Thursday, 19 October 2017

THE VIETNAM WAR : ĐIỆN ẢNH và LỊCH SỬ (Lê Mạnh Hùng)




Lê Mạnh Hùng
October 18, 2017

Những lúc về sau này tôi không muốn theo dõi những chuyện về Việt Nam, kể cả những gì người ta viết về chiến tranh Việt Nam. Thành ra mãi đến khi có một người bạn gọi điện thọai hỏi và nhờ tôi cho ý kiến về tập phim mới nhất của hệ thống truyền hình PBS về chiến tranh Việt Nam tôi mới biết. Nhưng khi mất thì giờ coi tuy rằng không phải toàn bộ 18 tiếng của bộ phim 10 tập này nhưng cũng coi một số đoạn đáng kể, tôi đã thất vọng.

Thật sự thì điện ảnh không phải là một môi truờng có thể diễn tả lại những phức tạp của lịch sử. Để hấp dẫn người coi, điện ảnh cần phải đơn giản hóa những nét xám cần phải giảm bớt để nổi lên cái tương phản giữa đen và trắng. Thành ra tôi cũng không trông đợi nhiều về bộ phim này trên khía cạnh lịch sử.

Nhưng với việc bộ phim 10 tập này về chiến tranh Việt Nam do Ken Burns và Lynn Novick sản xuất và đạo diễn với kịch bản viết bởi Geoffry Ward được ca ngợi như là bộ phim xét lại hoàn chỉnh nhất về chiến tranh Việt Nam vốn đã làm trên 2 triệu người Việt chết cùng với mạng sống của 58,000 lính Mỹ, tôi chờ đợi ít nhất một sự trung thực lịch sử hơn là bộ phim cho thấy.

Truớc hết chúng ta cần phải xác nhận rằng bộ phim này là bộ phim của người Mỹ viết về cuộc chiến tranh của người Mỹ tại Việt Nam trong đó Việt Nam chỉ là bối cảnh. Thành ra chúng ta không nên chờ một sự thấu hiểu nào về lịch sử Việt Nam của các tác giả.
Nhưng chính những phần về lịch sử Mỹ cũng không được tác giả nói lên một cách trung thực.

Truớc hết về nguyên nhân dẫn đến sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam. Các tác giả không hề giải thích hoặc có một cố gắng nào để giải thích vấn đề địa chính trị quan trọng nhất của thời đại mà chiến tranh Việt Nam chỉ là một phần, đó là cuộc đấu tranh sinh tử giữa hai hệ thống phương Tây do Mỹ lãnh đạo và khối Cộng Sản do Liên Xô Trung Quốc cầm đầu. Thành ra khi lên án chiến tranh Việt Nam của Hoa Kỳ là một cuộc chiến tranh phi nghĩa, các tác giả đã né tránh không trả lời câu hỏi vì sao chống lại cuộc xâm luợc của Cộng Sản tại Berlin năm 1949 hoặc tại Triều Tiên trong thập niên 1950 là chính đáng trong khi việc chống lại sự xâm lược của Cộng Sản tại Việt Nam trong thập niên 1960-70 lại là phi nghĩa?

Và có lẽ để tránh câu hỏi đó, bộ phim mô tả ông Hồ và những người Cộng Sản đồng chí của ông như là “quốc gia” và chỉ theo Cộng Sản là để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, nhưng cũng vì vậy không bao giờ tìm cách giải thích tại sao những người quốc gia như vậy lại làm một cuộc chiến tranh xâm lược chống lại chính những đồng bào của mình nhân danh chủ nghĩa Mác-Lê? Và tại sao sau khi chiếm được miền Nam đã nhân danh thực hiện thiên đàng Xã Hội Chủ Nghĩa cầm tù hàng trăm ngàn và gởi đi “học tập cải tạo” những người mà họ gọi là ngụy quân ngụy quyền cũng như đẩy hàng triệu “thuyền nhân” bỏ nước ra đi.

Mô tả lại diễn biến của cuộc chiến cũng cho thấy một sự thiên lệch rõ rệt. Tuy rằng bộ phim cũng có nhắc đến những hành động tàn bạo của phe Cộng nhưng tập trung chính vào những hảnh động tàn bạo của phía Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ. Các lãnh tụ Cộng Sản miền Bắc không bao giờ bị gán cho danh từ “hủ hóa,” tham nhũng.” Những danh từ này được dùng để chỉ những nhà lãnh đạo Viêt Nam Cộng Hòa và về phía Mỹ, Richard Nixon, một người bị các nhà làm phim coi như là một tên tội phạm.

Bộ phim nhắc lại huyền thọai rằng Tổng Thống Richard Nixon đã ngăn cản thỏa hiệp hòa bình tại Paris vào năm 1968 khi thuyết phục Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chối không tham dự Hội Nghị Paris trước cuộc bầu cử tổng thống năm 1968, qua đó kéo dài chiến tranh để ông có thể thắng cử tổng thống.

Trên thực tế năm 1968, ông Thiệu không cần phải ông Nixon thuyết phục cũng biết rằng có tham gia vào hội nghị hòa bình chỉ là một hình thức để Mỹ rút chạy và bỏ mặc cho Việt Nam đối phó với Cộng Sản. Ông Thiệu cuối cùng chỉ chấp nhận ký vào Hiệp Định Paris duới sự đe dọa Mỹ sẽ bỏ rơi Việt Nam và ký riêng thỏa hiệp với Cộng Sản và với lời hứa của Nixon là tuy rằng Mỹ rút quân khỏi Việt Nam nhưng sẽ còn tiếp tục viện trợ quân sự và kinh tế cho Việt Nam để có thể chống lại với Cộng Sản.

Và chính Quốc Hội Mỹ là thủ phạm cho sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam khi đầu tiên cắt giảm và sau đó cắt luôn cả viện trợ quân sự và kinh tế cho Việt Nam. Trong dự thảo luật viện trợ cho Việt Nam năm 1975 đến ngân khoản viện trợ mua phân bón cho nông dân Việt Nam cũng bị cắt chứng tỏ rằng quyết tâm của Quốc Hội Mỹ muốn bảo đảm cho sự sụp đổ của chế độ miền Nam. Tất cả những điều đó không hề được nhắc tới trong bộ phim.

Tập chót của bộ phim có tựa đề là “Reconciliation.” Nhưng tuy rằng đề tài của tập này là “hòa hợp hòa giải,” nó chỉ là cho cho người Mỹ. Nguời Việt không có phần. Rất nhiều thời giờ được dành cho đài kỷ niệm chiến tranh Việt Nam tại Washington DC và những câu chuyện của các cựu chiến binh Mỹ trở về Việt Nam hai mươi năm sau cuộc chiến để coi lại các chiến truờng cũ và bắt tay với kẻ cựu thù. Ta có cảm tuởng rằng người miền Bắc mới là bạn của Mỹ còn người miền Nam là kẻ thù.

Thật là đáng buồn. 

(Lê Mạnh Hùng)

--------------------











No comments:

Post a Comment

View My Stats