Friday, 13 October 2017

"CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN" ĐÁNG ĐƯỢC DÂN BÌNH (Vũ Thạch)




Vũ Thạch
13/10/2017

Cầm cuốn “Chính trị bình dân” của tác giả Phạm Đoan Trang trên tay, ấn tượng đầu tiên của người cầm là: “bình dân” gì mà dày đến 500 trang thế này!? Với nỗi lòng hơi ngao ngán đó, “người cầm”, theo thói quen, phớt lờ những Lời nói đầu, Lời cảm tạ (đầy tính chào hỏi thông lệ) để làm “người đọc thử” chương số 1.

Bìa sách “Chính Trị Bình Dân”

Và cái mỉm cười đầu tiên xuất hiện … Chỉ với vài dòng ngắn gọn điểm sơ qua các định nghĩa về “chính trị”, tác giả đã có thể giải thích ngay những tranh cãi bất tận về “phải tách bạch xã hội dân sự và chính trị” đến từ đâu. Và thế là cá cắn câu, “người đọc thử” đã trở thành “người đọc thật”, đọc một hơi hết cả cuốn sách. Để rồi sau cùng gật gù: quả đúng, cuốn sách “bình dân” thật!

Bình dân nhờ nó bình dị. Tác giả thu gom, tổng hợp nhiều nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế để khỏi phí thì giờ đi từ số không, nhưng lại không có dáng vẻ gì khoe khoang kiến thức. Tác giả làm xuất sắc công việc cô đọng các công trình nghiên cứu đồ xộ đó xuống tới mức dễ hiểu và dễ nhớ cho đại khối quần chúng bình dân.

Cuốn sách cũng bình dân nhờ nó thiết thực, tức có thể ứng dụng được ngay chứ không phải chờ học lâu, học cao rồi mới có ích. Tác giả luôn cố ướm từng ý niệm vào trường hợp thực tế Việt Nam chứ không dừng lại ở việc trình bày lý thuyết tổng quát như một số sách vở khác. Đặc biệt ở mỗi cuối chương thường có những bài đọc ngắn mang tính ứng dụng hay so với chuyện thực ngoài đời, do các tác giả khác viết. Chính những bài đọc này khiến cả cuốn sách thêm phần hứng thú, không khô khan.

Cuốn sách còn bình dân nhờ nó bình thản. Tác giả chẳng cần lên giọng hay xuống tông, chỉ bình thản đi vào từng ý niệm, chẳng tránh né chủ đề nào, chẳng núp sau “bác” nào hay văn thư, nghị định nào. Thí dụ như:

· Tác giả đi vào những câu hỏi vừa thú vị vừa nhạy cảm: có bao nhiêu loại ý thức hệ? có bao nhiêu kiểu ý thức hệ cộng sản? và mặn hơn nữa, ý thức hệ có cần thiết không?

· Hay thản nhiên bàn có bao nhiêu cách “Thay đổi xã hội”? Nếu không làm gì hết thì xã hội có thay đổi không?  Thay đổi kiểu đó tốt hay xấu? …
Trên căn bản bình dân đó, cuốn sách này sẽ góp phần đáng kể vào những chỗ thiếu trong kiến thức chính trị đại chúng tại nước ta hiện nay:

· Tác giả trình bày lại, rất đầy đủ, một số khái niệm mà đa số bà con ta, kể cả những người hoạt động, đã từng nghe rồi nhưng có lẽ chưa hiểu hết, như: “tính chính danh” là gì và đến từ dâu? “công bằng” là gì? công bằng ở đầu vào hay đầu ra? v.v.

· Tác giả cũng kiếm được nhiều chữ tiếng Việt khác với những chữ quen dùng xưa nay, từ đó giúp tránh bớt các hiểu lầm do định kiến ẩn nấp trong các từ ngữ, chẳng hạn như dùng chữ “chủ nghĩa bảo tồn” thay vì chữ thường dùng “chủ nghĩa bảo thủ”, v.v.

· Và cũng không thừa chút nào khi tác giả tổng hợp hiện trạng và bản chất của cơ chế chính trị, bộ máy điều hành tại Việt Nam. Một khi đọc xong, mọi người sẽ tránh được nhiều tranh cãi không cần thiết chỉ vì hiểu thiếu hay chỉ nhìn từ góc nào đó của hiện trạng. Việc tổng hợp này cũng cho người đọc thấy cơ chế chính trị tại VN bất thường cỡ nào so với thế giới.

Và hiển nhiên, như mọi cuốn sách khác, “Chính trị bình dân” cũng có những điểm còn lùng bùng, còn cần đem ra tranh luận. Cụ thể như:

· Định nghĩa cứng ngắc về đảng chính trị và các đảng viên đảng chính trị khi khẳng định mục tiêu hàng đầu của họ là tìm cách nắm quyền, và ai nói khác là nói dối. Điều này ngay tại các nước dân chủ đã không đúng trong rất nhiều trường hợp rồi, áp dụng vào Việt Nam tại thời điểm này để bảo họ nói dối thì có quá đáng chăng? Thật ra, “định nghĩa” chỉ tổng hợp và rút gọn những gì thấy trong thực tế để có thể dùng một cụm từ đại diện, tức định nghĩa phải chạy theo thực tế, chứ không thể “gọt chân cho vừa giày” theo hướng ngược lại.

· Hay về cách dịch một số từ ngữ, “state”, “nation”, “rule of law”, “rule by law”, v.v. sang tiếng Việt.

· Hay các đoạn ứng dụng một vài khái niệm mới, như “chi phí cơ hội” (có lẽ từ chữ opportunity cost), v.v.

· Hay một vài dữ kiện như hệ thống bầu cử 4 tầng hội đồng nhân dân. Việc này đã thay đổi từ 2008; v.v.

Nhưng tất cả những điểm nho nhỏ đó lại cho cuốn sách này một vai trò nữa. “Chính trị bình dân” sẽ không phải là điểm chót, mà là điểm khởi động cho nhiều thảo luận hữu ích trong tương lai.

Và sau hết, cuốn sách được kết thúc với phần phụ lục khá đặc biệt, mà đặc biệt nhất là bản liệt kê các thủ thuật tuyên truyền. Người đọc không khỏi có cảm giác được phần tráng miệng đặc sắc sau một bữa ăn no nê, thỏa mãn. Nói gọn lại, “Chính trị bình dân” có sức hấp dẫn và chở đầy lợi ích từ chương đầu đến chương cuối.

Hiện đã có cả dạng in giấy và dạng điện tử của “Chính trị bình dân” tại Amazon để đặt mua. Riêng dạng điện tử được phổ biến với giá chỉ 5 USD.

Trong lời giới thiệu sách trên mạng, tác giả Phạm Đoan Trang nói: “Nếu có yêu tôi … thì xin hãy đọc cuốn sách này”. Nhưng có lẽ những ai chưa quen biết, chưa yêu quí tác giả lại càng nên đọc. Đọc để thấy không thể không yêu quí tác giả. Yêu quí không chỉ vì công sức đã bỏ ra mà còn quan trọng hơn nữa, yêu quí vì tấm lòng của tác giả đối với đất nước, đối với những đồng bào bình dân của chị.

-----------------------

Liên Quan :

… Thì xin hãy đọc cuốn sách này, “Chính trị bình dân”.
Wednesday, October 4, 2017







No comments:

Post a Comment

View My Stats