Friday 6 October 2017

MỪNG 130 NĂM NGÀY SINH PHAN KHÔI (6/10/1887 – 6/10/2017) - (Phan An Sa - Văn Việt)




3 Tháng Mười, 2017

Tôi dõi theo… và tôi đã thấy
Tùy bút Phan An Sa

Tôi dõi theo…
Một buổi chiều cuối năm 2003, đang làm việc tại cơ quan thì tôi nhận được điện thoại của Lại Nguyên Ân, anh hẹn sẽ sang gặp tôi. Đây là lần đầu tiên chúng tôi biết nhau, ngồi với nhau trao đổi các việc chung quanh tập sách Phan Khôi – Tác phẩm đăng báo 1928 do anh sưu tầm và biên soạn, vừa ấn hành hồi tháng sáu. Tôi bất ngờ và không giấu nổi xúc động, vì từ ngày cha tôi qua đời, gần năm mươi năm qua, tôi chưa bao giờ dám nghĩ sẽ có ngày các tác phẩm đăng báo từ thời Pháp thuộc của ông lại được tái công bố. Tôi biết đâu là hơn mười năm nay Lại Nguyên Ân đã lặng lẽ làm việc đó và giờ đây tôi được cầm trên tay tập sách đầu tiên của bộ sách anh dự định làm cho đến khi nào hết mới thôi. Kết thúc buổi gặp, anh tặng tôi một bản sách còn thơm mùi mực in và đưa tận tay tôi một cái phong bì mỏng, nói là tiền nhuận bút nhà xuất bản gửi trả cho gia đình. Tôi nhận và nói lời cảm ơn, còn dặn thêm anh, rằng các tác phẩm của cha tôi đã đăng báo từ bảy mươi, tám mươi năm trước, theo luật thì chúng đã thành của chung, nên từ lần sau anh nói nhà xuất bản không phải trả nhuận bút nữa. Bữa đó về nhà tôi kể lại cho mẹ tôi nghe, chuyển tận tay bà cái phong bì đựng tiền nhuận bút của ông, bà đặt lên bàn thờ, thắp nén hương kính cáo với ông. Hôm sau, bà mở phong bì, đếm tiền, tôi nhớ đâu như là một triệu sáu, tôi dặn mẹ tôi giữ lấy khoản tiền ấy vì nó là của ông để lại cho bà.


*
*
5 Tháng Mười, 2017

Xóa một cái án về dịch thuật: THÂN OAN CHO DỊCH GIẢ PHAN KHÔI(1)
Phan An Sa
Gần sáu mươi năm nay, lớp độc giả có tuổi vẫn chưa quên chuyện hồi cuối những năm năm mươi thế kỷ trước, một số nhà nghiên cứu – hòa vào bản trường ca chống Nhân văn – Giai phẩm – đã phê phán dịch giả Phan Khôi, đại ý: ở giữa thời Dân chủ Cộng hòa, mà khi gặp một chữ Pháp có nghĩa là khoai tây, ông lại không dịch là khoai tây, mà dịch ra một cái tên nghe rất trái tai và khó chấp nhận, là khoai nhạc ngựa. Và vì ngay sau đó ông trở thành nhân vật phản diện chủ chốt trong câu chuyện Nhân văn – Giai phẩm, nên nhiều người còn ra ý phê phán nặng hơn, cho rằng: thái độ chính trị của ông đối với chính thể đương thời là thiếu nghiêm túc!


*
*
7 Tháng Mười, 2017

Phần hồn & phần xác bài thơ Tình già(*)
Phan An Sa
Tám năm trước đây – vào năm 2009 – nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân phát hiện: bài báo Một lối “thơ mới” trình chánh giữa làng thơ của Phan Khôi – trong bài có đăng kèm bài thơ Tình già – lần đầu tiên được đăng trên Tập văn mùa xuân của báo Đông Tâysố Tết Nhâm Thân 1932, ở Hà Nội. Cũng bài báo này và bài thơ này, nhưng bản đăng ở báo Phụ nữ tân văn số 122 ngày 10/3/1932 trong Sài Gòn, muộn hơn khoảng một tháng, lại bị Sở kiểm duyệt yêu cầu đục bỏ mất trên một trăm từ, cụ thể là bỏ hết những đoạn nào, từ nào nhắc đến bài Dân quạ đình công của Phan Khôi gắn với phong trào xin xâu, kháng thuế ở Trung Kỳ đầu năm Mậu Thân 1908 – một phong trào tự phát, bất bạo động nổi lên tại Quảng Nam, rồi như sóng trào, nhanh chóng lan ra khắp mười hai tỉnh miền Trung, bị thực dân Pháp và Nam triều đàn áp dã man – theo đó, các chiến sĩ Duy tân, gồm cả tác giả bài thơ, bị bắt, bị tù đày.






No comments:

Post a Comment

View My Stats