào cuộc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh…”

“Những động thái ‘chống nhân quyền’ của Việt Nam, thể hiện qua nhân viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam, đã làm cho công cuộc vận động dư luận quốc tế bị thất bại. Hàng chục, hàng trăm triệu đô la chi phí cho công tác này tan biến thành tro. Những hành vi “bất bao dung” của nhân viên ngoại giao Việt Nam trở thành vũ khí đâm ngược lại mình,” theo Facebook ông Trương Nhân Tuấn.

Lần gần đây nhất ông Phạm Bình Minh xuất hiện trên mặt báo là về buổi ông tiếp xúc cử tri ở tỉnh Thái Nguyên hôm 12 Tháng Mười.

Hồi Tháng Tám, Luật Sư Nguyễn Văn Thân có bình luận về ông Phạm Bình Minh: “Trong Bộ Chính Trị hiện nay thì có ba người thông thạo tiếng Anh. Phạm Bình Minh (phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Ngoại Giao), Hoàng Trung Hải (bí thư Thành Ủy Hà Nội) và Nguyễn Thiện Nhân (bí thư Thành Ủy Sài Gòn). Ông Minh có thể được coi là đứng hàng thứ sáu sau Nguyễn Phú Trọng, Đinh Thế Huynh, Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Thị Kim Ngân… Nếu ông Trọng giữ đúng lời hứa và thoái lui sau nửa nhiệm kỳ trong năm 2018 thì ông Minh sẽ có cơ hội lên hàng tứ trụ. Một điểm bất lợi lớn là ông cả đời làm việc trong Bộ Ngoại Giao nên không có điều kiện tạo dựng phe cánh. Ông cũng không đủ ma mãnh như Nguyễn Phú Trọng để mong leo lên được ghế tổng bí thư.”

Người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam từng tán dương ông Phạm Bình Minh sau sự kiện ông dành cặp mắt phẫn nộ cho Ủy Viên Quốc Vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì giữa cao điểm của vụ việc Giàn Khoan Hải Dương 981 được đưa vào lãnh hải Việt Nam hồi Tháng Năm, 2014.

Ông Phạm Bình Minh là con trai của cố Bộ Trưởng Ngoại Giao Nguyễn Cơ Thạch, người được cho là mất ghế bộ trưởng bộ ngoại giao là do áp lực của Trung Quốc trong Hội Nghị Thành Đô 1990 như một điều kiện để bình thường hóa quan hệ hai nước, theo Đài Á Châu Tự Do hồi năm 2012. - nguoiviet
|
|
11.
Người chết vì lũ lụt, lở đất ở Việt Nam tăng lên 68

Số người thiệt mạng vì lũ lụt và lở đất ở Việt Nam do một cơn áp thấp nhiệt đới gây ra đã tăng lên 68 người, trong khi 34 người vẫn còn mất tích, chính phủ trong nước thông báo hôm 15/10.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai, còn có 32 người bị thương, và khoảng hơn 230 nghìn gia cầm, gia súc bị chết trong trận bão lụt này.

Cơn bão ập vào Việt Nam hôm 10/10, theo AP, và từ đó đến nay, chính quyền vẫn đang phải đối phó với các hệ quả.

Tin cho hay, gần một trăm nghìn căn nhà bị ngập, bị sập hoặc hư hỏng trong trận lũ lụt, lở đất tồi tệ nhất ở Việt Nam trong nhiều năm.

Theo Ban Chỉ đạo trên, tỉnh Hòa Bình là nơi bị ảnh hưởng nặng nhất với ít nhất 20 người thiệt mạng và lực lượng cứu hộ hàng trăm người vẫn đang tìm kiếm 8 người mất tích vì lở đất ở tỉnh này.

Trong khi đó, cơn bão nhiệt đới Khanun (Việt Nam gọi là bão số 11) đang suy yếu khi nó tiến gần vào Vịnh Bắc Bộ, và dự kiến sẽ gây mưa ở miền bắc và miền trung Việt Nam.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai đã kêu gọi các địa Phương “tăng cường tuần tra canh gác, kiểm tra, phát hiện và khẩn trương xử lý kịp thời các sự cố hư hỏng về đê điều, hồ đập, giao thông, hệ thống điện, nhất là các trọng điểm xung yếu tại các địa phương đã chịu ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua để chuẩn bị ứng phó với bão số 11 và các đợt mưa lũ tiếp theo”. - VOA
|
|
12.
Báo Việt Nam ‘nâng bi’ sức khỏe ông Trần Đại Quang

Trong bài tường thuật buổi tiếp xúc cử tri ở Sài Gòn của Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang mới đây, báo Thanh Niên dẫn lời một người tham dự với mục đích “nâng bi” rằng: “Trước khi dự cuộc họp này tôi rất lo. Nhưng tới nơi nhìn lên hội trường thấy Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang khỏe mạnh, tươi cười, trò chuyện… khiến tôi rất vui.”

Tờ báo còn cho hay người này sau khi phát biểu còn “đề nghị mọi người ở hội trường cho một tràng vỗ tay để chúc mừng sức khỏe của ông Quang.”

Tuy vậy, trên mạng xã hội, nhà báo Nguyễn Thông, cựu biên tập viên báo Thanh Niên viết: “Nghe các báo tường thuật cuộc gặp của đại biểu Trần Đại Quang với cử tri ở Sài Gòn, tôi khá thất vọng. Thần sắc bác Quang còn kém, âm sắc yếu đi nhiều, theo tôi, bác nên nghỉ ngơi một thời gian nữa, đừng cố mà có hại cho sức khỏe. Thế mà có ông quân xanh còn nức nở khen bác hồng hào khỏe khoắn này nọ. Theo tôi, bác đừng tin mấy anh nịnh, hại cho thể chất đó.”

Ông Trần Đại Quang, chủ tịch nước, một trong “Tứ Trụ Triều Đình” của đảng CSVN, hồi Tháng Tám vừa qua đã trở thành tâm điểm của dư luận khi ông “bí mật sang Nhật chữa bệnh” nhưng không hề được truyền thông nhà nước loan báo mà chỉ được lan truyền trên mạng xã hội. Theo Facebooker Truong Huy San, tức nhà báo Huy Đức, thì “Sự vắng mặt của ông ở trong nước suốt hơn hai tuần đã tạo ra một khoảng trống cho các lời đồn đoán.”

Về nội dung buổi “tiếp xúc cử tri,” nhà báo Nguyễn Thông nhận xét: “Ông Quang đã né tránh hoặc không trả lời đúng câu hỏi. Người ta bức xúc về các trạm thu phí BOT trấn lột, đề nghị nhà nước nêu cách xử lý, ông lại chỉ nói vòng vo. Ai chả biết chủ trương BOT là đúng đắn, BOT là cần thiết trong lúc này, nhưng với mấy cái BOT tầm bậy thì phải quyết ra sao. Điều cần nói thì ông Quang không nói. Ông lại còn cho rằng cần đảm bảo an ninh trật tự, bởi nghề của ông (ông Quang từng làm bộ trưởng Công An). Tôi mạn phép ông, mấy cái BOT đó, chỉ có dẹp đi hoặc chuyển về đúng chỗ của nó là dân hết bức xúc, mà cũng giải quyết được ngay, tận gốc tình trạng mất an ninh trật tự ở các BOT. Đấy mới là việc cần làm.”

“Ngoài ra, ông lại còn đe dọa xử lý hoặc cấm cửa các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội như Facebook mà ông bảo rằng vi phạm những quy định của nước sở tại, quả thật càng thêm thất vọng. Nên nghỉ khỏe hẳn, nhất là để cái đầu thật sáng suốt mà làm tốt vai trò đại biểu quốc hội, rồi thì hãy đi tiếp xúc, ông ạ,” theo Facebook nhà báo Nguyễn Thông.

Cùng thời điểm, blogger Phạm Đăng Quỳnh đăng hình buổi tiếp xúc cử tri của ông Trần Đại Quang và bình luận: “Bà con nhìn cái hình bên dưới thử có ông… dân nào được vào đây ngồi? Nhìn là biết ngay. Nghe nói hơn 300 người này, gọi là cử tri Sài Gòn, hôm qua vỗ tay chúc mừng sức khỏe chủ tịch nước khi ông có thể về tiếp xúc cử tri, và mừng nhất là… người thật việc thật.”

Ngoài ông Trần Đại Quang, các vị còn lại trong “tứ trụ” chóp bu của đảng CSVN như Nguyễn Phú Trọng (tổng bí thư), Nguyễn Xuân Phúc (thủ tướng) và bà Nguyễn Thị Kim Ngân (chủ tịch quốc hội) cũng vừa có các buổi “tiếp xúc cử tri” trước kỳ họp thứ tư, Quốc Hội khóa 14, và được báo chí tường thuật cặn kẽ về các phát ngôn của họ.

Hồi Tháng Năm, ông Huỳnh Ngọc Chênh, cựu nhà báo công tác tại báo Thanh Niên viết: “Cô giáo Trần Thị Thảo rút ra một nhận xét khá thú vị về những lần tiếp xúc cử tri của đại biểu Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, là hầu như ông ấy chỉ tiếp xúc với cử tri già như ông ấy. Không lẽ chỉ mấy ông già hưu trí nầy mới là cử tri? Nên cũng chẳng lạ gì khi có ông già hưu trí Trần Viết Hoàn, nguyên giám đốc khu di tích Hồ Chí Minh, tụng ca ông Trọng là minh quân. Mà kể cũng lạ, đại biểu quốc hội thì tất cả đều bình đẳng như nhau trước cử tri, nhưng tại sao chỉ thấy mấy đại biểu như ông Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang… thường xuyên tiếp xúc cử tri còn hàng trăm đại biểu khác thì rất hiếm khi thấy.” - nguoiviet

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9









No comments:

Post a Comment

View My Stats