Saturday, 23 September 2017

TÁC PHẨM BỊ ĐÌNH BẢN 'MỐI CHÚA' & "HIỆN THỰC ĐEN TỐI" (Trần Hồng Phong)




Trần Hồng Phong  -  Bình Luận Án
Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017

Chuyện một tác phẩm văn học sau khi đã phát hành bị cấm, bị thu hồi là chuyện không phải là quá đặc biệt. Tại Việt Nam cũng đã từng có nhiều trường hợp như vậy. Và mới đây nhất là trường hợp của tác phẩm văn học có tên là "Mối chúa", tác giả Đăng Khấu (tên thật Tạ Viết Đăng), do Nhà xuất bản Hội nhà văn liên kết với Công ty Văn hoá và Truyền thông Nhã Nam xuất bản. Chuyện gì đã xảy ra và vì sao?

Bìa tác phẩm Mối chúa đã phát hành nhưng nay bị "đình chỉ để thẩm định nội dung, có ý kiến của cơ quan chủ quản"

Sau khi sách đã phát hành và nộp lưu chiểu, ngày 13/9/2017, Cục xuất bản, in và phát hành (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) đã có công văn số 914/CXBIPH-QLXB gửi Nhà xuất bản Hội nhà văn, yêu cầu "Đình chỉ phát hành cuốn sách "Mối chúa" để thẩm định nội dung, có ý kiến của cơ quan chủ quản".

Công văn 914. Nguồn: facebook Đỗ Trung Quân

Vậy vì sao Mối chúa bị đình chỉ phát hành?

Chúng ta biết rằng mối là một giống côn trùng độc hại đáng ghét, chuyên phá hoại những thành quả tốt đẹp của con người. Khi con người tốn bao công sức làm nhà, làm giường, tủ, ... thì bọn mối âm thầm ngày đêm đục khoét, ăn gỗ từ bên trong. Chỉ một thời gian ngắn, những ngôi nhà, vật dụng quý giá có thể bị hư hỏng, thậm chí cả căn nhà có thể bị sụp đổ vì mối.

Mối thường sống theo từng bầy có khi lên tới hàng vạn, hàng triệu con. Trong mỗi hang mối luôn có một con mối chúa, có thể xem như một ông vua. Con mối chúa này hàng ngày nằm ềnh ra để đám mối thợ, mối lính đem thức ăn về nuôi béo, phát phì mà không làm gì cả. Mối chúa hầu như cả đời chỉ nằm trong hang, không đi ra ngoài để thấy được trời cao đất rộng thế nào. Về mặt sinh học, các nhà khoa học đã nghiên cứu và thấy rằng con mối chúa có một loại sữa đặc biệt nào đó, khiến cho cả đàn mối trở nên u mê, lú lẫn, suốt ngày hùng hục đi làm chỉ để cung phụng cho con mối chúa. Muốn diệt một hang mối độc hại, cách tốt nhất là diệt ngay con mối chúa.

Nói một cách tóm gọn, giống mối và mối chúa cần bị diệt trừ vĩnh viễn trên trái đất này. Vì đây là một giống có hại, không có gì hay ho, tốt đẹp cho con người.

Vậy tại sao tác phẩm lại có tên là "Mối Chúa" và điều đó ám chỉ điều gì? Để biết rõ vấn đề này, chúng ta hãy cùng điểm qua nội dung nêu tại công văn số 914/CXBIPH-QLXB, và thấy như sau:

Qua kiểm tra của Cục xuất bản, in và phát hành cho thấy như sau (nguyên văn):

- Nội dung tác phẩm phản ánh những vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện nay. Tác giả đã vạch trần những bất công, tiêu cực trong xã hội.

- Tuy nhiên, các nhân vật trong tác phẩm từ thấp đến cao đều đen tối, vô vọng, đau đớn.

- Qua lời kể của các nhân vật, hiện lên những thế lực hắc ám, một xã hội hầu như được chỉ huy bởi những kẻ ngu dốt, tham lam, thủ đoạn. Toàn bộ hệ thống bộ máy chính quyền bộ lộ sự tàn nhẫn, vô đạo, đàn áp nông dân, giết hại lẫn nhau, giết người chống đối chỉ vì tiền.

- Một số chi tiết được mô tả có phần giễu nhại sâu cay, miêu tả tiêu cực có phần tô đậm và có tính khái quát khiến hiện thực trở nên đen tối, u ám.

- Các trang viết về chính quyền chính quyền cưỡng chế nông dân trong việc thực hiện các dự án được miêu tả một cách cường điệu, coi như hai lực lượng thù địch, chính quyền đàn áp như một trận đánh được chuẩn bị kỹ lưỡng từ vũ khí đến lực lượng bí mật.


Do tác phẩm đã bị đình chỉ xuất bản, nên có lẽ mọi người, trong đó có tôi, khó có cơ hội thẩm định đánh giá ý kiến của Cục như trên là đúng hay sai. Tuy nhiên nếu đúng nội dung như vậy, thì theo tôi nghĩ tác phẩm bị cấm là đúng rồi. Dễ hiểu mà.

Vì nói chung chúng ta đang sống trong một xã hội tốt đẹp, "chưa bao giờ được như hiện nay" - lời ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Còn về con người hả, hầu như toàn bộ cán bộ lãnh đạo cấp cao trong xã hội đều là người có bằng cấp cao, nhiều vị là tiến sỹ, giáo sư - nên không thể khái quát là "ngu dốt, tham lam, thủ đoạn" như trong Mối chúa được. Nếu nói vậy, hoá ra là bằng cấp giả, học giả hết sao?

Còn những chuyện như nêu trong sách, tuy có thể là dựa vào một vài sự kiện có thật (như vụ Tiên Lãng (Hải Phòng), Đồng Tâm (Hà Nội) ...vv), nhưng cũng chỉ là cá biệt, mà đã giải quyết tốt đẹp. Qua báo chí chính thống, thì chính quyền đều đã khẳng định làm đúng pháp luật, tôn trọng người dân, có kết luận thanh tra rõ ràng ... Nên cũng không thể khái quát chính quyền và người dân là hai lực lượng "thù địch" nhau được.

Nhân chuyện đình bản cuốn Mối chúa này, làm tôi nhớ đến trường hợp tác phẩm văn học Cánh đồng bất tận của nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư (khi ấy) phát hành khoảng năm 1997 ở Cà Mau, một tỉnh Nam bộ. 

Khi đó, tác giả Nguyễn Ngọc Tư bị lãnh đạo Hội nhà văn địa phương phê phán rất kịch liệt, thậm chí bị quy chụp về chính trị, nhận thức ...vv, vì các vị ấy cho rằng nội dung cuốn sách quá đen tối, u ám, không phản ánh đúng bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Nhưng may thay ngay khi ấy có nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng toàn quốc lên tiếng bênh vực, thậm chí khen ngợi Nguyễn Ngọc Tư. Nên Cánh đồng bất tận vẫn được xuất bản, rồi tái bản rất nhiều lần. Nguyễn Ngọc Tư trở thành một nhà văn nổi tiếng, với những truyện ngắn ăn khách, tinh tế, yêu thương người nông dân, những thân phận nghèo khó, yếu thế ... Nhưng cái khác là Cánh đồng bất tận không chỉ đích danh, trực diện vào cán bộ, chính quyền như Mối chúa.

Qua sự việc này, cho thấy giới sáng tác, nhà văn có thể gặp khó khăn trong xuất bản nếu viết những tác phẩm nhìn xã hội quá u ám, đen tối.

Trước năm 1945, nền văn học nước nhà có một dòng văn học gọi là "hiện thực phê phán", nêu những vấn đề có thật trong xã hội và phê phán, lên án chính quyền thực dân phong kiến rất mạnh mẽ. Chẳng hạn như các các phẩm Chị Dậu của Ngô Tất Tố, Chí Phèo của Nam Cao, Vợ Nhặt của Kim Lân, ...vv. Chẳng hạn câu kết của tác phẩm Chị Dậu là "Chị vùng chạy ra ngoài giữa lúc trời tối đen như mực, đen như cái tiền đồ của chị vậy!". Đây đều là những tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa, rất hay. Nhưng dòng văn học ấy có lẽ đã trở thành quá khứ, lịch sử. Vì ngày nay tất cả mọi mặt trong đời sống xã hội, bao gồm cả văn hoá, văn học nghệ thuật, ...vv đều phải do đảng lãnh đạo, định hướng. Không thể đi chệch định hướng được.

Để kết thúc, nói thật là tôi vẫn chỉ có một thắc mắc: vì sao tác giả lại đặt tên tác phẩm là "Mối Chúa"? Và không biết con "mối chúa" ấy là con nào nhỉ? Hay là ai nhỉ? 
........

Bài liên quan:



------------------------------------

Khải Mông
23/09/2017

Tiểu thuyết Mối chúa của Đãng Khấu (nghĩa là quét giặc cướp, bút danh khác của Tạ Duy Anh) được đình chỉ phát hành (nghe nói ở Đinh Lễ vẫn có sách. Chắc sẽ bán chạy lắm đây!). Cục Xuất bản đã tóm tắt nội dung giúp độc giả, có ghi chú những trang quan trọng, đáng chú ý, ai chưa mua sách có thể xem ở đây:

Nhân tiện mời đọc đoạn văn sau đây của Tạ Duy Anh:

CHỊ DẬU VÀ CỤ KÌNH
Tạ Duy Anh
Để khất thuế, giọng chị Dậu, con mẹ nhà quê, mới thảm thương, bi thiết làm sao. Có cảm giác bảo chị làm con chó liếm chân cho quan, chắc chắn chị cũng sẽ liếm, chỉ cốt sao chồng chị đang đau ốm không bị bắt, bị trói có thể dẫn đến chết. Mà nếu chẳng may anh Dậu chết vì đòn, thì với cái đám quan lại ngu, đểu và tham còn hơn chó ấy, làm sao vạch được trời mà kêu oan.
- Cháu van ông, nhà cháu vừa mới tỉnh được một lúc, ông tha cho.
- Tha này, tha này!
Vừa nói hắn vừa bịch luôn vào ngực chị Dậu mấy bịch, rồi lại sấn đến trói anh Dậu.
Hình như tức quá, không thể chịu được, chị Dậu liền cự lại:
- Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ.
Cai lệ tát vào mặt chị cái bốp, rồi hắn cứ nhảy vào cạnh anh Dậu, chị Dậu nghiến hai hàm răng:
- Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem!
Sau đó chị Dậu vùng lên, người đàn bà hiền lành, nhân hậu nhất trần gian này trong phút chốc trở thành một con hổ dữ, sẵn sàng nuốt sống kẻ đã bức bách mình quá đáng.
Giờ, sau hơn bảy mươi năm, giả dụ thay chị Dậu vào cụ Kình, anh Dậu thay bằng con trai cụ Kình, thì đoạn đối thoại sau đây và đoạn đối thoại ở trên có khác gì nhau:
Cụ Kình:
- Thưa các quan trên, con nay đã tám mươi, đã sắp xuống lỗ, chả tính làm gì, nhưng van các quan, con cháu chúng con ngày ngày vẫn cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, trông lên là trời xanh, trông xuống là vài mảnh ruộng may mà được tổ tiên để lại. Quả là chúng con mà không còn đất thì chẳng biết sống bằng gì? Các quan nhà nào cũng tiền rừng bạc bể, nứt đố nổ vách, con cái đều được ăn học tại những trường tốt nhất, chả thiếu thứ gì, mà các quan vẫn còn phải cắm mặt bòn vét ngày ngày. Vậy mà chúng con trăm khoản đều trông vào tí đất. Mỗi năm các loại thuế phí kín đặc cả mấy trang giấy khổ to. Đói, rét lắm các quan ạ. Xin các quan nới tay mà tha cho bách tính Đồng Tâm chúng con.
Quan trên các loại:
- Tha là tha thế nào? Đất là của Nhà nước. Nay Nhà nước thu hồi. Có giao đất không thì bảo? Lại còn đặt điều vu vạ, y chang luận điệu của thế lực thù địch. Gô cổ thằng già lại!
Cụ Kình bị bẻ tay, vặn cổ áp giải lên xe. Cái thân già da cóc xương khớp đều lỏng lẻo, chả biết có rời ra không. Tận mắt thấy vậy, thằng con trai cụ mới đuổi theo xe, đòi lại bố.
- Thả bố tôi ra! Thả bố tôi ra! Tôi van các ông, bố tôi như chuối chín cây, chạm mạnh là rụng…
Vừa gào thét, van xin, hắn vừa cố bám vào xe, làm huyên náo cả những người đi đường.
- Thả này! Thả này!
Những cú đấm, đạp, vụt tới tấp nện lên toàn thân anh ta. Bấy giờ “Hình như tức quá, không thể chịu được” anh ta mới hét lên”:
- Bố tao già ốm, chúng mày không được phép hành hạ.
Nhưng cụ Kình vẫn bị đưa đi trong bộ dạng của một người tàn tạ, giữa một rừng súng ống. Thằng con cụ xót bố (chỉ những thằng vô loài mới không xót bố trong trường hợp ấy), chỉ tay với theo:
- Chúng mày tống giam ngay bố tao đi, tao cho chúng mày xem!
Thế là anh ta chạy về làng, hô hào anh em con cháu, bà con lối xóm quyết chí vùng lên đòi đất, đòi người, dù biết rõ, y như anh Dậu biết và khuyên vợ “người ta đánh mình không sao, mình đánh người ta thì mình phải tù phải tội”.
Không phải vô cớ mà người ta gọi những loại như chị Dậu và cụ Kình là dân đen. Vì thời nào họ cũng trần trùi trụi và chỉ biết dựa vào Giời. May mà chưa khi nào Giời quay lưng lại với họ.
Thắng dân là dễ nhất vì họ chẳng có gì trong tay, nhưng từ cổ chí kim, đã có ai thắng được Giời.
La Khắc Hòa

Cục Xuất bản, in và phát hành rất có nghề, chỉ mươi dòng đã khái quát được hết nội dung chính của "Mối chúa". Cũng chỉ qua mươi dòng đó, bạn đọc sẽ thấy hai câu thơ "Dùng ngọn bút làm đòn xoay chế độ - Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền" của ông Sóng Hồng vẫn vẹn nguyên giá trị.
Bauxite Việt Nam

--------------------

Đại diện Nhà xuất bản Hội Nhà văn xác nhận với Tuổi Trẻ Onlline đã nhận được văn bản yêu cầu đình chỉ phát hành cuốn sách "Mối chúa" để thẩm định nội dung, có ý kiến của cơ quan chủ quản. Văn bản nói trên mang số 914/CXBIPH-QLXB do ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin - truyền thông) - kí cũng yêu cầu sau khi thẩm định phải báo cáo kết quả về cục trước ngày 29-9-2017.

Cục Xuất bản, in và phát hành nêu rõ ý kiến về cuốn sách này như sau: "Nội dung cuốn sách phản ánh những vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện nay. Qua đó, tác giả đã vạch trần những tiêu cực và bất công trong xã hội. Tuy nhiên, phần lớn các nhân vật trong tác phẩm từ thấp đến cao đều đen tối, vô vọng, đau đớn. Qua lời kể của các nhân vật, hiện lên những thế lực hắc ám, một xã hội hầu như được chỉ huy bởi những kẻ ngu dốt, tham lam, thủ đoạn. Toàn bộ hệ thống bộ máy chính quyền bộc lộ sự tàn nhẫn, vô đạo, đàn áp nông dân, giết hại lẫn nhau, giết người chống đối chỉ vì tiền. Một số chi tiết được viết với giọng điệu giễu nhại sâu cay, miêu tả tiêu cực có phần tô đậm và có tính khái quát khiến cho hiện thực trở nên đen tối, u ám (trang 38, 43, 74, 129, 140, 141, 158, 161, 173, 198, 251…). Các trang viết về chính quyền cưỡng chế nông dân trong việc thực hiện các dự án được miêu tả một cách cường điệu, coi đó như hai lực lượng thù địch, chính quyền đàn áp như một trận đánh được chuẩn bị kĩ lưỡng từ vũ khí đến lực lượng bí mật (trang 113, 115, 124, 167, 168, 207, 209, 220, 248…)".

"Mối chúa" là cuốn tiểu thuyết mới ra đời của nhà văn Tạ Duy Anh, bằng một bút danh mới toe: Đãng Khấu, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn liên kết cùng Công ty Văn hóa và truyền thông Nhã Nam xuất bản. Nội dung cuốn sách tái hiện những vấn đề nóng bỏng của xã hội đương thời: công nghiệp hóa và sự tan vỡ của nông thôn, hình ảnh những bố già quyền lực, thế lực bóng tối, lòng tham và sự bất chấp pháp luật, đạo lí, thân phận của những người nông dân thấp cổ bé họng… Tiểu thuyết "Mối chúa" còn dành nhiều trang tìm kiếm li kì nhân vật quyền lực đứng đằng sau tất cả các dự án động trời, các hợp đồng béo bở...

K.M

Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 11:50 










No comments:

Post a Comment

View My Stats