Tuesday 30 June 2015

Một Tuần Lễ Vĩ Đại Cho TT Obama (Vũ Linh - Việt Báo)





30/06/2015

Tuần vừa qua có lẽ là tuần lễ vĩ đại thứ ba trong cuộc đời chính trị của TT Obama, sau hai cái tuần lễ đầu tháng Mười Một năm 2008 và 2012, sau khi ông đắc cử và tái đắc cử tổng thống.

Tối Cao Pháp Viện thụ lý hai vụ thưa kiện quan trọng liên quan đến chính sách của TT Obama, và trong cả hai vụ, đều có quyết định theo hướng của TT Obama. Quyết định thứ nhất liên quan đến Obamacare, mà nếu TCPV chống lại, sẽ đưa đến việc Obamacare đóng cửa tiệm. Quyết định thứ hai liên quan đến hôn nhân đồng tính mà nếu không thuận lợi sẽ làm mấy anh cấp tiến buồn năm phút, nhưng không có hại gì to lớn. Ta thử xét lại hai chuyện này.

Trước hết, bàn về Obamacare.

Trong luật Obamacare được viết bởi cả ngàn chuyên gia, công chức và cố vấn, có ghi những người với mức lợi tức thấp, dưới một mức nào đó, sẽ được Nhà Nước trợ cấp tiền để đóng bảo phí cho bảo hiểm sức khỏe, nếu họ mua bảo hiểm qua Obamacare, tức là qua các trung tâm phối hợp do liên bang hay tiểu bang thiết lập.

Nhưng lạ lùng thay, cái luật cũng ghi là thiên hạ sẽ được trợ cấp khi mua Obamacare qua các trung tâm phối hợp của tiểu bang thôi. Trên toàn quốc hiện nay, có 26 tiểu bang không chấp nhận thành lập trung tâm phối hợp, do đó, nếu muốn mua Obamacare thì phải mua qua trung tâm phối hợp của liên bang. Có nghiã là trên nguyên tắc, những người mua qua trung tâm liên bang sẽ không nhận được trợ cấp, trong khi thực tế Nhà Nước liên bang đã trợ cấp cho tất cả mọi người đủ điều kiện, bất kể mua bảo hiểm ở đâu.

Một số những người chống Obamacare đã thưa kiện ra tòa, cho rằng Nhà Nước liên bang làm chuyện phi pháp, cấp trợ cấp cho cả những người mua bảo hiểm qua liên bang, trái với điều lệ ghi rõ trong luật do quốc hội thông qua và TT Obama ký.

Nhà Nước Obama cãi lại, cho rằng đây chỉ là vấn đề sơ xuất kỹ thuật, không quan trọng. Nhưng vấn đề trở thành rắc rối hơn khi một ông giáo sư –Jonathan Gruber- giúp việc thảo luật Obamacare lại công khai tuyên bố luật Obamacare đã được viết ra một cách lươn lẹo, úp mở, cố tình lừa gạt đám dân ngu, thì mới có hy vọng được chấp nhận và quốc hội thông qua. Nôm na ra, theo ông giáo sư này thì những người ủng hộ Obamacare chỉ là đám “ngu” –stupid, danh từ của ông Gruber- bị mắc lừa thôi.

Vấn đề ở đây cực kỳ nghiêm trọng. Nếu TCPV chấp nhận đây là vi phạm luật, thì Obamacare muốn tồn tại phải sửa đổi. Mà sửa đổi thì chắc chắn sẽ không được khi Cộng Hoà kiểm soát cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện. Mà không sửa đổi thì trợ cấp của gần một chục triệu người sẽ bị cắt, và dĩ nhiên, Obamacare sẽ xập tiệm, phải bị thu hồi.

Cuối cùng, TCPV quyết định đây chỉ là sai lầm kỹ thuật, và cả Hành Pháp lẫn Lập Pháp khi thông qua Obamacare đều có ý định trợ cấp cho tất cả những người lợi tức thấp, việc mua ở đâu chỉ là chuyện thủ tục hành chánh. Quyết định được sự hậu thuẫn của cả bốn vị thẩm phán cấp tiến, nhưng cũng được hậu thuẫn của hai vị thẩm phán tương đối bảo thủ do TT Reagan và Bush con bổ nhiệm.

Ở đây phải nói ngay, quyết định của TCPV không có gì đáng ngạc nhiên. Một bộ luật quan trọng như Obamacare không thể bị thu hồi hay hủy bỏ bởi một sơ xuất kỹ thuật nhỏ. Cả chục triệu người không thể bị mất trợ cấp vì một sai lầm của mấy ông công chức vừa ngáp vừa viết luật, bất kể ông Gruber phát ngôn bừa bãi đến đâu. Dĩ nhiên đây là cơ hội chính đáng để đóng cửa tiệm Obamacare, nhưng những vị thẩm phán TCPV suy tính thấu đáo hơn vậy.

Quyết định của TCPV dĩ nhiên là một tin mừng vĩ đại cho TT Obama, bảo đảm gia tài lớn nhất của ông sẽ tồn tại vĩnh viễn bất kể những luộm thuộm. Phải nói là vĩnh viễn, vì cho dù năm 2016, đảng Cộng Hoà có vào được Nhà Trắng và vẫn kiểm soát lưỡng viện thì cũng khó có thể thu hồi Obamacare. Cùng lắm chỉ có thể sửa đổi nhiều ít. Cả chục triệu người đã mua Obamacare, không ai có thể lấy lại được. Nhất là khi Cộng Hoà hiển nhiên chưa có gì cụ thể để thay thế Obamacare.

Luật Obamacare, cũng như tất cả các luật khác, không thể nào xấu hay tốt cho 100% thiên hạ. Dĩ nhiên sẽ có người được lợi, có người bị thiệt. Những người được lợi có quyền ăn mừng, những người bị thiệt có quyền buồn ít nhiều, nhưng chẳng có thể làm gì để thay đổi được.

Tóm lại, bỏ qua yếu tố nhân đạo và cảm tính, thuần túy trên phương diện kinh tế gia đình, Obamacare sẽ

- Có hại chút đỉnh cho những người già lãnh Medicare vì sẽ phải đóng nhiều tiền hơn tuy không bao nhiêu,

- Có hại lớn cho đại đa số dân trung lưu và giới trẻ là hai giới sẽ chịu phần lớn gánh nặng tài chánh của Obamacare,

- Có lợi lớn cho Nhà Nước vì không còn ai không có bảo hiểm và Nhà Nước sẽ khỏi phải lo cho những người đó,

- Có lợi lớn hơn nữa cho những người đang bệnh nặng không mua được bảo hiểm,

- Có lợi cho giới trung lưu thấp được trợ cấp,

- Nhưng không ảnh hưởng gì nhiều cho giới đại gia dư tiền mua đủ loại bảo hiểm và giới nghèo đã nhận được Medicaid.

Nạn nhân chính là giới trung lưu, cũng là khối đại đa số dân Mỹ, vì vậy mà Obamacare cho đến giờ vẫn bị hơn 55% dân Mỹ chống đối.

Ủng hộ hay chống đối tùy thuộc hoàn cảnh cá nhân, có lợi hay bị thiệt. Nếu như bị thiệt thòi từ đời mình đến đời con cháu mà vẫn nhắm mắt tung hô mừng rỡ, hay ngược lại, được lợi cả đời cha lẫn con mà vẫn nhắm mắt chống, thì chỉ phản ánh một cảm tính phe đảng mù quáng.

Nói chung, đại đa số thiên hạ sẽ thấy chi phí y tế cao hơn, thời gian lấy hẹn bác sĩ lâu hơn, và thời gian ngồi đợi trong phòng mạch sẽ thừa thời giờ đọc hết năm tờ báo từ trang đầu đến trang cuối.

Trên phương diện kinh tế tổng quát, Obamacare sẽ có ảnh hưởng bất lợi khiến cho việc giảm thất nghiệp trở nên khó khăn hơn, tăng trưởng kinh tế trì trệ thêm. Nhưng dĩ nhiên đó không phải là những ưu tiên của TT Obama và khối cấp tiến, vì họ đã dành mọi ưu tiên không phải cho tăng trưởng kinh tế, mà cho “công bằng xã hội”, tái phân phối lợi tức theo mô thức xã hội chủ nghiã.

Quan điểm của kẻ viết này đã được trình bày rất rõ từ ngay năm 2013, trong bài “Chuyện dài Obamacare” ngày 3/11/2013, trong đó có đoạn sau:

“Tóm lại, kẻ viết này hoàn toàn hoan nghênh hai mục tiêu [y tế toàn dân và giảm chi phí] mà TT Obama đề ra trong luật cải tổ y tế. Điều mà tôi không ủng hộ là:

1. Tất cả đều có cái giá phải trả. TT Obama đáng lẽ ra đã phải nói sự thật cho dân và có đủ can đảm để giải thích cho dân là muốn đạt mục tiêu cao đẹp đó thì mọi người sẽ phải trả một giá rất đắt. Trong khi đó, ông lại khăng khăng hứa hẹn chi phí y tế sẽ giảm, mọi người đều có thể giữ bảo hiểm và bác sĩ cũ của mình, không ai bị mất bảo hiểm, không có gì thay đổi....

2. Những thay đổi quá lớn qua cải tổ cần phải được áp dụng qua một thời gian dài, chẳng hạn 10 năm, cho nước Mỹ có thời gian thu nhận thêm ba chục triệu người vào hệ thống y tế, có thời giờ để mở thêm nhà thương, huấn luyện thêm bác sĩ, chế thêm thuốc. Vấn đề là TT Obama muốn làm cho gấp rút để cải cách được thực hiện trọn vẹn trong hai nhiệm kỳ của ông.…

3. Bất chấp bối cảnh kinh tế cũng là một sai lầm cực lớn. Nước Mỹ đang còn trong giai đoạn kinh tế hết sức yếu ớt, với thâm thủng ngân sách thật lớn, công nợ ngút ngàn, thất nghiệp tràn lan. Cải cách y tế của TT Obama sẽ trầm trọng hoá tất cả những vấn đề này. Lúc này không phải là lúc thực hiện cải tổ y tế rất tốn kém này.

Obamacare là việc tốt, cần làm, nhưng cách làm hoàn toàn sai trật đưa đến nhiều nguy hại lớn trong tương lai, khiến y tế Mỹ sẽ đắt hơn mà phẩm chất lại xuống cấp nhiều. Đảng Cộng Hoà sai lầm khi khăng khăng chống phá Obamacare...”.

Bây giờ ta bàn qua chuyện hôn nhân đồng tính

TCPV quyết định hôn nhân đồng tính là hợp Hiến Pháp Hoa Kỳ, và tất cả 50 tiểu bang đều phải chấp nhận hôn nhân đồng tính. Quyết định này được 4 vị thẩm phán cấp tiến ủng hộ, thêm một phiếu của TP Anthony Kennedy, do TT Reagan bổ nhiệm. Ông Kennedy cho đến nay đã luôn luôn chứng tỏ là lá phiếu quyết định cuối cùng khi trong TCPV có bốn vị cấp tiến và bốn vị bảo thủ.

Quyết định này cũng không có gì đáng ngạc nhiên, vì hai lý do.

Lý do đầu, người có tiếng nói quyết định là TP Kennedy, nhưng trong vụ hôn nhân đồng tính, ông đã nhiều lần công khai bày tỏ quan điểm thân thiện với chuyện đồng tính từ lâu rồi. Lá phiếu của ông là chuyện tất nhiên.

Lý do thứ hai bao quát hơn. Chuyện đồng tính đã trở thành một xu hướng thời thượng, biểu tượng cho một biến đổi có tính văn hoá tổng quát, mang màu sắc bình đẳng nhân quyền, không còn là chuyện tình dục tầm thường nữa.

Sau quyết định của TCPV, TT Obama đã tuyên bố đây là “thắng lợi cho nước Mỹ”. Tuy có vẻ khiêm nhượng, nhưng sự thật là vậy. Đây không phải là thắng lợi của cá nhân TT Obama mà là thắng lợi của một xu hướng thời đại của cả nước.

Ta không nên quên rằng chỉ mới cách đây không lâu, năm 2008, cả hai ứng viên tổng thống chính của đảng Dân Chủ, bà Hillary Clinton, và TNS Barack Obama, đều công khai bác bỏ hôn nhân đồng tính khi họ định nghiã hôn nhân là một sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà.

Nhưng ảnh hưởng ngày một lớn mạnh của khối đồng tính, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của giới trí thức trẻ đã ép cả hai người phải... thức thời vận vì không tránh né được nữa.

Năm 2012, khi tranh cử tổng thống lần thứ hai, TT Obama đã bị áp lực rất nặng của khối này cũng như của khối cấp tiến cực đoan bất mãn về chuyện ông vẫn tiếp tục cuộc chiến tại Afghanistan và Trung đông qua các vụ tập kích bằng máy bay không người lái, cũng như chưa đóng cửa nhà tù Guantanamo. Do đó, để xoa dịu khối cấp tiến cũng như để kiếm phiếu khối đồng tính và giới trẻ, ông đã quẹo về hướng họ, thay đổi quan điểm và chấp nhận hôn nhân đồng tính.

Ở đây, phải nói cho chính xác là TT Obama quả nhiên đã... lãnh đạo từ phiá sau lưng giới trẻ và khối đồng tính. Và thành quả này chính là thành quả của cuộc “tranh đấu” của họ từ hơn hai chục năm nay, tuyệt đối không phải là thành quả của TT Obama, cho dù ông sẽ không bỏ qua cơ hội kể công. Phải nói là giới trẻ và khối đồng tính đã chiến thắng được cả TT Obama và bà Hillary, ép họ phải chấp nhận hôn nhân đồng tính trước khi TCPV chấp nhận.

Quyết định của TCPV đánh dấu một khúc quanh lịch sử về văn hoá và xã hội, nhưng không có tác động gì lớn lắm trên phương diện cụ thể. Theo những tài liệu của các tổ chức đồng tính, hiện nay trên nước Mỹ có khoảng gần hai triệu người đồng tính, không bao nhiêu so với khối 320 triệu dân Mỹ.

xxx

Nhìn vào hai quyết định mới nhất của TCPV, ta thấy rõ cả hai đều mang nặng màu sắc chính trị, không còn là thuần tuý pháp lý, dựa trên Hiến Pháp nữa. Nói cách khác, TCPV đã biến thể, trở thành một tổ chức bị chính trị chi phối ngày càng mạnh. Hầu hết các quyết định của TCPV gần như đều có thể tiên đoán trước phần nào khi lá phiếu của 8 người đều bị chi phối bởi quan điểm chính trị, với 4 vị cấp tiến và 4 vị bảo thủ. Chỉ có một vị sàng qua sàng lại khó đoán trước và là tiếng nói quyết định.

Như vậy mới thấy rõ vai trò càng ngày quan trọng của việc bầu tổng thống. Bầu một vị bảo thủ hay cấp tiến sẽ đưa đến việc bổ nhiệm thẩm phán bảo thủ hay cấp tiến cho đến mãn đời, từ đó có thể thay đổi hướng đi toàn xã hội. Các thẩm phán không còn là những người chỉ nhắm mắt áp dụng luật lệ và Hiến Pháp, mà đã thành những người có thể định hướng tiến của xã hội, tùy theo cách họ diễn giải Hiến Pháp.

Nhìn chung về TT Obama, phải công nhận dưới triều đại của ông, nước Mỹ đã chuyển hướng mạnh qua phiá tả.

Năm xưa TT Obama đã tuyên bố ông thán phục TT Reagan vì TT Reagan đã để lại dấu ấn lớn trong xã hội Mỹ khi ông chuyển hướng cả nước về phiá bảo thủ, biến cái danh từ “cấp tiến” –liberal- thành một thứ ngáo ộp ai cũng tránh né. Ý định của TT Obama là muốn theo gương TT Reagan, để lại ấn tượng lớn trong xã hội Mỹ, nhưng trong chiều hướng đối nghịch. Có nghiã là ông sẽ cố phục hồi tư tưởng cấp tiến, đánh bại tư tưởng bảo thủ của TT Reagan.

Người ta có thể đặt câu hỏi TT Obama đã chuyển hướng xã hội Mỹ? Hay xã hội Mỹ đã chuyển hướng và TT Obama chỉ là... lãnh đạo từ sau lưng, nương theo đà tiến hoá của xã hội. Một yếu tố không thể bỏ qua: nếu xã hội Mỹ không chuyển qua hướng cấp tiến từ trước thì dĩ nhiên TT Obama đã không được bầu làm tổng thống.

Nói theo kiểu ba phải thì có lẽ xã hội đã rẽ qua phiá tả, nhờ vậy ông thiên tả Obama đắc cử, nhưng sau đó ông này cũng có công mang xã hội qua phiá tả mạnh hơn, nhanh hơn một chút nữa.

Có người so sánh tình trạng này như vận hành của quả lắc đồng hồ, lúc chạy qua cực tả, khi chạy qua cực hữu, đánh qua đánh lại. Thời bảo thủ của TT Reagan kéo dài hơn ba chục năm đã đến lúc nhường chỗ cho thời cấp tiến, có thể kéo dài một vài năm hay một vài thập niên nữa, để rồi sẽ trở lại bảo thủ thôi.

Thời đại Kennedy-Johnson là thời huy hoàng của cấp tiến. Qua đến thời Nixon thì chuyển qua bảo thủ nhưng không được bao lâu thì bị Carter kéo về cấp tiến, nhưng Carter chỉ làm tổng thống có một nhiệm kỳ. Phải đợi đến thời Reagan thì mới đúng là thời cực thịnh của tư tưởng bảo thủ, kéo dài cho tới TT Obama.

Nhìn một cách tích cực hơn, có thể nói hướng tiến tới không khác gì một người bước tới phiá trước. Chân phải tới trước, rồi tới chân trái, rồi lại qua chân phải. Có như vậy mới đi tới được. Không thể tiến tới bằng cách đi có một chân hoài trong khi chân kia bất di bất dịch. Cũng thế, nước Mỹ muốn tiến, và thực sự đã tiến xa hơn cả thế giới, chính là nhờ vào tiến trình tả-hữu-tả-hữu này.

Tiến trình kiểu đó bảo đảm sự vững mạnh của thể chế dân chủ của Mỹ và nước Mỹ sẽ còn tiến rất xa trong thời gian rất dài.

Dù vậy, những người bảo thủ vẫn cần chỉ trích cấp tiến, và những người cấp tiến vẫn cần chỉ trích bảo thủ. Để ngăn cản không cho ông bà lãnh đạo nào có thể đưa nước Mỹ về một hướng cực đoan quá xa quá lâu. Bảo đảm nước Mỹ sẽ không bao giờ có Hitler hay Xít-Ta-Lin. (28-06-15)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

---------------------------

XEM THÊM :

30/06/2015







No comments:

Post a Comment

View My Stats