Tuesday, 2 June 2015

Sự suy xét lại toàn diện của Mỹ về Trung Quốc (David Feith - Wall Street Journal)





David Feith  -  Wall Street Journal    28-05-2015
Người dịch: Trần văn Minh
Posted by adminbasam on 02/06/2015

Washington có thể vất bỏ chiến lược hội nhập sử dụng trong 45 năm qua

Tham vọng của Bắc Kinh thống trị một trong những thủy lộ quan trọng nhất thế giới là Biển Đông, một lần nữa trở thành điểm chú ý khi Mỹ và các nhà lãnh đạo Á châu tụ họp về cuộc Đối thoại Shangri-La, hội nghị thượng đỉnh an ninh Á châu. Cuộc họp năm ngoái xảy ra khi Trung Quốc đang khoan dầu ở vùng biển Việt Nam và bắn pháo nước vào các tàu thuyền cản đường của họ. Năm nay Trung Quốc đang xây dựng căn cứ quân sự trên 2.000 mẫu đất nhân tạo mà họ đã bồi đắp lên trên các rạn san hô và đá do các nước láng giềng tuyên bố chủ quyền.

Nhưng một chuyện lớn đã xảy ra. Hành vi từ trước đến giờ của Trung Quốc đã đưa đến sự thay đổi trong tư duy chiến lược của Mỹ. Tiến trình từng bước của Bắc Kinh theo kiểu “tằm ăn dâu” để kiểm soát hàng hải có thể đã đi quá xa, dẫn đến lập trường quan điểm cứng rắn hơn trong số các quan chức, các chuyên gia chính sách, các nhà lãnh đạo kinh doanh và cử tri. Sự cứu xét này có thể định hình an ninh toàn cầu trong nhiều thập niên tới.

***

Bắt đầu với Tổng thống Barack Obama, đang chuẩn bị đón tiếp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến viếng thăm cấp nhà nước vào tháng 9, theo sau chuyến đi của ông tới Bắc Kinh năm ngoái, bao gồm việc ký kết một hiệp ước môi trường được ca ngợi (nhưng không có chế tài). Dự đoán chuyến thăm của ông Tập sẽ tập trung vào các lĩnh vực hợp tác, nhưng ngay cả ở cấp tổng thống sự việc này chỉ làm mát một chút.

Tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của họ hai năm trước, ông Obama có vẻ chấp nhận khẩu hiệu của ông Tập rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc nên theo đuổi “một mô hình mới về quan hệ giữa các cường quốc”. Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice cam kết cuối năm đó để “thực nghiệm hóa” khái niệm của Bắc Kinh, ngay cả khi khái niệm này ngày càng có vẻ giống như một đòi hỏi để thích nghi với một thế giới ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Á. Một lần nữa ông Obama nói về sự “tiếp tục củng cố và xây dựng một mô hình quan hệ mới” vào tháng 3 năm 2014, nhưng ông đã mau chóng ngừng sử dụng cụm từ – một sự thay đổi được ghi nhận ở Bắc Kinh – nơi mà sự thành hình quan hệ chính thức như vậy mang tầm quan trọng đáng kể.

Quan hệ giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc cũng vì thế hạ nhiệt sau một khoảng thời gian ấm áp mà đỉnh điểm là việc Trung Quốc tìm kiếm và nhận được lời mời đến cuộc Tập trận Hải quân Đa phương Vành đai Thái Bình Dương do Hoa Kỳ lãnh đạo (Rimpac) lớn nhất thế giới, vào năm 2014. Đô đốc hải quân Mỹ, Jonathan Greenert, được biết là đã trở nên rất gần gũi với người đồng nhiệm phía Trung Quốc, Đô đốc Wu Shengli, đến nỗi một số quan chức Ngũ Giác Đài đề cập đến bộ đôi bằng từ ghép “Wunert.”

Tuy nhiên, một ước muốn lớn của hai đô đốc – để đưa hàng không mẫu hạm USS George Washington đến một cảng của Trung Quốc, có lẽ Thượng Hải, để nhân viên hải quân Trung Quốc tham quan – đã bị Ngũ Giác Đài hủy bỏ, ít nhất là tạm thời, vào tháng 1. Các quan chức Mỹ từng nói rằng Trung Quốc trước tiên phải ký kết một số quy tắc về xử lý các cuộc tiếp cận ngoài ý muốn giữa các máy bay quân sự. Các quy định như vậy có thể phòng ngừa máy bay chiến đấu của Trung Quốc hoạt động bay lượn nguy hiểm trong vòng 50 feet của chiếc máy bay do thám của Mỹ trong không phận quốc tế ngoài khơi bờ biển của Trung Quốc tháng 8 năm ngoái.

Hải quân Mỹ cho biết Trung Quốc đã tôn trọng các quy định ký kết năm ngoái liên quan đến các cuộc tiếp cận ngoài ý muốn trên biển. Nhưng các quan chức vẫn còn khiếu nại về việc Trung Quốc từ chối mở đường thông tin đáng tin cậy và giải thích các hành động gây mất ổn định như việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo với mục tiêu quân sự – điều mà Đô đốc hạm đội Thái Bình Dương mới của Mỹ, Harry Harris, gọi là “vạn lý trường thành cát”. Nhân viên của Quốc hội và những người khác ở Washington hy vọng quân đội Trung Quốc sẽ không được mời vào cuộc tập trận Rimpac kế tiếp.

Nên nhớ rằng tất cả những điều này, từ một chính quyền hầu như không buồn đối đầu với các đối thủ ngoại quốc của Mỹ. Nhưng trong việc chuyển đổi lập trường đối với Trung Quốc, Washington giống như một chỉ số tụt hậu. Thăm dò dư luận từ Pew cho thấy chỉ có 35% người Mỹ xem Trung Quốc là thuận lợi trong năm qua, giảm từ một nửa vào năm 2011 (Có hơn 80% người Nhật, Việt Nam, Hàn Quốc, và hơn 90% người Philippines lo sợ tranh chấp lãnh thổ sẽ dẫn đến xung đột vũ trang).

Ngay cả Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, đại diện cho các công ty mà từ lâu từng ủng hộ Bắc Kinh mạnh mẽ nhất ở Washington, nhận thấy, 60% thành viên của họ than phiền năm ngoái rằng các điều kiện ở Trung Quốc đang ngày càng tồi tệ cho các doanh nghiệp ngoại quốc. IBM và nhiều công ty khác tiếp tục mở rộng đầu tư ở Trung Quốc, nhưng có lẽ có một giới hạn về số lượng trộm cắp sở hữu trí tuệ mà các công ty Mỹ chịu đựng được, đó là chưa nói tới những người Mỹ mà hệ thống lưới điện, đường ống dẫn khí đốt và email, tất cả đều là nạn nhân của các cuộc tấn công tin học không ngừng của Trung Quốc .

Lời kêu gọi rõ ràng nhất để xem xét lại chính sách Trung Quốc đến từ một bài nghiên cứu của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) gần đây do nhà cựu ngoại giao Mỹ Robert Blackwill và Ashley Tellis biên soạn. Họ viết, sự mong đợi sau bốn thập niên của sự hội nhập Mỹ-Trung đã được chứng minh không thể vận hành được: Trung Quốc không quan tâm đến việc trở thành một “thành viên có trách nhiệm” trong bất kỳ trật tự thế giới tự do nào do Mỹ dẫn đầu, chấm hết! Bắc Kinh muốn kết thúc sự thắng thế của Mỹ ở khu vực Đông Á, một mục tiêu sẽ gây nguy hiểm cho các lợi ích của Mỹ trong vấn đề thương mại tự do, không phổ biến vũ khí hạt nhân, hòa bình và ổn định.

Họ viết, Trung Quốc không phải kẻ thù và chính sách “vây bọc” không thích hợp, nhưng do thận trọng đòi hỏi, phải cố gắng để “hạn chế khả năng Trung Quốc lạm dụng sức mạnh ngày càng tăng của họ”. Vì vậy, thực hiện chính sách “xoay trục” của Obama – di chuyển lực lượng quân sự qua Á châu, hoàn tất Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương – nhưng cũng cần làm nhiều hơn. Họ nói rằng: Loại bỏ mức trần ngân sách cho quốc phòng, duy trì cân bằng hạt nhân, đẩy mạnh phòng thủ tên lửa, mở rộng hợp tác với các đối tác khu vực, nhấn mạnh về tự do hàng hải. Hơn nữa: Thắt chặt giới hạn về chuyển giao công nghệ cho các khách hàng Trung Quốc và thậm chí theo đuổi chính sách “đánh thuế đồng loạt trên mọi hàng hóa Trung Quốc” để trả lời cho việc ăn cắp tin học.

***

Trong bối cảnh này, sự thách thức Trung Quốc vượt xa chuyện xây đảo đang cấp thời gây rất nhiều chú ý. Nhưng khi các đại biểu gặp nhau tại Đối thoại Shangri-La, các nước láng giềng Trung Quốc và các quan chức hàng đầu của Mỹ lên tiếng báo động. Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter cho biết hôm thứ Tư, “Không nên hiểu sai về điều này. Hoa Kỳ sẽ bay, hải hành và hoạt động bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, như chúng tôi làm trên toàn thế giới”.

Phát biểu hùng hồn như thế cho thấy, xuất phát từ một sự đồng thuận hoàn toàn của Washington rằng Trung Quốc đã tự tuyên bố là một đối thủ chiến lược thực sự. Đối xử với Trung Quốc như thế sẽ kéo theo những rủi ro và cơ hội mà các nhà lãnh đạo và cử tri Mỹ chỉ mới bắt đầu suy ngẫm. Nguy cơ là rất lớn, đại diện cho một sự thay đổi chiến lược chưa từng có trong tay chỉ một năm trước đây, hoặc cho cả thời gian 45 năm qua.

Ông Feith là là biên tập viên cho trang bình luận của tờ The Wall Street Journal ở Hồng Kông.







No comments:

Post a Comment

View My Stats