Saturday, 27 June 2015

Đảo nhân tạo: Mỹ cứng rắn, TQ lại thêm chiêu bài (Nguyễn Hồng Thao & Trương Minh Huy Vũ)





PGS.TS. Nguyễn Hồng Thao  &  TS. Trương Minh Huy Vũ
27/06/2015 02:00 GMT+7

Tiếp vận hay hỗ trợ nhân đạo không tạo ra chủ quyền, nhất là khi đó chỉ là những mục tiêu lồng ghép để củng cố các căn cứ quân sự, hợp pháp hóa thực trạng chiếm đóng và quản lý trái phép.


Lặp lại chiêu bài “chuyện đã rồi”

Dùng “dân sự hóa” để che giấu các mục tiêu quân sự, và dùng lực lượng quân sự để hỗ trợ các hoạt động dân sự (như gần đây nhất là sử dụng các thuyền bè dân sự vào mục đích hải quân) là sự kết hợp trong chiến lược “tằm ăn dâu” của TQ tại biển Đông. Sự kết hợp này có bước tiến, bước lùi, và phục vụ cho các mục tiêu sách lược - chiến lược theo từng giai đoạn.
Khi xu hướng “quân sự hóa” cần tốn thêm khoảng thời gian hoàn tất và đang bị phản đối liên tục, cũng như tạo ra các động thái cứng rắn từ Mỹ, Nhật Bản và các nước đồng minh, thì “cung ứng nhân đạo tạo chủ quyền” là bước đi sắp tới của TQ tại biển Đông. Động thái chính là TQ sẽ biến 7 đảo nhân tạo đang xây thành một loại hàng hóa công (public goods) cho các tàu bè đi lại trong khu vực sử dụng với mục đích “nhân đạo”.

Các phát ngôn viên và quan chức TQ thời gian qua đã nhiều lần đưa ra các thông điệp sẵn sàng biến các đảo nhân tạo trên biển Đông thành các cơ sở hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn và hỗ trợ nhân đạo. Ngày 9/4, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh đã nêu rõ chi tiết các công trình xây dựng đảo nhân tạo, chứng minh “dân sự” là mục đích chính. Gần đây nhất, ngày 16/6, phát ngôn viên bộ Ngoại giao TQ Lục Khảng nhấn mạnh, các đảo nhân tạo là nhằm đáp ứng các “nhu cầu dân sự” như tìm kiếm cứu hộ trên biển, ngăn ngừa thảm họa, nghiên cứu khoa học, quan sát khí tượng an toàn hàng hải và dịch vụ ngư nghiệp.

Tuy xác nhận rằng các công trình xây đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa cũng nhằm mục đích quốc phòng, nhưng cho tới nay TQ không tiết lộ bất cứ điều gì về các chi tiết quân sự hóa các đảo nhân tạo. Vị khách mời đầu tiên của TQ là Hoa Kỳ đã cương quyết từ chối bắt tay với “thịnh tình” này của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, TQ vẫn nuôi hy vọng hiện thực hóa ý định đó khi biển Đông đang chuẩn bị bước vào mùa bão. Những cơ sở hạ tầng này – với một góc nhìn tổng quát - đang có nhiều ưu thế hơn so với các đảo lân cận. Chẳng hạn như ở Chữ Thập, cầu cảng, âu tàu cửa vào rộng khoảng 260m, chiều rộng lớn nhất khoảng 630m đã được hoàn tất xong. Ngọn hải đăng ở đá Châu Viên cao 50m, tầm chiếu sáng 20 hải lý, kết hợp cùng bãi đậu trực thăng, cầu tàu và đê chắn sóng.

Hay như ở Gạc Ma, địa điểm TQ đánh chiếm của Việt Nam năm 1988, đê chắn sóng được tăng cường xung quanh toàn bộ đảo. Có hai bãi đỗ tàu tự động và một cầu tàu ở phía Tây Bắc. Giống như ở Châu Viên, ngọn hải đăng ở Gạc Ma cũng có chiều cao khoảng 50m, tầm chiếu sáng 20 hải lý.

Những tàu bè gặp nạn hoặc cần tránh bão trên vùng biển gần Trường Sa có thể hướng đến những ngọn hải đăng và bến cảng neo đậu của TQ. Sự khốc liệt của các cơn bão trên Biển Đông sẽ buộc họ phải bảo vệ tính mạng và của cải.

“Cung ứng nhân đạo tạo chủ quyền” được tính toán sẽ đem lại nhiều cái lợi cho TQ. Một, nó giúp xoa dịu dư luận, đưa trở lại hình ảnh “cổ đông có trách nhiệm” của khu vực của cường quốc mới nổi, nhất là khi tập trung vào các hoạt động cứu trợ, cứu nạn trên biển. Hai là khẳng định tiếp tục thông điệp “dân sự hóa” 7 đảo nhân tạo mà phía  TQ đã thúc đẩy từ khi các hình ảnh vệ tinh được công bố rõ ràng hơn. Khẳng định xu hướng “dân sự hóa” là cách thức phản bác các ý định can thiệp của “bên thứ ba” là có ý độ “quốc tế hóa” hay “quân sự hóa” khu vực tranh chấp tại Trường Sa.

Nhưng quan trọng hơn, TQ đang kéo các nước vào quá trình “công nhận thực trạng mới” trên Trường Sa. Các tàu thuyền sẽ chính thức sử dụng những cơ sở trên đảo nhân tạo làm nơi trú ẩn khi có bão. Những chuỗi sự việc này sẽ vô hình trung thừa nhận sự hiện diện của TQ như một chủ thể quản lý và cung cấp hỗ trợ cho thuyền viên của các quốc gia gặp nạn. Đây là sự lặp lại của chiêu bài tạo thành một “chuyện đã rồi” (de facto) và kêu gọi sự công nhận thực trạng mới.

Đá Chữ Thập của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm và cải tạo đất, xây thành đảo nhân tạo.Ảnh: CSIS/ IHS Jane’s

Hỗ trợ nhân đạo không tạo ra chủ quyền

“Cung ứng nhân đạo tạo chủ quyền” hay sử dụng các chiêu bài dân sự lồng ghép các mục đích chủ quyền - kiểm soát quân sự và kết hợp với các chương trình nhân đạo quốc tế để phục vụ mục đích chủ quyền không mới. Năm 1932, TQ đăng ký ngầm với Tổ chức Khí tượng để họ đặt các trạm khí tượng trên Hoàng Sa phục vụ công tác nghiên cứu chung, dù lúc đó họ chưa nắm được các đảo.

Hiện nay chiêu này được dùng lại để giảm bớt sự căng thẳng từ cộng đồng về một  TQ hung hăng. Năm 1988, TQ từng sử dụng lý do thiết lập các trạm quan sát khí tượng theo chương trình của Tổ chức Hải dương quốc tế để biện minh cho hoạt động đánh chiếm 7 bãi đá ngầm của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa.

Tuy vậy, thực chất đằng sau các tính toán này chính là một chính sách phân biệt, hòa hoãn với nước lớn, cứng rắn ăn hiếp nước nhỏ. Vụ thương thuyết với Philippines xung quanh bãi đá Vành Khăn là một minh chứng. TQ từng xoa dịu Philippines sẽ biến đó thành một căn cứ hậu cần nghề cá, trợ giúp để hai bên dùng cho việc khai thác chung. Nhưng sau đó thì ở đây các dãy nhà kiên cố của TQ được mọc lên, cùng với nó là những công trình phục vụ cho quân sự.

Ngày 24/6/2015, Đối thoại Trung - Mỹ đã thông qua Nghị quyết ủng hộ đề xuất của TQ về thành lập một trung tâm tư vấn và cảnh báo các cơn bão trong Biển Đông nằm trong hệ thống các trung tâm cảnh báo và giảm thiểu bão Thái Bình dương đã được Nhóm điều phối Tổ chức quốc tế Hải dương UNESCO thông qua. Trung tâm này sẽ chia sẻ các thông tin với các nước trong khu vực Thái Bình dương, bao gồm cả Mỹ và các nước ở Biển Đông. Cùng thời điểm đó, trên biển, TQ tiếp tục xua đuổi các tàu thuyền ngư dân Việt Nam và Philippines. Nhân đạo nhuốm màu chính trị!

Những nghĩa vụ quốc tế đầu tiên của một cường quốc có trách nhiệm là đảm bảo trật tự được vận hành bằng luật - thể chế, trợ giúp người dân trong các trường hợp khẩn cấp thiên tai và ngăn ngừa xu hướng dùng vũ lực để cưỡng chiếm lãnh thổ của các nước láng giềng. Nhưng những gì đang diễn ra ở biển Đông lại cho thấy điều ngược lại. Với mục đích sử dụng “cung ứng nhân đạo” như một chiêu bài, chắc chắn TQ vận động các tổ chức quốc tế chuyên môn và công luận quốc tế hợp pháp hóa “mục tiêu dân sự và nhân đạo” của 7 đảo nhân tạo đang xây cất thành hình.

Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế chuyên môn vận hành theo nguyên tắc trung thành với các điều lệ của mình, không thừa nhận một hoạt động hợp tác khoa học có thể mang lại chủ quyền gây tranh cãi cho một bên.

Trước những động thái của TQ, các nước ASEAN có liên quan, và đặc biệt là Việt Nam phải phản đối quyết liệt tới cùng. Phản đối này cần được thực hiện bằng nhiều hình thức, và qua tất cả các kênh: cả về ngoại giao, lẫn công luận quốc tế, cả qua các kênh chính thức, lẫn bán chính thức, qua tương tác với các tổ chức khoa học và xã hội…

Tiếp vận hay hỗ trợ nhân đạo không tạo ra chủ quyền, nhất là khi đó chỉ là những mục tiêu lồng ghép để củng cố các căn cứ quân sự, hợp pháp hóa thực trạng chiếm đóng và quản lý trái phép.

Đồng tác giả:
- PGS.TS. Nguyễn Hồng Thao, Học viện Ngoại giao Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội
TS. Trương Minh Huy Vũ, Trung tâm nghiên cứu quốc tế -SCIS, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM

* Bài viết thuộc bản quyền của chuyên trang Tuần Việt Nam, báo VietNamNet, đề nghị các báo không sao chép.

-----------------------------
XEM THÊM :
Mỹ so sánh Trung Quốc ở Biển Đông với Nga ở Ukraine: U.S. compares China's South China Sea moves to Russia's in Ukraine (Reuters 26-6-15)




No comments:

Post a Comment

View My Stats