Wednesday, 11 October 2017

GIẢI MÃ CÁC KHÁI NIỆM BỊ ĐÁNH TRÁO (Nguyễn Hữu Đổng - Viet-Studies)




Nguyễn Hữu Đổng   -   Viet-Studies
10/10/2017

Khái niệm bị đánh tráo là hiện tượng ngôn từ được con người sử dụng chưa khoa học, xét cả về mặt hình thức (mục tiêu, học thuật), nội dung (phương pháp, nghệ thuật) hay bản chất (nguyên tắc, sự thật). Trên thế giới không hiếm trường hợp các nhà hoạt động chính trị, xã hội sử dụng khái niệm bị đánh tráo một cách có chủ ý, hoặc không chủ ý do nhận thức chưa sâu sắc, chưa khoa học. Đặc biệt, những người có quan điểm tôn thờ “chủ nghĩa”, dạng theo chủ nghĩa “duy tâm”, hay chủ nghĩa “duy vật” như một số người có quan điểm mác-xít, hoặc những người mắc các căn bệnh “mù chữ”, “giáo điều”, “ấu trĩ”, “kiêu ngạo” có thể được coi là những nhà lý luận, thực tiễn chính trị điển hình về sử dụng các khái niệm liên quan đến chính trị bị đánh tráo.

Thế nào là khái niệm bị đánh tráo?

Khái niệm (hiện tượng) là sự vật tồn tại ở dạng “phi vật thể” (phi vật chất) - hiện tượng mang tính “đối lập” với “vật thể” (vật chất). Nhiều nhà khoa học trên thế giới ngay từ thời cổ đại đã nêu ra các mặt đối lập của sự vật, hiện tượng. C. Mác đã từng viết rằng: “ở trong thời đại chúng ta, mọi sự vật đều tựa hồ như bao hàm mặt đối lập của nó” [1]. Các mặt đối lập cơ bản của mọi sự vật, hiện tượng đều có cấu trúc theo mô hình: “vật thể” - “phi vật thể” - “thực thể” (mặt đứng ở “giữa” - sự thật).

 Hiện tượng mang tính đối lập được hiểu là các tư tưởng hay quan điểm, quan niệm tồn tại “ở phía đối ngược lại” [2] với tư tưởng, quan điểm, quan niệm kia. Hiện tượng đối lập mang tính vật thể là muốn nói đến “vật chất” (hình thức - mục tiêu), tức sự vật mà con người có thể nhìn, cảm thấy được bằng giác quan thường; chẳng hạn, con người có thể nhìn thấy cái nhà, vật dụng, hay thể trạng con người. Hiện tượng đối lập mang tính phi vật thể là muốn nói đến “phi vật chất” (nội dung - phương pháp), tức hiện tượng mà con người khó có thể nhìn, cảm thấy được bằng giác quan thường; chẳng hạn, con người khó có thể nhìn thấy âm thanh, quan niệm, hay khái niệm. Hiện tượng đối lập mang tính thực thể là muốn nói đến “bản chất” (thực chất - nguyên tắc), tức sự vật, hiện tượng mà con người có thể hoặc không có thể nhìn, cảm thấy được bằng giác quan thường; chẳng hạn, con người có thể nhìn thấy “tượng Phật”, nhưng khó có thể nhìn thấy “Phật”; hoặc con người có thể nhận biết về hình thức, nội dung của khái niệm “xã hội chủ nghĩa”, nhưng khó có thể nhận thấy bản chất đã bị đánh tráo của khái niệm này.

Khái niệm hay hiện tượng mang tính đối lập được hình thành bởi “vòng quay đối lập” của Trái Đất tự quay xung quanh nó và quay xung quanh Mặt Trời [3]. Hiện tượng đối lập tồn tại ở dạng “hoàn hảo” (đầy đủ) và chưa hoàn hảo. Hiện tượng đối lập hoàn hảo được hiểu là vòng quay của Trái Đất tự quay xung quanh nó trọn một ngày đêm (24 tiếng), hoặc Trái Đất tự quay xung quanh Mặt Trời trọn một năm (365 ngày).

Trong ngôn ngữ tiếng Việt, khái niệm hoàn hảo là muốn nói tới một “danh từ” hoặc cụm danh từ, tức khái niệm đó phải bao hàm mặt đối lập. Chẳng hạn, khái niệm phải bao hàm “mục tiêu” (nói), “phương pháp” (làm) và nguyên tắc (nói và làm). Nếu không bao hàm mặt đối lập, khái niệm sẽ chưa hoàn hảo, tức nó chưa “chính danh” (chưa khoa học); điều đó cũng tương tự như con người chỉ nói mà chưa làm, hay chính sách mới chỉ có mục tiêu mà chưa có phương pháp, nguyên tắc thực hiện. Không chính danh thì ngôn (ngôn từ) không thuận, tức khái niệm đã bị đánh tráo.

Khái niệm bị đánh tráo được thể hiện ở rất nhiều vẻ, do có sự đa dạng của ngôn ngữ, hay đa dạng của các chữ số, các số. Chẳng hạn, về hình thức, chữ số 2 nếu được quay ngược đầu trên xuống dưới sẽ thành chữ số 5; chữ số 6 quay ngược trên dưới, phải trái sẽ thành chữ số 9; xếp chữ số 1 trong số 17 sang phía sau chữ số 7 thì số 17 sẽ biến thành số 71; xếp chữ số 0 trong số 10 sang phía trước chữ số 1 thì số 10 sẽ trở thành chữ số 1; chuyển chữ số dương ở bên trái phương trình đại số sang bên phải thì chữ số dương đó sẽ biến thành chữ số âm; viết thêm một chữ số lớn hơn 0 vào trước “phân số” thì phân số sẽ trở thành “hỗn số”; hoặc xếp chữ số 2 trong phân số ½ vào tử số thì phân số đó trở thành vô nghĩa;..v..v..

 Theo đó, khái niệm bị đánh tráo là xuất phát bởi nhiều nguyên nhân, như có thể do chủ ý hay không chủ ý, do yếu kém về nhận thức, hiểu biết, hay do “nghệ thuật”, tính “thiển cận”, hoặc “thủ đoạn” khi sử dụng ngôn từ, như sắp xếp, thay đổi, thêm, bớt không khoa học vị trí, vai trò của các thuật ngữ, khái niệm trong cụm từ hoặc câu. Việc sử dụng khái niệm bị đánh tráo của các nhà hoạt động chính trị, tức trong tư tưởng, đạo đức và hành động của họ không bảo đảm mục tiêu công bằng, bình đẳng về giá trị (độc lập, tự do, học thuật,…), quyền lợi (quyền lực, quyền uy, lợi ích,…) hoặc tinh thần (hạnh phúc, niềm tin, công lý,…) giữa các cá nhân, nhóm, cộng đồng, có thể được coi là sử dụng khái niệm chưa khoa học (chưa chân thật - giả dối).

Trong thực tế, các nhà lý luận, thực tiễn chính trị khi sử dụng khái niệm bị đánh tráo do kém hiểu biết lại thường hay có các lập luận theo lối “ngụy biện” để bảo vệ các quan điểm, tư tưởng, hành vi sai trái, lệch lạc của mình. Đây được coi là “rào cản” nguy hiểm của “ý thức” hệ (phi vật chất) đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, xuất phát từ các căn bệnh “sùng bái chủ nghĩa”, “tham quyền”, “tham tiền”, “tham danh”, vì quyền lợi của cá nhân và của “nhóm” (đảng phái) chứ không vì quyền lợi chung của cộng đồng quốc gia.

Các khái niệm bị đánh tráo điển hình trong hoạt động chính trị

1) Khái niệm bị đánh tráo điển hình nhất trong hoạt động chính trị là khi các nhà lý luận, thực tiễn chính trị sử dụng khái niệm gắn với cụm từ xã hội chủ nghĩa”. Khái niệm xã hội chủ nghĩa được ghép lại bởi hai danh từ là “xã hội” và “chủ nghĩa”. Xã hội là muốn nói đến cộng đồng người (nhiều nhóm) đối lập với cá nhân (nhóm); còn chủ nghĩa là muốn nói đến “lý luận cơ bản hướng dẫn mọi mặt hoạt động” [4]. Tuy nhiên, xã hội chủ nghĩa lại chỉ là một tính từ, bởi danh từ chủ nghĩa chỉ là yếu tố “ghép sau để cấu tạo tính từ” [5]. Điều đó có nghĩa, khi xếp khái niệm chủ nghĩa trong cụm danh từ “chủ nghĩa xã hội” sang phía sau khái niệm xã hội, thì khái niệm mới (xã hội chủ nghĩa) đã bị đánh tráo thành khái niệm không rõ nghĩa (vô nghĩa), tương tự sau khi lấy toàn bộ các chữ số ở mẫu số của một phân số ghép vào tử số, thì số mới biến thành một số vô nghĩa như đã được phân tích ở phần trên. Còn trong thực tế, con người cũng chỉ xây dựng được xã hội thịnh vượng, dân chủ, công bằng, văn minh, chứ không thể xây dựng được xã hội chủ nghĩa. So sánh một cách hình ảnh với vòng quay đối lập hoàn hảo nêu ở trên thì khái niệm xã hội chủ nghĩa là không hoàn hảo (không khoa học), tương tự Trái Đất mới chỉ quay được ½ vòng xung quanh nó hay ½ vòng xung quanh Mặt Trời.

Điều đó cho thấy, các khái niệm có đuôi ‘xã hội chủ nghĩa’ là đều không khoa học, xét về mặt học thuật. Chẳng hạn, các khái niệm sau đây đang sử dụng rộng rãi ở Việt Nam được coi là các danh từ, cụm danh từ không khoa học, tức chưa chính danh về ngôn từ (chưa rõ nghĩa), đó là:

Tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gắn với sự “mong muốn” của các nhà hoạt động chính trị kiên định theo lập trường của “chủ nghĩa xã hội khoa học” (năm hình thái kinh tế - xã hội), tức theo quan điểm chính trị mác-xít, là xây dựng một nước Việt Nam có xã hội công bằng, bình đẳng (không còn người bóc lột người), xã hội văn minh hơn các xã hội “tư bản chủ nghĩa” - khái niệm cũng thuộc loại bị đánh tráo như khái niệm xã hội xã hội chủ nghĩa đã được phân tích. Do đó, cụm danh từ cộng hòa xã hội chủ nghĩa là không rõ nghĩa, tức không khoa học - bị đánh tráo.

Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa gắn với sự mong muốn của các nhà chính trị mác-xít, là xây dựng một chế độ “dân chủ vô sản” (đa số), tiến bộ hơn nhiều lần “dân chủ tư sản” (thiểu số) - các khái niệm cũng thuộc loại bị đánh tráo. Bởi vì khái niệm dân chủ là khoa học, nhưng sau khi xếp thêm khái niệm vô sản hoặc tư sản vào đằng sau nó thì bản thân khái niệm dân chủ đó lại trở thành không khoa học. Điều đó có nghĩa, dân chủ vô sản hay dân chủ tư sản đều chỉ là các khái niệm bị đánh tráo từ dân chủ là khoa học thành dân chủ không khoa học, tức dân chủ “một chiều” không có đối lập.

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa gắn với sự mong muốn của các nhà chính trị mác-xít, là xây dựng một nhà nước “vô sản” (nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân) khác với nhà nước “tư sản” (nhà nước của giai cấp tư sản). Nhưng nhân dân lại gồm “bốn giai cấp công, nông, tiểu tư sản, tư sản dân tộc và những phần tử khác yêu nước” [6], tức nhân dân bao gồm nhiều nhóm mang tính chất đối lập, như Cụ Hồ (Hồ Chí Minh) đã từng nói. Do vậy, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa về thực chất, chỉ là nhà nước dân chủ có một nửa (nửa vời), nhà nước chỉ riêng của “giai cấp vô sản” - khái niệm phản khoa học, tức khái niệm vô nghĩa (bị đánh tráo).

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với sự mong muốn của các nhà chính trị mác-xít, là phát triển nền kinh tế thị trường nhưng không hướng tới xã hội “tư bản chủ nghĩa” - xã hội có khái niệm bị đánh tráo như xã hội xã hội chủ nghĩa đã được phân tích ở trên. Về thực chất, kinh tế thị trường ở quốc gia nào cũng đều muốn hướng tới xã hội tiến bộ, công bằng, dân chủ và giàu mạnh. Tức mọi khái niệm gắn với xã hội chủ nghĩa trong nhiều trường hợp khác, như chế độ xã hội chủ nghĩa, tổ quốc xã hội chủ nghĩa, cách mạng xã hội chủ nghĩa, thi đua xã hội chủ nghĩa, yêu nước xã hội chủ nghĩa, văn hóa xã hội chủ nghĩa… đều chỉ là các khái niệm không khoa học - vô nghĩa (bị đánh tráo).

Các danh từ có gắn với khái niệm xã hội chủ nghĩa nêu trên đều dựa trên cơ sở lập trường, quan điểm theo thiên hướng “chủ nghĩa”, tức “chủ nghĩa xã hội” - chủ nghĩa gắn với sự mong muốn đạt được các mục tiêu xã hội tốt đẹp. Do vậy, về thực chất, tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là muốn nói đến thể chế cộng hòa “có tính chất của chủ nghĩa xã hội” [7], hay thể chế cộng hòa theo quan điểm chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội là một danh từ, tức tồn tại hiện tượng đối lập giữa mục tiêu và phương pháp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nội dung (phương pháp), bản chất (nguyên tắc) của thể chế trong chủ nghĩa xã hội chuyên chính (một đảng cầm quyền) lại không muốn áp dụng nguyên tắc “pháp quyền” (nguyên tắc bảo đảm công bằng, bình đẳng về giá trị, quyền lợi, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân) và không muốn áp dụng thiết chế nhà nước dân chủ “kiểu tư sản” [8] như Lênin đã từng nhận ra điều sai lầm này, tức những người theo chủ nghĩa xã hội chuyên chính là không muốn áp dụng thể chế nhà nước “tam quyền phân lập”.

Điều đó có nghĩa, thể chế cộng hòa xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay là mới chỉ đề cập đến mục tiêu tốt đẹp, chứ không thật sự đề cập đến việc sử dụng phương pháp dân chủ, nguyên tắc pháp quyền, tức không sử dụng “thần linh pháp quyền” [9] một cách thật sự để bảo đảm giá trị, quyền lợi, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân trong quốc gia như Cụ Hồ đã từng nêu trong bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới trưởng đoàn các nước tham dự Hội nghị Vécxây cách đây gần một thế kỷ.

Tức về thực chất, thể chế quốc gia cộng hòa xã hội chủ nghĩa gắn với hình thức chuyên chính (một đảng) ở Việt Nam hiện nay là thuộc về thể chế quân chủ (phi dân chủ) của một “nhóm” (Vua tập thể) [10] đảng viên bảo thủ (giáo điều) trong Đảng cộng sản, tức thể chế “không dựa vào pháp luật” [11] để quản trị quốc gia, mà dựa vào “sức mạnh” của chính quyền nhà nước như Lênin đã từng áp dụng vào thời kỳ đầu cầm quyền của mình - thời kỳ có nhiều “sai lầm của chúng ta” [12]. Do vậy, có thể thấy rằng, thể chế cộng hòa xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là thiếu dân chủ, tức dân chủ mới chỉ ở mục tiêu (lời nói) - dân chủ “một nửa”.

2) Các khái niệm bị đánh tráo khá điển hình trong hoạt động chính trị là khi các nhà lý luận, thực tiễn chính trị theo quan điểm chủ nghĩa “duy vật” mác-xít, như ở Trung  Quốc, Việt Nam, đã sử dụng một số khái niệm chưa khoa học, như “diễn biến hòa bình”, “quân đội làm kinh tế”, “bộ chính trị”, hay “đảng lãnh đạo nhà nước”. Các khái niệm này về thực chất chỉ là con đẻ của khái niệm xã hội chủ nghĩa bị đánh tráo.

Trong khái niệm diễn biến hòa bình, diễn biến là muốn nói đến phát triển theo một chiều hướng nào đó, như bằng bạo lực, chiến tranh hay hòa bình, theo con đường xã hội chủ nghĩa hay chệch hướng sang tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên, xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa đều chỉ là các khái niệm bị đánh tráo; tức diễn biến hòa bình là khái niệm không rõ nghĩa, ẩn chứa điều giả dối. Khi chuyển cụm từ diễn biến trong khái niệm diễn biến hòa bình sang phía sau cụm từ hòa bình, thì khái niệm mới (hòa bình diễn biến) lại biểu hiện tính chất nhân văn của con người. Bởi hòa bình là muốn nói đến phát triển trong “hài hòa”, “thanh bình” không có chiến tranh; tức con người mong muốn có hòa bình diễn ra trong xã hội luôn có những mâu thuẫn, biến động khách quan. Trong thực tế, không ai muốn chiến tranh diễn ra suốt hàng ngàn năm nay trên thế giới, hay người Việt Nam chẳng ai muốn chiến tranh cứ diễn ra mãi cho đến tận ngày nay vẫn chưa chấm dứt - đó là chiến tranh “ý thức” hệ giữa những người đi theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa và những người không đi theo xã hội chủ nghĩa. Đây thực sự đang là một bi kịch, thảm họa cho Dân tộc Việt Nam mà nguyên nhân dẫn đến chính là chủ nghĩa xã hội (chủ nghĩa cộng sản) chuyên chính (một đảng) - xã hội trong đó không tồn tại các lực lượng, chính kiến mang tính đối lập khách quan, đồng thời pháp luật không được tôn trọng trong xây dựng và thực thi.

Trong khái niệm quân đội làm kinh tế, thuật ngữ quân đội là muốn nói đến những người cùng một đội ngũ của “quân vương” (nhóm - nhà nước) trong quốc gia, có chức năng bảo vệ đất nước, chứ không phải làm “kinh tế” - hoạt động kinh doanh kiếm lợi nhuận. Do vậy, bản chất quân đội là không được làm kinh tế, mà chỉ có thể tham gia sản xuất phi lợi nhuận; hơn nữa, quân đội chỉ có thể “trung với nước” (quốc gia - nhiều nhóm) chứ không phải trung với đảng chính trị (một nhóm) trong quốc gia. Nhìn nhận một cách hình ảnh quân đội và kinh tế trong các chữ số nguyên hay quốc gia cho thấy, quân đội tương tự như các chữ số “âm và dương” (nhiều nhóm - quốc gia), còn kinh tế như chữ số “0” (nhóm trong quốc gia); các chữ số âm, dương không thể làm thay chức năng chữ số 0 - chữ số trung gian; tương tự, quân đội không thể làm chức năng kinh tế. Thực tế hiện nay, quân đội ở Việt Nam làm cả chức năng kinh tế, đã và đang dẫn đến tình trạng quân đội “bóc lột” sức lao động của nhân dân, tức “nhà nước - quân đội” đã trở thành lực lượng cấu kết với nhau thống trị xã hội.

Trong khái niệm bộ chính trị, thì thuật ngữ “bộ” về thực chất là muốn nói đến cơ quan có chức năng quản trị của nhà nước chứ không phải của đảng phái; “chính trị” là muốn nói đến chính sách và cách thức quản trị quốc gia như thế nào để nhằm đạt được phúc lợi chung cho cồng đồng. Điều đó có nghĩa, chính trị là hiện tượng bao hàm mặt đối lập như Mác đã nêu ra, nhưng khi thêm thuật ngữ “bộ” trước khái niệm chính trị, thì cụm từ bộ chính trị lại không có đối lập rõ ràng (công khai); tức bộ chính trị là khái niệm không khoa học (không hoàn hảo) - biểu tượng của sự độc đoán về quyền lực trong xã hội có đối lập khách quan, nhưng bị bộ này “trấn áp” (không cho tồn tại). Nhìn nhận một cách hình ảnh khái niệm chính trị tương tự như một phân số cho thấy, khi thêm một chữ số vào trước phân số đó thì nó đã biến thành “hỗn số”, tức phi chính trị (không khoa học); hay nói cách khác, hiện tượng chính trị như vậy đã trở thành “thủ đoạn”, vì lúc này chính trị đã không còn “bao hàm mặt đối lập” một cách công khai, khách quan như Mác đã nêu ra. Khái niệm bộ chính trị về thực chất là muốn nói tới cơ quan của nhà nước - quốc gia chứ không phải cơ quan riêng của đảng phái chính trị. Trên thế giới, các đảng chính trị trong quốc gia tồn tại xã hội dân chủ, chỉ lập ra ban chấp hành trung ương chứ không lập ra bộ chính trị. Tức khái niệm bộ chính trị trong đảng phái ở các nước theo chủ nghĩa xã hội chuyên chính đã được sử dụng không khoa học về vị trí, chức năng, hay đã bị đánh tráo trong quá trình sử dụng từ ngữ.

Trong khái niệm đảng lãnh đạo nhà nước, cụm từ “lãnh đạo” bao hàm các thuật ngữ “lãnh” và “đạo”. Lãnh là muốn nói tới sự đảm nhận một công việc nào đó của chủ thể, đồng thời chủ thể phải có trách nhiệm với việc đó, tức là nói đến “lệ”, “luật”; còn đạo là muốn nói tới đường lối mà chủ thể phải thực hiện theo những nguyên tắc, đạo đức nhất định. Lãnh đạo được hiểu là chủ thể lãnh đạo phải biết kết hợp sử dụng 3 công cụ quyền lực cơ bản: kết hợp giữa quyền lực “mềm” là pháp luật (hiến pháp, các đạo luật), tức dùng “tài trí” thông qua “bộ não” của mình với sử dụng quyền lực “cứng” là bạo lực (nhà tù, cưỡng chế) và quyền lực “thông minh” là uy tín (uy quyền, sự tín nhiệm), tức dùng “đức độ” và “công tâm” thông qua “dạ dày”, “trái tim” của mình. Sự kết hợp này được thể hiện ở các kỹ năng lãnh đạo chủ yếu như: có tầm nhìn để ra các quyết định, giải quyết các vấn đề; có trách nhiệm, chính trực, tự tin, biết quyết đoán; có kỹ năng tương tác như giao việc, ủy quyền cho người khác, biết dùng uy tín của mình về trí tuệ, đạo đức, sự công tâm để tạo động lực trong nhóm, cộng đồng thực hiện các chính sách, mục tiêu đặt ra. Tức khái niệm lãnh đạo được nhìn nhận vừa là “danh từ”, vừa là “động từ”.

Khi khái niệm lãnh đạo được ghép sau vào một danh từ thì sẽ xảy ra hai trường hợp: khái niệm mới sẽ là danh từ hoặc là động từ. Chẳng hạn, đảng lãnh đạo sẽ có thể là danh từ hoặc động từ.

Trong trường hợp là danh từ, thì đảng lãnh đạo được hiểu là đảng phải đạt được hai tiêu chí cơ bản: 1) đảng “tiên phong” (đi đầu, gương mẫu) về đạo đức, lối sống của các cá nhân đảng viên (người lãnh đạo); 2) đảng tiên phong (đúng đắn) về cương lĩnh, chính sách của đảng do các cá nhân đảng viên cùng nhau xây dựng nên trong các đại hội đảng, trong nghị viện. Trong các trường hợp này, đảng hoặc các đảng viên sẽ có thể là lãnh đạo, nhưng cũng có thể là “bị lãnh đạo” khi không có vai trò tiên phong trong tư tưởng, đạo đức lối sống, hay đưa ra các đường lối, chính sách không khoa học; tức với tư cách là danh từ, đảng hay những người lãnh đạo không có vai trò tiên phong đã biến thành “phản” lãnh đạo - khái niệm gắn với uy tín của đảng, đảng viên đã bị mất trong xã hội.

Trong trường hợp là động từ, thì đảng lãnh đạo được hiểu là cá nhân các đảng viên có chức trách thực hiện công việc “lãnh đạo - quản lý” trong nội bộ của đảng, hoặc trong cơ quan hành pháp của bộ máy nhà nước - quốc gia, khi đảng đó trở thành đảng cầm quyền. Trong các trường hợp này, đảng hoặc các đảng viên sẽ có thể giữ vị trí cầm quyền “chính đáng”, nhưng cũng có thể là “tiếm quyền” (cầm quyền không chính đáng) khi không có vai trò tiên phong trong tư tưởng và hành động; tức với tư cách là động từ, các nhà chính trị thực tiễn không tiên phong đã biến thành “bị” lãnh đạo - khái niệm gắn với uy quyền (cầm quyền hay quyền lãnh đạo) của đảng, đảng viên đã bị mất trong xã hội.

Điều đó có nghĩa, trong cả hai trường hợp, đảng lãnh đạo là muốn nói đến hoạt động không sử dụng quyền lực của các cá nhân đảng viên trong xây dựng và thực hiện các đường lối, chính sách. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều năm ở Việt Nam, các nhà cầm quyền của quốc gia (Đảng Cộng sản) lại sử dụng chưa minh bạch, rõ ràng khái niệm lãnh đạo - quản lý (chỉ đạo) trong cụm từ “Đảng lãnh đạo Nhà nước” (Đảng phục vụ Nhà nước), tức tập thể đảng (Bộ chính trị, Ban chấp hành trung ương) chưa rõ chức năng của mình là chỉ đạo hay lãnh đạo (phục vụ) nhà nước, tương tự như sử dụng sai lầm cụm từ “chính trị phục vụ bộ máy” [13] nhà nước trong thời kỳ ngay sau Cách mạng tháng Mười Nga (1917). Cụm từ “đảng lãnh đạo nhà nước” (chính trị phục vụ bộ máy) được Lênin nêu ra, và sau đó chính Cụ đã nhận thấy cụm từ này chưa khoa học (thiếu tính học thuật), nhưng chưa kịp sửa sai. Điều đó có nghĩa, các nhà cầm quyền ở Việt Nam hiện đang sử dụng khái niệm bị đánh tráo nhưng đã không nhận ra, hay do “bảo thủ” mà không dám nhìn thẳng vào sự thật này. Về thực chất, Đảng lãnh đạo ở Việt Nam do áp dụng phương pháp chuyên chính (quản lý, chỉ đạo - dùng quyền lực của một đảng) nên đã ngày càng thoái hóa dần, trở thành “bị lãnh đạo”, tức không có vai trò lãnh đạo. Cụm từ Đảng lãnh đạo Nhà nước (bắt đầu đưa vào Hiến pháp năm 1980) đang sử dụng trong các văn bản nghị quyết của Đảng, Hiến pháp năm 2013, về cả hình thức và nội dung đều cho thấy rằng, những người tiên phong (tiến bộ) trong nhân dân lại đang phải “làm đầy tớ” (phục vụ) nhà nước (chính phủ), chứ không đúng theo quan điểm “chính phủ phải là đầy tớ”, và “nhân dân là ông chủ nắm chính quyền” như Cụ Hồ đã từng nói đến [14], [15]. Nói cách khác, hiện nay Đảng cộng sản là không xứng đáng giữ vai trò lãnh đạo, và đang cầm quyền không chính đáng (chính danh) ở Việt Nam.

Do vậy, thể chế cộng hòa xã hội chủ nghĩa gắn với mô hình Đảng lãnh đạo Nhà nước là thiếu dân chủ. Về thực chất, thể chế này là mô hình độc đoán của “tập thể” (nhóm) trong việc thống trị cộng đồng (quốc gia), đang làm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không chỉ dẫn đến đất nước bị xâm lược “mềm” từ giặc ngoại xâm, tức bị quốc gia khác xâm chiếm vùng biển, đảo, khoảng “không gian” (phi vật thể), con người Việt Nam bị “bóc lột” kiểu mới một cách kín đáo bởi quốc nạn tham nhũng, lãng phí, mà còn dẫn đến đất nước bị đồng nhất về văn hóa bởi “chủ nghĩa bá quyền” ý thức hệ tư tưởng trái với trào lưu tiến bộ xã hội loài người. Lúc sinh thời, Cụ Hồ đã từng có lần cảnh báo rằng: “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn” [16]. Mất đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam hiện nay chính là do xuất phát từ thể chế mang tính độc đoán của Đảng cộng sản - tiêu biểu của ý thức hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa - tư tưởng phản khoa học (bị đánh tráo). Và do đó, khái niệm “suy thoái tư tưởng”, “thế lực thù địch”, hay “lực lượng phản động”… mà Bộ chính trị, Ban chấp hành trung ương Đảng nêu ra, về thực chất, lại chính là nói đến những đảng viên cao cấp trong các cơ quan này đang có tư tưởng suy thoái hay “thoái bộ” [17] (bảo thủ, không muốn tiếp thu ý kiến phê bình, phản biện), trở thành những phần tử có các quan điểm phản động (phản tiến bộ) đối với Dân tộc Việt Nam.

Thay cho lời kết

Sử dụng khái niệm bị đánh tráo thường gắn với thực tế hoạt động của các nhà lý luận, thực tiễn chính trị thiếu tư duy sáng suốt và sáng tạo, mắc căn bệnh “quan liêu” bắt nguồn từ các quan điểm, ý thức hệ tư tưởng mang tính phi vật chất, như “ấu trĩ”, “giáo điều”, “dốt nát”, “bảo thủ”, “kiêu ngạo”; điều đó tạo nên các hoạt động, hành vi mang tính vật chất, như “cách mạng” bạo lực, “thù hằn” và “đấu tranh” giai cấp trong nội bộ cộng đồng dân tộc, dẫn đến tác hại vô cùng lớn cho tổ quốc và nhân dân. Tác giả bài viết này nhận thấy rằng, việc sử dụng các khái niệm bị đánh tráo ở Việt Nam hiện nay là cực kỳ nghiêm trọng, nhưng không hẳn là do chủ ý. Đây chủ yếu là do nguyên nhân xuất phát từ “kẻ thù nguy hiểm” bởi “tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa” [18] như Lênin đã nhận ra sau những sai lầm trong thời gian cầm quyền của mình, do nạn “mù chữ” (giặc dốt) chưa bị đẩy lùi như các Cụ Hồ (Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh), Cụ Phan (Phan Châu Trinh) đã từng nêu ra cách đây gần một thế kỷ [19]. Do vậy, các nhà khoa học còn có lương tri, đại biểu Quốc hội, các nhà cầm quyền của quốc gia hiện nay cần phải thật sự “tỉnh táo”, nhận thức rõ thể chế xã hội chủ nghĩa là thiếu dân chủ, và vô cùng nguy hiểm cho Dân tộc Việt Nam; hãy sáng suốt, và dám nhìn thẳng vào sự thật sai lầm như cách đây 30 năm, khi bắt đầu “đổi mới” (sửa sai) về kinh tế, cần tiếp tục đổi mới thật sự cả về kinh tế, chính trị và văn hóa, tức loại bỏ hệ tư tưởng giáo điều, chưa khoa học của chủ nghĩa xã hội chuyên chính có một đảng “toàn trị”, xây dựng chủ nghĩa xã hội dân chủ của nhiều đảng “quản trị” đất nước thông qua phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại, hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân và xã hội dân chủ thật sự - xã hội trong đó, có các đảng phái, tổ chức hội được tự do thành lập, hoạt động, đồng thời biết tôn trọng và hợp tác, đoàn kết với nhau, đưa Việt Nam sánh vai cùng với các nước dân chủ trên thế giới hướng tới các mục tiêu quốc gia thịnh vượng, dân chủ, công bằng và văn minh trong xã hội loài người.

………….

[1] C. Mác và Ph. Ăngghen (1993), Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.40.
[2], [4], [5], [7] Viện Ngôn ngữ học (2005), Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng, tr. 1049, 174, 174, 1140.
[6], [15] Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 7, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, tr. 219, 218-219.
[8] V.I.Lênin, Toàn tập,  t. 33, Nxb Tiến bộ, M, 1977, tr. 121.
[9] Hồ Chí Minh, Sđd, t. 1, tr. 438.
[10] Xem: http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/hoc_gia_viet_nam_sup_do_lien_xo_tien_do_chu_nghia_xa_hoi-2.html
[11] V.I. Lênin, Sđd, t. 41, tr. 446.
[12], [18] V.I. Lênin, Sđd, t. 44, tr. 196, 217.
[13] V.I.Lênin, Sđd, t. 43, tr. 87, 447.
[14] Hồ Chí Minh, Sđd, t. 12, tr. 222.
[16] Hồ Chí Minh, Sđd, t. 3, tr. 217.
[17] Hồ Chí Minh, Sđd, t. 9, tr. 290.

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 10-10-17








No comments:

Post a Comment

View My Stats