Wednesday, 25 October 2017

MỤC SƯ NGUYỄN CÔNG CHÍNH YÊU CẦU QUỐC HỘI MỸ ĐƯA VIỆT NAM VÀO CPC (Người Việt Online)




October 24, 2017

WASHINGTON, DC (NV) – Mục Sư Nguyễn Công Chính hôm Thứ Ba, 24 Tháng Mười, yêu cầu Quốc Hội Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC vì đàn áp tự do tôn giáo.

Ông Chính đưa ra lời phát biểu này tại một cuộc điều trần do một số dân biểu Hoa Kỳ vừa tổ chức tại Hạ Viện, nhân dịp Tổng Thống Donald Trump sắp đến Việt Nam tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC và thăm chính thức quốc gia này.

Từ trái, Linh Mục Thomas Reese, bà Trần Thị Hồng, Mục Sư Nguyễn Công Chính, và người thông dịch, tại buổi điều trần. (Hình chụp qua màn hình TV)

Ông nói: “Tôi hy vọng quý dân biểu và Quốc Hội Hoa Kỳ có dự luật đưa Việt Nam vào danh sách CPC. Tôi hy vọng trong chuyến đi Hà Nội của Tổng Thống Trump, ông sẽ yêu cầu chính quyền thả tất cả tù nhân lương tâm tôn giáo, chấm dứt tình trạng đàn áp tôn giáo và vi phạm nhân quyền. Việt Nam chịu trách nhiệm bảo vệ biên kiên biên giới lãnh thổ và ngừng đưa hàng độc hại của Trung Quốc vào đầu độc người dân Việt Nam. Thay vào đó, cần quan tâm vấn đề y tế và giáo dục.”

Buổi điều trần được tổ chức lúc 2 giờ 30 chiều Thứ Ba, 24 Tháng Mười, tại tòa nhà Rayburn House của Hạ Viện Hoa Kỳ.

Chủ tọa buổi họp là ba dân biểu, bao gồm Dân Biểu Ed Royce (Cộng Hòa-California), chủ tịch Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện; Dân Biểu Lou Correa (Dân Chủ-California); và Dân Biểu Zoe Lofgren (Dân Chủ-California).

Dân Biểu Alan Lowenthal (Dân Chủ-California), người triệu tập buổi điều trần, không có mặt vì có một thân nhân qua đời vào phút chót, theo Dân Biểu Lou Correa cho biết.

Tham dự điều trần có ba người, Mục Sư Nguyễn Công Chính, một tù nhân lương tâm vừa từ Việt Nam đến Hoa Kỳ tị nạn chính trị; bà Trần Thị Hồng, vợ của ông; và Linh Mục Thomas Reese, thuộc Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ.

Buổi điều trần do Nhóm Dân Biểu Quan Tâm Việt Nam và Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos đồng tổ chức.

Mở đầu buổi điều trần, Dân Biểu Lou Correa cho biết Mục Sư Nguyễn Công Chính bị án tù 11 năm vì đấu tranh tự do ngôn giáo và bị chính quyền đánh đập, tra tấn. Sau khi chính quyền Hoa Kỳ can thiệp, vào ngày 28 Tháng Bảy, chính quyền Việt Nam quyết định thả mục sư với điều kiện ông phải rời Việt Nam ngay và không bao giờ được quay lại.

Dân Biểu Ed Royce cũng cho biết, ông từng nhiều lần kêu gọi chính quyền Việt Nam thả mục sư và gia đình của ông sau khi họ nhận được điện thoại của bà Hồng kể những khó khăn mà bà gia đình trải qua khi truyền đạo.

“Hoa Kỳ kêu gọi chính quyền Việt Nam nên tôn trọng quyền tự do tôn giáo của người dân và ngừng đánh đập, hành hạ những ai thực hành tôn giáo của họ một cách công khai,” ông Royce nói.

Ông nói thêm: “Vì sao chính quyền lại can thiệp vào quyền tự do tôn giáo của người dân, trong khi nhân quyền được công bố rõ ràng trong hiến pháp tại quốc gia này. Và nếu mọi chính quyền lờ đi quyền này của công dân, điều này dẫn đến câu hỏi, liệu những nhân quyền khác mà người dân Việt Nam đáng nhận sẽ ra sao?”

Ông Royce cũng chỉ trích quyền tự do báo chí tại Việt Nam.

“Việt Nam chỉ xếp hạng 175 trên 180 quốc gia trong bảng thống kê hàng năm về quyền tự do báo chí. Con số này còn thấp hơn cả Cuba, Iran, và Saudi Arabia,” ông nói.

Dân Biểu Zoe Lofgren phát biểu: “Chúng ta là những con người tự do nên có thể đứng lên tranh đấu cho những ai bị đàn áp nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam.”

Bà Lofgren nói thêm: “Chúng ta không thể ngừng đấu tranh cho đến khi nhân quyền tại Việt Nam thay đổi. Tôi rất vui khi mục sư và gia đình ông nay được tự do và tiếp tục đấu tranh về vấn đề này cho những người còn lại tại Việt Nam.”

Sau khi bà Lofgren phát biểu, Mục Sư Nguyễn Công Chính dân lời cầu nguyện và gửi lời cám ơn đến cộng đồng Việt Nam, những tổ chức đấu tranh nhân quyền và tự do tôn giáo, một số cá nhân tiêu biểu như Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng, tổng giám đốc BPSOS, và một số tổ chức khác, cùng các vị dân biểu.

Từ trái, Dân Biểu Ed Royce, Dân Biểu Lou Correa, và Dân Biểu Zoe Lofgren, chủ tọa buổi điều trần. (Hình chụp qua màn hình TV)

Ông Chính kể, “Tôi đã chịu sự đàn áp của Cộng Sản suốt 37 năm. Trong đó có 20 năm tôi không được cấp giấy quốc tịch công nhận là công dân Việt Nam và 17 năm tôi làm công việc truyền giáo luôn bị đàn áp.”

Ông nói tiếp, “Nhà thờ tôi bị hủy năm 2003 và chính quyền tịch thu 300 cuốn Kinh Thánh mà không trả lại. Họ đóng hơn 100 nhà thờ tại Cao Nguyên, và hủy hoại một số nhà thờ tại Tây Nam Bộ và Tây Nguyên. Họ bắt nhiều mục sư và tín đồ Tin Lành cùng những tôn giáo khác vào tù. Và ở trong tù, những người này bị ngược đãi, tra tấn, và có nhiều người chết. Chính tôi chứng kiến một số người tù chết và tôi đã bồng họ trên tay.”

Ông cũng cho biết, dù nhận án tù 11 năm, nhưng trong thời gian 6 năm 4 tháng trong tù, ông chứng kiến nhiều cảnh tượng đau lòng.

“Trong thời gian này tôi bị hành hạ, ngược đãi, biệt giam, và tra tấn. Họ cho chúng tôi ăn miểng chai và kẽm gai cắt nhỏ bỏ trong cơm. Họ biệt giam chúng tôi trong buồng kín và đánh tôi trong lúc tôi đang cầu nguyện. Khi mẹ tôi qua đời, họ không cho tôi gọi về hỏi thăm gia đình,” Mục Sư Chính kể.

Ông hy vọng trong chuyến viếng thăm Việt Nam, Tổng Thống Trump sẽ yêu cầu chế độ Việt Nam thả những tù nhân lương tâm tôn giáo và chính trị và đưa Việt Nam vào lại CPC, danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt do đàn áp tôn giáo một cách nghiêm trọng.

Ông cũng nhắc lại câu nói của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu: “Đừng nghe những gì Cộng Sản nói. Hãy nhìn những gì Cộng Sản làm.”

Bà Trần Thị Hồng, vợ của mục sư, cho biết chính gia đình bà là nạn nhân của chính sách hai mặt này. Bà cũng kể rằng, gia đình bà chỉ là một trong nhiều gia đình tại các vùng Cao Nguyên chịu áp lực từ chính quyền địa phương.

Sau những chia sẻ xúc động của vợ chồng Mục Sư Nguyễn Công chính, Linh Mục Thomas Reese chúc mừng gia đình ông nay sống trong tự do và cho biết ông từng đến Việt Nam tận mắt chứng kiến việc đàn áp tôn giáo tại đây.

“Tôi đến Việt Nam để chứng kiến vấn đề này tận mắt mình,” ông nói. “Vì hành động truyền giáo, mục sư chịu nhiều đau đớn và phải vào tù, trong khi chính quyền dùng quyền lực đề đàn áp gia đình ông.”

Sau khi nghe câu chuyện của bà Hồng, Dân Biểu Lou Correa cho biết những câu chuyện của bà rất quan trọng để Hoa Kỳ liệt kê Việt Nam lại vào danh sách CPC.

“Dù biết câu chuyện rất đau buồn, tôi cám ơn ông bà chia sẻ câu chuyện với chúng tôi,” ông nói. “Với những công dân Việt Nam khác từng chịu cùng cảnh ngộ, xin hãy lên tiếng và chia sẻ với các vị dân biểu. Là một công dân Hoa Kỳ, tiếng nói của quý vị có giá trị.”

Ông cũng nói thêm, “Quý vị cần phải làm điều đó ngay. Không phải ngày mai. Mà chính lúc này.”

Trong khi đó, cũng hôm Thứ Ba, Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn, đại diện Địa Hạt 34 của California, bao gồm vùng Little Saigon, cho biết có gởi một lá thư đến Tổng Thống Donald Trump yêu cầu ông thảo luận nhân quyền và kêu gọi thả tù nhân lương tâm trong chuyến công du Việt Nam sắp tới.

“Trong thời gian qua, Hoa Kỳ ngày càng gia tăng phát triển mạnh mẽ đối tác kinh tế với Việt Nam, nhưng những quan hệ này có ảnh hưởng rất ít đối với hồ sơ nhân quyền của Việt Nam,” Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn được trích lời phát biểu. “Chính quyền Cộng Sản Việt Nam tạo ra một môi trường thù nghịch đối với sự tự do phát biểu, hội họp, và tôn giáo, thường xuyên đàn áp, đe dọa, và bắt giam những ai mạnh dạn lên tiếng chống lại chính quyền.”

Theo thông cáo báo chí, trong lá thư gởi tổng thống, Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn đưa ra chi tiết các vụ vi phạm nhân quyền đang xảy ra tại Việt Nam, những chi tiết về hàng chục nhà hoạt động bị mất quyền tự do cá nhân, và nhấn mạnh trường hợp của Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức “Mẹ Nấm,” và ông Y Yich, một mục sư người Ba Na ở miền Trung Việt Nam.

Cô Như Quỳnh bị bắt vào Tháng Mười, 2016 vì bị tố cáo “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88, và bị biệt giam tám tháng. Vào Tháng Sáu, 2017, cô bị kết án 10 năm tù.

Trong khi đó, ông Yich bị bắt lần đầu năm 2007 và bị truy tố theo Điều 87, “phá hoại sự đoàn kết dân tộc.” Vì tố cáo này, ông bị kết án sáu năm tù. Vào Ngày 27, Tháng Chín, 2013, ông Yich lại bị bắt lần thứ nhì với tố cáo tương tự, và bị kết án 12 năm tù. Hiện tại, ông đang bị giam tại nhà tù An Phước, tỉnh Bình Dương, trong tình trạng sức khỏe ngày càng suy yếu trầm trọng và nhanh chóng, vì ông bị bệnh gan, cao máu nặng, yếu thận, và bị viêm khớp, theo thông cáo. (Kh.L.)

--------------------------

Bài liên quan
.
.






No comments:

Post a Comment

View My Stats