Monday, 4 September 2017

BẢN TIN NGÀY 4/9/2017 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Biển Đông
PGS TS Hoàng Ngọc Giao có bài: Chính quyền Việt Nam đã làm gì để bảo vệ chủ quyền biển đảo? Tác giả điểm lại các mốc thời gian kể từ ngày 1/5/2014, khi TQ đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng Đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, khi TQ đang tập trận sát sân nhà VN, kể từ ngày 29/8 đến ngày 4/9.

Tác giả viết: “Như vậy, sau 03 ngày Trung quốc mang quân vào nổ súng trong Vùng Biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam, nhưng Việt Nam mới chỉ tuyên bố là ‘hết sức quan ngại’, là ‘mọi hoạt động của nước ngoài… cần phải tuân thủ LPQT’, và ‘đề nghị TQ chấm dứt và không lặp lại hành động này'(!). Tuyên bố như vậy, quá yếu ớt, nếu như không nói là với tâm thức sợ hãi! Giặc vào nhà, nhưng vẫn đề nghị giặc đừng làm thế, nên tôn trọng pháp luật!

Còn nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn thì cho rằng: Việt Nam đang bị dồn vào chân tường. Tác giả viết: “Theo tôi, đã quá trễ để VN có thể ‘làm cái gì đó’ để ngăn cản hành vi của TQ trong tương lai. Bởi vì các hành vi của TQ (từ sau Thế chiến II) thể hiện trên thực tế là phản ảnh yêu sách ‘chủ quyền’ hai quần đảo HS và TS của TQ“.

LS Nguyễn Văn Thân có bài viết, trích từ câu nói của GS Kishore Mahbubani, Trưởng khoa Trường chính sách công Lý Quang Diệu, ĐH Quốc gia Singapore: “Nước nhỏ phải hành xử như một nước nhỏ”. Tác giả nhắc lại sự kiện:

Trong phiên họp ASEAN tại Hà Nội vào năm 2010, Dương Khiết Trì lúc đó là ngoại trưởng đã nói với các ngoại trưởng ASEAN là ‘Trung Quốc là một nước lớn, quý vị chỉ là những nước nhỏ’ rồi nhìn chòng chọc vào mắt của George Yeo ngoại trưởng Singapore thời bấy giờ. George Yeo đáp lễ bằng cách nhìn chòng chọc lại vào mắt Dương Khiết Trì. Các nhà ngoại giao Singapore nhận thức được rằng một khi họ để cho quốc gia của họ bị bắt nạt thì quốc gia của họ mãi mãi sẽ bị bắt nạt“.

Bàn tròn BBC, điểm tin tức, sự kiện trong tuần (từ ngày 28/8 đến 3/9/2017), gồm 3 diễn giả: TS Phạm Chí Dũng, TS Nguyễn Xuân Diện và nhà báo Lê Trung Khoa.

Các diễn giả bình luận về sự kiện Trung Quốc “thông báo tập trận trên Biển Đông ở địa điểm bên trong lãnh hải Việt Nam tuyên bố chủ quyền, rất gần thành phố Đà Nẵng“, sự kiện GS Tương Lai tuyên bố rời khỏi ĐCS Việt Nam, và chuyện ông Trịnh Xuân Thanh ảnh hưởng thế nào tới mối quan hệ Việt – Đức.

Điểm tin tức, sự kiện trong tuần (từ 28/8-3/9/2017)

Nhà văn Trần Trung Đạo có bài từ trích trong Chính Luận Trần Trung Đạo: Bài 49: Từ “Phạm Văn Đồng” tới “Thành Đô”, hai công hàm bán nước. Tác giả viết:

Không ai, ngoài Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười và Nguyễn Văn Linh, biết chính xác nội dung hội nghị bí mật Thành Đô. Tuy nhiên, qua thái độ nhu nhược và phản ứng yếu hèn của giới lãnh đạo CSVN trước các hành động chiếm đảo, bắn tàu, cắt dây cáp, giết người tàn nhẫn của hải quân Trung Cộng và mới đây bắt bớ hàng loạt người Việt gióng lên tiếng nói bất bình, cho thấy nội dung bán nước trong ‘công hàm Thành Đô’ hẳn còn trầm trọng và chi tiết hơn cả ‘công hàm Phạm Văn Đồng’.”

Hai tàu chiến có hệ thống tên lửa, mà VN đặt mua của nhà máy đóng tàu Gorky, Nga, từ năm 2012, sẽ nhận được vào đầu tháng 9 và tháng 11: Chiến hạm Gepard Việt Nam sắp về nước trên tàu Rolldock Star.



Sân bay Long Thành và nhà thầu Trung Quốc
Báo Cali Today có bài: Sân bay Long Thành đang được PR để giúp quan chức bán đất! Thời gian qua, Việt Nam không còn được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Phát triển Á châu nữa. Các dự án “khủng” ở VN, trong đó có dự án sân bay Long Thành, không có vốn để thực hiện.

Tác giả viết: “Giờ đây, ngân sách vô vọng đã khiến nhóm lợi ích không biết tìm đâu ra tiền để trám vào cái lỗ trống toác đến 18 ngàn tỷ dùng cho giải phóng mặt bằng ở dự án sân bay Long Thành. Mà 18 ngàn tỷ đồng còn tìm không ra thì lấy đâu ra 18 tỷ USD – nhiều gấp hai chục lần – để xây dựng ‘một trong những sân bay hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á’?

Báo Người Lao Động có bài: Làm sân bay Long Thành: Cẩn trọng nhà thầu Trung Quốc. Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, đặt vấn đề: “Nhiều nhà thầu Trung Quốc yếu kém nhưng vì sao vẫn trúng thầu những công trình ở Việt Nam. Nhiều khả năng là có sự bôi trơn, ‘đi đêm’ trong quá trình đấu thầu. Cho nên cần phải thận trọng trong lựa chọn”.

Ông Liêm cũng nói rằng, doanh nghiệp Trung Quốc KAIDI chưa có kinh nghiệm xây dựng sân bay, “nhưng họ lại liên kết với doanh nghiệp trong nước để đặt vấn đề với Chính phủ. Như thế là đã có sự toan tính rồi“.


Quan hệ Việt – Đức trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao
VOA có bài: Đức chúc mừng Việt Nam giữa căng thẳng ngoại giao. Bài viết dẫn lời một độc giả viết: “Người trong nước không hiểu gì người Âu Mỹ cả. Đối với họ, việc nào ra việc nấy… Đức là nước tam quyền phân lập, mỗi cơ quan có nhiệm vụ riêng của nó, không có việc cơ quan khác ra lệnh cơ quan này phải làm việc nhu ý muốn đâu”.


Tổng thống Mỹ mừng Quốc khánh Việt Nam thống thiết quá!
Báo Người Lao Động đưa tin: Tổng thống Donald Trump mừng Quốc khánh 2-9, mong chờ thăm Việt Nam. Ông Trump gửi điện mừng tới CTN Trần Đại Quang. Bức điện viết: “Tôi mong đợi làm việc cùng Ngài nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước chúng ta và trông đợi chuyến thăm tới đất nước tươi đẹp của Ngài vào tháng 11 tới. Nhân dịp kỷ niệm ngày đặc biệt này, chúng tôi xin gửi tới Ngài và Nhân dân Việt Nam những lời chúc mừng nồng nhiệt nhất và xin chúc cho hòa bình, phồn vinh và hạnh phúc“.

Chắc ông Trump muốn Chính phủ Việt Nam gửi tiền giúp đỡ nạn nhân bão lụt ở Mỹ hay sao mà gửi điện mừng với lời lẽ thống thiết dữ vậy? Ngày 1/9, tòa Bạch Ốc đưa tin, ông Trump tuyên bố ngày 3/9 là ngày cả nước cầu nguyện cho các nạn nhân của cơn bão Harvey, cơn bão đã ‘gây thiệt hại tới 180 tỷ đôla’, ảnh hưởng đến đời sống của gần 7 triệu người dân Texas.

Trong khi phải lo đối phó với thiên tai khủng khiếp ở Mỹ, mà ông Trump gửi điện chúc mừng Quốc khánh VN hết sức nồng nhiệt như vậy, hoặc là báo chính đưa tin vịt, hoặc là ông Trump không thật lòng, hay là ông muốn Việt Nam giúp đỡ… vài tỷ Mỹ kim, trong số thiệt hại lên tới 180 tỷ?

Giới trí thức đã bị Việt Minh đối xử như thế nào?
BBC có bài: Vì sao cha tôi và các trí thức bị cách ly? Ông Trần Tiến Đức, cựu Vụ trưởng Vụ Giáo dục & Truyền thông, Ủy ban DS & KHHGĐ Việt Nam và là con trai BS Trần Duy Hưng, thị trưởng đầu tiên của TP Hà Nội thời Chính phủ Hồ Chí Minh, cho biết:

Cho đến năm 1950, vai trò của các trí thức trong chính phủ kháng chiến còn rất to lớn, nhưng sau năm 1950, sau khi Chiến dịch Biên giới thắng lợi, mở ra sự thông thương với Trung Hoa Cộng sản, thì các đoàn cố vấn Trung Quốc sang và sức ép đối với Hồ Chí Minh và đối với lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là phải thay thế những người trí thức trong chính phủ bằng những nhân vật khác”.

Mời nghe clip nhà báo Trần Tiến Đức nói về ngày 2/9/1945 và vai trò của các trí thức Việt Nam lúc bấy giờ:
Lịch sử Hungary và vai trò trí thức Việt Nam ngày 2/9 năm 1945

Đại án OceanBank
Báo infonet có bài: Đại án OceanBank: Nguyễn Xuân Sơn chi tiền tỷ mua hộ nhà cho TGĐ Đỗ Văn Hậu? Ông Nguyễn Xuân Sơn thừa nhận “có đưa cho Nguyễn Xuân Thắng 10 tỷ đồng và Thắng đã mua hết 7,125 tỷ đồng. Khi được hỏi mua cho ai, cựu Phó TGĐ PVN khai mua cho ông Đỗ Văn Hậu, Tổng Giám đốc PVN thời điểm đó“.

Cũng trên báo infonet, có bài: Nhiều nhân viên OceanBank Hải Phòng tố sếp ép phải nhận tội. Một nhân viên tên Lan cho biết: “Tôi chi thực tế gần 200 triệu đồng nhưng bị ép nhận số tiền để chi chăm sóc khách hàng lớn hơn rất nhiều. Tôi không nhận tiền trực tiếp từ hội sở OceanBank mà nhận tiền từ chị Trần Kim Chi – quyền giám đốc chi nhánh Hải Phòng của OceanBank. Chúng tôi có những bằng chứng chứng minh chị Chi ép chúng tôi nhận tiền để chi lãi ngoài và có thể cung cấp với quý tòa và cơ quan điều tra”.

Bài trên báo Tuổi Trẻ: Từ đại án OceanBank, lộ nỗi khổ biếu xén, điếu đóm… Bà Vũ Kim Hạnh dẫn lời một doanh nhân bị gạ đi với mấy quan lớn, kể: “Em có kinh nghiệm rồi chị ơi, tối nay nhậu một chầu, mai hai trận, ngày mốt đi hầu mấy ổng đánh golf. Có lần như vậy em bị dính rồi, tổng cộng không dưới 100 triệu. Chịu trời không thấu, thôi thà em bay về rồi đầu tuần bay ra. Chị coi có khổ không?

Ảnh minh họa. Nguồn: báo TT

LS Trương Thanh Đức, chủ tịch Công ty luật BASICO cho biết: “Có 11% doanh nghiệp được khảo sát, cho biết phải chi hơn 10% doanh thu cho các khoản chi phí không chính thức. Với doanh nghiệp lớn như ngân hàng, tập đoàn, tổng công ty thì 10% doanh thu là rất khủng khiếp“.


Cựu thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình có run?
Báo Lao Động có bài: Bị Thanh tra Chính phủ “sờ gáy”, Ngân hàng Nhà nước giải thích ra sao? Chắc do bị “cóng” vì bản báo cáo Kết luận thanh tra: NHNN “bị động và có nhiều vi phạm“, nên đại diện NHNN cho biết, “sẽ nghiêm túc thực hiện đầy đủ những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nội dung này“.

Đáng chú ý, là hoạt động thanh tra này được tiến hành từ tháng 1/2010 đến tháng 6/2015, thời gian mà ông Nguyễn Văn Bình đang là Thống đốc. Trong bản Kết luận Thanh tra, mục ‘Về công tác phòng, chống tham nhũng’ nêu: “Thống đốc NHNN không giao nhiệm vụ cho Vụ tổ chức cán bộ tham mưu về việc thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập mà giao nhiệm vụ cho các Thủ trưởng đơn vị tự lập không được Thống kê phê duyệt là chưa đúng quy định“.


Mặt trận Tổ quốc VN giám sát đảng trưởng?
Báo VietNamNet có bài: Mặt trận làm sao giám sát được Bí thư. Ông Lý Ngọc Thạch, Trưởng ban Dân chủ và Pháp luật, MTTQ TP. HCM kêu: “Người đứng đầu là Bí thư Thành uỷ thì Mặt trận giám sát như thế nào? Chẳng lẽ nói, báo cáo anh tụi em chuẩn bị giám sát anh. Như vậy rất khó, cơ chế nào để thực hiện?” Đã có “đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối” rồi, sao lại có cái tổ chức Mặt trận Tổ Quốc, đòi giám sát ông đảng trưởng?

Ông Thạch than, chuyện giám sát kê khai tài sản của đảng viên, cán bộ, công chức, khi kê khai tài sản chỉ được niêm yết tại nơi làm việc, làm sao biết được tài sản thực như thế nào. Ông nói: “Như thế thì làm sao nhân dân biết được tài sản của đảng viên, cán bộ đó là bất minh. Có những cán bộ cao cấp khi về tới nhà thì kín cổng cao tường. Đi họp tổ dân phố thì cử người giúp việc đi, làm sao dân giám sát được?”

Nhớ lại thời ông Nguyễn Thiện Nhân còn làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc VN, mặc dù là Ủy viên Bộ Chính trị, nhưng ông Nhân có giám sát được Ủy viên Bộ Chính trị hay Ủy viên BCH Trung ương đảng nào đâu, bởi vì trên ông còn có Tổng bí thư, là người lãnh đạo “toàn diện, tuyệt đối”. Nhưng mà chỉ hơn 3 tháng về làm Bí thư Thành ủy TP, thì cái TP này đã Đủ cơ sở để vào top 10 thành phố đẳng cấp thế giới! Thế này thì có thể so sánh TP HCM với Singapore được rồi!

Cập nhật tình hình Đồng Tâm
Facebooker Lê Công có Video clip về cuộc họp chống tham nhũng hàng tuần của bà con xã Đồng Tâm. Cụ Lê Đình Kình rất phẫn nộ khi một cán bộ địa phương nói rằng: “Trên đã quyết định dù đúng hay sai đều phải chấp hành“. Còn đối với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch TP Hà Nội, cụ Kình cho rằng “lại tỏ ra rất thành thạo, chuyên nghiệp về vấn đề dối đảng lừa dân“.

Bê bối thuốc điều trị ung thư giả
Báo Một Thế Giới có bài: Những lo ngại từ sự thiếu trung thực của một số cán bộ lãnh đạo. Bài báo viết: “Có lẽ PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến đã nghiên cứu rất kỹ khi thông tin rằng bà ‘không có ai là người thân làm ở Công ty VN Pharma’ và bà ‘cũng không biết đây là công ty nào bởi nó rất nhỏ’ trong lĩnh vực mà bà là người phụ trách cao nhất. Thế nhưng người ta có quyền nghi vấn, sao công ty này nhỏ mà luôn trúng các vụ đấu thầu lớn và lớn nhanh như Thánh Gióng vậy?

Bài viết cho rằng, “với một cán bộ cấp Bộ trưởng như bà, đây là sự thể hiện chưa khách quan và cũng chưa thật sự thành thực, nhất là ở một chính khách. Nó chính là phẩm chất cần thiết của người làm lãnh đạo mà Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xem như là điều cần thiết số một đối vói đảng viên“.

VnExpress có bài: VN Pharma phát triển ‘thần tốc’ như thế nào. Bài báo cho biết: Trong khi nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành dược phẩm như Imexpharm hay Pymepharco “rơi rụng” vì không thể cạnh tranh về giá trên thị trường, thì thời VN Pharma ở đỉnh cao, “một loạt gói thầu trị giá từ vài chục tỷ cho tới vài trăm tỷ đồng đều đến tay VN Pharma. Có thể kể đến như gói thầu 488 tỷ của Sở Y tế TP HCM hay gói thầu các mặt hàng thuốc 120 tỷ của Bệnh viện Chợ Rẫy, giúp công ty cán mốc doanh thu 1.077 tỷ đồng“.



Ngụy biện để tăng thuế VAT 
Báo tia Sáng có bài của TS Vũ Đình Ánh: Tăng thuế GTGT: Một lựa chọn khiên cưỡng. Ông cho biết: “Muốn giảm thâm hụt NSNN thì có thể sử dụng nhiều biện pháp giảm bội chi như tinh giản bộ máy nhằm giảm chi thường xuyên, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, v.v. chứ không nhất thiết phải tăng thuế suất thuế GTGT hay đưa ra những sắc thuế bất hợp lý nhằm tăng nguồn thu“.

Báo Dân Trí có bài: Tăng thuế VAT với người nghèo: Không thể tác động ít mà ngược lại. Về đề xuất tăng VAT của Bộ Tài chính, bà Vũ Thị Mai, thứ trưởng bộ này khẳng định, việc tăng thuế lên 12% có tác động tới người dân nghèo nhưng không nhiều.

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phản bác lại: “Nói như vậy không thuyết phục, chẳng qua người nghèo họ không có tiền, nên phải ưu tiên cho ăn, học, chữa bệnh. Đâu phải người nghèo không muốn hưởng các dịch vụ khác, nên không thể nói vì thế họ ít ảnh hưởng của tăng thuế”.


Bất cập các dự án BOT
Báo người Lao Động có bài: Né trạm Cai Lậy, kẹt cứng trên cầu Rạch Miễu. Nguyên do người dân lo sợ trạm BOT Cai Lậy có thể bị kẹt xe nên chọn đường về Bến Tre qua Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng… “làm kẹt xe nghiêm trọng ở cầu Rạch Miễu“.

Báo Thanh Niên có bài: Đề nghị giảm phí các trạm BOT ở Bình Định, Lâm Đồng. Người dân địa phương tại đây rất bất bình, cho rằng “việc quản lý nguồn thu tại các trạm thu phí chưa chặt chẽ, minh bạch, trong quá trình khai thác đường đã xuống cấp nhưng vẫn thu phí bình thường…

Do vậy, Sở GTVT tỉnh Bình Định xác nhận đơn vị này “đã có văn bản đề nghị Tổng cục Đường bộ xem xét, có ý kiến đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu giảm mức phí qua 3 trạm BOT đặt trên quốc lộ (QL)1 và QL19 qua địa bàn tỉnh“.


Thông tin về lật tàu SE3 ở Quảng Bình
Báo TN & MT có bài: Tổng công ty Đường sắt thông tin về vụ tai nạn tại Quảng Bình. Sáng hôm qua, tàu khách mang số hiệu SE3 đã va chạm với một xe máy xúc đi qua đường sắt thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Vụ tai nạn khiến tài xế lái máy xúc bị thương, đầu máy 943 bị đổ, 3 toa xe sát đầu máy bị trật bánh; máy xúc bị hư hỏng. Rất may là toàn bộ hành khách đi trên đoàn tàu SE3 đều an toàn.

Báo Pháp luật TP có bài: Ai chịu trách nhiệm trong vụ lật tàu SE3 ở Quảng Bình? Bài báo cho rằng, “địa phương là nơi chịu trách nhiệm chính khi để xảy ra tai nạn tại các lối đi dân sinh“.


Việt Nam liệu có sản xuất được ô tô?
Báo Nhà Quản Lý có bài: Vingroup gây ‘chấn động` thế giới với dự án chế tạo xe hơi. Bài báo dẫn nguồn từ báo Bloomberg: “Việt Nam muốn tự sản xuất ô tô cho mình“; Reuters: “Tập đoàn Vingourp của Việt Nam bắt đầu xây dựng tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô đầu tiên trị giá 1 đến 1,5 tỉ USD“; Nekkei: “Gặp VinFast, nhà sản xuất ô tô mới nhất – từ Việt Nam“.

Bài báo có đoạn: “Việc chọn Hải Phỏng để đặt nhà máy là đón đầu những thuận lợi mà cảng quốc tế Lạch Huyện sẽ hoàn tất vào 2018, mang lại. Những tàu lớn có thể cập cảng, sau đó mang ô tô của Vinfast xuất khẩu đến Bắc Mỹ và châu Âu”.

Báo Dân Việt có bài: Giấc mơ ô tô Made in Vietnam của ông Phạm Nhật Vượng có khả thi? Bài báo cho rằng: “Trong khi Bộ Công Thương thừa nhận mục tiêu phát triển ngành ô tô Việt Nam thất bại, giá bán vẫn cao gấp đôi so với các nước trong khu vực, cùng với đó tỷ lệ nội địa hóa cũng không đạt yêu cầu đề ra… thì Tập đoàn Vingroup đã đặt ra mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa ô tô xe máy của doanh nghiệp này là 60%“. Liệu có khả thi?

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho biết: “Tôi cho rằng, kế hoạch này sẽ rất khó khăn vì chỉ vài ba năm mà nâng tỷ lệ nội địa hóa của ô tô lên 60% sẽ không hề đơn giản. Dù Vingroup cho rằng sẽ mời hết các doanh nghiệp lớn của thế giới và các chuyên gia lớn nhưng vẫn chờ xem họ làm như thế nào”.


Tin quốc tế

Khủng hoảng Bắc Hàn
Khủng hoảng Bắc Hàn lại leo thang đến mức nguy hiểm khi hôm 3/9 đã cho thử bom khinh khí, còn gọi là bom H hay bom nhiệt hạch. Theo tin từ Nhật và Nam Hàn, vụ nổ này mạnh gấp 10 lần so với vụ thử hạt nhân lần cuối vào năm ngoái. VOA đưa tin: Bắc Hàn ‘thử thành công bom nhiệt hạch’ hôm 3/9, là vụ thử mạnh nhất “mà Bình Nhưỡng nói là một quả bom nhiệt hạch có thể dùng cho tên lửa tầm xa”.

Truyền thông Bắc Hàn nói ông Kim Jong-un “thị sát việc đưa bom nhiệt hạch vào một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa” (Ảnh của KCNA nói chụp ngày 3/9/2017). Nguồn: Reuters/ KCNA

Về phản ứng của TT Trump, báo Người Việt dẫn nguồn từ AP, cho biết: “Tổng Thống Donald Trump nói rằng hành động khiêu khích mới nhất tái xác định sự nguy hiểm mà Mỹ phải đối đầu và ‘thương thảo trong tinh thần nhân nhượng’ là điều vô nghĩa”.

Khi được hỏi, liệu Mỹ có tấn công Bắc Hàn sau vụ thử nghiệm hạt nhân nay hay không, ông Trump nói rằng “chúng ta hãy chờ xem”. Một loạt tweet của ông Trump đưa lên mạng sáng ngày 3/9 ở Mỹ về Bắc Hàn, trong đó, ông viết: “Lời nói và hành động của họ tiếp tục thù địch và nguy hiểm đối với Hoa Kỳ. Bắc Hàn là một nước lưu manh, trở thành mối đe dọa lớn và nỗi xấu hổ đối với Trung Quốc, khi nước này đang cố gắng giúp đỡ nhưng thành công rất ít“.

Vụ việc nghiêm trọng đến nỗi các “đồng minh” của Bắc Hàn cũng không thể làm ngơ. Lãnh đạo Nga – Trung tìm cách đối phó Bắc Hàn. VOA cho biết: “Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 3/9 đồng ý ‘xử lý phù hợp’ cuộc thử nghiệm hạt nhân mới nhất của Bắc Hàn”.


Campuchia triệt hạ đối lập
BBC cho biết: Campuchia: Lãnh đạo đối lập Kem Sokha bị bắt với lý do ‘làm phản’. Và theo VOA“Ông Hun Sen nói rằng ông Kem Sokha đã lập mưu với Mỹ. Cáo buộc của Thủ tướng Campuchia cho thấy sự gia tăng các tuyên bố chống Mỹ, trong bối cảnh Campuchia chuẩn bị cho cuộc bầu cử quan trọng vào năm tới, theo Reuters”.

RFI đưa tin: “Trên mạng xã hội Twitter, con gái ông Kem Sokha tiết lộ, đêm qua có từ 100 đến 200 công an đến khám xét và phá hoại nhà riêng của lãnh đạo đảng đối lập trước khi bắt ông đi. AFP nhắc lại Kem Sokha bị bắt chỉ vài giờ sau khi trang báo mạng của chính phủ đăng một bài viết tố cáo ông được Mỹ hỗ trợ trong âm mưu lập đổ thủ tướng Hun Sen“.

Trung Đông lại nóng
Theo RFI: Iran sắp hoàn thành hệ thống phòng thủ chống tên lửa“Tư lệnh đặc trách về hệ thống phòng không Iran, tướng Farzad Esmaili ngày 03/09/2017 thông báo ‘toàn bộ hệ thống đã hoàn tất và đang trong tiến trình thử nghiệm’. Bavar – 373 có khả năng chận tên lửa tương tự như S-300 của Nga”.


Thượng đỉnh BRICS
Liên quan đến BRICS, một khối thị trường chung gồm năm nước: Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Brazil và Nam Phi. RFI đưa tin: Thượng đỉnh BRICS khai mạc trong bầu không khí ảm đạm.

Thiên hạ thắc mắc rằng: “Liệu rằng thủ tướng Ấn Độ Modi và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có sẵn sàng chấm dứt cuộc xung đột biên giới đã đầu độc quan hệ song phương trong hai tháng vừa qua?”
Và “năm nước này sẽ thông qua những biện pháp nào để tái thúc đẩy nền kinh tế của mình? Brazil vô vọng tìm kiếm các nhà đầu tư, Nam Phi đang bị suy thoái, Nga hụt hơi vì lệnh cấm vận của quốc tế, trong khi mà cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc cũng không có được tăng trưởng ngoạn mục”.


------------------------------

Bài Mới Nhất

04/09/2017
04/09/2017
04/09/2017
04/09/2017
04/09/2017
04/09/2017
04/09/2017
04/09/2017
04/09/2017
04/09/2017
04/09/2017
04/09/2017
04/09/2017







No comments:

Post a Comment

View My Stats