Saturday, 30 September 2017

TỔNG THỐNG TRUMP SẼ LÀM NƯỚC MỸ VĨ ĐẠI TRỞ LẠI ? (Huệ Vũ - Viễn Đông Daily)




Huệ Vũ
Friday, 29/09/2017 - 10:00:30

Nền kinh tế Hoa Kỳ đã tiếp tục tốt đẹp sau khi Tổng Thống Donald Trump lên nhậm chức. Theo phúc trình của Bộ Lao Động, mức thất nghiệp trong tháng 8, 2017 là 4.4%. Và theo phúc trình của Bộ Thương Mại, Tổng Sản Lượng Quốc Nội (Gross Domestic Product, GDP) trong đệ nhị tam cá nguyệt (Quarter 2 hay Q2) tăng 1.2% so với Q1, tổng lợi tức quốc nội (Gross Domestic Income, GDI) tăng 2.9% so với 2.7% trong Q trước. GDP trong Q3 sẽ phải giảm xuống vì sau các trận bão Harvey, Irma và Maria nhiều hoạt động kinh tế bị ngưng trệ. Có thể Q4 sẽ tốt hơn nhờ các hoạt động sửa chữa hư hại nhà cửa, xe cộ, đường sá, cầu cống, điện lực...

Tổng Thống Donald Trump có thể danh chính ngôn thuận nhận công (take credit) đối với nền kinh tế đang tiếp tục tăng trưởng và mức thất nghiệp suy giảm trong năm nay. Tuy nhiên, chính phủ Trump chưa thực sự làm điều gì lớn lao để giúp cho nền kinh tế tiến triển thuận lợi như vậy. Nó chỉ là ảnh hưởng còn kéo dài từ thời Tổng Thống Barrack Obama.

Nêu lên các con số thống kê, chúng tôi muốn được lập lại rằng, các con số thống kê kinh tế Hoa Kỳ, dù là chính phủ Dân Chủ hay Cộng Hòa, không có chính phủ nào có thể đưa ra những con số láo (lie), mị dân như mới đây chúng tôi thấy có vài người viết bài nói rằng chính phủ Obama là chính phủ mị dân, lừa dối... làm cho nền kinh tế suy sụp, nhưng lại đưa ra những con số lạc quan!

Hệ thống thống kê Hoa Kỳ không tập trung vào một cơ quan trung ương như nhiều nước, phân tán xuống các bộ, như thống kê sản lượng quốc gia GDP, tiêu thụ cá nhân, lợi tức các công ty... là chức trách của BEA (Bureau of Economic Analysis) thuộc Bộ Thương Mại; Phúc trình mức thất nghiệp là chức trách của BLS, Bureau of Labor Statistics, thuộc Bộ Lao Động; Phúc trình nông nghiệp là chức trách của NASS, National Agricultural Statistics Service, thuộc Bộ Nông Nghiệp v.v..

Hệ thống thống kê của Hoa Kỳ phân tán cho trên 10 cơ quan khác nhau, có nhiệm vụ phúc trình các lãnh vực khác nhau với nguyên tắc là điều phối, phối hợp và cộng tác (Coordination, Cooperation, and Collaboration) giữa các cơ quan và các tiểu bang. Các con số thống kê không phải lúc nào cũng hoàn toàn chính xác vì lúc đưa ra bản phúc trình có nhiều dữ liệu (data) chưa thu nhận kịp. 

Tuy nhiên, các bản phúc trình kinh tế của Hoa Kỳ, dù hành pháp là Cộng Hòa hay Dân Chủ đều là những con số không ai có thể thao túng, bóp méo. Hoa Kỳ là quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới, Hoa Kỳ nóng hay lạnh đều được các nước khác trên thế giới, các cơ quan quốc tế như WTO, IMF, World Bank. Các cơ quan đánh giá như S&P, Moody theo dõi từng li từng tí, cho nên không có chính phủ liên bang nào có thể thao túng số liệu!

Tổng Thống Donald Trump kết thúc bài diễn văn của ông về luật thuế mới tại hội nghị của National Association of Manufacturers (Hội Sản Xuất Quốc Gia) tại khách sạn Mandarin Oriental Hotel ở Hoa Thịnh Đốn ngày thứ Sáu, 29 tháng 9, 2017. (Shawn Thew-Pool/Getty Images)

Phải chăng khi chúng tôi nói: “Chính phủ Trump hiện đang thừa hưởng trớn kinh tế lành mạnh của chính phủ tiền nhiệm, chưa làm gì lớn lao cả” là chúng tôi muốn đánh phá TT Trump? Với một người Việt, viết bài tiếng Việt, dùng thì giờ để đả phá cho hay tới đâu thì phe không ưa Trump cũng chẳng hiểu để khen thưởng, viết báo nâng bi Trump hay tới đâu, thì Trump cũng chẳng đọc, cũng chẳng khen! Viết báo tiếng Việt là phục vụ độc giả người Việt, nên chỉ trình bày những gì mình dành thì giờ theo dõi, và nhận xét của mình. Nhận xét có thể đúng, có thể sai.

Tại sao chúng tôi có thể nói rằng chính phủ Trump chưa thực sự làm gì cho nền kinh tế?
Thứ nhất: Chính phủ Tổng Thống Trump từ khi nhậm chức đến nay vẫn còn sử dụng ngân sách năm 2017 (FY 2017). Ngân sách mới FY 2018 đã được quốc hội thông qua, nhưng còn cần phải thương lượng giữa quốc hội, thượng viện và chính phủ mới kết thúc được con số cuối cùng.

Thứ nhì: TT Trump đã rút khỏi hiệp ước TPP, nhưng hiệp ước này chưa được quốc hội phê chuẩn, cho nên không tạo ảnh hưởng gì, lợi hay hại cho nền kinh tế. Hiệp ước NAFTA thì đại diện Hoa Kỳ, Canada, Mexico hiện còn đang tái thương lượng.

Thứ ba: Các sắc lệnh (executive order) liên quan tới kinh tế của TT Trump chưa có sắc lệnh nào được thi hành trong thời gian gần đây. TT Trump tự hào là vị tổng thống ký nhiều sắc lệnh nhất để thực hiện lời hứa khi tranh cử. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi không thể nêu hết các sắc lệnh của TT Trump về an ninh, di dân, môi trường, chỉ nêu lên vài sắc lệnh quan trọng có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế.

- Ngay sau khi nhậm chức, ngày 20-1-2017, TT Trump ký sắc lệnh làm giảm gánh nặng kinh tế của Patient Protection and Affordable Care Act, nhưng từ đó tới nay ObamaCare vẫn còn hiệu lực, dự luật Graham-Cassidy nhằm bãi bỏ và thay thế Obamacare, đã bị Thượng viện bác bỏ.

- Ngày 25-1, TT Trump ký sắc lệnh chỉ thị xây bức tường biên giới Mexico và thuê 5,000 nhân viên an ninh tuần phòng, nhưng sắc lệnh này chưa thể thi hành vì chưa có ngân sách.

- Ngày 28-3, TT Trump ký sắc lệnh Promoting Energy Independent and Economic Growth, sắc lệnh này chỉ thị các cơ quan duyệt xét trong vòng thời gian 180 ngày (6 tháng) rồi báo cáo, nghĩa là chưa ảnh hưởng gì tới các nguồn năng lượng từ dầu, dầu khí, than đá, năng lượng nguyên tử...

- Ngày 31-3, TT Trump chỉ thị Bộ Thương Mại phân tích và làm bản phúc trình về các nguyên nhân làm Hoa Kỳ khiếm ngạch mậu dịch (trade deficit) và trong vòng 90 ngày báo cáo cho Tòa Bạch Ốc để tìm cách giải quyết..nghĩa là vấn đề này còn đang tìm cách.

- Ngày 21-4, ký sắc lệnh chỉ thị Bộ Trưởng Tài Chánh Steve Mnuchin duyệt xét lại qui luật thuế và báo cáo trong vòng thời gian 150 ngày (5 tháng) để chính phủ làm nhẹ gánh nặng thuế khóa. Cho tới ngày 27/9 chính phủ mới công bố một phần chính sách thuế mới.

- Ngày 25-4, TT ký sắc lệnh Cổ Võ Nông Nghiệp (Promoting Agriculture...) chỉ thị Bộ Trưởng Sonny Perdue đưa ra những chọn lựa, xác định chính sách và phúc trình cho tổng thống trong vòng thời gian 180 ngày (6 tháng), như vậy cuối tháng 10 Bộ Trưởng Perdue mới trình những chọn lựa cho Tổng thống.

- Ngày 21-7, TT ký sắc lệnh chỉ thị Bộ Trưởng Quốc Phòng và các cơ quan liên hệ đánh giá lại nền kỹ nghệ quốc phòng và hệ thống cung cấp nguyên liệu trong vòng thời gian 270 ngày (9 tháng) để chính phủ đưa ra cách kiện toàn nền kỹ nghệ quốc phòng. Nghĩa là chưa có cải cách nào cả.

Một điểm cần nêu ra là trong tháng 5, 2017, chính phủ Trump ký hiệp ước bán vũ khí cho Saudi Arabia trị giá $450 tỷ mỹ kim trong thời gian 10 năm là một hiệp ước có thể tạo thêm công ăn việc làm, nhưng mọi hiệp ước bán vũ khí cho nước ngoài còn phải cần quốc hội phê chuẩn theo Arms Export Control Act. Hiệp ước mới ký trong tháng 5, nên chưa thể tạo công ăn việc làm cho Hoa Kỳ.

Trong đầu tháng 6, chính phủ thông báo chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện kiểm soát không lưu trị giá $200 tỷ, nhưng lại chưa có chương trình chi tiết nào và từ tháng 6 đến nay chưa bắt đầu điều gì.

Tóm lại, nền kinh tế Hoa Kỳ đã tiến triển tốt trong thời gian từ ngày TT Trump nhậm chức cho tới nay, nhưng ông ta chưa thực sự làm điều gì lớn!

Chủ trương kinh tế của TT Trump được gọi là MAGAnomics hay Trumponomics, gồm các điểm chính là tăng quan thuế biểu, cắt giảm thuế, bãi bỏ Obamacare, bảo vệ mậu dịch, hủy bỏ hay thương lượng lại các hiệp ước tự do mậu dịch, giảm khiếm ngạch ngân sách và công nợ.

Hiện giờ chính phủ Trump đang vận động để thông qua luật thuế lợi tức mới, giảm từ bảy bậc thuế xuống còn ba bậc là 12%, 25% và 35%, nhưng với số lợi tức nào để lọt vào ba bậc thuế trên thì chưa cho biết rõ.

Theo bài diễn văn của TT Trump ở Indianapolis ngày 27/4 vừa qua, một người có lợi tức $12 ngàn/năm và cặp vợ chồng $24 ngàn/năm sẽ không phải đóng thuế đồng nào. Qua bài diễn văn, luật thuế mới sẽ được giản dị hóa, không nhiều mắc gút, ai cũng có thể khai trên một trang giấy duy nhất, không cần phải nhờ các văn phòng khai thuế.

Có lẽ bài diễn văn của TT Trump ở Indianapolis là bài diễn văn tạo nên vui mừng rất lớn cho người có lợi tức thấp và lợi tức rất cao. Theo bài diễn văn của TT Trump, một cặp vợ chồng có bốn con với lợi tức dưới $90 ngàn/năm sẽ tiết kiệm được $1,000. Mức thuế đối với các công ty cũng giảm từ 35% xuống còn 20%. Luật thuế mới cũng sẽ loại bỏ thuế bất động sản liên bang (federal estate tax). Theo TT Trump, mức thuế mới sẽ lôi cuốn các công ty ngoại quốc đến Hoa Kỳ đầu tư hay các công ty Hoa Kỳ đang hoạt động ở hải ngoại dời cơ sở về nước tạo công ăn việc làm cho công nhân Hoa Kỳ. Theo ước tính của các nhà kinh tế, luật thuế mới sẽ làm cho thu nhập quốc gia mất gần $5,000 tỷ trong vòng 10 năm.

Tổng Thống Trump thừa hưởng nền kinh tế đang tiến triển tốt của chính phủ tiền nhiệm, nhưng cũng thừa hưởng số tiền công nợ lên trên $20 ngàn tỷ. Tổng Thống Obama có thể nói là vị tổng thống tiêu tiền nhiều nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Sau tám năm cầm quyền đã làm công nợ tăng lên gấp đôi. Tuy nhiên, các sử gia Hoa Kỳ đã dành cho ông ta một chỗ đứng rất cao, thứ 12 trong danh sách từ giỏi đến dở của 43 vị tổng thống Hoa Kỳ.

Nguyên nhân Tổng Thống Obama trở thành tổng thống đắt tiền nhất vì khi ông ta lên nhậm chức đã phải thừa hưởng hai cuộc chiến tranh: Afghanistan và Iraq. Chiến tranh sau đó tiếp tục lan tràn ở Trung Đông và Hoa Kỳ không thể không can thiệp. Tổng Thống Obama cũng lên cầm quyền trong lúc nền kinh tế thế giới lâm vào tình trạng đại khủng hoảng (great depression) 2008-2009, chính phủ phải tung tiền cứu nguy lãnh vực ngân hàng, kỹ nghệ sản xuất xe hơi. Quyết định tung tiền cứu nguy cuộc khủng hoảng của Tổng Thống Obama và quốc hội đã làm cho nền kinh tế vươn lên trở lại.

Vào cuối năm 2009, nạn thất nghiệp từ 10.2% xuống còn 10%, kinh tế tăng trưởng 2%. Để tiếp tục kích cầu nền kinh tế, vào tháng 12 năm 2010, Tổng Thống Obama và quốc hội đồng ý chương trình giảm thuế $858 tỷ. Chính sách kích cầu giảm thuế, giảm lãi xuất đã làm cho TT Obama trở thành một trong ba vị tổng thống tạo nhiều công ăn việc làm nhất trong lịch sử, sau TT Bill Clinton và TT Ronald Reagan.

Từ năm 2010 tới hết nhiệm kỳ, TT Obama đã tạo được gần 12 triệu công ăn việc làm. Số người có công ăn việc làm vào các tháng cuối nhiệm kỳ vẫn tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, làm cho nền kinh tế vươn lên từ khủng hoảng, tạo công ăn việc làm, suốt thời gian 8 năm của TT Obama, năm nào ngân sách cũng bị khiếm ngạch. Dù con số giảm dần, khiếm ngạch trong năm 2010 là 1300 tỷ, khiếm ngạch năm 2017 là $441 tỷ. Chúng ta có thể tin rằng chính sách giảm thuế của Tổng thống Trump cũng sẽ kích thích nền kinh tế, nhưng giảm thuế quá lớn chính phủ sẽ không thể làm giảm khiếm ngạch và giảm tiền nợ đang cao hơn GDP, mà còn làm tăng khiếm ngạch và công nợ. 

Thuế công ty ở Hoa Kỳ cao hơn nhiều so với nhiều nước, cắt giảm cũng là điều cần thiết cho sự phát triển. Giảm thuế công ty xuống còn 20% là một quyết định lớn, sẽ làm cho tiền thu trong năm của chính phủ giảm rất lớn, nhưng có lôi cuốn đầu tư ngoại quốc qua Hoa Kỳ đầu tư, hay làm cho các công ty Hoa Kỳ đang đầu tư ở hải ngoại dời cơ sở về Hoa Kỳ để tạo công ăn việc làm lại là chuyện trường kỳ và nó sẽ còn tùy thuộc vào mức lương công nhân cùng nhiều điều kiện khác như không khí ngoại giao, ngoại thương, tình trạng xuất cảng, giá nguyên vật liệu, v.v..

Lương công nhân ở Hoa Kỳ cao hơn nhiều so với các nước. Được giảm thuế, các cổ đông, chủ nhân công ty sẽ chia được nhiều tiền lời hơn, nhưng họ có hoàn toàn dùng tiền đó để phát triển công ty, thu dụng thêm công nhân hay không lại cũng là một việc khác nữa. Theo nhiều nhà kinh tế, chủ nhân, cổ đông khi được chia tiền nhiều hơn sẽ có khuynh hướng đầu tư cá nhân như mua chứng khoán, bất động sản, không đổ tiền ra phát triển công ty nếu sản phẩm hay thị trường sản phẩm không có sự thay đổi quan trọng.

Tăng quan thuế là một trong những điểm chính của MAGAnomics, nhưng điều này có nguy cơ sẽ tạo nên cuộc chiến thương mại với các nước, bạn lẫn thù. Cuộc trưng cầu dân ý ở Anh ngày 23-6-2016, cử tri Anh đã bỏ phiếu ra khỏi Liên Âu, các cuộc đàm phán ra khỏi Liên Âu đang còn tiếp tục, Thủ Tướng Theresa May hy vọng Hoa Kỳ sẽ là nước giúp Anh quốc vượt qua những khó khăn sau khi rời khỏi Liên Âu, nhưng chủ trương bảo vệ mậu dịch của TT Trump đã làm Anh thất vọng. Chủ tịch đảng Dân Chủ Tự Do Vince Cable nói rằng, Thủ Tướng May phải đoàn kết với Thủ Tướng Trudeau của Canada chống lại chính sách bảo vệ và học thuyết “Người Mỹ Trên Hết” của TT Trump.

Nam Hàn là đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ trong việc đối đầu với Bắc Hàn, nhưng hai bên cũng đang tranh chấp thương mại, Tổng Thống Trump đe dọa xét lại hiệp ước tự do mậu dịch với Hán Thành. Chủ trương bảo vệ mậu dịch của Tổng Thống Trump sẽ làm cho mức sống người dân tăng lên, bảo vệ công ăn viêc làm của người dân hay không cũng là một dấu hỏi lớn.

Khi Hoa Kỳ tăng quan thuế đối với hàng hóa nhập cảng, hàng hóa giá rẻ ở Hoa Kỳ sẽ lên giá, người dân có số tiền tiết kiệm từ giảm thuế, nhưng giá hàng tăng, thì sẽ làm cho mức sống không cải thiện bao nhiêu. Hoa Kỳ nâng quan thuế, thì các nước nhập cảng hàng hóa của Hoa Kỳ chắc chắn cũng sẽ tăng quan thuế trả đũa, có thể làm cho Hoa Kỳ giảm mức xuất cảng. Theo hai nhà kinh tế David Tuerck và Paul Bachma của trường Đại Học Suffolk ở Boston, chủ trương tăng quan thuế của TT Trump sẽ làm cho một gia đình người Mỹ trung bình phải tăng thêm chi tiêu ít nhất $2,000/năm. Xuất cảng của Hoa Kỳ qua ba nước Trung Cộng, Nhật và Mexico sẽ giảm 78%, nhưng nếu ba nước này trả đũa thì sẽ tệ hại hơn rất nhiều.

Toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới là khuynh hướng hiện nay, các khối kinh tế, tự do mậu dịch đã và đang thành lập khắp nơi trên thế giới, Hoa Kỳ là siêu cường kinh tế, lại quay trở về chính sách bảo vệ mậu dịch có phải là sự sáng suốt, sẽ đem lại hiệu quả tốt hay không, có lẽ cuối năm 2018 sẽ có câu trả lời sơ khởi.

Ngay sau khi lên làm Tổng Thống, Trump ký sắc lệnh rút khỏi hiệp ước TPP, hiệp ước này là sáng kiến của chính phủ Obama nhằm ngăn chận sự bành trướng ảnh hưởng kinh tế của Trung Cộng ở Tây Thái Bình Dương và cũng sẽ đem lại lợi ích kinh tế rất lớn cho Hoa Kỳ. Theo nghiên cứu của Peterson Institute for International Economics, nếu TPP được phê chuẩn, lợi tức của Hoa Kỳ tăng ròng được trên $77 tỷ vào năm 2025, nền kinh tế của các nước trong hiệp ước tăng thêm $259 tỷ.

Nhiều nhà kinh tế đã cho rằng TPP là đòn bẩy, một chiến lược lớn cho Châu Á Thái Bình Dương, một Chương Trình Marshall thế kỷ 21. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) nhận định TPP có thể giúp phát triển nền kinh tế toàn cầu. Bà Christine Lagarde đã đặt nhiều tin tưởng đối với TPP: "… building on the recent TPP agreement, we can restart the stalling engine of global trade. These upgrades will make the global economy more resilient against the increased uncertainty that we face now."

Chủ Tịch Fred Hochberg của ExIm Bank Hoa Kỳ đã nói tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới ở Tân Đề Li năm ngoái rằng, “Thất bại TPP sẽ là thất bại của Hoa Kỳ, chiến thắng của Trung Cộng.” (TPP failure will be USs loss, China Gain.”

Để đối phó với TPP, Bắc Kinh đã vận động thành lập khối tự do thương mại RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership), thành lập Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Á Châu –AIIB (Asian Infrastructure Investment Bank), vận động cho sáng kiến OBOR (One Belt, One Route) còn được gọi là sáng kiến Con Đường Tơ Lụa Mới để mở rộng ảnh hưởng kinh tế của họ. Rõ rệt quyết định rút khỏi TPP, TT Trump đã tạo cơ hội “bất chiến tự nhiên thành” cho RCEP, cho AIIB, cho OBOR, cho Bắc Kinh.

Hiện giờ chính phủ Trump bắt đầu thực hiện chủ thuyết kinh tế MAGAnomics hay Trumponomics. Là người dân Hoa Kỳ, mọi người đều mong cầu quan điểm “cách mạng” của TT Trump sẽ làm Hoa Kỳ Vĩ Đại Trở Lại- American Great Again. Nhưng nếu những chủ trương trái chiều như thế giới đang chạy đua phát triển năng lượng sạch, ông ta quay lại khai thác than đá, chủ trương American First sẽ làm mất dần bạn bè, thay vì lãnh đạo thế giới hướng tới tự do thương mại lại tự cô lập v.v.. mà không làm American Great Again, chắc chắn sẽ làm American Sick Again. Và sẽ bệnh rất nặng. (hv)

Huệ Vũ






No comments:

Post a Comment

View My Stats