Thursday, 21 September 2017

BẢN TIN NGÀY 21/9/2017 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Tin Biển Đông
Trang Đại Sự Ký Biển Đông có bài dịch từ trang AMTI: Trung Quốc Bắt Cóc Ngư Dân Việt Nam ở Biển Đông: Một Phân Tích từ Tư Liệu Gốc. Bài báo cho biết, trong nhiều năm liền, ngư dân Việt Nam đang đánh cá gần quần đảo Hoàng Sa đã bị TQ bắt giữ, bắt nhận tội và đòi tiền chuộc. Cục ngư nghiệp Trung Sa của TQ là nơi phát hành giấy phạt và nhận tiền chuộc.

Phía chính quyền Việt Nam biết rõ những sự việc này, nhưng họ ém nhẹm bằng các cử người đến nhà ngư dân, thuyết phục dân không tham gia kiện tụng hay đưa tin cho báo chí. Ngay cả khi ngư dân bị TQ đánh chết, chính quyền VN yêu cầu chôn cất ban đêm, “để tránh việc tang lễ trở thành những sự kiện lớn thu hút công chúng hay kích động biểu tình có thể làm phật ý Trung Quốc, làm ảnh hưởng tới quan hệ Trung–Việt“.

VOA có bài: Bóng dáng Việt Nam trong phát biểu của Tổng thống Trump. VOA dẫn lời ông Trump: “Chúng ta phải bác bỏ các mối đe dọa đối với chủ quyền từ Ukraine cho tới Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông]”. Mời đọc thêm: Tổng thống Trump lên án mối đe dọa chủ quyền ở Biển Đông (TN). – Trung Quốc phản bác Hoa Kỳ ở Biển Đông (Cali Today).

VOA đưa tin: Ngư dân Việt bị nhốt ‘như nô lệ’ ở Đài Loan.Ngày 18/9, các công tố viên Đài Loan buộc tội 19 người giam giữ trái phép 81 ngư dân nước ngoài, trong đó có ngư dân Việt, và bắt họ làm việc nhiều giờ với mức lương rẻ mạt. Mời đọc thêm: Ngư dân Việt Nam bị bóc lột tại Đài Loan (RFI). – Truy tố vụ ngư dân Việt bị giam giữ ‘như nô lệ’ ở Đài Loan (Zing). – Truy tố 19 đối tượng bắt ngư dân Việt làm như nô lệ (TP).

Hệ lụy trong quan hệ với “bạn vàng”
RFA có bài: Hủy hơn 17 ngàn visa có đường lưỡi bò. Bài viết cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2017, đồn Biên phòng cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh phải hủy bỏ hơn 17 ngàn visa trên hộ chiếu của người Trung Quốc có in bản đồ đường “lưỡi bò”.

Báo Đất Việt tiếp tục truy vấn nguyên nhân dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông không thể vận hành đúng tiến độ đề ra. Chuyện lỗi hẹn rất nhiều lần, đội giá, chất lượng không bảo đảm… của công trình trọng điểm này, theo bài viết, là chuyện khó tin. Bài báo dẫn lời TS Nguyễn Xuân Thủy, cựu Giám đốc NXB giao thông cho rằng, để xảy ra tình trạng này, ngoài nguyên nhân chọn nhà thầu Trung Quốc, thì phần lỗi chính là sự yếu kém của phía Việt Nam.

Ông Thủy cũng nhấn mạnh, rằng các Bộ Ngoại Giao, GTVT, KHĐT, Tài chính cần đòng loạt vào cuộc một cách nghiêm túc, thể hiện trách nhiệm đối với người dân: “Tôi đề nghị chúng ta nên có đường lối ngoại giao dứt khoát, rõ ràng cho việc này”.


Báo Đất Việt có bài: Bán dầu thô giá rẻ cho Trung Quốc: Có những nguy cơ. Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh chỉ ra những yếu kém, hạn chế của các doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn với Trung Quốc, đó là quen thói tư duy kiểu “nhà nước”, chộp giựt, không nghĩ đến hậu quả về lâu dài. Các chuyên gia cũng cảnh báo, việc bán dầu tho giá rẻ cho Trung Quốc sẽ tạo “tiền lệ xấu” cho hoạt động giao thương giữa hai nước, và nguy hiểm hơn, rất có thể Việt Nam sẽ phải nhập dầu thô chế biến từ TQ với giá cao.


Dư âm sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
VOA có bài: Vụ Trịnh Xuân Thanh: Người Việt yêu cầu chính phủ Đức bảo vệ. Do lo ngại các vụ bắt cóc tương tự như vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, cộng đồng người Việt tại Đức kêu gọi chính phủ Đức bảo vệ họ. Trong một bức thư gửi cho Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel, cộng đồng người Việt tại đây cho biết, “cộng đồng người Việt tại Đức hiện nay cảm thấy bất an vì các hoạt động của tình báo Việt Nam”.

Nhà báo Lê Trung Khoa của trang Thời Báo cho biết: “Với cáo buộc rõ ràng của phía Đức, rằng đại sứ quán Việt Nam tham gia vào tổ chức việc này thì đương nhiên người ta lo ngại… Quả thực bà con rất lo ngại, nhất là những người có tiếng nói phản biện, khác với quan điểm của Đảng Cộng sản trong nước”.

“Hạt giống đỏ” ở Đà Nẵng mới nảy mầm, lại thành củi?
BBC có bài: Câu chuyện Xuân Anh và những ‘hạt giống đỏ’. Tác giả nêu trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh, là “hạt giống đỏ” cho nên chỉ trong vòng 10 năm, từ năm 2006-2016 đã nhảy từ Trưởng ban Quốc tế của báo Thanh Niên, lên Ủy viên Trung ương Đảng rồi… Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nhờ cái bóng ông bố Nguyễn Văn Chi. Ngoài ông Xuân Anh, còn có các “hạt giống đỏ” khác như: Nguyễn Thanh Nghị, Lê Trương Hải Hiếu, Vũ Quang Hải…

Nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh có bài: Con sãi ở chùa lại quét lá đa. Những người cộng sản đã từng lên án chế độ phong kiến qua câu thơ: “Còn vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa” và kích động người dân đạp đổ, phá nát mọi “tàn dư thực dân phong kiến”, bất kể tốt, xấu. Nhưng sau khi cướp được chính quyền, thì những người CS đã đưa con cái của họ vào trong bộ máy cầm quyền, cha truyền con nối, ngồi trên đầu dân cai trị, đưa đất nước tới bờ vực của sự suy đồi, sụp đổ mọi mặt.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Điều tra việc bán nhà đất công tại Đà Nẵng. Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an có văn bản gửi ông Huỳnh Đức Thơ, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, yêu cầu phối hợp điều tra việc mua bán nhà, đất công ở Đà Nẵng từ năm 2006 đến nay.

Báo Tiền Phong có bài: Bí thư Nguyễn Xuân Anh, đôi điều ghi lại… Bài viết nhắc lại chuyện chi bộ báo Văn Nghệ, thuộc Hội Nhà văn VN, chiều 18/9 đã họp kỷ luật nhà báo, nhà thơ Lương Ngọc An về việc đăng tin chiếc xe biển số 43A 299.99 mà ông Nguyễn Xuân Anh sử dụng. Bài viết cũng nhắc lại những phát biểu để đời khi ông Anh vừa nhậm chức Bí thư Đà Nẵng và những việc làm của ông sau đó như, nhận xe, nhận nhà ở của doanh nghiệp… rồi cuối cùng bị ngã ngựa!

VTC có clip tổng hợp những phát ngôn ấn tượng của ông Nguyễn Xuân Anh: https://www.youtube.com/watch?v=kpJPi6HJw2g

Tiếng Dân có bài tổng hợp: Bài báo bị phạt 30 triệu và công văn của ông Hữu Thỉnh. Về chuyện nhà báo Lương Ngọc An, Trưởng ban biên tập báo Văn Nghệ Trẻ bị phạt oan 30 triệu và đóng cửa báo Văn Nghệ Trẻ, khi báo này đăng bài về ông Nguyễn Xuân Anh: “Lại thêm một vụ cán bộ dùng xe công gắn biển số giả?” ngày 21/2. Bài còn có đăng công văn của ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn VN, yêu cầu TBT báo Văn Nghệ gỡ bài đó xuống, “cải chính và xin lỗi”, cũng như làm giải trình về việc đăng bài báo nói trên.

Nhà hoạt đông Nguyễn Anh Tuấn có bài phân tích: “Đôi mắt em rất buồn, đôi chúng ta rất buồn…”. Theo ông Tuấn, việc UBKT TƯ quyết định vào cuộc, kỷ luật hai người đứng đầu TP Đà Nẵng, nguyên nhân chính không phải chuyện bằng cấp của Bí thư Nguyễn Xuân Anh hay chuyện sai phạm trong vấn đề quản lý đất đai của Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ.

Theo tác giả, “vấn đề xung đột chính trị ở Đà Nẵng vừa có tính thời cuộc, vừa có tính cơ cấu thuộc về bản chất thể chế hiện hành. Một kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương có thể giải quyết được tính thời cuộc của vấn đề, song nguyên nhân mang tính cơ cấu đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn thế, gắn với cải cách thể chế“.


Thanh tra toàn diện bán đảo Sơn Trà
Báo Chính phủ có bài: Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo thanh tra các dự án trên bán đảo Sơn Trà. Thanh tra Chính phủ cùng với các bộ TNMT, Nông nghiệp, Xây dựng… tiến hành thanh tra toàn diện việc quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ rừng, xây dựng các công trình đối với các dự án đầu tư trên bán đảo Sơn Trà. Thanh tra phải báo cáo Chính phủ trước ngày 31/3/2018.

Công văn của VPCP yêu cầu các đơn vị thanh tra Sơn Trà. Nguồn: Thông tin CP

Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, mặc dù vẫn phải chờ kết quả thanh tra của Chính phủ, nhưng có thể coi đây là thắng lợi bước đầu của những người yêu Sơn Trà. Ông Tuấn viết: “Một lần nữa cho thấy rằng lên tiếng chưa chắc được gì. Nhưng không lên tiếng chắc chắn sẽ không bao giờ được gì”.


Củi Đinh La Thăng và đại án OceanBank
VTC có bài phỏng vấn Nguyễn Đình Hương, cựu Phó ban Tổ chức Trung ương: Nhân dân đang theo dõi ‘củi cháy, bếp lò đang cháy. Về đại án OceanBank, ông Hương cho rằng cần phải xử tới cấp cao hơn là những người lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí. Ông Hương nói:

Nếu ông Sơn bị kết luận tử hình thì những người khác thì sao? Người chủ trương ra vụ việc này thì sao?… Tức là người ta trông chờ vào những người cao hơn ông Sơn phải bị kỷ luật, phải bị xử lý, phải truy tố trước tòa. Kể cả người đó là Ủy viên Trung Ương, Ủy viên bộ chính trị cũng phải truy tố trước tòa“.

Báo Tuổi Trẻ có bài: Nguyễn Xuân Sơn ‘kêu cứu’ tội tham ô, muốn nộp lại tài sản. Trong phần tự bào chữa, ông Sơn, cựu Tổng Giám đốc OceanBank, nói: “Bị cáo mong muốn được gửi đến hội đồng xét xử một lời kêu cứu. Yêu cầu hội đồng xét xử minh oan cho bị cáo, rằng bị cáo không thể và không hề phạm tội tham ô tài sản, bị cáo cũng không thể chiếm đoạt tài sản của anh Hà Văn Thắm cũng như của OceanBank”.

Trang Zing có bài: Cựu giám đốc Oceanbank: 10 đời bị cáo mới bồi thường hết tiền. Bị buộc tội chịu trách nhiệm liên quan tới số tiền 184 tỷ đồng, bị cáo Đỗ Đại Khôi Trang cho rằng, “với mức lương 20 triệu đồng/tháng thì phải mất 766 năm, tức là 10 đời mới bồi thường hết“.

Facebooker Nguyễn Tiến Tường có bài: Dân chơi. Tác giả khen ông Hà Văn Thắm là bậc anh hùng hảo hán, đã xin toà áp dụng tình tiết tăng nặng cho mình và xử nhẹ hoặc tha bổng cho thuộc cấp.


Củi ở khắp nơi
Báo Pháp luật TP có bài: Ban Bí thư cách hết chức vụ của ông Nguyễn Phong Quang. Vi phạm của cựu Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ được xác định là “nghiệm trọng”, nên ông này đã bị Ban bí thư ĐCS “cách tất cả các chức vụ trong Đảng”.
Trường hợp ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, sai phạm được kết luận “đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng“, hình thức kỷ luật cũng là “cách tất cả các chức vụ trong Đảng”.

Báo Tuổi Trẻ có bài: ‘Tôi về hưu rồi, xử sao thì xử’. Đó là phát biểu của “cây củi” Phạm Thế Dũng, cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy, cựu chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai. Vi phạm của ông này được kết luận là “nghiêm trọng, đến mức phải thi hành kỷ luật”.


Bộ Y tế chống lệnh của Thủ tướng
Chính phủ vừa có kết luận việc Bộ Y tế ra văn bản hoàn toàn trái ý kiến Thủ tướng’. Hàng loạt những khuyết điểm của Bộ Y tế đã được nêu ra, như chậm trễ trong việc ra văn bản hướng dẫn cho doanh nghiệp, bất cập trong việc kiểm tra an toàn thực phẩm, không tinh giản các thủ tục hành chính… Đặc biệt là ban hành văn bản hành chính “không đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng”.

Trong khi ý kiến chỉ đạo là “chỉ kiểm tra các cơ sở sản xuất muối, không kiểm tra doanh nghiệp sử dụng muối”, nhưng Vụ trưởng Vụ Pháp chế thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký công văn 1216 “yêu cầu tất cả các thực phẩm đều phải sử dụng muối i-ốt và tất cả các thực phẩm này đều phải kiểm tra”.

Cho rằng văn bản này “vừa trái hoàn toàn ý kiến của Thủ tướng, vừa không đúng thẩm quyền“, nên Tổ công tác của Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế hủy bỏ ngay công văn 1216 có nội dung trái ý kiến kết luận của Thủ tướng…


Bất ổn các dự án BOT
Báo Người Lao Động có bài: Hàng trăm người dân vây trạm BOT Quốc lộ 18. Người dân phường Đại Yên, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, sống hai bên cầu cho rằng, họ chỉ đi từ bên này sang bên kia cầu có vài km, nhưng vẫn bị thu phí 30.000 đồng/lượt đối với xe dưới 12 chỗ, nên họ đã vây trạm thu phí này, yêu cầu miễn phí đối với những hộ gia đình sinh sống quanh khu vực trạm. Đây là lần thứ 2 trong vòng nửa tháng qua, người dân sống gần trạm thu phí kéo đến trạm “kiến nghị nội dung trên“.


Vấn nạn lạm thu đầu năm trong các trường học
Trước sức ép của dư luận, Văn phòng Chính phủ đã phải ban hành một văn bản “hỏa tốc” về việc “Chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học“, yêu cầu Bộ giáo dục và Đào tạo “tuyệt đối không để lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa để tổ chức thu các khoản đóng góp mang tính cào bằng, áp đặt”. Văn bản cũng chỉ đạo xử lý nghiêm các cơ sở đào tạo, người đứng đầu, nếu có vi phạm.

Ảnh: FB Chính phủ



Hậu biểu tình ở chợ An Đông
Sau vụ biểu tình rầm rộ của tiểu thương chợ An Đông hôm 19/9, ngày 20/9, UBND quận 5 TP.HCM đã lên tiếng xin lỗi các tiểu thương ở đây. Đại diện chính quyền gồm có ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND quận 5 và bà Trương Thị Minh Kiều, Phó chủ tịch.

Lãnh đạo quận 5 thừa nhận là chính quyền vẫn cho tu sửa, nâng cấp chợ, nhưng chậm chứ không phải không làm! Theo ông Huy, việc triển khai chậm là do … “chủ quan”. Về số tiền 217 tỷ do tiểu thương đóng góp để sửa chữa chợ, ông Huy xác nhận “toàn bộ số tiền trên được sử dụng vào mục đích nâng cấp, sửa chữa chợ”, chứ hoàn toàn “không có khuất tất”.

Trang VnExpress có clip: “Chính quyền quận 5 xin lỗi tiểu thương chợ An Đông TP HCM”:

Về chuyện khen, chê trong việc biểu tình ở chợ An Đông, Facebooker Nguyễn Thị Bích Ngà có bài: Tại sao phải làm cho cách xa? Khi người dân bãi thị, bước chân xuống đường đòi hỏi quyền lợi chính đáng là họ đã bước một bước qua nỗi sợ đàn áp, họ đã tiến một bước trong việc nhận thức quyền công dân. Hãy ca ngợi điều đó và hi vọng nó lan tỏa. Việc chê bai chỉ trích và bài bác hình thức, sự khác biệt chỉ đẩy các nhóm người ra xa nhau, làm cho xa cách và tạo sự mâu thuẫn không đáng có, không cần thiết“.


Tài nguyên, môi trường bị tàn phá
Báo Dân Việt có bài: Vụ phá rừng quy mô lớn ở Bình Định: Tạm đình chỉ hàng loạt kiểm lâm. Diện tích rừng bị tàn phá ở Bình Định là 60,9 ha chứ không phải gần 44 ha như thông tin ban đầu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lên tiếng chỉ đạo, nhưng đến nay chỉ có 2 kiểm lâm bị “điều chuyển công tác”, hai “công chức” trực chốt bị tạm đình chỉ.

Còn nhớ, hôm 12/9, ông Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư tỉnh Bình Định đã hùng hồn tuyên bố, sẽ xử lý nghiệm minh trong thời gian sớm nhất, còn ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, quá trình đánh giá thiệt hại chỉ mất hai ngày!

RFA có bài: Formosa đã khắc phục hết các lỗi hành chính. Bộ Tài nguyên – Môi trường thông báo, công ty Formosa Hà Tĩnh đã khắc phục hết 53/53 các lỗi vi phạm, mặc dù đến tháng 3/2019 mới hoàn thành hệ thống cốc khô số 1.

Kết quả bộ TNMT đưa ra bao giờ cũng tuyệt vời cả. Việc lấy các tổ chức tư vấn nước ngoài như Atkins của Anh, Veolia của Pháp tới để kiểm tra công nghệ của Formosa, rồi kết luận “hệ thống được quy mô bài bản, công nghệ hiện đại trên thế giới”, vẫn không làm cho người dân yên tâm được.

Blogger Lê Anh Hùng có bài trên blog VOA: Lee & Man Việt Nam: thất bại mang bản chất hệ thống. Tác giả cảnh báo: “Cần nên nhớ, địa điểm ngay bên bờ Sông Hậu là vị trí đặc biệt lợi hại về quân sự: chiếm lĩnh được vị trí xung yếu này là có thể kiểm soát được Sông Hậu, tuyến đường thuỷ huyết mạch nối liền Biển Đông đến biên giới Việt Nam – Campuchia“.


Bi kịch chốn “thiên đường”
Báo VietNamNet có bài: Mẹ ép con 6 tuổi chết để lấy tiền phúng viếng trả nợ. Do vay mượn 200 triệu đồng mà không có tiền trả nợ, bà Trần Lê Thị Xuân Loan, 29 tuổi, ngụ Q.9, TP.HCM sinh ra quẫn trí, đã ép con gái 6 tuổi uống thuốc trừ sâu để cùng chết với mình, hy vọng có tiền “phúng viếng” để trả nợ.

Hậu quả là bé gái chết, bà Loan được cấp cứu kịp thời và xuât viện. Ngày 30/10/2016, bà Loan bị tạm giam. Tại tòa, mặc dù chồng bà Loan mong muốn giảm nhẹ hình phạt, nhưng tòa đã tuyên phạt bà Loan 10 năm tù giam về tội “giết người”.


Vấn nạn dâm ô trẻ em
Zing có bài: Truy tố cựu nhân viên ngân hàng dâm ô bé gái 8 tuổi. Ngày 20/9, VKSND Hà Nội cho biết đã hoàn tất cáo trạng truy tố Cao Mạnh Hùng, 34 tuổi, quê Thái Bình, (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) về hành vi “Dâm ô với trẻ em”.

Ông Cao Mạnh Hùng từng công tác tại một ngân hàng thương mại cổ phần, bị cáo buộc có hành vi dâm ô với bé gái 8 tuổi, từng gây phẫn nộ dư luận hồi tháng 3/ 2017. Ông Hùng bị bắt ngày 16/3/2017.

Tin quốc tế

Khủng hoảng Bắc Hàn
Lần đầu tiên, từ Liên Hiệp Quốc, tổng thống Mỹ đe dọa Bắc Triều Tiên và Iran. RFI ghi nhận những yếu tố chính trong bài phát biểu của TT Trump: đe dọa sẽ “hủy diệt hoàn toàn” Bắc Hàn và dọa rút khỏi hiệp định hạt nhân giữa quốc tế với Iran, gọi lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-Un là “Rocket Man”, xác định ba kẻ thù: “Bắc Triều Tiên, Iran và Venezuela là những quốc gia ‘côn đồ’.”

RFI có bài điểm báo: Donald Trump bốc lửa trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc, nhắc nhở truyền thống thận trọng chọn lựa từ ngữ của các quốc gia có vũ khí nguyên tử để tránh leo thang nguy hiểm. Bài báo nhận định: “Cũng nhờ cân nhắc kỹ lời lẽ, mà John Kennedy đã giải tỏa được cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Trong khi Donald Trump, chỉ với một câu nói vang như sấm, đã quẳng xuống sông xuống biển tất cả truyền thống kềm chế về chiến lược lẫn khẩu chiến”.

Trong khi đó, Tổng thư ký LHQ kêu gọi sáng suốt trong vấn đề Triều Tiên. VOA dẫn lời ông Antonio Guterres: “Đây là lúc phải có sự khôn khéo về lãnh đạo. Chúng ta không nên mắt nhắm mắt mở tự đi vào chiến tranh”.

Tuyên bố của Tổng thống Trump được hai đồng minh Đông Bắc Á ủng hộ. RFI có bài: Bắc Triều Tiên: Nhật-Hàn hoan nghênh đe dọa của Donald Trump.

Theo Reuters, phát ngôn viên chính phủ Nhật, ông Yoshihide Suga tuyên bố “cảm kích cách tiếp cận mới của tổng thống Donald Trump thúc đẩy Bắc Triều Tiên từ bỏ hạt nhân cũng như kêu gọi cộng đồng quốc tế nhất là Nga và Trung Quốc hợp tác gây thêm áp lực”. Nam Hàn cũng phản ứng tương tự. Thông báo của phủ tổng thống khen ngợi thái độ “cứng rắn và rõ ràng trước những vấn đề sinh tử, duy trì hòa bình và an ninh mà Liên Hiệp Quốc đương đầu”.

BBC có bài tường thuật về phản ứng của lãnh đạo các nước về phát biểu của TT Trump ở LHQ: Diễn văn của Trump ở LHQ bị chỉ trích. BBC gọi bài phát biểu của ông Trump là “chưa có tiền lệ”Hệ lụy từ diễn văn đao to búa lớn của Trump là gì? Nguyên văn câu nói của Trump: “Nếu Hoa Kỳ buộc phải tự bảo vệ mình hoặc các đồng minh, chúng tôi sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc xóa sổ Bắc Hàn”. Tức là việc Trump đòi xóa sổ một quốc gia 25 triệu dân, trước giờ chưa có ai dám nói nói như vậy.

Những bát biểu của TT Trump gây thêm khó khăn cho chiến lược Bắc Triều Tiên của Mỹ. RFI dẫn lời Bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis, khi được hỏi về bài phát biểu của tổng thống Trump hôm qua, đã tuyên bố rằng chính quyền Hoa Kỳ vẫn muốn giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên “thông qua các phương tiện ngoại giao”.


Chính trường Mỹ
Về chuyện Nga can dự vào cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2016, báo Người Việt đưa tin: Ứng viên đại sứ Mỹ tại Nga: Rõ ràng Nga can dự bầu cử Mỹ. Trong cuộc điều trần tại Thượng Viện mới đây, ông Jon Huntsman, cựu thống đốc bang Utah, là người được Tổng Thống Donald Trump đề cử làm đại sứ Mỹ tại Nga, cho rằng “không có gì để nghi ngờ việc Nga can dự vào bầu cử Mỹ hồi mùa Hè năm ngoái”.

Chuẩn bị tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà sản xuất súng ở Mỹ bán vũ khí hạng nhẹ, Chính quyền Trump sắp đơn giản hóa thủ tục xuất khẩu súng, VOA cho biết.

VOA có bài về những người tị nạn từ Úc sắp sang Mỹ: Úc thu xếp cho nhóm tị nạn đầu tiên đến Mỹ định cư. Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cho biết, có khoảng 50 người tị nạn hiện đang ở hai trung tâm giam giữ ở Thái Bình Dương sẽ sớm được định cư tại Mỹ.

Đây là những người đầu tiên đến Mỹ trong tổng số 1.250 người tị nạn, sẽ được định cư ở Mỹ theo một thỏa thuận đạt được giữa Canberra và Washington trong những tuần cuối cùng khi Tổng thống Barack Obama còn tại nhiệm. Nhưng Tổng thống Trump, mạnh mẽ phản đối thỏa thuận này. Hồi tháng 2/2017, ông Trump viết trên Twitter rằng, đây là “một thỏa thuận ngu ngốc,” nhưng cuối cùng ông cũng đồng ý thực hiện thỏa thuận này. RFA có bài: Úc sẽ chuyển người tỵ nạn sang Mỹ theo thỏa thuận.

Khủng hoảng người tị nạn Rohingya
BBC có bài về các áp lực quốc tế đối với vần đề khủng hoảng nhân đạo Rakhine: Khủng hoảng Rakhine: Suu Kyi đối mặt với áp lực quốc tế. Nước Anh gây áp lực: Khủng hoảng Rohingya: Anh Quốc hoãn hợp tác quân sự với Miến Điện.

RFI cho biết, thủ tướng Anh quyết định tạm ngưng chương trình trợ giúp quân đội Miến Điện. Được biết, “mỗi năm, Anh Quốc chi khoảng 350.000 euro để đào tạo quân đội Miến Điện về Anh ngữ, về tác phong và luật pháp quốc tế”.


Nhân quyền ở Trung Quốc
Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch quan ngại về việc TQ điều tra giới luật sư nhân quyền. RFA cho biết, hàng ngàn nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc và các luật sư của họ bị bắt giữ, cầm tù kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình tiến hành chiến dịch trấn áp từ năm 2015. Hiện nay, việc tăng cường điều tra giới luật sư nhân quyền đang tới mức đáng báo động.

Tình hình châu Âu
Để ngăn chặn kế hoạch Catalunya ly khai qua cuộc trưng cầu dân ý: Tây Ban Nha: Catalunya trong “tình trạng khẩn cấp”? RFI cho biết, chính quyền Tây Ban Nha đã tiến hành lục soát trụ sở chính quyền địa phương, câu lưu 13 viên chức cao cấp trong đó có phó chủ tịch vùng tự trị.

Động đất lớn ở Mexico
Động đất 7,1 độ richter xảy ra ở Mexico gây tổn thất nặng nề. VOA đưa tin: Động đất ở Mexico: ít nhất 217 người chết, thiệt hại lớn.

RFI cho biết, ước tính sơ bộ của chính phủ Mexico, hàng trăm địa phương tại miền trung bị động đất ảnh hưởng. “Ít nhất 50 tòa nhà tại thủ đô Mexico City sụp đổ hoàn toàn hoặc hư hại nặng. Khoảng 3.000 binh sĩ và 25.000 lính cứu hỏa, cảnh sát và lực lượng bảo vệ được triển khai để cứu hộ. Gần một nửa Mexico City bị mất điện. Đô trưởng thành phố tuyên bố tình trạng khẩn cấp“. BBC có bài: Động đất ở Mexico, hơn 140 người thiệt mạng.

Bão Maria ập vào Puerto Rico.
VOA đưa tin: Dự báo bão Maria sẽ gây thiệt hại thảm khốc. Hôm thứ Tư 20/9, các nhà dự báo thời tiết mô tả trận bão mạnh cấp 4 này “có khả năng gây thiệt hại vô cùng thảm khốc”. Báo Người Việt: Bão Maria có thể phá nát Puerto Rico.


--------------------------------

Bài Mới Nhất
21/09/2017
21/09/2017
20/09/2017
20/09/2017
20/09/2017
20/09/2017
20/09/2017
20/09/2017
20/09/2017
20/09/2017






No comments:

Post a Comment

View My Stats