Monday, October 9, 2017
Sau thành công của cuốn Sapiens: A Brief
History of Humankind, sử gia trẻ tuổi Yuval Noah Harari lại gây sóng gió bằng
cuốn Homo Deus: A Brief History of Tomorrow. Cuốn trước nói về lịch
sử đã qua của loài người, cuốn sau nói về tương lai của nhân loại.
Sử gia mà nói chuyện tương lai kể cũng hơi lạ nhưng
tương lai đó có thể tóm tắt bằng một ý: trí tuệ thông minh nhân tạo sẽ xô đẩy
con người đến chỗ chia đôi; đa số sẽ không còn việc để làm, sẽ không biết làm
gì với cuộc đời của mình nên sẽ trở thành một giai tầng vô dụng. Một số ít sẽ
dùng ứng dụng công nghệ sinh học để lai ghép với máy móc nên thông minh hơn, sống
lâu hơn, như những siêu nhân, hay “thần nhân”.
Ý tưởng đó gây ra tranh cãi khắp nơi như Bill Gates
viết hẳn một bài để phản bác. Nhưng chúng ta hãy thử nhìn quanh xem phần đầu của
ý tưởng đó – chuyện sản sinh ra một giai tầng vô tích sự - có cơ may nào xảy ra
chăng?
Chưa cần đến trí tuệ thông minh nhân tạo, cuộc cách
mạng công nghệ đang diễn ra đang làm nhiều người mất việc. Hai thập niên qua,
toàn cầu hóa đã dịch chuyển hàng triệu, triệu công việc như lắp ráp máy móc, sản
xuất công nghiệp, dệt may, da giày, thậm chí nhiều ngành dịch vụ như chăm sóc
khách hàng từ các nước phương Tây sang các nước đang phát triển. Tỷ lệ thất
nghiệp ở Mỹ được cho là dưới 5% nhưng con số người Mỹ không có việc làm và đã
chấm dứt ý định đi kiếm việc làm lên đến trên 40%. Có đến 95 triệu người Mỹ
không còn nằm trong lực lượng lao động của nước này nữa.
Nói họ là giai tầng “vô tích sự” ắt hẳn sẽ nhận lãnh
sự phẫn nộ chính đáng của họ. Nhưng thật ra Harari dùng từ này là nhìn từ góc độ
nhà nước, góc độ kinh tế chứ không mang tính phê phán. Con người luôn có một
giá trị chính trị hay kinh tế nào đó nên nhà nước xưa nay luôn phải chăm lo cho
thần dân của mình sao cho họ có sức khỏe, đủ ăn đủ mặc bởi đó chính là nơi nhà
nước tạo dựng các đạo quân để đi đánh nhau hay để bảo vệ đất nước. Đó còn là đạo
quân lao động tạo ra của cải vật chất cho xã hội.
Nhưng sự dịch chuyển công nghệ làm nhà nước không
còn nhu cầu đó với một số lượng nhân công ngày càng lớn –nên mới có cụm từ “vô
tích sự”. Đó cũng chính là nguồn cơn gây ra sự phẫn nộ của những người không
còn có thể tìm ra một việc làm có thể đem lại cho họ sự thỏa mãn, sự tự tin và
ý nghĩ mình hữu dụng. Lớp
người này đang ủng hộ cho Donald Trump như chúng ta đã chứng kiến.
Toàn cầu hóa tạm lắng xuống thì các xu thế công nghệ
mới lại tước đi những loại công việc khác. Hàng loạt tài xế taxi truyền thống,
hàng loạt bác tài chạy xe ôm đã mất việc vì Uber hay Grab. Các cửa tiệm tạp
hóa, các sạp báo… dần biến mất. Trong tương lai ngắn sắp tới hàng loạt nghề
nghiệp bị đe dọa vì một dạng trí tuệ nhân tạo chuyên biệt đang dần phổ biến như
nghề luật sư tư vấn, bán bảo hiểm, viết tin, trả lời khách hàng, chẩn đoán bệnh,
dạy học, dịch thuật…
Thế nhưng điều de dọa hàng triệu việc làm trong thời
gian tới chính là blockchain, công nghệ nền tảng hiện đang
dùng cho các loại tiền ảo. Blockchain là gì, vì sao nó chiếm việc
làm của con người là một đề tài lớn cho một bài viết khác. Ở đây chúng ta tạm
thời chấp nhận giả định công nghệ này giúp con người, doanh nghiệp và tổ chức
trực tiếp giao dịch với nhau không cần thông qua các định chế trung gian, kiểu
như đi xe Uber mà người đi và người lái trực tiếp giao dịch không cần đến Uber
nữa.
Thế là rất có khả năng doanh nghiệp xuất hàng với
doanh nghiệp nhập hàng làm việc với nhau không cần dùng đến dịch vụ ngân hàng
thanh toán, người mua người bán chứng khoán bấm nút là giao dịch, loại bỏ công
ty chứng khoán, người nghe nhạc mua quyền nghe nhạc trực tiếp từ ca sĩ bỏ qua
các dịch vụ như Spotify hay Apple Music.
Nếu công nghệ blockchain làm được một góc những gì
các nhà phân tích dự báo nó có khả năng làm thì lúc đó lực lượng lao động toàn
thế giới sẽ co lại, chắc chắn một lớp người không có việc gì để làm sẽ ngày
càng đông.
Chưa cần nhìn xa đến mức đó, xu hướng các ngành nghề
thâm dụng lao động hiện nay như may mặc, da giày, lắp ráp máy móc sẽ sử dụng
rô-bốt thay nhân công là điều không thể tránh khỏi. Hàng triệu công nhân chỉ có
tay nghề may quần áo trong một dây chuyền công nghiệp lúc đó sẽ làm gì? Đừng
hão huyền nghĩ rằng sẽ đào tạo họ để điều khiển chính các con rô-bốt thay chỗ
cho họ!
Ví dụ sau cho thấy ngay các nhà khoa học cũng không
thể hình dung tương lai đang biến đổi nhanh như thế nào. Năm 2004 hai giáo sư từ
đại học MIT và Harvard công bố một công trình nghiên cứu, liệt kê các ngành nghề
sẽ bị tự động hóa, trong đó họ liệt kê nghề lái xe tải như một ví dụ về loại
nghề không thể tự động hóa. Chỉ hơn 10 năm sau, xe tải tự lái đang được thử
nghiệm ở nhiều nước và khả năng hàng triệu tài xế xe tải sớm bị mất việc là rất
cao.
Nói gì thì nói, mọi công việc rốt cuộc chỉ là tập hợp
các thuật toán, tức các bước thực hiện tuần tự để đạt được một mục đích gì đó.
Nghề càng chuyên biệt, thuật toán con người càng dễ bị thay bởi thuật toán máy
tính. Lúc đó kẻ thì thất nghiệp còn người nắm được thuật toán máy móc sẽ ngày
càng giàu, ngày càng có quyền lực… Đó là mầm mống để thế giới chia đổi thành
hai ngã như Harari tiên đoán.
Trong ngắn hạn, có thể bác bỏ ý tưởng của Harari bằng
cách chỉ ra rằng con người chỉ dịch chuyển từ nghề (job) sang việc (work) –mất
nghề lái taxi thì có việc mới: chạy xe Uber. Đúng là có sự dịch chuyển rất mạnh
này trong đó nhiều người từ bỏ một nghề mang nghĩa truyền thống, tức gắn với một
nơi nào đó, một công việc được miêu tả cụ thể nào đó để chuyển sang làm các việc
mới nảy sinh.
Có thể báo giấy đóng cửa làm hàng loạt phóng viên mất
nghề làm báo nhưng họ vẫn có thể chuyển sang các mô hình viết lách khác. Hàng
loạt loại công việc mới do Internet tạo ra đang là phương tiện sinh nhai của những
người không chịu cảnh “vô tích sự” như bán hàng qua mạng, sáng tạo rồi bán sản
phẩm sáng tạo của mình qua mạng…
Ở đây phải hiểu ý nghĩa của cuộc tranh luận không dừng
ở chuyện làm việc để có thu nhập nuôi thân. Ngay cả khi xã hội tìm ra cách chia
sẻ tài nguyên theo kiểu phân phát một thu nhập cơ bản (universal basic income)
mà một số nước đang thí điểm thì con người chỉ có thể duy trì tính người khi họ
có một cái gì đó để làm, có ý nghĩa ít nhất là với họ. Với ý nghĩa đó thì nhân
loại dư sức sáng tạo đủ loại việc để khỏi rơi vào cảnh “nhàn cư vi bất thiện”,
kể cả gán những ý nghĩa mới cho nghệ thuật.
Và cũng có người nói lúc đó tầng lớp người vô dụng sẽ
ăn rồi ngồi chơi game 3D, đắm mình vào thế giới ảo và vẫn hạnh phúc như thời đi
cày ngày 8 tiếng. Rất dễ liên tưởng đến cảnh nhiều người hiện đang tiêu tốn nhiều
giờ mỗi ngày cho mạng xã hội, nơi họ có thể đắm mình trong các mối quan hệ ảo
và quên đi thực tại. Điểm gây khó chịu cho nhiều người là Harari cho rằng thật ra
cả ngàn năm nay hàng triệu con người cũng đang chơi một loại game thực tế ảo
trong không gian ba chiều: trò chơi tôn giáo.
Với tiến bộ của công nghệ, loài người dư sức nuôi sống
lẫn nhau dù 90% không có việc làm và 2% chiếm gần hết tài sản của xã hội. Vấn đề
ở chỗ sẽ không ai chịu mình là tầng lớp “vô tích sự”. Họ sẽ loay hoay tìm cách
thoát khỏi sự bế tắc đó. Thoát như thế nào thì chưa rõ nhưng như Harari đã thừa
nhận, con người chế ra cái gọi là trật tự tưởng tượng mới để dễ hợp tác với
nhau dù đó có thể là lòng yêu nước hay đức tin tôn giáo. Thế thì 90% dân số
nhân loại sẽ dùng cái trật tự tưởng tượng đó để tạo ý nghĩa cho “việc” họ đang
làm, bất kể nó là gì.
Trừ phi một viễn tưởng xấu nhất xảy ra. Loài người
có nhiều điều hư tật xấu, ấp ủ nhiều điều phi lý như chế tạo vũ khí có thể hủy
diệt toàn nhân loại nhưng dường như ai cũng đã quen rồi, phải chấp nhận như một
thực tại khách quan. Nhưng trí tuệ nhân tạo thì sao, nếu nó bỗng thấy loài người
đang hủy diệt chính trái đất họ đang sống và nghĩ phải tiêu diệt loài người để
cứu lấy trái đất thì sao.
Hay đơn giản hơn, Harari đưa ra một ví dụ, một tổ chức
nào đó thiết kế một trí tuệ nhân tạo siêu việt và giao cho nó nhiệm vụ tính số
PI. Chẳng mấy chốc chương trình này chiếm lấy địa cầu, hủy diệt loài người, chỉ
nhằm mục đích sử dụng hết tài nguyên của trái đất để tính số PI ngày càng chính
xác. Bởi đó chính là nhiệm vụ con người giao cho nó!
Posted by Phu
Nguyen Van at 9:16 AM
----------------------------
BÀI
CŨ :
No comments:
Post a Comment