Tuesday, 19 September 2017

THẤY GÌ TỪ TẬP ĐẦU PHIM 'THE VIETNAM WAR' ? (Peter Zinoman - BBC)




Peter Zinoman
Giáo sư Lịch sử và Đông Nam Á Học, Đại học California ở Berkeley
19 tháng 9 2017

Vietnam War (Chiến tranh Việt Nam) khác tất cả các phim tài liệu mà Ken Burns/Lynn Novicks đã làm xưa nay. Các bộ phim đó đều kể về một câu chuyện đặc trưng và rõ ràng với quan điểm "nước Mỹ trên hết." Ngoài người Mỹ ra thì còn ai có thể là diễn viên chính trong các bộ phim trước đây của Burns/Novick, chẳng hạn như The Brooklyn Bridge (Cây cầu Brooklyn), The Statue of Liberty (Tượng thần Tự do), The Civil War (Nội chiến), Baseball (Bóng chày), The West (Miền Tây), Thomas Jefferson, Lewis and Clark (Lewis và Clark), Jazz (nhạc Jazz), Mark Twain, Prohibition (Luật cấm đồ cồn) and The Dust Bowl (Một vùng cát bụi).

Phim 'The Vietnam War' (Cuộc chiến Việt Nam) - hình do đoàn làm phim cung cấp . OTHER

Nhưng với cuộc chiến ở Việt Nam, chúng ta có thể biện luận rằng người Việt xứng đáng đóng vai chính trong câu chuyện. Xét cho cùng, từ 1 đến 3 triệu người Việt đã bỏ mạng trong chiến tranh, lớn hơn rất nhiều (gấp từ 20 đến 60 lần) con số khoảng 58.000 người Mỹ chết trong cuộc xung đột.

Một cựu binh Mỹ lau rửa bức tường Tưởng niệm Cuộc chiến Việt Nam ở Venice Beach, California hồi 2016. MARK RALSTON


Những thiệt hại kinh khủng cả về vật chất và môi trường do bom đạn, chất khai quang, chiến tranh ở các vùng đô thị, chiến tranh du kích và chống du kích ở vùng nông thôn đã ảnh hưởng trầm trọng đến riêng vùng lãnh thổ Đông Nam Á, cũng như vấn nạn khổng lồ của tình trạng người dân trong nước buộc phải tản cư, di cư.

Hệ quả của cuộc chiến đối với người Việt lớn hơn so với người Mỹ cũng được thể hiện rõ qua khoảng thời gian trung bình mà mỗi bên phải trải nghiệm. Trong khi phần lớn người Mỹ tham chiến ở Việt Nam khoảng trên dưới 1 năm trong giai đoạn giữa 1965 và 1973, thì người Việt sinh ra sau Thế chiến thứ Hai phải sống trong thời chiến suốt ba mươi năm ròng rã từ 1945 đến 1975.

Xét sự nổi trội cả về con số người Việt lẫn tầm mức thiệt hại không thể sánh được mà họ là nạn nhân, việc đặt người Việt vào vai trò trung tâm trong thời đoạn lịch sử đen tối này, ít ra, cũng phải là một mệnh lệnh đạo đức khiêm tốn.

Hàng triệu người Việt Nam đã bỏ mạng trong chiến tranh.  HOANG DINH NAM

'Dĩ Mỹ vi trung'

Thế nhưng, ý đồ lấy Mỹ làm trọng tâm không hề giấu giếm trong Vietnam War được thể hiện rõ ngay trong 3 cảnh mở màn giới thiệu phần 1 của bộ phim tài liệu 10 tập này. Cảnh đầu tiên tả những người lính Mỹ tham chiến, cảnh thứ hai cho thấy một cuộc diễu binh của quân đội Mỹ, và cảnh thứ ba là lời bình luận của cựu chiến binh Mỹ Karl Marlantes. Bài hát Hard Rain của Bob Dylan làm nền nhạc kết thúc phần một càng báo hiệu rõ hơn nữa xu hướng "dĩ Mỹ vi trung" làm điểm tham chiếu. Mặc dù trong tập đầu, số lượng nhân vật người Việt và người Mỹ phát biểu tương đương nhau, nhưng trọng tâm tự sự vẫn nghiêng về những câu chuyện thứ yếu của người Mỹ với tầm quan trọng lịch sử đáng ngờ.


Chẳng hạn, việc Hồ Chí Minh được cho là ngưỡng mộ Hoa Kỳ, thể hiện qua bằng chứng ông hợp tác với nhân viên tình báo Mỹ trong Cục Tình báo Chiến lược (OSS) và việc ông dẫn Thomas Jefferson trong Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam. Trong lịch sử chính thống về cuộc chiến, những tình tiết quá quen thuộc này được sử dụng để nhấn mạnh số phận éo le đầy kịch tính khiến Mỹ và Hồ Chí Minh "bỏ lỡ cơ hội" kết bạn với nhau. Nhưng các nghiên cứu học thuật từ lâu nay đã cho thấy tinh thần chống Mỹ mạnh mẽ trong các bài báo của Hồ Chí Minh ngay từ thập niên 1920, bao gồm cả những bài viết đầy phẫn nộ về việc hành quyết người da màu và về đảng 3K (Ku Klux Klan).

Hình chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội Đảng lao động Việt Nam năm 1953. AFP/GETTY IMAGES

Gần đây hơn, nhà nghiên cứu khoa học chính trị Vũ Hữu Tường dẫn lại một loạt các bài báo chống Mỹ tương tự do Hồ Chí Minh viết trong khoảng từ năm 1951-1956. Là một thành viên của quốc tế cộng sản Đệ tam, đồng thời là một sáng lập viên của Đảng Cộng sản Pháp trung thành với Stalin và kịch liệt chống Mỹ, ít có khả năng là Hồ Chí Minh thực lòng mong muốn nhận được sự trợ giúp của Mỹ như tập đầu của bộ phim gợi ý. Thay vào đó, những đợt tương tác của Hồ Chí Minh với người Mỹ (bao gồm cả thư gửi cho các tổng thống và các buổi trà đàm với nhân viên tình báo Mỹ) nhiều khả năng là do sự nhận biết mang tính thực dụng của ông về tiềm năng sức mạnh Hoa Kỳ và về nhu cầu trung lập hóa sức mạnh ấy qua liên lạc trực tiếp.

Quan điểm "dĩ Mỹ vi trung" trong tập đầu tiên của bộ Chiến tranh Việt Nam cũng được thể hiện rõ qua cách tái hiện câu chuyện từ phía Việt Nam quá giản đơn. Tập đầu vẽ lại lịch sử hiện đại Việt Nam như một bức biếm họa, trong đó ách áp bức của thực dân Pháp chỉ bị thách thức bởi sự xuất hiện của Hồ Chí Minh, nhân vật có tinh thần quốc gia duy nhất trong thời thuộc địa được đề cập đến trong tự sự.


Thiếu vắng trong tường thuật này là vô số các lực lượng đối lập với Hồ Chí Minh trong phong trào chống thực dân rộng lớn hơn, bao gồm các phe quốc gia, phe lập hiến, phe Trotskyists, phe cộng hòa, phe bảo hoàng, phe phát xít và phe tân truyền thống. Đối với nhiều học giả, cuộc xung đột đẫm máu giữa phe cộng sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo và các lực lượng chống cộng khác trong cả cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ Nhất (1946-1954) và lần thứ Hai (1954-1975) chỉ có thể hiểu được trong bối cảnh tiếp nối của xung đột chính trị từ cuối thời thuộc địa. Thiếu vắng khía cạnh này của câu chuyện, sự hình thành chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền nam, lực lượng chống đối Hồ Chí Minh quan trọng nhất thời hậu thuộc địa, có vẻ chỉ là sản phẩm độc quyền của Mỹ trong cuộc kiếm tìm đồng minh thời Chiến tranh Lạnh, chứ không phải là một tinh thần chủ nghĩa quốc gia chống cộng bản địa với gốc rễ lịch sử có từ thời thuộc địa.

Hình chụp vua Bảo Đại (không rõ ngày) tại Hà Nội. Ông thoái vị tháng 8/1945 và sang sống ở Pháp từ năm 1955. AFP/GETTY IMAGES

Một bức tranh bị bóp méo tương tự cũng xuất hiện trong tập đầu là việc không đề cập đến vua Bảo Đại. Sự lãnh đạo của ông với Quốc gia Việt Nam do Pháp hậu thuẫn năm 1950 đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người Việt chống cộng, những người tiếp tục chống lại sự bá quyền của cộng sản sau năm 1954.

Hướng tiếp cận "dĩ Mỹ vi trung" trong Chiến tranh Việt Nam cũng được thể hiện qua cách phim mô tả Ngô Đình Diệm. So với Hồ Chí Minh, người được mô tả trong tập đầu, ít nhất là một phần nào đó, qua cách nhìn của người Việt, Ngô Đình Diệm chỉ được giới thiệu qua lời của giới chức Mỹ (ông "kiêu căng" và "ngạo mạn," một "đấng cứu thế không có thông điệp"). Mặc dù ông cầm quyền suốt gần 10 năm trong những hoàn cảnh vô cùng bấp bênh, tập phim đầu thể hiện rất ít sự quan tâm tới việc người dân Việt ở miền nam Việt Nam nghĩ gì về ông.

Ông Ngô Đình Diệm phát biểu trong ngày thành lập Việt Nam Cộng hòa ngày 10/10/1955. AFP/GETTY IMAGES

Quan điểm "dĩ Mỹ vi trung" trong Chiến tranh Việt Nam và lý giải hời hợt về lịch sử Việt Nam đã bị nhiều cây bút có tầm ảnh hưởng lớn trên facebook tiếng Việt, diễn đàn công không bị kiểm soát quan trọng nhất ở Việt Nam, phê bình. Blogger nổi tiếng Nguyễn Quang Lập hiện sống ở Thành phố Hồ Chí Minh viết, "Còn nội dung thì phim này chỉ thuần tuý thông sử, không có gì mới. Phần về phía Mỹ cảm động, sâu, đa diện- 8/10. Phần về phía Việt Nam quá hời hợt và phiến diện, may ra được 4/10. Đạo diễn phim tài liệu số 1 nước Mỹ làm phim này trong 10 năm mà chỉ có thế thì chưa đạt yêu cầu."


*Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách viết của tác giả, Giáo sư Lịch sử và Đông Nam Á học, Đại học California, gửi cho BBC Tiếng Việt từ California, Mỹ.

-----------------------

Tin liên quan
·        

·        

·        

·        






No comments:

Post a Comment

View My Stats